LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.4.2017

 

image002tingthan_trao_phiungthi_ca_xu_hue


Đọc sử, đôi khi cũng cần đến những giai thoại, lời kể trong dân gian, nếu không khó có thể giải thích hết nội tình. Ai cũng nhớ đến câu ca dao: “Vạn Niên là Vạn Niên nào?/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Câu này lưu truyền từ đời vua Tự Đức, Nhắc đến nó, ắt nhớ đến “giặc chày vôi”. Những lao công xây thành “Đôi vai gánh đá xương mòn/ Mông trôn roi đánh chẳng còn mảng da” vì căm thù, uất ức đã tuân theo lời Đoàn Hữu Trưng (1844 - 1866) nổi dậy, khi khởi loạn họ cầm theo vũ khí là cái chày vôi. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp chóng vánh. Sừ sách đã viết nhiều rồi, không nhắc lại nữa. Câu thơ trên quá xuất sắc, miêu tả bằng chữ, đọc lên rợn thít da là trích từ bài thơ lục bát Trung nghĩa ca - dài 498 câu, do Đoàn Hữu Trưng  viết trong những ngày tù ngục. Trưa nay, nằm đọc lại và chú ý đến câu này:

Cỡi rồng từ thuở thăng thiên

Kim ngôn sắc đế ngôi truyền trừ quân

Vì Trương Đăng Quế tôi gần

Bày mưu kiểu chiếu xây vần cho ai?

Có người giải thích rằng, “4 câu trên ý nói Trương đăng Quế giả chiếu đưa Tự Đức lên ngôi thay Hồng Bảo”. Có chính xác không? Cần phải tra lại sử sách. Có điều cần ghi nhận là trong tập Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế (1973) của Hoàng Trọng Thược căn cứ vào nhiều tài liệu: “Tương truyền Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức) là con của Trương Đăng Quế, lúc bấy giờ là quyền thần rất có thế lực tại triều, lại là chồng của một bà công chúa em vua Thiệu Trị, nên xuất nhập bất cấm ở cung điện nhà vua. Nhơn dịp vợ vua Thiệu Trị là bà Từ Dũ Hoàng thái hậu và vợ Quế cùng sanh con nhằm một ngày, Quế lợi dụng sự bất cấm nói trên để đem con trai mình là Trương Quang Đản vào Nội (giấu trong tay áo thụng) đánh lộn sòng với con trai vua Thiệu Trị. Trong hàng nội giám và thị nữ trong cung, có người hay chuyện nhưng không ai dám hé môi vì sợ Quế hãm hại”.

Sự việc này có thật hay không? Hỏi thế, ngớ ngẩn lắm. Chỉ có thể trả lời chính xác, nếu lúc ấy khởi nghĩa của Đoàn Hữu Trưng thành công. May ra, trong thời điểm đó, mọi việc mới có thể công bố minh bạch rõ ràng. Bằng không, sự “tương truyền” vừa nêu trên chỉ là bịa đặt. Chẳng giá trị gì. Lấy gì chứng minh? Dù rằng, trong Trung nghĩa ca, có câu: “Chi bằng ra sức phò trời/ Đem về chánh thống mới hay tôi lành”, nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Thược có lý khi bình: “Có lẽ đó là một duyên cớ cho Đoàn Hữu Trưng vin vào lật đổ vua Tự Đức và sách lập con trai trưởng Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngôi”.

Thành ngữ có câu thật hay: “Để lâu phân trâu hóa bùn”. Có những sự việc là A sờ sờ ra đó, người ta gọi B nhưng đố ai dám cãi, dám nói ngược lại. Dần dà, đời này, đời sau và sau vài đời nữa mặc nhiên thiên hạ thừa nhận đó là B. Oái oăm chưa? Mà đến khi gọi lại đúng sự vật với tên gọi là A, lúc ấy, chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.

Thành ngữ lại có câu: “Con đã mọc răng còn nói năng gì nữa”. Ấy là lúc đứng trước một sự việc đã rồi, khó có thể xoay xở. Thòng thêm câu này, bởi liên tưởng đến trường hợp Hoàng Sa đã mất vào tay Trung Quốc. Vài trăm năm sau, con cháu Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt… dù vẫn biết chủ quyền thuộc về mình nhưng liệu có lấy lại được máu thịt đã mất vào tay ngoại xâm? Câu hỏi này bi quan quá, phải không. Dù biết thế, nhưng vẫn đặt câu hỏi ấy. Với trách nhiệm công dân, mỗi người có một cách thể hiện lòng thành trước hiện thực đất nước. Y có gì, ngoài thơ?

Lao xao tiếng nói

Dặt dìu tiếng mây

Rộn rã tiếng ngày

Nôn nao tiếng gió

Có cả tiếng tôi

Chuyện trò với cỏ

Muôn năm ngàn thuở

Muôn kiếp vạn đời

Tiếng chồng tiếng vợ

Chẳng gì xẻ đôi

Tiếng của lòng tôi

Lẫn trong tiếng sóng

Nhọc nhằn đau đớn

Hoàng Sa - Hoàng Sa

Tiếng của mọi nhà

Âm vang hồn Việt

Tiếng đời xanh biếc

Hỏi, ngã, sắc, huyền…

Tiếng quê dìu dặt

Biếc hồng cánh sen

Tiếng nói quê hương

Ruột rà tiếng đất

Bàn tay nắm chặt

Vọng tiếng Tổ Tiên

Giọt máu thiêng liêng

Không bao giờ mất

Hoàng Sa - Việt Nam

Tiếng lòng Thống Nhất

Trở lại với câu: “Đọc sử, đôi khi cũng cần đến những giai thoại, lời kể trong dân gian, nếu không khó có thể giải thích hết nội tình”. Có lẽ phải thòng thêm câu nữa: “Ít ra cũng có thể xác định được tính cách, quan điểm của nhân vật nếu đọc trước tác của họ”. Nói như thế, vì lâu này, sử sách đã chép về số phận của Ông Ích Khiêm nhưng chưa thấy ai nó đến thuở bình sinh ông không tán thành chủ trương vua Tự Đức: thuê bọn giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc để tiêu diệt giặc Pháp. Bằng chứng Ông Ích Khiêm có để lại bài thơ:

Áo chúa cơm vua hưởng bấy lâu,

Đến khi có giặc phải thuê Tàu.

Từng phen võng giá mau chân nhảy,

Ðến buớc chông gai thấy mặt đâu?

Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp,

Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu.

Ai ơi! Hãy chống trời Nam lại,

Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.

“Cạo đầu” là gọt tóc theo tục người Mãn Thanh. Nhân vật Lê Quýnh, đời sau vẫn nhớ đến ông, dành cho nhiều thiện cảm dù ông sống lưu vong, chạy theo Lê Chiêu Thống trốn sang Tàu sau trận đòn sấm sét của nhà Tây Sơn. Lúc bọn Quýnh bơ vơ đất khách quê người, Phúc An Khang - Tổng đốc lưỡng Quảng cho vời đến Quảng Tây dụ bảo gióc tóc và thay đổi đồ mặc. Trong tập sách Ngàn năm áo mão, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết Lê Quýnh đã tức giận trả lời:  “Bọn ta đầu có thể chặt, chứ tóc không thể cạo; da có thể lột, chứ y phục không thể thay!". Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) Quýnh được thả về nước, sau đó thường xõa tóc, mặc áo cừu, du ngoạn ở chùa Đại Đồng (Hải Dương). Tác giả "Vân nang tiểu sử" ca ngợi, mười mấy năm trời ở Trung Quốc mênh mông, xõa tóc rủ áo dài duy có mình ông mà thôi”.

Tìm hiểu sâu hơn một chút ắt biết trên tạp chí Hán Nôm, số 4 (77) 2006 có in bài văn bia về Lê Quýnh do con cháu viết. Văn bia này do GS Hoàng Xuân Hãn phát hiện và từng công bố năm 1969: “Đến nơi, nghe tin chúa cũ (vua Lê) cùng bọn bày tôi đi theo đã cắt tóc, thay đồ mặc như người Thanh. Nhà Thanh bắt buộc các ông phải cắt tóc, các ông không chịu, giữ tinh thần bất khuất suốt mười ba năm ròng. Ông nội tôi có thơ rằng:

Thân hãm trong tù ôm tiết trắng,

Mệnh treo sợi tóc tỏ lòng son.

Khí tiết của các ông phát ra lời không phải chỉ một chỗ. Do đó, chúa cũ lệnh cho ghi chép thành Tứ công tập. Người Thanh cũng khâm phục gọi bốn ông là Tứ nghĩa sĩ”.
 

Biết thêm chi tiết trên, càng thấu rõ cái tâm, cái chí, cái nhìn sáng suốt của Ông Ích Khiêm ở câu thơ kết: “Ai ơi! Hãy chống trời Nam lại/ Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu”. Tiếng kêu thống thiết ấy thời nào cũng đúng, là một sự nhắc nhở không bao giờ thừa. Về chủ trương thuê bọn Cờ Đen đánh Pháp thời đó, lợi và hại ra làm sao? Câu hỏi này chẳng hề vu vơ, ngẫu hứng đâu.

Hơn năm mươi năm trước, Hội Sử học Việt Nam đã đặt ra câu hỏi đó. Trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 34 (1.1962) mở diễn đàn Bình luận về một số nhân vật lịch sử - bắt đầu từ Lưu Vĩnh Phúc. Mở đầu, nhà nghiên cứu Văn Tân có bài Lưu Vĩnh Phúc tướng Cờ Đen và các hành động của ông tại Việt Nam. Cuộc thảo luận kéo dài nhiều số báo liền, tháng 9.1962, trên số 42, ông Trần Huy Liệu đã có bài tổng kết, bên cạnh khẳng định chiến công to lớn, “Chúng ta không phủ nhận những hành vi tàn bạo của quân Cờ Đen trên đất nước Việt Nam”.

Những vấn đề thuộc về lịch sử, thỉnh thoảng y đọc và lấy làm thú vị nên ghi chép lại là vậy.

Chỉ riêng chuyện để tóc hay cắt tóc thôi, đã là bao nhiêu chuyện để nói. Lúc người Pháp sang, các cụ trong phong trào Duy tân chủ trương phải cắt búi tó đi. Người Quảng Nam trước nhất thực hiện là cụ Phan Châu Trinh. Từ năm 1906, cụ Phan đã hớt tóc sau đó, cụ thường nói khích để các người khác bắt chước theo. Lúc nào cụ cũng bảo: “Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tánh rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ nói: Việc nhỏ, không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm!”; “Nào! Thử "cúp" đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ; việc này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì!”

Kể lại chuyện trên báo Ngày Nay số 149 (15 Fevrier 1939), cụ Phan Khôi còn cho biết thêm: “Hớt tóc cũng là một cớ buộc tội trong vụ án năm 1908 ở mấy tỉnh Trung Kỳ. Làm người không có việc gì cả, chỉ đã hớt tóc mà cũng bị ghép vào mặt luật bất ưng vi trọng, phải 18 tháng tù. Lại, cuộc phiến loạn năm 1908 ấy, trong các ký tái của người Pháp cũng gọi là “cuộc phiến loạn của đảng hớt tóc” (Révolte des cheveux tondus). Xem đó đủ thấy hớt tóc ở thời đại ấy bị coi là nghiêm trọng dường nào”.

Mỗi thời mỗi khác. Có việc nghiêm trọng ở thời điểm này, nhưng sau đó, chẳng là gì cả. Vấn đề còn lại, cốt lõi nhất, quan trọng nhất vẫn lúc đương thời để sống, để tồn tại người ta đã chọn lấy thái độ nào?

L.M.Q
.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment