THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập thơ PHAN BÍCH THIỆN

LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập thơ PHAN BÍCH THIỆN

THƠ PHAN BÍCH THIỆN


1.
     “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”. Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng cho rằng, làm thơ là một sự phi thường. Khi người phụ nữ làm thơ, sự phi thường ấy tăng lên gấp bội lần. Bởi khi thả hồn theo những cảm xúc dạt dào như sóng biển, như gió núi, họ phải ngoảnh lại phía sau với bao hệ lụy của cõi nhân sinh. Mà cũng phải thôi. Thiên chức làm vợ, làm mẹ không cho phép họ có thể đánh đu tót vời cùng bể dâu của những câu thơ.
    Cầm trên tay tập thơ Cánh chim Lạc Việt của nhà thơ nữ Phan Bích Thiện, đôi lần tôi cũng ngoảnh lại phía sau. Để làm gì? Để quan sát một chân dung thơ trong đời thật này. Chị đã có hai tập thơ đã in và hiện nay đang sống ở một nơi tôi chưa hề đặt chân đến: Hunggảy. Tuy thế, thơ chị đến với tôi gần. Gần lắm bởi tình cảm của người làm thơ vẫn dành cho quê nhà đau đáu một nỗi niềm:
Về cây bàng mỗi mùa thay áo
Đỏ rực khoảng trời trước cửa nhà em
Tiếng tàu điện leng keng trong đêm
Sáng sớm mặt hồ sương giăng mờ phủ
      Câu thơ nhiều hình ảnh như vẽ lên trong mắt ta một Hà Nội xa và gần. Xa như một tầm tay và gần như ký ức chưa phai nhòa kỷ niệm cũ. “Bàng nhớ ai đỏ lá khi mùa đông đến?”. Một câu hỏi tưởng chừng như bâng quơ, nhưng sẽ không là câu hỏi ấy nếu trong lòng không gợn sóng một niềm yêu dấu...

 


2.


   Và tình yêu. Với Phan Bích Thiện, cũng là tình yêu ngàn đời của phương Đông trầm mặc. Bẽn lẽn. Thơ dại. Thời xuân xanh, ai không một lần tự hỏi:
Trăng kia có nhớ
Nét thiếu nữ rụt rè
Đêm chớm thu cuối hè
Nụ hôn đầu êm dịu
    Phải đang yêu. Yêu cuồng nhiệt. Và nhất là phải thật nữ tính mới có thể viết những câu thơ trong trẻo như mây trời:
Em vẫn đi về những lối ngõ quen
Vẫn làm bao việc như muôn thuở
Niềm vui nho nhỏ khi chợt nhớ
Phút này đây anh đã nghĩ tới em
   Thì ra, qua thơ Phan Bích Thiện, ta hiểu rõ hơn về người phụ nữ khi yêu. Họ đã có những lúc mà ta không ngờ đến:
Anh mỉm cười giữa giấc ngủ say
Em dịu dàng hôn những ngón tay
Thật nhẹ để anh không tỉnh giấc
Dẫu ngoài kia lạnh cơn gió bấc
    Tình yêu đã làm thăng hoa cảm xúc của con người. Sống, nghĩ cho cùng cũng là một nỗ lực tự hoàn thiện mình. Tình yêu đã góp phần quan trọng trong nỗ lực ấy. Đọc thơ tình của Phan Bích Thiện, trong tôi vụt ra suy nghĩ ấy. Và gì nữa? Tôi có thể nói rằng, thật hạnh phúc cho ai được chị yêu và chia sẻ tình yêu. 


3.


  Khép lại một tập thơ, ta bắt gặp một nhan sắc. Khép nhan sắc, ta gặp một tâm hồn vị tha. Tâm hồn ấy đã mở ra những vần thơ nồng nàn và bình dị. Gì nữa? Nói như Hàn Mặc Tử, theo tôi, Phan Bích Thiện là “khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”.


LÊ MINH QUỐC
2009

(nguồn: tập thơ Cánh chim Lạc Việt của Phan Bích Thiện)

 

Mối duyên thơ - nhạc của Phan Bích Thiện

Thứ ba, 06/10/2009, 09:58

 


    Cây bút nữ Phan Bích Thiện vừa ra mắt tập thơ 'Cánh chim Lạc Việt' (NXB Thanh Niên ấn hành). 40 bài thơ trong tập sách đều được nhạc sĩ Giao Tiên phổ thành các ca khúc trữ tình với nhiều cung bậc cảm xúc.

   Ngày 3/10, tại cà phê Mis Sài Gòn, TP HCM, Phan Bích Thiện và nhạc sĩ Giao Tiên có cuộc "hội ngộ" bất ngờ trong buổi ra mắt tập thơ Cánh chim Lạc Việt. Đây là lần đầu tiên cây bút vốn sinh ra ở xứ Hà thành, lại là một Việt kiều sống lâu năm tại Hungảy, có dịp gặp gỡ và trò chuyện với người nhạc sĩ miền Nam Trung Bộ nổi tiếng với các bài hát Tình đẹp mùa chôm chôm, Phận gái thuyền quyên , Cô Thắm về làng...

nha-tho
Từ trái qua: Cây bút Phan Bích Thiện, nhạc sĩ Giao Tiên và nhà thơ Lê Thị Kim tại buổi ra mắt sách.

   Còn nhạc sĩ Giao Tiên cũng cho biết, chính những vần thơ đầy nữ tính, giàu nhạc điệu và trăn trở nỗi niềm của Phan Bích Thiện đã mang lại nguồn cảm hứng cho ông dành thời gian phổ 40 sáng tác của chị thành những ca khúc trữ tình.

    Có mặt tại buổi giao lưu, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét, đọc thơ Phan Bích Thiện, người ta phần nào có thể hiểu rõ hơn về người phụ nữ khi họ yêu, và gợi nhớ lại hình ảnh một Hà Nội vừa xa vừa gần.

   Cây bút Phan Bích Thiện sinh năm 1968 tại Hà Nội, hiện định cư tại Budapét, Hungảy. Với thơ, chị tự nhận mình là người "ngoại đạo" vì chị vốn học chuyên ngành kinh tế và đã lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Nga vào năm 1993. Tuy vậy, Phan Bích Thiện đã cho ra mắt hai tập thơ Tình yêu không đáy (NXB Văn học, 2004), tập thơ Khoảnh khắc (NXB Hội nhà văn, 2008).

    Nữ doanh nhân yêu thơ này từng là nhân vật nữ gợi cảm hứng cho nhà thơ Phạm Tiến Duật sáng tác bài Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng. Và cũng chính nhà thơ Phạm Tiến Duật khuyến khích chị đến với công việc sáng tác thi ca.

Thoại Hà

http://evan.vnêps.net/news/tin-tuc/trong-nuoc/2009/10/3b9ae6f4/

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com