ĐOÀN TUẤN: Xin chào các đồng đội của tôi

xinchao-cac-fdong-doi-cua-toi

 

Xin chào các đồng đội của tôi 

Nhà văn Đoàn Tuấn

Giữa những ngày nóng bỏng của chiến dịch chống virut Covid - 19, thật cảm động khi biết tin, nhiều bác sỹ, y tá về hưu vẫn sẵn sàng trở lại bệnh viện để tiếp sức cùng các đồng nghiệp. Và cũng không thể ngồi yên, nhiều trường Đại học Y khoa đã đồng ý cho các sinh viên - bác sỹ tương lai đến phục vụ tại các điểm nóng dập dịch. Những điều tốt đẹp đó làm chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh Người lính. Khi Đất nước lâm nguy, khi cuộc sống của đồng bào bị đe dọa, họ sẵn sàng tái ngũ và tình nguyện ra trận.

Có thể nói, cái “gen”xông lên tuyến đầu là loại “gen” trội trong mỗi người Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cái “gen” này ngày càng được tôi luyện, trở thành sức mạnh tinh thần không gì sánh nổi, làm nên căn tính vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Nhớ những ngày Biên giới Tổ quốc bị đe dọa, những chàng trai, cô gái chúng tôi - đang học năm cuối của trường phổ thông Trung học, lúc nào cũng ngời ngời không khí chiến trường. Trên đường đi học, chúng tôi mua vội mấy tờ báo hàng ngày, giấu trong cặp sách. Đến lớp, mặc cô giáo giảng bài, bọn con trai vội mở báo, giấu trong ngăn bàn, bí mật đọc tin. Có lần cô giáo phát hiện, ngừng giảng bài, rồi dường như cũng sốt ruột, hỏi tôi: “Báo có tin gì mới không em?”. Cả lớp bật cười. Cô giáo cũng đỏ mặt cười theo. Bởi trong mỗi chúng tôi, cả cô giáo nữa, trái tim đều hướng về biên giới, nơi có những con người ưu tú nhất của Đất nước đang ngăn giặc.

Rồi Giấy gọi nhập ngũ bay đến từng gia đình, từng bàn học. Nhà trường vội tổ chức Lễ tốt nghiệp đặc cách cho những học sinh nhập ngũ. Dù tháng 5 mới kết thúc năm học, nhưng mùa tòng quân đến vào Mùa Xuân, tháng Giêng. Thôi, tốt nghiệp sớm đi. Chúng tôi mặc quân phục mới toanh, nhận tấm bằng mà tâm trí phập phồng nơi biên cương. Thầy Chủ nhiệm  nói: “Các em hãy dũng cảm lên đường. Bài kiểm tra thày chưa chấm xong. Ngày các em trở về, thầy sẽ trả”. Đấy là bài kiểm tra dài nhất trong cuộc đời chúng tôi.

Tôi đến chào thầy giáo cũ - thầy giáo hồi lớp 1 của tôi. Thầy là thương binh chống Pháp. Lấy trên giá sách tập thơ Bài  thơ báng súng, thầy ghi mấy chữ: “Quà kỷ niệm của một cựu chiến binh”. Tôi bỏ  ba lô, mang vào mặt trận. Những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông thấm vào tâm trí: “Tôi lại viết bài thơ trên báng súng / Con lớn lên đang viết tiếp thay cha / Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống / Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”.

Những ngày trên thao trường, chúng tôi được các anh lính cũ huấn luyện. Đại đội trưởng Hoàng Văn, sau bao năm chiến đấu ở miền Đông Nam bộ, vừa phục viên, vê quê Hà Nam cưới vợ, chưa kịp có con, lại tái ngũ. Anh lầm lì, ít nói. Gương mặt sạm khói lửa chiến trường mà hiền lành quá đỗi. Anh coi tụi tân binh chúng tôi như những thằng em dễ thương nhất. Chính trị viên Nguyễn Đông, một vợ hai con, để lại quê nhà, nhận nhiệm vụ bồi dưỡng tư tưởng cho chúng tôi. Anh không cao đàm khoát luận, chỉ rủ rỉ kể chuyện quê hương như những lời tâm tình của hạt lúa, củ khoai…

Một hôm, trong giờ giải lao, chúng tôi vớ được cuốn sổ tay của anh. Trời đất! Trong đó toàn thơ tình lãng mạn. Có một bài thơ mang cái tên đầy khao khát là “Hôn” hút ngay trí nhớ tôi: “Khi người ta yêu nhau / Hôn nhau trong say đắm/ Còn anh, anh yêu em/ Anh phải ra mặt trận/ …Em ơi rất có thể / Anh chết giữa chiến trường / Đôi môi tươi đạn xé / Chưa bao giờ được hôn/ Nhưng dù chết em ơi / Yêu em anh không thể / Hôn em bằng đôi môi / Của một người nô lệ’’. Tôi đọc mà bàng hoàng. Cứ ngỡ thơ của một nhà thơ nước ngoài, những câu thơ đó, đúng là tâm trạng chúng tôi.  Rất nồng nàn, đầy bi tráng.  Tình yêu với một người con gái, thật gần gụi và cao xa. Tình yêu ấy đồng nghĩa với Tình yêu Tổ quốc. Trái tim trinh trắng xin dâng hiến với điều kiện Tổ quốc và Người yêu phải được Tự do.

Những ngày này, đi xuống phố. Một hình ảnh khó quên đã ùa vào mắt khiến tâm hồn tôi xốn xang. Tôi đã nhìn thấy những thiện nguyện viên còn trẻ, rất trẻ như thời thế hệ chúng tôi vừa mười tám đôi mươi. Qua trò chuyện, tôi biết đó là các em sinh viên ngành y tế cộng đồng, đại học y khoa… đã đi tập huấn, sẵn sàng chung tay góp sức cùng lực lượng y tế của cả thành phố. Nhìn thấy hình ảnh này, tôi sực nhớ đến lời hiệu triệu của thế hệ chúng tôi: “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”. Thời ấy,chúng tôi ra trận, lên biên giới phía Bắc, đi về Tây Nam Tổ quốc và trong lồng vọng lên câu thơ như một sự kiêu hãnh của tuổi trẻ: “Còn anh, anh yêu em/ Anh phải ra mặt trận”. Bây giờ các em cũng “ra trận” đấy chứ - một mặt trận không tiếng súng. Một mặt trận chan chứa tình người khi cùng cả nước cùng chung tay “bắt con côvíc”. Tuổi trẻ mà. Ai lại không muốn có cơ hội thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng? Thời chúng tôi cũng thế. Thời các em cũng thế. Nghĩ thế, lại thấy cuộc sống trong âu lo đang rung lên nhịp sống khỏe khoắn hơn, tươi mới hơn và cũng tự tin hơn.

Chính các em gợi cho cảm nghĩ: Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời, một lần sống, càng trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, chúng ta càng yêu thương, càng trân trọng giá trị sự sống. Tất cả làm nên giá trị của tình người. Và tôi đã nhìn thấy qua những người trẻ “ra trận” trong thời  Covid- 19. Họ cũng chính là Người Lính như thế hệ chúng tôi. Xin chào các đồng đội của tôi.

Đ.T

(nguồn: Báo Phụ Nữ chủ nhật - ngày 29.3.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com