“Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng Thổi bùng lửa đam mê

phan-hoangchbat_van_thoi_quen

Nhà thơ Attila F Balázs, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube của Hungary, trao giải thưởng cho nhà thơ Phan Hoàng.


Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Anh hùng dân tộc, Đại thi hào Sandor Petofi của Hungary, nhà thơ Phan Hoàng với tập thơ Chất vấn thói quen đã được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023. Tập thơ do nhà thơ Sándor Halmosi chuyển ngữ từ bản tiếng Anh sang tiếng Hungary và nhà thơ Attila F Balázs hiệu đính, được Nhà xuất bản AB-ART ấn hành. Xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Văn học Hoàng Hường, Phó hiệu Trưởng Đại học Duy Tân về tập thơ.

“Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng từng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Trước đó tôi đã nghe nhắc nhiều đến Phan Hoàng nhưng chưa được đọc tác phẩm của anh. Tình cờ biết đến “Chất vấn thói quen”, tôi tò mò đọc lướt xem vì sao diễn đàn sôi nổi thảo luận về tập thơ đến vậy. Và tôi đã bị thôi miên...

Bài thơ đầu tiên tôi đọc là “Văn bản dở dang” với mạch thơ tuôn trào cảm xúc và những hình ảnh sống động nhưng trầm lắng, day dứt: “Vượt lên đau đớn và thăng hoa / tôi tự tại giấc mơ tôi / mưa ban mai lặng lẽ gióng chuông gọi hồn tận thế / những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang / văn bản vô ngôn / văn bản tinh huyết / văn bản ma lực / tâm chấn tín hiệu khoái cảm”. Phải vật vã với hiện thực cuộc sống, phải vật vã với chữ nghĩa và chắc chắn phải có thái độ sáng tạo nghiêm túc kết hợp với một tư duy sắc sảo, Phan Hoàng mới viết được những dòng thơ ma lực đến vậy. Cảm giác anh muốn thay đổi, muốn được cống hiến và dằn vặt đến thế nào khi chưa thể tìm ra cái mới lạ đã thể hiện dồn nén ở những câu thơ đầy day dứt, thổn thức này.
chat-van-thoi-quenphan_hoangv
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hungary.
Và đêm đó tôi đã đọc hết cả tập “Chất vấn thói quen”.

Quả thật cuộc sống xung quanh chúng ta, đặc biệt là cuộc sống hiện đại này, mọi thứ đang dần bị lập trình hóa từ học hành, công việc, quan hệ giao tiếp, lối sống, nếp nghĩ, thậm chí cả yêu đương... Sống trong sự trì đọng ấy, tâm hồn con người sẽ bị đóng băng, khô cứng, già cỗi và vô cảm. Công việc sáng tạo nghệ thuật cũng vậy. Nếu không “khơi những nguồn chưa ai khơi” người nghệ sĩ sẽ bị bức tử. Phan Hoàng đã chuyển tải giúp rất nhiều người trong chúng ta cái cảm giác mệt mỏi, ức chế, trì đọng trong tâm thức vì mãi quẩn quanh không thể thoát ra bởi những lối mòn quen thuộc ấy. Thay đổi ở Phan Hoàng đồng nghĩa với làm mới mình, sáng tạo xóa bỏ lối mòn để hướng đến một cái đích đầy chiều sâu nhân bản.

Trong thơ Phan Hoàng còn có cả nỗi khắc khoải, trăn trở của một người con thôn quê giữa thị thành, giữa ồn ào xô bồ cuộc sống thay đổi chóng mặt hằng ngày, giữa truyền thống và hiện đại... (“Tôi đang ở đâu?”). Phải làm gì để không đánh mất mình, để níu giữ những giá trị tốt đẹp, nhưng cũng sẽ phải làm gì để không lặp lại chính mình, để làm mới mình? “Tôi như nhà vô địch điền kinh /...Chạy giữa gầm gừ dã thú đói khát hỏa hoạn / Chạy giữa ầm ào sóng thần vây bủa vũ khí hạt nhân / Chạy giữa là đà văn bản mới viết đã cũ / Chạy giữa nhập nhoạng mặt người mới mở mắt đã gian manh” (“Bóng tối đang nuốt chúng ta”).

Như chạm vào tận cùng những đau khổ nhất mà con người đang phải đối mặt, thơ Phan Hoàng đã khẳng định sự mẫn cảm, lòng yêu thương trắc ẩn cùng trách nhiệm, day dứt không yên của một tâm hồn nghệ sĩ chân chính. Day dứt ấy khiến anh không khi nào bình yên, luôn hoài nghi, hoài nghi về cả tư cách nghệ sĩ của chính mình: “Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh? / Tôi đang ở đâu? / Ở đâu?” (“Tôi đang ở đâu?”). Và Phan Hoàng đã chọn cách mang tín hiệu tin yêu đến với cuộc sống này. Thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, những thổn thức mới mẻ, ánh sáng ước mơ và khát khao sáng tạo: “Khơi ngọn lửa niềm tin / xua mùa đông giá rét / bừng ngôi sao ước mơ / tỏa hy vọng những chân trời” (“Nụ tầm xuân 231”).

Cũng trong tận cùng khát khao sáng tạo ấy, Phan Hoàng đã tìm về với bản ngã của chính mình, tìm về với thiên nhiên, với tuổi thơ và bình yên bóng Mẹ: “Chiều ăn phố sực mùi khoai lang nướng / Gió hú nhớ đồng thơm dậy giấc cố hương”. Tìm về lại với tự nhiên trong hành trình sáng tạo là quy luật tất yếu mà Phan Hoàng đã chọn và anh hoàn toàn có lý để thoát khỏi những thói quen cũ kỹ, mệt mỏi, cũng là cách neo giữ chính mình: “Gục đầu lên máy vi tính / tôi thèm đứt ruột / được làm ngọn gió không đồng phục / không điện thoại / không internet / bay về mái tranh vách đất bay về phía vô danh / bay về phía vô thanh / bay về phía vô tắc / hóa con sáo sậu bước thấp bước cao / bập bẹ nói cười... cậc cậc cậc / hóa con mèo mun tủng tẳng tùng tăng tung tẩy khắp vườn / hóa con cóc hiền triết bó gối ỉm ìm im lắng nghe / trên những gò hoang hoàng hôn hoa dại khẽ hương” (“Thèm làm ngọn gió tự do”).

Bản thể là cái quyết định, chi phối con người! Khi đối diện với bản thể và vượt qua được bản thể sẽ là lúc nghệ thuật thăng hoa, sẽ giúp người nghệ sĩ “cởi bỏ mọi trang phục pha lê nứt vỡ / cởi bỏ mọi tư duy hình thức đa khô đình nát bến cạn / hòa nhập vào cơ thể đang tốc hành về phía ánh sáng” (“Em nóng dần lên”)...

Tập thơ “Chất vấn thói quen” đã đến với cuộc đời bằng tình yêu, niềm hy vọng, giúp làm “thay đổi cảm hứng bầu trời” trong mỗi chúng ta. Sau này, khi tiếp xúc với anh, tôi nhận ra trong đời thường, anh dễ tính, hiền lành, nho nhã, tốt bụng và đôi khi có chút bông lơn; song trong lao động nghệ thuật, anh nghiêm túc, kỹ lưỡng và tâm huyết. Thời gian tới chắc chắn Phan Hoàng sẽ còn có thêm nhiều sáng tạo mới, thành công hơn để làm “thay đổi tư duy từng ngọn núi con sông”.
TS HOÀNG HƯỜNG

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com