VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương bảy

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương bảy

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương bảy

Yên Thế mất vào tay giặc Pháp

Gallieni phải cút về Tây

          Năm 1895, nhờ có sự hòa hoãn đó nên con đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn được hoàn thành. Xe lửa được sử dụng để chở quân nhu, quân trang cho quân đội Pháp vùng thượng du. Những chuyến xe lửa nầy đã giải quyết nhiều về công tác chính trị và kế hoạch quân sự cho Pháp. Để bảo vệ con đường sắt, Pháp đã dựng lên một chiến tuyến kiên cố từ Bố Hạ, Mỏ Trạng, Kép, Chợ Phổng và Chợ Tràng. Dân cư đến tụ tập làm ăn dọc theo tuyến đường sắt ngày một đông. Trong khi đó, sự nhượng bộ của chính phủ Pháp khiến Galliéni thêm tức tối. Khi nhận được thông tin của nhượng bộ đó, hắn đã nốc cạn một chai rượu mạnh rồi như điên, như cuồng hắn rút súng bắn một loạt trên trời xanh và không quên buột tiếng chửi thề!

       Đã từng làm nên những chiến công vang dội khi đàn áp phong trào kháng chiến ở các nước thuộc địa khác, Gallieni tự nhủ phải tiêu diệt cho bằng được Đề Thám. Hắn đích thân thị sát các vùng từ  Lạng Sơn, Cao  Bằng, Bắc Cạn xuống Thái Nguyên để tìm hiểu thực lực của nghĩa quân. Sau chuyến đi nầy, những đồn lũy của Pháp ở những nơi đó đều được xây dựng lại kiên cố hơn. Vùng biên giới Hoa-Việt cũng được đắp thêm đồn để ngăn ngừa sự hoạt động của nghĩa quân qua Tàu mua súng đạn. Chưa hết, để thực hiện chiến thuật vết dầu loang có hiệu quả, hắn tình nguyện sang Trung Hoa nhằm ngoại giao  để giải quyết hai vấn đề quan trọng: Phân định ranh giới Hoa-Việt và cùng phối hợp tiêu diệt phong trào Cần Vương. Còn về mặt chính trị thì hắn thực hiện phương châm “dùng người bản xứ trừng trị người bản xứ”. Hắn đề nghị chính phủ Pháp thuyên chuyển hết quan cai trị người Kinh về miền xuôi. Rồi đặt người Thổ, Mán, Mường, Nùng… lên nắm quyền ở vùng thượng du, trung châu. Ngoài ra, họ còn được cấp phát súng đạn và xúi giục dùng vũ khí đó đánh lại nghĩa quân.

     Vòng đai sắt của chiến thuật vết dầu loang đang từng bước siết chặt Yên Thế.

       Về phía Đề Thám, sau cuộc giảng hòa nầy, ông rút về đóng quân ở Phồn Xương. Cả Trọng, cả Rinh, Cả Huỳnh và một số tướng giỏi đều về đóng rải rác xung quanh. Bề ngoài thì ông vẫn tỏ ra trung thành với chính phủ bảo hộ, nhưng bên trong ông vẫn ngấm ngầm vạch ra một kế hoạch chống lại: Củng cố khu căn cứ địa Yên Thế. Tổ chức từng đợt đột kích ngay trong lòng địch.

          Ngày 23-3-1895, Thống Luận chỉ huy một đội nghĩa quân thiện chiến chèo thuyền qua sông đánh úp đồn Phả Lại. Trận đánh nầy đã khiến cho lũ Việt gian giật mình trước thanh thế Đề Thám. Ông bắt đầu lấy lại uy tín. Và nhất là trong những trận bắt được tù binh là người Việt thì ông thả hết. Mặc dù những thuộc hạ của ông đều muốn giết sạch sành sanh. Khi nghĩa quân hỏi ông tại sao, ông đáp:

        - Không! Họ là những người cùng giống nòi với ta. Phải thả hết lính khố đỏ. Ta không có gì cho họ ăn. Chẳng có thuốc men gì cho họ cả.

      Thống Luận hỏi lại:

       - Thưa quan lớn, họ sẽ sắp chết rồi thì cần gì ăn uống với thuốc men?

       Ông quắt mắt:

       - Tại sao vậy? Dù họ phản vua hại dân nhưng thật ra họ bị cưỡng ép phải vào lính hoặc vào lính như một nghề kiếm cơm. Thôi, ta đã quyết định thả hết!

         Những người lính xấu số nầy đều quỳ dưới chân Đề Thám.

        Những trận đánh lẻ tẻ khác vẫn cứ xảy ra. Nhưng khi Pháp đối chất thì Đề Thám chối phắt. Lúc nào ông cũng tỏ ra thân thiện với chúng. Cơ  quan cai trị của Pháp đóng ở Nhã Nam thỉnh thoảng ông vẫn cho thuộc hạ đến thăm và tặng quà. những Công sứ Bắc Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ cũng được ông tặng nhiều sản phẩm địa phương như mật ong, nhung hươu, v.v… Hành động nầy của Đề Thám càng làm Galliéni lộn ruột. Hắn nghĩ rằng, sau khi đã chiếm được Lũng Lạt thì chiến khu Yên Thế đã được đặt trong tình trạng nguy kịch. Vậy muốn đánh Yên Thế phải đánh bọc hậu từ phía Tây Bắc của Yên Thế. Đánh theo hướng đó thì vấp phải án ngữ của đồn lũy Kẻ Thượng. Chao ôi! Còn chần chờ gì nữa mà không đánh chiếm Kẻ Thượng?

         Sau khi tranh thủ được sự đồng ý của chính phủ Pháp, Gallieni chuẩn bị thực hiện ý đồ trên. Tuy nhiên hắn vẫn còn cân nhắc: Vào tháng 4.1895, là sắp bước sang mùa mưa, suối ngập lụt không thuận lợi cho việc hành quân. Hơn nữa, nếu đánh Kẻ Thượng thì liệu những vùng thuộc lãnh địa của Lương Tam Kỳ, Đề Thám sẽ cùng nổi dậy tiếp cứu? Thế thì chiến sự sẽ lan rộng khắp vùng Tây Bắc, Tây Nam thượng du! Nguy lắm! Vậy hãy để kế hoạch đánh Kẻ Thượng sang mùa thu. Chỉ mới nghĩ như thế, Galliéni cảm thấy xấu hổ. Một phần hắn sợ chính phủ Pháp để ý, một phần làm sao hắn có thể chịu nổi những lời đàm tiếu của đồng nghiệp. Tại sao một người từng tạo nên những chiến thắng chói lọi như hắn lại chùn tay trước Đề Thám? Nhục lắm! Sau nhiều đắn đo như thế, Galliéni quyết tâm đánh Kẻ Thượng với ba nguyên tắc căn bản: Đánh chớp nhoáng. Chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt. Và chỉ đánh trong phạm vi ba tổng của Kẻ Thượng. Ngày 11-4-1895 Galliéni bắt đầu tuyên chiến.

         Trong lúc đó, Đề Thám cho một đội quân hỏa tốc lên Chợ Chu gặp Lương Tam Kỳ đề nghị cùng phối hợp đánh trả lại đợt tấn công nầy. Rất tiếc, Kỳ từ chối. Lúc nầy Kỳ thật sự đầu hàng nên đứng ngoài vòng chiến đấu. không còn cách nào khác, Đề Thám cho quân chi viện kéo lên Kẻ Thượng.

       Galliéni phái trung tá Vallière đang đứng chân tại Cao Bằng chặn đánh quân chi viện. Cùng lúc đó, ba cánh quân của giặc cũng trèo núi xuyên rừng đánh ụp vào Kẻ Thượng. Những trọng pháo từ núi cao liên tục nã đạn, khạc lửa dọn đường cho giặc xung phong xốc tới. Đồn lũy của nghĩa quân bị bắn tung tóe. Xác người nằm la liệt trên chiến hào. Lửa cháy sáng rực! Nghĩa quân bỏ chạy tán loạn trước cuộc tấn công dữ dội nầy.

        Vào lúc 4 giờ sáng ngày 24-4-1895, Kẻ Thượng hoàn toàn mất vào tay giặc Pháp. Đó cũng là ngày sinh nhật của đại tá Galliéni. Một cuộc lễ ăn mừng thắng trận và mừng sinh nhật tuổi 46 của Galliéni được tổ chức ngay chiến địa. Vài ngày sau, hắn đã nhận được thư khen của Thống tướng Douchemin:

        “Quan Toàn quyền đã hân hoan với cuộc tấn công thắng lợi ở Kẻ Thượng.

          Trân trọng báo cho ông biết rằng, quan Toàn quyền đã chia vui nỗi xúc động với cơ quan trông tấn báo chí và giới công chức Pháp về thắng lợi mỹ mãn nầy.

      Những kết quả gặt hái được rất đúng với dự đoán của chúng ta. Điều nầy đã khiến cho quan Toàn quyền vô cùng cảm động và tin tưởng ở chúng ta hơn bao giờ hết.

Hà Nội 30-4-1895”

         Không để cho Galliéni tận hưởng lời chúc tụng tuyệt vời đó, ngay lúc 11 giờ khuya của ngày 30-4, nghĩa quân Đề Thám đã gây ra một vụ kinh hoàng khiến Galliéni vô cùng bối rối. Đó là lúc địa phận Bắc Ninh nằm im lìm trong bóng đêm. Mưa như trút thác lũ từ trời cao xuống đất. Trên phố chính có vài người lính khố xanh đang đi tuần. Họ đeo súng trường. Ăn mặc gọn gàng. Họ đi chậm rãi đến nhà của viên chức Pháp. Họ cẩn thận thổi tắt hết những ngọn đèn dầu lờ mờ đang cầm trên tay. Trời lạnh buốt xương. Mưa nặng hạt. Gió thổi buốt từng cơn. Những chiếc lá vật vờ trong không gian. Phố vắng teo. Không một bóng người. Đêm tối đen.

           Khi bước đến căn nhà. Họ đứng yên lặng, dường như đang trao đổi thì thầm gì đó. Năm phút sau, họ đấm mạnh tay vào cánh cửa. Tiếng động khô khốc vang lên. Lập tức, có một người quay ngược báng súng dộng mạnh vào cửa. Tiếng kính vỡ nghe nhức óc. Một người Pháp tên là Moulhaud làm ở Sở Thương chính và một người cộng sự là Verdène ngơ ngác ló đầu ra. Đúng lúc đó, hai tiếng súng nổ, đanh và gọn. Viên đạn lóe sáng vụt xuyên qua đêm tối. Hai người Pháp bị đạn ghim vào đầu. Họ gục xuống tắt thở. Tiếng súng nổ như lời kêu gọi những người hiếu kỳ từ xa chạy đến. Trong đó có sĩ quan tên Jean. Vừa hấp tấp chạy tới thì hắn cũng nhận được hai viên đạn xuyên qua ngực.

          Còi hiệu cấp cứu trỗi lên. Binh lính trong trại đổ ào ra vây các ngõ phố. Mưa vẫn nặng hạt. Đêm vẫn tối đen. Họ không tìm thấy được gì cả, ngoài những xác người vừa chết.

         Đội lính khố xanh nầy thật ra là nghĩa quân của Đề Thám, do Đốc Thu và Lĩnh Túc chỉ huy.

       Tin nầy đến tai Galliéni, hắn tức tốc về ngay Hà Nội. Hắn biết rằng, vụ khủng bố ở Bắc Ninh sẽ làm phai mờ chiến công ở Kẻ Thượng. Vì đây là chiến thắng đã có tác động đến việc thay đổi chính sách của chính phủ Pháp. Sở dĩ trước đây, Pháp chịu hòa hoãn với Đề Thám vì có những lủng củng trong nội bộ. Thống tướng Douchemin và Galliéni chủ trương bình định bằng quân sự đã không được phe hành chính ủng hộ. Khi Toàn quyền Rousseau qua thay Lanessan thì Douchemin cũng ngã về phe hành chính. Thế nhưng, từ chiến thắng Kẻ Thượng, Galliéni bắt đầu tranh thủ được Douchemin và tạo nên uy tín ban đầu với Toàn quyền mới. Do đó, khi quay về Hà Nội, đến nơi, không kịp thay binh phục còn khét mùi thuốc súng, hắn đã vội vã đến với Thống tướng Douchemin. Nốc cạn ly sâm banh do chính tay thượng cấp rót cho mình, hắn sung sướng cúi đầu:

        - Xin cám ơn phước lành của Thống tướng. Cầu Chúa phù hộ cho Ngài!

         Ông ta mỉm cười hài lòng:

       - Tôi ghi nhận tấm lòng của đại tá dành cho tôi. Hiện nay, đại tá là người hạnh phúc nhất. Tôi chúc mừng chiến thắng của đại tá đã làm lá cờ Tổ quốc chúng ta thêm vinh quang.

       Nói xong, ông ta chìa tay để Galliéni cầm lấy với nỗi hân hoan ngây ngất… Thái độ của Thống tướng đã khuyến khích hắn bày tỏ nguyện vọng của mình. Hớp thêm những giọt rượu lấp lánh dưới đáy ly, hắn nói trơn như cháo chảy:

     - Thưa Ngài, sau khi chiếm được vị trí Kẻ Thượng và Lũng Lạt thì chúng ta đã phá vỡ thế chân kiềng của Đề Thám. Ông ta không còn một chỗ dựa nào vững chắc cả. Tôi mong rằng Thống tướng ủng hộ tôi với chủ trương tấn công ngay vào Yên Thế.

        Thống tướng Douchemin không tin vào tai mình:

       - Tấn công Yên Thế ư?

        Galliéni cúi thấp đầu:

          - Thưa vâng! Nếu không thì sẽ còn nhiều vụ khủng bố khác như vừa xảy ra ở Bắc Ninh.

        Không khí trong phòng im lặng.

         Douchemin bệ vệ bước đến tấm bản đồ quân sự đang treo trên tường. Hai con mắt của ông ta xoáy vào vùng Yên Thế. Đứng trầm ngâm một lúc rồi Douchemin nói:

         - Hiện nay, trên danh nghĩa thì Đề Thám đã hòa hoãn với chúng ta. Không có gì chúng ta lại bội ước tấn công họ.

           Galliéni trả lời:

           - Thưa Ngài, đây là dịp tốt cho chúng ta nhổ tận gốc hang ổ của bọn phiến loạn. Bí quyết lớn nhất của một cuộc bình định là phải diệt cho bằng được tên cầm đầu. Tục ngữ xứ Bắc Kỳ có câu rất hay mà tôi mới nghe được: “Đánh rắn phải đánh dập đầu”. Thưa Ngài, có đúng vậy không ạ?

         Douchemin khinh khỉnh không thèm đáp. Ông ta chắp tay sau đít đi tới đi lui trong căn phòng rồi ngẩng đầu:

         - Muốn đánh Yên Thế thì kế hoạch của đại tá như thế nào?

         Galliéni đứng phắt, thẳng đơ như khúc gỗ, hắn trang nghiêm mở miệng:

         - Thưa Thống tướng, tôi xin đề nghị hai điểm. Thứ nhất, đề nghị chính phủ Pháp quyết định cho quân chủ lực thay thế toàn bộ lính khố xanh khố đỏ đang đóng ở Bố Hạ, Nhã Nam. Thứ hai, tôi xin đề nghị sáp nhập Yên Thế vào khu quân sự và đặt dưới quyền chỉ huy của chúng ta.

         Nghe đại tá nói xong, Douchemin đăm chiêu:

       - Vì danh dự nước Pháp, tôi tin rằng kế hoạch của chúng ta sẽ thành công.

       Sau cuộc gặp gỡ nầy, Galliéni bắt tay vào việc điều binh khiển tướng và cùng lúc hắn cũng gửi thư cho Đề Thám. Hắn nói toạc móng heo rằng việc thay thế quân chủ lực ở Nhã Nam và Bố Hạ là nhằm chặn đứng hành động cướp bóc xuất phát từ Yên Thế. Đề Thám giận run người. Nhưng nhờ đó mà ông biết được âm mưu của Galliéni muốn san bằng căn cứ địa cuối cùng của ông.

          Đề Thám đã đọc nội dung lá thư để Đề Cõn viết trả lời cho Galliéni. Đại khái, ông không thừa nhận những cuộc đột kích là do mình chủ trương, ngoài ra ông hứa giữ đúng những lời đã cam kết. Lá thư được gửi đi cũng là lúc ông cho xây đắp, củng cố pháo lũy trong rừng sâu. Tháng 5-1895, đám nghĩa quân ly khai với thái độ đầu hàng của Lương Tam Kỳ, hoặc những người yêu nước bị đàn áp đã đến nương nhờ vào Yên Thế. Đề Thám thu nhận hết. Nhờ thế, lực lượng của ông lúc nầy được bổ sung khá hùng hậu. Liên tiếp trong những ngày 10,13, 17 tháng 10 theo lệnh của ông, cảm tử quân đã đột kích vào đồn lính khố xanh ở Bắc Giang. Một số làng quy thuận giặc Pháp cũng bị đánh phá để cảnh cáo và tịch thu toàn bộ vũ khí đã được chúng trang bị để chống lại phong trào kháng chiến. Dân chúng ở vùng phía nam Thái Nguyên, bắc Bắc Ninh, Đáp Cầu, Tây Bắc, Phủ Lạng Thương… đều được tuyên truyền về ý thức cứu quốc và bảo vệ chiến khu Yên Thế. Không thể ngồi yên được, Galliéni quyết định trả đũa. Trong những ngày 28, 29, 30 tháng 10 hắn cho mở một cuộc hành quân thăm dò quanh vùng Nhã Nam, Bố Hạ và đặt thêm phòng tuyến mới. Pháo binh, bộ binh rộn rịp ngày đêm. Những trọng pháo cũng được kéo lên. Không khí căng thẳng bao trùm Yên Thế và dự báo một cuộc chiến thảm khốc sẽ xảy ra.

       Tự hào với những công việc chuẩn bị trên đây, Galliéni láo xược gửi thư cho Đề Thám với hai yêu cầu: - Nghĩa quân Yên Thế phải giao nộp hết vũ khí. Phải giải tỏa toàn bộ các điểm phòng thủ trong rừng Yên Thế. Hai yêu cầu trên không được Đề Thám chấp nhận. Đã thế, ông còn ương ngạnh đề nghị Galliéni phải rút quân ra khỏi vùng Hạ Yên. Thái độ của Đề Thám đã khiến hắn lồng lên như con thú bị trúng đạn. Gan ruột hắn lộn tùng phèo. Hắn muốn tấn công ngay. Nhưng rồi, hắn cho phép mình được chần chừ vì còn chờ đợi một loại vũ khí có sức công phá lớn vừa được phát minh ở Pháp. Tâm trí hắn rối bời khi suy nghĩ, nếu không tiến công ngay thì Đề Thám sẽ rút khỏi vòng vây? Hoặc sẽ tấn công trước? Hắn lo lắng đến bạc đầu. Ngày 2-11, hắn lại gửi cho Đề Thám một lá thư nữa. Lời lẽ trong thư rất hằn học.

     Thưa ông Đề Thám,

      Tôi lấy làm tiếc khi nhận thấy ông không trả lời dứt khoát và rõ ràng những điều tôi đã viết trong thư trước. Xin thông báo cho ông được rõ, tình hình ở Yên Thế đã hoàn toàn thay đổi. Quyền sở hữu của ông trong phạm vi bốn tổng không còn nữa. Tôi được lệnh chiếm đóng những khu vực đó.

        Tôi muốn đề nghị với ông những phương pháp để ông được chính phủ bảo hộ tha thứ:

         1. Ông phải lập tức giải tỏa những pháo lũy ở Yên Thế cho quân đội Pháp đến chiếm đóng. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét tương lai ông và binh lính của ông. Có thể, ông được lập đồn điền ở nơi khác hoặc ra làm việc với chính phủ tùy theo điều kiện sẽ thỏa thuận sau.

       2. Ông phải giao nộp toàn bộ khí giới.

         3. Về vụ của Đốc Thu và Lĩnh Túc khủng bố ở Bắc Ninh thì ông phải trừng phạt hai tên nầy. Điều đó cho thấy ông còn trung thành với chính phủ Pháp.

        4. Tôi yêu cầu ông phải trả lời những câu hỏi trên. Hạn cuối cùng là ngày 22-11-1895”.

         Chỉ trong vòng một ngày mà phải trả lời dứt khoát những vấn đề trên? Điều nầy có nghĩa là Galliéni muốn dồn Đề Thám phải đầu hàng vô điều kiện. Đề Thám im lặng. Ngày 22-11, Pháp đã vận chuyển lên Bố Hạ loại vũ khí mới mà Galliéni đang chờ đợi. Đây là loại đạn có chất mélinite vừa mới phát minh. Hắn sung sướng vô hạn. Ngày 25-11, hắn lại gửi cho Đề Thám một lá thư nữa, mà nội dung cũng giống lá thư trước. Nhưng lần nầy hắn khẳng định rõ: “Nếu ông không trả lời dứt khoát những điều kiện trên đây thì tôi cắt đứt mọi thương thuyết với ông. Và đặt ông vào kẻ thù của chính phủ bảo hộ. Hạn chót dành cho ông là ngày 28-11-1895”.

        Với lá thư nầy thì Đề Thám chỉ trả lời vắn tắt là ông vẫn ở lại Phồn Xương và sẽ phái một lãnh binh đến gặp Galliéni để bàn bạc thêm những điều khoản trong thư đã gửi cho ông. Galliéni không đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa, hắn liền đánh điện cho Thống tướng Douchemin: “Rất tiếc cuộc điều đình không có kết quả. Trận đánh sẽ bắt đầu vào sáng mai”.

     Nhận được bức điện tín nầy, Douchemin hết hồn! Toàn quyền Rousseau chưa đồng ý về vấn đề đánh Yên Thế, bởi lẽ, sau khi dẹp hết những cuộc kháng chiến ở Bắc Kỳ thì Đề Thám là niềm hy vọng của dân bản xứ. Ngọn cờ Cần Vương của Đề Thám đang có sức chinh phục lòng người. Đánh Đề Thám  trong lúc nầy, không khác gì kêu gọi sự nổi dậy đồng loạt của các nhóm nghĩa quân lẻ tẻ khác. Như vậy, cuộc chiến sẽ lan rộng mà chính phủ Pháp chưa đủ sức điều binh hoặc vận chuyển vũ khí kịp thời. Vì vậy, ngay lập tức Douchemin ra lệnh cho thiếu tá Lyautey đích thân đem chỉ thị hỏa tốc đến cho Galliéni. Hắn nhận chỉ thị vào lúc bốn giờ chiều. Mồ hôi hắn chảy ròng ròng khi đọc hai dòng ngắn ngủn: “Buộc đối phương phải rút khỏi vị trí hơn là khởi binh tiêu diệt toàn bộ lực lượng”. Hắn cực kỳ bối rối. Hắn đã tức tối ghi vào nhật ký: “Những dòng mệnh lệnh nầy nếu ta tuân theo là một sự xuẩn ngốc. Ta đang trở thành một kẻ tầm thường và không còn cơ hội nêu danh lẫy lừng như đã đánh thắng Lũng Lạt và Kẻ Thượng”.

    Tự ái của một người dạn dày trong lửa đạn không cho phép hắn chấp hành mệnh lệnh một cách máy móc. Đúng vào lúc 8 giờ sáng hôm sau, ngày 29-11, Galliéni tự ý chỉ huy quân đội tấn công vào đồn Phồn Xương của Đề Thám. Điều làm hắn rất bất ngờ là nghĩa quân đã rút lui tự bao giờ rồi! Quân đội Pháp chỉ chiếm được một vùng đất hoang vu. Không một bóng người. Galliéni đặt bản doanh tại đây và cấp tốc cho quân tiến nhanh truy kích Đề Thám.

      Cuộc chiến bắt đầu.

     Đến 11 giờ trưa hôm đó thì chúng đụng đầu với nghĩa quân. Tiếng súng nổ như bắp ran. Tiếng đại bác nổ xé trời. Đội hình của Thống Luận đã lẻn ra đầu hàng. Trong khi đó, quân đội Pháp đang bị phân tán bởi những toán nghĩa quân cảm tử từ trong bụi cây, hốc núi xông ra giao chiến. Từ trên những mỏm núi hiểm trở, một loạt tên nỏ bắn xối xả xuống đầu quân viễn chinh. Lối đánh gan góc nầy đã khiến Pháp trở nên lúng túng. Nghĩa quân như những hung thần đột xuất, đột biến! Từ trên cây họ nhảy xuống. Từ dưới đất họ phóng lên. Vừa chặn đầu đánh tới tấp, lại vừa khóa đuôi xốc tới. Quân đội Pháp tưởng như mình sa vào địa ngục. Chúng đạp nhau chạy tán loạn.

     Để cứu vãn tình thế, Galliéni bắt đầu cho sử dụng đạn pháo có chất mélinite. Hắn tin rằng sẽ kết thúc trận đánh một cách vẻ vang. Đội hình đã được chỉnh đốn xong. Tiếng kèn hiệu hùng dũng vang lên ở cánh quân thứ nhất. Cánh quân nầy hùng hổ xông lên phía trước thì từ phía sau, phát minh mới của khoa học kỹ thuật lần đầu tiên được đưa ra sử dụng. Quả đạn vụt bay khỏi nòng, Galliéni cười đắc thắng. Âm điệu của bài Marseillaise vang lên giục giã từ tiếng kèn xung trận: “Ngọn cờ nhuộm máu đã giương lên! Hãy tưới lên luống cày của chúng ta bằng thứ máu hôi tanh của quân thù…”. Nhưng rủi thay, quả đạn đầu tiên lại rơi xuống đầu cánh quân thứ nhất! Nó đã gây tổn thất nặng nề cho quân đội Pháp. Galliéni điếng người! Đánh nhau trong rừng rậm, tung quân ra bao vây một mục tiêu mơ hồ thì trật tọa độ là điều khó tránh khỏi. Hắn đành ra lệnh án binh bất động. Rút kinh nghiệm xương máu vừa xảy ra, viên đại tá nôn nóng nầy bèn cho mũi trinh sát lặng lẽ tiến vào rừng sâu để thăm dò vị trí của nghĩa quân.

       Trong khi chờ kết quả báo về, Galliéni nốc rượu liên tục. Bỗng nghe từng đợt súng nổ vang, hắn đã có thể đoán trước điều gì đang xảy ra. Đội trinh sát thiện chiến của hắn đã rơi vào ổ phục kích của nghĩa quân. Từ chiến hào đào sâu dưới đất, nghĩa quân bí mật nã đạn vào chúng. Không còn cách nào khác, hắn ra lệnh cho các cánh quân khác đồng loạt xông lên tiếp viện…. Nhưng những cánh quân nầy không thể tiến lên hơn được, chúng đã bị tinh thần quả cảm và tài trí thông minh chặn lại bằng những loạt đạn chính xác. Galliéni tức tối cho lui binh.

     Màn đêm dần dần buông xuống. Bóng tối bao trùm khu rừng Yên Thế. Gió thổi ào ào như khúc nhạc ru hồn những người lính viễn chinh đã bỏ xác tại trận. Kiểm điểm lại quân số, Galliéni thở dài. Trong đêm đó, hắn đã đánh một bức điện về cho Thống tướng Douchemin: “Theo lệnh của ngài, tôi đã buộc đối phương rút khỏi vị trí. Một kết quả rất khả quan là quân ta đã tiến được 1.500 thước!”. Đó là kết quả của một ngày trời! Đêm đó Galliéni chìm trong cơn ác mộng mà cuộc đời chiến binh của hắn chưa hề biết đến…

       Tờ mờ sáng hôm sau, ngày 30-11, sương chưa tan, mặt trời chưa nhô lên đỉnh núi, Galliéni đã hạ lệnh tấn công. Tiếng pháo gầm lên. Đạn bắn như vãi thóc để dọn đường cho bộ binh khởi sự tiến vào cứ điểm của Đề Thám. Sau những loạt pháo kinh khiếp đó, quân Pháp yên trí tiến quân. Quái lạ! Họ tiến vào rừng sâu không gặp một trở ngại nào cả. Rừng âm u không một bóng người. Nghĩa quân tài tình như bóng ma. Họ đã vụt khỏi vòng vây ngay trong đêm tối ngày hôm qua rồi! Đại quân của Galliéni đã chiếm được Yên Thế trong một hoàn cảnh như thế. Galliéni chẳng vui vẻ gì, nếu không muốn nói là một điều sỉ nhục. Hắn tự đánh giá đây là một trận đánh làm giảm uy tín của hắn rất nhiều.

          Phân bua với dư luận của báo chí, hắn đổ lỗi cho Toàn quyền Rousseau là quá dè dặt, quá cẩn thận nên đã đi đến chỗ nhút nhát mà làm hỏng thời cơ của hắn. Với những bất mãn nầy, Galliéni xin hồi hương. Cha đẻ của kế hoạch vết dầu loang đã nếm mùi thất bại khi đối đầu với chiến thuật du kích của Đề Thám. Chính sĩ quan Barthouet dưới quyền của Galliéni trong trận đánh Yên Thế, khi về già có viết quyển Thảm kịch Pháp ở Đông Dương (in năm 1948) đã nhớ lại: “Để chống lại Đề Thám, trong một phần tư thế kỷ chúng ta đã tổ chức bảy cuộc hành quân quan trọng. Trong số các tướng lĩnh chỉ huy cuộc hành quân nầy, có người đã từng chỉ huy cuộc viễn chinh ở Trung quốc năm 1900 đó là tướng Voyron. Một vị khác nữa là con người vinh quang: Thống chế Galliéni bất tử, vị cứu tinh của nước Pháp, người đã tạo nên chiến thắng Marne, một chiến tướng vô tiền khoáng hậu. Thế nhưng, Đề Thám đã chống lại chúng ta với một sự can đảm và lòng kiên trì đáng kinh ngạc. Ông ta đã gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất. Ông ta đã đánh những trận thần kỳ ở Yên Thế. Biết bao chiến binh dũng cảm da trắng, da màu đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây”.

        Tháng 12-1895, Galliéni cút về Pháp.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com