HUỲNH VĂN HOA: PHẠM THẾ MỸ VÀ MỘNG ĐẸP NGÀY MAI

pham_the_my

 

Phạm Thế Mỹ sinh ngày 15 tháng 11 năm 1930 (có tài liệu là 1932) tại Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và mất ngày 16-01-2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1947 đến năm 1949, ông hoạt động văn nghệ tại Liên khu V. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Tác phẩm đầu tay của Phạm Thế Mỹ là "Nắng lên xóm nghèo".

Sau hiệp định Genève, Phạm Thế Mỹ ở lại miền Nam, không tập kết ra bắc. Năm 1959, ông theo học Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ 1959 đến 1970, ông giảng dạy môn Việt văn và môn âm nhạc tại nhiều trường trung học tư thục hoặc bán công ở Đà Nẵng như Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Tân Thanh, Nguyễn Công Trứ, Kỹ thuật Đà Nẵng, ... Trong những năm 1965-1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam với lý do đấu tranh trong phong trào Phật giáo. Đầu những năm 1970, Phạm Thế Mỹ là Trưởng phòng Văn nghệ của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

Phạm Thế Mỹ là em ruột nhà văn Phạm Văn Ký (1910-1992), một tác giả của văn học Pháp ngữ, được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, sáng tác nhiều tiểu thuyết, thơ ca, trong đó có số tập viết bằng tiếng Pháp và người anh ruột nữa là nhà thơ Phạm Hổ (1926- 2007), tác giả tập thơ Những ngày xưa thân ái, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1957, gợi nguồn cảm hứng cho Phạm Thế Mỹ viết bản nhạc cùng tên (Những ngày xưa thân ái). Cả hai người anh đều có tên trong Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế Giới, 2004, trang 1356, trang 1376).

 Phạm Thế Mỹ và gia đình gắn bó nhiều năm với thành phố Đà Nẵng.

 Các tập ca khúc đã xuất bản: Hòa bình ơi, hãy đến (in chung Luân Hoán, Lê Vĩnh Thọ (1969), Trái tim Việt Nam (Ðối Diện, 1971), Cho Trái Đất này vui (NXB  Âm nhạc, 1990), Trường ca Phạm Thế Mỹ (NXB Âm nhạc, 1996), Trang sử mới (Sinh viên Phật tử xuất bản tại Pháp).

Những năm trước 1975, Phạm Thế Mỹ sáng tác nhiều bài thơ, đăng trên các tạp chí như Đất Nước, Bách Khoa, Mai, Đối Diện, ... 

Phạm Thế Mỹ là tên tuổi quen thuộc trong hoạt động văn nghệ tại miền Nam trước 1975. Ông là một nhạc sĩ tài hoa có nhiều bài hát được nhiều công chúng  yêu thích, nổi tiếng với những ca khúc, trường ca như: Buổi chiều quê hương / Bông hồng cài áo / Chiếc lá rơi / Cho cây rừng còn xanh lá / Chuyến tàu về quê ngoại / Đường về hai thôn /  Hoa vẫn nở trên đường quê hương / Hòa bình ơi hãy đến / Ngựa hồng trên đồi cỏ non / Nhạc buồn đêm sao / Những ngày xưa thân ái / Nắng lên xóm nghèo / Ngõ chiều / Người về thành phố, Trăng tàn trên hè phố...

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trong trẻo ở các đô thị, đậm chất dân ca, trữ tình, tha thiết về quê hương, làng mạc. Người đọc gặp Phạm Thế Mỹ ở một bến nước ven đường, ở con đường về hai thôn, ở một chuyến tàu trở về quê ngoại, ở ánh nắng chiều trên một xóm nghèo, ở luống cải có hoa vàng mùa xuân, ... Phạm Thế Mỹ không chạy theo thị hiếu, vẫn giữ được một trái tim ca ngợi tình người, tình quê, khát khao hòa bình, thống nhất đất nước. Ông lập nhà xuất bản mang tên Hát cho quê hương là vậy. Phạm Thế Mỹ lên án chiến tranh, hận thù. Những lời thơ nghẹn ngào trong Lời nguyền pháp trường, khiến nhạc kịch lay động trái tim con người:

“Chắc trời còn xanh lắm / Cho tôi quỳ xuống đây /  Tiếng ru nào trót dậy /  Chắc buồn mà không hay…

Hỡi người anh phía trước / Hỡi người bạn sau lưng / Hỡi từng viên đạn nhỏ / Cho tôi ly rượu mừng

Mùa xuân nào lại đến/ Lời ca nào lại bay / Tiếng ru nào của mẹ / Mắt lệ nào của em ?

Hay như Con đường trước mặt (1970) nói lên giấc mơ về một tương lai Việt Nam không còn chiến tranh:

Đường ta đi thênh thang từng bước, buớc, bước, chim bồ câu bay,                                                                               chim bồ câu bay,

Đường ta đi thênh thang từng bước, bước, bước, chuông chùa ngân nga, chuông chùa ngân nga

Đường ta đi diều bay cuối xóm,

Đường ta đi trẻ thơ hát cười,

Đường ta đi người yêu đất mới,

Đường ta đi chim hót reo vui.

Ôi con đường Việt Nam,Ôi con đường Việt Nam!

 

Còn nhớ, Phạm Thế Mỹ là gương mặt quen thuộc với những đợt sinh hoạt văn hóa văn nghệ của giáo chức và học sinh Đà Nẵng. Tiếng trống Mê Linh kịch bản, âm nhạc, đạo diễn do Phạm Thế Mỹ dàn dựng, diễn ra tại Trường Trung học Bồ Đề - Đà Nẵng vào 10 năm 1967, tạo nên  tiếng vang về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Các tập ca khúc đã xuất bản: Hòa bình ơi, hãy đến (in chung Luân Hoán, Lê Vĩnh Thọ1969), Trái tim Việt Nam (Ðối Diện, 1971), Cho Trái Đất này vui (NXB  Âm nhạc, 1990), Trường ca Phạm Thế Mỹ (NXB Âm nhạc, 1996), Trang sử mới (Sinh viên Phật tử xuất bản tại Pháp).

Suốt một đời, Phạm Thế Mỹ yêu tha thiết cảnh và người của làng quê Việt Nam. Nhiều tác phẩm âm nhạc như Buổi chiều quê hương, Chuyến tàu về quê ngoại, Dựng lại quê hương, Đưa em về quê hương, Đường về hai thôn, Hành trình trên quê hương, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Lúa về đêm trăng, Mai nay tôi trở lại, Nắng lên xóm nghèo, Ngõ chiều, Trăng tàn trên hè phố, Những ngày xưa thân ái, … phảng phất hình ảnh những bờ tre, luống mạ, những đồi gò, ngõ xóm, những dòng sông vắng, con đò trưa, những bóng dừa đong đưa trong nắng, đôi bướm vàng trên luống cải mùa xuân, những cô gái quê bên bờ dâu xanh, những tiếng hát vang lên trên đường về thôn nhỏ, những đêm trăng trên hè phố vắng, "Trời đêm nay sáng quá / Ánh trăng như hé tươi sau ngàn lá" (Trăng tàn trên hè phố), những kỷ niệm êm đềm của quê hương:

- Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên / Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến / Đôi bướm vàng nhẩn nhơ khi quyến luyến và / Cô gái làng ngẩn ngơ một tình duyên / Bên luống cày đời vui đang nở hoa (Nắng lên xóm nghèo)

-Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca / Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà / Dào dạt bao niềm vui trong mái lá / Bờ dâu xanh, cô gái hát êm êm / Tầm mai chín gởi anh dâng mẹ hiền / Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên / Có những chiều hôm /Trời nghiêng nắng xế đầu non /Nắng xuống làng thôn / Làm cho đôi má em thêm giòn / Lúa đã lên bông / Mắt già tươi sáng thôi chờ mong/ Tiếng hò cô gái bên Cửu Long / Mơ rằng mai lúa lên đầy bông / Chiều hôm nay quay gót bước phiêu du / Về thôn xóm để vui chung ngày mùa / Đường về thôn quyện chân bên nhánh lúa…(Lối về xóm nhỏ).

- Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai?/ Gió mùa Xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa / Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ / Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?/ Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai?/ Trăng mùa Thu lên cao khóm dừa xanh lao xao /Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đò / Trông bầy chim trắng hiện mơ một nàng tiên dịu hiền (Những ngày xưa thân ái).

Nhạc và thơ của Phạm Thế Mỹ là hai thế giới khác nhau. Âm nhạc có xu hướng thiên về trữ tình. Thơ ca nghiêng về hiện thực.

Trên tạp chí Mai, số 36 & 37, số Xuân Giáp Thìn, 1964, một bài thơ có tên Ngày trọng đại, bắt đầu bằng câu hỏi "Tôi thấy gì đâu", lặp lại bốn lần, mô tả một hiện thực cay xè của quê hương:

 

những thằng con trai thèm thuồng những đứa con gái

những người lính không hồn đi hàng dọc hàng ngang

những bóng cờ vàng ...

những bóng cờ theo gió quặn mình đau

những bóng cờ ủ rũ, gục đầu

của những thằng điên

đi ủng hộ ngai vàng con điếm

có phải hôm nay "ngày trọng đại"

sao tôi nước mắt chảy dài

tự do ư ?

hạnh phúc ư ?

sao lũ chúng tôi vẫn đầu gằm mặt cúi

trong xó tối cuộc đời

mang số kiếp của những tên tù tử tội ...

tôi bước đi, không mắt không hồn

nhưng quên làm sao nổi

những bóng cờ vàng ...

những bóng cờ theo gió quặn mình đau

những bóng cờ ủ rũ gục đầu

của những thằng điên

đi ủng hộ ngai vàng con điếm !

 

Cũng trên tạp chí Mai, số 36 & 37, số Xuân Giáp Thìn, 1964, có bài Con đường phố chết, hình ảnh quê hương với loài quạ đen khát máu, với những xác chêt da vàng, những con người đang khóc, đường về nhà em dây thép gai giăng kín hồn người / họng súng đen ngòm, những cánh quạ đen lượn vòng trên xác phố / rồi, em ơi! giấc mơ về giữa cuộc đời ! là những con đường phố chết ?

 

Bài thơ Một màn bốn cảnh (Mai, số 36 & 37, số Xuân Giáp Thìn, 1964), mỗi cảnh là một hình ảnh nhàu nát của quê hương, một quê hương đầy những thương tích đau lòng:

 

Cảnh 1. Con đường làng / bóng mát / cây đa / con đĩ già ngồi hát

 

Cảnh 2. Bến khuya buồn vắng khách / hây hây ngọn gió đêm hè / người xà ích ôm mụ ăn mày ngủ dưới gầm xe / con ngựa già gặm chân khóc !

 

Cảnh 3. Đèn đỏ, đèn vàng / gặp thằng du đãng / (trước hắn là học trò ngoan) / thấy Thầy giương mắt ngó / "muốn gì mày" ? / đánh lộn hả ? chấp một tay !

 

Cảnh 4. Tên da đen tìm gái chơi bời / nghêu ngao hát bài ca quê hương

 

Hiện thực đắng cay của quê hương gây nên bao xúc động cho một trai tim thơ. Hai câu thơ cuối: mẹ ơi cha ơi mẹ ơi cha ơi !/ đêm đêm mình con lên đường ... hàm nhiều nghĩa. Lên đương một mình là quyết tâm đi và tìm. Tìm ánh sáng mới!

 

Các bài Đoạn cuối một người, Lõa thể, Từ bỏ (Tạp chí Mai, số 43 và 44, 1964) nằm trong văn mạch chung là bày tỏ những bức xúc về tình yêu, về phê phán xã hội đương thời.

 

Đoạn cuối một người với lời kêu gọi: Hãy đập tan dùm tôi một trời lửa đỏ / Tắt dùm tôi ánh trăng khuya, cho tôi vào miền bóng tối, với tâm trạng người mù / Hãy thắp dùm tôi ngọn đuốc tình yêu, sáng rực hình ảnh em thần tượng, vậy mà:

 

Trên sân khấu cuộc đời

Chỉ còn đoạn cuối

Chỉ còn minh tôi

Và giờ đây

Thân này nguyện gửi chân cầu

Làm bữa ăn ngon cho loài cá mập

 

Dư vang của bài thơ mang âm hưởng nặng nề và đó là đoạn cuối của một người. Với Lõa thể, một bức tranh ngôn ngữ, mang màu sắc ảm đạm, đìu hiu:

 

Anh như con dơi đêm xòe cánh lượn vào hồn ma em khơi bùng dậy dĩ vãng màu hồng khi tương lai màu đen đang bủa vây em ...

Nửa em là Thiên đàng

Nửa em là địa nguc

Tạp chí Mai, số 43 và 44 còn có Xõa tóc Từ bỏ, Thần thoại mang hơi thở cuộc sống có nhiều biến đổi và cũng nói lên bao niềm tin yêu và hy vọng:

- Quê hương anh không còn nữa

Những người thân yêu lìa bỏ nơi đây

Mái lá bơ vơ thơ tháng ngày gục đổ

(Từ bỏ)

-Trong giấc mơ

Câu chuyện trở thành thần thoại

Thằng con trai út dùng cây đàn thần

Giết quỷ

Trừ ma

Cởi bỏ xích xiềng nơi bàn tay gầy người cha già

(Thần thoại)

Dần về sau, thơ Phạm Thế Mỹ chuyển hướng, bớt đi những ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, gần với đời sống. Cuộc đời đi vào thơ ca vừa mang tính hiện thực vừa đậm chất trữ tình.

Nói với người đã khuất (Đối Diện, số 22, tháng 4 năm 1971) là bức tranh của một gia đình, một dòng họ. Gia đình Phạm Thế Mỹ vào những năm cuối những năm 50, 60 và đầu 70 nằm trên đường Hoàng Diệu - Đà Nẵng, con đường mà "kiệt 7, kiệt 8 / tự vệ đen thui / kiệt 9, kiệt 10 / cướp cò súng nổ". Nơi mà, mộ thầy (tức cha) nằm khu vực Ngã ba Cai Lang: "không biết thầy nằm đó có yên không ? / rác Mỹ mộ thầy có ngập cao từng đống ? / những đống rác thành phố bò lần ra đến mình thầy".

 

Số phận, niềm vui và nỗi buồn của mỗi thành viên trong gia đình hiện lên rõ nét, nhất là trong những ngày giỗ, tết. Hắt hiu vẫn là bóng hình của người mẹ. Người mẹ trong những năm đất nước chiến tranh, phân ly:

 

má khóc anh Ký đi xa

 khóc anh Hổ tập kết

 khóc con ngồi tù

 khóc ngày giỗ Thầy con chẳng dám đi thăm …

 

Người ở tận chân trời tây, người đi tập kết, người ngồi trong tù, còn gì nữa, với mẹ:

 

đêm qua trong tiếng lửa reo

tiếng nước bánh sôi sùng sục

má khóc

má nhớ Thầy nhớ anh Hổ

má nhớ chỉ Bảy tật nguyền ho lao sắp chết

má nhớ chị Tâm, anh Kế, thằng Tô ...

dỗ má không xong

 

Nơi mà:

 

Những bóng cờ xanh sao trắng rủ thương đau

Những bóng cờ ăn năn thức trắng đêm dài

Chuông nhà thờ kêu vang lời thảm thiết

Chuông nhà thờ ngân vang niềm hối tiếc

(Đất nước, số 17)

 

Trên tạp chí Đối Diện số 22, 4-1971, Phạm Thế Mỹ có bài thơ dài, bài Đường ta đi, mô tả khát khao lên đường, đấu tranh:

 

ta quyết không để ai dụ dỗ ta

lưng cúi xuống một đời vâng dạ

ta quyết không để ai khớp miệng ta

cấm ta nói những điều ta muốn nói

cấm ta viết những điều ta muốn viết

 

Điệp khúc "ta đã đi", " ta vẫn đi", "đường ta đi" lặp lại theo chủ ý của tác giả nhằm khắc ghi:

 

đường ta đi bốn ngàn năm đắp bằng xương máu

đường ta đi xanh mạ lúa mai sau ...

 

Với tạp chí Văn Mới, số 2, ngày 15-11-1971, Phạm Thế Mỹ cho đăng nhạc kịch Tiếng hát dậy từ lòng đất, một nhạc kịch bộc lộ tài năng thơ ca, ngôn ngữ thơ vừa mang yếu tố trữ tình vừa đậm tính chất tráng ca, mượn từ câu chuyện bi hùng của trang sử nước Yên đời Tần để gửi gắm tình cảm, thái độ trước hiện thực xã hội miền Nam. Chọn thời khắc Kinh Kha trốn về, không đủ can đảm giết Tần Thủy Hoàng và đang sống ẩn dật ở Yên. Cao Tiệm Ly lén Tần vương về Yên, gặp Kinh Kha. Cảnh trên sông Dịch, một buổi chiều sắp tắt, nơi ngày nào Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha lên đường làm thích khách, diệt bạo chúa. Màn một mở đầu bằng hai câu lấy từ Sử ký Tư Mã Thiên, phần Kinh Kha truyện:

 

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn,

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.

(Gió vi vút chừ sông Dịch lạnh tê

Tráng sĩ một đi chừ không về)

 

Sau đó, cuộc gặp giữa Cao Tiệm Ly và Kinh Kha. Cao Tiệm Ly, giọng xa xôi:

 

Tiếng hát Kinh Kha năm xưa còn đó

Với gió vi vu bên sông còn đó

Riêng ta riêng ta

Tiếng đàn của ta đâu ?

Tiếng đàn của ta đâu ?

 

Kinh Kha:

Dòng nước vẫn trong xanh

Dòng nước vẫn trôi nhanh

 

Cao Tiệm Ly:

Nhưng không là dòng nước hôm qua

Cũng không là dòng nước mắt Kinh Kha

Dòng sông ơi, dòng sông ơi

Nước mắt của mẹ ta

Tiếng khóc của mẹ ta

Và máu

Máu của dân ta, máu của dân ta …

Năm xưa …

Bạn ta đã hiên ngang lên đường

Quyết chết anh hùng dưới gươm giáo Tần Vương

Cao Tiệm Ly tiếp:

Ta hát cho dân ta nghe

Ta hát cho dân ta nghe

Cho ngai vàng cho bạo chúa rung rinh …

Cho nước mắt thôi rơi

Cho tiếng hát ca vui …

 

Sang màn hai, mộng ước Kinh Kha không thành, song, qua nhân vật Cao Tiệm Ly, Phạm Thế Mỹ gửi gắm khát vọng đối với quê hương đất nước, bằng tiếng hát:

 

Tiếng hát trong tim, tiếng hát quật cường

Tiếng hát bạt rừng xô nghiêng ngã núi

Tiếng hát đã lớn dần trong thịt xương máu đỏ

Tiếng hát sẽ lớn hoài giữa ruộng lúa xanh tươi

Tiếng hát dân ta

Tiếng hát dậy từ lòng đất

Nghe trong đó hương thơm dân tộc

Nghe trong đó niềm tin bất khuất …

Cả dân tộc anh hùng

Đã lớn lên bằng tiếng hát !

*

Với Phạm Thế Mỹ, chất trữ tình đã làm nên vẻ đẹp lung linh trong nhiều ca khúc viết về tình yêu, về quê hương. Chất tráng ca, thôi thúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trở thành âm hưởng trong nhiều bài thơ, nhiều nhạc kịch. Ở đó, tài năng âm nhạc và thơ ca, cách chọn hình ảnh, từ ngữ, giai điệu của Phạm Thế Mỹ bộc lộ sâu sắc, chứa nhiều ý nghĩa nhân văn. Tiếc là, đến nay, chưa có nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về những đóng góp của Phạm Thế Mỹ ở vào giai đoạn thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ XX.

 

Một Phạm Thế Mỹ đằm thắm trong những ca khúc về tình quê, duyên quê trong âm nhạc. Một Phạm Thế Mỹ cay xót và hy vọng về một quê hương hòa bình trong những bài thơ đậm chất thời sự. Ta yêu tiếng hát và lời thơ của Phạm Thế Mỹ biết bao !

 

(9-2022) 

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Phát triển Tp Đà Nẵng,

số 3, Xuân Quý Mão,2023 

 HUỲNH VĂN HOA

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com