LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.6.2016

2_88968

 

Sực nhớ đến chuyện này: Vài năm trước đây, y cùng vài anh em nhà văn giúp công ty nọ tuyển chọn thơ, văn của các cây bút trẻ. Sau đó, công ty nọ đầu tư, in ấn, phát hành, quảng bá rộng rãi. Công việc này, báo chí khen ngợi dữ lắm, vì lần đầu tiên có công ty kinh doanh bỏ tiền in ấn tác phẩm của những người viết mới toanh; hoặc in chung với các tác giả đã nổi tiếng. Thật ra, cũng là một cách P.R cho sản phẩm văn hóa của công ty nọ.

Lại nhớ thêm chuyện này nữa: Lần nọ, y lại cùng công ty nọ thực hiện tập sách cho một sản phẩm vật chất được quảng bá dưới hình thức sách. Sản phẩm đó trong tập sách đó, người viết không đề cập đến một nhãn hiệu cụ thể, chỉ viết về sự an bình, thong dong, nghĩ ngơi... trong căn nhà của mình. Dù trong sách không viết về sản phẩm đó nhưng tác động của nó lớn hơn, bởi suy nghĩ của nhà văn, nhà báo khi chiêm nghiệm thể hiện qua cảm xúc sẽ giúp người đọc có cảm tình với sản phẩm đó nhiều hơn.

Đọc các tập sách đầu thế kỷ XX, biết rằng cách đây hàng trăm năm,  người ta biết đến cách tiếp thị này. Chỉ xin đưa một vài thí dụ: Tập sách Thời sự cẩm nang in toàn bộ vấn đề thời sự Nam kỳ năm 1925, dày 600 trang  - do nhà in Nguyễn Văn Của ấn hành năm 1926, tổng hợp các công văn, nghị định do thống đốc, toàn quyền...  ký và ban hành. Ngoài bìa ghi rõ: “Các quan chủ tỉnh trong Nam kỳ có mua một ngàn cuốn đặng phát cho các làng dùng”.  Trong tập sách đó vẫn có các trang quảng cáo đủ loại sản phẩm; tương tự, các tập sách của nhà văn ở Nam kỳ ấn hành thời điểm đó cũng vậy. Đừng nói đâu xa, chỉ mới trước 1975 thôi, hầu hết các tập sách viết về thú chơi cổ ngoạn, thú đọc truyện Tàu, chơi chim ca cảnh... của cụ Vương Hồng Sển đều ghi rõ do một công ty dược phẩm đứng ra in. Nhờ vậy đến nay ta vẫn còn nhớ đến sản phẩm của công ty đó. Khi một sản phẩm vật chất gắn liền với sách ắt sự tồn tại của nó lâu dài với thời gian hơn bất kỳ hình thức quảng cáo nào khác.

Nói dông dài một chút cũng không ngoài nhấn mạnh: nhờ hai việc làm trên nên có anh chàng nọ tin cậy, tạm gọi là X tìm riêng y. Đại khái, X cho biết sắp in một quyển tiểu thuyết và muốn một trong hai công ty kinh doanh trên bỏ tiền ra mua. Giá tiền 100 triệu đồng. Không phải số tiền nhỏ trong thời điểm đó. Y kinh ngạc quá. X này điên rồi à? Một cây bút vô danh in quyển sách đầu tay mà buộc thiên hạ mua với giá đó? Điên thật rồi. Chẳng phải đâu. Y chẳng hiểu gì sất. Đó là một cách P.R tên tuổi rất hiệu quả. Sự kiện này, báo chí sẽ tranh giành đưa tin ngay. Tín quá sốt dẻo. X bảo, thực hiện thương vụ này tất nhiên về phần X đã không có một xu teng nào nhưng còn tốn một số tiền trả cho y và công ty đứng ra mua tác phẩm đó. Qua thương vụ giả vờ, “diễn”, “đóng kịch” rất láu cá, thậm chí lưu manh này, bù lại, X được cái tiếng ngon ơ. Nổi tiếng ầm ầm. Còn rẻ hơn chán vạn cách mua danh khác.

Sở dĩ nhớ lại chuyện cũ rích này vì gần đây tập thơ nọ được công ty nọ mua với giá 500 triệu đồng. Một số tiền quá lớn nếu chỉ để mua tập thơ gồm 100 bài dạy kỹ năng sống cho con nít. Thôi thì, bàn chuyện đó làm chi. Sự việc cụ thể ra làm sao, chẳng ai biết rõ, cứ cho là thế, nào có “chết thằng tây đen” nào? Có điều anh em báo chí phân tích và kết luận đó chỉ là loại thơ tầm cỡ Bút Tre. Nghĩa là với các bài thơ đó, tác giả gieo vần ngẫu hứng, không theo chuẩn mực, quy định vốn có của thơ nên tạo ra sự ngớ ngẫn, gây cười.

Xin trích dẫn: “Cái miệng xinh xắn ngọt ngào/ Sinh ra là để xin chào, hê lô (hello)”; “Khó khăn là chuyện bình thường/ Như xe đang chạy gặp đường mấp mô/ Dòng đời gian khổ đẩy xô/ Thường tình như thể Thủ đô tắc đường/ Chịu đựng để luyện kiên cường/Hy sinh để thấm tình thương vơi đầy”; “Thứ nhất là kiệm thời giờ/ Thứ hai kiệm sức, thứ ba kiệm tiền/ Kiệm điện, kiệm nước đương nhiên/ Tránh đồ xa xỉ, ưu tiên hàng đầu…/ Kiệm để nước mạnh dân giầu/ Kiệm để không bị tụt sau dài dài/ Kiệm để không bị phí hoài/ Kiệm để biến lúa, sắn, khoai… thành vàng” v.v… và v.v… Kỹ năng dạy cho con em nhà ta đấy chăng?

Thôi kệ thiên hạ, bàn làm chi. Chỉ kinh ngạc là với vần vè ấy lại được không ít nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, nhà phê bình văn học, nhà quản giáo dục, thầy cô giáo… đáng kính của nước nhà lại hùa vào khen nức nở, tống nó lên ngút tận mây xanh. Chẳng rõ vì động cơ vì lại thế? Hỏi thế, vì hơn ai hết chính họ thừa sức, dư trình độ chuyên môn để “ngửi ra” cái mùi gọi là chất lượng. Từ cái trò tung hô vô tội vạ, hẫu lốn này, lại nhớ đến tay vô danh nọ cả gan chỉnh sửa lại toàn bộ Truyện Kiều, báo chí “nện” tơi bời nhưng than ôi, lại có một vị giáo sư đáng kính lại khen ngợi hết lời khi viết Tựa!

Thời buổi gì mà lạ lùng quá. Trong một xã hội, thành trì cuối cùng để níu giữ lại sự nề nếp, thành trì đạo đức của mỗi cá thể, mỗi nếp nhà chính là văn hóa. Nay, lãnh vực văn hóa cũng bị thao túng nốt. Không chỉ trong nước, nó còn có thể móc ngoặc với tổ chức nước ngoài. Chẳng hạn, mới đây, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) trao bằng kỷ lục thế giới cho cuốn thơ “khổng lồ” nặng 54kg. Nghĩ mà tội nghiệp cho thể loại thơ, người làm thơ chân chính.

Trong những ngày này, như thói quen, y vẫn nhặt nhạnh chữ nghĩa làm vui. Xin ghi nhận vài từ mới. Chẳng hạn, “Kẹo lạc không đường”. Ủa, từ này cũ rách rồi kia mà? Ai cũng biết kẹo lạc làm bằng đường mật nước nấu với lạc rang, vị rất ngọt nhưng nay đã có hàm nghĩa khác. Nó được sử dụng khi đánh giá về đường hầm bêtông tại km4+900 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Cứ theo như tường thuật của Báo Tuổi Trẻ (21.5.2016): “Nhìn vào mảng vỡ người dân thấy toàn đá dăm xếp rời rạc, giữa các viên đá có khe rỗng, không thấy ximăng gắn kết. Khi dùng tay gỡ thì từng viên đá dăm rơi lả tả, không hề có sự kết dính. Rất nhiều người bức xúc vì đường cao tốc này hơn 45.000 tỉ đồng mà làm cái hầm chui chất lượng quá kém. Người dân chúng tôi bảo nhau cái này không thể gọi là bêtông vì không thấy ximăng. Hay nói kiểu dân gian là nấu kẹo lạc mà không có đường nên rời rạc từng hạt lạc, không thành khối được”.

Lại nữa, “Động cơ là gì?”. Cụm từ đó, tràn ngập trên các trang mạng xã hội với đủ mọi sắc thái khác nhau. Có thể tóm tắt, nó xuất phát từ tranh luận trên VTV về chuyện chia sẻ thông tin trên Facebook như thế nào. Câu hỏi ấy được thốt ra từ miệng người dẫn chương trình và lập tức trở nên “nổi như cồn”. Từ “động cơ” có tính cách chụp mũ ấy bị biếm nhẽ, cười cợt qua một sắc thái khác. Trong rất nhiều thí dụ, y chọn câu này tếu nhất: "Động cơ của bạn là gì?”, “Dạ, em toàn quay tay, không có động cơ ạ”. Ở đây, người viết sử dụng cách chơi chữ đồng âm dị nghĩa. “Động cơ”, từ nghĩa: “Những gì thôi thúc con người có những ứng xử nhất định một cách vô thức hay hữu ý và thường gắn liền với những nhu cầu”, đột ngột trở thành: “Thiết bị dùng để biến đổi một dạng năng lượng nào đó thành cơ năng” - mà Đại từ điển tiếng Việt đã giải thích. Nếu chỉ có thế, câu thoại trên chưa đủ khả năng gây cười. Thiên hạ cười bởi “quay tay” thay cho động cơ đã trở thành tiếng lóng.

Đang cười, cười luôn thể. Cho vui. Cho đời thêm tươi. Rằng, tại cuộc hội thảo một số vấn đề lớn cần sửa đổi của Luật Phòng, chống tham nhũng được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 24.5.2016 tại Quảng Ninh. Có ông nọ, chức danh Phó cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng đề xuất: “Đề nghị nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn. Nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì rất dày”. Đề xuất này, theo báo chí đánh giá thì nó bao gồm những từ: “Lạ, ngớ ngẩn, vô tác dụng”.

Vui chưa? Chưa vui à. Đọc thêm cái này ắt vui. Rồi cười ngay cái rụp. Tại Trung tâm Tư vấn pháp luật (Trường ĐH Luật Hà Nội) diễn ra vào ngày 30.5.2016, phần thi môn "Kỹ năng chung về tư vấn pháp luật" yêu cầu các sinh viên tư vấn: Anh A hoặc vợ anh A có phạm tội hình sự không? Tội gì? Chồng chị A sẽ phải làm gì? Nói gì trước cơ quan tố tụng để có lợi cho gia đình họ trong vụ việc cụ thể này v.v.... Đề thi như sau:

1. Hai vợ chồng anh A
Sinh được một cậu bé
Dễ thương và mạnh khỏe
Nay đã 4 tuổi rồi
2. Rồi một hôm đang ngồi
Cô vợ liền tâm sự
Anh ạ! Con vẫn… bú
Dù em hết sữa rồi!
Nó vẫn cứ nhằn thôi
Nhiều hôm em đau quá!
Anh A cười ha hả
Việc đó dễ thôi mà
Bôi chút dung dịch là
Con ngậm cay… bỏ bú!
3. Mặt trời vừa mới nhú
Anh A liền mang sang
Lọ dung dịch màu vàng
Bôi đôi gò bồng đào
Hôn vợ yêu một cái
Anh A vội đi làm
Anh đến thẳng cơ quan
Làm lu bu công việc
4. Một hồi sau mới biết
Mình lấy nhầm lọ rồi
Lọ thuốc cực độc… ôi!
Con ơi! Ba có tội!
5. Ba đã giết con rồi!
Hốt hoảng lẫn rối bời
Người chồng liền tức tốc
Phóng vội xe về nhà
Nhìn thấy từ xa xa
Nhà đông người qua lại
Người thì hô cấp cứu
Kẻ bảo nó chết rồi
Ôi! Ba giết con rồi!
Anh A khuỵu trước cổng!
6. Như phép tiên, rồi bỗng
Đứa bé từ trong nhà
Rẽ đám đông chạy ra
Ôm chầm lấy người cha
Hổn hển… mách rằng là
Chú HÀNG XÓM gần nhà
Chết trong kia ba ạ!

L.M.Q

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment