LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.5.2017

 


truyn-Kiu-2truen_kiedu

 

“Vô phúc đáo tụng đình”, không chỉ tâm lý của người Việt, câu cửa miệng này có tính khái quát dành cho mọi sắc tộc, mọi thể chế chính trị. Bởi vì rằng, bên cạnh những vị quan tòa thanh liêm, cần cân nẩy mực, trắng đen phân định rõ ràng, thời nào cũng có “Con sâu làm rầu nồi canh”, “Xui nguyên giục bị”. Ngày trước, khi vịnh Truyện Kiều, cụ Nguyễn Khuyến hạ bút chua chát, cay đắng: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?/ Thời trước làm quan cũng thế a?”.

Một khi cầm bút, dù là thể loại, đề tài nào đi nữa, người ta cũng gửi gắm tâm sự, tình cảm, ý nguyện của mình trong đó. Có thể nó lồ lộ trên dòng chữ, lại có lúc ẩn náu giữa khoảng trắng của mỗi dòng chữ.

Mấy hôm nay, thú thật, chẳng thiết đọc gì cả. Mọi thông tin trên báo chí, chỉ lướt theo đôi dòng thời sự. Thời gian còn lại, y lại chúi mũi vào Truyện Kiều. Nhẫn nha. Chậm rãi. Đọc như một cách tìm về sự trong sáng của tiếng Việt. Và qua đó, lấy làm ngạc nhiên không rõ vì sao thi hào Nguyễn Du đồng tình về tính cách một vị quan phủ lúc xử án lại có hành vi “chịu chơi” đến thế? Phải chăng cụ gửi gắm lòng tin, ước mơ về lẽ công bằng: “Bên ngoài lý, bên trong là tình” qua nhân vật này?

Rằng, ta hãy quay về lúc ông bố của Thúc Sinh phát hiện ra cậu con trai mình đã mèo mèo mỡ mỡ, chung chung chạ với Thúy Kiều. Trước tình huống này, sự bực mình, bực tức, bực bội ngùn ngụt dâng trào trong tâm trí những người làm cha, làm mẹ là phải thôi. “Phong lôi nổi trận bời bời/ Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia”. E ấp trong ngữ cảnh này là e dè, rụt rè, có ý ngần ngại, chưa biết phải quả quyết làm sao cho hợp lý, do đó, Thúc Ông mới “tính bài phân chia”. Không rõ, Thúc Ông suy tính trong bao lâu, câu thơ tiếp nối lại là: “Quyết ngay biện bạch một  bề:/ Dạy cho má phấn lại về lầu xanh”.

Quyết định cứng rắn chia uyên rẽ thúy khác gì bom nguyên tử nổ trên đầu. Đưa Thúy Kiều về lại cái chốn hắc ám mà chàng vừa chuộc nàng ra khỏi? Lập tức, chàng hoảng hốt: “Đánh lời, Sinh mới lấy tình nài thêm”. Dù năn nỉ ỉ ôi, cắn cỏ ngậm vành nhưng ông bố vẫn không thèm nghe, bỏ mặc ngoài tai. Thấy con cứ lải nhải mãi bằng những “lời sắt đá tri tri”, bực lắm, khó có thể nói gì thêm. Vậy nên, “Sốt gan, ông mới cáo quỳ cửa công”. Ông đâm đơn ra công đường, nhờ quan phủ phân xử. Xét ra, giềng mối gia đình, xã hội ngày ấy vẫn đâu ra đó; nay, thời buổi này, có thể Thúc Sinh dẫn Kiều lánh đi chỗ khác chăng? Nếu thế, làm gì nhau?

“Trông lên mặt sắt đen sì”, ấy là hình ảnh nghiêm minh của quan phủ. Sự nghiêm minh, chính trực ấy, khó gì có thể mua chuộc nổi? Có phải thê chăng? Chưa chắc đâu. Lại nhớ đến lúc Hồ Tốn Hiến sau này gặp Kiều: “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Còn điều kiện gì nữa không? Hãy nhớ lại câu thơ của cụ  Nguyễn Khuyến vừa nêu trên. Ở đây, cả hai yếu tố trên đều không xẩy ra. Lúc Trúc Sinh và Thúc Kiều vừa dẫn xác vào, lập tức là một trận mắng phủ đầu: “Gã kia dại nết chơi bời/ Mà con người thế là người đong đưa!”. Thế nào là người “đong đưa” - hiểu theo nghĩa tráo trác, lẳng lơ? Thì đây: “Tuồng gì hoa thải hương thừa/ Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”. Nhớ lại đi, trong Truyện Kiều còn có câu: “Nước vỏ lựu, máu mào gà/ Mượn điều chiêu tập gọi là còn nguyên/ Mập mờ đánh lận con đen/ Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền tiếc chi”.

Hầu hết các bản Kiều trước đây, giải thích con đen, đại khái là dân đầu đen, dân thường, “dân khu khu đen” thật ra, “con đen” ở đây là “con ngươi”. Đánh lừa con mắt nhìn của thiên hạ, chứ không cứ gì dân đen. Mắng mỏ chán chê, phân tích phải quấy, quan tòa bèn xử rằng: “Một là cứ phép gia hình/ Một là lại cứ lầu xanh phó về!”.

Câu thơ trên, không việc gì phải giải thích, rườm tai người khác. Y thích từ “phó”, nay chẳng mấy ai sử dụng nữa. Phó có nghĩa là giao về, ủy cho, trả về, nói rộng ra là chuyển/ trả một vật từ nơi này đến nơi khác; hoặc ủy cho người khác việc gì đó. Có giai thoại, lần nọ, chồng đi vắng, ra chốn công đường gặp lúc có người mang đơn kiện đến, chưa tìm hiểu thấu ngọn ngành, nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quang phê luôn: “Phó cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai/ Chữ rằng: “Xuân bất tái lai/ Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!”. Bút phê bằng thơ khiến ta phì cười còn bởi từ “kiếm chút” - tức là cho phép cô Đào được quyền kiếm mụn con để ẵm bồng, nói cách khác, cô được phép ly dị chồng ngon ơ.

Hãy trở lại với Thúc Sinh - Thúy Kiều. Khi nghe quan tòa xử như trên, sức mấy Thúy Kiều chọn “phương án” trở lại cái nơi “Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần”. Nàng quyết không trở lại lầu xanh. Hỡi ôi, lập tức, nàng phải hứng lấy trận đòn ghê gớm. không bút lực nào tả xiết. Thi hào Nguyễn Du không thể đành lòng miêu tả chi tiết, chỉ tóm gọn trong 8 từ: “Đào hoen quện má, liễu tan tác mày”. Tuy nhiên, trận đòn này, so lúc nàng bị Tú Bà ra tay vẫn chưa là “cái đinh” gì: “Uốn lưng máu đổ, giật đầu máu sa”. Còn kinh khiếp hơn nhiều.

Nhìn thấy cảnh tra tấn ấy, đau lòng quá, Thúc Sinh làm gì?

Chàng khóc, nhận lỗi là do mình nên mới xẩy ra cớ sự. Quan phủ động lòng, mới gặng hỏi chi tiết cụ thể ra làm sao v.v… Câu tỉ tê này mới quan trọng, quan trọng nhất của Thúc Sinh, nhờ nó mà chàng đã xoay chuyển tình thế ngoạn mục, bất ngờ: “Sinh rằng: “Chút phận bọt bèo/ Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên”. Ý chàng muốn nói, dù gì đi nữa Kiều cũng là người có học, biết chữ nghĩa, chứ không phải "hoa thải hương thừa". Thoạt nghe, quan tòa đổi thái độ: “Cười rằng: đã thế thì nên/ Mộc già hãy thử một thiên trình nghề”. Hay thật, ngài ra ngay đầu đề là vịnh bài thơ về cái gông (Mộc già).

Lập tức, chỉ trong nháy mắt cô Kiều đã phóng bút cái vèo. Bài thơ làm xong và dâng lên, ngài đọc xong: “Khen rằng: “Giá lướt Thịnh Đường/ Tài này, sắc ấy, nghìn vàng chưa cân”. Lời khen tót vời này, chứng tỏ với ngài, bài thơ của Kiều là tuyệt bút. Nhận xét ấy có thiên lệch không? Còn nhớ, có giai thoại, vua Tự Đức từng khen: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”. Nhận xét ấy có “quá hớp” không? Âu cũng là tâm lý thường tình của con người ta, một khi đã thích, đã mến nhau vì cái tình thì họ có thể dùng những từ cao vời vợi để tụng ca; ngược lại khi đã ghét thì “Ghét cả tông chi họ hàng”. Sự yêu ghét này cảm tính quá đi mất. Cũng chẳng sao cả. Điều này cho thấy vị quan phủ có phẩm chất rất gần với người nghệ sĩ.

Vì lẽ đó, ngài vừa mắng: “Gã kia dại nết chơi bời/ Mà con người thế là người đong đưa”, thế mà ngộ thay, vừa đọc xong bài thơ của Kiều, ngài liền đổi giọng ngọt xớt: “Thật là tài tử, giai nhân/ Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn”. Ngài khen cuộc nhân duyên của họ rất xứng đôi. Rồi quay sang bảo Thúc Ông: “Ðã đưa đến trước cửa công/ Ngoài thì là lý, song trong là tình/ Dâu con trong đạo gia đình/ Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong!”. Rõ ràng, “Miệng nhà quan có gang có thép”, chỉ một, hai câu nói mà sự việc đã xoay chuyển hoàn toàn trái ngược.

Nếu chỉ dừng lại ở đây, vị quan này cũng như bao người cầm cân nẫy mực khác, y dài dòng nhắc đến làm chi. Nào ngờ, ngài xứng danh là “dân chơi” thứ thiệt, thuộc hạng vô tiền khoáng hậu bởi lẽ: “Kíp truyền sắm sửa lễ công/ Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao/ Bày hàng cổ xúy xôn xao/ Song song đưa tới trướng đào sánh đôi”. Ngài truyền lệnh sắm sửa lễ vật, cho kết kiệu hoa, có đánh trống, thổi sáo, rước dâu đi nhanh trong đêm…

Kết quả tốt đẹp, bất ngờ này có được cũng từ tài thơ của Kiều mà ra. Vinh dự thay cho sứ mệnh của thơ. Liệu trên đời này, có vị quan phủ nào tốt tính và mê thơ đến thế không?

Chẳng nên đặt câu hỏi ấy, biết đâu là ước mơ, sự khao khát thầm kín mà thi hào Nguyễn Du đã gửi gắm qua nhân vật này thì sao? Suy luận rằng, sau khi đã trải qua bao thăng trầm, chênh vênh ghềnh thác, đã từng “Khi xưa phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”… bậc thi hào càng thấm thía, cay đắng thốt lên tiếng kêu uất nghẹn từ trong cổ họng: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Nỗi sợ hãi, ám ảnh còn là “Vô phúc đáo tụng đình” nào của riêng ai, nhất là những kẻ thấp cổ bé miệng. Không thể tìm trong đời thật một vị quan: “Ngoài thì là lý, song trong là tình” nên khi đọc Thanh tâm tài nhân, lấy cảm hứng viết thành Truyện Kiều, bậc thi hào vẫn cố tình giữ lại chi tiết trên?

Xưa nay, nhiều người đã nghiên cứu Truyện Kiều, hầu như ít ai thắc mắc, duy có nhà thơ Tản Đà ứ chịu, quyết cãi cho bằng được: “Như quan phủ có rộng lượng thời tha cho đã là tốt; không lẽ lại vì những kẻ bị kiện mà làm lễ cưới hộ cho? Huống “phủ đường” đó, một ông quan “mặt sắt” đâu có “kíp truyền” nhảm như thế? Mà theo lẽ cũng không truyền cho nha thuộc “sắm lễ” như thế được. Cho nên theo ngu ý riêng nghĩ, bốn câu này (“Kíp truyền sắm sửa lễ công/ Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao/ Bày hàng cổ xúy xôn xao/ Song song đưa tới trướng đào sánh đôi) chỉ riêng cắt bỏ…”.

À, nếu cắt bỏ 4 câu thơ trên, từ câu thơ: “Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong” làm sao nối vần vơi câu kế tiếp: “Thương vì hạnh trọng vì tài”? Thi sĩ Tản Đà đề xuất “phương án” đổi chữ “xong” ra chữ “xuôi”, sẽ nối đúng nhịp với chữ “tài” ngay câu kế. Kể ra cũng là cái thú lúc đọc những bài viết của các nhà thơ bình thơ, dịch thơ… Họ có cái nhìn khác biệt, dù liều lĩnh nhưng vẫn là một sự phá cách hơn cách nhìn mô phạm, chỉnh chu của các nhà nghiên cứu phê bình. Đọc như thế mới thích, mới thấy được sự tri âm, tri kỷ của những con người chung nghiệp chướng: làm thơ.

Có lẽ cũng nên lan man thêm một chút về chữ nghĩa, qua lời bình của Tản Đà. Câu thơ Kiều: "Giọt sương treo nặng, cành xuân la đà”. Có bản ghi “Giọt sương tríu/đeo/gieo nặng”. Vậy chọn từ nào đắc giá hơn? Thật bất ngờ, Tản Đà tán thành “Giọt sương chíu nặng” và bình: “Chíu có nghĩa là treo bám váo đó mà làm cho ra nặng. Chữ này các bản để là “gieo” hay “đeo” đều không sành nghĩa; duy bản của ông Hồ Đắc Hàm để “chíu” thực tình đúng hơn. Nhân đây xin phụ ghi một câu cũng nói về chữ “chíu”. Trong bài Trường hận ca có câu: “Lê hoa nhất chi xuân đới vũ”, tôi có dịch là: “Cành lê hoa chíu, giọt mưa xuân đầm”, thường riêng lấy chữ “chíu” làm đắc ý; nay được coi thấy chữ này ở trong bản của cụ Hồ, khôn xiết vui mừng trong việc văn”.    

Sự khoái trá này của Tản Đà, tưởng chừng như vẫn còn nghe văng văng tai mà dứt câu có lẽ kèm theo tiếng “khà” bởi người xưa vừa tợp xong một ngụm rượu cuốc lũi đó chăng?

Trời đang ngã dần về chiều. Lại một một ngày chóng vánh đi qua. Chẳng lẽ cứ giết thời gian bằng cách gõ phím mãi sao? “Gió lùa gian gác xép/ Đời tàn trong ngõ hẹp”. Câu thơ Vũ Hoàng Chương vọng về một tiếng thở dài buồn não ruột. Không dám đọc nữa, sợ cái nỗi u ám, bi quan ấy ám vào người thì khốn. Chi bằng, đọc lại câu thơ lúc Thúc Sinh và Thúy Kiều rời phủ đường về chung sống, có phải tốt hơn không: “Huệ lan sực nức một nhà/ Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa/ Mảng vui rượu sớm trà trưa/ Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh”.

Sống trên đời, ai lại không mơ ước có được hạnh phúc bình dị đó?
 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment