THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Quẳng gánh lo đi và vui sống

LÊ MINH QUỐC: Quẳng gánh lo đi và vui sống

 

le-minh-quoc-quang-ganh-lo-di-va-vui-song

 

Nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê có dịch một tác phẩm nước ngoài, nhan đề thật ấn tượng: “Quẳng gánh lo đi và vui sống”. Làm thế nào để có được tâm thế đó? Dễ hay khó? Hãy đọc mẩu chuyện này, có lẽ chúng ta sẽ tự nghiệm ra một điều gì đó thật cần thiết.

Có người phụ nữ sau khi chồng mất, cô đau đớn thất vọng, tài sản hầu như khánh kiệt. Mỗi buổi sáng khi tỉnh dậy, cô đâm ra lo sợ đủ thứ: Sợ không trả nổi tiền xe, sợ không trả nỗi tiền nhà, không kiếm đủ ăn, sợ rồi sẽ đau ốm không có tiền uống thuốc... Rồi một hôm ngẫu nhiên cô đọc một bài báo, nhờ đó, cô đã thoát ra khỏi cảnh thất vọng và can đảm để sống. Cô nói: “Tôi sẽ suốt đời mang ơn tác giả bài đó, người viết câu này: “Đối với một đại nhân thì một ngày mới là một đời sống mới”.

Tôi đánh máy lại câu ấy rồi dán lên tấm kính che mưa trong xe tôi, để trong khi cầm lái, lúc nào tôi cũng phải ngó tới. Từ đó, tôi thấy chỉ sống từng ngày một thì đời sống không khó khăn gì cả. Tôi tập quên đi dĩ vãng và khong nghĩ tới tương lai nữa. Mỗi buổi sáng tôi tự nhủ: "Ngày hôm nay là một đời sống mới".

Nhờ vậy, tôi thắng được nỗi lo sợ cảnh cô đơn, hăng hái và yêu đời. Bây giờ tôi biết rằng, ta chỉ sống được nội ngày hôm nay thôi, không sống được thời dĩ vãng và tương lai. Và, "Đối với một đạt nhân thì một ngày mới là một đời sống mới". Bạn có biết tác giả của những câu thơ này là ai không? Câu đó thi hào Horace đã viết 30 năm trước Thiên Chúa giáng sinh đấy. Hết thảy chúng ta đều mơ mộng vườn hồng diễm ảo ở chân trời thăm thẳm, không chịu thưởng thức bông hoa nở kề ngay bên cửa sổ”.

Đúng, bông hoa ấy, gần gũi và đáng yêu lắm. Thế mà ta lại quên béng đi, mãi lo nghĩ những chuyện xa vời tận đẩu tận đâu. Thậm chí, lại có người lo xa quá mức, chỉ mới đưa con vào bệnh viện: “Anh ơi, em lo quá. Hic, hic… Nếu chẳng may.  Em làm sao sống nổi?”. Cô vợ khóc tấm tức như đứa trẻ bị mắng oan. Bực không chịu nổi. Chuyện chưa có gì mà đã bù lu bù loa như nhà sắp cháy đến nơi. Tâm tính gì bi quan, yếu đuối quá vậy trời? Phải mắng cho một câu, chứ lèo nhèo mãi chẳng giải quyết được gì, chỉ khiến “người ta” thêm rối trí. Người chồng bèn nghiêm giọng: “Có im ngay đi không? Chuyện bé xé ra to. Ai chịu nổi?”.

Mới gần đây, vợ chồng anh bạn tôi đưa con nhập viện. Bác sĩ bảo, bệnh của cháu cần phải phẫu thuật gấp, không nên đắn đo, chần chừ. Vốn là nơi quen biết với bác sĩ chuyên khoa nên anh yên tâm. Hơn nữa, ca mổ này chỉ chừng nửa giờ là xong. “Còn nhanh hơn họp giao ban đầu tuần ở cơ quan”, một bác sĩ nói đùa. Ấy thế, vợ anh lại lo sót vó, cứ như thể sắp tiễn đưa chàng Kinh Kha lên đường qua sông Dịch!

Đâu phải chỉ phụ nữ đào tơ liễu yếu, ngay cả đấng mày râu cũng chẳng  khác gì mấy. Rằng, sau khi nghỉ việc ở công ty, tự dưng người chồng thay đổi tâm tính. Do không lường trước sự tinh giảm biên chế nên anh ta cảm thấy hụt hẫng. Với nhiều người, không làm việc này, kiếm tìm việc kia, đơn giản thôi mà. Thế nhưng anh ta lại trở nên bi quan, yếu đuối. Tâm trạng đó thể hiện qua những câu hỏi, đại loại như: “Này em, liệu chừng tháng tới, mình có đủ tiền trả thuê nhà?”, “Đủ, anh khéo lo xa”, “Vậy, có đủ lo cho hai đứa nhóc tiếp tục ăn học?”, “Chuyện nhỏ thôi, anh ơi”. Vẫn chưa yên tâm, im lặng giây lát, lại hỏi: “Lương em có đủ dành dụm trả lãi ngân hàng hàng tháng không?”. Những câu hỏi đại loại như thế, ban đầu, nói thật, người vợ cũng cảm vui vui vì nó thể hiện trách nhiệm của người chồng.

Khổ nổi, vì sự lo lắng ấy người chồng đâm ra bịnh luôn, không còn hăng hái vác đơn đi xin việc làm mới như các đồng nghiệp khác. Và ngay cả bản thân người vợ cũng cảm thấy như đang bắt đầu gánh lấy một trọng trách nặng nề, mệt mỏi. Mà cũng do nghe chồng cứ nhắc đi, nhắc lại khiến cô lờ mờ nhận ra: “Chỉ mới xẩy ra việc bé tẹo thế này chồng mình đã hoảng hốt lên rồi. Nếu chẳng may xẩy ra sự cố còn hơn cả thế nữa, vậy phải làm sao?”.

Câu hỏi đó, đúng quá đi chứ. “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, dù chưa gì, đã “giương cờ trắng” đầu hàng, có lẽ do họ bởi chưa mạnh dạn “quẳng gánh lo đi”. Thậm chí, có người còn lo lắng đến mức biết đâu có lúc… trời sập, đất lở! Chà, lúc đó, bản thân mình không biết nương tựa vào đâu? Anh ta lo đến nỗi quên cả ăn, cả ngủ, đêm ngày âu sầu khổ não.

Có người thấy anh ta lo lắng nực cười đến thế, bèn bảo: “Trời chỉ là không khí chứa đầy mà thôi. Không chỗ nào là không có trời. Ta co, duỗi. hít thở suốt ngày trong vòng trời, thì còn gì mà lo trời sập”. Anh ta hỏi lại: “Trời quả thật là không khí, thế còn mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao chẳng có lúc sa xuống ư?”. Người bạn nói thêm: "Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao cũng là một thứ hoặc phát quang hoặc thụ quang ở tầng  không khí, dù có sa nữa, thì chẳng qua cũng là khí thôi có hại chi đến người”. Chưa an tâm, anh chàng này gặng hỏi tiếp: “Vậy, đất lở thì sao?”. Người kia nói: “Đất là một khối rất to, đâu đâu cũng có đất cả. Ta thì đứng suốt ngày ở trên mặt đất thì lo gì đất lỏ mà không có đất”.

Những cách giải thích này, về khoa học vật lý, khoa học không gian có hợp lý hay không, ta chưa vội bàn sâu. Nhưng qua đối thoại trên, rõ ràng, có những người luôn sống trong tâm trạng bất an, chỉ vì họ lo xa quá mức. Đành rằng, biết lo xa là hợp lý, phải đạo. Câu chuyện ngụ ngôn Ve sầu và kiến của La Pontaine vẫn là bài học cần thiết, nào ai dám quên: “Ve sầu kêu ve ve/ Suốt mùa hè/ Đến kỳ gió bấc thổi/ Nguồn cơn thật bối rối/ Một miếng cũng chẳng còn/ Ruồi bọ không một con/ Vác miệng chịu khúm núm/ Sang chị Kiến hàng xóm/ Xin cùng chị cho vay/ Dăm ba miếng qua ngày/ - Từ nay sang tháng hạ/ Em lại xin đem trả/ Trước thu, thề đất trời!/ Xin đủ cả vốn lời/ Tính Kiến ghét vay cậy/ Thói ấy chẳng hề chi/ - Nắng ráo chú làm gì?/ Kiến hỏi ve như vậy/ Ve rằng: luôn đêm ngày/ Tôi hát, thiệt gì bác?/ Kiến rằng: Xưa chú hát!/ Nay thử múa coi đây”. Rõ ràng biết lo xa là cần thiết nhưng lo đến mức, dù chuyện chưa xẩy ra đã lo lắng đến bạc đầu thì ngớ ngẩn lắm.

Nói đi cũng phải nói lại, trước một tình huống nào đó, con ngườ ta thê hiện sự lo lắng là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu qua đó lại yếu đuối, bi quan quá đáng thì không nên, cần phải biết kiềm chế, giữ lại trong lòng. Vì tâm lý, tâm trạng bất ổn của mình nếu thể hiện quá hớp ra bên ngoài, còn có ảnh hưởng đến tâm lý người thân cận kề. Vẫn biết chẳng ai luôn luôn mạnh mẽ, cứng cỏi trước mọi sự cố nhưng có những lúc, nếu cần thì phải cứng rắn hơn. Có như thế, nó mới là nguồn động viên tích cực để chính mình cùng người thân bàn cách tháo gỡ khó khăn.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 461 ngày 17.12.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com