VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI - CHƯƠNG BA

Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI - CHƯƠNG BA

Mục lục
Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHUONG BỐN
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
Tất cả các trang


CHƯƠNG BA


Tổ nuôi quân bắt đầu chuẩn bị đem cơm lên chốt. Mặt trời thức dậy với những tia nắng rọi qua làn sương mỏng. Líu ríu những tiếng chim. Róc rách những tiếng suối. Những cục cơm vắt được chia đều ra ba cái gùi. Vinh mèo, Dân lác và Thuận tồ sẽ làm nhiệm vụ này. Chỉ cách nơi xảy ra chiến tranh một cây số đường chim bay, nhưng nơi đây im ắng lạ thường. Điều đó, buộc cho người ta bao giờ cũng thấy thiên nhiên luôn luôn là người bạn tốt của con người. Trong lúc đó, con người lại tìm cách xa lánh thiên nhiên, xa lánh nó để rồi khi tìm đến với nhau là một sự chết chóc, giao tranh với nhau bằng những phương tiện vũ khí giết người tối tân nhất.
Thằng Bình điếc dõng dạc “quán triệt” cho cánh lính của mình :
- Thưa các đồng chí…
Đang nói êm ru như vậy, hắn bỗng thay giọng đột ngột :
- Thôi, gọi mày tao cho dễ nghe. Thằng Dân lác đi trước với khẩu AK báng gấp. Thằng Vinh mèo đi giữa. Thằng Thuận tồ đi sau cùng. Mỗi thằng đều mang thêm một quả lựu đạn US. Mỗi người cách nhau từ mười đến mười lăm mét. Chú ý cảnh giới hai bên. Khi có tình huống xấu thì nhảy xuống các hố công sự. Cấm nổ súng. Chờ đơn vị chi viện. Các đồng chí nghe rõ chưa !
- Rõ !
- Lên đến nơi sau khi phát cơm cho anh em thì nhớ mang toàn bộ bi đông nước về để đong nước cho anh em. Tranh thủ về thật sớm. Rõ chưa ?
- Rõ !
Thằng Bình vỗ vai những người lính dưới quyền của mình :
- Được rồi ! Bọn mày đi đi. Hỏi thăm chừng là anh em ăn uống cơm nước như thế này có ngon miệng không ?
Dù nói như vậy, nhưng thằng Bình cũng thừa biết là làm sao anh em có thể ăn một cách ngon miệng được. Biết kêu ai bây giờ ? Tiêu chuẩn mỗi người lính đang chiến đấu mỗi ngày là bảy lạng gạo. Buổi sáng họ được ăn cơm vắt. Buổi trưa, tổ nuôi quân sẽ mang lên cho mỗi người một phần cơm rời và thêm một cục cơm vắt nữa để dành cho buổi chiều. Còn về phần thực phẩm thì cũng chẳng có gì là nhiều lắm đâu. Một lon thịt hộp dành cho nửa đại đội. Một lon sữa dành cho bảy người. Một gói thuốc Nông Nghiệp dành cho hai người. Những tiêu chuẩn như vậy rất khó chia cho người lính. Chính vì eo hẹp như vậy nên món ăn dành cho người suốt thời gian ở chốt là muối mè hoặc một lon thịt nấu với hai lít nước để chia đều cho mọi người. Còn rau xanh thì quý hơn vàng. Có rau hay không là còn tùy thuộc vào tài đi hái, tìm kiếm của tổ nuôi quân.
Ý thức được như vậy nên chiếc gùi trên vai anh em nuôi quân nặng như mang cả trái đất này. Họ đang mang sự sống của đồng đội trên vai của mình. Vượt qua những dây gai rừng chằng chịt, tổ nuôi quân đã đến nơi.
Họ chạy lom khom dưới những dãy chiến hào cao đến ngực. Những hầm kèo kiên cố. Cả một đại đội đang trú quân dưới lòng đất. Mọi sinh hoạt bình thường nhất của con người đều được lòng đất chở che. Tất cả im ắng lạ thường. Phía trước là địch đang cố thủ, từng ngày nã pháo xuống trận địa của người lính.
Thằng Vinh mèo bước đến hầm của trung đội trưởng Nhân. Anh là người Hải Phòng, nhập ngũ từ năm 1974. Người đi qua hai cuộc chiến tranh với những mệt mỏi ngao ngán. Chán chường. Sau khi tu cạn nước trong bi đông, anh gọi :
- Dân lác mày vào đây tao nói cái này nghe vui lắm.
- Gì vậy anh Nhân ?
- Hì, hì vào đây hút một hơi thuốc lào Vĩnh Bảo, chính hiệu của Hải Phòng sản xuất. Ngon đã đời !
Thằng Dân lác khom mình bước vào căn hầm chữ Z chật chội nhưng mát rười rượi. Hắn rít một hơi thuốc lào rồi ngã người dựa vào thành hầm nhả khói, mắt nhắm lơ mơ để tận hưởng mùi vị quyến rũ của thuốc lào.
- Mày nhập ngũ từ năm nào Dân lác ?
- Em mới vào đây thôi.
- Mày có nhớ nhà không ?
Thằng Dân lác tròn xoe mắt :
- Trời đất ơi ! Anh hỏi sao lạ vậy ? Em nhớ nhà lắm. Đêm nào em cũng nằm mơ thấy mẹ em hoài.
Nhân lắc đầu mệt mỏi :
- Mày giống hệt như tao. Từ năm 1974 đến nay tao chưa hề được về phép. Cứ tưởng là sau giải phóng miền Nam là tao trở về quê cày ruộng nuôi vợ con chứ đâu ngờ như thế này.
- Anh còn chưa được về phép thì bọn em còn biết chờ đến khi nào ?
- Đồ nhãi ranh. Mới nhập ngũ được vài ngày mà đã đòi phép với tắc. Mày nghe tao dặn này.
Thằng Dân lác lại làm một điếu thuốc lào nữa. Hắn vo thật nhỏ những sợi thuốc vàng hươm rồi hỏi.
- Anh nói gì vậy anh Nhân ?
Không biết sao, Nhân lại không nói. Nhân nói sang chuyện khác :
- Được rồi. Mày rút về hậu cứ đi. Nhớ đong cho anh em đầy đủ nước trong bi đông nghe chưa ?
- Dạ !
- Mày bảo thằng Bình điếc vắt cho anh em cục cơm lớn hơn một chút, chứ cục cơm bằng nắm tay thì ăn chẳng bõ dính răng.
- Dạ !
Chẳng mấy chốc, anh em trên chốt đã ăn xong phần cơm buổi sáng của mình. Họ lại tranh thủ đào chiến hào lấn về phía trước. Và thay phiên nhau củng cố công sự. Nhân bước ra khỏi hầm để xuống từng tiểu đội bằng cách bò khom khom. Thì ra, mặc dù thiên nhiên rất tốt với con người nhưng con người phải cảnh giác với những viên đạn bắn sẻ của lòng thù địch. Nguồn gốc của con người là từ con vật, trải qua hằng triệu năm theo tiến hóa con vật ấy mới đi bằng hai chân. Đi bằng hai chân và biết sử dụng lửa là con người đã bước sang một thế giới của động vật cao cấp. Thế nhưng, chiến tranh đã kéo lùi con người lại. Ở trên cao điểm này, điểm chốt này, họ không thể đứng thẳng và dùng lửa. Khi đứng thẳng và dùng lửa - dù là lửa của đầu điếu thuốc lá thôi - địch sẽ phát hiện và trở thành mục tiêu của cái chết. Thời điểm này, có một thế hệ chấp nhận tự nguyện điều đó - để đem lại sự vinh quang cho Tổ quốc. Hãy sống đi ! Đừng nên so tính thiệt hơn về mình khi đất nước đang cần những tấm lòng dũng cảm. Nhân đã tự nói với lòng mình như thế. Nhưng từ bên trong tâm hồm của anh cũng vọng lên một tiếng nói khác hẳn.
Trước ngày nhập ngũ thì chính quyền địa phương hứa hẹn khi thống nhất đất nước sẽ trở về. Thời ấy, chiến tranh xảy ra ngay tại làng quê của anh. Thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ. Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân. Âm hưởng của ca khúc ấy dội vào lòng người. Dội vào những niềm vui. Đánh Mỹ đã trở thành lý tưởng. Mặc dù mới cưới vợ xong, vợ đang mang bầu được ba tháng, anh cũng tình nguyện đứng vào hàng ngũ của người lính. Lúc 30-4 anh đã nhận được những lá thư của người vợ trẻ kêu về, “Anh thích làm ông to bà lớn lắm hay sao mà không trở về với vợ con. Thống nhất rồi anh còn ở trong quân đội làm gì nữa ?”. Những lời trách móc như kim nhọn đâm vào trí nhớ hằng đêm. Rồi công việc cuốn hút anh đi. Rồi chiến tranh Tây - Nam lại nổ ra. Anh vẫn chưa về. Bao giờ anh sẽ về ? Câu hỏi ấy không có một đáp số trả lời. Đang suy nghĩ miên man như vậy thì thằng Hổ bước đến.
- Làm gì mà ngồi thẫn thờ vậy anh Nhân ?
- À ! Mày hả Hổ ? Đào được mấy mét chiến hào rồi ?
- Mới có được vài mét. Rễ cây nhiều quá !
- Mày dùng xà beng mà nện cho nó đứt rễ chứ có khó gì đâu !
Thằng Hổ quệt mồ hôi trên trán :
- Ừ thì em cũng làm như vậy.
- Làm như vậy là tốt. Chiến hào là áo giáp của người lính. Tu sửa chiến hào, củng cố công sự và thường xuyên kiểm tra vũ khí là nhiệm vụ hàng đầu của người lính…
- Thôi, thôi stop giùm đi ông Nhân ơi ! Sao anh thích lên lớp giống chính trị viên Chương quá vậy ? Điều đó ai cũng biết thì anh nói làm gì ?
Nhân cười hiền khô :
- Nói thì trách nhiệm trung đội trưởng phải nói. Sao mày khó tính quá vậy ?
- Em khó tính nhưng đâu bằng anh khó tính.
Nhân chợt nhớ ra chuyện cũ. Từ hồi bọn thằng Hổ còn là lính tân binh mới từ quân trường lên đơn vị mới. Ở Đaklak thời tiết lúc đó rất lạnh. Cái lạnh buốt vào tận xương. Môi mỗi người phồng rộp lên vì lạnh. Mỗi người chỉ dám tắm vào lúc buổi trưa nắng nhạt hoặc xế chiều mà thôi. Cái hồ nước rộng mênh mông của các tiểu đoàn bao giờ cũng đầy sương khói bốc hơi… Trong một phiên gác đêm thằng Hổ ngồi quấn cái mền đến tận cổ mà… ngủ. Gió thổi phần phật vào cái mền như càng ru người ta ngủ say hơn. Rủi ro cho thằng Hổ là lúc đó, Nhân đi kiểm tra lính của mình. Anh đã sửng sốt khi bắt gặp một hình ảnh chướng mắt, mất cảnh giác “cao độ” như thế. Phải gọi dậy làm cho vài bạt tai rồi lôi ra kiểm điểm từ tiểu đội, trung đội đến toàn đại đội ? Không hiểu sao lúc đó Nhân lại nghĩ ra một cách quái ác là nhẹ nhàng lượm lấy khẩu súng của thằng Hổ. Anh lên báo cho đại đội trưởng Phú và thế là sau đó, có lệnh báo động toàn đại đội.
Nửa đêm lạnh buốt, đang ngủ ngon trong doanh trại mà có lệnh báo động là một… cực hình. Với thời gian cho phép, chỉ trong vòng năm phút là người lính đã chỉnh tề quân phục, súng ống và răm rắp đứng vào đội ngũ của mình để sẵn sàng nhận mệnh lệnh chiến đấu. Đại đội trưởng Phú ra lệnh cho mọi người kiểm tra lại vũ khi chiến đấu của mình. Thằng Hổ mặt mày tái lét như con gà bị cắt tiết không còn một giọt máu. Súng của hắn đâu rồi ? Hay là địch đã đột nhập lấy súng ? Câu hỏi ấy thằng Hổ không sao trả lời được. Người lính mà làm mất súng thì bị kỷ luật đến trọc đầu chứ chẳng phải chơi. Khi toàn đại đội được giải tán thì trung đội của Nhân phải ở lại để truy tìm trách nhiệm của thằng Hổ. Trời càng về sáng thì khí hậu lại càng lạnh. Anh tuyên bố hình phạt dành cho binh nhất Hổ là phải nhảy xuống hồ để mò lại khẩu súng - chính anh đã vứt xuống hồ nước rộng mênh mông rồi.
Thế là lúc trời lờ mờ sáng thằng Hổ phải nhảy xuống hồ với nước lạnh như cắt da. Hắn đã tìm được khẩu súng và mất mấy tiếng đồng hồ chùi lau sạch sẽ. Sau đó, chi Đoàn đem ra nạo một trận ra trò. Kỷ niệm ấy anh em trong đại đội còn nhớ hoài. Và từ đó, không ai dại dột bỏ gác hoặc ngủ trong khi gác để chịu một hình phạt “đày ải” như vậy. Cũng từ đó, Nhân có vẻ thiên lệch dành tình cảm cho thằng Hổ nhiều hơn. Nhất là từ khi hắn lên gặp Trung đoàn trưởng để xin được ở lại đơn vị chiến đấu. Mãi đến bây giờ thằng Hổ cũng không sao hiểu được tại sao hắn lại được cho xuất ngũ khi thương tật không đáng kể ? Với cương vị của người lính binh nhất thì làm sao Hổ được biết kế hoạch Z được phổ biến trong toàn sư đoàn. Sau này, mãi đến khi lên chốt, giữa lúc ầm ì súng đạn ngày đêm, chính trị viên Chương mới gặp thằng Hổ. Anh đã nói hết mọi nhẽ cho hắn biết về chuyện đó. Vấn đề này không phải đạo đức, lý lịch mà chính là… sắc tộc. Lúc đó, đã rập rịch mâu thuẫn với Trung quốc nên có lệnh cho những người lính gốc Hoa được về tuyến sau. Nói xong điều đó, chính trị viên nói tiếp :
- Trở về tuyến sau hay không là tùy cậu. Cậu được quyền tự chọn cho mình một chỗ đứng xứng đáng. Lúc này là lúc đánh nhau, cận kề với cái chết từng phút một nên cậu tự suy tính. Nếu không nói điều này, trong cuộc chiến tranh này cậu có mệnh hệ gì thì tôi phải chịu trách nhiệm với cấp trên. Còn nếu cậu muốn ở lại cùng đơn vị thì đơn vị sẽ chấp thuận điều đó.
Thằng Hổ suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng hắn quyết định ở lại. Rõ ràng hắn gốc Hoa nhưng sinh sống ở Việt Nam đã lâu. Từ lời ru thuở nằm nôi đến lúc đi học là hắn chỉ tiếp xúc với ngôn ngữ Việt. Bạn bè là bạn bè Việt. Điều quan trọng hơn cả là sự gắn bó với đồng đội thời gian qua với những kỷ niệm khó quên. Giữa lúc đơn vị đang từng ngày đổ máu thì lẽ nào mình lại bỏ về tuyến sau ?
Đang tâm sự với Nhân thì chính trị viên Chương bước đến. Chim hót véo von trên những cành cây đã cụt đầu. Gió thổi mát dễ chịu. Thằng Hổ vội vàng lên tiếng :
- Chào thủ trưởng !
- Chào các cậu ! Những người lính quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sao mặt mày lấm lem hết thế kia !
- Dạ, em mới đào chiến hào.
Nói xong thằng Hổ lui về công sự của mình. Anh Chương gọi theo :
- Hổ này, mày đến lại đây, anh nhắn cái này một chút. Chiều nay, sau khi cơm nước xong, cậu, thằng Dũng B40 với thằng Vân đen lên hầm Đại đội nhận tin vui mới.
- Tin vui gì vậy thủ trưởng ?
- Bí mật.
- Thủ trưởng bí mật hé hé giùm em, được không thủ trưởng ?
- Cậu lộn xộn quá. Cứ hỏi hoài. Anh dặn thêm là ba cậu phải ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ.
Nói xong câu ấy, anh chợt phì cười. Làm sao mà có thể sạch sẽ được. Đóng chốt được một tuần rồi, nào có ai được lui về tuyến hậu để tắm giặt đâu. Nếu có chăng thì cũng là sự tranh thủ rất hạn hẹp. Chính Chương cũng vậy, anh đang mơ đến dòng nước suối mát lạnh. Chà lúc này được ngâm mình vùng vẫy ở dưới đó thì “ngon” biết bao nhiêu. Nhưng buổi chiều nay là niềm vui của mấy thằng lính tân binh, anh bèn linh động giải quyết :
- Cậu về báo cáo lại với trung đội trưởng, tiểu đội trưởng là cậu, thằng Dũng B.40, thằng Vân đen được lui về hậu cứ để tắm giặt. Thời gian đại đội cho phép là nửa tiếng đồng hồ. Rõ chưa ?
- Dạ, sướng quá thủ trưởng ơi !
Thằng Hổ nhanh chóng đi báo tin ấy cho bạn bè của mình. Nhưng cả ba thằng cũng đều không thể biết chiều nay sẽ đón nhận tin vui gì ? Không lẽ được thăng cấp từ binh nhất lên Hạ sĩ ? Chắc không phải. Chắc không phải. Vì thăng cấp ngoài tiêu chuẩn khác thì còn có kèm theo niên hạn. Bọn nó là lính mới tò te, chỉ mới hơn một năm lính thì niên hạn đâu có đủ. Không nghĩ ngợi nhiều. Ba anh chàng binh nhất cùng nhập ngũ một ngày, cùng cấp bậc binh nhất đi về với nguồn nước mát tuyệt vời.
Trong hầm chỉ còn lại hai người lính cùng vượt Trường Sơn. Chương quê ở Nghệ An. Nhập ngũ từ năm 1972. Vóc dáng của Chương gầy, không biết thuốc lá và tránh xa rượu như tránh thuốc độc. Nhưng bất cứ cuộc liên hoan nào của đơn vị, anh cũng dự đến phút cuối cùng. Anh em thích Chương bởi tính nết vui vẻ, không hề cau có với cấp dưới. Chương hỏi Nhân :
- Lâu nay có nhận được thư nhà không ?
- Báo cáo với anh là có.
- Vậy là cậu sướng hơn mình rồi. Mình từ lúc đi phép vào đến nay, chẳng có vợ, con viết cho mình một chữ nào cả.
- Nhận được thư khổ lắm anh Chương ơi ! Vợ em cứ khăng chăng đòi em phải làm đơn xin xuất ngũ. Nó “ra lệnh” cho em phải về, nếu không là nó sẽ… đi lấy chồng khác. Anh nghĩ cứ ức không chứ ?
Chương mím môi suy nghĩ :
- Sau chiến dịch này, chính mình sẽ đề nghị với tiểu đoàn, trung đoàn cho cậu đi phép thường niên. Cậu cứ an tâm.
Nhân cười ruồi :
- Không an tâm thì làm sao em có thể trụ đến ngày nay được.
- Chính vì biết cậu như vậy nên mình mới nói vậy.
Cả hai cùng cười vì câu nói của Chương. Nhưng Nhân dường như ấm ức một điều gì đó :
- Người lính cũng là xương thịt, chứ có phải là sắt là đá đâu mà không có tình cảm gia đình ? Cấp trên lúc nào cũng hô hào phải hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, không lẽ chỉ bằng niềm tin thôi à ?
Chương cau mặt :
- Cậu nói rõ thêm một chút ?
- Anh thử xem ! Ăn uống như thế này thì đánh đấm cái gì ? Em sợ rồi anh em đào ngũ hết, không phải vì sợ súng đạn của kẻ thù mà vì tiêu chuẩn ăn thấp quá.
- Mình cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng mới chuyển lên chốt được vài ngày thì hậu cần làm sao chuyển tất cả lên kịp ? Nếu gia súc ở hậu cứ An Khê chuyển lên đây thì bọn mình sợ ai mà không cho ngã con lợn để có thịt tươi cho anh em ? Mình tin là vài ngày nữa thôi, bữa ăn sẽ được cải thiện chứ không như thế này đâu ? Cậu đồng ý không ?
Nhân gật đầu :
- Em hoàn toàn đồng ý với anh. Nhưng có một điều em còn thắc mắc là không hiểu sao là đời sống này thiếu công bằng nhiều quá. Có thằng sinh ra là để làm lính, suốt năm xa nhà với đồng lương ba cọc ba đồng. Có thằng thì sinh ra dưới ngôi sao sáng hay sao mà liên tục đi nước ngoài, buôn bán mánh mung chẳng mấy chốc mà giàu sụ. Tại sao như vậy?
- Không phải tại định mệnh hay tại một cái gì cả. Tại sự phân công không rạch ròi của xã hội, của tổ chức. Anh em mình cứ thoải mái tâm sự để hiểu nhau hơn là điều tốt thôi. Hồi đó, mình đậu vào đại học nhưng không vào đại học vì sao cậu có biết không ? Vì không có Đoàn. Bây giờ nghĩ lại còn thấy ức. Thế nhưng khi nộp đơn vào bộ đội thì người ta lại chấp nhận liền ! Nhưng vào đến bộ đội cũng chưa yên thân. Đến lúc kết nạp Đảng cho mình thì có những ý kiến không đồng tình. Cậu có biết lý do gì không ?
Nhân nói đùa với cấp trên của mình :
- Chắc tại hồi đó, anh mèo mỡ trai gái chứ gì nữa ?
- Tầm bậy. Chỉ tại cái tên. Ông Bí thư chi bộ của mình hồi đó, đặt vấn đề mà bây giờ nghĩ lại mình vẫn còn thấy buồn cười. Ông ta hỏi : “Ai đặt cho cậu cái tên xấc xược như thế ?” Mình hỏi lại “Thưa thủ trưởng vì sao lại gọi xấc xược ạ !”. Ông ta gầm lên “Phạm Huy Chương. Ai phong cho cậu huy chương nào ? Có phải Đảng phong cho cậu không ? Không ! Vậy giai cấp địa chủ phong kiến phong huy chương cho cậu à ?” Thế là ông ta “tra tấn” mình cả mấy tiếng đồng hồ về hoàn cảnh gia đình, về nguồn gốc cái tên xinh đẹp của mình. Cuối cùng, như một con kiến bị dồn vào chân tường mình viết đơn không xin vào Đảng gửi cho các cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Mãi đến mấy tháng sau mình mới được kết nạp Đảng. Cậu thấy đó. Có những sự việc lăng nhăng, nhố nhăng làm phiền muộn người ta lắm. Phải bình tĩnh mà suy xét, giải quyết chứ không nên nóng vội hành động một cách thiếu chín chắn.
- Nhưng không lẽ phải chờ thời gian hay sao anh Chương ?
Chương gật gù :
- Có những sự việc phải chờ thời gian. Tôi cam đoan với cậu một điều : Đảng có thể phạm nhiều sai lầm trong quá trình lãnh đạo, nhưng khi biết một điều gì đó đã phạm khuyết điểm thì Đảng sẵn sàng nhận lỗi về phía mình. Mình kể cho cậu nghe chuyện này. Chuyện từ thời cải cách ruộng đất. Cậu biết cụ Phan Bội Châu chứ !
- Trời đất thủ trưởng giỡn sao mà nói em vậy ? Cụ Phan thì ai không biết ? Hồi còn học phổ thông em đã đạt được điểm tám khi phân tích hai câu thơ của cụ trong bài tập làm văn :
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai ?
Chí lý quá phải không anh Chương ?
- Ừ ! Chí lý lắm. Gia đình cụ Phan thuộc tầng lớp nhà nho nghèo. Ba mươi năm cụ thoát ly gia đình, xả thân hoạt động cho sự nghiệp cứu nước. Trong đó có hai mươi năm bôn ba ở hải ngoại và mười lăm năm bị giam cầm, cuối cùng là ở Huế cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, Đội cải cách địa phương đã quy cụ thuộc thành phần địa chủ. Họ đã lý luận theo kiểu tam đoạn luận một cách đơn giản : Cụ Phan học đỗ đạt cao, mà đỗ đạt cao thì phải là con nhà giàu mới có tiền ăn học, mà con nhà giàu là thuộc thành phần địa chủ. (!) Cụ đã bị xử lý bằng hình thức oái ăm là ảnh cụ đang treo ở nhà thờ họ Phan bị đem để chuồng trâu ! Sự việc trên đã đến tai cụ Hồ. Tất nhiên là cụ Hồ đã phê bình việc làm sai trái trên và từ đó, cụ Phan mới được xóa thành phần.
Chính trị viên Chương vừa kể đến đó, đột nhiên Nhân hỏi :
- Này anh Chương, anh kể cho em nghe chuyện ấy với ngụ ý gì vậy?
Chương cười ranh mãnh :
- Chẳng có ngụ ý gì cả. Cậu cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tổ chức sẽ đền bù xứng đáng những tiêu chuẩn mà cậu được hưởng. Chính mình sẽ đứng ra làm điều đó. Sau chiến dịch này, cậu đi phép thì cũng không muộn gì. Viết thư động viên vợ như thế, chứ trong tình hình này thì biết làm sao hơn ?
Nhân cảm động trước những lời trao đổi thân mật với cấp trên của mình. Lúc này, nắng đã lên cao. Tiếng chim Puk động cánh bay với tiếng kêu hoảng hốt. Âm thanh ấy đã kéo những người lính lao ra vị trí chiến đấu. Quả nhiên những loạt pháo từ phía bên kia bắt đầu nã xuống đầu người lính. Ầm ! Ầm ! Mặt đất rung lên. Căn hầm rúng động. Cuộc chiến đấu bắt đầu. Điều quái ác là địch canh tọa độ pháo tương đối chính xác. Đại đội trưởng Phú ra lệnh hỏa lực bắn cấp tập vào những điểm nghi ngờ. Anh cho liên lạc chạy xuống báo với từng trung đội :
- Các đồng chí cần xem lại vị trí của mình, theo quân báo của Trung đoàn là chúng nó đã triển khai bọn canh “đề lô” để bắn chính xác vào trận địa của ta.
Nhận được lệnh đó, Nhân vác khẩu trung liên xăm xăm chạy về phía vọng gác. Bằng vóc dáng to lớn như con voi nên Nhân đã sử dụng trung liên thuận tiện như cầm khẩu AK vậy. Bóng của địch đang chạy lúp xúp như những con chuột vượt trên đồng ruộng lúa vàng rực. Ruộng chưa người gặt hái đang trở thành nơi giao chiến. Anh cho người báo với đại đội trưởng Phú để ra lệnh A1O nã cối 60 xuống đó. Những tiếng cối 60 nổ đanh thép. Và bất chợt bằng linh tính của người lính từng trải, Nhân ngước mặt nhìn về phía vòm cây rậm rạp cách anh chừng hai mươi mét. Tại sao nơi đó lại liên tục động đậy một cách khả nghi ? Do lộ liễu chiếc khăn rằn màu đỏ chói nên Nhân phán đoán đó chính là thằng “đề lô”. Thằng canh tọa độ cho địch bắn pháo với mực độ chính xác nhất. Tim Nhân đập thình thịch. Anh tự mình xử trí tình huống này. Khi bắn trung liên thì thông thường người ta xòe hai chân của nó trụ xuống đất vững chãi, Nhân không làm như thế. Anh xếp chân nó lại và vận dụng sức của đôi cánh tay khỏe mạnh để nâng nó lên. Khẩu trung liên được sử dụng như khẩu AK hoặc R15. Từ khe thước ngắm đến đỉnh đầu ruồi. Ánh sáng được chia đôi. Tạo thành một đường thẳng. Nhân từ từ nín thở. Ngón tay trỏ sắp sửa siết cò. Chỉ trong tích tắc một vài giây là kẻ thù sẽ ngã đổ xuống. Hắn là ai ? Có vợ con như mình không ? Vợ của hắn sẽ mang một vòng tang trắng của nỗi niềm đơn độc suốt năm dài góa bụa. Con của hắn sẽ mất bố. Chỉ nghĩ vậy, anh lại hạ nòng súng thấp dần.
Tiếng pháo của địch lại tiếp tục nã cấp tập vào trận địa. Điều đó làm lòng anh đau như xát muối. Khẩu súng lại được nâng lên và chỉ trong chớp nhoáng của một phần tư giây đồng hồ - từ nòng súng bắt đầu khạc đạn. Vai anh rung lên từ loạt đạn thứ nhất. Thằng “đề lô” đã ngã từ trên cành cây cao xuống đất. Tiếng pháo im dần. Nhân quẹt mồ hôi bằng cánh tay sạm nắng của mình. Anh nằm vật xuống lòng chiến hào. Đó là lúc bốn giờ chiều. Nắng nhạt như môi son màu tím của người đàn bà qua tuổi xuân thì.
*
Ngày tháng chưa xa,
Các chiến hữu thương nhớ,
Trong đời sống của mỗi người ai cũng có một lần ước mơ. Tao nhớ hoài những phút giây gặp trung đội trưởng của mình. Anh chàng to như con voi mà lại có tâm hồn yếu đuối như một phụ nữ. Có lẽ, đàn bà là chỗ dựa vững chắc nhất của đàn ông. Lá thư cuối cùng mà trung đội trưởng nhận được đã làm tao nhớ hoài. Nhớ như một kỷ niệm khó quên của chiến trường. “Em nói điều này ra thì chắc anh cũng không vui. Sự chờ đợi của em cũng có giới hạn. Một giới hạn theo nghĩa đen của nó. Trăm dâu đổ lên đầu tằm. Em không trách móc ai cả. Em trách móc chính em là người không biết khôn khéo để chiều chuộng mẹ của anh. Một việc nhỏ nào em cũng phải chịu đựng biết bao lời nhiếc móc thậm tệ. Em lấy anh làm chồng vì em chờ đợi được làm mẹ, làm vợ. Được chăm sóc chồng, con. Đừng biến em thành một người ở đợ, một người giúp việc. Từ ngày anh vào quân đội em mong mỏi một hạnh phúc bình thường nhất của người đàn bà bằng niềm tin của người tuyệt vọng. Chao ơi ! Nếu có anh bên cạnh thì em sẽ hạnh phúc biết chừng nào. Em sẽ sà vào lòng của anh mà khóc òa như một đứa trẻ. Bao giờ anh sẽ về ?” Lá thư ấy muôn đời, muôn kiếp không có một câu trả lời vọng lại. Nó tan vào hư không. Buổi chiều hôm đó tao nhớ hoài. Nỗi nhớ không rời. Nỗi nhớ rực rỡ. Như mới vừa xảy ra đây thôi.
Chiều hôm đó trời xanh biếc. Mây trắng bay lững lờ. Lần đầu tiên tao thấy chính trị viên Chương mặc áo mới. Và lại đeo quân hàm một cách chỉnh tề nữa chứ ! Mấy thằng mình cũng vừa tắm giặt ở hậu cứ lên. Khi lên đến nơi thì biết trung đội trưởng Nhân vừa kết thúc trận đấu bằng loạt đạn chính xác của mình. Khói súng vẫn còn thơm dọc chiến hào. Tao, thằng Hổ, thằng Vân đen đã có mặt ở căn hầm đại đội. Thú thật, lúc đó tao cũng không thể biết tại sao chính trị viên lại gặp riêng bọn mình như vậy. Trong căn hầm kèo chữ Z vật dụng được xếp lại một cách gọn gàng hơn. Chiếc võng xanh được trải dưới đất, thay cho tấm ni-lông cáu bẩn. Chính trị viên Chương nói :
- Mấy cậu cứ vào đây. Cứ ngồi tự nhiên như người Hà Nội.
Câu nói đùa thật có duyên. Trong bình bi đông đã đựng trà thơm ngát và nóng hổi. Mấy cái chén ăn cơm được dùng ly để uống trà. Không hiểu sao, lúc đó, uống chén trà lại thấy ngon miệng và đậm đà đến thế. Và sướng hơn nữa, là khi thằng Vân đen định mồi lửa hút điếu thuốc lào thì chính trị viên Chương lại hào phóng chìa cho mỗi đứa một điếu thuốc Phù Đổng. Loại thuốc sang trọng và quý phái của những năm đó. Cảm giác ngồi uống trà Bắc Thái và hút thuốc lá Phù Đổng vẫn còn nguyên vẹn. Từ ngày rời quân ngũ, tao không thể tìm lại được cảm giác ấy. Ngồi tựa lưng vào cửa hầm, chính trị viên Chương bắt đầu nói bằng một giọng chậm rãi :
- Sau năm tháng thử thách khốc liệt ở chiến trường, được sự phân công của Chi bộ theo dõi, giúp đỡ các đồng chí tiến bộ, tôi nhận thấy trong cánh lính tân binh vừa mới được bổ sung về đơn vị thì các đồng chí có những cố gắng nổi bật hơn cả.
Lời nói ấy vẫn còn làm tao gờn gợn gai ốc, mỗi khi nhớ lại. Đó là lần đầu tiên trong đời, tao được nghe những lời đánh giá nghiêm túc, nhận xét chân thật về bản thân mình. Trong đó không hề có những lời tâng bốc hoặc chê bai vì một động cơ nào đó ẩn giấu phía sau. Trong các buổi họp ở ngoài đời bây giờ, người ta nhận xét nhau, góp ý cho nhau đều phải tính toán cho một cái giá phải trả. Phê bình ông B nhưng sợ mất lòng chị A, khen ngợi chị A nhưng ngại gặp sự nổi giận của ông C. Cái vòng lẩn quẩn ấy buộc cho người ta phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Lời nói xuất phát từ lưỡi, chứ không phải từ tâm hồn. Một ngàn, một triệu sự tính toán nặng nề đều được đặt trên đầu lưỡi nhỏ bé và yếu ớt dường kia ! Hạnh phúc cho chúng ta là những lời của chính trị viên Chương đã nằm ngoài mọi mưu toan, tính toán đó.
- Mọi sự cố gắng, phấn đấu của các đồng chí đều được Đại đội ghi nhận. Ngày mai, là ngày 22-12 - ngày thành lập Quân đội Nhân dân của chúng ta. Kỷ niệm ngày lễ trọng đại chúng ta quyết tâm đánh lớn, đánh thắng mọi âm mưu của kẻ thù. Hôm nay, thay mặt đại đội và chi bộ, tôi long trọng tuyên bố : Kể từ giờ phút này, các đồng chí chính thức đứng vào hàng ngũ của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh !
Trời ơi ! Lúc đó mấy thằng mình đã kêu òa lên một cách sung sướng. Từ giây phút trong căn hầm trên cao điểm chúng ta đã đổi đời. Một làn gió mát mẻ thổi vào tâm hồn ngây thơ và trong sáng như một tờ giấy mới. Chúng ta đã sung sướng đón nhận một niềm vui mới. Không ai còn đủ sức để nói một lời nào cả. Không có tuyên thệ trước cờ. Không có đọc quyết định để gắn huy hiệu Đoàn trên ngực. Không có những chùm hoa đỏ chói và rực rỡ để làm buổi kết nạp Đoàn thêm trân trọng, rình rang. Không có những hình thức cần thiết như điều lệ đã quy định. Lúc đó, chỉ có những tâm hồn, những niềm tin từ trong ánh mắt nhìn vào nhau mà tin tưởng với nhau. Sau đó, chúng mình đã rời khỏi căn hầm của đại đội để trở về vị trí chiến đấu của mình. Tao còn nhớ là trung đội trưởng đã chúc mừng tao bằng nửa phong lương khô. Cảm động nhất là anh ấy đã cho tao bằng mấy con tem để gửi thư báo tin mừng cho gia đình. Tao đã tặng lại cho thằng Hổ một cái để nó viết thư cho Thủy Tiên.
Một lá thư hay nhiều lá thư của thằng Hổ đã gửi cho Thủy Tiên không biết nàng có còn giữ không ? Với người phụ nữ - khi họ lấy chồng thì những lá thư tình thời son trẻ không thiết thực bằng một cái giẻ chùi nồi. Hiện nay, nàng đã làm hoàn tất thủ tục xuất cảnh với chồng. Thằng Ngô Thuận vậy mà hên. Hắn lấy được Thủy Tiên như mèo mù vớ cá rán. Hay là Thủy Tiên lấy được thằng Thuận như chuột sa hũ nếp ? Trò đời chẳng biết đâu mà nói trước cả ? Nhưng điều làm tao nhớ là chiều hôm đó thằng Hổ có đưa lá thư sẽ gửi cho “người tình” Thủy Tiên - cho trung đội xem trước. Và trung đội trưởng cũng đã cho bọn mình xem lá thư của người vợ từ hậu phương vừa gửi đến. Ôi những lá thư trong buổi chiến tranh.
Khi vừa đọc xong những lá thư ấy thì chúng ta lại bắt đầu một cuộc chiến đấu mới. Địch không còn dám đánh vỗ mặt nữa, chúng nó dùng chiến thuật đánh thọc sườn. Trung đội thám tử của chúng đã ngang nhiên nổ súng vào bệnh viện của Trung đoàn. Đại đội chúng ta được lệnh tiếp viện. Đại đội trưởng đã cử trung đội của tao. Chỉ kịp vác súng, đạn bọn tao đã có mặt kịp thời. Cánh rừng già biên giới thâm u đến rùng rợn. Mặt trời sắp tắt. Bóng tối chập chờn. Anh em thương bệnh binh đã chạy loạn xạ về tuyến sau. Mạnh ai nấy chạy. Nhưng địch chỉ làm chủ tình thế trong một vài tiếng đồng hồ, mũi kiềm của đơn vị chúng ta và các đơn vị bạn đã siết chặt vòng vây. Siết chặt lại để không một tên nào có thể chạy thoát.
Sau khi bàn giao tù binh cho trung đoàn, trên đường về trung đội trưởng đã bảo :
- Nè Dũng B.40 mày có thèm ăn rau xanh không ?
Tao chặt lưỡi :
- Rau xanh thì ai không thèm ? Mấy hôm nay ăn toàn đồ khô nói thật với anh là em bị táo bón. Khổ quá.
Nghe tao nói một cách hài hước như vậy, trung đội trưởng bỗng cười khà khà :
- À ! Vậy mày cũng bị táo bón à ? Tao tưởng chỉ có một mình tao thôi chứ ? Vậy bọn mình tranh thủ “cải thiện” một ít rau rừng cho anh nuôi nhé !
Khi nghe trung đội trưởng nói vậy thì tao tưởng là nói đùa. Ở cánh rừng rậm mênh mông này thì tìm đâu ra rau xanh ? Có nằm mơ cũng không thấy được. Nhưng thái độ quả quyết của trung đội trưởng cũng làm tao yên tâm. Hơn nữa, nghĩ đến màu lá xanh mơn mởn là tao đã chảy nước miếng. Tao thèm một cọng rau muống luộc thật xanh, chấm với nước mắm thì còn gì ngon bằng ? Thế là mấy anh em vác súng đi theo trung đội trưởng tạt vào cánh rừng gần đó, chứ không đi về theo đường mòn nữa. Trung đội trưởng nói :
- Bọn mày cứ đi theo tao, không được đi loạn xạ. Đi ú ớ là lạc nhau thì phiền lắm.
Thế là trên đường quay trở lên chốt, bọn tao đã theo trung đội trưởng để kiếm rau xanh. Quả thật, bằng cái nhìn già dặn của người lính từ thời chống Mỹ - trung đội trưởng đã biết vì sao ở đây có rau xanh. Khi đi dọc theo bờ suối, bờ suối chưa hề có dấu chân người đi qua, tao đã thấy rau xanh rất nhiều. Những cánh lá giống hệt như rau cải trông rất ngon mắt. Rau mọc xanh mướt triền suối. Bọn tao đã hái một cách say sưa. Hái nhanh chóng để kịp trở về lúc trời sập tối. Tao đã cởi trần ra, lấy áo làm gùi đựng rau. Chỉ nghĩ đến ngày mai có chén canh rau nấu thịt hộp, có cọng rau xanh để ăn với cơm là lòng tao đã sung sướng. Và nhất là khi đó nghe trung đội trưởng vừa nhai rau xanh ngấu nghiến vừa nói :
- Rau xanh có nhiều vitamin lắm. Bọn mình được một bữa bồi dưỡng này là khỏe re !
Nghe vậy bọn tao càng hứng chí cắt rừng đi về hướng chốt. Lúc đó, trời đã sụp tối. Trung đội trưởng nhanh chóng trở ra để tìm lại đường mòn. Không thể đi trong rừng như thế này được.
- Thôi, bọn mình trở ra. Đi trong rừng rậm như thế này không ổn đâu ! Biết đâu khu vực này bọn địch đã mò vào đây đặt mìn rồi !
Nghe trung đội trưởng nói vậy tao bỗng rợn người. Cái chết ẩn nấp đâu dưới chân mình chăng ? Trước đây đại đội trưởng cũng đã từng quán triệt bộ đội : Không nên đi vào những cánh rừng lạ, nếu có đi thì phải có trinh sát đi trước - biết đâu địch gài mìn hoặc phục kích. Bọn mình chỉ cười và chủ quan nhận định là làm sao mà địch dám gài mìn ở khu vực chúng ta đã đóng quân ! Nhưng hỡi ôi ! Chính trung đội trưởng là người đã ý thức được điều đó, những cọng rau xanh đã làm anh ấy mất cảnh giác. Một sự mất cảnh giác đáng tiếc trong cuộc chiến tranh mà chúng ta đã đi qua. Lẽ nào hậu phương không đủ sức “bao cấp” cho những người lính, những cọng rau xanh như mây trời. Như tình yêu ? Và khi nghe trung đội trưởng nói vậy, thì bọn tao bước chậm rãi hơn, anh ấy vẫn đi đầu với khẩu AK, lăm lăm phía trước.
Bước luồn người qua những bụi gai nhọn hoắt, bóng tối chập choạng. Như một linh tính đã được thần linh báo trước, tao chợt cúi rạp người xuống để né cành cây ngang tầm mắt thì đó cũng là lúc một tiếng nổ dữ dội gầm lên. Tiếng gầm khủng khiếp. Cái chết đã đến. Trung đội trưởng ngã vật người ra phía sau với tiếng thét rợn người. Một quả mìn KP.2 đã cắt ngang nửa người anh ấy. Trái mìn không chôn dưới đất mà nó được nối dây vào kim hỏa - sợi dây ấy như màng nhện được giăng là đà dưới mặt đất. Trung đội trưởng đã vướng dây mìn. Kim hỏa bị kéo tụt ra và phóng chính xác vào hạt nổ. Cả trời đất tối sầm lại.
Lúc đó, bọn tao đã khiêng trung đội trưởng đặt vào chiếc võng. Võng trở thành chiếc cáng thương. Anh em thay phiên nhau khiêng anh ấy về bệnh xá tiểu đoàn. Khi đến nơi, chỉ kịp lấy trong túi áo lá thư chưa kịp gửi cho vợ - trung đội trưởng trừng trừng nhìn tao như muốn nói một điều gì đó. Anh ấy không nói được. Đôi mắt khép dần. Tao cầm lá thư đẫm màu máu đỏ. Dòng máu cuối cùng gửi về quê nhà. Bây giờ nghĩ lại, lòng tao vẫn chưa hết ẩn ức. Sao đất nước ta nghèo quá vậy. Vì một cọng rau xanh mà trung đội trưởng chết. Còn tao vì những chú cá tươi mà cụt chân. Khi kể về trường hợp bị thương của tao thì ai cũng cho tao là hên. Lúc chiếm được đồi XB và 328 trở về hậu cứ ở cây số 01, tao với thằng Cường rủ nhau đi đánh mìn kiếm cá ăn chơi. Hai thằng tao buộc hai quả M79 vào trái lựu đạn và ném xuống dòng suối. Sau những tiếng nổ, cá nổi lên lềnh bềnh. Cá chết trắng cả dòng suối. Lâu quá không được ăn cá nên thấy cá tươi như vậy là tao sướng mê tơi, tao đã nhảy ùm xuống suối vớt cá. Nhưng trời đất ơi ! Cá chưa vớt được thì tao đã nghe tiếng nổ từ lòng suối dội ngược lên. Một khối bộc phá có lẽ do trục trặc dây cháy chậm nên bây giờ mới nổ. Sự chậm chạp của nó đã làm tao gánh trọn sức công phá ghê gớm đó. Nếu lúc đó thằng Cường dũng cảm nhảy xuống suối cứu tao và đưa tao lên bệnh xá kịp thời thì đâu đến nỗi vết thương bị nhiễm trùng. Có lẽ, Cường sợ bị đại đội kỷ luật nên đã chạy về trước, mãi lúc sau mới có anh em chạy ra cứu tao. Thôi kể lại làm gì nữa ! Dù sao cũng là một điều may mắn. Nếu xui xẻo thì tao cũng có thể mù mắt chứ không phải chơi. Cụt chân mà mắt vẫn sáng là cũng hên rồi. Cuộc đời này còn nhiều điều nhố nhăng thì mình cần mắt sáng để nhìn đời trong và đục. Sự đời thà khuất đôi tròng thịt. Còn hơn những ai có mắt như mù. Buồn quá, các chiến hữu ơi !
Bây giờ có ai thắp cho trung đội trưởng mình một nén nhang không? Anh Nhân ơi nguyện cầu anh sẽ lên thiên đàng bằng đôi mắt trẻ thơ. Nguyện cầu cho chiếc chân cụt của tao bỏ lại ở biên giới Tây Nam cũng được lên thiên đàng. Năm tháng đó, chúng mình đã sống trọn vẹn thời thanh xuân của mình. Chiều nay ở nghĩa trang Đức Cơ chắc lạnh lẽo lắm. Chúc bọn mày ấm áp trong tháng ngày còn ở lại quân ngũ. Vững niềm tin để đi hết một hành trình gian khổ.
Thương nhớ,       

 Dũng B.40



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com