HUỲNH VĂN HOA: MÀU TRẮNG TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN

 

357370217_6995334960495723_7061720514704877532_n

Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ lớn của dân tộc, một gương mặt tiêu biểu, độc đáo của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông để lại một di sản văn chương đồ sộ, tiếp tục gây ngạc nhiên cho nhiều thế hệ đi sau.

Ông là nhà thơ sử dụng màu sắc một cách thuần thục, duyên dáng nhất. Khi đi vào nghệ thuật, màu sắc không tồn tại như một yếu tố vật chất đơn thuần, mà nó gắn liền với chủ đề, tư tưởng, đề tài của một tác phẩm cụ thể. Do đó, có thể nhận xét chung rằng, từ màu sắc bên ngoài được phản ánh vào tác phẩm, ta có thể nhận ra màu sắc bên trong - màu sắc tâm hồn - của một nhà văn, nhà thơ. Bất kỳ nghệ sĩ nào cũng đều có những cách chọn lựa riêng, xử lý riêng về màu sắc.

Về phương diện hội họa, Chế Lan Viên có một góc trời riêng về bảng màu đa dạng. Ông là họa sĩ trong thơ ca. Với ông, màu trắng, qua từng chặng đường sáng tác, đều để lại dấu ấn khó quên. Sắc độ màu trắng không chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ, sâu xa hơn, phản ánh cái nhìn nghệ thuật về con người và cuộc đời của Chế Lan Viên. Trong cả đời thơ, với nhiều cung bậc tình cảm, nghĩ suy, Chế Lan Viên nói đến màu trắng 154 lần. Màu trắng được dùng như một tính từ, một động từ vị ngữ, một danh từ.   

Thời kỳ Điêu tàn (1937), màu trắng không gợi nên sự tinh khiết, thanh sạch, mà nó gắn liền với xương trắng, sọ trắng, não trắng, đó là, "một khớp xương ma trắng rợn", "nền giấy trắng như xưa trong bãi chém", "thành sọ trắng của ma thiêng", "não trắng rủ nhau tuôn". Một thế giới ma quái, màu sắc nhuốm yếu tố hư linh hiện ra, như Hoài Thanh nhận xét "Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỉ hai mươi, nó (Điêu Tàn) đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật" (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, NXB Thiều Quang, Sài Gòn, 1967, trang 229).

Màu sắc trong Điêu tàn tượng trưng cho sự kinh hãi, tàn lụi, chìm đắm trong cô đơn, lạnh lẽo, hoảng sợ, vì thế, trong 36 bài thơ, với 9 màu, chủ yếu trắng, xanh, đen mờ, màu sắc ấy cùng với hình ảnh cõi chết, cõi xa xôi, sọ, xương, đầu lâu, pháp trường đã làm nên một thế giới đầy hư linh, rùng rợn, ma quái (Xem thêm: Huỳnh Văn Hoa, Màu sắc, một phương diện mỹ học trong tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên, báo Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt cuối tháng 10 (số 174), ngày 30 - 10 - 2010).

Vậy mà, vào những năm 60 trở đi, nhiều bài thơ có màu trắng lại mang tâm tình, cảm xúc đầy chân tình, thương mến và trân trọng cuộc sống  của Chế Lan Viên. Ở thơ Chế Lan Viên, bắt đầu từ Ánh sáng và Phù sa (NXB Văn học, HN, 1960), màu trắng đã đi vào những ngõ ngách riêng tư của đời thường, của trầm tư, suy tưởng. Một làn mây trắng bay ngang cũng làm chạnh lòng thương nhớ. Người đọc cũng khó quên hình ảnh: mây trắng - em - nỗi nhớ đan lồng vào nhau, gợi mãi không thôi. Hai phương trời chỉ một phong thư mây trắng:

Màu trắng là màu mây của em

Trắng trời anh lại nhớ em thêm

Em đi muôn dặm thư về chậm

Chỉ lấy màu mây trắng nhắn tin.

(Mây của em) 

Ở một bài tứ tuyệt khác, bài Hoa tháng ba, viết về hoa xoan, một thứ hoa nở trắng vào tháng ba. Tháng ba của mùa xuân, thời gian cây xoan ra hoa. Hai câu đầu nói về thời gian. Các câu sau là tâm trạng. Nhịp thơ chuyển từ 2/2/2 sang 4/4, rồi 3/4, cuối cùng 3/3/2, đó là cung bậc của nhớ thương, vừa bâng khuâng vừa ngùi ngùi cảm xúc. Hoa xoan có mùi hắc, không thơm, song, cái hương thơm đặc biệt ấy, như Nguyễn Du viết, là thứ "hương gây mùi nhớ", vì thế, cũng khiến cho tâm hồn nhà thơ như chùng lại, ngần ngại qua vườn, sợ mùi hương, sợ mùi hương ... nhắc mình. Hai lần nhắc lại "sợ mùi hương" là nhắc mình về nỗi nhớ "em", người đang ở phương xa. Mượn hương để nói người là nét riêng của Chế Lan Viên. Một bài thơ bình dị, sâu lắng và tinh tế:  

Tháng ba nở trắng hoa xoan

Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương

Không em, anh chẳng qua vườn

Sợ mùi hương, sợ mùi hương ... nhắc mình

(Hoa tháng ba) 

Đến màu trắng thế sự, man mác buồn, nỗi buồn từ ngàn lau thời Nguyễn Du thổi lại, bạc xóa đến bây giờ:

Man mác hoa lau trắng

Đường về thăm Nguyễn Du

Ngàn lau từ Nguyễn thấy

Bạc xóa đến bây giờ

(Hoa lau trắng)

Trong Truyện Kiều, hình ảnh vi lô là hình ảnh cây lau, cỏ lau nhuốm màu buồn (Xem Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB KHXH, HN, 1974, trang 434). Hai lần Nguyễn Du mô tả vi lô đều mượn từ láy mang sắc điệu bi ai để mô tả thời gian của buổi chiều hiu hắt và trời thu riêng lẻ, cô độc, một người:

Gió chiều như giục cơn sầu

Vi lô hiu hắt như màu khẩy trêu

(Câu 263, 264)

Vi lô san sát hơi may

Một trời thu để riêng ai một người

(Câu 913, 914)

Ngày trước, hoa lau đã trở thành sắc màu xao xuyến nơi bến Tầm Dương tiễn biệt trong mấy câu thơ của Bạch Cư Dị:  

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu

Người xuống ngựa, khách dừng chèo

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti

(Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị)

"Lau lách đìu hiu" đã làm cho cuộc chia ly trên bến khuya giữa kẻ ở người đi, giữa tiếng sáo, tiếng đàn và lời ca của người tài nữ đã làm không gian thêm ngơ ngẩn, đoạn trường. 

Ở những bài thơ ngắn, tập trung trong Hái theo mùa, NXB Tác phẩm mới, HN, 1977, Hoa trên đá, NXB Văn học, HN, 1984, Chế Lan Viên thường viết những bài thơ ngắn về hoa, trong đó có hoa lau, lại là hoa lau trắng ! Màu sắc ấy mang sắc thái tâm tình gì, ẩn sau đó là tâm trạng nào, không gian hoa lau, thời gian hoa lau nở và sự cô đơn, niềm nhung nhớ và lạnh lẽo của con người ? Bao câu hỏi đặt ra, tìm câu trả lời không dễ. Trong bài Thử thách (Hoa trên đá, NXB Văn học, HN, 1984), Chế Lan Viên viết về cành lau - nỗi nhớ và màu mây. Ngỡ như, trong sắc trắng hoa lau, có nỗi nhớ của tình yêu:

Trắng màu lau đã cho mình nỗi nhớ  

Chịu cách xa mình để nói một màu mây

Mùa thu với hoa lau, một kết hợp của thời gian và không gian. Khi  ngàn lau cười trong nắng, cũng là lúc đón mua thu về, rồi hồn thu sẽ đi, điều còn lại chỉ ngàn lau xao xác trắng, một màu trắng cô đơn. Đó là, Lau mùa thu, bài ngũ ngôn tứ tuyệt viết về đời lau:

Ngàn lau cười trong nắng

Hồn của mùa thu về

Hồn mùa thu sắp đi

Ngàn lau xao xác trắng  

Hãy đọc Lau biên giới, bài thơ nằm trong tập Hoa trên đá (1984):

Ai đi biên giới cho lòng ta theo với 

Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình 

Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi 

Suốt một đời cùng với gió giao tranh.


Mở đầu bài thơ là lời cầu khiến, xin với người đi biên giới cho lòng theo. Một lời cầu xin tha thiết, chân tình: theo với. Theo ai để lên biên giới ? Xin thưa, theo với những người đang cầm súng chiến đấu, bảo vệ "ở tận cùng bờ cõi" như dòng thơ đã nhấn mạnh. Câu thơ như mắc nợ. Cần nhớ là, vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cuộc chiến biên giới phía bắc của nước ta là thiêng liêng. Hiểu thế, để thấy rằng, cả bài thơ là sự sẻ chia cảm động, nghĩa tình. Nơi ấy, chỉ có người lính với bạt ngàn lau trắng của biên cương, giữ từng thước đất của tổ quốc. suốt một đời, lặng lẽ, cô đơn cùng lau trắng, gió hút và mây trời. Chiến đấu bảo vệ "bờ cõi", đương nhiên", còn chiến đấu với chính mình, với "bạt ngàn lau trắng", "có một mình" mới dũng cảm biết bao !

Đọc Lau biên giới của Chế Lan Viên, gợi nhớ Nguyễn Minh Châu với truyện ngắn Cỏ lau, thao thức với những dòng: "với biết bao nỗi lo toan tính đầy hối hả trong thời bình, mỗi con người chúng ta có lẽ đôi khi cũng là một cánh rừng cỏ lau đầy sức sống, rất chóng lãng quên những người lính đã ngã xuống”.  

Ở Huế, về mùa hè, những hồ trong thành nội, sen thường nở. Những cánh sen trắng muốt, lung linh, bọc ven cổ thành, làm nên nét riêng của Huế. Và, cũng chỉ ở Huế mới có. Chế Lan Viên gọi đấy là Sen Huế:

Trắng muốt mùa sen trắng cổ thành

Ngỡ như mùa hạ Huế chờ anh

Mượn ai tà áo bay màu lụa

Bọc lấy mùa hương ấy để dành

Huế với nhà thơ như người bạn cũ. Sen nở chờ tác giả. Tình cố tri đó khiến cho người nghệ sĩ muốn mượn một tà áo lụa bọc lấy hương ấy để dành. Suy nghĩ thật độc đáo. Người ta chỉ có thể bọc bàn, bọc ghế, bọc sách, bọc vở, vậy mà có người tính đến việc bọc lấy mùa hương. Lòng yêu hoa, yêu người, yêu Huế đến thế là cùng ! Chả vậy, ba lần nhà thơ nói đến mùa: mùa sen, mùa hạ, mùa hương. Ba mùa quyện lẫn, tôn lên vẻ đẹp của Huế. Một bài thơ hay viết về Huế.

Nhiều sắc màu các loài hoa trong thơ Chế Lan Viên đưa lại vẻ đẹp riêng của tâm hồn, làm nên bao xuyến xao, rung động, bao nỗi niềm thương nhớ, bao trạng thái hồi hộp, chờ mong, bao ấn tượng khó quên:

Anh tặng  em  chùm  hoa  sắc  trắng, 

Nhưng  khi  yêu,  anh  yêu  đỏ  hoa hồng. 

Tuổi  năm  mươi  lòng  yêu  như  lửa  đỏ, 

Nhưng  bên  ngoài  vẫn  cứ  trắng  như  không 

(Hoa trắng đỏ)

Bài thơ với hai gam màu chủ đạo: trắngđỏ. Hai màu đan xen, xoắn quyện vào nhau, chỉ ngọn lửa tình yêu nồng cháy, đầy thi vị. Thi vị ở chỗ, tuổi năm mươi, qua rồi thời tuổi trẻ, nhưng vẫn nồng nàn, đằm thắm. Màu trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao. Màu đỏ, biểu hiện sự mãnh liệt, rực cháy. Hai lần nhà thơ dùng từ "nhưng" nhằm nhấn mạnh độ nóng của tình yêu. Một định đề tưởng tương phản nhưng lại hài hòa, thống nhất. Bài thơ có màu sắc triết luận, đưa người đọc đến một cảm nhận sâu sắc về năng lượng bất diệt của tình yêu. Hiếm thấy một bài thơ tình tinh tế, thiết tha như thế ở tuổi năm mươi trải nghiệm. Đúng là, ông đã cảm thụ màu sắc của hoa theo kiểu rất Chế Lan Viên.

Những chùm hoa kim anh trắng, nở dọc các suờn núi cao biên giới, nơi những con chim hiền lành như ngừng tiếng hót, tất cả chìm trong phút lặng im linh thiêng ấy, khi Người đi tìm hình của Nước, sau ba mươi năm, về đến mảnh đất thiêng của Tổ quốc. Phút giây đó, cả Tố Hữu và Chế Lan Viên đều sử dụng màu trắng, màu trắng của hoa và màu trắng của sự khiết lành, chờ đón :

- Ôi sáng xuân nay xuân 41 / Trắng rừng biên giới nở hoa mơ / Bác về im lặng con chim hót / Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ (Tố Hữu - Theo chân Bác)

Và, Chế Lan Viên viết :

- Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về / Xa nước ba mươi năm một câu Kiều, Người vẫn nhớ (Người thay đổi đời tôi - Người thay đổi thơ tôi)

- Mùa bioóc-cà ơi, mùa bioóc - cà ơi / Trắng hoa núi khắp sườn cao biên giới

- Đầu lau lao xao, bông ngả đón mình / Mây quá trắng trên trời chừng muốn nói (Cách mạng, chương đầu)

Trong thơ, Chế Lan Viên còn sử dụng màu trắng trong phương thức đối lập ở một câu thơ, một ý thơ vừa để tạo câu, vừa lập nên ngữ nghĩa mới:

- Cồn cát trắng trắng lan bên nhà trắng / Hàng cây xanh xanh dải đến trời xanh (Im lặng, tập thơ Gửi  các anh)

- Trắng trên Trường Thành mây trắng bay / Tím dưới Trường Thành hoa tím nở (Mây và hoa trên Vạn Lý Trường Thành)

- Mỗi mai hồng, áo trắng đến thăm tôi (Ý nghĩ mùa xuân)

- Thơ ta áo trắng mặc màu trời xanh (Đi  ra ngoại ô)

- Có ngờ đâu cồn cát trắng mây xanh

Gặp Nguyễn nơi đây trên đất Quảng Bình

(Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ)

- Cả xứ sở trắng một màu mây trắng !

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?)

Như thời gian và không gian nghệ thuật, màu sắc là một tín hiệu thẩm mỹ phản ánh thế giới tâm hồn của chủ thể sáng tạo. Chế Lan Viên là một thi sĩ - họa sĩ tài hoa. Phép sử dụng màu và sự phối màu tinh tế của Chế Lan Viên đã đưa lại nhiều bài thơ hay, đầy cá tính sáng tạo trong thơ ca Việt. Goethe có một câu nói rất hay: "Hãy để ta cảm thụ màu sắc theo cách của ta". Nhận định ấy phù hợp với màu sắc trong thơ Chế Lan Viên, trong đó có màu trắng.

HUỲNH VĂN HOA

(Nguồn: Tạp chí NON NƯỚC,số 305, tháng 7-2023)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com