LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.5.2017

 

cac-em-hoc-sinh-than-men


Người Việt nặng về cái tình. Lấy đó mà cư xử trong nhiều mối quan hệ, dẫu rằng, đôi lúc phải là lý nhưng rồi cái tình lại chen ngang chi phối. “Một bó lý không bằng một tí tình”. Ưu cũng đấy mà khuyết cũng đấy. Do đó, không phải ngẫu nhiên, khi phán xét một tác phẩm nghệ thuật, người ta phê bình về chuyên môn nhưng lại nhìn từ phía cái tình đã đối đãi với nhau. Từ điểm xuất phát đó, sự khen chê khó có thể chính xác.   

“Ủa, sao hôm nay lại bàn về chuyện này hả Q?”.

Nghe y hỏi, y bèn trả lời rằng, vì mới đây nhận được mấy trăm câu thơ lục bát của nhà thơ nọ bình về 320 văn thi sĩ Việt Nam. Nhìn qua email cùng “cc” đã thấy thiên hạ khen ngợi ngất trời, vỗ tay tán thưởng ầm ĩ cả lên. Người viết là nhà thơ ở phía Bắc, tương đối có tên tuổi. Đọc xong bèn, nhận ra rằng, ngay cả những người sống bằng chữ nghĩa thanh cao là thế nhưng rồi cũng… ganh ghét, tị hiềm như ai.

Lạ chưa? Không có gì lạ.

Phải nói thật rằng, bên cạnh nhiều tính tốt, người Việt còn có không ít tính xấu. “Trâu buộc ghét trâu ăn” là một thí dụ. Thấy người khác thành công hơn, giàu có hơn mình bội phần, lập tức ganh ghét, quyết tìm cách “dìm hàng” cho bằng được. Thành ngữ có câu: “Giàu điếc, sang đui”, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích: “Hễ giàu lên thì ai cũng hay mắc chứng điếc lác (cho dễ bề bỏ ngoài tai mọi lời nài xin cứu giúp); hễ sang lên thì ai cũng  hay mắc chứng đui mù (để dễ bề làm ngơ trước mọi lời cầu xin” (Từ điển tục ngữ Việt - NXB TH.TP.HCM - 2010, tr.399). Suy nghĩ lệch lạc này là một sự hồ đồ nhảm nhí. Nó hình thành từ sự tị nạnh, ganh ghét mà ra. Nhìn ở một góc độ khác, theo y, câu thành ngữ trên còn là lời nguyền rủa: Hễ ai giàu (thì) điếc, sang (thì) đui. Hậm hực rủa thầm cho bỏ ghét. Rủa như thế để rồi tự an ủi, đại khái rằng thì là mà dù nghèo kiết xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo te tua xơ mướp  nhưng vẫn còn phúc hơn kẻ giàu sang đó vạn lần!

Tâm lý này đã ăn sâu vào máu thịt người Việt hàng ngàn năm rồi, đến lúc nào đó cũng phải tẩy/gột sạch đi thôi. Không phải ngẫu nhiên có chuyện hài hước là lúc dăm người cùng bị té xuống hố sâu, thay vì cồng kênh cho kẻ khác đứng trên vai mình leo lên miệng hố, sau khi leo lên được, kẻ đó tìm  cách kéo mình lên thì người ta chọn cách khác. Cách gì? Hễ ai cố gắng leo lên thì những kẻ còn lại cố sức níu xuống, té oạch luôn cho bõ ghét để cuối cùng... chết chùm cả lũ!

Khi tập thơ vịnh Chân dung nhà văn của nhà thơ Xuân Sách ra đời, nhiều người xúm vào khen và mạnh dạn cho rằng, đó mới là tác phẩm “để đời” của ông. Thật ra, cái sự khen ấy không đáng tin cậy, bởi lẽ nó xuất phát từ sự yêu ghét cá nhân mà ra. Có thể do tác giả cà khịa nhà thơ X, nện nhà văn Y, báng bổ nhà viết kịch Z mà nhiều người ghét X, Y, Z quá, thấy nói đúng ý, thế nên họ lại xúm vào khen không tiếc lời. Thật ra, khi vịnh/bình về một nhân vật nào cũng chỉ là góc nhìn riêng tư của tác giả đó. Góc nhìn đó được khen/ chê còn tùy thuộc vào sự yêu thích rất cảm tính của người tiếp nhận. Vậy sự bình phẩm một tác phẩm nếu xuất phát từ tâm thế đó, có đáng tin cậy? Quyết là không.

Sở dĩ nói rạch ròi vì y rất quý, kính trọng nhà thơ Xuân Sách, ông đã mất, đã từng có thời hàn huyên với nhau tâm đắc. Tuy nhiên, mỗi người một cảm nhận và đều bình đẳng lúc tiếp cận một văn bản là vậy.

Nhật ký hôm nay dông dài chuyện này, bởi lẽ, nếu một loạt chân dung nhà thơ đương đại của nhà thơ nọ phổ biến rộng rãi, e rằng, không ít bạn đọc có cái nhìn méo mó về các nhà thơ mà họ đã từng yêu mến. Việc làm này ích gì cho văn học? Qua vụ việc này, và nhiều vụ việc khác, dễ dàng nhận ra một tâm lý chung hiện nay, đã dần dần hình thành cái thói là cho mình được quyền trịch thượng phán xét, chê bai người khác. Lạ lùng cho cái thời buổi rất hiếm tiếng vỗ tay, lời khen ngợi chân thành, chúc mừng vì sự thành công của người khác. Do đâu?

Mà thôi không bàn chuyện này nữa. Đọc vè có phải hay hơn không? Đọc gì? Đọc rằng:

Vân Tiên cõng mẹ đi ra

Gặp phải cột nhà cõng mẹ đi vô

Vân Tiên cõng mẹ đi vô

Gặp phải cái bồ cõng mẹ đi ra

Đây là một cách nhại theo lối thể hiện của ca dao: “Con  kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cộc leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cộc leo vào leo ra”. Do sự nối vần, bắt vần của thể thơ 6/8 người ta có thể đọc đi đọc lại rất nhiều lần vẫn không trật nhịp. Dù đọc một hoặc nhiều lần đi nữa, ta thấy hiện lên rất rõ sự tù túng, lúng túng, quẩn quanh, cù nhầy chẳng ra đâu vào đâu, cứ lộn vòng lộn vèo rồi trở lại điểm xuất phát ban đầu. Thế có chán không? Sao lại không?

Vân Tiên cõng mẹ đi ra

Gặp phải cái bồ cõng mẹ đi ra

Ngày nay, mấy ai còn nhìn thấy cái bồ, nếu không sống ở nông thôn. Cái từ “bồ” này nghe thân thiện lắm. Thử khảo sát từ ca dao, tục ngữ chăng? Nên lắm vì ít ra cũng là một cách tìm về di sản của cha ông: Bảy bồ cám, tám bồ bèo; Em khôn em ở trong bồ/ Chị dại chị ở kinh đô chị về; Mẹ đẻ em ở trong bồ/ Anh nghĩ con chuột anh vồ đứt đuôi; Dốc bồ thương kẻ ăn đong/ Vắng chồng thương kẻ nằm không một mình; Bố chồng là lông chim phượng/ Mẹ chồng là tượng mới tô/ Nàng dâu là bồ chịu chửi; Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm… Nói tắt một lời, bồ là dụng cụ đan bằng tre, bằng nừa để chứa đựng vật liệu gì đó.

Lâu nay cứ tài lanh, cứ nghĩ đã hiểu lắm về tiếng “bồ” lắm. Vì thế mới quả quyết, từ “bịch” trong cụm từ “bồ bịch” mới có sau này thôi, chứ trước đó, chưa xuất hiện. “Bồ bịch” là chỉ người yêu người thương cùng yêu dấu nồng nàn; lại có thêm “bồ tèo” là chỉ bè bạn thân thiết, thân mật, bằng vai phải lứa, bù khú cùng nhau. “Bồ nhà” là củng phe, cùng nhóm.

Có thật bồ bịch chỉ mới xuất hiện chừng nửa thế kỷ nay? Nhầm rồi đó cưng. Bằng chứng ca dao có câu: “Bởi anh mới chăm việc canh nông/ Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài”. Hơn nữa, bồ cũng na ná bịch - một thứ bồ to nên gọi chung bồ bịch là vậy. Thế là hết cãi nhé. Mà từ bồ này, nào ngờ trước kia còn chỉ con voi, ban đầu ngờ ngợ nhưng  sực nhớ có con bồ tượng mà lâu nay đã quên. Ngày xưa, vật dụng ăn uống thường ngày của người việt còn có “bát chơn tượng”, tức loại bát to, lớn bằng chân voi. Thớt tượng là thớt voi.

Vân Tiên cõng mẹ đi ra

Gặp phải cái bồ cõng mẹ đi ra

Tại sao cứ mãi lòng vòng, lèo vèo với hai câu này? Đơn giản chỉ vì trưa nay đọc bài Chương trình mới: Lớp 1 sẽ học thế nào? trên báo Tuổi Trẻ. Cứ theo như bài báo này: “Nếu đề xuất của GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) và ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được chấp thuận, thì chỉ còn hơn một năm nữa 100% học sinh vào lớp 1 năm học 2018-2019 sẽ học chương trình mới”. Các em sẽ học 2 buổi/ ngày. Xin hỏi, phương pháp học có gì thay đổi?

capture-jpg-1493864021

“Hệ thống môn học theo dự kiến điều chỉnh: Toán (105 tiết); Tiếng Việt (420 tiết); Giáo dục lối sống (70 tiết), Cuộc sống quanh ta (70), Giáo dục thể chất (70 tiết); Nghệ thuật (70 tiết), Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (105 tiết), Tự học có hướng dẫn (140 tiết), Tiếng dân tộc, nội dung giáo dục địa phương - tự chọn (62 tiết); Thế giới công nghệ (35 tiết). Hướng điều chỉnh: bỏ môn Thế giới công nghệ, tổng số tiết học còn dưới 30 tiết/ tuần”.

Thoáng nghĩ, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo rất gần với nhau, nói nôm na đó là trang bị kỹ năng sống cho trẻ. Sao lại phân chia ra làm gì chi li đến thế, bởi làn ranh của nó mong manh lắm. Có nên chăng? Để xem “cải cách” lần này sẽ thế nào đây? Cũng trên số báo này, có bài Tiếp tục câu chuyện "Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà": Trường học và bài giảng vẫn là lý tưởng nhất!

Đành rằng là thế, nhưng không khéo lại tiếp tục diễn ra Sự phản ứng với nền giáo dục nước nhà - như lời cảnh báo của cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp (nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM): Câu chuyện “Nghỉ học ở trường phổ thông, tự học ở nhà” cho thấy quan niệm về tầm quan trọng của trường lớp giờ đã phai nhạt dần. Cách chọn lựa của gia đình em Thái Anh và Nhật Anh như một sự phản ứng với những bất cập của nền giáo dục nước nhà.

Là một giáo viên, tôi cũng thừa nhận là việc học của học sinh hiện nay nặng nề quá, vất vả quá. Học sinh phải “khổ học”, nên thiếu đi niềm vui cũng như sự đam mê trong học tập. Tôi có một học sinh cũ, hiện em đã du học nước ngoài, em đã nhiều lần than thở với tôi rằng: “Khi du học, em mới thấy mình thiếu nhiều kỹ năng: từ kỹ năng hợp tác đến kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phát biểu trước đám đông...”.
Nếu nền giáo dục nước nhà không có sự chuyển mình thì việc cho con tự học ở nhà sẽ thành trào lưu chứ chẳng chơi”.

Trời đã chiều. Một ngày đang cạn dần. Thôi thì gõ thêm vài dòng nữa, chọn từ sách giáo khoa Tập đọc lớp Nhất in năm 1966, đặng nhớ về thuở y là học trò lớp 1, đã từng học trường Nam Tiểu học (nay trường Kim Đồng) ở Đà Nẵng. Thời ấy, trong sách giáo khoa do Bộ Giáo dục miền Nam biên soạn, in ấn luôn có dòng chữ khó quên. Trẻ em như tờ giấy trắng. Dấu nhớ đầu đời, định hình nhân cách, tình yêu sách/sách giáo khoa cũng từ đây mà ra:

“Các em học sinh thân mến,

Chắc các em thấy quyển sách này được in đẹp đẽ, tranh vẽ và bài soạn công phu, khiến các em vui thích ham học. Các em hãy nâng niu nó:

- Tay các em có sạch sẽ, các trang sách mới không bị các vết bẩn cả mực, bụi bặm hoặc mồ hôi.

- Nên lật mở các trang cho thong thả, đừng để sách bị ai giằng co làm rách nát hoặc cuốn góc. Nếu cần đánh dấu trang thì dùng một miếng giấy cứng nhỏ hoặc một cái tăm sạch; đừng gấp nát trang giấy.

- Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau đó tẩy đi (ví dụ như trong sách Toán).
Trong nhà, các em nên có chỗ để sách cho ngăn nắp, đừng vứt bừa bãi, cũng đừng ấn nhét bừa đầy cặp khi đi học, mà phải để cho ngay ngắn, tươm tất như thế sách mới lâu hỏng.

Giữ sách được sạch sẽ, nguyên lành, các em sẽ tự hào là học sinh ngoan, làm vui lòng thầy, cô, và nhất là tránh được cho các em dùng sau khỏi bực mình vì sách bẩn hoặc hư, rách”.

Năm tháng đã xa. Xa lắm rồi. Nay, trong nhà đã có hàng ngàn quyển sách. Hãy nhớ lời dặn dò này nhé cưng?

Dạ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment