BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết KÉP TRÀ - THI SĨ TRÀO PHÚNG BẤT ĐẮC CHÍ

KÉP TRÀ - THI SĨ TRÀO PHÚNG BẤT ĐẮC CHÍ

 

kep-tra-thi-si-trao-phung-bt-dac-chi-R

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 199 tháng 3.2018)

Cậu học trò lớn tồng ngồng nhưng đầu trọc lóc, đi chân đất, đội cơi trầu lầm lủi đi trong ban trưa nắng gắt khiến nhiều người phì cười. Bởi lẽ cậu Trà ấy, tên thật là Hoàng Thụy Phương, sinh năm 1873 quê làng Lê Xá (nay thuộc huyện Duy Tiên - Hà Nam), học giỏi nhất lớp của cụ Cử nhưng lại tinh nghịch quá nên mới bị bố là cụ Đồ Giác bắt phải đi tạ lỗi với thầy và ông chủ nhà. Chuyện là hôm qua trong lúc học, cậu xin thầy đi ra ngoài, lúc đẩy cửa nhà xí thì đang thầy ông Nhất chủ nhà đã ngồi trong đó. Bất giác cậu cười khanh khách rồi ứng khẩu: "Bụng phẳng bàn mai ngồi chồm hổm” rồi chạy biến.

Khi biết chuyện này, cụ Cử ôn tồn khuyên bảo và bắt phải xin lỗi chủ nhà. Nhưng với cụ Đồ Giác thì ông bực mình lắm, sau khi phết cho con trai mấy roi ông còn đích thân dẫn con đi tạ lỗi. Đôi bên chưa ăn dập miếng trầu, ông Nhất vừa ngượng vừa muốn thử tài của cậu nên nói: “Câu mà anh giễu tôi, tôi xem như vế ra của câu đối, anh có đối được không?”. Cậu thưa: “Con xin thầy, bố và bác tha lỗi thì con mới dám đọc”. Mọi người gật đầu. Thế là cậu ngoác mồm đọc một lèo: "Mặt ngay cán thuổng rặn e è".

Mọi người cười òa lên. Chỉ riêng ông bố lẩm bẩm: “Tính tình nó như thế này thì biết bao giờ mới lo học hành cho kịp bạn? Chi bằng cưới vợ cho nó để nó tu tâm...”. Vì thế chỉ mới 17 tuổi, cậu Trà đã được bố đứng ra chọn vợ. Đó là cô gái nết na họ Trần, người cùng làng. Dù biết trở thành đầu ấp tay gối với người “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, nhưng cô thôn nữ vẫn ưng thuận vì dù sao “lấy chồng hay chữ như soi gương vàng”!  

Đám cưới xong, cuối năm bố mất, rồi hai năm sau mẹ cũng về suối vàng. Lo tang cho mẹ chưa xong thì gặp cảnh lụt lớn, đôi vợ chồng son rơi vào cảnh khốn đốn, túng quẩn. Dù vậy, người vợ vẫn động viên chồng dùi mài đèn sách, thời gian này họ có con gái đầu lòng và ông đậu Tú tài khoa thi Hương năm 1897. Rồi phải mười hai năm sau, ông mới đậu thêm được... Tú tài! Do hai lần đậu Tú tài như thế nên ông trở thành Tú Kép; từ đây, mọi người thường gọi ông là Kép Trà.

Sống trong buổi giao thời nhố nhăng, nước mất nhà tan nên ông đã trút nỗi căm hờn vào những vần thơ trào phúng, châm biếm có giá trị hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc. Các nhà thơ trào phúng có thế mạnh là họ bám sát hiện thực, lấy đó làm chất liệu sáng tác. Khi Kép Trà khóc tiếng oa oa chào đời cũng là thời điểm thục dân Pháp nổ súng tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất. Danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy đánh trả đến viên đạn cuối cùng, dù trọng thương nhưng vẫn cự tuyệt sự chăm sóc của chúng và tự chọn cái chết khí phách của một người anh hùng. Lúc Kép Trà thi đậu Tú tài lần thứ nhất cũng là năm Kỳ Đồng bị thực dân Pháp bắt tại Yên Thế; chúng treo giải thưởng cho kẻ nào bắt hoặc giết được “hùm thiêng Yên Thế” Đề Thám - thủ lĩnh của phong trào kháng chiến lừng lẫy nhất trong giai đoạn này. Lúc Kép Trà đậu Tú tài lần thứ hai, phong trào kháng chiến dưới quyền chỉ huy của Đề Thám đang tổn thất nặng nề.

Tất nhiên, với một kẻ sĩ luôn ưu thời mẫn thế như Kép Trà không thể đứng ngoài thời cuộc.

Kép Trà chọn một thái độ sống là đả kích vào chế độ “nửa thực dân, nửa phong kiến” ấy bằng thơ trào phúng. Ông đã “điểm huyệt” vào mảng hiện thực đen tối nhất của dân cùng đinh ở nông thôn. Nơi “bùn lầy nước đọng” ấy, người dân bị bọn cường hào ác bá bóc lột tận xương tủy. Phép vua thua lệ làng. Cái lệ làng lỗi thời ấy đã nhũng nhiễu, cấu xé, đay nghiến thân phận người nông dân đến cùng cực.

Ta nhớ sau khoa thi năm Canh Tý (1900), Tú Xương mai mỉa: “Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa/ Tuân khoe văn hoạt, Nghị văn già/ Khoa này đỗ rặt phường hay chữ/ Kìa bác Lê Tuyên cũng thứ ba”. Trong số những người này có Tuân (tức Vũ Tuân) sau về làm tri huyện Duy Tiên, nổi tiếng với tài đục khoét dân đen. Kép Trà điểm mặt: “Quan quách gì mày phó bảng Tuân/ Làm cho hại nước với tàn dân/ Trói thằng đánh dậm lần lưng khố/ Bắt đứa hoang thai liếm cả quần/ Nâng dái thằng Tây đà nhẵn mặt/ Nhờ đồ con đĩ mới nên thân/ Thôi thôi còn nói làm chi nữa/ Nó lại thông gia với đốc Trần”.

Ghê gớm cho chữ với nghĩa. Chỉ bảy câu thơ với 49 từ, nhà thơ đã khắc được chân dung quan tham không lẫn lộn với ai khác, mà cũng tiêu biểu cho hạng quan này. Thế mới tài. Câu kết “Nó lại thông gia...”, đắc địa nhất chỗ chữ “lại”, khiến ta buộc nhớ đến câu cửa miệng “đã thế lại còn”, tức người đó đã rơi vào tình thế không còn “cứu vớt”, “cứu xét” gì được nữa. Mà đốc Trần là ai? Là Trần Tán Bình. Ca dao có câu: “Thứ nhất là hổ mang hoa/ Thứ nhì Trần Tán, thứ ba Bùi Bành”.

Sau Vũ Tuân bị đổi đi nơi khác. Rồi đến tri huyện Kim Bảng là Đoàn Ngưng, Kép Trà cũng vạch mặt: “Làng Tả Thanh Oai có huyện Đùn/ Cò kè mặc cả lối phường buôn/ Dân vào ít lễ, sang mồm chửi/ Bạn đến thăm nhau, giở giọng chuồn”. Ngay cả khi Hội đồng cải lương ở nông thôn ra đời theo chỉ thị của nhà nước Pháp, Kép Trà cũng nhanh nhạy để có những vần thơ trào phúng sâu cay.

Về cái Hội đồng này, nhà sử học Dương Trung Quốc giải thích: “Đây là bước đầu tiên của một chủ trương quan trọng mà thực dân sẽ đẩy mạnh trong nhiều năm tới quá trình nhằm ngày càng nắm chặt tổ chức và hoạt động của các làng xã. Chủ trương này đương thời gọi là “cải lương hương chính” được tiến hành ở khắp 3 kỳ, nhưng với những biện pháp khác nhau. Riêng ở Bắc Kỳ sau đó còn 2 lần “cải lương hương chính” khác căn cứ theo các Nghị định ngày 25.2.1927, và 23.5.1941” (Việt Nam - những sự kiện lịch sử (1919- 1945) - NXB Giáo dục - 2000 - tr.34). Nhà thơ Kép Trà đã nhìn thấy thực chất của tổ chức này và ông đả kích qua vần thơ trào phúng: “Nhà nước hồi này mới cải lương/ Kéo ra một lũ mấy thằng mường/ Mặt ngay cán thuổng anh thư ký/ Dốt đặc cù đèn bác chánh hương/ Biên bản dự trù biên bản hảo/ Hội đồng tính sổ hội đồng suông/ Việc quan như thế mà xong nhỉ/ Quấy rối trong làng lũ cá mương”.

Chính thái độ ngang ngạch đã không khuất phục trước cường quyền, lại còn châm chọc nên bọn quan lại căm ghét ông và tìm cách trả thù. Năm 1913, chúng bắt giam vì nghi ngờ ông có dinh líu đến Việt Nam Quang phục Hội, nhưng không có chứng cớ nên ít lâu sau phải thả; rồi năm 1917, ông bị bắt lần nữa vì bị ghép tội liên kết với khởi nghĩa Thái Nguyên, nhưng không tìm ra manh mối nên được tự do.  Ra tù, ông vẫn tiếp tục lấy tiếng cười làm vũ khí chống lại “trật tự” của xã hội.

Lần nọ, tay lý trưởng - người bà con bên vợ bị quan huyện Thanh Liêm cách chức vì thóc mách chuyện quan ăn hối lộ. Để trấn an dư luận, nhân dịp Tết, quan đã ra vế đối: “Phụ thanh liêm, tử thanh liêm, phụ tử đồng thanh liêm". Tay lý trưởng này tìm đến nhà Kép Trà để xin câu đối lại cho bõ lòng ấm ức. Sau khi bảo vợ pha trà mời khách, ông bảo: “Anh cứ đối lại như thế này: "Mày nói láo, tao nói láo, mày tao đều nói láo”. Tất nhiên vế đối ấy đã khiến quan huyện đau hơn bò đá. Nhưng biết Kép Trà làm giúp thì quan chỉ còn... cười trừ!

Một trong những nhất đòn quyết liệt nhất của Kép Trà cho đến nay vẫn con nhiều người nhớ: Vào tối ngày 10.8.1924 tại Hà Nội, Hội Khai trí tiến đức tổ chức kỷ niệm thi hào Nguyễn Du rất trọng thể. Đông đảo các quan tai to mặt lớn lẫn trí thức đến tham dự. Trước đỉnh trầm ngào ngạt nghi ngút khói hương. Không khí thanh lịch lắm! Trang trọng lắm!

Biết trước cái trò lợi dụng tên tuổi của người đã khuất để tô son đánh phấn cho Hội, ông chọn đọc và bình bài Văn chiêu hồn thập loại chúng sinh của thi hào. Lời bình của ông càng lúc càng trở nên sôi nổi: “Sống thì tiền chảy bạc ròng/ Thác không đem được một đồng nào đi/ Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm/ Hòm gỗ đa, bó đóm đưa đêm/ Ngẩn ngơ nội dộc đồng chiêm/ Tuần hương bát nước, biết tìm vào đâu?”. Đấy! Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã nói đến bọn cướp ngày! Bọn chúng cứ tưởng vét cho đầy túi tham, nhưng đâu có ngờ phú quý vinh hoa chỉ trong nháy mắt là tan biến! Hỡi ôi! Lúc chúng nằm xuống ba thước đất thì cũng không có được bát nước nén nhang... Ô hô!”.

Đang hào hứng say sưa, nhưng đến mấy chữ “Ô hô” thì ông ràn rụa nước mắt, khóc rống lên đang lên thương hại cho cái lũ sống trên đời chỉ biết vét sạch sành sanh cho đầy túi tham! Đã thế ba tiếng “bọn cướp ngày” cứ cố tình lập đi lập lại khiến lắm kẻ “có tật giật mình”! Trong phút chốc cả gian phong chật kín người náo nhiệt như ong vỡ tổ! Buổi lễ phải giải tán không kèn không trống!

Không chỉ có thế, ngay sáng hôm sau, cả Hà Nội lưu truyền bài thơ: “Rõ Kép Trà hay cái thói ngông/ Khiến phường mũ áo thẹn khôn cùng/ Anh Quỳnh múa mép, can, can xỏ/ Anh Thiếu trề môi, hổ, hổ lòng/ Mấy chị đào non cười khúc khích/ Một đoàn mặt trắng huýt lung tung/ Tiên Điền cụ hỡi, hay chăng tá?/ Giỗ cụ, hương trầm bỗng thối hung!”.
 

Nghĩ cho cùng thái độ sống của Kép Trà cũng là một kiểu chơi tiêu biểu cho hạng trí thức bất đắc chí trong những năm cuối thế kỷ XX. Tấm lòng họ trong sạch quá, lương tâm họ trong sáng quá, những muốn đem tài năng đóng góp cho đời. Nhưng đời sao mà thối tha đến thế, sống trong buổi giao thời “Pháp - Việt đề huề” với bao nghịch cảnh, sưu cao thuế nặng, quan ăn hối hộ, tham nhũng như rươi, đã không thể thỏa hiệp với chúng, cũng không thể nhắm mắt làm ngơ! Thôi thì ngòi bút trong tay, với vần thơ trào phúng thì hãy “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Kép Trà đã sống như thế! Đã sống như vần thơ tâm sự của ông: “Trông vời mặt nước mênh mông/ Ngẫm trong thế sự mà lòng thêm đau”.

Trong cuộc đời luôn dùng thơ châm biếm, trào phúng chống lại cái xấu, cái ác, có lần ông tự nói về mình:

Khôn không khôn, dại không dại, dở không dở, hay không hay, rày tới mai qua, sống sót hoàn cầu ghê gớm nhỉ!

Quan chẳng quan, dân chẳng dân, sư chẳng sư, tự chẳng tự, gặp sao hay vậy, chơi vung thế giới lạ lùng thay!

Chống lại cái xấu, ghét cay ghét đắng cái ác của bọn quan lại ăn trên ngồi trốc nhưng đối với tình làng nghĩa xóm, Kép Trà lại rất nhân hậu. Suốt thời gian dạy học, ông đã được môn sinh kính trọng, bởi vậy ngay lúc ông còn sống họ đã tạc tượng thầy để tỏ lòng tôn sư trọng đạo. Hiện nay, tượng Kép Trà còn lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nam. Ông mất ngày 14.5.1928.


LÊ VĂN NGHỆ

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com