LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.7.2018


Thay_giao

Thời tiết nóng. Một ngày trôi qua nhanh chóng. Há miệng ra ngáp, chưa kịp khép lại đã trôi tuột một ngày. Ngay cả các sự kiện chính trị, xã hội vừa mới rôm rã, ồn ào, vài ngày sau đã lặn sâu; nổi lên trên bề mặt lại là thông tin khác. Cứ thế. Chẳng mấy chốc, hết một ngày. Thời buổi này, chẳng rõ, có còn ai kiên nhẫn chọn lọc, ghi nhận lại sự kiện mỗi ngày như trước kia ông Đoàn Thêm đã tẩn mẩn, tỉ mỉ ghi chép để có được các tập Việc từng ngày suốt nhiều năm liền? Khó lắm. Mỗi ngày còn phải lo toan biết bao nhiêu chuyện vặt vảnh, còn đâu thời gian? Mấy hôm nay, dự định sẽ ghi lại những gì liên quan đến ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa diễn ra từ ngày 25.6 đến 27.6, nhưng rồi cũng bỏ khuấy luôn. Có chăng chỉ là vài con số, chẳng hạn, hơn 925.000 thí sinh đăng ký dự thi; 45.000 là con số giảng viên từ các trường đại học sẽ tỏa đi 63 tỉnh, thành tham gia công tác coi thi. Thôi thì, lực bất tòng tâm. Đành chịu. Hãy quay về với chuyện thi cử ngày xưa.

Trước kia, cứ nghĩ, nhà văn Ngô Tất Tố vẫn là cây bút phóng sự lỗi lạc, từng trải chuyên viết về đề tài nông thôn ở miền Bắc. Nói cách khác, muốn tìm hiểu ngóc ngách thân phận đời thường của người nông dân thuở ấy, đọc gì thì đọc nhưng không thể bỏ sót tác giả Tắt đèn. Nào ngờ khi đọc Lều chõng, lại thấy một Ngô Tất Tố khác, đó là lúc ông dựng lại không khí thi cử ngày ấy. Có những sự việc, nếu đọc sách nghiên cứu ắt cảm thấy nặng nề, dù cần thiết, dù khoa học, dù chính xác nhưng vẫn không hấp dẫn bằng các trang viết mà nhà văn đã lồng vào tình tiết thông qua các nhân vật. Đọc Lều chõng với các nhân vật Vân Hạc, Đức Chinh, Đoàn Bằng, Đốc Cung…; hoặc Bút nghiêng của Chu Thiên, ta vẫn cảm thấy hấp dẫn hơn, dễ nhớ hơn.

Thi cử ngày xưa ra làm sao? Từ những gì đã đọc của  nhà văn Ngô Tất Tố, Chu Thiên và vài tài liệu khác, y ghi chép lại đôi dòng - dành cho những ai cần tìm hiểu nhưng không có thời gian ngốn vài trăm trang sách. Này, thử nêu vài nét khái quát chung về việc học tập của đứa trẻ thuở xưa? Rằng, hầu như làng nào cũng có những trường học dành cho trẻ em. Không phải là trường công lập của nhà nước; hoặc cũng không phải trường tư như quan niệm hiện nay. Mà phổ biến nhất là trường thiết lập tại nhà riêng của một người giàu có trong làng, tự nguyện đài thọ cho thầy để dạy dỗ con em trong nhà. Những người hàng xóm cũng đưa con đến học, họ xin góp chung tiền với chủ nhà để cùng lo cho thầy - với quan niệm “đạo thánh là đạo rộng” nên chủ nhà chẳng hẹp hòi gì. Nhưng trường cũng có thể là của bậc thức giả trong làng, không phải lo chạy gạo hằng ngày, ngồi dạy trẻ trong nhà rồi nhân tiện dạy luôn trẻ nhà người.

Thầy có thể là người giỏi chữ từ xa đến; hoặc người trong làng có học kinh sử nhưng chưa đỗ đạt, ngồi dạy học để chờ lúc triều đình mở khoa thi thì tiếp tục lều chõng, thường gọi là thầy đồ, thầy khóa. Trong thời gian dạy học, thầy ở luôn trong nhà người ta, mọi cơm bưng nước rót đều có người lo chu tất. Trong bài Phú đồ ngông, cụ Nguyễn Khuyến dẫu có viết những câu giễu cợt, nhưng đúng với “phong thái” của ông thầy ngày xưa: “Bốn cóng kê giường; vài chồng cặp sách/ Cơm trắng canh ngon; ghế cao chiếu sạch/ Chữ “thánh phù”/ Câu “thiên tích”/ Chậu thau rửa mặt tầm váo tầm vênh/ Điếu sứ long đờm, cóc ca cóc cách/ Thần Kiêu Kỵ xôi gà tùy thích, ông đã nên ông/ Bụt Nam Xang oản tẻ chẳng từ, khách thời mặc khách”. Chỗ ngồi dạy của thầy thường là gian nhà ba gian, kê cái giường cho thầy nằm ngủ, một cái sạp để tiếp khách, một cái phản để thầy dạy học, chấm bài... Học trò dù lớn nhỏ cũng đều trải chiếu ngồi dưới đất, hoặc ngồi trên giường thấp hơn phản ngồi của thầy.

Đứa trẻ muốn thọ giáo với thầy thì cha mẹ phải làm lễ “khai tâm”. Lựa ngày lành tháng tốt cha mẹ đứa trẻ đem xôi gà, rượu... đến thưa với thầy và chủ nhà cho con em mình nhập học. Thầy mặc áo dài, đầu chít khăn đen khi khấn lễ khai tâm, còn đứa trẻ cũng lễ ba vái bốn lạy. Sau đó, mọi người cùng ăn lễ, đứa trẻ ưu tiên được ăn mắt gà với ngụ ý mắt sáng để tiếp thu nhanh chữ của thánh hiền, không cho ăn chân gà sợ khi viết run tay... Nếu gia đình khá giả hơn thì họ làm cỗ cúng, cáo yết gia tiên mời thầy và bà con xóm giềng đến nhà chứng kiến lễ khai tâm cho con em mình. Ăn uống xong, nếu trong làng có nơi thờ Đức Khổng Tử thì thầy dẫn trò ra đó ân cần giảng cho trò nghe về đạo Thánh hiền để trò ý thức về việc học của mình sau này.

Buổi sáng, nghe tiếng gà gáy đầu thôn, thầy đã dậy, khăn áo chỉnh tề, uống trà và cũng là lúc học trò lũ lượt kéo đến trường. Trước tiên đứa trẻ được thầy dạy tập viết, nhưng nó chưa được cầm bút lông mà cầm que tre vạt nhọn một đầu. Thầy cầm tay trò lấy cây que thấm nước viết những chữ ít nét trên tấm ván gỗ cho quen tay; hoặc chỉ cho nó viết trên mảnh gỗ có khắc nét chữ sâu xuống, đầu “bút” dựa theo những đường rãnh đó mà không chệch ra ngoài... Tập dần cho quen tay để nó thuần thục trước khi cầm bút lông để viết.

Dần dần, thầy viết bút son cho trò cầm bút lông tô nét mực lên trên, khi viết phải tập kéo bút chỉ một lượt mà tô kín nét son của thầy. Rồi thầy lại viết chữ trên một tờ giấy, đặt xuống dưới trang giấy của trò, bảo nó nhìn theo đó mà “đồ” theo bóng chữ của thầy. Trong quá trình tập viết, thầy dạy cho trò biết nét nào viết trước, nét nào viết sau, chữ nào viết trước chữ viết nào sau. Chẳng hạn, chữ Minh, ghép bởi chữ Nhật bên trái và chữ Nguyệt bên phải; nếu viết ngược lại là “trái cựa”, đứa trẻ bị thầy lấy bút khuyên tròn miệng gọi là phạt “vòng mép” suốt ngày không cho rửa; nếu viết chữ như gà bươi thì thầy lấy roi ghè vào tay.

Học xong lớp học của thầy trong làng, các học trò mới đến tập làm văn, nghe giảng sách ở trường của các ông Nghè, ông Bảng là những bậc cao; hoặc lên huyện, lên tỉnh học tiếp. Học để làm gì? Đi thi. Biết bao giờ này mới thay đổi? Ngày xưa, sĩ tử bước vào trường thi bị ràng buộc bởi những luật lệ nghiêm ngặt, hà khắc của “trường quy” - những quy định trong việc làm bài! Có thể kể đến một vài quy định:

“Trọng húy” là không được dùng bất cứ chữ gì có dính dáng đến tên nhà vua; “khinh húy” là tên những bà vua, mẹ vua, hay tiên tổ lâu đời của nhà vua.  “Khinh húy” khi làm bài nếu dùng chữ đó thì phải viết bớt đi một nét, nhưng “trọng húy” thì tuyệt đối cấm. Nếu thí sinh phạm “khinh húy” thì bị đóng gông phơi nắng suốt mấy ngày liền và suốt đời cấm thi; phạm “trọng húy” thì chẳng những thí sinh bị tù tội mà đến cả những ông huấn, giáo, đốc học dạy dỗ họ cũng bị khiển trách giáng cấp.

Nếu lỡ viết rồi thì có xóa đi được không ? Không! Theo quy định, muốn xóa bỏ một chữ nào thì, chỉ cần chấm ba cái vào mặt chữ để quan trường còn nhìn rõ chữ đó; nếu bôi đen không ai đọc ra thì phạm vào tội “đồ bất thành tự”. Vậy cách tốt nhất là xé bỏ tờ giấy đã viết, nếu trang đó không có đóng dấu “giáp phùng”, còn không thì phải thay nguyên cả quyển bài thi! Dấu "giáp phùng" là gì? Thí sinh phải làm bài bằng quyển thi nhận từ tay ban tổ chức trước khi vào trường thi, trong đó có đóng dấu “giáp phùng” - để thí sinh không thể tráo những tờ khác vào và phải viết đè lên chỗ đóng dấu. Nếu thí sinh viết sai, muốn xé bỏ một tờ trong đó thì phải lấy giấy đóng thành quyển thi khác và xin quan trường đóng lại dấu “giáp phùng”. Dù phải viết đè lên dấu “giáp phùng” và ngay cả trong bài thi tuyệt đối cấm “đồ, di, câu, cải” tức là tẩy xóa, sửa chữa... nếu không sẽ bị tội “thiệp tích” vì bị nghi ngờ là có ý đồ đánh dấu thông đồng với quan chấm thi.

Tròng thời gian làm bài, lúc trời gần đứng bóng thì có tiếng trống báo hiệu cho họ cầm bài thi chạy nhanh ra nhà Thập đạo để lấy dấu "nhật trung”. Đây là chứng cớ bài làm tại trường thi chứ không phải viết sẵn ở ngoài đưa vào và thí sinh không được viết đè lên dấu này. Lúc trời về chiều thì có tiếng trống “thu quyển” - tức nộp quyển thi. Bấy giờ, trước khi đem nộp, thí sinh phải cộng các chỗ mà mình đã “đồ, di, câu, cải” và viết dưới chữ “cộng quyển nội” - để phòng quan trường gian lận chữa thêm vào. Nhưng nếu thí sinh nào để quá mười lỗi “đồ, di, câu, cải” thì cũng bị tội “thiệp tích”. Những thí sinh không được nộp bài trong trường hợp này gọi là “ngoại hàm”. Xong, hòm đựng bài được khiêng vào nhà Thập đạo.

Thông thường, trước mỗi kỳ thi, quan trường cho dán trước cửa trường thi bảng chữ húy. Trong đó, có cho biết những chữ “trọng húy dĩ hạ”. Thậm chí, khi viết bản thông báo như thế, nhưng người ta cũng không dám viết rõ chữ trọng húy. Vì viết rõ ra thì người viết cũng phạm tội “trọng húy”! Do đó, khi viết người ta phải giải thích làm sao đó để đạt đến nội dung cần thiết để thông báo. Chẳng hạn, khi đọc thấy câu như “Nhất tự tả tòng nhân, hữu tòng nhâm” thì phải biết đó là chữ “nhậm” (tên thật của vua Tự Đức: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) - vì bên trái chữ “nhân”, bên phải chữ “nhâm”, có nghĩa là “nhậm”. Hoặc đọc thấy câu “Nhất tự tả tòng nhật, hữu tòng ương” thì phải biết đó là chữ “ánh” (tên thật của vua Gia Long: Nguyễn Phúc Ánh) v.v...

Ngoài ra, còn có quy định “kính khuyết nhất bút” nghĩa là vì húy nhẹ của nhà vua mà cung kính bỏ đi một nét. Trong tờ làm bài thi, dòng trên cùng gọi là “du cách”, dưới là hàng thứ nhất, dưới nữa là hàng thứ hai và kế đến là hàng thứ ba. Thí sinh phải biết rõ như thế để khi gặp những chữ như thiên địa, giao miếu thì viết lên hàng “du cách”; gặp những chữ như hoàng đế, thánh thượng, long nhan... nghĩa là những chữ chỉ bản thân nhà vua thì phải viết vào hàng thứ nhất; nếu gặp những chữ tả đức tính, hành vi của nhà vua thì phải viết vào hàng thứ hai. Còn những chữ khác thuộc về văn bài thì thí sinh cứ việc viết ở hàng thứ ba. Quy định này gọi là “lệ đài”. Nếu “khiếm đài” là cho dù bài làm văn hay chữ tốt đến cỡ nào thì dứt khoát cũng bị đánh hỏng.

Còn nếu “khiếm trang” - là thiếu sự kính trọng với nhà vua thì không những bị đánh hỏng mà thí sinh còn phải chịu tù tội. Chẳng hạn, dùng những chữ như hôn (tối), bạo (dữ), sát (giết)... vô tình đặt trên những chữ có nghĩa là vua như quân, vương, đế thì không thể tha thứ được. Ví dụ, câu văn: “Thần vũ bất sát, đế đức quảng phu” (Oai vũ thiêng liêng không cần giết ai, đức nhà vua vẫn cứ lan rộng) - là câu ca ngợi công đức nhà vua. Nhưng do chữ “sát” đặt cạnh chữ “đế” nên có thể hiểu là “giết vua”- như thế là vi phạm vào lệ “khiếm trang”! Hoặc câu “Tam bách niên xã tắc chi trường, ninh phi lại ư thử tai” (Xã tắc nhà Đường dài đến ba trăm năm, há chẳng phải nhờ đến điều đó  hay sao!) thì hai chữ “trường ninh” đi cạnh nhau, khiến người ta liên tưởng đến cung của bà hoàng thái hậu thì cũng phạm húy!

Hoặc câu “Xuân sinh thu sái, đế đạo dữ thiên đạo nhi tịnh hành” (Mùa xuân sinh ra, mùa thu lại, việc đời của vua cũng đi đôi với việc của ông trời). Câu này thoáng đọc qua thấy bình thường, nhưng nó lại phạm vào tội “khiếm trang”! Đó là ở hai chữ “sái” và “đế”. Vì chữ “sái” nguyên là chữ “sát” (giết) mà chuyển âm, tuy đọc khác nhau nhưng mặt chữ cũng vẫn là một. Nó lại được đặt liền với chữ “đế” thì ta có thể đọc là “sát đế”! Hơn nữa, cho dù trong bài thi, thí sinh không chỉ rõ vào một ông vua cụ thể nào, hoặc phê phán ông vua Kiệt, vua Trụ vô đạo đâu đâu xa tít tận bên Tàu thì cũng bị ghép vào tội “khiếm trang”!

Trong quá trình viết bài, thí sinh phải tỉnh táo, cân nhắc từng chữ, chẳng hạn, chữ “sĩ” trong bài thi Hương nộp cho quan trường xem, cũng giống như chữ “thần” trong bài thi Đình nộp cho nhà vua ngự lãm - có nghĩa là “tôi” thì những chữ ấy phải viết nhỏ hơn các chữ khác, nếu viết lớn là phạm trường quy. Trong khi đó, oái oăm sao, các chữ “sĩ” khác trong bài thì vẫn viết bình thường, chỉ khi nào tự xưng mình thì mới viết nhỏ! Hoặc chữ “văn” (nghe) nhưng khi viết mình nghe thì viết bình thường, còn viết vua nghe thì dứt khoát phải “đài” lên, nghĩa là viết nhô cao hơn các chữ khác nếu không thì phạm tội bất kính với nhà vua.

Với quy định khắc nghiệt như thế nên không ít người văn hay chữ tốt, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng! Đến nỗi nhà thơ tài hoa Tú Xương từng than “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”. Và ông từng hào hứng reo lên: “Phúc nhà nay được sạch trường quy”! Hai chữ “phúc nhà” nghe mới mỉa mai, cay đắng làm sao. Ấm sinh Nguyễn Hữu Chu dù nổi tiếng hay chữ, nhưng cũng không lấy nỗi Cử nhân vì thường phạm quy nên mới có câu đối chua chát:

Đã kinh luân, thi thố gì đâu, khi đắc ý, lúc rung đùi, nghĩ đỗ đến nọ nọ kia kia những...

Lọ khoáng đạt, phong lưu chi cả, kẻ tri âm, người nối khố, biết nhau ra đây đây đấy đấy thì...

Những chữ “nọ nọ kia kia”, “đây đây đấy đấy” và cuối mỗi vế đều bỏ lửng... cũng nhằm nỗi đến nỗi khổ của mình.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment