VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười

Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM - Chương mười

Mục lục
Lê Minh Quốc - TƯỚNG QUÂN HOÀNG HOA THÁM
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương kết thúc
Tất cả các trang

Chương mười

Sau gặp gỡ hai cụ Phan lỗi lạc

Đảng Nghĩa Hưng chuẩn bị ra đời

           Không muốn Đề Thám tiếp tục chiến đấu nên chính phủ Pháp đành hòa hoãn với Hùm Thiêng Yên Thế. Còn đối với Tổng đốc Lê Hoan thì đây là thời gian mà y yên tâm hưởng cảnh thái bình (?) Nhằm lôi cuốn sĩ phu quên đi hào khí chiến đất tót trời của Đề Thám, y đã đề nghị thực dân Pháp bỏ tiền ra để mở cuộc thi văn chương phù phiếm. Đó là cuộc thi thơ “Vịnh 20 hồi Kiều” vào năm 1905. Cuộc thi đã thu hút khá đông các nhà khoa giáp, túc nho tham dự. Để tăng thêm phần long trọng cho cuộc thi, y đã mời cụ Yên Đổ Nguyễn Khuyến và cụ Dương Lâm vào ban giám khảo. Biết thâm ý của y đang muốn tạo ra không khí “thái bình thịnh trị” giả tạo – hai cụ đã thẳng thừng từ chối. Nhưng từ chối mãi cũng không được. Cực chẳng đã hai cụ đành ngồi vào cái “tao đàn” do Lê Hoan chủ trì.

     Cuộc thi nầy, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đã được trao giải nhất. Trong bài thơ Vịnh Kiều bán mình, ban đầu hai câu kết Chu đã viết:

Minh thịnh nay mừng đời thánh đế

Ít phường gái hiếu, ối quan liêm

       Rất hay ở chữ “ối”. Đã mỉa mai sâu sắc cái vẻ “minh thịnh” của đời “thánh đế”. Nhưng đến khi nộp dự thi thì câu đó được đổi một chữ. Chữ “ối” đắc địa nầy được thay bằng chữ “với” nhạt nhẽo. Câu thơ thành dở hơi! Những sĩ phu đều biết sự thay đổi nầy. Cụ Tam Nguyên buồn lắm. Sau khi công bố kết quả, trước mặt những quan khách, cụ mới công bố bài thơ vịnh Kiều của cụ:

Thằng bán tơ kia giở giói ra

Làm cho bận đến cụ Viên già

Muốn êm phải biện ba trăm lạng

Khéo xếp nên liều một chiếc thoa

Đón khách cũng nhờ son phấn mụ

Bán mình chuộc lấy cái tình cha

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ!

Thời trước làm quan cũng thế a?

         Bài thơ nầy là ngọn roi thâm thúy quật khéo vào mặt Lê Hoan. Từ đó trong nhân dân đã khinh bỉ gọi y là “Thằng bán tơ”.

          Trong khi đó đồn Phồn Xương ở Yên Thế đang trở thành niềm hy vọng của những người yêu nước. Sau khi không được gặp mặt Đề Thám, Phan Bội Châu đã bôn ba hải ngoại. Năm 1906, ông Phan lại về nước. Lần này, ông quyết gặp cho bằng được vị anh hùng mà ông kính trọng gọi là: Chân Tướng Quân. Trước khi về quê hương, ông Phan đã đến tìm cụ Tán Thuật tại nhà tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Sau thất bại Bãi Sậy, Tán Thuật chạy sang Tàu, nhụt chí chỉ còn lấy ả phù dung làm tâm sự cuối đời. Khi nghe Phan nói lên ý hướng cứu quốc, cụ Tán Thuật nằm hút liền đẩy gối đứng dậy, ném bàn đèn thuốc phiện xuống đất vỡ tan tành, rồi nói lớn:

       - Các anh là bậc hậu bối còn biết lo nghĩ về vận mệnh của dân tộc. Lẽ nào tôi cứ sống mãi trong vòng đen tối nầy?

        Nói xong, cụ ôm mặt khóc hu hu. Nhưng than ôi! Tuổi cụ đã già và sức đã kiệt. Cụ Tán Thuật tiễn Phan đến Khâm Châu. Đến đó, cụ giới thiệu Phan cho người hướng cũ trung thành của mình là Tiền Đức, Đức vốn là tên cướp biển, khi tham gia phong trào Cần Vương được phong làm Đề Đốc. Phong trào thất bại, Đức trở về Trung Quốc, cầm đầu bọn giang hồ lục lâm ở Quảng Đông, Quảng Tây. Bấy giờ Đức dẫn Phan đi tiếp – vì chỉ có Đức mới đưa Phan đi an toàn qua những vùng đầy bọn thổ phỉ. Họ đã đi về phía tây phủ Thái Bình. Thống lĩnh phủ nầy là Trần Thế Hoa, sau khi nghe tiếng tăm và biết việc làm của Phan nên đã niềm nở, giúp đỡ tận tình. Hoa đã viết giấy giới thiệu cho Phan gặp tướng cũ của mình là Lương Tam Kỳ đang trấn ở Chợ Chu, và cho mười hai thuộc hạ đi hộ tống.

           Phan Bội Châu vượt qua ải Long Châu, Bằng Tường rồi đến Nam Quan. Đến đây, những người hộ tống và Tiền Đức quay trở lại, chỉ còn mỗi mình Phan qua cửa ải. Đồn binh Pháp đóng ở đây kiểm tra rất ngặt, nhưng nhờ ăn mặc như người Tàu, nói thông thạo tiếng Tàu và đầy đủ giấy tờ nên Phan trót lọt. Ông đi xe lửa ở Đồng Đăng xuống Gia Lâm. Từ Gia Lâm ông lội rừng đi thẳng lên Chợ Chu để gặp Lương Tam Kỳ. Thấy có thư giới thiệu của Trần Thế Hoa, nên Kỳ đã dẫn ông đi xem khắp đồn trại. Nhưng Phan thất vọng vì thấy Kỳ đã nhụt chí chiến đấu. Tại đây, ông đã gặp Đề Công – một bạn cũ của Đề Thám. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, Công không ra hàng Pháp mà cùng mấy chục bộ hạ cày cấy sinh sống trong phạm vi thế lực của Kỳ. Gặp người có chí khí lớn, Công đã rưng rưng:

         - Ông Phan ạ, ông gặp được tướng quân Đề Thám nhớ nói hộ rằng, Công nầy vẫn mong sao gặp cơ hội chém đầu giặc Pháp, lấy máu mà rửa gươm thì chết mới cam lòng.

          Nói xong, Công đã ghi mật thư giới thiệu Phan với Đề Thám, và cho con trai dẫn Phan xuyên sơn đến Yên Thế. Nhận được mật thư của Đề Công, Đề Thám rất vui và sai Cả Trọng thu xếp nơi an nghỉ cho Phan. Trong thời gian lưu lại đây, Phan nhận thấy những người khổ sở, nghèo khó bị chính quyền bạo ngược đều lấy doanh trại Đề Thám làm nơi lẩn trốn. Vì thế, người đông đúc lắm, tiếng chó tiếng gà sủa rộn vang như cảnh tân Đào nguyên của những bậc lánh đời vậy. Khắp quanh đồn thì trâu cày từng đôi, chim quyện người, phụ nữ trẻ con nhởn nhơ, tiếng chày rậm rịch, có cái vui vẻ của những ngày hội hè đình đám. Đúng như câu phương ngôn lưu truyền thời đó: Thứ nhất theo quân cụ Đề. Thứ nhì trở về làm ruộng. Phan hứng chí ngửa mặt lên trời nói lớn:

       - Ôi! Ở giữa nơi gió tanh mưa máu mà lập được một thế giới riêng biệt, thật là một vũ trụ riêng của Tướng quân. Đây chẳng phải là chốn phôi thai ra đời từ đời Chu, đời Hán sao?

       Và phong cách của Đề Thám hoàn toàn chinh phục Phan. Ông nhận ra ở Đề Thám một cốt cách hổ tướng: thân hình to lớn, bước đi rắn chắc nhưng lại nhẹ nhàng không gây tiếng động, bất cứ lúc nào cũng không rời khẩu súng. Phan Bội Châu đã cùng Đề Thám bàn bạc công việc. Họ rất lấy làm tâm đắc. Đề Thám nâng ly rượu mời Phan:

        - Kế hoạch hòa giặc không phải là thật bụng của tôi. Thế tôi bị cô, thân tôi đơn độc, không thể không hòa. Chậm vài năm nữa hết hạn hòa là chiến sự lại mở màn ngay thôi. Sức tôi có thể giữ được, nhưng không có tiếp viện thì sẽ nguy. Thế lực của giặc hùng mạnh như lửa đỏ lại bỏ thêm rơm, còn tôi thì chỉ một nhúm người. Ông bảo chẳng nguy hay sao?

         Phan trầm ngâm nghĩ ngợi. Sau một lúc đắn đo ông nói:

          - Thưa tướng quân, tôi tuy không có tài, nhưng chút lòng căm hờn giết thù đền nợ nước thì chất chứa đã lâu. Lìa bỏ quê hương, giang hồ đây đó không phải là không có mưu đồ. Song thời thế khó khăn, sách thánh hiền không còn làm nên việc, duy chỉ một chút sức có thể làm được, nguyện cùng lo toan với tướng quân. Khi tướng quân động binh, tôi nguyện đem hết tài hèn ra giúp sức.

          Đề Thám đáp:

          - Những lời ông nói là chí tình. Sự phối hợp tác chiến là điều cần. Căn cứ địa của tôi là dành cho mọi con dân cùng dốc sức vì nước.

          - Vậy những nhân sĩ Bắc, Trung Kỳ nếu họ bị giặc truy nã thì có thể đến náu thân ở Yên Thế?

          Đề Thám cười ha hả:

         - Ông nói đúng ý tôi. Đồn Phồn Xương đến nay vẫn là khu độc lập và bất khả xâm phạm đối với giặc. Tôi sẽ chọn một quả núi sau đồn dành cho những bậc hào kiệt lúc cùng đường.

          Phan mừng lắm:

         - Tôi xin đội ơn tướng quân. Nếu Bắc, Trung Kỳ khởi nghĩa thì mong Yên Thế hưởng ứng, và nếu Yên Thế gặp khó khăn thì những nơi đó sẽ tiếp viện. Thưa tướng quân, hiện nay Duy Tân Hội đã được thành lập ở Quảng Nam và đang hoạt động từ Trung ra Bắc. Tôi được Hội phái lên đây để mời tướng quân của gia nhập Hội.

        Đề Thám hỏi lại:

        - Tôi có thể giúp đỡ được gì cho Hội của ông?

        - Thưa hướng quân, thanh thế tướng quân sẽ tạo thêm uy tín và sức mạnh cho Hội. Mong tướng quân không từ chối.

         Đề Thám đăm chiêu:

        - Được. Giết giặc là mục tiêu chung. Vì mục tiêu đó tôi sẵn sàng gia nhập Duy Tân Hội.

        Phan Bội Châu hết sức vui sướng:

        - Xin mời tướng quân cùng tôi cạn chén rượu nầy. Duy Tân Hội chúng tôi cố gắng giúp Yên Thế về mặt ngoại viện. Còn gì sung sướng hơn khi chúng ta cùng đồng tâm, đồng chí mà hiệp lực tung hoành một phen cho thỏa chí!

        Nói xong, Phan cất giọng ngâm sang sảng:

Mặc cho gió ngược dòng xuôi

Vén xiêm ta cũng cố chèo bơi lên nầy

Dù Nga, dù Nhật, dù Tây

Chặn dòng, ngăn lối ta vẫn ra tay cho đến bờ

Biển xa, bão cả, gió to

Vừa chèo vừa hát ta cứ dô hò mà chèo qua

Sông biển rộng bao la

Cùng nhau gắng sức dô ta… ta một lòng

Mặc kình ngạc, mặc giao long

Tay chèo ta vẫn cứ hào hùng mà hò khoan

Đêm dài mây biển mênh mang

Quản bao gian khổ nguy nan ta cứ chèo

Ví dù cột gãy, buồm xiêu

Gọi nhau tỉnh dậy, khua chèo ta dấn lên

Sóng đè, dòng cạn chẳng kiềng

Vỗ tay hò mạnh, đẩy thuyền ta vượt qua

Cố lên nầy! Một… hai… ba

Hỡi anh em chèo, lái! Dô ta! Ta dô hời!

Vững tay lái chớ buông lơi

Trăm vạn ức người phấn đấu chèo sang

Hò khoan! Khoan hỡi hò… khoan!

        Tiếng ngâm thơ như sấm động của Phan đã làm Đề Thám cảm kích lắm. Sau đó, Đề Thám cho bộ hạ dẫn Phan đi xem mảnh đất dành cho nghĩa sĩ Bắc Trung Kỳ. Mọi công việc đã bàn bạc xong, hôm sau, Phan Bội Châu bịn rịn từ giã Đề Thám để lo công việc chung đã giao ước. Ít lâu sau, một số người của Duy Tân Hội đã lên Phồn Xương. Đó là Tú tài Phạm Văn Ngôn, Hoàng Xuân Hoành và một nông dân cùng quê với Phan đã đưa người lên mở đồn điền trên mảnh đất mà Đề Thám đã dành cho họ. Vùng đất mới khai khẩn nầy từ đó, mọi người gọi là đồn Tú Nghệ.

         Khi Phan Bội Châu rời Yên Thế, một tay hào kiệt lẫy lừng khác cũng tìm đến Đề Thám: Phan Châu Trinh. Mặc dù thi đỗ, được bổ làm Thừa biện bộ Lễ, nhưng Phan Châu Trinh lại xem chốn quan trường là nơi túi áo giá cơm loàng xoàng vậy. Năm 1905, ông đã cùng hai đồng chí Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp thực hiện chuyến Nam du để phát động phong trào Duy Tân. Khi đi qua Bình Định nhân gặp kỳ khảo hạch hằng năm để tuyển sinh, cả ba ông đều mạo danh lẻn vào trường thi. Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài Lương Ngọc danh sơn, Phan châu Trinh làm bài Chí thành thông thánh. Cả hai bài đều ký tên Đào Mộng Giác, ký tên nầy vì họ Đào là một họ lớn tại Bình Định và ông Đào Tấn quê ở Bình Định đang là quan lớn tại triều đình Huế. Vậy là không ai có thể phát hiện được. Hai tác phẩm nầy đã gây tiếng vang lớn trong giới trí thức trẻ và nhất là đám quan lại và tay sai Nam triều. Thiên hạ điếng hồn đọc bài thơ của Phan Châu Trinh – như chạm vào ngòi nổ của một trái bom:

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ

Bát cổ văn chương thụy mộng trung

        (Muôn dân đang là nô lệ dưới ách cường quyền – Vậy mà các anh vẫn ngủ say trong giấc mộng của văn bát cổ)

         Lời chất vấn đanh thép! Cũng trong chuyến đi đó, khi ngang qua Nha Trang, nghe đồn ở Vịnh Cam Ranh có tàu chiến của Nga hoàng đang náu ở đó, cả ba người liền tìm đến. Mấy ông trố mắt bảo nhau:

        - Vậy thì Á Châu mình có thua kém gì Âu Châu! Nhật Bản chỉ có mấy hòn đảo chênh vênh ngoài biển mà còn dám đánh nhau với Nga, một đế quốc hùng cường ở Âu Châu – thì tại sao Việt Nam ta không dám ngóc đầu dậy đánh đuổi bọn Pháp lang sa?

          Chiến hạm nầy do đô đốc Rodjestvensky chỉ huy, náu ở vịnh Cam Ranh từ ngày 13-4 đến 14-5-1905. Cả ba người liền cải trang làm cu li bán hàng, mỗi ông bưng một thúng cá, tôm, cua, sò… xuống tàu chiến để bán. Thật ra, họ quan sát thử xem nền văn minh khoa học và lực lượng của Âu Tây như thế nào. Do không cùng ngôn ngữ, cả ba ông không hỏi han gì thêm được. Chỉ biết rằng nước ta và văn minh Âu Tây còn cách xa nhau như trời vực.

       Sau chuyến đi nầy, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý cáp về lại Quảng Nam, còn Phan Châu Trinh bị bệnh nên phải nằm điều trị tại Phan Thiết. Dưỡng bệnh xong, năm 1906, Phan Châu Trinh ra Hà Nội. Bấy giờ, ông đã được sĩ phu trong nước biết tiếng và cuộc Nam du trước đó cùng nhiều bài thơ của ông vang dội đến Bắc Hà. Từ Hà Nội, Phan Châu Trinh bí mật lên Yên Thế. Cuộc hội ngộ giữa Phan Châu Trinh và Đề Thám không đem lại một kết quả gì đáng kể. Phan Châu Trinh đề nghị: - Nên mở mang  nông nghiệp, thương nghiệp để nghĩa quân có thể tự túc được, đỡ phần đóng góp của nhân dân. Nên cử người đi học ngoại quốc để đào tạo nhân tài cho tương lai. Chủ trương của Phan Châu Trinh là “Bất bạo động. Bạo động là chết. Đừng trông chờ viện binh ở nước ngoài, trông ở nước ngoài là ngu”. Phan sợ bạo động non, bạo động chưa đủ sức chỉ làm hao tổn sinh mạng, tiêu hao lực lượng, làm nhụt nhuệ khí mà thôi. Khẩu hiệu của phong trào Duy Tân mà ông nêu lên là: “Chấn dân trí. Khai dân trí. Hậu dân sinh”. Lúc nầy, Đề Thám đang mộ thêm binh, mua thêm khí giới để một phen sống mái với giặc nên thái độ “bất bạo động” của Phan không phù họp với Hùm Thiêng Yên Thế.

       Khi rời đồn Phồn Xương trở về Quảng Nam, Phan Châu Trinh có nói với Huỳnh Thúc Kháng:

       - Đề Thám là một vị tướng quả cảm rất đáng kính phục. Ông ta giỏi dùng binh, bền gan chiến đấu nhưng lại không nhìn xa trông rộng, cát cứ ở một vùng nhỏ như thế thì trước sau gì rồi cũng bị tiêu diệt.

          Còn Đề Thám, sau những lần đàm đạo với nhau thì ông nhận xét Phan Châu Trinh cũng như bọn “áo dài” có thể văn hay chữ tốt, nhưng không thể chiến đấu với giặc bằng súng bằng gươm được.

        Đôi bên không phù hợp về quan điểm nhưng vẫn tâm phục nhau. Năm 1907, khi phái Tôn Dật Tiên bị thất bại ở Quảng Tây phải chạy sang Việt Nam và yêu cầu trường Đông Kinh Nghĩa Thục giúp đỡ, Phan Châu Trinh đã tích cực làm việc nầy. Nhờ sự giới thiệu của ông mà Đề Thám đã giúp lương thực và chpo họ ẩn náu một thời gian ở Phồn Xương. Còn Phan Bội Châu, năm 1909 khi nghe tin Đề Thám bị giặc tấn công, ông cùng với Đặng Thái Thân, Đăng Văn Bá, Đặng Thúc Hứa… vận động được 2.500 đồng đem sang Trung Quốc mua súng đạn yểm trợ cho Yên Thế. Rất tiếc, trên đường vận chuyển toàn bộ số vũ khí đó đã bị cảnh sát Anh tịch thu tại Hồng Kông. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sau khi gặp gỡ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh thì Đề Thám đã có cái nhìn sát với tình hình thực tiễn hơn. Ông đã thấy ra rằng, những năm đầu của thế kỷ XX nầy đang có nhiều thay đổi lớn. Hà Nội, mặc nhiên trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội và kinh tế của nền đô hộ thực dân Pháp. Năm 1898 Pháp mở Sở Địa chất, năm 1899 mở Sở Địa lý, năm 1900 mở Viện Vi trùng, rồi lập trụ sở Bông vải sợi Bắc Kỳ, trụ sở Điện nước Đông Dương, trụ sở Rượu Đông Dương, v.v… Các hiệu buôn lớn của tư bản Pháp như Liên hiệp thương mại Đông Dương (L.U.C.I) và những hãng buôn lớn như Descours Cabaud, Boy Landry, Denis Freres… cũng đua nhau mọc lên tại Hà Nội. Năm 1902, chúng tiếp tục xây dựng Nhà Đấu xảo làm nơi trưng bày mọi tài nguyên sản phẩm Đông Dương, khánh thành cầu bắc qua Sông Cái… Còn về phía chúng ta thì năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội. Năm 1905, Phan lại về nước vận động thanh niên du học để mở đầu phong trào Đông Du. Năm 1907, Phan Châu Trinh cùng sĩ phu yêu nước mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 4 Hàng Đào – nhà riêng của cụ Lương Văn Can với không khí:

Trường Nghĩa Thục đứng đầu dạy dỗ

Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành

Gái trai nô nức học hành

Giáo sư mấy lớp, học sinh mấy ngàn

Buổi diễn thuyết người đông như hội

Kỳ binh văn khách tới như mưa

       Và phong trào Duy Tân với tên tuổi Phan Châu Trinh sôi nổi từ Nam chí Bắc. Tháng 3/1908 xảy ra vụ xin xâu ở Quảng Nam rồi lan rộng ra Bắc. Pháp gọi là Guerre des Tondeus (giặc cắt tóc), bọn Việt gian thì gọi là “Giặc đồng bào”… Để phù hợp với trào lưu chung, Đề Thám đã lập ra đảng Nghĩa Hưng để thay thế cho ngọn cờ Cần Vương đã lỗi thời.

         Đảng Nghĩa Hưng đã gây ra một sự kiện chấn động trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com