LỜI THƯA,
Tập thơ Tôi chạy theo thơ (NXB Trẻ) in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 1.2003. Hình bài là chân dung tác giả chụp thuở lên mười ở Đà Nẳng. Đẹp trai và trong sáng. Nhìn lại mình thuở nhỏ, trong lòng ai lại không dội về một niềm trắc ẩn và xao xuyến?
Trong tập thơ này, tôi trình bày một vài quan niệm về thơ và nghĩ đến một vài chuyện tình.
Sau này, tôi lại viết một suy nghĩ ngắn “Thơ mãi mãi là niềm bí ẩn” - cũng nằm trong mạch cảm hứng đó, nhân trả lời câu hỏi của bạn đọc tập san Áo Trắng.
Nay post lại như tìm gặp một người bạn cũ đã có những chia sẻ về thơ (http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=279345&ChannelID=414).
“Làm gì để có một bài thơ hay? Chẳng phải làm gì cả. Tự nó sẽ đến nếu trong sâu thẳm tâm hồn của bạn thúc giục phải viết một cái gì đó. Viết như một sự tự giải thoát trong một tâm trạng đang khốn cùng, không lối thoát. Tôi không nghĩ có thơ hay hoặc dở.
Thơ là tâm trạng của người đó. Ta không thấy hay, nhưng chính họ và người khác (nếu có) cảm nhận hay thì sao? Vì thế, có những câu thơ, những bài thơ với ta tẻ nhạt, nhưng với người khác lại là một niềm chia sẻ.
Thơ trẻ hiện nay có nhiều phá cách? Thì cũng tốt thôi. Tâm trạng họ thế nào thì họ biểu hiện thế ấy, miễn là đừng làm dáng, đừng chạy theo mode thời thượng. Vào một chiều nhạt nắng, nhịp điệu tâm hồn êm ả với nhịp lục bát thì làm sao có thể buộc họ phải phóng túng với thể loại tự do? Ngược lại, lúc tâm trạng rối bời, không định hướng, làm sao có thể bắt họ phải nhịp nhàng, chỉn chu trong vần điệu? Làm thơ có giống như viết tiểu thuyết, viết biên khảo không? Chắc chắn là không. Thơ mãi mãi là một niềm bí ẩn.
Nó đến và đi ngoài tham vọng, sắp xếp của người sáng tác. Thơ không cần đến thói quen. Không cần đến sự khéo tay. Thói quen và sự khéo tay chỉ cần cho những nghề "thủ công mỹ nghệ". Tại sao? Làm sao ai có thể sắp xếp, bố cục được tâm trạng và nguồn cảm hứng của tâm hồn mình để dồn nén trong bài thơ? Thơ không cần phải có "mở đầu", "thân bài" và cuối cùng là "kết luận". Thơ là sự ngẫu hứng trong bất chợt của nhịp điệu tâm hồn lúc ấy, khoảnh khắc ấy.
Nói thì nói thế thôi.
Hành trình thơ ca của một dân tộc ở mỗi thời đại đều có dấu ấn riêng biệt của nó. Nó phải khác trước. Tại sao phải khác? Bởi ngọn gió của thời đại này không giống thế kỷ trước. Thổi qua tâm hồn của con người thời đại computer không là ngọn gió của quan niệm "tấc đất, ngọn rau, ơn chúa" mà là sự va chạm của nhiều nền văn hóa với nhau - chỉ cần một click chuột đã mở ra một thế giới khác - vì thế cách viết, cách thể hiện cũng phải khác trước. Khác như thế nào thì phải là cảm xúc của chính mình qui định, chứ không phải hùa theo đám đông.
Thế nào là thơ hay hoặc thơ dở? Tôi tin vào sự sàng lọc của thời gian, chứ không tin vào những lời nhận xét, đánh giá của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học về thơ. Bởi hiện nay có quá nhiều trang viết tung hô, lăng-xê ngoài mục đích văn chương; hoặc chỉ căn cứ vào sự "tân kỳ” của văn bản.
Tôi không quan niệm thơ hiện đại thì hình thức phải thế này, phải thế kia. Một chiếc áo dài "hai phần gió thổi một phần mây" vẫn hấp dẫn như chiếc áo pull hở rốn đấy thôi. Tính hiện đại của bài thơ nằm ở tư tưởng của nó. Và cách thể hiện? Tất nhiên là quan trọng, nhưng vẫn không phải là yếu tố quan trọng nhất. Một bài thơ lục bát, tứ tuyệt... nếu gánh vác được tâm tư, tình cảm của thời đại nhà thơ đang sống vẫn thuyết phục hơn cách viết "tân kỳ” nhưng chỉ là sự lảm nhảm vô nghĩa, vô hồn.
Anh thích nhất bài thơ nào? Hỏi như thế nào khác gì trong những nhan sắc đã bước qua đời mình, ai là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất? Dù sâu đậm hay không thì nhan sắc ấy đã từng gắn bó với một phần máu thịt của đời sống của chính mình. Làm sao có thể lãng quên hoặc cố tình chối bỏ?
Yếu tố may mắn có cần cho một tác phẩm văn chương, một nhà văn? Tất nhiên là cần, nhưng chỉ nhất thời. Nội lực của chính người sáng tác mới là điều quyết định lâu dài khi họ đánh đu trên hành trình bể dâu của trò chơi chữ nghĩa. Cái trò chơi này nhiều bất trắc, nhưng cũng có ma lực hấp dẫn lạ thường. Nó hấp dẫn bởi ta đến với nó vì bất cứ một lý do gì, dù ngoài văn chương hoặc "sống chết" vì văn chương thì cũng có thể đến cuối đời vẫn không là gì cả. Nhìn lại thấy trên bàn tay vẫn trống trơn, chỉ thấy ngọn gió hư vô đi qua.
Không có gì. Nhưng ngược lại, có người chỉ bước qua như một kẻ lãng du nhưng lại gặt hái được lắm thứ mà bao kẻ cần cù, lao lực "đóng cửa phòng văn hì hục viết" vẫn không thể... Có người ra biển chỉ một lần nhưng vớ được một mẻ cá tươi roi rói, có kẻ lao ra trùng khơi trùng trùng gió vỗ, thậm chí đắm thuyền nhưng rồi chỉ đem về một mớ cá nhép.
Nhưng đừng vui và cũng đừng buồn.
Khi chơi, nếu không tính toán, không sắp xếp, không mưu cầu một lợi lộc gì thì mới là chơi. Mà văn chương là gì? Là trò chơi của lũ con trẻ. Cao Bá Quát đã nói thế. Nghĩ như thế để thấy nhẹ lòng trong cuộc chơi khốc liệt này.
Tôi không tin vào yếu tố may mắn, nhưng tôi tin vào thời điểm ra đời của một tác phẩm. Phải có một "điểm rơi" đúng thời điểm. Nếu kiệt tác vàng ròng Truyện Kiều, vì một lý do gì đó nay mới công bố thì liệu nó có tạo ra một hiệu sóng ngầm khủng khiếp từ thế kỷ trước sang thế kỷ này và mãi đến ngàn sau?
Giấy vắn tình dài. Câu nói này rất cũ, nhưng không lỗi thời. Xin tạm dừng bút tại đây”.
LÊ MINH QUỐC
1.5.2012
< Lùi | Tiếp theo > |
---|