LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.5.2016

phuong_dai_2RR

Nhà thơ Phương Đài (1932-2016)

 

Những ngày này, lại chạy như cờ lông công. Anh trai nằm Bệnh viện 115. Mẹ nằm Bệnh viện Phú Phuận. Hôm trước, đi phúng điếu nhà thơ Phương Đài. Cảm thấy đời trôi qua nhanh quá. Nhờ có gợi ý, thúc giục của bạn thơ Phan Hoàng mới thu xếp thời gian viết bài về người quá cố. Mà không thể không nhắc lại một kỷ niệm cũ. Đã cũ. Viết rằng:

“Trong đời ai cũng một lần đi cưới vợ, chừng hơn ba mươi năm trước tôi cũng thế. Theo kế hoạch của ngày qua nhà đàng gái, ba tôi từ Đà Nẵng có mặt tại Sài Gòn lúc 8 giờ. Thế nhưng do trục trặc tàu xe nên không thể đúng hẹn. Mọi việc đã chuẩn bị đâu ra đó, đã ấn định, không thể chậm trễ. Không còn cách nào khác, mọi người đã “bầu” nhà thơ Phương Đài đại diện cho đàng trai. Tháp tùng đi theo, ngoài “nhân vật chính” là tôi, còn có các bạn bè văn nghệ như nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, Trần Hữu Dũng, Đoàn Vy, Xuân Huy, Trương Nam Hương, Đoàn Vị Thượng... May quá, sau phần chào hỏi đúng chóc “giờ song hỉ” của “ngày lành tháng tốt” tại nhà gái, ba tôi kịp thời có mặt trong phần nghi lễ chính thức.

Từ sự việc đó, tôi đã thật sự xem nhà thơ Phương Đài là “má nuôi”.

Sở dĩ, trước đó, tôi có mối thân tình với với nhà thơ nữ nổi tiếng của miền Nam, tác giả Đất mẹ (1965), Hiến lễ mùa thơ (1971) cũng là từ nhà văn Sơn Nam. Thỉnh thoảng, tôi chở ông đến thăm, trò chuyện với các bạn văn nghệ cùng thơ với ông. Lần nọ, tại nhà riêng trên đường Thích Quảng Đức của nhà thơ Phương Đài, cô đã tặng tôi tập Hiến lễ mùa thơ. Trong đó, nhà văn Sơn Nam viết Tựa, khẳng định: “Phương Đài là nhà thơ tranh đấu”. Và ông lý giải: “Thơ Phương Đài chứng tỏ rằng đấu tranh cho dân tộc là đề tài chan chứa nhiều tình cảm. Và ca ngợi tình cảm cá nhân chưa hẳn là ủy mị, là lạc hậu nếu thi nhân giàu lòng yêu Tổ Quốc. Mười mấy năm qua, Phương Đài không còn là người cô độc. Vì người đang yêu Tổ Quốc, người đau khổ vì chiến tranh mỗi ngày thêm đông và đang có những hành động tích cực”.

Do hoạt động trong phong trào yêu nước: “Lên đường tay mạnh dìu tay yếu/ Thôi hết từ đây bước độc hành”, nhà thơ Phương Đài đã bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù. Nhiều phụ nữ miền Nam trong tù ngục đã sinh con, nhà thơ Phương Đài đã viết về trường hợp của chính mình: “Sinh con, lính gác tù bên cạnh/ Trong đau kiêu hãnh nở vườn đời/ Nhìn con cười xóa niềm băng hoại/ Mẹ mộng thành chim cất cánh bay” (Lời này cho Phương Dung). Hình ảnh chim bồ câu, tượng trưng cho hòa bình, thời ấy đã được nhiều nhà thơ miền Nam sử dụng. Ngay cả nhà thơ miền Nam như Chim Trắng, có lần cho biết sau Hiệp định Geneve, từ tên thật Hồ Văn Ba, ông ký bút danh đó cũng không ngoài mục đích đấu tranh cho thống nhất đất nước. Nhà thơ Phương Đài cũng từng tâm niệm: “Mơ đến mùa xuân thắm nụ đào/ Mùa xuân Nguyễn Huệ phất cờ cao/ Ngàn hoa nở cánh, bồ câu hiện/ Thơ đổ vườn xuân ngập ánh sao”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, khi hay tin nhà thơ Phương Đài qua đời, nhà văn Bích Ngân là người trước nhất loan tin trên trang web của Hội Nhà văn TP.HCM. Có thông tin này cần lưu ý, từ bài thơ Lời này cho Phương Dung: “Mẹ tặng con theo gương bà ngoại/ Gia tài bất khuất là nơi đây/ Là niềm tin tưởng trong truyền thống/ Là nhục nhằn trong hãnh diện này”.. nhà văn Bích Ngân cho biết: “Bà ngoại” trong câu thơ là nhà báo nhà thơ Song Thu, thân mẫu của nhà thơ Phương Đài, một nhà hoạt động cách mạng tiền bối. Nhà thơ Phương Đài còn là cháu gọi nhà thơ Phạm Phú Thứ (một đại thần triều nhà Nguyễn và là một trong số người có quan điểm canh tân đất nước trong những năm nửa cuối thế kỷ 19), người có khí tiết thanh cao, là ông cố ngoại”.

Sinh thời, nhà thơ Phương Đài cũng nhiều lần kể tôi nghe về chi tiết vừa nêu. Tạp chí Phổ Thông, từ số xuất bản đầu năm 1960, Diệu Huyền (bút danh của nhà thơ Nguyễn Vỹ) có viết loạt bài Các thi sĩ cuối cùng của thế hệ lão thành, ta thấy tác giả bài thơ nổi tiếng Gửi Trương Tửu đã xếp nữ sĩ Song Thu chung “chiếu làng văn” với các cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (thân phụ Tôn Nữ Hỷ Khương), Thường Tiên (con của trai của vợ chồng nhà thơ Lê Quang Chiểu - Trần Ngọc Lầu), Cao Ngọc Anh (ái nữ của cụ Cao Xuân Dục, cô ruột nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo), Song Thanh… Nhắc lại chi tiết trên, để thấy rằng nhà thơ Phương Đài cũng thuộc hạng “con nhà nòi”, có nếp thư hương truyền thống.

Sau năm 1975, nhà thơ Phương Đài vẫn tiếp tục sáng tác, có thể kể đến Đi giữa mùa thơ, Nắng hoàng hôn...  Có lẽ ấn tượng nhất là tập thơ Sợi mưa hồng, nhà thơ Lê Giang cảm nhận tinh tế, chính xác: “Hồn thơ vừa hiền dịu, nhỏ nhẹ, từ tốn, vừa ray rứt, băn khoăn, mong muốn thổ lộ. Phương Đài luôn gói ghém một chữ Tâm rưng rưng lấp lánh”.  Nhắc lại kỷ niệm về nhà thơ Phương Đài, tôi không thể quên chị Cúc - con gái của cô, cũng có thời gian làm việc tại Văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM. Chị xinh đẹp, hiền lành và có khuôn mặt giống như mẹ. Ngày đó, anh em làm thơ trẻ chúng tôi thường ghé thăm mẹ con cô và bàn luận thơ, đọc thơ cho nhau nghe.

Nay vĩnh biệt nhà thơ Phương Đài, xin chép lại bài thơ Đến thăm mẹ, tôi đã viết trong khu vườn nhà thơ Phương Đài từ năm tháng ấy, đã in báo Văn Nghệ TP.HCM số 496 (ra ngày 4.9.1987) như nén nhang đưa tiễn người đi:

Con đến thăm bóng trăng vườn mẹ
Ở Sài Gòn lại nhớ điệu dân ca
Vòm câu xanh hạnh phúc giữa sân nhà
Treo vạt trăng cong mang hình lá biếc

Trăng vườn mẹ bốn mùa rất tuyệt
Màu tình yêu thắp sáng chỗ con ngồi
Trăng dịu dàng ấp úng mãi trên môi
Mẹ đọc ca dao tình sâu nghĩa nặng

Giọng của mẹ ngọt ngào gạo trắng
Có cánh cò trắng biếc Cửu Long Giang
Bước trong vườn cây ngỡ đi giữa cung đàn
Cây trái thơm tho về đây hội ngộ

Dòng sông nơi đâu mà con nghe sóng vỗ
Thấp thoáng mùi hương vú sữa tím trời
Nghe nhịp chèo sông nước hát à ơi!
Đọng hoài trong con bài thơ mẹ đọc

Trăng của thơ bềnh bồng trên mái tóc
Vườn cây xanh như lòng mẹ ân tình
Con ngồi võng nhà mẹ giữa nội thành
Như bơi xuồng trong ca dao hồi bé

Chợt rung lên một bầy chim se sẻ
Bay về đây ấm áp bóng trăng lên
Thăm mẹ một lần có lẽ chẳng hề quên
Làn điệu dân ca ngọt ngào gạo trắng

Thoáng đó, “má nuôi” của tôi - nhà thơ Phương Đài “một chữ Tâm rưng rưng lấp lánh” đã thuộc về thế giới của “người muôn năm cũ”.

Thử hỏi, lòng sao không buồn?”.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment