LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.6.2018


trang_bguyen_tr5ang_dabn_giabn_1R


Một khi đã không thể trình bày cặn kẽ suy nghĩ về một vấn đề nào đó, cách tốt nhất là hãy im lặng. Đã đọc đâu đó, ở trang sách nào đó, đại khái có người lên núi tu tập, một hôm xuống núi, thiên hạ hỏi: “30 mươi năm qua, ngài đã học được những gì?”. Ông ta đáp: “Tôi học cách im lặng”. Im lặng khó đến thế ư? Thời trẻ, hễ thấy gì trái trai gai mắt, thông thường con người ta há mồm ra xoèn xoẹt. Nhưng rồi, đến một lúc nào đó, họ lại chọn cách im lặng. Ấy cũng là lúc tuổi già đã đến; nếu chưa già, chỉ có thể là sự vô cảm.

Thời buổi này, chọn lấy thái độ nào cũng thấy khó. Thôi thì, hãy tự nhủ bằng câu thơ: “Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào/ Miếng tình nghẹn lắm biết làm sao/ Muốn kêu một tiếng cho to lắm/ Rằng ối ai ôi, nó thế nào?”. Thơ Nguyễn Gia Thiều. Vấn đề là kêu lên với ai? Hay lại chọn cách như Tản Đà tiên sinh: “Bóng ơi mời bóng vào nhà/ Ngọn đèn khơi tỏ, đôi ta cùng ngồi/ Cùng nhau rãi một đôi nhời/ Ta ngồi ta nói, bóng ngồi bóng nghe”. Xét ra, tâm thế này cô đơn, não nùng quá đi mất.

Sao không chọn lấy cách nói với vợ? Thế lại hay. Y sẽ nói gì? Chớ dại nói năng, tâm sự, kể lể, chuyện trò về “miếng tình” đã qua. Dễ chịu nhất và khôn ngoan nhất vẫn là nói với nhau về “miếng ăn”. Nói rằng, thời buổi này, không khéo sẽ chết đói nếu học theo cách ăn của ngài Khổng Tử. Nghe lạ tai quá phải không? Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Dễ dàng lắm. Dễ như lật bàn tay.

Thế mà, ừ, Khổng Tử có khác, ông ta bảo: “Cơm càng trắng tinh càng tốt, (càng thích), gỏi thái còn nhỏ càng tốt. Cơm hẩm và thiu, cá ươn mà thịt đã nhão thì không ăn. (Thức ăn mà) sắc đã biến, hư rồi, không ăn; mùi hôi cũng không ăn. (Có sách dịch là những vật trái mùa). Cắt không ngay ngắn (hoặc không đúng cách), không ăn. Nước chấm không thích hợp, không ăn. Dù có thịt, cũng ăn ít thịt hơn cơm. Duy có rượu là không hạn chế, nhưng không uống tới say. Rượu bán ở cửa hàng, không uống; thịt mua ở chợ, không ăn. Bữa nào cũng ăn gừng. Không ăn tới quá no. Tế ở công miếu rồi, được phần thịt thì phân phát ngay, không để cách đêm. (Vì thịt tế vào buổi sáng thì làm vào hôm trước, nếu để cách đêm nữa, qua ngày hôm sau là ba ngày, thịt ôi đi). Thịt cúng tổ tiên, không để quá ba ngày, quá ba ngày thì không ăn. Khi ăn, không đàm luận, khi ngủ không nói chuyện. Tuy là cơm thô, canh rau, mà trước khi ăn cũng cung kính cúng vái như lúc trai giới”. Đoạn này trích từ thiên Hương đảng của sách Luận ngữ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê.

Bây giờ, mỗi ngày ra chợ, vào siêu thị ùa vào trong mắt không thiếu một thứ gì nhưng rồi vẫn nghi ngại, không dám mua bởi tự hỏi: “Có an toàn thực phẩm?”. Ước gì trở lại cái ngày mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn trọ học, dù thiếu thốn nhưng lúc được ăn là hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Vẫn còn nhớ hoài dãy quán cơm bình dân dành cho sinh viên ở hẽm bên hông Trường Đại học Sư phạm ở đường Lê Văn Sỹ, ngay dưới dốc cầu Trương Minh Giảng. Nay hoàn toàn không con dấu tích. Con hẻm chật chội đã mở đường rộng, xuyên thẳng qua đường Nam Kỳ khởi Nghĩa. Mỗi thời mỗi khác.

Vừa rồi, tìm đọc lại quyển Hà Nội cũ in năm 1943 của Sở Bảo Doãn Kế Thiện (1891-1965), trong đó có kể về “xóm học trò” xưa. Đại khái, gần đến ngày thi, thí sinh các nơi tề tựu về Thăng Long. Tất nhiên họ phải ở trọ nơi gần Trường thi để thuận tiện việc đi lại và đỡ tốn kém, dần dần nơi ấy có tên gọi là “Xóm học trò”- tương tự như Xóm La-tinh ở Paris. Vị trí ấy khoảng đầu vườn hoa Cửa Nam cho tới ngõ Hội Vũ ở Hà Nội bây giờ. Cứ những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu có thi Hương thì hàng quán nơi này mọc lên, đón các thí  sinh đến ăn ở trở thành nơi đông đúc vui vẽ. Khoa thi càng đông thì các cô bán cơm, cho thuê phòng trọ ở Xóm học trò lại phát tài.

Các o Hà Nội đáo để, hóm hỉnh lắm, họ còn biết đặt ra bài vè để chào mời thí sinh. Nội dung như sau: “Ba gian nhà khách/ Chiếu sạch giường cao/ Mời các thầy vào/ Muốn sao được thế/ Mắm Nghệ lòng dòn/ Rượu ngon cơm trắng”. Sau khi “tiếp thị” hàng quán của mình, các o còn khôn khéo biết “đánh đòn tâm lý” vào những người đi thi: “Các thầy dù chẳng sá vào/ Hãy dừng chân lại em chào cái nao/ Đêm qua em mới chiêm bao/ Có năm ông Cử mới vào nhà em/ Cau non bổ, trầu cay têm/ Đựng trong đĩa sứ em đem kính mời/ Năm thầy tốt số hơn người/ Khoa này tất đỗ nhớ lời em đây”. Nghe thế, thí sinh nào mà không sướng phổng mũi? Dù mua bán nhưng lời mời chào lại thanh lịch, văn minh. Khác hẳn với thời buổi của phở quát, bún mắng, cháo chửi... cũng lên sóng truyền hình CNN (Cable News Network).

Có giai thoại cực hay mà ông Doãn Kế Thiện đã kể trong tập sách này. Thú lắm. Hãy ghi lại như một tài liệu cho những ai cần tham khảo vậy. Rằng, trong số các cô bán cơm có quán của cô Thanh. Ngày nọ, quán bên cạnh ồn ào tiếng đọc thơ, loạn xạ bình luận văn chương, thi phú của các sĩ tử. Ai đều cho thơ của mình là nhất, cãi nhau ỏm tỏi, ồn ào hơn cái chợ. Bấy giờ, ngồi chung quán có chàng trẻ tuổi tự xưng học trò nhưng chẳng hề thấy béng mảng vào trường thi, suốt ngày chỉ tì tì nốc rượu. Lúc nghe đám học trò cãi nhau rác cả tai, chàng bèn cất tiếng ngâm như cọp rống: “Thôi đừng đọc nữa, khổ tai tôi/ Cho cả nhà hàng bịt mắm thôi/ Tiếng súng bên thành kêu dậy đất/ Thần thi thánh phú ích cho ai?”. Từ "mắm" khiến ta nhớ đến câu thơ của Cao Bá Quát: "Ngán thay cái mũi vô duyên/ Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An". Thuyền Nghệ An thời ấy chuyên chở mắm bán xa gần. Ngon thì ngon nhưng so sánh câu thơ với mùi mắm thì éo le lắm lắm.

Biết bị chửi xéo, lũ cậu học trò nổi giận, lại đang say nên hùa nhau dạy cho kẻ lếu láo ấy bài học nên thân. Chẳng hề sợ hãi, chàng đứng dậy, lạ thay, chỉ với đôi đũa tre nhưng lại thừa sức gạt phăng các gậy, gộc đằng đằng sát khí. Lũ học trò hoảng sợ chạy tán loạn như vịt. Sau cuộc ẩu đả, chủ quán đuổi tất và buộc chàng phải trả hết tiền cơm rượu. Không nói, không rằng, chàng trả tiền nhưng lại thiếu 5 quan, bị cô chủ quán đòi lột áo. Quan sát nhìn nẫy giờ, cô Thanh tủm tỉm cười, bèn sai người mang tiền qua trả giúp. Về sau, có câu vần vè trêu chọc: “Cô kia kén cá chọn canh/ Đem tiền chực rước cái anh lạc loài/ Thực là đáng bực tài giai/ Có tài ăn bửa một hai đâm liều”. Cô Thanh cũng chẳng thèm “thanh minh thanh nga”, bỏ mặc ngoài tai lời đàm tiếu ấy.

Ít lâu sau, thiên hạ ngạc nhiên khi thấy cô kết duyên cùng lãnh binh Trần Thiện Minh - chính là anh chàng “lạc loài “ kia. Thì ra, lúc nước mất nhà tan, nghĩ rằng, cái học cử nghiệp chẳng hữu ích gì, chàng chuyên tâm theo võ nghệ, gia nhập quân đội và được danh tướng Nguyễn Tri Phương phong chức lãnh binh. Như vậy, giai thoại này diễn ra vào năm 1873 - năm giặc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất.

“Có tài ăn bửa một hai đâm liều”. Nhân đây giải thích luôn vài từ có lên quan đến ăn, chẳng hạn, ăn bửa là ăn quỵt; ăn chõm là ăn chực; ăn gọ là ăn ghé - ăn của người khác, đồng nghĩa với ăn bòn, ăn khín, Nam bộ có câu “Ăn khín bà chín bẻ răng”; ăn mót là ăn nhặt - lượm đồ rơi rớt mà ăn, theo tự điển Việt-Bồ-La (1651) thì thuở ấy, ăn mót đồng nghĩa với ăn mày; ăn vả là ăn nhờ, ăn bám; ăn vã (dấu ngã) là ăn đồ ăn không v.v… Đủ kiểu ăn nhưng “ăn đất/ ăn bom/ ăn bùn” chắc chắn là ngủm củ tỏi; “ăn xôi nghe kèn” cũng là mặc áo sơ mi gỗ: “Giàu thì thịt cá cơm canh/ Khó thì lưng rau dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng/ Hỡi anh chồng cũ tôi ơi/ Anh có khôn thiêng thì anh trở dậy ăn xôi nghe kèn...". Kèn đây là kèn đưa đám. Đã thế, còn ăn cái nỗi gì?.

Thời trước, khoái chí nhất vẫn lúc được ăn yến tiệc do vua ban. Muốn thế, ngay từ trẻ nhỏ phải lo dùi mài kinh sử, rồi lều chõng, thi đậu, ra làm quan ắt có cơ hội. Mà thi cử ngày trước cũng không ít trường hợp oái oăm. Chẳng hạn, có trường hợp ngoại lệ dù không qua khảo hạch mà vẫn được thi Hương. Trong quyển Nam thiên trân dị tập của Vũ Xuân Tiên in năm 1917 cho biết: “Nguyễn Toàn An, người xã Thời Cử, huyện Đường An, sung làm lánh bính (lính coi  giữ và dọn cỏ ở cung điện) vào đầu niên hiệu Hồng Đức (1470- 1497). Nhân đêm trung thu, các quan vào triều chầu hầu. Bấy giờ ánh trăng mờ tối, vua ra đầu đề Trung thu vô nguyệt (Đêm trung thu không trăng) để các quan làm thơ vịnh. Vua nóng lòng chờ đợi mà chưa thấy ai lên tiếng.

Chợt thấy Toàn An quỳ dâng một bài thơ Đường luật. Mọi người cười ồ: “Lánh binh mà vẫn làm được thơ à?”. Vua sai xem lấy. Bài thơ làm bằng chữ Nôm, với câu kết như sau: “Chớ thấy phen này mà rẻ nguyệt/ Thu sau trông nguyệt, nguyệt càng cao”. Ai nấy đều thán phục, nhân đấy xin vua cho Toàn An được giải chức lánh binh để về quê đi thi. Sau đó, ông thi đậu Hương thí. Đến khoa Nhâm Thìn (1472), Toàn An đậu Bảng nhãn, lúc này ông mới 23 tuổi. Vinh quy được ít lâu thì cha mất.

Thời bấy giờ luật pháp rất nghiêm. Người nào trong khi để tang cha mà vợ có mang thì bị coi là vô đạo. Ông vì vậy thủ chế suốt ba năm, không dám gần vợ. Đến khi mãn tang thì ông mất, không có con nối dõi. Vua được tin này, lấy làm thương xót. Từ đấy mới bỏ lệ cấm sinh đẻ trong lúc cư tang” (Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam - tập II, , tr.1064, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - NXB Thế Giới - 1997).

Mà giai thoại thú vị liên quan đến chuyện thi cử ngày xưa, kể ra cũng nhiều. Phạm Đình Hổ chép trong Vũ trung tùy bút, đọc lại, cứ như đùa: “Đầu đời Cảnh Hưng (1740-1786) có ông Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội các khảo quan dò xét hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống thì bảo nhau: “Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ”, thế là họ hết sức bới móc đánh hỏng đi. Trịnh chúa Nghị Tổ (Trịnh Doanh) biết có thói tệ ấy nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ, nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy. Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công bị bệnh tả, vào trường đệ tứ, cố làm qua loa cho xong quyển. Khảo quan chấm quyển bảo nhau: “Quyển này làm văn thì luyện đạt lắm, đáng là văn Hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ”. Chấm đến quyển của ông Nguyễn Bá Dương lại bảo nhau: “Quyển này văn khí khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ nhưng làm văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế”. Vì họ hồ đồ không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng nên Thì Sĩ mới đỗ hội nguyên”.

Về sau, ông Ngô Thì Sĩ để lại một sự nghiệp đồ sộ về văn chương, có tài kinh bang tế thế. Trong quyển Việt sử tiêu án, ông đã giải thích rõ ràng những từ thuộc khoa cử nước nhà mà nay không phải ai cũng tường tận. Về trạng nguyên, ai cũng rõ nhưng tại sao có lúc sử chép “Kinh trạng nguyên/ Trại trạng nguyên”? Ngô Thì Sĩ cho biết: “Đời nhà Trần thi cử có chia ra Kinh- Trại cũng như đời Thanh (Trung Quốc) chia ra Mãn - Hán. Vì đời Trần lấy Hoan - Ái (tức Thanh Hóa - Nghệ An) làm các châu ở xa, giáo dục chưa được thấm nhuần, nhân tài không nhiều bằng các kinh trấn, cho nên mỗi khoa thi lấy người giỏi nhất về bên Trại gọi là Trại trạng nguyên, cho ngang tài với Kinh trạng nguyên để tỏ ý khuyến khích”. Qua đó ta thấy sự phân biệt này là chính sách nhằm khuyến khích việc học, việc thi ở các vùng cao, vùng xa, không gần kinh đô.

À, lan man từ chuyện ăn qua chuyện thi cử, có chán không? Tất nhiên là không. Tại làm sao thế? Bởi vì rằng, đọc sách nhẩn nha rồi ghi chép đôi điều dù lộn xộn, lộn lạo cũng là một cách "Ta ngồi ta nói, bóng ngồi bóng nghe" đấy thôi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment