Chương mười bốn
Sống chết cốt sao toàn tiết nghĩa
Hơn thua chi sá luận anh hùng
Lệnh truy nã Đề Thám đã tung ra khắp nơi. Đúng như Paul Chack đã nhận định trong quyển Hoàng Hoa Thám, Pirate: “Cái tên ấy sẽ còn làm rung chuyển vùng Yên Thế và làm bạc tóc các công sư Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên và một số tỉnh khác”. Hiện nay, Đề Thám đang lẩn trốn ở đâu? Câu hỏi đó còn làm điên đầu nhà cầm quyền Pháp.
1910. Binh lính ở đồn Chợ Gồ ngày 26-1 đi tuần đã gặp một toán nghĩa quân của Đề Thám. Lúc 9 giờ tối ngày 28-1, lính lê dương chạm trán với nghĩa quân. Những trận đánh đã xảy ra. Quân đội Pháp đã quá mệt mỏi với lối đánh du kích tài tình của Hùm Thiêng Yên Thế. Ngày 28-2, toàn bộ quân của Bonifacy và Lê Hoan rút về Hà Nội. Theo báo cáo của Bouchet thì Đề Thám chỉ còn hai thủ hạ thân tín là Lai Ngọt và Cai Nhi. Vào thời điểm nầy để trấn an dư luận giới tài phiệt Pháp đang bỏ tiền khai thác Đông Dương, chính phủ Pháp tuyên bố chấm dứt cuộc bình định “loạn quân” ở Yên Thế. Đề Thám vẫn sống ngoài vòng pháp luật.
1911. Bọn lính dõng phao tin đã thấy Đề Thám ở Yên Lệ. Ngày 11-7, hai đội quân khố xanh, khố vàng kéo quân đến bao vây. Chúng phải trả bằng giá 5 tên bị bắn chết, 7 tên bị thương. Đề Thám vẫn thoát. Ngày 15-7, Albert Sarraut lĩnh chức Toàn quyền thay cho Klobukowski. Nhân dịp nầy, Đề Thám đã gửi thư lên chính phủ xin hòa hoãn, nhưng Sarraut cự tuyệt. Ông ta nghĩ rằng Đề Thám đã trở thành một nhân vật huyền thoại trong tâm trí dân bản xứ, nếu nhượng bộ lần nữa thì biết đâu Đề Thám lại gầy dựng cơ đồ?
Ngày 2-11, Bouchet đang đi săn ở Yên Lệ thì được báo tin Đề Thám đang lẩn trốn ở mỏm 28 trong rừng. Một đại binh được điều đến bao vây cả khu rừng dưới sự chỉ huy của giám binh Guillaume. Từ Mỏ Trạng, Richy cũng kéo quân đến tiếp viện. Chúng quyết tâm giết cho bằng được kẻ đang uy hiếp đến nền thống trị của Pháp tại Đông Dương. Đạn đã lên nòng. Vòng vây đang siết chặt. Trời âm u. Những bước chân di động với trái tim phập phồng âu lo trong lồng ngực. Bỗng chúng nghe ba tiếng súng nổ đanh và gọn. Ba tên lính tiên phuông đi đầu ngã gục. Cả khu rừng lại âm u yên tĩnh. Không một ai dám tiến công nữa. Cả khu rừng bị tưới ét-xăng để đốt cháy. Lửa cháy ngút ngàn. Thêm một phát súng nữa, một tên ngã chết và tất cả bỏ chạy tán loạn. Bọn chúng thoáng thấy Đề Thám mặc áo ka-ki như lính khố xanh đang vụt khỏi vòng vây. Chúng nã đạn đuổi theo. Nhưng bất lực!
Đề Thám lại trốn thoát!
Có tin ông đã chạy tới Bằng Cục.
Những vụ đánh nhau như thế nầy đã gây xôn xao trong dư luận. Tờ báo Journal des Officiers loan tin là Đề Thám còn có 20 tay súng thiện chiến. Tình hình quả là gay go. Bouchet được gọi về Hà Nội. Toàn quyền Sarraut đã gặp hắn. Ông ta nói dứt khoát:
- Từ những cuộc phiến loạn của Đề Thám đã cho chúng ta một kinh nghiệm xương máu. Đó là không nên huy động một lực lượng quân sự ồ ạt tấn công một nhóm nghĩa quân lẻ tẻ trong rừng. Trong trường hợp nầy chỉ cần canh chừng Đề Thám là đủ.
Nói xong quan điểm của mình, Sarraut hỏi lại Bouchet:
- Theo ý của ông thì Đề Thám dựa vào bọn thổ phỉ nào ở Yên Thế? Tôi tin chắc là thế. Nếu không dựa vào bọn nầy thì làm sao Đề Thám đủ sức tiếp tục gây rối chúng ta?
Bouchet cúi đầu:
- Thưa Ngài, tôi cũng có suy nghĩ như thế. Có thể Đề Thám nương nhờ vào tên tướng cướp Lương Tam Kỳ. Kỳ trước đây đã từng hợp tác với Đề Thám.
- Kỳ là người như thế nào?
Bouchet đáp:
- Thưa Ngài, đây là tên cướp sớm đầu tối đánh. Hắn đã từng cầm quân đánh phá dọc biên giới, là đảng viên của Thái Bình Thiên Quốc. Năm 1890, do chúng ta chiêu dụ nên hắn đã đầu hàng. Ta cho hắn xây dựng đồn điền ở Linh Đàm, gần Chợ Chu để làm ăn lương thiện. Năm nay, hắn đã ngoài 70 tuổi.
- Hắn đam mê những món gì trong cuộc đời?
- Hắn nghiện thuốc phiện nặng. Ham tiền. Và mê gái.
Sarraut khẽ nhíu mày:
- Được! Thôi ông lui.
Thế là Sarraut đã nghĩ ra một mưu kế độc địa. Thống sứ Bắc Kỳ là Desteny và giám đốc chính trị vụ của phủ toàn quyền là Bosc liền được mời đến để bàn bạc một kế hoạch mới. Theo kế hoạch nầy thì Bosc sẽ đích thân lên Chợ Chu để tìm gặp Lương Tam Kỳ.
Gặp Kỳ, Bosc hất hàm hỏi:
- Ông có biết Đề Thám hiện nay đang lẩn trốn ở đâu không?
Kỳ nằm gối đầu trên đùi một đào non. Rít xong một hơi thuốc phiện, hắn khẽ đáp:
- Đã lâu nay nương nhờ dưới mưa móc của chính phủ, tôi không còn quan hệ với Đề Thám nữa.
Bosc cười ruồi khinh bỉ:
- Vậy có người báo là ông đang dung dưỡng Đề Thám. Chính phủ Pháp không tha cho bất cứ ai che giấu Đề Thám. Ông hiểu chứ?
Kỳ giật nẩy người như đỉa phải vôi:
- Ông Bosc ạ! Tôi xin thề là tôi không biết Đề Thám đang ở đâu cả!
Bosc ném xuống trước mặt Kỳ một xấp giấy bạc:
- Chúng tôi hiểu thiện ý của ông. Ông sẽ được thưởng 25.000 đồng, nếu ông cắt được đầu Đề Thám. Ông nghĩ sao?
Tiền lóa mắt Kỳ. Hắn đưa tay run rẩy vuốt ve những tờ giấy bạc rồi nâng lên mũi ngửi. Hắn lại rít thêm một hơi thuốc phiện. Khói nha phiến quyện vào những tờ giấy bạc một mùi thơm quyến rũ. Bosc ngồi yên quan sát với bộ mặt lạnh như đồng. Kỳ sẽ đồng ý ngay thôi! Nhưng một lát sau, bỗng Kỳ giật mình như cá mắc cạn:
- Việc nầy khó lắm. Bao nhiêu người đã làm rồi nhưng có được đâu.
Bosc vỗ về khéo léo:
- Ông Kỳ ạ! Quan Sarraut chỉ muốn ông bắt sống Đề Thám. Chứ không cần phải cắt đầu!
Kỳ đăm chiêu. Con mắt trắng dã liếc nhìn trên vách, ở đó Kỳ cho treo khẩu súng bên cạnh cái đầu con trâu rừng. Hắn chợt nhớ lại những ngày tung hoành ngang dọc. Vó ngựa sa trường. Tiếng súng ầm ầm bên tai. Bất giác Kỳ thở dài. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu.
Bosc nói tiếp:
- Ông chớ phụ lòng của chính phủ. Chúng tôi không phải là kẻ vứt tiền xuống giếng xem tăm. Phải tin tưởng ông như thế nào nên quan Sarraut mới cậy đến ông. Mong ông không từ chối.
Mùi tiền vẫn thơm. Chỉ cần gật đầu là mọi việc sẽ đâu vào đấy. Tiền quyến rũ như con gái dậy thì đang nằm tênh hênh trên chiếu. Trầm ngâm một lát, Kỳ thở hắt ra:
- Thôi được. Ông đã tin rồi thì tôi không nỡ phụ ông. Vài ngày sau con trai tôi sẽ lên Hà Nội hầu chuyện với ông.
Bosc mỉm cười hài lòng. Hai ngày sau, Phúc - con nuôi của Kỳ đã gặp Bosc để nhận lệnh. Bosc dặn dò chỉ cần tìm cách bắt sống Đề Thám, chứ không giết chết. Phúc nhận lời.
Vào đầu tháng 1-1913, ba thủ hạ thân tín của cha con Lương Tam Kỳ đến Yên Thế. Một người tên là Tsan-Tac-Ky, 51 tuổi, sứt môi lòi ra hai cái răng bịt vàng. Người thứ hai, 37 tuổi tên là Ly-Song-Wa và người thứ ba tên Tsan-Fong-San, 28 tuổi. Cả ba tên cẩu tẩu này đều khỏe mạnh. Chúng trang bị vũ khí đầy đủ. Lặn lội trong rừng suốt gần nửa tháng trời, chúng không tìm được bóng dáng Hùm Thiêng Yên Thế đâu cả. Đường rừng cheo leo. Địa thế hiểm trở đã khiến chúng muốn bỏ cuộc. Lúc nản lòng, muốn quay về thì chúng đã gặp một nhóm người đang đi trong rừng. Chúng tổ chức tấn công. Một người trong số đó có gương mặt hao hao giống Đề Thám liền bị cắt cổ. Đó là buổi chiều ngày 9-2-1913.
Chiếc đầu được đem về cho Lương Tam Kỳ. Hắn sửng sốt. Không phải đầu của Đề Thám! Ba tên thủ hạ tường trình lại sự việc. Kỳ ngồi nghe một cách lơ đễnh. Tên bịt răng vàng kể rằng:
Ngày 10-1 chúng đã tìm gặp được Đề Thám. Và tự xưng là đồ đảng trung thành của Lương Tú Xuân từ Quảng Tây đến. Chúng xin theo hầu Đề Thám, ông đồng ý vì Tú là bạn thân của ông. Hơn nữa chúng bịa ra là biết cách chế tạo bom có sức công phá lớn nên Đề Thám tin dùng ngay. Ba tuần đi theo hầu Đề Thám thì lúc nào chúng cũng tìm mọi cách hạ sát ông. Nhưng Đề Thám là một người luôn luôn nghi ngờ, cảnh giác. Ban đêm Đề Thám luôn thay đổi chỗ ngủ. Ông thường nằm trong túp lều tranh. Giường là những thanh tre xếp lại. Phía tay phải, vừa tầm tay với là ba khẩu súng Lebel và hai cái cuốc. Còn hai người nghĩa quân thân tín thì nằm ngoài lều canh phòng mọi sự bất trắc. Bám theo Đề Thám nhiều ngày nhưng chúng vẫn chưa có dịp ra tay. Ngày 9-2, Đề Thám nói với hai nghĩa quân:
- Ở đây có ba cây to làm trở ngại đường đi, hai chú hãy chặt đi. Cây lớn chặt trước rồi đến cây nhỏ để đường đi được thông suốt.
Nghe vậy, chúng chột dạ và quyết ra tay trước. Đêm khuya đó ngoài trời mưa như trút. Những cơn gió mạnh mẽ thổi cánh rừng lay động dữ dội. Đề Thám nằm trằn trọc mãi. không ngủ được, ông bèn đem bàn đèn thuốc phiện ra hút (?) rồi thiu thiu mắt ngủ. Rạng sáng, sau khi quan sát thấy hai nghĩa quân cũng ngủ say, chúng bèn lẻn vào trong lều. Trên tay chúng lăm lăm chiếc cuốc chờ băm xuống đầu Đề Thám. Tên sứt môi vừa bước đến gần đột nhiên ông mở mắt. Hoảng sợ đến vãi đái trong quần, sợ như bò đến nhà táng, không còn cách nào khác, hắn vung cuốc bổ mạnh xuống đầu Đề Thám. Hai nghĩa quân nghe tiếng động. Họ vùng dậy. Nhưng không kịp nữa rồi. Ly-Song-Wa và Tsan-Fong-San đã dùng súng bắn chết. Thế là chúng cắt đầu Đề Thám đem về Chợ Chu.
Lương Tam Kỳ liên tục hút thuốc phiện khi nghe thủ hạ kể lại câu chuyện sát hại Đề Thám. Hắn không tin. Bởi lẽ, Đề Thám không hề hút thuốc phiện bao giờ. Và ông là một người rất đa nghi. Những kẻ đi theo hầu mà ông không rõ lai lịch, ông chỉ cho dùng cuốc để đào chiến hào phòng thân, chứ không được dùng súng. Vậy súng đâu ra mà chúng bắn chết hai nghĩa quân? Suy nghĩ như thế nhưng Kỳ không nói ra. 25.000 đồng đang hiện về trong tâm trí. Số tiền nầy không phải là nhỏ. Vào thời điểm nầy mỗi tạ gạo trị giá chỉ có 3 đồng. Lương của viên tri huyện mỗi tháng chỉ 40 đồng. Con cáo già lõi đời bất giác vỗ đùi:
- Ha ha! Khá khen cho chúng mày. Để lại cái đầu Hùm THiêng đấy cho tao. Chúng mày sẽ được trọng thưởng xứng đáng.
Ba tên cùng cúi đầu:
- Xin đội ơn minh chủ!
Kỳ lờ đờ như con đom đóm đực:
- Bây giờ, cả ba đứa mày xuống đồn Nhã Nam báo cho ông Bouchet biết tin trọng đại nầy. Nói rằng, tao sẽ đem đầu Đề Thám xuống nộp ngay thôi.
Chúng lui chân thực hiện mệnh lệnh của Kỳ. Cả ba phóng ngựa như bay. Trong khi đó, Kỳ cho gọi Phúc con nuôi vào. Hắn đập ty xuống chiếu một cách giận dữ:
- Mày dạy dỗ thuộc hạ như thế nào mà chúng láo thế. Đây mà là đầu ông Đề Thám à?
Con nuôi Kỳ hoảng hốt:
- Thưa bố, thật thế à?
- Sao không thật! Chúng nó làm như mèo mửa mà lại nói phét như rồng leo. Mày xử sự thế nào cho đúng thì cứ theo đó mà làm.
Phúc kề tai vào Kỳ nói nhỏ. Kỳ gật gù đồng ý.
Đường dẫn về Nhã Nam chập chùng đồi núi. Cả ba tên thủ hạ của Kỳ đang cười nói vui vẻ. Chúng không ngờ câu chuyện bịa ra đã được Kỳ tin ngay. Có lẽ Kỳ đã già nên mắt nhập nhèm chăng? Ngựa phi đường xa. Chúng đang mơ đến món tiền lớn. Bỗng từ trong rừng rậm, một loạt súng vang lên. Tên lòi răng vàng trúng đạn trước tiên. Hắn ngã ngựa. Những viên đạn tiếp theo kết liễu hai tên còn lại. Ngựa hí vang. Những tên thổ phỉ trong rừng xuất hiện. Chúng vứt xác ba tên cẩu tẩu xuống khe núi hiểm hóc. Thực hiện xong, chúng cho quay ngựa về đồn điền Chợ Chu để gặp Lương Tam Kỳ. Lập tức cha con Kỳ bỏ chiếc đầu lâu trong túi nải lên đường gặp Bouchet.
Tại đồn Nhã Nam. Bouchet ngờ ngợ khi nhìn chiếc đầu Đề Thám. Hắn không tin vào mắt của mình nữa. Hắn nhìn soi mói chiến lợi. Trước mắt của hắn là một khẩu súng Lebel, hai khẩu mousqueton, 183 viên đạn và cái đầu của Đề Thám. Hắn cho viên quan một Richy dẫn một toán lính đi kiểm tra lại địa điểm đã giết Đề Thám. Đó là Hố Lẩy trong rừng Tổ Cú, cách Chợ Gồ 2 cây số. Đến nơi, Richy nhìn thấy có ba cái xác được đặt bên cạnh cái hầm dài độ 2 thước, sâu 0 thước 6, hình bán nguyệt. Nghe Richy báo cáo lại tình hình, Bouchet cấp tốc đánh điện về cho Công sứ Bắc Giang và Thống sứ Bắc Kỳ.
Cái đầu được bêu trước đồn Nhã Nam để thông báo cho dân bản xứ là Đề Thám đã chết.
Ngày 11-2-1913 lập tức báo Tương lai xứ Bắc Kỳ đã có bài “Đề Thám chết rồi chăng?” của phóng viên Bonnafont ký bút danh “Le nhà quê” với những dòng đưa tin dè dặt: “Trong lúc đang in báo, chúng tôi được tin trong một trận đánh nhau, Đề Thám có lẽ bị bọn cải lương Trung Hoa (Re1formistes Chinois) giết sáng nay trong vùng Nhã Nam. Mong rằng tin nầy sẽ được chứng thực ngày mai”. Và ngày mai, ngày 12-2 bài báo viết tiếp: “Thế là cái tin báo Tương lai xứ Bắc Kỳ đăng hôm qua đã được chứng thực! Tên cướp già đã chết. Tên của nó sau nầy chỉ xuất hiện ra dưới ngòi bút như một kỷ niệm nữa thôi. Than ôi là một kỷ niệm đẫm máu! Nhưng dần dần rồi sẽ phai nhạt”.
“Tất cả xứ Bắc Kỳ sẽ hân hoan khi nghe tin nầy và sẽ đòi cho các người chỉ điểm một phần thưởng xứng đáng với công lao của họ. Chắc rằng chính phủ sẽ không bỏ sót nhiệm vụ ấy.
“Điều quan trọng là, như dưới đây bức điện người phóng viên của chúng tôi ở Bắc Giang chỉ rõ, phải dành cho sự việc nầy một tiếng vang càng lớn càng tốt để trong đầu óc nhân dân bản xứ không thể ai nghi ngờ về cái chết của Đề Thám mà họ quen thói cho là không ai làm gì được. Chính phủ có nhiệm vụ làm sự quảng cáo cần thiết!
“In kèm theo bài báo nầy là cái ảnh của Đề Thám chụp năm 1897, chứ không phải cái đầu được bêu ở đồn Nhã Nam (?). Những số tiếp theo ra ngày 13-2 và 16-2, tờ báo nầy loan tin sẽ cho in tấm ảnh chụp đầu Đề Thám do Labalette, Brault ở Sở Căn nước chụp nhưng rồi không hiểu sao lại không được in (?)
Và chính phủ Pháp ra sức tuyên truyền là Đề Thám đã chết. Điều nầy hoàn toàn có lợi cho họ. Tạp chí Hội địa dư thương mại ở Paris, Châu Á thuộc Pháp, quyển Lịch sử quân sự Đông Dương, v.v…
Cũng đều đề cập đến cái chết nầy, trong khi đó, những nhân vật tai mắt thời đó lại không tin là Đề Thám đã chết. Tham tá tỉnh Lạng Sơn là Vi Văn Định cũng đến xem, hắn cho rằng cái đầu đó không phải của Đề Thám, chỉ là đầu của người giống Đề Thám đã được Lương Tam Kỳ đem đến để lãnh trưởng mà thôi. Vậy sự thật cái chết của Đề Thám như thế nào?
Theo hạn định là cái đầu ấy được bêu trong vòng ba ngày, nhưng đến ngày thứ hai thì chúng đã bị hạ xuống. Và những tấm ảnh đã chụp đều bị tịch thu (?). Thời gian sau, có người chạy vào đồn Nhã Nam báo cáo với Bouchet là chính mắt hắn trông thấy Đề Thám còn sống sờ sờ ra đó. Bouchet đùng đùng nổi giận hạ lệnh tống kẻ xấu số vào ngục. Mặc dù Toàn quyền Sarraut đã đánh điện loan tin cho Tổng trưởng bộ thuộc địa biết là đã giết được Hùm Thiêng, nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Bouchet điên đầu. Một người đàn bà tự xưng là Thị Tảo – vợ Cả của Đề Thám đã đến đồn khóc lóc với hắn:
- Chồng tôi không phải là người phạm tội nặng nhất. Nếu không có cô Ba Cẩn tham lam (?) thì chồng tôi còn sống, con trai Cả Trọng của tôi cũng thế. Chúng tôi sẽ sung sướng.
Hắn an ủi người đàn bà nầy với tâm trạng ngao ngán. Vài ngày sau, lại có người đàn bà Tàu ở miền thượng du đến vật vã với hắn là làm đơn khiếu Phủ toàn quyền là tại sao lại giết chồng mình (?) – một người đàn ông Quảng Đông sang Bắc Kỳ làm ăn lương thiện đã lâu năm! Trong khi đó trong nhân dân thêu dệt cái chết Đề Thám bằng nhiều cách khác nhau. Sau nầy, Hoàng Thị Thế được nghe kể rằng, cái đầu bêu ở Nhã Nam không phải là đầu Đề Thám mà là đầu của sư ông Chùa Lèo. Lương Tam Kỳ có cho ba hạ thủ đi theo Đề Thám thật. Nhưng Kỳ lại liên lạc với Lý Bắc – một thủ hạ cũ của Đề Thám – thực hiện âm mưu: Lý Bắc cho thuốc mê vào canh, Đề Thám ăn phải và bị say bất tỉnh nhân sự. Nhân đó, Kỳ và Lý Bắc giết ông sư Chùa Lèo để lấy đầu nộp cho Pháp. Đồng thời chúng cũng làm cho nhân dân biết rõ như thế vì để tránh dư đảng Đề Thám trả thù về sau. Lại có người kể rằng, cũng trong lúc Pháp loan tin thì tại nhà Thống Luận – một tướng giỏi của Đề Thám đã ra đầu hàng năm 1895 – luôn trong mấy ngày tổ chức cúng lễ ma chay để che mắt thiên hạ. Vì thật ra Thống Luận đã nuôi Đề Thám khi ông bị bệnh và đã chôn cất ông cẩn thận (?). Không rõ sự thật ra sao, chứ sau nầy chính Thống Luận đã đồng ý gả con gái mình là Thân Thị Huệ cho con trai Đề Thám là Hoàng Văn Vi (tức Phồn).
Để đối phó lại những trông tin bất lợi như thế, chính phủ Pháp làm rùm beng về việc trả công 25.000 đồng cho cha con Lương Tam Kỳ và con nuôi Kỳ từ hậu bổ được thăng lên tri phủ phủ Quảng Oai. Đề Thám đã chết rồi chăng?
< Lùi | Tiếp theo > |
---|