THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút Lê Minh Quốc: AI BẢO TỰ TUNG, TỰ TÁC

Lê Minh Quốc: AI BẢO TỰ TUNG, TỰ TÁC

aibaotutungtutac

 

Từ hai bàn tay trắng, lúc mới cưới nhau, họ cùng làm lụm, dành dụm nên khó có thể tách bạch, rạch ròi. Hơn nữa, đã là vợ chồng, chẳng mấy ai suy nghĩ phải phân chia rạch ròi. Tiền có được, vợ hoặc chồng quản lý là tùy mỗi nếp nhà. Thế nhưng đôi khi đồng tiền đó lại bị chi phối bởi người thân, dù chồng/vợ không muốn. Éo le là chỗ đó.

Hôm nọ, cô bạn gái ghé nhà “tám”, tôi thật bất ngờ khi hay tin vợ chồng Sánh đang hục hặc, gấu ó dữ lắm, khó giảng hòa. Bấy lâu nay, ở nhà Sánh thì hắn ta được phân công “tay hòm chìa khóa”, cô Huyền - vợ Sánh tin tưởng lắm. Chẳng hề suy suyển một đồng nào vì hắn ta tiêu xài chừng mực, không bê tha rượu chè, gái gú… Một người chồng như vậy, tốt quá chứ gì nữa? Vậy mà, “đùng một cái” Huyền bật ngửa khi hay tin động trời: toàn bộ số tiền dành dụm đã không còn nằm trong tài khoản gửi ngân hàng nữa.

Chuyện là, có dạo, Huyền lại thấy mẹ chồng sang nhà chơi, ở lại dăm ba hôm. Chắc bà nhớ cháu nội chăng? Huyền nghĩ là nghĩ thế, chứ cô đâu biết những ngày đó, bà nội cu Tèo “bí mật” tỉ tê, tâm sự với con trai về hoàn cảnh vợ chồng chị cả đang thiếu nợ tứ tung. “Không khéo phen này, chúng nó phải ra đê mà ở. Con nợ đến siết nhà chứ chẳng đùa”.

Nói xong, bà ứa nước mắt, sụt sùi rơi nước mắt. Rồi bà lại kể những ngày còn bé, có lần Sánh ốm nặng, một tay chăm sóc là người chị đó. Sánh cảm động lắm. Sau những lúc tỉ tê ấy, bà bảo: “Mẹ sắp về với ông bà ông vải rồi, chỉ có nguyện vọng trước khi nhắm mắt là con làm ơn ra tay giúp chị con qua cái đận này. Được thế, mẹ thật mãn nguyện”.

Nghe những câu nói như trăng trối, dù xúc động về tình cảm ruột thịt nhưng lòng Sánh vẫn rối như tơ vò. Chắc gì cô vợ đồng tình, chia sẻ nguyện vọng của mẹ? Hơn nữa số tiền dành dụm bấy lâu là nhằm mục đích sửa sang lại căn nhà. Cân nhắc thế nào đây? Khó tính quá đi mất. Cuối cùng Sánh tự nhủ: “Nhà không sửa lúc này thì lúc khác, chứ ai nỡ nhìn tình cảnh đau lòng đó của chị?”. Vậy là hắn ta lẳng lặng ra ngân hàng rút tiền. Khi hay tin, Huyền làm mình làm mẫy. Cô giận dữ vì chồng không hỏi ý kiến, dám “qua mặt” tự tung, tự tác.

Có những tình huống dù biết sai lặt lè, nhưng rồi do thúc ép bức bách quá, người ta lại làm liều. Trường hợp của Sánh là vậy. Nếu mẹ Sánh nghĩ rằng, một khi con cái đã ra ở riêng, chuyện tiền nong của vợ chồng nó. Tốt nhất không nên can thiệp, biết đâu lại đẩy con mình đứng trước cảnh tan đàn xẻ nghé.

Dù đã lập gia đình nhưng ít ai chỉ chăm bẳm lo thu vén cho mái ấm riêng tư, bỏ mặc anh em ruột thịt. Vì tình thương yêu máu mủ nên họ đâu thể nhắm mắt làm ngơ khi người thân hoạn nạn, bệnh tật, gặp khó khăn, cần sự trợ giúp. Do đó, họ phải “ra tay” cũng là điều dễ hiểu. Một lẽ thường tình trong tình cảm của mọi người. Thế nhưng, cách sử lý ấy không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái.

Dạo gần đây, bạn bè tôi lại thấy anh Lâm thay đổi tính nết, khác trước nhiều lắm. Hầu như mỗi chiều, chiều nào lại nhận được tin nhắn của anh: “Buồn quá, cậu ra quán làm với anh vài ve nhé?”. Lâm buồn chuyện gì mà lại thường xuyên rủ rê bạn bè, em út? Do nể nang mà cũng vì tò mò nên lần nọ tôi nhận lời. Sau khi có hơi men, anh cho biết là căn nhà đang chật chội như cái hộp diêm thế mà cô vợ lại đồng ý cho 2 cậu em vợ tá túc. Vợ anh là con gái đầu, theo chồng lên phố lập nghiệp, còn các cậu em đều ở quê. Nay chúng đang thời gian đi xin việc, đến một nơi xa lạ thì tá túc vào đâu? Em về ở nhà chị thì hợp lý quá đi thôi. Về cái tình là vậy nhưng rồi Lâm lại cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

Lâu nay, Lâm đã quen nếp sinh hoạt ngủ nghỉ đúng giờ giấc, giờ nào việc nấy, thế mà từ khi em vợ ở chung, mọi việc xáo tung lên cả. Nhiều lúc đang ngủ, lại nghe chó sủa inh ỏi bởi giờ đó chúng mới vác xác về nhà. Khó chịu nhất là trước mặt các cháu, em vợ vẫn cứ ngang nhiên phì phèo thuốc lá. Sinh hoạt lại bừa bãi, lấy cái gì ra là sau đó bạ đâu vứt đó, lúc cần đến, tìm đỏ con mắt cũng như mò kim đáy biển. Nhắc nhở đôi ba lần mà chúng vẫn tính nào tật nấy, phải làm sao đây? Nhắc nhở nhiều lần, không khéo chúng gây hiểu nhầm lại càng thêm phiền.

Với câu chuyện của Sánh, cuối cùng sẽ kết thúc thế nào, tôi không rõ nhưng chuyện của Lâm lại có hậu hơn nhiều. Không rõ nhờ ai tư vấn mà gần đây tôi biết vợ chồng anh đồng ý với phương án bỏ tiền ra thuê nhà trọ cho 2 cậu em ở tạm trong thời gian tìm việc. Ai đó đã nói câu chí lý: “Thà mỏi chân còn hơn mỏi miệng” là vậy.

Tình yêu thương, sự cưu mang, giúp đỡ dành cho người ruột thịt là đáng quý. Ai cũng biết là thế. Nhưng rồi một khi đã lập gia đình, muốn quyết định một vấn đề gì không thể không hỏi ý kiến của người chồng/vợ. Phải có được đồng thuận, bằng không, biết đâu sẽ gặp phải rắc rối, phiền toái. Mà khổ tâm nhất là nỗi phiền toái ấy khó thốt nên lời, bằng mặt mà không bằng lòng nên càng ấm ức.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 2.1.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com