Bản in của NXB Kim Đồng
Chương một
Vì nghĩa lớn sá gì mạng sống,
Tìm đường lên Yên Thế để nương thân.
Năm giờ sáng ngày 1.9.1858 thực dân Pháp ngang ngược nổ súng tấn công thành phố Đà Nẵng - mở đầu cho công cuộc xâm lược Việt Nam. Để từ đó, trong lịch sử nước Pháp tồn tại một vết nhơ ô nhục không thể nào tẩy xóa được.
Như một ngẫu nhiên của lịch sử, cũng vào ngày giờ đó tại làng Dị Chế, xã Minh Khai, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) một đứa trẻ mới chào đời. Tiếng khóc oa oa gào lên như cọp rống. Người đàn bà nằm trên giường cữ mỉm cười mãn nguyện. Bà mụ nói vọng ra:
- Ông ơi! Ơn trời đất phù hộ nên bà nhà ta mới sinh được con trai. Ông đặt tên nó là gì?
Người chồng đang ngồi trên chõng tre ngoài nhà, khi nghe tiếng khóc của đứa trẻ, ông mừng lắm, bỏ sách xuống và bước vào bồng đứa bé từ tay bà mụ:
- Hứ! Thằng cu to như ông ba mươi. Tôi đặt nó tên Nghĩa bà ạ!
Nghe vậy, người vợ tuy mệt nhọc cũng hỏi lại:
- Bố nó đặt thằng cu tên Nghĩa à!
- Ừ! Tên Nghĩa nghe hay lắm! Lúc nó khóc oe oe thì tôi cũng vừa đọc đến chương 24 trong Luận Ngữ. Trong đó có câu: “Tử viết: Phi kỳ quý nhi tế chi, siểm dã kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”. Nếu tế những quỷ thần không đáng tế tức là siểm nịnh quỷ thần để cầu phúc. Thấy việc hợp lẽ mà không làm là người không có dũng khí. Vậy đặt nó tên Nghĩa nhé?
Người vợ đáp:
- Tùy ông! Vậy là mình khỏi nhờ ông giáo đặt hộ.
Thấy vợ đồng tình với tên mình đã đặt cho con, người chồng cất tiếng cười sảng khoái:
- Hay lắm! Nó lớn lên phải có dũng khí để mà làm việc nghĩa. Thầy Mạnh Tử đã nói rằng: “Sinh, ngã sở dục dã. Nghĩa, diệt ngã sở dục dã. Nhị giả bất đắc kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã”. Hay lắm! Hà hà!
Người vợ ngạc nhiên:
- Ông cười lớn là tại sao vậy?
- Bà nó ơi! Sự sống là điều ta muốn. Việc nghĩa là điều ta cũng muốn. Nếu hai điều ấy không thể đủ được thì ta bỏ sự sống mà làm việc nghĩa. Thầy Mạnh Tử nói chí lí quá phải không bà?
Nói xong, ông bước ra ngoài chõng tre vớ lấy điếu cày. Đóm lửa lóe lên. Ông rít mạnh một hơi. Nước điếu kêu lên sòng sọc như cũng muốn chia vui với ông. Khói tỏa lên trời xanh. Lùm tre vặn mình trong nắng sớm. Đâu đó có tiếng gà gáy te te. Một ngày mới bắt đầu.
Người đàn ông đang hạnh phúc đó tên là Trương Văn Thận, vợ của ông tên Lương Thị Minh. Gia đình ông gồm có năm người: Trương Văn Kính, Trương Văn Thận, Trương Văn Thân, Trương Thị Hồi và Trương Thị Hương. Bố của ông tên Trương Văn Tính, làm nghề dạy học, chết năm 1842 và mẹ của ông tên Vũ Thị Miền, làm nghề thuê, chết năm 1849. Cuộc đời của ông khá lận đận, học giỏi nhưng thi mãi không đậu. Bây giờ, qua tuổi tam thập nhi lập mới có đứa con trai đầu lòng.
Ngày tháng vùn vụt trôi qua. Thằng bé Nghĩa lớn như thổi. Vợ chồng ông sung sướng lắm. Ông chỉ muốn nó sau nầy lớn lên, học cho giỏi để trả thù cho những ngày bấp bênh lều chõng của ông mà làm rạng danh họ Trương. Ừ! Gương mặt thằng Nghĩa cũng đĩnh ngộ lắm. Chắc nó sẽ học giỏi lắm đây! Chiều nay sau khi ngủ dậy, nô đùa với con một lúc, ông đưa con cho chú nó bế đi chơi. Ngồi một mình, ông bùi ngùi nhớ lại những năm tháng đã đi qua cuộc đời mình.
Mặc dầu ông họ Trương, nhưng mọi người trong làng vẫn tưởng ông họ Đoàn. Nguyên do như thế nầy, trong một buổi chiều nọ, sau khi thắng ván cờ tướng với người bạn cùng xã, ông hứng chí cắp nón sang chơi làng bên. Tại làng Hà Cát, huyện Phù Cừ ông có một người bạn nối khố chí thân. Khi mới bước chân vào đầu làng thì một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt ông. Bạn của ông đang bị quan huyện sai lính gông cổ lại đánh đập tàn nhẫn vì tội vận tải lương thực chậm trễ. Thấy vậy, ông sôi máu lên, muốn nhảy vào cứu bạn. Nhưng ông nén giận quay về nhà. Khi trời vừa sụp tối, ông lại rời khỏi nhà. Lần nầy, ông lẻn đến cây đa đầu làng và đứng nấp ở đó. Lúc bọn quan huyện và lính lệ vừa ra đến nơi, ông xông ra hữu xung tả đột. Vốn là tay giỏi võ nghệ nên bọn chúng bị ông nện một trận đòn đau nhớ đời.
Sau vụ nầy, dù không tìm ra thủ phạm nhưng quan huyện trả thù bằng cách đưa bạn ông đi “tiền quân hậu lực” để đánh nhau với quân Lý Thừa đang nổi dậy ở Làng Từa. Một lần nữa vì thương bạn, ông lại dũng cảm bắt Lý Thừa giao nộp quan trên để chuộc tội cho bạn mình. Lúc bấy giờ, khắp nơi đã nổ ra những cuộc khởi nghĩa của dân đen chống lại triều đình thối nát. Một phần sợ quan huyện trả thù, một phần không chịu được sự bóc lột thậm tệ của bọn cường hào, ông đã bỏ làng đưa vợ lên Sơn Tây. Đến đây, để giấu tông tích của mình nên đổi thành họ Đoàn và gia nhập vào dư đảng của Nùng Văn Vân - lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Nhàn đang lãnh đạo nghĩa binh nầy. Đến lúc ông Nhàn bị quân triều đình bắt và giết chết, hai vợ chồng ông chạy thoát được và trở về quê nhà chí thú cày sâu cuốc bẫm. Đứa con mới chào đời, ông không muốn nó theo nghiệp binh đao mà ông đã trải qua. Ông muốn quên đi những ngày bầm dập ấy. Nghĩ như thế, ông khẽ thở dài. Cuộc đời ông đang lật qua một trang khác.
Tiếng chim kêu lảnh lót trên lùm cây trước nhà đã cắt đứt suy tư của ông, đưa ông trở về hiện tại. Ông Thận rướn người nhìn ra đầu ngõ. Tiếng chó sủa ầm ĩ. Tiếng lính lệ quát tháo:
- Có thằng Thận ở nhà không? Quân phản nghịch. Có lệnh bắt mày giao nộp cho quan huyện!
Ông Thận hoảng hốt bước ra ngõ. Hai tên lính lệ xông vào nện ngang lưng ông một gậy. Ông ngã sấp xuống đất. Bọn lính lệ hét vang:
- Có tin cấp báo trước đây mày từng theo dư đảng của Nùng Văn Vân để làm loạn! Có lệnh bắt mày đây!
Ngay lúc đó, vợ ông cũng từ ngoài ruộng về. Thấy chồng mình như thế, bà giận dữ:
- Cớ sự gì vậy? Sao chúng mày đánh chồng tao?
Dường như chỉ đợi thế, bọn lính lệ ùa vào tóm lấy bà. Một tên đã tóm được búi tóc dài của bà. Hắn siết chặt. Đập đầu bà vào thân cây. Máu tung tóe. Bà vỡ sọ chết tươi. Còn ông Thận vừa lồm cồm bò dậy thì bọn chúng đã trói gô lại tống vào cũi. Ông gầm lên. Mặc kệ. Bọn chúng giải ông về huyện. Vừa đến huyện đường. Ông Thận cắn lưỡi tự vận.
Biết chuyện không may đã xảy ra, trong lúc bồng thằng Nghĩa đi chơi, ông Thân em trai ông đã nhanh chân bế cháu chạy trốn. Họ chạy lên làng Trũng, phủ Yên Thế. Hoảng sợ trước sự truy nã khủng khiếp nầy, ông Thân giả làm người ăn xin, đổi qua họ Hoàng, tự đặt tên mình là Quát và thằng Nghĩa được đổi tên thành Thám. Từ sau biến cố nầy, đứa bé đĩnh ngộ có tên là Hoàng Hoa Thám. Hai chú cháu ông Quát lập nghiệp nơi nầy. Nghèo quá, ông đành cho Thám làm con nuôi ông Lý Tích. Để đời sau không lẫn lộn gốc tích của mình, ông Quát đã đặt ra bài vè mà dạy cho Thám. Bài vè như thế nầy:
Danh tiếng ngàn thu miền sơn cước
Anh hùng truyền thống ở họ Trương
Sơn Tây khởi nghĩa tung hoành
Ba đời vì nước tan tành biệt ly
Sa chân gặp lúc lâm nguy
Họ hàng tan nát còn gì nữa đâu!
Dấu nhà còn chút về sau
Họ Trương biến mất bảo nhau họ Đoàn
Có người lại cải họ Hoàng
Họ Trương ai biết họ Đoàn nào hay!
Nước non vẫn nước non nầy
Trăm năm tạc dạ đợi ngày vinh quang
Bao giờ lên đến Bắc Giang
Họ Hoàng cùng với họ Đoàn là đây!
Dấu nhà truyền thống còn dài
Long vân gặp hội thi tài kém ai!
Trong những lần đi chăn trâu nhà ông Lý Tích, đôi lúc cao hứng, Thám cũng ngâm nga bài vè nầy. Ngay từ nhỏ trong đám bạn chăn trâu, Thám đã nổi tiếng là người khỏe mạnh và có mưu lược. Lúc chia phe ra đánh nhau, nhờ tài trí hơn người nên lúc nào phe Thám cũng thắng. Có một lần cả bọn chăn trâu rủ nhau đi vào trong rừng, chẳng may bị lợn lòi tấn công. Cả bọn chạy tán loạn. Riêng Thám bình tĩnh đứng lại. Dõng dạc như một ông tướng xông pha nơi trận mạc, Thám hét lớn lên rồi lựa thế phang gậy vào đầu lợn lòi. Hăng tiết, con lợn lòi húc mạnh vào Thám. Nhờ có võ, Thám né sang một bên rồi vung thẳng tay phang liên tiếp mấy gậy nữa. Con lợn lòi ngã lăn ra. Bọn chăn trâu thấy vậy chạy đến. Chúng reo hò lên ầm ĩ và công kênh đưa Thám về nhà. Nhờ đó, tiếng tăm của Thám được thiên hạ đồn vang.
Dù làm con nuôi ông Lý Tích, nhưng thật ra Đề Thám chỉ là người đi ở đợ. Cơm không đủ ăn. Áo không đủ mặc. Tại sân nhà ông Lý Tích, đêm nào cũng có thầy dạy võ để truyền nghề cho con cháu của ông, nhưng Thám lại không được theo học. Vốn khỏe mạnh và mê nghề võ nên trong những lúc đó, Thám thường lén đứng nhìn và tập theo. Nhờ vậy, dần dần trải qua năm tháng Thám cũng trở nên tinh thông võ nghệ.
Năm hai mươi tuổi, Thám vẫn chưa lấy được vợ, vì không phải là dân làng Trũng mà chỉ là dân ngụ cư nên Thám bị xem thường và chẳng có quyền lợi gì trong làng cả. Thám uất lắm. Thời bấy giờ, ở phủ Yên Thế cọp dữ, lợn lòi vẫn còn lộng hành. Đêm đêm ông ba mươi vẫn còn lẻn về làng bắt heo cúi, gà qué. Chính vì vậy, trong làng mới chia ra những tốp thanh niên khỏe mạnh luân phiên nhau canh gác. Thám xung phong lãnh trách nhiệm đó.
Đêm nay, bóng trăng treo lơ lửng trên đầu ngọn tre. Làng xóm tĩnh mịch. Vọng từ xa xa tiếng chó sủa vu vơ. Đang chợp mắt thiu thiu ngủ trong điếm canh, bỗng có tiếng động làm Thám bừng tỉnh. Một mùi thối hoắc xộc vào mũi. Thám chồm dậy thì bủn rủn chân tay. Hai mắt con cọp sáng quắt rọi thẳng vào anh. Thám liền hét lớn:
- Cọp! Cọp!
Những người cùng đi canh với anh cũng hét lên:
- Trời ơi! Cọp!
Thế là họ ù té chạy. Con cọp vẫn điềm tĩnh khoan thai từng bước một. Thám nghiến răng cầm lấy đòn tre dài đã vót nhọn. Trước điếm canh là một khoảng sân rộng, Thám quyết một phen sống mái với con cọp nầy. Ngay lúc đó, từ phía trong làng mọi người đã cầm đuốc, đánh phèn la ầm ĩ như tiếp sức cho Thám. Anh nhanh nhẹn nhảy ra khoảng sân rộng thủ thế. Con cọp vẫn thản nhiên liếc mắt nhìn anh. Đột nhiên, nó mọp xuống rồi nhanh như cắt phóng lên chụp lấy anh. Chỉ trong tích tắc, anh nhanh nhẹn né người qua bên tránh miếng đòn đầu tiên của con thú dữ. Lạ thay! Dù phóng lên dũng mãnh như thế, nhưng con cọp lại hạ xuống rất nhẹ nhàng. Bốn chân nó vừa chạm đất thì Thám liền chỉa ngọn tre nhọn hoắt ngang hông nó. Con cọp rú lên. Tiếng gầm rú trong cơn tức giận của nó, người ta có cảm tưởng như rung chuyển cả đại ngàn. Nó lập tức phóng lên. Bụi bay mịt mù. Thám bình tĩnh tung ngọn tre chống đỡ. Con cọp nhảy tới, nhảy lui tìm thế xông vào đối phương và miệng luôn gầm thét. Hai bên quần nhau bất phân thắng bại.
Đến lúc Thám gần kiệt sức, con cọp bỗng hộc lên một tiếng, nó lăn ra sân nằm đưa chân lên tròi. Tiếng phèn la vẫn inh ỏi. Đuốc cháy sáng bập bùng. Mặc dù con cọp nằm tênh hênh như thế, nhưng không ai dám nhảy vào tiếp sức với Thám. Trong ngón nghề đánh cọp, người ta gọi đây là miếng trâu vằng. Con cọp khi đã thành tinh rồi thì mới học được miếng nầy. Nó khôn ngoan giả vờ nằm như thế là để đánh lừa đối thủ. Những tay non nghề tưởng bở, nhảy vào trong lúc nầy thì con cọp bắt ngay vũ khí rồi móc luôn họng địch thủ. Thám đã được nghe nhiều thầy dạy võ nói như thế nên anh chỉ đứng yên. Một lát sau, không thấy động tĩnh gì, con cọp chồm dậy. Hai bên lại tung nhau vào trận đấu. Tiếng cọp gầm lồng lộn, tiếng đòn tre quay vút trong gió đã tạo nên âm thanh rùng rợn.
Khi con cọp nhảy xổm vào người Thám, anh quyết định tung ra đòn cuối cùng. Thám ngồi thụp xuống. Đòn tre nhọn chỉa thẳng lên trời đen. Lấy hết sức bình sinh, anh thọc đòn tre nhọn vào bụng thú dữ. Bị bất ngờ, nó rú lên khủng khiếp rồi dùng hai chân trước quào xuống đầu Thám. Anh né người tránh, nhưng móng vuốt cũng sướt qua vai. Máu tung tóe. Nhưng con cọp càng dãy dụa thì anh càng đâm ngọn tre vào sâu hơn nữa. Mùi máu cọp tanh tưởi chảy xối xả xuống mặt anh. Thám kiệt sức. Anh buông tay ra. Con cọp hộc lên tiếng kêu thảm thiết. Nó nhảy vọt ra khỏi vòng chiến đấu để toan chạy về rừng. Lúc nầy, thấy con cọp đã ngất ngư, mọi người liền xông vào tung roi quyết chiến. Cuối cùng, con cọp nằm yên chịu chết dưới làn mưa roi của dân làng Trũng.
Sau trận đánh cọp nầy, danh tiếng Thám nổi lên như cồn. Ông Lý Tích cũng sung sướng tự hào với đứa con nuôi của mình. Nhờ vậy, ông mới chịu cùng ông Quát đứng ra hỏi vợ cho Thám. Đó là một cô gái quê chăm làm, đẹp nết tên là Tảo. Hai năm sau, vợ chồng Thám sinh đứa con đầu lòng. Anh đặt tên là Trọng với ngụ ý “trọng nghĩa khinh tài”.
Nhưng Hoàng Hoa Thám là người có chí lớn. Vợ đẹp con ngoan không là mục đích của đời anh. Khi lớn lên, anh đã ý thức được cái chết vì nghĩa lớn của bố mẹ anh. Và bây giờ, binh đao đang nổi lên khắp nơi. Nhà Nguyễn lần lượt để đất đai mất vào tay bọn xâm lược nhà nghề. Đời sống của dân đen ngày càng cùng khổ. Linh mục Retort đã ghi nhận trong Nhật Ký Truyền Đạo Xứ Bắc Kỳ: “Dân nghèo bán cả những mảnh ruộng của mình cho nhà giàu với giá rất hời, hoặc vay vài đấu gạo và hứa sẽ trả gấp bốn lần trong mùa gặt tới. Thành thử số thóc sắp thu hoạch chỉ đủ để trả các món nợ, và họ phải rơi ngay vào một vụ đói mới. Thật tội nghiệp phải trông thấy những kẻ đói khát, họ ăn tất cả mọi thứ để khỏi chết đói. Họ nhai ngấu nghiến lá cây, cỏ, rễ cây hoặc các loại côn trùng. Thậm chí có người phải chôn con mình để khỏi phải nhìn thấy con trong cơn đói khát”. Trong dân gian thời nầy xuất hiện một bài vè mô tả cảnh bi đát của người nông dân:
Cơm thì chẳng có
Rau cháo cũng không
Đất trắng xóa ngoài đồng
Nhà giàu niêm kín cổng
Còn một bộ xương sống
Vơ vất đi ăn mày
Ngồi xó chợ lùm cây
Quạ kêu vang bốn phía
Xác đầy nghĩa địa
Thây thối bên cầu
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét
Dân nghèo cùng kiệt
Kẻ lưu lạc tha hương
Người chết chợ chết đường
Trừ bọn lòng lang dạ thú không thương
Ai nấy chẳng đau lòng xót dạ?
Hoàn cảnh của Thám cũng như thế. Hai vợ chồng anh làm quần quật suốt ngày vẫn thiếu đói. Anh thường nói với vợ:
- Chồng người đi ngược đi xuôi.
Chồng em ngồi bếp cho buồi dính tro!
Lẽ nào cuộc đời anh phải chết mục xác ở cái làng Trũng nầy à?
Vợ Thám đáp:
- Ngày trước, tôi bằng lòng lấy ông vì biết ông có sức hơn người, có chí hơn người. Tôi biết ông mưu việc lớn. Nhưng ông ạ! Con còn nhỏ dại. Ông đi thì tôi biết làm sao? Hay là đợi nhà ta…
Vợ Thám chưa nói hết câu, Thám quát:
- Nước mất thì nhà cũng tan. Đợi là đợi đến lúc nào nữa? Bà nó ạ! Tôi muốn dấn thân vào chốn binh đao. Làm trai mà được chết ngoài chiến địa há không phải là một vinh dự sao?
- Tôi van ông! Ông nói khẽ thôi.
Thám thương vợ quá. Người phụ nữ ốm yếu nầy lúc nào cũng lo sợ. Tảo im lặng. Đã nghe chồng nói thế thì Tảo đáp cụt lủn:
- Thôi, tùy ông!
Thám không nói nữa. Anh bước ra sân đi những đường quyền đẹp mắt. Sau đó, anh leo lên mái nhà lợp tranh lại. Từ mùa mưa nầy, anh bỏ nhà ra đi thì vợ dại con thơ còn biết trông cậy vào ai? Đêm hôm đó, vợ chồng mặn nồng ân ái với nhau. Vào canh tư khi gà gáy te te ngoài ngõ, để cho chồng ngủ ngon giấc, vợ Thám rón rén thức dậy đi thổi cơm cho chồng. Gà gáy sang canh năm, Thám thức dậy. Anh từ biệt vợ:
- Bà nuôi thằng Trọng cho đến ngày khôn lớn. Nếu chẳng may tôi bỏ xác thì bà lấy ngày hôm nay làm giỗ ma chay. Còn nếu nhờ ơn trời mà lập nên sự nghiệp lớn thì tôi sẽ đón bà với thằng Trọng lên đại bản doanh của tôi.
Vợ Thám khóc nức nở. An ủi vợ xong, Thám lên đường đi Bắc Ninh.
Đến vùng chiến sự, anh xin vào đội nghĩa quân của lãnh binh Trần Xuân Soạn. Nhờ có sức khỏe và tài trí mưu lược nên thời gian sau, Thám được giao chỉ huy một toán quân vài chục người. Nhưng gươm cùn, mác ngắn không thể chống chọi được với tàu chiến đạn đồng của giặc Pháp, đội quân Trần Xuân Soạn bị dìm trong máu. Thám bơ vơ đi tìm minh chủ mới.
Tình hình đất nước đang cực kỳ rối ren.
Từ sau năm 1880, chủ nghĩa tư bản Pháp đang chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa nên yêu cầu đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa, hoàn thành đánh chiếm Việt Nam càng thêm cấp thiết. Ngày 15-5-1883, nghị viện Pháp họp thông qua ngân sách chiến phí và quyết định gởi thêm quân, chiến hạm sang tham chiến ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhằm thương lượng với Pháp về việc “mua bán” nước ta nên quân nhà Thanh từ Trung Hoa cũng tràn sang. Đời sống dân đen cực khổ không kể xiết.
Đối với một người có chí vùng vẫy biển trời như Thám thì không thể về quê vui thú cày cuốc. Nghe đồn ở Yên Thế có một hào phú, thạo nghề binh, đang chiêu hiền đãi sĩ để mộ quân chống Pháp, Thám liền phóng ngựa đi tìm. Tay hào phú đứng đầu hàng nước ở đó là Ba Phức. Sau khi được yết kiến, Thám cùng Ba Phức bàn bạc việc quân thì lấy làm tâm đắc lắm. Thám nhận Ba Phức làm cha nuôi và trở thành cánh tay phải của ông, bất cứ việc lớn nhỏ nào cũng đều hỏi qua ý kiến của Thám. Ngày 12-3-1884, được nghe tin Pháp sẽ đánh lấy Bắc Ninh, Ba Phức hạ lệnh tế cờ khao quân rồi đem quân xuống đó tung hoành một phen. Đánh được vài trận, nhưng trứng làm sao chọi được với đá? Quân của Ba Phức tan vỡ, Ba Phức và Thám kéo tàn quân đi tìm Hoàng Đình Kinh, tục gọi Cai Kinh – một lãnh tụ của phong trào Cần Vương đang dấy binh ở núi Đồng Nãi.
Kinh là dư đảng của Cai Vàng. Sau khi thủ lĩnh chết, Kinh chiếm lấy một vùng rộng lớn ở Phủ Lạng Thương tung quân đi đánh phá khắp nơi. Cách tổ chức của ông rất có quy củ nên gây được thanh thế lớn. Ông thường đem chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi ra mà giáo dục nghĩa quân: “Nếu ai sợ hết, cam chịu yên vui lo cho gia đình hơn là việc xã tắc thì hãy từ chối. Ai tránh việc quân mà rời đội ngũ, bỏ chỗ sáng lao vào chỗ tối, sống lén lút vui thú với đàn bà, như vậy là trọng tội với triều đình, pháp luật sẽ trừng trị, hối về sau thì đã muộn”. Sau khi Thám và Ba Phức tìm đến nơi, tham gia vài trận lớn, Cai Kinh nhận thấy Thám là người tâm phúc và mưu trí hơn người nên cử anh là Đề Đốc. Từ đó, mọi người quen gọi anh là Đề Thám.
Vào thời điểm nầy, cuộc “mua bán” Việt Nam giữa thực dân Pháp và triều đình phong kiến Mãn Thanh cũng vừa kết thúc. Ngày 11-5-1884 họ cùng ký vào Hòa ước Thiên Tân. Theo đó, quân nhà Thanh sẽ rút hết khỏi Bắc Kỳ để Pháp rảnh tay đàn áp phong trào kháng chiến của nhân dân ta đang đồng loạt nổi dậy, ngược lại, Pháp phải cắt nhiều vùng đất ở biên giới phía Bắc nhường hẳn cho Trung Hoa. Trên đà thắng thế nầy, thực dân Pháp lại gây áp lực mới buộc triều đình Huế ký hiệp ước ngày 6-6-1884 đặt cơ sở lâu dài và chủ yếu về quyền đô hộ của nước Pháp tại Việt Nam. Đối với nghĩa quân của Cai Kinh, khi có thêm Đề Thám và Ba Phức thì như mọc thêm vây cánh. Ngày 31-5-1886, Cai Kinh đã dẫn 400 quân đi vây đánh đồn Thanh Muội. Giặc Pháp kéo quân từ Lạng Sơn xuống tiếp viện. Hai bên giao chiến ác liệt. Đại tá Dugenne bị phục kích chết trong chiến dịch nầy. Cầm cự với giặc được hai tháng, nghĩa quân của Cai Kinh nao núng. Trên đường rút quân về bên kia biên giới, chẳng may Cai Kinh bị giặc bắt sống. Cũng trong thời gian nầy, ngọn cờ Cần Vương – mà linh hồn là vua Hàm Nghi – cũng bị Pháp bẻ gãy. Sau khi rời Ấu Sơn chạy lên Quảng Bình, vua Hàm Nghi đã bị tên Trương Quang Ngọc làm phản. Nó dẫn bọn thuộc hạ vác nỏ, cầm giáo, đeo gươm đi bắt vua theo lệnh của đại úy Boulangier. Lợi dụng lúc trời tối bọn chó săn nầy kéo đến bờ khe Tá Bào – nơi nghỉ chân của vua Hàm Nghi. Thấy động, Tôn Thất Thiệp vừa vác gươm xông ra thì Cao Viết Lượng đã phóng một ngọn đao xuyên qua ngực. Vua Hàm Nghi sực tỉnh dậy, từ trong lều bước ra, biết mình bị phản, ông chĩa gươm bảo Ngọc: “Thằng Ngọc! Mày giết ta đi! Còn hơn mày đem ta nộp cho giặc Tây!”. Đó là lúc 10 giờ đêm ngày 26-6-1888. Còn Cai Kinh sau khi bị bắt, viên công sứ Lạng Sơn đã hạ lệnh chém đầu ông vào ngày 6-7-1888. Từ đó, nhân dân thương tiếc đã lấy tên ông đặt cho dãy núi Đồng Nãi mà ông từng đóng quân là núi Cai Kinh.
Tình hình quá đỗi bi đát, Ba Phức và Đề Thám kéo một số tàn quân lên Yên Thế. Trong người Thám vẫn còn giữ được tờ sắc của vua Hàm Nghi đã phong “Chánh Đề Đốc Hoàng Hoa Thám” với ấn son rực rỡ.
Ngày 1-10-1888, bắt đầu có Chỉ Dụ của triều đình Huế dâng Hà Nội cho Pháp. Tòa Công sứ đã đặt ở 80 phố Hàng Gai bây giờ. Đền Ngọc Sơn dành cho đội quân Thông tấn báo chí. Đội quân tình báo, quân nhu đóng ngay tại chùa Quan Thượng. (*)**** Khu nhà Bưu điện trên hồ Gươm hiện nay.****** Trong khi đó, Tổng Đốc Hà Nội phải dời trụ sở về làng Tiên Thị. (*)****** Phố Lý Quốc Sư ngày nay.****** Mỉa mai hơn, Nha Kinh lược đại diện tối cao cho triều đình ở ngoài Bắc phải đóng trụ sở tại phố Hàng Gia bên cạnh công sứ Pháp để thuận tiện cho việc xin chỉ thị!
Thế nhưng, nhân dân không hèn nhát như vua quan nhà Nguyễn mà họ:
Rập rình súng bắn cờ xiêu
Phen nầy quyết đánh cả triều lẫn Tây
Đánh cả triều đình bán nước lẫn thằng Tây cướp nước. Sau thất bại của Cai Kinh, Thám tìm đường lên Yên Thế vì nhiều lẽ. Lúc bấy giờ, Yên Thế đang vang dội tên tuổi của Lương Văn Nắm, tức Đề Nắm. Những trận đánh của ông đã gây cho giặc Pháp khiếp vía. Thời gian lăn lộn ở chiến trường đã dạy cho Thám nhận thức được chỉ có Đề Nắm, cũng như Lãnh binh Soạn, Cai Kinh mới là minh chủ của mình. Hơn nữa, thời thế đã giúp cho Thám có sự chọn lựa đúng đắn. Khi anh cùng Ba Phức lên Yên Thế thì giặc Pháp cũng vừa càn quét vùng nầy. Đội Văn – thủ lĩnh của lính khố xanh tham gia kháng chiến – mới bị bắt. Trước đây, Đội Văn từng đứng trong hàng ngũ của nghĩa quân Bãi Sậy, sau ra hàng Pháp và trở thành cánh tay đắc lực của Hoàng Cao Khải. Không rõ vì lý do gì, sau đó Đội Văn đưa 500 lính khố xanh lên Yên Thế chống Pháp. Sau khi tác chiến, chẳng may Đội Văn bị sốt rét nên không chạy thoát được. Mấy cha cố Bắc Ninh được tin và biết chỗ trú ẩn của ông nên dẫn Pháp đến bắt. Ông bị chém đầu vào ngày 7-11-1889 tại vườn tượng Paul Bert. (*)****** Nay là vươn hoa Chí Linh.****** Hào hùng thay! Dòng máu yêu nước của Đội Văn đã bắn thẳng vào mặt tượng tên quan văn – người đầu tiên đứng đầu hệ thống cai trị lúc bấy giờ. Tượng nầy làm bằng đồng hun, dựng năm 1886. Mặt hắn quay ra phía hồ Hoàn Kiếm, tay phải cầm chiếc cờ Tam Tài, tay trái chĩa về phía sau với năm ngón xòe ra. Dưới chân hắn đang đứng là tượng nhỏ một người An Nam mặc áo cộc, đầu chít khăn, chân dẫm đất, ngồi xổm, ngửng mặt lên như van lơn, cầu khẩn. Mỉa mai hơn là phía bên Cửa Nam có tượng mụ đầm xòe và trên bờ hồ phía tây có đền và tượng vua Lê. Sau cái chết oanh liệt của Đội Văn và những người yêu nước khác thì Đề Thám được nghe những câu vè thú vị:
Nực cười cho lão Paul Bert
Chực chim con mẹ đầm xòe Cửa Nam
Vua Lê đứng giữa nghến hàm
Trỏ gươm, quắc mắt: - Mày làm gì kia
Paul rằng: - Trăm lạy vua Lê
Con be để đỡ máu dê trong người!
Và đây cũng là thời gian mà giặc Pháp mua chuộc được Lương Tam Kỳ đang dấy binh ở Chợ Chu. Ba Kỳ khởi binh ở Chợ Mới cũng noi gương trên mà ra đầu hàng. Còn chiến khu Bãi Sậy, cuộc kháng chiến của cụ Tán Thuật cũng không đủ sức cầm cự lâu dài với giặc. Cuối năm 1889, cụ phải trốn sang Tàu. Đề Thám đã nhìn thấy giữa sự tàn lụi đó một ngôi sao sáng còn sót lại: Đề Nắm. Và hơn ai hết, chính Đề Thám đã có một tầm nhìn chiến lược với địa thế Yên Thế. Từ đó, có Yên Thế mà Đề Thám trở nên lừng lẫy, ngược lại chính Đề Thám đã làm rạng danh Yên Thế.
Thời Lý, Yên Thế nằm trong đất Lạng Châu. Thời Trần mang tên là Yên Viễn thuộc lộ Như Nguyệt Giang. Khi nhà Minh đô hộ nước ta, Yên Thế mang tên Thanh Viễn. Đến thời Lê đổi lại Yên Thế. Thời Nguyễn gọi là đạo Yên Thế (1874). Ngày 24-12-1895, chính phủ Pháp lập đạo quan binh Yên Thế, giải tán tống Yên Thế, nhập hai tổng Hương Vĩ, Hữu Thượng của Hữu Lũng và Ngọc Cục của Yên Dũng sang. Năm 1899, thay thế đạo quan binh là đại lý Nhã Nam. Đầu thế kỷ XX đổi gọi là phủ Yên Thế. Từ ngàn xưa trong dân gian có câu:
Tiểu loạn cư Thăng Long
Đại loạn cư Yên Thế
Có thể hiểu rằng: Làm loạn nhỏ thì cư ngụ ở đất Thăng Long cũng được, nhưng muốn làm loạn lớn thì phải lên đất Yên Thế thì mới an toàn.
Vùng đất nầy, quyển 19 Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đã ghi nhận: “Rừng núi ngăn cách, hang khe hiểm trở, bọn bất đắc chí thường lẻn lút ra vào, việc cầm phòng rất là cần thiết”. Đây là phủ thuộc tỉnh Bắc Giang ở phía Tây Bắc cách Hà Nội trên 50 cây số. Một mặt dựa vào dãy núi Cai Kinh và mặt khác lọt vào giữa thượng lưu sông Cầu và sông Thương – tạo nên thuận lợi cho việc cầm binh đánh giặc. Phần phía Bắc gọi là Yên Thế Thượng, có nhiều đồi, gò hiểm trở, cheo leo, hiểm lóc, có nơi cao đến một trăm năm mươi thước. Phần phía Nam gọi là Yên Thế Hạ có nhiều ruộng đất làng mạc. Từ Yên Thế có đường giao thông đi đến nhiều tỉnh khác, thuận tiện cho việc đánh chiếm các tỉnh trung châu Bắc Kỳ mà khi thất thế có thể rút sang biên giới. Từ ngàn xưa Yên Thế đã là vùng đất dụng võ của những tay giang hồ hảo hớn.
Sự có mặt của Đề Thám tại Yên Thế sẽ là mục tiêu tấn công liên tục của giặc Pháp. Những trận đánh kéo dài trên 20 năm đã lưu lại một vết son rực rỡ trong lịch sử cận đại Việt Nam. Và muôn đời sau khi nói đến Yên Thế buộc chúng ta phải nhớ đến một thời oanh liệt của một Con Người được mệnh danh là Hùm Thiêng Yên Thế: Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|