Mục lục |
---|
Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI |
CHƯƠNG HAI |
CHƯƠNG BA |
CHUONG BỐN |
CHƯƠNG NĂM |
CHƯƠNG SÁU |
CHƯƠNG BẢY |
CHƯƠNG TÁM |
CHƯƠNG CHÍN |
Tất cả các trang |
CHƯƠNG TÁM
Cuộc chiến tranh đã đến giai đoạn quyết liệt. Chỉ mới ở trên chốt chưa đầy một tháng, nhưng người lính có cảm tưởng như đã ở gần một thế kỷ. Râu tóc họ đã mọc dài. Trông như những thổ phỉ. Chính trị viên Chương suốt ngày cầm cái kéo trên tay. Cậu nào tóc dài quá ót là anh “xẻo” ngay. Kéo dùng để cắt tóc lẫn cắt râu. Sáng nay, tại ngã ba chiến hào Chương đã cắt tóc cho thằng Cường :
- Tóc mày cứng như rễ tre Cường ạ ! Cắt đến cong cả lưỡi kéo !
Nghe chính trị viên nói vậy, thằng Cường tưởng thật :
- Tóc em cứng ghê vậy hả thủ trưởng ?
- Ừ ! Tóc cậu cứng vậy là số sướng lắm đó !
Thằng Cường sướng vì câu nói đó. Hắn ngồi ngoan ngoãn cho bàn tay vụng về của Chương cắt từng lọn tóc. Chiếc kéo không được bén lắm. Những sợi tóc không đứt liền mà dằng dịt dùng dằng trong cái kéo. Chương buộc lòng phải kéo dây dưa… Cường đau điếng nhưng không dám thốt một lời kêu than nào cả. Hắn ngồi chịu trận. Chẳng mấy chốc cái đầu của thằng Cường được hớt tóc gọn ghẽ. Cường mỉm cười hài lòng :
- Đẹp lắm. Cái răng cái tóc là gốc con người. Tóc cậu như thế này, các cô gái thị thành nhìn vào là mê tít ngay.
Thằng Cường săm soi nhìn vào chiếc gương. Chiếc gương bé bằng hộp diêm nhưng cũng đủ cho hắn thấy được dung nhan của mình. Hắn cười hì hì :
- Chà ! Trông cũng được chứ thủ trưởng hả !
- Đẹp trai lắm. Vậy cậu chịu khó đào hố chôn hết tóc, rồi tranh thủ đi tắm táp đi !
Nghe nói đến tắm với dòng suối chảy lững lờ. Nước trong veo. Thằng Cường càng sướng. Hắn hùng hục lấy cuốc chim khoét lỗ tròn. Tóc được dồn xuống đó. Và khỏa đất lấp hẳn. Trời đã về chiều. Bóng nắng sụp xuống. Cánh rừng trở nên thâm u. Bàn giao lại vị trí cho người khác, thằng Cường vác khẩu AK với hai quả lựu đạn đi về phía hậu cứ. Rừng xào xạc những âm thanh quen thuộc của núi rừng hùng vĩ. Thằng Cường vừa đi vừa huýt sáo. Hắn chợt nhớ đến những lần đi phục kích chung với thằng Dưỡng - hồi mà Dưỡng chưa đào ngũ. Hồi đó, còn là lính mới tò te. Trong một lần đi hành quân mệnh lệnh phía trước truyền xuống “Chú ý ! Phía trước có hố”. Không biết thằng Dưỡng nghe thế nào mà cứ đinh ninh “Phía trước có hổ”. Cu cậu cứ lăm lăm khẩu súng trong tay, mắt nhìn láo liên để canh chừng hổ thì cuối cùng lại sụp hố. Nghĩ lại cũng thấy vui vui. Tại sao mày lại đào ngũ hả Dưỡng ?
Dòng suối đã nằm trước mặt. Bếp anh nuôi đang cháy lửa riu riu. Trời cuối năm gió thổi về lành lạnh. Ngay bếp lò thằng Hà móm đang ngồi trầm tư với một tờ giấy trắng. Thằng Cường ngạc nhiên :
- Mày làm cái quái gì vậy móm ?
Hàm răng móm của thằng Hà ngước lên cười hì hì :
- Dạ, em làm thơ ạ !
- Ủa ! Mày cũng biết làm thơ nữa à ? Thằng Thuận tồ với thằng Dân lác đâu ?
- Anh Dân với thằng Hường đi săn rồi. Còn anh Thuận thì nằm trên võng đó !
- Chà ! Sướng quá héng ?
Thằng Hà móm không trả lời, hắn lại cắm cúi xuống trang giấy với những vần thơ. Hắn là thằng có tâm hồn thi sĩ. Đang học lớp mười hai với những số điểm trên trung bình, một buổi chiều ngồi đọc tác phẩm “50.000 đô-la” của Ernest Hemingway hắn bỗng thèm muốn sống một đời sống như nhà văn vĩ đại này. Hắn thèm chiêm nghiệm điều mà nhà văn đã viết “Khi anh đi tham chiến tuổi còn trẻ, anh có một ảo tưởng lớn lao rằng anh sẽ không bao giờ gục ngã. Da ngựa bọc thây người khác, nó không hề học thây anh. Thế rồi lần đầu tiên khi anh bị trọng thương, anh mới đánh mất ảo tưởng kia và chợt hiểu rằng cái chết có thể xảy tới cho anh”. Dù cái chết ấy có thể xảy ra hay không thì chưa cần đến, trong dòng máu của cậu học trò này đang “sôi sục” mối tình tưởng tượng ! Thằng Hà móm đứng dậy và cất tiếng hỏi :
- Anh Thuận ơi ! Anh Cường đi đâu rồi ?
Nằm đu đưa trên võng, Thuận tồ đáp :
- Tiểu đội trưởng Cường đi xuống suối tắm rồi !
- Trời ơi ! Tiếc quá !
- Mày tiếc cái gì vậy Hà móm ?
Hắn gãi đầu :
- Em tiếc là không ai đóng vai phụ nữ để em tỏ tình có đạt không ?
- Bộ mày điên rồi à ? Mày thích tỏ tình với mấy thằng đực rựa à ?
- Dạ, đâu có ! Em tỏ tình bằng thơ kia mà.
Thằng Thuận tồ gật đầu :
- Vậy à ? Được lắm. Tao sẽ đóng vai thiếu nữ để nghe mày tỏ tình. Mày tỏ tình dở ẹt thì đừng trách tao nghe Hà móm !
- Sức mấy mà dở ! Anh nghe nhé ! Ý quên ! Công nương ơi !
Hắn hắng giọng để tống những cục đờm trong miệng ra khỏi cuống họng. Bởi vì khi tỏ tình người ta cần phải vệ sinh hàm răng thơm tho và giọng nói phải thanh khiết. Hắn bắt đầu lên giọng :
- Công nương ơi ! Tình yêu là ngọn lửa phục sinh trong hồn người, tất cả những gì mà con người tạo ra vì tình yêu đều in đậm dấu ấn của sự sống và thơ ca. Do đó, tôi sẽ đọc thơ cho công nương nghe nhé ! Hì, hì ! Tỏ tình như vậy có được không anh Thuận ?
- Câu này tao nghe đâu quen quen. À ! Mày mượn đỡ câu nói của Shevchenko phải không ?
Thằng Hà móm trả lời láu cá :
- Thưa công nương đúng vậy ! Đúng vậy anh Thuận à ! Vì người phụ nữ, họ chỉ cần nghe những lời hoa mỹ cho sướng tai hơn là tìm hiểu ý nghĩa của những lời hoa mỹ đó. Em tỏ tình tiếp nghen ! Thưa công nương, Shakespeare đã từng nói “Tình yêu là ánh dương rực rỡ sau cơn mưa tạnh, sắc dục là mây đen trong dông tố. Tình yêu luôn luôn tươi đẹp như hoa xuân, sắc dục như ngày đông đến trước mùa hè. Tình yêu không tham ăn, sắc dục chết vì háu đói. Tình yêu bao giờ cũng chân thật, sắc dục chỉ là lừa dối”. Công nương ơi ! Người đàn bà là thiên thần năm lên mười, một bậc thánh năm mười lăm, một con quỷ năm bốn mươi và một mụ phù thủy năm tám mươi. Cho nên…
- Cho nên cái con khỉ mốc, mày tỏ tình như vậy thì có chó mà nghe được. Thôi, mày đọc đi ! Mày nói riết một hồi tao nghe chán con ráy quá !
- Đọc gì ạ !
- Thì mày đọc thơ nghe cho vui !
Thằng Hà móm hí hửng :
- Công nương ơi ! Kẻ hèn này xin dâng tặng dưới gót chân của nàng một đóa hoa hồng mới nở. Vì Scudery có nói rằng “Có một thứ hoa hồng không gai đó chính là tình bằng hữu. Có một thứ hoa hồng nhiều gai nhất đó là hoa tình”. Vậy có thơ rằng :
Hồng nào hồng chẳng có gai
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng
Vôi nào là vôi chẳng nồng
Gái nào là gái có chồng không ghen ?
Thằng Thuận tồ cáu tiết :
- Đồ con ngựa ! Mày tỏ tình như thế thì tao nghe thế quái nào được ?
Hai người lính đang ngồi nói chuyện dấm dớ như trên thì bỗng nghe một loạt súng nổ lên. Súng đâu nổ vậy ? Thằng Hà móm hỏi :
- Địch tấn công chốt hả anh Thuận ?
- Ngu quá mày ơi ! Đạn nổ ở hướng nào mà mày lại hỏi như vậy ?
- Ở hướng này ! Chắc là anh Dân đã săn được thú rồi ! A ha, có thịt tươi ăn rồi !
Một loạt súng lại nổ lên. Thằng Cường đang kỳ cọ dưới suối vội vàng chạy về bếp nuôi quân. Hắn cũng hỏi :
- Súng nổ đâu vậy ?
Không chờ nghe câu trả lời, bằng bản năng của người lính trong chiến đấu thằng Cường vội vàng cầm súng chạy lên chốt, hắn trở về vị trí chiến đấu. Khi súng nổ không có một lý do nào mà người lính không có mặt ở chiến hào. Chiến hào là đánh giá phẩm chất của người lính.
Một loạt súng lại nổ lên. Lúc này thằng Dân đang bắn xối xả vào đội hình đang đi ngang qua… Ban đầu thằng Dân lác với thằng Hường đen chỉ đi săn cho vui thôi. Mặc dù, đại đội nghiêm cấm chuyện săn bắn trong khu vực đang đứng chân. Sợ lộ vị trí đóng quân. Nhưng thằng Dân vốn có trong máu một chút hảo hớn nên bất chấp quy định đó. Hắn chỉ mong là bắn được một con lợn rừng để có thức ăn cho bộ đội. Lính ăn như hổ, khỏe như voi. Nếu cây trong rừng biến thành thú vật thì cánh rừng ấy sẽ biến thành đồi trọc, đồi hoang. Nếu cỏ biến thành rau xanh thì trên mặt đất này sẽ không còn cỏ. Không thể chịu đựng được cảnh người lính phải ăn uống tằn tiện, ăn uống như những vị chân tu - khi mà họ đang từng ngày đêm giáp mặt với cái chết và sự sống - nên thằng Dân náo nức được đi săn. Chuyến đi săn đầu tiên này, hắn không gặp thú rừng mà lại gặp địch. Khi đang lom khom đi trong rừng thì bỗng nghe tiếng nói cười rì rào, thằng Dân lác gọi thằng Hường đen lại :
- Mày có nghe gì không ?
Hường đen ngơ ngác :
- Dạ, em đâu có nghe gì đâu ? Có tiếng chân của heo rừng à !
- Tầm bậy ! Có tiếng chân địch sắp đi ngang qua đây.
- Thật à ?
Thằng Dân lác cau mặt :
- Sao không thật ? Bước chân người đi thì bao giờ tiếng động phát ra từ cây, từ cỏ nghe xào xạc một cách nhẹ nhàng. Còn bước chân thú thì khác, nó động mạnh hơn đôi khi nghe ầm ầm nữa là khác. Mày ở rừng mà không biết điều đó thì toi mạng có ngày.
Sau khi nói kinh nghiệm ấy cho cậu lính mới, thằng Dân lác chỉ vị trí của thằng Hường đen :
- Mày nấp vào gốc cây này nhé ! Khi tao nổ súng thì mày cứ ném lựu đạn vào đội hình của nó. Phải mạnh bạo lên. Một xanh cỏ, hai đỏ ngực.
Dù nói hùng hồn như vậy, nhưng thằng Dân lác cũng lo lắm. Biết đâu bọn địch đi đông thì sao ? Hay là về báo lại cho đại đội ? Không được, lỡ cơ hội này thì uổng lắm. May mắn cho bọn thằng Dân liều lĩnh, bọn địch chỉ đi qua có năm tên. Những chiếc khăn rằn quấn ngang đầu, ngang cổ và những chiếc gùi mang lặc lè trên vai. Bọn địch vẫn đi hiên ngang, không hề nghi ngờ gì cả ! Bất thần, lồng ngực của thằng Dân lác nóng ran lên như bị ai đó đem vùi vào lửa đỏ, nhịp tim của hắn đập mạnh đến khó thở. Trong trí nhớ của hắn vụt hiện lên gương mặt của trung đội trưởng Nhân, của thằng Hổ, thằng Vinh mèo bê bết máu. Ngón tay trỏ thằng Dân lác siết chặt vào cò súng. Đạn nổ nhịp ba. Lòe sáng lửa đỏ. Bị tấn công bất ngờ, bọn địch trở tay không kịp. Chúng nó kêu rú lên và chạy tán loạn. Bóng đêm là bạn đồng minh của những người chủ động nổ súng trước. Hai tên địch chết tại chỗ. Còn lại ba tên thì chạy mất hút. Thằng Dân lác và thằng Hường đen thu gọn chiến lợi phẩm. Thằng Dân lác hăng tiết :
- Hay là bọn mình chạy theo truy kích. Diệt gọn đội hình này biết đâu tao với mày được thưởng huân chương, chứ đâu phải chơi ! Nào ! Theo tao nghe Hường đen !
Họ chạy theo bọn địch đang chạy tán loạn phía trước. Rừng tối mênh mông. Thấp thoáng thấy bóng người là họ nổ súng. Đánh gọn diệt gọn. Bọn địch chạy về phía bên kia biên giới. Rủi ro thay, chúng nó lại rơi vào ổ phục kích của trinh sát trung đoàn. Tiếng mìn claymo nổ lên. Tiếng súng B.40, M72 nổ lên. Những xác người ngã xuống. Thằng Dân lác và thằng Hường đen do tình cờ chạy theo bọn địch nên cũng rơi vào ổ phục kích. Vũ khí giết người không có mắt. Không có tâm hồn. Nên không phân biệt được đâu là địch đâu là ta. Thằng Dân lác đứng khựng lại rồi trong giây phút tích tắc hắn đổ quỵ xuống như thân cây chuối bị lưỡi dao phay sắc bén chặt ngang người. Thằng Hường đen bị một loạt đạn AK bắn đích xác xuyên qua mặt. Hắn chỉ kịp kêu rú lên và ngã xuống đập mặt xuống đất. Cái chết đến quá bất ngờ, người lính không hiểu nổi. Đôi mắt họ mở trừng trừng như níu hỏi bóng đêm đen dầy đặc ! Gió thổi qua cánh rừng đêm xào xạc. Không vọng lại một tiếng trả lời. Mắt họ mở trừng trừng…
*
Cái chết của hai người lính được đem ra mổ xẻ dữ dội. Trung đoàn chỉ thị cho toàn đại đội phải rút kinh nghiệm về sự mất mát này. Chính trị viên Chương và đại đội trưởng Phú bị kỷ luật vì đã để cho bộ đội tự ý đi săn khi đã có lệnh cấm trong toàn trung đoàn. Chiến công của bọn thằng Dân là không cần thiết. Theo quân báo của trung đoàn là trong đêm đó sẽ có năm tên địch từ nội địa vượt qua biên giới. Do đó, kế hoạch chung là cứ để cho bọn chúng đi theo lộ trình mà quân báo đã nắm chắc được, khi đến điểm sát biên giới thì chính trinh sát trung đoàn sẽ tiêu diệt chúng. Kế hoạch là vậy, nhưng chính trị viên Chương chỉ phổ biến cho bộ đội trên chốt sẵn sàng ứng chiến khi có lệnh. Còn tổ nuôi quân thì không biết kế hoạch này. Điều đó cũng đúng thôi. Tiêu diệt địch không phải là nhiệm vụ của tổ nuôi quân. Thằng Dân lác dẫn thằng Hường đen đi săn và gặp địch, do không biết kế hoạch chung nên đã nổ súng. Và rơi vào ổ phục kích của trinh sát. Ai chịu trách nhiệm về mất mát này ? Chính trị viên Chương đã viết trong bản tự kiểm :… “Với tư cách một người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình về cái chết đã xảy ra. Nếu bộ đội nắm được ý định tác chiến của toàn trung đoàn thì sự việc đã khác. Đại đội tôi không có vinh dự trong chiến công ấy. Điều này đã bộc lộ sự chủ quan của một chính trị viên thiếu sâu sát với từng bộ đội. Trước Đảng ủy tôi xin nhận khuyết điểm về mình và nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào dành cho một quân nhân trong chiến đấu”. Không riêng gì Chương mà đại đội trưởng Phú cũng bị kỷ luật. Treo Đảng và hạ một cấp bậc. Nhưng điều đau đớn nhất của hai anh là cái chết không đáng chết của người lính dưới quyền mình. Biết bao giờ mới xoa dịu được nỗi đau này ?
Cả đại đội đã họp lại để rút kinh nghiệm. Họp tiểu đội rồi họp toàn trung đội. Sau đó lại họp chung đại đội. Về phía Đoàn cũng vậy, các đoàn viên phải có mặt trong những buổi họp của Chi đoàn đại đội. Từ đó, họ đã thấy được vị trí của mình trong đội hình chiến đấu chung. Trung đội trưởng Lâm nói :
- Trong chiến đấu cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng điều cần thiết là từ cái chết của đồng chí Dân và đồng chí Hường, chúng ta phải rút ra bài học cho chính chúng ta. Bài học chấp hành mệnh lệnh và kế hoạch chung của toàn đơn vị. Chiến công là của chung, muốn vậy thì không ai được quyền tách riêng ra đội hình chiến đấu.
Suy nghĩ của Lâm cũng là suy nghĩ của mọi người. Nhưng điều gay go nhất, tranh luận nhiều nhất là cái chết ấy có được công nhận là liệt sĩ hay không ? Hay là bị đọc lệnh kỷ luật trước khi chôn xuống huyệt sâu ? Thằng Cường phát biểu :
- Kỷ luật trong quân đội là kỷ luật sắt. Nếu không giữ nghiêm kỷ luật thì quân không ra quân, tướng không ra tướng thì còn đánh đấm gì được nữa ! Đồng chí Dân và đồng chí Hường tại sao lại vô kỷ luật như thế? Ai ra lệnh được quyền nổ súng ? Ai ra lệnh đi săn ? Tự do vô tổ chức để tự dẫn đến cái chết là điều tất nhiên. Mình chết thì mình thiệt mạng, nhưng còn kỷ cương của đơn vị nữa chứ ! Theo tôi là phải kỷ luật hai đồng chí này để làm gương cho các đồng chí khác.
Thằng Dũng B.40 phát biểu :
- Ý kiến của đồng chí Cường có cái đúng của nó, tôi đồng ý. Tuy nhiên, khi xét kỷ luật hoặc tuyên dương một người thì cần phải xét cả quá trình của họ. Đồng chí Dân từ ngày vào đơn vị đến bây giờ có vi phạm kỷ luật gì chưa ? Có chống lệnh chiến đấu chưa ? Hoàn toàn chưa ! Đồng chí Hường cũng vậy. Vậy tại sao chúng ta vội vàng kỷ luật đồng chí của mình?
Thằng Bảo đồng ý với thằng Dũng B.40 :
- Đồng đội của mình khi chết là chết tại trận địa, lúc đang nổ súng đánh địch - chứ đâu phải chạy về tuyến sau dẫm mìn mà chết. Vậy theo tôi là không nên kỷ luật hai đồng chí Dân và Hường.
Thằng Trí y tá phát biểu :
- Trong quân đội chúng ta có câu : “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Dù là kẻ thù khi chạy đến với chúng ta thì ta cũng đối xử tốt, huống hồ gì hai đồng chí của ta bị chết khi đang chiến đấu.
Thằng Cường ngắt lời :
- Ai dám nói với đồng chí là trong chiến đấu ? Đây là cái chết trong khi đi săn thì đúng hơn. Ai cho quyền được đi săn ?
Thằng Trí đốp chát ngay :
- Đồng chí Cường ạ ! Đồng chí thử suy nghĩ lại, vì sao đồng chí Dân và Hường đi săn chứ ! Có phải vì giải trí, vì ham vui hay vì muốn cải thiện bữa ăn cho bộ đội ? Vì cái gì ?
Thằng Cường cứng lưỡi, không sao trả lời được, nhưng cũng chống chế :
- Tôi không biết. Tôi chỉ biết lệnh của cấp trên đã quy định như vậy. Ai vi phạm thì người ấy bị kỷ luật.
Lý lẽ của thằng Cường không thuyết phục được mọi người. Chính trị viên ngồi suy nghĩ lung lắm. Đầu óc anh rối như tơ vò. Phải nói như thế nào đây ? Công nhận là liệt sĩ hay là kỷ luật đồng đội của mình ? May mắn, lúc này Lâm đã nói đúng ý của anh :
- Theo tôi, lý lẽ của các đồng chí nêu ra đều đúng. Nhưng chúng ta phải nhận thức được điều này : Nếu đồng chí Dân và Hường là hai kẻ hèn nhát, sợ chết, sợ địch thì họ đã lui về phía sau chứ không dám mạnh dạn nổ súng vào đội hình của địch. Cái sai của họ là không chạy về báo cho đại đội đểâ đại đội có ý kiến chỉ đạo, mà tự ý giải quyết. Nhưng điều tự giải quyết của hai đồng chí mình đều không ngoài mục đích tiêu diệt địch. Dù sao ý định đó là tốt. Nếu chúng ta vì lý do trên mà kỷ luật đồng đội mình thì sẽ xảy ra tác dụng không tốt. Liệu chừng nay mai khi gặp địch trong một điều kiện nào đó thuận lợi thì sẽ không ai dám đánh địch cả. Vì sao à? Vì chưa có lệnh, vì sợ kỷ luật. Đó là điều vô lý.
Ý kiến của Lâm được mọi người lắng nghe. Rít một hơi thuốc lào, Lâm nói tiếp :
- Vậy, theo ý tôi là ghi vào biên bản không kỷ luật hai đồng chí của mình. Và cũng chẳng có gì sai trái hoặc hữu khuynh gì cả khi chúng ta đề nghị cấp trên xét cho hai đồng chí mình được liệt sĩ. Nên xác định đây là cái chết trong chiến đấu, trong khi làm nhiệm vụ chứ không phải vì đi săn. Nhưng nếu có đi săn đi nữa thì cũng xuất phát từ một mục đích tốt đẹp là cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Đó là ý kiến của riêng tôi, đề nghị các đồng chí khác cứ phát biểu tiếp.
Chương ngồi lắng nghe các ý kiến nữa. Nhìn chung tất cả đồng tình với Lâm lùn. Riêng Chương, anh nghĩ, chỉ riêng sự chịu đựng gian khổ trên chốt gần một tháng như thế này thì người lính cũng xứng đáng được phong anh hùng rồi. Mười tám tuổi họ để lại tất cả để lên với núi rừng. Họ để lại những cuộc tình, những trang giấy học trò, những buổi chiều công viên hẹn hò, những tách cà phê thơm như môi hôn… Họ chấp nhận tự nguyện lên rừng chỉ để cầm khẩu súng. Và ngã xuống để bảo vệ cho bình yên đất nước. Không nên hẹp hòi và quá cứng nhắc từ suy nghĩ. Trời đã về giờ ngọ. Trưa không nắng chói gắt mà râm mát. Tổ nuôi quân đã mang cơm lên chốt. Buổi họp ngưng lại. Thằng Thuận tồ được cử làm tiểu đội trưởng thay cho Dân lác. Tổ nuôi quân chỉ còn hai người. Công việc của họ nặng nề hơn. Chưa có thêm người để bổ sung cho tổ nuôi quân này.
Trận địa im ắng tiếng súng. Cuối năm rồi. Đã sắp đến tết. Bao giờ toàn trung đoàn sẽ mở chiến dịch lớn để kết thúc cuộc chiến tranh nằm chốt gian khổ này ?
*
Ngày tháng chưa xa
Các chiến hữu thương nhớ,
Tao lại nhớ thằng Hổ quá. Ước gì tao được lên Đức Cơ để thắp cho nó một nén nhang thơm. Hương thơm sẽ bay trong gió. Tập nhật ký của hắn gửi riêng cho Thủy Tiên thì tao vẫn còn giữ cẩn thận. Nhưng tao không làm đúng như lời hắn đã dặn dò ở trang đầu tiên “Nếu trong cuộc chiến này tôi có chết đi, thì xin ai đó nhặt được tập nhật ký này thì hãy gửi cho Thủy Tiên theo địa chỉ…”. Chắc bọn mày cũng đồng ý với tao thôi. Làm sao tao có thể gửi vật kỷ niệm quý báu nhất của đồng đội mình cho một cô gái đã theo chồng sang Mỹ. Cô ta không xứng đáng để nghe những dòng chữ viết từ chiến trường. Cô ta chỉ xứng đáng nghe những lời tán tỉnh nồng nặc mùi đô-la của thằng Ngô Thuận mà thôi. Tao ghi lại trên trang thư này để chúng mình cùng đọc. Để tưởng nhớ một chiến hữu đã rời bỏ chúng ta ra đi mãi mãi. “Ngày 7-9-1978. Năm mười sáu tuổi tôi say mê tiếng đàn. Đêm khuya, những lúc không ngủ được tôi thường leo lên sân thượng nằm ngắm sao trời. Những ngôi sao ấy sáng lấp lánh như hằng triệu viên ngọc được ném vung vãi trên vòm trời. Lúc ấy có những tiếng dương cầm mơ hồ vọng lại. Như một tiếng thở dài. Như lời thì thầm tình tự. Và mỗi đêm như vậy đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Có những đêm ngồi hờ hững bên cửa sổ, bất chợt tôi lại nghe chập chờn tiếng dương cầm ấy. Và như một kẻ tình si dại dột nhất trần gian này - từ đó tôi thường hay đi lang thang như… một người lớn. Để làm gì vậy ? Chính tôi cũng không sao lý giải được nổi. Phải chăng đó là tâm trạng của bất cứ ai thời mới lớn. Chao ôi ! Thời ấy sao tôi nhiều mơ mộng quá vậy ?
Từ đó, tiếng đàn dương cầm đã làm tôi tương tư. Tương tư ai ? Tôi cũng không biết nữa. Tôi mường tượng những ngón tay khiêu vũ trên từng phím dương cầm phải là một cô gái rất dễ thương. Và tôi còn nhớ, vào một đêm oi bức của mùa hạ. Gió lang thang mãi đâu không trở về. Tôi nằm dài trên sân thượng. Bất chợt, lại nghe tiếng đàn dương cầm vọng lại. Như cơn gió. Như vỗ về. Và tôi đã ngủ rất hồn nhiên. Ngủ trong lãng đãng sương mờ của tiếng dương cầm. Trong giấc mơ đêm ấy tôi thấy mình thật sự là một người lớn. Hôm sau, bằng tất cả sự rụt rè, ngây dại, trong sáng tôi đã tìm đến ngôi nhà có tiếng đàn dương cầm. Trước ngôi nhà ấy có một giàn hoa giấy đỏ rực. Màu đỏ ấy mãi mãi còn ám ảnh trong trí nhớ của tôi.
Năm tháng tuổi thanh xuân đi qua. Đi qua không bao giờ trở lại. Tôi lớn lên chìm ngập trong sách vở trong lo toan và cả sự lọc lừa. Tôi quên mất tiếng đàn dương cầm. Đó là bất hạnh lớn nhất mà năm 18 tuổi tôi mới kịp ý thức được. Vào một buổi chiều lất phất mưa, sau khi đi ngổ ngáo giữa dòng đời, tôi trở về căn phòng của mình. Tôi nằm vật vã với sự chua xót của một mối tình bội bạc. Thủy Tiên. Ánh mắt em bén như một đường gươm dành cho kẻ tử tội. Tôi buồn muốn khóc. Bỗng nhiên nghe đâu đó vọng lại tiếng đàn dương cầm. Âm thanh ấy đánh thức trong tôi sự mơ mộng. Âm thanh ấy rửa sạch đời sống của tôi những phiền muộn mệt mỏi.
Rồi một sớm mai rất tinh khiết. Mây bay rất xanh. Gió rất trong lành. Tôi nhập ngũ. Tôi vào lính. Ở vùng Đaklak xa xôi đêm đầu tiên suốt đêm tôi thao thức không sao chợp mắt được. Tôi thèm nghe lại tiếng dương cầm. Người con gái mà tôi chưa gặp mặt đã đi lấy chồng hay dọn đi một nơi khác. Giàn hoa giấy có còn đỏ rực ? Và Thủy Tiên có lồng lộng trong chiêm bao chập chờn kỷ niệm của tôi không ?
Ngày 10-10-1978. Thơ tặng Thủy Tiên.
Em qua chiến trường nghe mưa thì thầm
Nghĩa trang lá úa trên tượng đá xanh
Tôi ngồi nhìn tôi qua nòng súng thép
Mưa trên tóc em giọt lệ mong manh
Em có hôn mưa trên lá vàng hoe
Tôi ngồi một mình nghe mưa buồn se
Tim tôi ung thư tôi thay viên đá
Khói lửa bây giờ là phấn son che
Sợi tóc em dài bay trong hư vô
Như sóng biển gầy từng giọt nhấp nhô
Tuổi trẻ bay qua khung trời biên giới
Tôi ngồi lạc loài đếm tuổi xuân qua
Em có nghe mưa rớt xuống hiên nhà
Âm vang đâu đây ngày tháng chia xa
Một mẩu thuốc tàn hắt hiu bóng tối
Cũng nặng ân tình hơi thở mẹ cha
Thuở mới khai sinh đã biết buồn
Em qua dòng sông nghe gió run run
Trăng lạnh chảy dài trong nỗi nhớ
Tôi hiếp dâm trăng lạc cội nguồn
Em qua chiến trường nghe tiếng dương cầm
Nghe mưa gọi hồn từng kẻ điếc câm
Em đóng đinh tôi trên cây thập tự
Quỷ dữ xin yêu những thiên thần
Người về bóng ngả dưới dòng sông
Em hát dịu dàng từ ngọn sầu đông
Trên đầu tôi là nòng súng thép
Ánh trăng như máu chảy ròng ròng…
Ngày 13-12-1978. Mấy hôm nay địch pháo kích dữ quá. Nằm trên chốt nhưng tâm hồn tôi lại bay bổng về trước cổng trường. Thủy Tiên, em có nhận được thư của tôi không ? Sao không một lần nào em trả lời cho tôi? Bỗng dưng thèm những cọng rau muống thật xanh. Nếu một ngày được ăn một cọng rau thì khi chết đi, tôi sẽ không ân hận gì cả. Rau xanh ôi rau xanh !
Ngày 21-12-1978. Từ nay, từ nay, vâng, chính từ nay, tôi là một người Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Viết thư chia vui với Thủy Tiên. Có phải, từ giây phút này tôi đã trở thành một người lớn ? Một chút tự bạch trong ngày vui lớn lao này. Sinh năm nào ? 1959. Thích ăn gì nhất ? Thịt gà và rau xanh. Thích uống gì nhất ? Cà phê sữa đá.
Bây giờ đang mơ ước gì ? Một radio national để nghe nhạc và tin tức. Một nhà sách báo để đọc. Một ba lô thuốc lào để hút. Nếu toại nguyện thì còn ước mơ gì nữa không ? Được trở về mái nhà xưa và chết. Tại sao ? Sống dài lâu để làm gì nếu mai sau chìm vào quên lãng. Nếu không vượt qua nổi không gian và thời gian ta đang mưu sinh thì chết có hơn không ? Thơ ca là gì ? Là xăng dầu trong chiếc xe máy. Nếu thiếu thơ? Không có thơ thì không có nhạc. Mọi người sẽ câm. Lý trí và trái tim sẽ câm. Hãy sống và có niềm tin vào một ngày được trở về cùng gia đình, bạn bè, thành phố. Niềm tin được viết hoa, được ghép bằng những mẫu tự dễ thương của ngày nào còn ê a cắp sách. Đó là chữ N chữ I chữ Ê chữ M chữ T chữ I chữ N. Viết trên giấy kẻ ô vuông, trên mũ, trên áo, trên quần, trên ba lô và súng đạn. Nếu cần viết trên vọng gác, trên giường, trên chiếu, trên chén, trên đũa… Có điều, khỏi cần viết trên trái tim, vì như vậy sẽ làm hư nát nhan sắc của Thủy Tiên.
Ngày 22-12-1978. Một nén nhang tưởng nhớ trung đội trưởng Nhân đã hy sinh vào tối hôm qua. Ngày hôm nay, nghe chính trị viên Chương lên lớp về ngày ra đời của Quân đội Nhân dân. Bọn Pôn-Pốt đang gây ra những thảm sát đẫm máu và man rợ ở Bảy Núi (An Giang), Sa Mát, Thiện Ngôn (Tây Ninh) và nhiều nơi khác dọc biên giới. Đêm 25-9- 1977, có một đơn vị được Pôn-Pốt giao nhiệm vụ đánh vào Hoa Lư (Sông Bé) nhưng đơn vị ấy đã không nổ súng theo mệnh lệnh. Người chỉ huy đơn vị ấy, đã vượt biên giới sang Việt Nam dẫn theo toàn bộ binh lính. Đó là trung đoàn phó Hun Xen. Đại tướng Lê Đức Anh đã giao nhiệm vụ cho thiếu tướng Đặng Quang Long, tư lệnh mặt trận 779 và các đồng chí trong bộ phận K (biệt danh của cơ quan giúp bạn Campuchia) khẩn trương tập hợp họ lại để thành lập lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân Campuchia. Trung đoàn phó Hun Xen được giao phụ trách một trăm hai lăm người Campuchia ly khai Pôn-Pốt, tổ chức những phân đội đầu tiên. Rõ ràng, cuộc chiến đấu của chúng ta không đơn độc. Hãy nhớ điều này nghe Hổ !
24-12-1978. Không nhận được thư của ai cả. Chim hót líu lo nghe buồn não ruột. Loài chim thật sung sướng. Sau tiếng súng gầm thét là chúng nó lại tụ tập với nhau để hót vui vẻ. Nghe tiếng chim hoài cũng chán. Nó chỉ hót mỗi một giọng. Đôi khi, thơ ca cũng vô ích như tiếng chim kêu, như một làn gió mát vậy. Đêm qua, lại nằm mơ thấy bóng dáng Thủy Tiên. Thèm hát lên giữa trời biên giới. Hát thật to cho vỡ tung lồng ngực này. “Giết người đi, giết người trong mộng đã bội thề. Giết người đi, giết người quên tình nghĩa phu thê. Giết người đi, giết người trong mộng đã đi về. Giết người đi, giết người như loài bướm đong đưa. Giết người đi, giết người mơ, giết tình thơ. Giết người trong mộng mơ…” Này Thủy Tiên, em có nghe ông Hàn Mặc Tử nói không ? Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phũ phàng. Tôi yêu em”.
Các chiến hữu thương nhớ,
Càng đọc tập nhật ký của thằng Hổ thì tao càng buồn. Lòng buồn rười rượi. Tao vẫn giữ tập nhật ký của nó ở dưới ba lô. Một kỷ vật không quên. Tao sẽ đưa tập nhật ký này vào nhà truyền thống của trung đoàn. Bọn mày nghĩ sao ? Còn tao, đời sống vẫn bình thường. Tấm thẻ thương binh trong thời buổi này rẻ như bèo. Đôi khi tao không biết sử dụng nó vào việc gì cho hữu ích. Hay là đem nấu nó với những tấm bằng khen để làm thuốc trị bệnh sốt rét còn dai dẳng đến bây giờ ? Bạn bè cũ thì tao vẫn gặp. Không biết chúng nó còn kéo lê đời sống tăm tối đến bao giờ. Mỗi lúc gặp bọn thằng Dưỡng, Phương nổ, Vân đen thì không hiểu sao tao lại nhớ đến lời nói của nhà văn André Moiraux (Giữa mười tám tuổi và hai mươi tuổi, cuộc đời giống như một cái chợ để người ta đi mua các giá trị, không phải bằng tiền mà bằng hành động. Phần đông con người không mua gì cả”. Còn chúng ta, chúng ta đã mua được gì ? Nè ! Đừng mỉa mai là tao đã mua được tấm thẻ thương binh nhé ! Phải chăng chúng ta đã mua được những tháng năm sống trọn vẹn cho tuổi thanh xuân. Phải chăng chúng ta đã mua được một điều quý báu : Máu và cái chết của chúng ta đã đổ xuống vì một mục đích lớn lao vì hướng thiện và nhân bản ?
Vài dòng gửi đến các chiến hữu. Tao dừng bút nhé. Hẹn ngày gặp lại ở quê nhà, bọn mình sẽ tâm sự với nhau nhiều hơn. Khi đó, chúng ta sẽ ngồi ở quán cóc bên lề đường uống rượu với thịt chó mà kể chuyện đời lính. Bọn mày đồng ý không ? Hay là chúng ta sẽ ngồi ở nhà hàng sang trọng mà hát lên điệp khúc của thuở nào còn tập đi đều : (một, hai… một hai) rất hào hùng. “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi. Mãi mãi vững tin Đảng tiên phong. Bộ đội của ta đang mạnh lớn. Lớp lớp sóng người vững bước dưới cờ. Vinh quang này là đoàn quân ta chiến thắng…”. Hay chúng ta sẽ cùng hát lên bài “Thánh ca” của bọn mình “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình…” Nghĩ đến vậy thôi mà tao đã thấy trái tim mình rạo rực như sắp trúng số độc đắc. Chúc bọn mày chân cứng đá mềm để đi qua cuộc hành trình gian khổ này. Hôn tất cả các chiến hữu. Mong thư hồi âm. Chúc vui. Vui. Và nhớ ghi thư cho tao nhé.
Tình thân,
Dũng B.40
< Lùi | Tiếp theo > |
---|