LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.5.2016

bia-tuoi-tre-cuoi-1RRbia-tuoi-tre-cuoi-3RR

Báo Tuổi Trẻ Cười chọn lấy bìa nào?

 

Trước đây, do tò mò, y có đọc quyển Đèn cù của Trần Đĩnh. Đọc thì đọc thế thôi, chẳng mấy quan tâm. Một giai đoạn lịch sử, được nhìn qua lăng kính cá nhân là cần thiết vì nó mở ra một góc nhìn khác. Qua đó, có thể nhìn lại sự kiện nào đó rõ nét hơn, đa chiều hơn. Tuy nhiên, điều hạn chế là do mang yếu tố chủ quan, hơn nữa chủ đích tác giả là gì nên khó có thể biết rõ hư thật về một sự kiện nào đó. Nghĩ thế, y chỉ đọc loáng thoáng, hơn nữa, cũng chẳng mấy quan tâm về nội tình của sự việc mà Trần Đĩnh trình bày. Một tác phẩm văn học lại khác, mỗi người đều có thể nhìn nhận, đánh giá tùy theo nhận thức, trình độ thẩm mỹ…, dù chủ quan nhưng chẳng hề sợ ai bắt bẽ. Trước một sáng tạo nghệ thuật, người thưởng ngoạn đều bình đẳng. Còn đọc hồi ký cá nhân, cảm nhận thế nào còn là chuyện khác.

Với Đèn cù, nói đi cũng phải nói lại.

Ngoài chuyện chính trị, chẳng rõ hư thực ra sao nhưng có một vài phản ánh sinh hoạt thời ấy, rất cần thiết cho người nghiên cứu tiếng Việt. Đó là một số từ bị bị bóp méo đến thảm hại. Mà cần gì thời đó, bây cũng vậy thôi. Nếu khảo sát trên báo chí cũng có thể dễ dàng nhận ra. Tức là trước một sự việc, thay vì dùng từ đã có, chuẩn xác, người ta lại chọn cách nói khác làm nhẹ/nặng theo chủ đích bởi sự nhậy cảm của nó. Những ngày này, “cá chết” là một từ nhậy cảm. Bàn về nguyên nhân “cá chết” là một sự nhậy cảm. Có bài “Lời than thở của các loài cá” của tác giả Người hóng chuyện -  nguyên văn như sau:

“Hơn tháng trôi qua, kể từ ngày những con cá đầu tiên chết nổi lềnh bềnh trên mặt biển, lũ cá vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đang và sẽ xảy ra.

 Thông tin vô cùng nhiễu loạn. Lúc thì “do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển và tảo nở hoa, gọi là hiện tượng thuỷ triều đỏ”. Rồi “Kết quả quan trắc nước biển đạt tiêu chuẩn”. Đặc biệt, sau khi các ông bụng bự xuống tắm để chứng minh biển sạch mà cá vẫn chết dạt vào bờ, loài cá càng hoang mang. Kinh hãi nhất là dự báo nước biển bị ô nhiễm kim loại nặng, cá chết trước, người ăn cá tích tụ dần chất độc vào người, sẽ từ từ chết sau…

Loài cá cứ bơi vòng vòng, vòng vòng. Trong khi chờ cái chết tới, chúng tranh thủ thở than.

Cá Chim nói:

- Ôi ước gì mình bay được như chim để thoát khỏi vùng biển chết chóc này.

Cá Đao nghe vậy, chém gió một phát:

- Cậu không thấy chim cũng ngủm, xác phơi đầy đảo chim à?

- Cá Đuối rên hừ hừ: “Ôi, tui đuối quá rồi. Có ai cứu với?”

Đàn cá Bạc Má khóc rống lên:

- Hu hu, chắc thế hệ sau chúng tớ bị đổi thành cá Bạc Phước!

Các loại cá Thu, Ngừ, Chình, Trích, Nục, Liệt, Đối, Phèn, Chỉ Vàng… diễu hành từng đoàn, kêu la rân trời trong vô vọng. Bỗng, có tiếng tuyên bố:

- Chúng ta quyết liệt, khẩn trương, trong thời gian sớm nhất tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, có biện pháp khắc phục triệt để, ổn định đời sống loài cá, tránh gây hoang mang trong xã hội, kẻo thế lực thù địch trong và ngoài biển lợi dụng kích động.

Lũ cá nhìn quanh, tìm xem ai vừa nói rồi cá Đối la to:

- Thôi đi ông Sạo! Ông nói nữa, tụi tui đổi s thành x, kêu ông là Cá Xạo đó nha.

Cá Mập, Bạch Tuộc vẫn thấy nhởn nhơ. Đàn cá còn lại cứ bơi, bơi, ngày càng lo lắng:

- Cứ như vầy hoài, chắc dân tộc cá chúng ta trở thành cá Lú (tên khoa học: Parapercis sexfasciata) hết quá!”

Bài báo này, in trên báo Thế giới tiếp thị số 20 phát hành “Từ ngày 12-18.5.2106” - phụ trương của báo Nông thôn ngày nay. Trước đó, số 18-19 cũng in bài Mãi mãi là người đến sau. Kết quả: Báo Nông thôn ngày nay bị phạt 140 triệu đồng vì “vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 8 Nghị định số 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Cục cũng có văn bản đồng ý với văn bản đề nghị của Báo Nông thôn ngày nay xin tự đình bản 3 tháng với ấn phẩm trên từ ngày 14/5/2016, nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ, xây dựng lại quy trình xuất bản”.

bai-bao-ve-ca-1RRR

Với tờ Tuổi Trẻ Cười số  547, đúng lịch phát hành là ngày 15.5.2016, nhưng mãi đến hôm nay mới có trên sạp báo. Có sự thay đổi nội dung, kể cả bìa. Khổ nổi, cũng là bài vở bàn về chuyện “cá chết”. Cầm tờ báo TTC trên tay, đã thấy có sự khác xa với những gì đã quảng cáo trên báo Tuổi Trẻ ngày 14.5.2016.

Trưa nay ngủ dậy, đi ra khỏi nhà một chút. Đã nghe bà con bàn tán xôn xao về vụ cá chết trắng dòng kênh Nhiêu Lộc. Lạ quá đi mất.

Mà cũng lạ quá đi mất. Ngày 18.5.2016, tại khu vực trung tâm Sài Gòn vắng hoe. Vắng như chùa Bà Đanh. Nghe đâu có những cuộc biểu tình nên dây kẽm gai vẫn giăng kín các ngả đường. Y ngồi quán cà phê nhìn qua công viên 30.4 và cảm nhận:

Một chủ nhật
Gió mát nắng xanh đi quanh phố xá
Chim chóc hót reo trong veo vòm lá
Bình yên?
Rất bình yên
Sao trong công viên
Không một bóng người?
Thẩn thờ nhìn đất ngó trời
Không một ai lảng vảng
Bởi đồng phục quẩn quanh
Chỉ đồng phục quẩn quanh
Công viên xanh
Ai ám sát?

Trưa ngay hôm đó, lang thang xuống phố đi bộ bởi tò mò muốn biết hư thật có người tuyên bố “tọa kháng”. Nếu có sẽ như thế nào nhỉ? Tò mò quá đi mất. Không chỉ tò mò mà vai trò của một nhà báo không thể dứng ngoài sự kiện chính trị đang diễn ra. Và cảm nhận:

Phố đi bộ
Dài hun hút
Nắng ngùn ngụt
Tôi rét buốt
Những cái nhìn rờn rợn sau lưng
Nền gạch hoa bóng loáng
Gai nhọn mọc dưới chân
Bởi đồng phục quẩn quanh
Chỉ đồng phục quẩn quanh
Phố đi bộ
Sẫm một màu tối tăm?

Những ngày này, muốn viết thêm một vào điều gì đó, đã thấy, đã cảm nhận. Mà thôi. Chiều qua, có một trận mưa lớn. Hôm nay, thời tiết vẫn oi bức.
L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment