TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc

Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc

Mục lục
Tôi và đàn bà - Lê Minh Quốc
* Tôi và đàn bà (báo SGGP)
* * Lê Minh Quốc và... đàn bà (Tạp chí Duyên dáng Việt Nam)
* Tôi và đàn bà (TTC, AT & TGPN)
* Nhà thơ Lê Minh Quốc: Bẩm sinh đã sợ đàn bà (báo THỂ THAO & VĂN HÓA)
* Tôi và đàn bà: Luận chuyện phụ nữ kim - cổ - Đông - Tây (báo Pháp luật TP.HCM)
* LÊ MINH QUỐC: Trả lời Bloggazin.com về TÔI VÀ ĐÀN BÀ
* Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết như đã sống
* TÔI VÀ ĐÀN BÀ (tạp chí Người Làm Báo)
Tất cả các trang

“Điều gì đã làm nên người đàn bà?”

Câu hỏi khiến biết bao nhiêu học giả, nhà văn, nhà thơ từ cổ chí kim đau đầu đi tìm lời giải đáp. Và nhà thơ Lê Minh Quốc, tác giả của “Gái đẹp trong tôi” phải mất gần cả đời người cho câu hỏi này. Anh, cái người mà  “ngay từ lúc oa oa chào đời đã... sợ đàn bà. Thuở nhỏ, sống trong nhà thì sợ mẹ, sợ chị; đến trường, sợ cô giáo; lên đại học, sợ bạn gái lẫn người yêu và đến lúc đi làm kiếm sống, trời ơi, ròng rã gần ba mươi năm trời, tôi chỉ làm việc dưới quyền của sếp nữ”. Viết “Tôi và đàn bà”, Lê Minh Quốc đang liều lĩnh đặt mình vào phía một đầu cân, phía bên kia là cả một nửa của thế giới. Anh đứng một mình trong tương quan bất cân xứng “Tôi” - “đàn bà” chứ không phải “đàn ông” - “đàn bà”. Hoặc anh đang rất can đảm, hoặc là anh đang rất… điên.

 

Toi_va_dan_ba_phuong_nam

Bìa sách TÔI VÀ ĐÀN BÀ. Hiện nay sách đã phát hành, có thể tìm mua tại hệ thống Nhà sách Phương Nam

 

Anh bắt đầu cuốn sách của mình bằng lời than của một người đàn ông trong Thần thoại Ấn Độ ôm mặt khóc hu hu sau khi chung sống với người đàn bà do đấng Twashtri tạo ra: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Câu trả lời là: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”.

Tại sao vậy?

Vì, Lê Minh Quốc bắt đầu lý giải: “Đàn bà cũng là muối. Vị mặn của muối là một giá trị như sự hiện hữu của đàn bà trong cõi ta bà này”. Và theo anh “Những ai nếu chưa bước vào đời sống hôn nhân thì chưa thể cảm nhận hết hỉ, nộ, ái, ố của kiếp người trần tục. Những ai chưa có cho mình một (hoặc nhiều) người đàn bà; và chưa từ người đàn bà đó tạo ra một hình bóng nối tiếp của mình thì người đó chưa trưởng thành. Muôn đời chỉ là đứa trẻ. Một đứa trẻ lớn xác. Đứa trẻ ấy dẫu đi hết một vòng sinh tử, khởi đầu từ vành nôi đến tận cùng nấm mộ thì cũng chỉ là sự tồn tại không đầy đủ, không trọn vẹn của một kiếp người”.

Trở lại câu hỏi đầu tiên: “ Điều gì đã làm nên một người đàn bà?”

Theo Lê Minh Quốc, để tạo ra một người đàn bà, đấng tạo hóa đã phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp:   Ngài đã lấy vành tròn của vầng trăng , lấy sự lấp lánh của sao trời, lấy hình thon thon của ngà voi, lấy dáng yểu điệu, ẻo lả của cây liễu, lấy sự mơn mởn đầu mùa, sự mịn màng như nhung, lấy tính lất phất của lá trúc, lấy đường cong của các dây leo, lấy tua uốn của cây nho, lấy sự run rẩy của cỏ, lấy sự mềm mại của lau sậy, lấy sự vướng vít của tơ lấy sự rực rỡ của cánh bướm, lấy dáng nhẹ nhàng của nắng mai, lấy sự dịu dàng của nai, lấy sự nhí nhảnh của chim sáo, lấy sự nhút nhát của thỏ, lấy ánh nắng tươi vui, lấy vẻ u uất của mây mù, lấy cái vị ngọt ngào, đậm đà của mật ong, lấy cái khoắc khoải bất chợt của làn gió, lấy sự cuồng nộ của biển động lấy sự kiêu căng vô lối của công, lấy sự cứng rắn của kim cương, lấy tính mong manh của hạt sương ( Bí ẩn của tạo hóa).

Nghe anh nói, những người phụ nữ thì sung sướng, và không ít người đàn ông lấy làm ghen tị vì sinh ra đã không được làm đàn bà.

Đương nhiên, nếu chỉ có những cái đẹp đẽ đó thì người đàn ông trong thần thoại Ấn Độ và biết bao ông chồng ngày nay đâu phải ngồi ôm mặt khóc hu hu và than thở: “Tôi không thể nào sống chung được với nó?”.

Hãy nghe Lê Minh Quốc nói tiếp: Ngài lấy tính tàn bạo của hổ báo, lấy tính lang chạ của phấn thông vàng, lấy lạnh lùng của băng tuyết, lấy tiếng gù gù của bồ câu, lấy nét đỏm dáng và tính giả dối của mèo, lấy cái cháy bỏng của hỏa diệm sơn, lấy giọng ca du dương của họa mi, lấy tiếng kêu quang quác, thô kệch của loài ngỗng, sự trung thành của chó cũng như sự trở mặt của cáo, lấy tính đa sự của ý tưởng... Ngài lấy tất cả, tất cả rồi trộn lại với nhau để tạo nên người đàn bà. Cũng có thể trong cái sự “tất cả” này còn phải có thêm... những giọt nước mắt của cá sấu nữa chứ?.

Bởi vì sở hữu những đức tính trên cho nên dù cho các ông chồng có cất tiếng than xé ruột: “Trời! Sống như thế này thà chết còn hơn”. Và nếu thực sự “Được “chết” lúc ấy sung sướng biết bao nhiêu. Hả hê biết bao nhiêu. Khoái trá biết bao nhiêu. Thế mà ta vẫn cứ tiếp tục sống để “chiều chuộng” cho bằng được tính nết “trái gió trở trời” của họ”. Cái sự nó nằm ở chỗ ấy. Thế mới khổ.

Và đó cũng chính là lý do khiến cho “Con cá đã một lần chui tọt vào trong lờ, tìm mọi cách để thoát ra dẫu là tuyệt vọng và may sao, thoát được. Ấy vậy, khi đã thoát, đã tự do với sông hồ tung tăng thì nó lại tìm mọi cách... chui tọt vào trong lờ!”.

Không phải đàn bà vùng nào cũng giống nhau. Với người đẹp miền Bắc nơi có con sông Hồng uốn mình chảy qua, Lê Minh Quốc thường nghĩ đến cái ngon của bánh đúc. “Ngon bởi sự mịn màng của bột đã nhuyễn đến độ cổ điển, trở thành “khuôn vàng thước ngọc”.

Với nhan sắc sông Hương, Lê Minh Quốc nghĩ ngay đến sự tảo tần một nắng hai sương và liên tưởng đến hình ảnh và cái ngon thâm trầm, kín đáo của bánh bèo.

Và với người đẹp sông Cửu Long anh lại liên tưởng đến cái ngon của bánh xèo. “Lời nói cứ nhẹ như ru, sao ta không tưởng tượng ra một khuôn mặt thẹn thùng đang cúi mặt, mắt lúng liếng và tay đang vân vê vạt áo bà ba?” ( Phụ nữ ba miền).

Cứ thế, anh lần lượt đi vào rất nhiều lĩnh vực thi ca, nhạc, họa… và từ đó lôi ra những “nét” đàn bà rất thơ và cũng rất… sex. Có thể kể ra như: Thư trung tự hữu nhan như ngọc, Sex? Vâng chính là sex, Tuổi của nàng, Cảm giác của dục tính, Kinh nghiệm của tình yêu, Với đàn bà, đàn ông chỉ là đứa trẻ, Biên bản tự kiểm điểm, Nội tướng, Không là “đặc quyền” của đàn bà, Nữ tính của đàn bà không ở trong góc bếp, Tại sao cứ phải hy sinh?, Ám ảnh của quá khứ, Thế mới là đàn bà, Con hư tại ai? Thưa quý ngài, sao không tự nâng mình lên?...

Và sức hấp dẫn của cuốn sách đến tận trang cuối cùng. Lời bạt của cuốn sách dành cho một người đàn bà, một người đàn bà thực sự. Người không bao giờ tự nhận mình là em, là cô, là bà hay là mẹ, người luôn luôn nghĩ và tin rằng mình đẹp: Chị Đẹp. Với lời thách thức: “Nếu tôi là đàn ông”.

Như vậy, dường như Lê Minh Quốc đã lấy lại thế cân bằng và sức nặng đang từ từ lệch về phía anh của cán cân. Một nửa của thế giới đang dịch chuyển về phía anh và phía bên kia là một người đàn bà với tiếng cười ngạo nghễ.

Ngân Hoa

                                                                (nguồn:  http://www.phuongnambook.com.vn/book_point.php?id=264)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com