BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết THI SĨ ĐÔNG HỒ - NGƯỜI ĐI TÌM CẢM HỨNG TỪ TIẾNG VIỆT

THI SĨ ĐÔNG HỒ - NGƯỜI ĐI TÌM CẢM HỨNG TỪ TIẾNG VIỆT

 

thi-si-dong-ho-nguoi-di-tim-cam-hung

 

“Hoàn cầu dễ có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như  tiếng Nam. Âu cũng vì tiếng Nam đương trong cảnh khốn cùng, đương bị nhiều người rẻ rúng. Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít. Thất học từ năm mười lăm mười sáu, từ đó người chỉ chuyên học quốc văn, viết quốc văn, rồi mở trường chuyên dạy quốc văn. Có những lúc người đai cơm bầu nước cùng học trò đi chơi các vùng thắng cảnh đất Phương thành, các đảo dữ miền duyên hải, tôi tưởng cũng chỉ vì quốc văn: người đi tìm cảm hứng vậy”. Từ năm 1941, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết nhận định về nhà thơ, nhà giáo Đông Hồ như thế.

Đông Hồ tên thật Lâm Tấn Phác, sinh năm 1906 tại làng Mỹ Đức (Hà Tiên) - một tỉnh nhỏ nằm ở cực Tây Nam Việt, giáp biên giới Cămpuchia và hải phận vịnh Thái Lan. Thuở sinh thời, ông cho biết: “Hà Tiên có 10 cảnh đẹp, Đông Hồ ấn nguyệt là một trong mười cảnh đẹp đó. Tổ tiên tôi mấy đời đều làm nhà trên bờ Đông Hồ. Tôi sinh trưởng trong cảnh núi hồ sẵn có, vì vậy tôi lấy tên hiệu là Đông Hồ”.

Được ông bác nuôi ăn học đến năm 16 tuổi, Đông Hồ nghỉ học. Sau đó, ông tự học để trở thành cây bút lỗi lạc trong trường văn trận bút. Dù ở nơi xa xôi hẻo lánh nhưng ông cộng tác với hầu hết các báo, tạp chí trong cả nước. Đáng chú ý nhất là những năm tháng cộng tác với tạp chí Nam Phong ở ngoài Bắc. Sự cộng tác này mật thiết đến nỗi khi viết bộ Nhà văn hiện đại (1941) nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã xếp ông vào nhóm Nam Phong: “Gần đây số thi nhân ngày một ít, nên khi nói đến thơ Nam Kỳ, ai cũng phải nhớ ngay đến thi sĩ Đông Hồ, người đã viết mấy bài có giá trị trong tạp chí Nam Phong”.

Giữa lúc tiếng Việt chưa có một vị trí đáng kể trong mối quan hệ xã hội thì ông mở Trí Đức học xá - vì thấu hiểu lời răn dạy của thi hào Tagore: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”. Từ năm 1870, Tagore đã lập tịnh xá ở gần Calcutta đặt tên là Santiniketan để dạy thanh niên Ấn Độ cái đạo giải phóng tinh thần, sống gần gũi hòa nhập với thiên nhiên. Đông Hồ cũng mở trường với mục đích như thế. Trí Đức học xá khai giảng vào ngày 30.10.1926 trên bờ Đông Hồ, lúc đó ông vừa tròn 20 tuổi và đang làm giáo viên dạy lớp sơ đẳng ở Hà Tiên. Lúc bấy giờ, tiếng Việt chưa được quan tâm nhiều lắm. Là một người yêu quốc văn, làm Đông Hồ có thể chấp nhận? Vì vậy ông mở trường để có điều kiện giúp cho học sinh trau giồi tiếng Việt và khuyến khích học sinh yêu lấy tiếng Việt.

Bước vào Trí Đức học xá, người ta thấy trên vách bên phải có ghi câu của Phạm Quỳnh: “Tiếng là nước, tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất”, trên vách bên trái có ghi câu cách ngôn của Chu Hi: “Ở trên đời có ba điều đáng tiếc, một là hôm nay bỏ qua, hai là ở đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư”. Học trò đến với trường của Đông Hồ, ngoài giờ học quốc văn thì những ngày chủ nhật, ngày lễ thường được ông dắt đi thăm cảnh đẹp, di tích lịch sử ở Hà Tiên... Đó cũng là dịp mà ông khơi dậy trong lòng non nớt của học trò tình yêu quê hương, xứ sở. Nhằm mở rộng ảnh hưởng của trường, Đông Hồ còn dạy cho học trò ở nơi xa theo lối hàm thụ. Tiêu đề trên thư từ hàm thụ là bốn câu thơ ca ngợi tiếng mẹ đẻ của thầy mà bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ: “Ríu rít đàn chim kêu/ Cha truyền con nối theo/ Huống là tiếng mẹ đẻ/ Ta lẽ nào không yêu?”.

Mối quan hệ thầy trò lúc ấy chắc hẳn đằm thắm lắm, trên Nam Phong tạp chí số 135 (phát hành cuối năm 1928) có bài cảm tưởng của học trò lúc nghỉ hè: “Nói đến công của chữ Quốc ngữ khi sắp từ biệt nhà học xá này thì cảm động đến chảy nước mắt mà khóc được, vì quốc văn ở buổi bây giờ muốn học cũng khó lắm thay. Trường nào là trường có dạy thứ chữ ấy? Ai cũng biết chữ Quốc ngữ ở các trường nhà nước ngày nay phải ở vào cái địa vị rất thấp hèn mà chịu số phận khinh khi rẻ rúng, như thế thì còn ai thiết đến việc dạy dỗ thứ chữ ấy làm gì nữa?”. Thử đặt mình vào thời điểm đó,  chúng ta mới thấy hết được sự đóng góp của Đông Hồ khi lập Trí Đức học xá - như ông từng viết: “Vườn Trí Đức thành phương ngõ rộng/ Hạt quốc văn gieo giống tinh hoa/ Trải bao gió lộng sương pha/ Tốt tươi hồng hạnh, rườm rà quế lan”.

Giữa lúc thực dân Pháp chủ trương kìm hãm việc học tập, thực hiện chính sách ngu dân thì sự có mặt của Trí Đức học xá bị nghi kỵ và theo dõi là lẽ tất nhiên. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Lúc ấy trong 1.000 làng thì có đến 1.500 cửa hàng rượu và thuốc phiện, nhưng cũng trong số 1.000 làng đó thì chỉ có vỏn vẹn 10 trường học”. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi biết trường của Đông Hồ bị đóng cửa vào năm 1934. Thầy trò phải chia tay nhau, ông bùi ngùi viết những dòng thơ: “Chữ Trí Đức mưa nhòa nét mực/ Mùi huệ lan gió nhạt mùi hương/ Hồn phong nhã, cảm văn chương/ Hồ sơn mây nước, thê lương sớm chiều/ Nhớ những nhớ ngày nào năm nọ/ Hạt quốc văn gieo thuở ban đầu...”.

Có thể nói, Trí Đức học xá là thành tích văn hóa, là nét son trong cuộc đời thầy giáo Đông Hồ. Sau khi trường đóng cửa, ông đã cho in tập Lời hoa (3 tập) gồm những bài Việt văn của học trò Trí Đức đã được ông nhuận sắc. Một học trò của Trí Đức học xá, sau này nổi tiếng trên văn đàn là nữ sĩ Mộng Tuyết, đã được thầy hướng dẫn từ những bước đầu tiên để có tập Bông hoa đua nở. Sau năm 1934, Đông Hồ cùng một số thân hữu lên Sài Gòn xuất bản tờ báo Sống - đặt tên báo như vậy là theo câu viết trên Nam Phong tạp chí: “Con cá nó sống vì nước, nước ta sống vì tiếng ta đó”. Nghe tin này, từ miền Bắc, thi sĩ Tản Đà có thơ chia sẻ: “Ngàn năm hoa thảo màu xuân mới/ Nửa bức sơn hà nét mực tươi/ Sống ở trên đời cho đáng sống/ Xin đừng gượng gạo sống như ai”...
 

Tờ báo Sống số 1 ra ngày 22.1.1935 do Đông Hồ làm chủ bút không ngoài mục đích tiếp tục cổ động, tuyên truyền cho việc dạy và học chữ Quốc ngữ. Ông đã làm một việc khác hẳn báo chí lúc ấy, trên mặt báo Sống của ông không có lỗi chính tả! Ngoài ra, cũng trong thời gian này, ông cùng với Trúc Hà cho xuất bản quyển Những lỗi thường lầm trong sự học quốc văn (1936) để góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếc rằng, báo Sống không thọ, ông lui về Hà Tiên ở ẩn. Mãi đến năm 1945, ông lại lên Sài Gòn lập nhà xuất bản Bốn Phương với chủ trương: “Gom lại từ bốn phương, tung ra khắp bốn phương”, để in những tác phẩm có giá trị về văn hóa nước nhà.

Ngoài những tác phẩm đã xuất bản như Thơ Đông Hồ (1932), Linh Phượng (1934), Cô gái xuân (1935) thì từ năm 1960 ông tiếp tục cho in Hà Tiên thập cảnh (bút ký), Trinh Trắng (thơ), Truyện Song Tinh... Với những tác phẩm này chúng ta thấy nhà giáo Đông Hồ không chỉ là nhà thơ “người thứ nhất đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh trong tiếng sóng” (Hoài Thanh), mà còn là nhà khảo cứu “giúp người nghiên cứu có tài liệu về văn học buổi sơ khai tận cùng phía Nam đất nước, khẳng định sự thống nhất của văn học và văn hóa Việt Nam” (Từ điển văn học).

Từ năm 1964, Đông Hồ được Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn mời giảng dạy chương trình “Văn chương quốc âm miền Nam”, ông vui vẻ nhận lời. Những bài giảng chuyên đề của ông sau này được sắp xếp để hoàn thành tác phẩm có giá trị Văn học miền Nam: văn học Hà Tiên.  Có thể ghi nhận đây là sự tiếp nối công việc biên khảo mà ông đã từng thực hiện từ năm 1929 với tác phẩm Hà Tiên Mạc thị sử. Những năm tháng dạy học ở Đại học Văn khoa đã để lại nhiều cảm hứng trong thơ Đông Hồ. Ông đã viết về thế hệ học trò của mình: “Đây thế hệ anh khoa tuấn tú/ Đêm ngày đang vui thú sách đèn/ Say sưa nghĩa lý thánh hiền/ Đông Tây kim cổ triền miên mộng vàng/ Đang đợi những huy hoàng cao cả/ Đang bắt tay luyện đá vá trời/ Một trời mực đậm son tươi/ Một trời Đại học, một trời Văn khoa”.

Ngoài ra ông Lâm Ngọc Huỳnh - Khoa trưởng Văn Khoa Huế - cũng mời Đông Hồ ra dạy môn văn chương quốc âm, nhưng ông từ chối vì đường xa cách trở và tuổi già không cho phép. Nhưng vốn là nhà thơ nên ông đã từ chối khéo léo, bằng cách ra bưu điện đánh bức điện tín bằng... thơ: “Đại học xa đưa hương ngự uyển/ Tràng An không tiện bước vân trình/ Huệ lan ơn tạ lòng tri kỷ/ Lỡ hẹn sông Hương núi Ngự Bình”. Thật tao nhã vô cùng.

Rồi như buổi sáng thường lệ, ngày 25.3.1969 Đông Hồ có mặt ở giảng đường - không ngờ đây là buổi dạy cuối cùng. Sáng đó, ông giảng về thơ vịnh Hai Bà Trưng. Mặc dù chuông reo tan trường đã vang lên nhưng ông vẫn nán lại để giảng thêm bài thơ Vịnh Hai Bà của Ngân Giang nữ sĩ in trong tập Tiếng vọng sông Ngân.  Ông nói: “Từ xưa người ta đã vịnh Hai Bà rất nhiều, nhưng tất cả đều là các ông. Các ông luôn bỏ quên mất tâm sự riêng của Hai Bà. Các ông luôn gán cho Hai Bà một nam nhi tính, chỉ toàn nói chiến công oanh liệt, chỉ nói toàn là gươm đao, vì nước thù nhà. Còn bài thơ của Ngân Giang nữ sĩ diễn tả thật hay vì lần đầu tiên nói lên một cái mới: Tâm sự của Hai Bà. Tâm sự của người quả phụ, tâm sự của vành khăn tang còn vấn trên đầu trong niềm cô độc miên man…”.

Giảng xong bài thơ này, Đông Hồ ngâm lại bằng giọng ấm cúng, tràn đầy cảm xúc: “Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá/ Chênh chếch trăng tà bóng lẻ soi”. Ngâm đến câu thơ cuối cùng, giọng ông như lạc hẳn. Ông đứng yên một chỗ, tay gầy gò vòng trước ngực, lưng tựa vào bàn và mắt nhìn về phía các sinh viên. Bỗng mặt thầy đỏ lên, miệng từ từ méo dần về bên trái, môi mấp máy yếu ớt... Hình như ông muốn nói điều gì đó nhưng không nói được. Các sinh viên tưởng thầy bị trúng gió liền đưa vào bệnh viện Grall. Mồ hôi ông tiếp tục tuôn ra, da lạnh ngắt, hơi thở dồn dập. Sau khi tiêm mũi thuốc trợ lực, người ta bảo đưa về vì bệnh không có gì trầm trọng. Nhưng các sinh viên vẫn âu lo, đưa thầy vào bệnh viện Saint Paul. Nằm trong phòng số 40, lúc này ông hoàn toàn không còn biết gì cả. Lúc 19 giờ 30 cùng ngày, Đông Hồ vĩnh biệt trần gian đi vào cõi hư không. Cái chết của ông gây thương tiếc lớn trong giới văn học nghệ thuật thời bấy giờ.

Trong các điếu văn của sinh viên Văn Khoa Sài Gòn khóc thầy, có bài thơ thật xúc động: “Mây phủ Văn Khoa đất Sài thành/ Thôi đà che khuất bóng vân tinh/ Câu thơ điệu phú ai còn vịnh?/ Bài học văn chương hết giảng bình/ “Trinh trắng tuyển thi” hồn ấp ủ/ “Hà Tiên thập cảnh” mộng phiêu linh/ Còn đâu bóng dáng Thầy đâu nữa/ Thầy hỡi! Anh linh có thấu tình?”. Một học trò cũ của trường Trí Đức học xá thuở xưa khóc thầy: “Ân sâu  nghĩa nặng tình dài/ Khóc thầy khóc mãi, biết đời nào nguôi?”.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Chỉ có một người khóc như vậy thì cả một đời dù không có sự nghiệp gì khác nữa, cũng khả dĩ là vô hận rồi”.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 123 tháng 4.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com