Mục lục |
---|
Lê Minh Quốc - THỜI CỦA MỖI NGƯỜI |
CHƯƠNG HAI |
CHƯƠNG BA |
CHUONG BỐN |
CHƯƠNG NĂM |
CHƯƠNG SÁU |
CHƯƠNG BẢY |
CHƯƠNG TÁM |
CHƯƠNG CHÍN |
Tất cả các trang |
CHƯƠNG SÁU
Dường như sắp mở màn một chiến dịch lớn. Các đơn vị trong toàn trung đoàn cho người trở về hậu cứ An Khê. Ở hậu cứ với biết bao tài sản ở đó. Từ lá thư tình đến con gà, con vịt cũng còn nguyên vẹn. Những thứ còn để lại ở hậu cứ sẽ được chuyển lên trận địa. Thằng Hổ và thằng Dân lác đã được đại đội phân công đi theo áp tải xe hàng. Đó là điều mà bất cứ người lính nào cũng ước mơ. Họ thèm được ra khỏi cánh rừng này - dù chỉ là trong một phút thôi. Trong một phút ấy họ sẽ ưỡn ngực lên mà hít thở thật sâu mùi vị của không khí thị thành. Lâu nay, sống như những vị chân tu khắc khổ, họ rất thèm không khí của đời thường ấy. Niềm sung sướng ấy đã tràn ngập vào tâm tưởng của thằng Hổ. Đêm hôm qua, hắn không sao chợp mắt được. Khi trở ra Pleiku thì việc đầu tiên mình sẽ làm là cái gì ? Mình sẽ hét thật to cho sướng miệng để bù lại những ngày phải nói thì thào dưới chiến hào ? Hay là mình sẽ uống một ly cà phê đá thật lạnh đến tê đầu lưỡi ? Niềm rạo rực ấy đã làm hắn không ngủ được, mãi đến lúc lơ mơ trong giấc ngủ thì đã nghe những tiếng gà rừng gáy sáng.
Khi anh nuôi mang cơm lên chốt để phân chia cho bộ đội thì thằng Hổ nhường cục cơm của mình cho tiểu đội trưởng Cường. Niềm vui đã làm hắn thấy no nê. Không ăn cũng thấy no. Trong chiếc ba lô của hắn đã đựng rất nhiều những lá thư của đồng đội gửi về hậu phương. Những lá thư dán con tem người lính bồng súng đứng trang nghiêm. Những lá thư bê bết màu đất đỏ chiến hào biên giới. Một nhà văn hạng bét nếu có trong tay đầy đủ những lá thư ấy - thì chắc chắn ông ta sẽ xây dựng được một tác phẩm tuyệt vời. Ông ta sẽ nổi tiếng vì những chất liệu rất thật của người lính. Thằng Hổ không ước mơ thành nhà văn, hắn chỉ cầu mong những người đưa thư sẽ chuyển đến tận tay người nhận theo đúng địa chỉ. Bởi vì, không phải lá thư nào cũng dán đủ tem. Tiêu chuẩn một tháng chỉ có năm con tem. Con số quá ít ỏi làm sao đủ cho người lính trải hết nhớ thương của mình. Ngoài bìa thư của thằng Bi có ghi dòng chữ “Thư không cánh thư bay trăm ngã. Cám ơn người vất vả đưa thư” hoặc ngoài bìa thư của thằng Bảo lùn thì ghi “Không tem không phải không tiền. Thông cảm cho lính có tiền không tem” hoặc ngoài bìa thư của thằng Dũng B.40 thì ghi “Thư người lính viết ngoài biên giới. Xin làm ơn chuyển tới người thương. Cám ơn”. Những dòng chữ ấy như một ký hiệu được thay thế cho con tem. Chỉ có trong chiến tranh Tây Nam, lần đầu tiên con tem Việt Nam được mang hình những dòng chữ rất chân tình như thế. Và người lính - trong đời sống cơ cực họ đã thông minh tự làm “con tem” cho mỗi bìa thư của mình.
Trời cuối năm. Gió lang thang đi đến những chân trời xa tít nào rồi. Mới sáng sớm nhưng thời tiết oi bức. Thằng Hổ và thằng Dân lác đang rảo bước lên trung đoàn. Tất cả bộ đội được phân công áp tải xe về hậu cứ đều tập trung tại trung đoàn. Tại đây, những chiếc xe sẽ chuyển bánh về hậu cứ An Khê. “Con biết bây giờ mẹ chờ em mong, khi thấy mai đào nở vàng nơi nơi. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về (…) Trông bánh chưng chờ trời sáng. Đỏ hây hây những đôi má đào. Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm…” Thằng Dân lác vừa đi vừa hát thì thầm những lời nhạc ấy. Hắn chợt nhớ mẹ da diết. Hình bóng người mẹ đang trở về trong trí nhớ của hắn. Mọi yêu thương ở cuộc đời này, hắn dành cho người mẹ. Còn người cha là ai thì không thể nào Dân lác biết được. Năm 1961 bọn Mỹ ngụy tiến hành “chiến tranh đặc biệt” - cũng là năm thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Mẹ của thằng Dân lác lúc bấy giờ là người đàn bà tảo tần, đi buôn bán trên chuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên để kiếm sống qua ngày. Lúc đó, mặc dù đã xấp xỉ tuổi bốn mươi nhưng bà vẫn là một cô gái đồng trinh, chưa hề một lần biết thịt da của một người đàn ông nào cả. Rồi một đêm tối rét lạnh trên chuyến tàu trở về Hà Nội. Mịt mù ngoài khung cửa sổ là mưa bay. Chuyến tàu lắc lư chạy trong im lặng. Bóng tối bao trùm. Thời buổi chiến tranh không nên khoa trương ánh sáng. Chuyến tàu ấy người ta nằm xếp lớp như cá mòi. Nằm càng chật chội càng thêm chút hơi ấm. Nằm kề bên nhau người ta có cảm giác đỡ lo sợ hơn - khi mà giặc Mỹ ngày đêm đánh phá điên cuồng. Lúc đó, bà ta nằm bên cạnh một chàng bộ đội trẻ tuổi. Trong đêm tối họ không nhìn thấy mặt nhau. Nhưng họ có cảm tình qua giọng nói rất Hà Nội kia. Tình đồng hương đã gợi cho họ những thông cảm và dễ gần gũi nhau hơn. Đêm đã về khuya. Càng rét lạnh. Lạnh tê xương. Anh chàng bộ đội trẻ tuổi đã ngủ say. Một chặng đường dài mệt mỏi. Nhưng hơi thở của anh ta trong lúc ngủ say đã làm cho bà xao xuyến. Lần đầu tiên nằm cạnh một người đàn ông, dù là trong hoàn cảnh khá trớ trêu của thời buổi chiến tranh. Bà cảm thấy trong người bực rực một cảm xúc mà trước đây chưa hề có bao giờ. Thế là, bằng sức khỏe rạo rực của người đàn bà qua tuổi xuân thì, bà đã ôm ghì lấy anh bộ đội trẻ tuổi kia. Thân xác họ hòa nhập với nhau. Tiếng kêu rên như con chó nhỏ được nuông chiều thái quá của anh chàng bộ đội làm bà nhớ mãi. Bóng tối vẫn bao trùm họ. Khi tàu sắp gần đến ga Hàng Cỏ thì chàng bộ đội đã nhảy xuống trước. Không một lời từ giã và hứa hẹn. Một tình cờ của sự gặp gỡ không hề sắp xếp trước. Hẹn hò trước. Bà chỉ thấy loáng thoáng đó là vóc dáng của một cậu con trai mới lớn. Chỉ độ chừng mười tám tuổi. Bà giữ lấy hình ảnh đó như một gặp gỡ đầu tiên và cuối cùng khi bước qua ranh giới của đàn bà. Hạnh phúc và thiêng liêng. Dễ nhớ nhưng khó quên. Thằng Dân lác chào đời trong giây phút kỳ diệu đó. Thì ra, con người không thể nào tự chọn cho mình một thời điểm nào để cất tiếng khóc chào đời. Đó là một bất hạnh lớn nhất của con người. Bất hạnh đó tương tự như con người không thể nào chọn cho mình một thời điểm để trở về cát bụi. Sự sống và cái chết vẫn là một bí ẩn lạ lùng nhất mà con người không thể nào lý giải nổi.
- Nè Dân lác, mày suy tư gì mà mặt mày buồn xo vậy ?
Nghe thằng Hổ hỏi giật thốt như vậy, thằng Dân lác đâm ra bối rối :
- Đâu có gì đâu Hổ. Đường lên trung đoàn ba cây số mà bọn mình đi nhanh quá phải không Hổ.
- Ừ ! Bọn mình đi nhanh lên chứ không anh em ở đơn vị bạn chờ đợi.
Thằng Dân không nói không rằng gì thêm. Hai người lính tiếp tục rảo bước thật nhanh. Nhưng họ vẫn không quên cảnh giác hai bên bìa rừng. Chẳng mấy chốc họ có mặt ở trung đoàn. Lúc họ đến nơi thì chiếc xe GMC cũng bắt đầu chuyển bánh. Tiếng máy nổ giòn giã như đang reo vui theo niềm vui của người lính sắp có mặt ở hậu cứ An Khê.
Chiếc xe chạy nghiêng ngửa với bụi đỏ mịt mù. Từ trung đoàn trở ra đồn biên phòng 23 - con đường đã được mở rộng ra. Thằng Hổ chợt nhớ đến câu thơ của Tố Hữu “Đường ta rộng thênh thang tám thước”. Chỉ cần nhìn một con đường rộng, người ta cũng thấy tâm hồn mình phóng khoáng. Niềm vui như được chắp cánh bay cao lên. Chao ôi ! Pleiku ơi Pleiku. Gã tài xế không hề có một chút hào hoa nào cả. Gã không dừng lại ở “Phố núi cao phố núi mù sương”. Chiếc xe cứ chạy bon bon về An Khê. Doanh trại của hậu cứ hiện ra trước mắt người lính. Họ có cảm tưởng như đứa con xa nhà được trở về mái nhà xưa. Cây cỏ đã mọc lên ngút ngàn. Cho dù chỉ ở an dưỡng ở đây chỉ hơn một tháng trước khi vào biên giới, nhưng với người lính nơi nào đã đi qua cũng đều để lại những kỷ niệm khó quên. Thế nhưng khi bước vào doanh trại thì bọn thằng Hổ đã bực mình. Thằng Phương nổ giờ này còn ngủ khì là sao ? Mùi rượu xông lên nồng nặc.
Thằng Phương nổ là thương binh đầu tiên của đơn vị khi truy quét bọn Funro dọc theo đường 14. Mảnh đạn nằm trong chân nên hắn đi cà quẹo chậm chạp. Do đó, hắn được đơn vị cho ở lại hậu cứ để nuôi heo, gà và trông coi quân tư trang còn để lại của anh em. Giữa lúc đồng đội của mình ngày đêm chịu đựng với bao gian khổ, thì ở đây thằng Phương nổ sống như một ông hoàng. Hắn với một số bộ đội của đơn vị bạn được ở lại hậu cứ cấu kết với nhau làm một “tập đoàn” suốt ngày chè chén. Ban đầu, thì còn nhậu nhẹt bằng số tiền sẵn có của mình. Sau đó, dần dần tư trang của anh em đã được bán tuốt luốt. Thời buổi chiến tranh mà ! Ai sống ai chết, ai trở về, ai nằm lại thì chỉ có trời mà biết. Bộ đội ở hậu cứ này là đoàn quân… rắn không đầu. Mạnh ai nấy làm.
- Mày làm gì mà còn ngủ khì như chó chết vậy Phương nổ?
Thằng Hổ xốc cổ áo của thằng Phương nổ lôi dậy. Hắn ú ớ mở mắt :
- Cái quái gì vậy ?
- Tao đây. Dân lác với Hổ đây.
- Trời đất ơi ! Các chiến hữu mới về hả !
Thằng Phương nổ bật người dậy. Vậy là tối nay có bạn nhậu để tâm tình rồi !
- Bọn mày về để chuyển tất cả những gì còn lại ở đây lên tuyến trước phải không ?
Thằng Dân lác nheo mắt cười :
- Ừ chuyển lên hết, kể cả mày nữa !
- Thật à ?
- Sao không thật, mày đọc thư của chính trị viên Chương đi !
Trong thư này thì khi chuyển hết những thứ còn lại ở hậu cứ thì không có một lý do gì để thằng Phương nổ ở lại đây. Nơi đây sẽ bàn giao lại cho một đơn vị bộ đội làm kinh tế. Hơn nữa, ở tuyến trước vì thằng Vinh mèo đã đi nằm viện rồi. Tổ nuôi quân cần có người bổ sung thêm. Đọc xong lá thư thằng Phương nổ thấy mồ hôi chảy lạnh xương sống. Một phần sợ sự gian khổ và một phần sợ phải ăn làm sao nói làm sao với anh em về sự “mất mát” đã xảy ra ?
- Được rồi ! Bây giờ hai thằng mày đi tắm giặt cho sạch sẽ. Tao sẽ làm cho bọn mày một bữa ăn ngon lành. Sau đó nói chuyện tiếp.
Điều sung sướng nhất trần gian này có lẽ là hai người lính vừa nhảy xuống suối. Dòng nước mát rượi đã làm họ tỉnh táo. Họ cảm tưởng như mình đã được tẩy rửa sạch sẽ trước khi lên thiên đàng. Thân xác và tâm hồn nhẹ nhõm. Nước mát quá ! Ở đây họ được kỳ cọ và la hét một cách vô tư. Không sợ bất cứ một viên đạn nào bắn lén cả. Trong lúc đó, thằng Phương nổ đi vo gạo nấu cơm. Hắn hào phóng cắt cổ con gà trống mập mạp để bồi dưỡng sức khỏe cho đồng đội. Chiếc lê nhọn hoắt của khẩu AK đã xuyên qua cổ con gà. Con gà dẫy dụa một cách bất lực. Một dòng máu tươi bắn ra chiếc dĩa tròn. Dòng máu thâm đen. Không hiểu sao thằng Phương nổ bỗng rùng mình. Hắn ném con gà đang giẫy chết vào chiếc nồi nước sôi đang sôi sùng sục.
Bữa cơm ngon lành đã được dọn ra. Một bình đông rượu trắng, được đặt kề bên. Trong cơn say ngà ngà thằng Phương nổ bắt đầu báo cáo lại tình hình trong thời gian hắn ở đây. Giọng lè nhè :
- Tao đã hoàn thành nhiệm vụ của anh em và đại đội giao phó. Bọn mày đừng có cười. Tao nói thật đấy. Về heo qué thì bây giờ chỉ còn ba con, một con đã chết.
Giọng thằng Dân lác chen ngang :
- Tại sao lại chết ?
Thằng Phương nổ ấp úng, bây giờ phải bịa ngay ra một nguyên cớ gì đó :
- À ! Nó chết vì bệnh… sốt rét !
- Thật à ?
- Trời đất ! Tao thề là tao nói thật. Tao mà nói dối thì xe cán tao lập tức.
Thằng Dân lác tỏ vẻ khó chịu :
- Thề cái quái gì mà thề ghê quá vậy ? Rồi sao nữa ?
Thằng Phương nổ hào hứng :
- Còn đàn gà hai mươi con của đơn vị thì vẫn nguyên vẹn. Mặc dù nó có đẻ đái thêm mấy đợt nhưng không đáng kể !
- Không đáng kể là sao ?
- Ừ ! Mấy đợt đẻ đái nhưng đàn gà nào cũng bị dịch chết hết. Được chưa ông nội ? Làm gì mà mày tra khảo tao dữ quá vậy ?
- Tao tra khảo mày cái gì mà mày bù lu bù loa vậy ? Tao chỉ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị giao phó là ghi vào biên bản và chuyển tất cả những gì còn lại của hậu cứ lên tuyến đầu thôi. Mày kể tiếp đi !
Thằng Phương nổ xụi lơ :
- Còn lại ba lô và tư trang của anh em thì tao giữ nguyên, không mất mát một thứ gì cả, từ cây kim đến sợi chỉ. Tao mà nói láo thì…
- Thì cái gì nữa đây ? Mày định thề thốt nữa hả Phương nổ. Mày nổ vừa vừa thôi chứ Phương ! Thôi uống đi !
Ba người lính cùng nâng cao ba cái chén sắt. Rượu đựng lưng chừng trong đó. Họ chạm mạnh vào nhau. Thành chén sắt chạm vào nhau đã tạo ra một âm thanh khô khốc. Cả ba người lính cùng ngửa cổ nốc cạn. Rượu mạnh chạy vào máu. Máu nóng sôi.
Họ cùng ngồi nhậu lai rai với nhau. Nhưng mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Sáng ngày mai họ sẽ rời khỏi nơi này. Họ sẽ đi về nơi ngày đêm diễn ra tiếng súng và tiếng pháo gầm trút xuống đầu người lính. Thằng Hổ chợt cảm thấy buồn cười về những ngày đã qua. Tục ngữ có câu “Ếch ngồi đáy giếng”. Câu đó đúng với trường hợp của tiểu đội hắn. Lúc đánh nhau ác liệt nhất trên chốt, hắn không hiểu sao đơn vị cứ ở trong thế phòng ngự tại chốt, mà không dám bung ra tấn công ? Phòng ngự là con đường chết của cuộc chiến tranh. Hắn phàn nàn điều này với chính trị viên Chương. Chương đã phân tích cho hắn nghe cặn kẽ về tình thế chung của toàn trung đoàn. Lúc nào cần phòng ngự. Tại sao phòng ngự. Đơn vị nào phòng ngự ? Còn đơn vị nào đã được tung ra đánh ngay trên đất địch ? Tất cả những điều đó, không riêng gì thằng Hổ mà dường như cả đại đội chưa ai được “quán triệt” điều đó. Chính trị viên Chương bèn xuống tận từng tiểu đội mà phân tích tình hình cuộc chiến. Anh em mới vỡ lẽ ra. Họ cảm thấy rằng chính cấp trên của họ - những người đang chỉ đạo từng trận đánh - mới là người sáng suốt, có khả năng đem lại chiến thắng cuối cùng. Sự thật thì họ đâu chỉ có phòng ngự thôi, các trung đội đã được lên xuất quân truy kích địch ngay trên đất địch. Họ đã thật sự bắt đầu tiếp cận với cái chết gần hơn nữa. Điều đó còn có nghĩa là họ đã đi gần đến với thắng lợi để kết thúc cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam.
Nằm suy nghĩ lan man như thế, thằng Hổ cao hứng chĩa súng AK lên trần nhà và siết cò. Tiếng súng nổ ở nơi dân cư đông đúc, ở hậu phương - dường như nổ đanh hơn, to hơn ở trên chốt. Mọi người trong hậu cứ nhốn nháo. Nhưng chẳng ai buồn lòng tìm hiểu nguyên nhân từ đâu. Chỉ còn chiều nay và đêm nay thôi, sáng mai họ đã ngược lên tuyến đấu rồi ! Điều đó, làm thằng Phương nổ cảm thấy lo ngại. Mồ hôi đầm đìa trên thân thể của hắn. Mặc dù rượu đã ngấm. Đã say. Nhưng hắn không sao chợp mắt được. Đầu óc nặng và đau như búa bổ.
Buổi chiều xuống thật nhanh. Gió thổi mát. Những đám mây bay sà xuống đỉnh núi. Những người lính ăn mặc sạch sẽ với niềm vui đầy ắp trong lồng ngực. Họ rủ nhau đi chơi ở Pleiku. Đối với người lính nằm chốt thì Pleiku là một thiên đường. Chỉ cần đến đó nhìn những ngọn đèn màu nhấp nháy trong các quán cà phê, chỉ cần uống một ly nước ngọt có những viên đá lạnh mát, chỉ cần nghe những bản nhạc xập xình - là họ cũng đã thấy sướng rồi. Thằng Hổ nói với thằng Phương nổ:
- Mày có đi chơi Pleiku không ? Chỉ còn đêm nay thôi, mai lên chốt rồi. Đi chơi với bọn tao nghe ?
- Pleiku à ? Thôi tao chán lắm. Bọn mày cứ lên đó chơi. Nhưng tối nhớ về sớm uống rượu với tao là được ! Chúc bọn mày đi chơi vui vẻ.
- Tùy mày. Mày ở đây thì có lạ gì Pleiku nữa. Nhưng với tao là một thiên đường. Hơn nữa tao với thằng Dân lác phải đi Pleiku để gửi thư, để mua những thứ cần thiết cho anh em trên chốt.
- Ừ ! Đi đi Hổ nhưng nhớ về cho sớm nghen ?
Thằng Phương nổ đã đứng giữa đường để đón xe khách. Mỗi lần xe dừng lại là có năm ba người lính ùa lên. Sau khi, anh em đã đi chơi hết thì thằng Phương nổ buồn xo. Hắn không quay vào với những người bạn cùng ở hậu cứ của những đơn vị bạn. Bây giờ những người lính đó đang chuẩn bị lại sổ sách, kiểm kê lại những vật dụng để ngày mai theo xe lên lại với đại đội. Riêng thằng Phương nổ thì hắn buồn rầu với nỗi niềm riêng tư của hắn.
Trong lúc đơn vị lên tuyến trước thì hắn bỗng dưng trở thành “ông chủ”. Không gọi “ông chủ” sao được khi mà tài sản đơn vị được giao cho hắn được quản lý và bảo quản. Ở lại hậu cứ không có ai chỉ huy thì sướng thật. Muốn đi đâu, muốn làm gì mà không được ? Không riêng gì hắn mà những người lính trong trường hợp như thế này cũng đều có những biến chất khác nhau. Có người sa vào rượu chè. Có người sa vào những cuộc đánh nhau với thanh niên. Có người sa vào gái. Với thằng Phương nổ là gái. Viên đạn đầu tiên mềm dịu và ngọt ngào kia đã bắn hắn ngã gục. Mặc dù mặc chiếc áo màu xanh của núi rừng với lời thề trang nghiêm dưới quân kỳ, nhưng tâm hồn thằng Phương nổ đã hoen ố. Vết nhơ không sao tẩy sạch được là hắn đã bán dần tư trang của anh em gửi gắm lại. Chuyến này chắc chắn bị kỷ luật như chơi ! Chỉ mới nghĩ đến lúc phải trả lời những câu hỏi của anh em hắn đã thấy khủng khiếp, lo sợ.
Dù sao, đêm nay cũng không thể không sang thăm Ngọc. Chỉ cần nhớ đến tên Ngọc là hắn đã thấy gợi lên mùi dục vọng và ân ái của bóng đêm từ chiếc chõng tre ọp ẹp. Đây là người đàn bà kỳ lạ. Mặc dù đã qua tuổi bốn mươi nhưng nhan sắc vẫn còn rực rỡ như con gái tuổi dậy thì. Bà ta ăn nằm với tất cả mọi người, dường như chàng bộ đội nào cũng đã một lần “thử lửa”. Lửa thử vàng gian nan thử sức. Thằng Phương nổ đã vượt qua sự gian nan ấy bằng những cuộc truy hoan. Và chấp nhận với nhau như già nhơn ngãi, non vợ chồng. Mê Ngọc như điếu đổ nên hắn không ngần ngại bán dần những tư trang, vật dụng của anh em để bù đắp, cung phụng cho nhan sắc ấy. Đôi khi, sự tồn tại của người đàn bà chính là gáo nước lạnh buốt dội vào tâm hồn của đàn ông. Nó làm nguội lạnh tất cả sự thông minh. Nó làm mê muội tất cả sự phán đoán. Nhưng trớ trêu thay, để bảo vệ cho sự tồn tại ấy - đàn bà chỉ có một vũ khí duy nhất chính là sự mềm mại của cái lưỡi. Từ thời khai thiên lập địa, Thượng đế đã lấy lưỡi rắn để ghép vào miệng đàn bà. Điều đó thằng Phương nổ không tự ý thức được.
Hắn khoác khẩu AK trên vai và bước xăm xăm trên con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn vào nhà Ngọc. Con đường ấy sẽ dẫn vào cái giường. Sẽ dẫn đến cái chết. Có những kẻ còn sống sờ sờ ra đó, nhưng đã chết về mặt tâm hồn. Đêm nay, trăng sáng mờ bị che khuất bởi những cụm mây đen. Câu nói đầu tiên đã làm hắn khựng lại. Sao em lại nói như thế hỡi Ngọc ? Hắn có nghe lộn không ?
- Anh Phương ơi ! Tối nay kẹt quá. Bọn mình hẹn với nhau vào đêm mai có được không ?
Đêm mai là sao ? Chỉ còn đêm nay. Đêm mai là nằm dưới chiến hào với khẩu súng thép lạnh người. Hắn đủng đỉnh trả lời :
- Sao kỳ vậy em yêu ? Mới thò mặt vào mà đã nói vậy thì ai mà ham cho nổi !
- Xí ! Cái mặt lúc nào cũng thấy ham ! Ai thèm mà ham ?
Đằng sau lời nói đẩy đưa ấy là tiếng cười nả nớt vọng lên. Thân xác õng ẹo của Ngọc càng làm hắn thấy quyến rũ hơn. Hắn bước đến gần và bẹo má người yêu như một đứa trẻ thèm được vòi vĩnh. Nhưng không như những lần khác, bà ta lẩn tránh những cử chỉ âu yếm đó. Ngọc phân trần :
- Phương thông cảm. Tối nay ông xã của tui về. Kẹt lắm. Tính ổng nóng như Trương Phi. Kẹt lắm.
- Ủa ! Ngọc cũng có ông xã nữa sao ? Sao trước đây Phương không nghe nói ? Ổng đâu rồi ?
- Ổng đi nhậu rồi. Chút nữa mới về. Trước đây, hai người ly dị rồi. Ổng buôn bán ở Pleiku, còn tui thì tui về đây. Nhưng chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà đêm nay ổng lại mò về. Thôi Phương ơi ! Tránh voi chẳng xấu mặt nào ! Hẹn đêm mai nghen ?
Những lý lẽ ấy, chẳng hề có một chút thuyết phục nào cả. Hay đây chỉ là lời lẽ bịa ra ? Con mẹ nạ dòng này đã bị thằng nào bỏ bùa mê thuốc lú rồi chăng ? Chỉ mới nghĩ như vậy, thằng Phương nổ đã thấy sự hờn ghen và căm thù sự giả dối của đàn bà mà hắn từng ăn nằm như vợ chồng, dù rằng, sự ăn nằm ấy đều phải trả giá bằng những tờ giấy bạc nhầu nát được nhét trong cạp quần đàn bà. Không nói không rằng hắn bỏ ra về. Ngõ trở ra đen hun hút. Bóng tối thổi vào tâm hồn hắn những ý nghĩ đen tối.
Ý nghĩ đầu tiên là hắn bước vào quán thịt chó ngay đầu doanh trại bộ đội. Uống một xị chơi cho đỡ buồn cái trò đời đen như mõm chó. Càng uống hắn càng nhớ đến lời của Ngọc. Chắc rằng đây chỉ là trò bịa đặt mà thôi. Đĩ thập thành thì còn chồng con cái quái gì ? Ý nghĩ đó làm hắn thêm hưng phấn như đã tìm được câu trả lời. Uống đến xị rượu thứ ba với món như dồi, thịt luộc, thịt xào và cuối cùng là món tiết canh chó - hắn cảm thấy mình thật sự trở thành người đàn ông. Đàn ông trên hết thảy đàn ông có mặt ở trên đời này. Hắn lại loạng choạng bước vào nhà của Ngọc lần thứ hai. Khẩu súng AK không còn đeo nữa mà hắn vác trên vai. Và bỗng dưng hắn khựng lại, sửng sốt khi thấy người ngồi trên giưỡng Ngọc không ai khác hơn chính là thằng Vân đen. Hắn ú ớ tưởng chiêm bao :
- Ủa mày ! Mày đó hả Vân đen ? Mày hả Vân đen ?
Thằng Vân đen vội vàng đứng lên chạy ra cửa kéo thằng Phương nổ vào nhà. Hắn cẩn thận khép lại cánh cửa.
- Bộ mày say lắm rồi hả ? Tao đây. Mày im lặng. Mày đừng hỏi gì cả.
Thằng Phương nổ càng ngạc nhiên :
- Mày bị thương hồi nào vậy ? Mày về khi nào ? Sao mày không vào doanh trại với tao, mà mày lại ở đây ?
Giọng thằng Vân đen trầm xuống :
- Nói thật với mày là tao tự thương. Lúc đầu ở đại đội thì không ai phát hiện được. Thằng Trí y tá mới làm giấy chuyển tao xuống bệnh xá trung đoàn. Chẳng may tao bị sốt. Chẳng biết trong lúc mê man, tao đã nói gì mà họ lại quả quyết tao tự thương. Tao sợ quá. Tao trốn ra khỏi bệnh xá rồi chuồn về đây. Tao muốn tìm mày lắm, nhưng bọn thằng Hổ với thằng Dân lác đã có mặt ở chỗ mày nên tao không dám vào. Tao sợ trung đoàn đã điện cho bọn hắn bắt tao lại.
Thằng Phương nổ cắt lời :
- Do đó mày mới trốn vào nhà của con mẹ này chứ gì ?
- Ừ !
- Vậy mà tao cứ tưởng…
Thằng Vân đen dò hỏi thêm bằng giọng nghi ngờ :
- Mày tưởng cái gì ?
- Đâu có cái gì đâu. Rồi bây giờ thì mày tính sao ?
Thằng Vân đen chặc lưỡi :
- Tao vào nhà này phải cho con mẹ này mấy ngàn đồng, nó mới cho tao trú nhờ qua đêm. Đàn bà thật khó hiểu. Khi ân ái với họ xong thì lập tức họ quên béng mình ngay. Dường như họ có cảm giác người đàn ông nằm trên bụng họ lần thứ hai, thì đó chỉ là hiện thân của một xác chết, chứ chẳng có cảm hứng gì cả.
- Tại sao mày lại nói vậy ?
- Bởi trước đây bà Ngọc thì có lạ gì với cánh lính của bọn mình. Thế mà khi tao “sa cơ thất thế” tao cần một chỗ trú thân qua một đêm để sớm mai đón xe về quê, sau khi nghe tao trình bày sự việc thì bà ta lại nói “Anh ở lại qua đêm như thế liệu có chuyện gì thì sao ? Hay là anh làm ơn đưa trước cho tui một ít tiền ?” Câu nói tỉnh rụi không có một chút cảm xúc gì. Chán thật !
Nghe thằng Vân đen nguyền rủa Ngọc như thế thì hắn cảm thấy sung sướng. Hắn cảm thấy sự “ghen tuông” đã được vuốt ve. Thằng Phương nổ cất lên tiếng cười khoái trá. Ngay trên giường của người đàn bà họ bày một cuộc rượu mới, họ ngả ngớn ăn nhậu mặc dù số tuổi của họ cộng lại cũng chưa bằng tuổi của người đàn bà kia. Cuộc rượu mới đêm nay sẽ dẫn họ đi về đâu ?
Trong lúc đó ở Pleiku, bọn thằng Hổ đang kéo nhau đi vào các quán xá. Mặc dù chỉ xa thành phố trong thời gian ngắn, nhưng những tiện nghi vật chất ở đây đều làm họ thấy lạ mắt. Ngay cả những ca khúc đã nghe đến mòn lỗ nhĩ, nhưng bây giờ nghe lại cũng thấy sướng. Nhìn ánh đèn điện cũng thấy lạ mắt. Họ như những người từ rừng núi trở về với tiện nghi của xã hội. Những tiện nghi ấy có một sức hấp dẫn ghê gớm. Ai dám từ bỏ tiện nghi mà mình đã đạt được ? Nếu có đi chăng nữa thì khi đó họ phải chọn lựa một cách dằn vặt nhất. Với người lính thì dường như sự dằn vặt ấy chỉ là một cảm giác thoáng qua. Họ trở về với đời sống tiện nghi để rồi ra đi với tấm lòng thanh thản hơn. Thành phố, thị trấn yên tĩnh thế này, bình yên thế này sao mình lại chấp nhận một chiến hào với cái chết đang bày ra trước mắt ? Đó mới là nỗi băn khoăn lớn nhất của họ. Ngồi trong quán cà phê Diệp Kính, thằng Hổ đã mang cả giày dép từ biên giới gác lên chiếc ghế trước mặt. Hắn đang nhắm mắt lơ mơ lắng nghe tiếng nhạc đang vút lên xao xuyến. Thằng Dân lác thì ngồi im như tượng đá để nhớ lại những ngày còn đi học. Thời ấy trôi qua nhanh quá. Thời đó hắn cũng đã từng có những lần ngồi quán uống cà phê nghe nhạc như thế này. Bỗng nghe đâu đó có tiếng cãi cọ :
- Anh kia kỳ quá ! Anh không trả tiền mà còn chọc ghẹo “cát-xê” nữa à? Vừa vừa thôi chứ !
Đúng là giọng của người chủ quán. Thằng Hổ bừng mắt dậy. Hắn ngó về phía quày tính tiền. Những gã thanh niên đang cười hô hố trước lời cảnh cáo của chủ quán. Họ cất lên những tiếng cười đùa tục tỉu. Đồ mất dạy. Chỉ riêng điều đó thôi cũng làm thằng Hổ với thằng Dân lác cảm thấy nóng mặt. Hắn cảm tưởng như người ta đang sỉ vả mình. Thanh niên gì mà kỳ cục quá vậy ?
- Mày ngồi yên đó đi Hổ, để tao đến coi thử chuyện gì vậy ?
Nói xong thằng Dân lác đứng lên. Thấy một chàng bộ đội vừa bước đến, ông chủ quán vội phân trần :
- Chú bộ đội ơi ! Nhờ chú nói giùm một tiếng. Bọn này là bọn con ông cháu cha, suốt ngày lêu lổng. Bọn nó đến quán tôi là ký sổ, đến quán khác cũng vậy, nhưng chẳng thấy bao giờ trả tiền cả. Mình mà mở miệng đòi là bọn nó hăm dọa liền à ! Nhờ chú khuyên lơn bọn nó một tiếng. Để cho người khác còn làm ăn nữa chứ !
Mái tóc bạc của một ông già cùng giọng nói đầy phẫn nộ, đám thanh niên này chỉ bằng tuổi con cháu của ông. Thế sao chúng nó lại bố lếu bố láo đến thế ? Còn đâu là sự kính lão đắc thọ ? Thằng Dân lác hùng hổ xen vô đám đông :
- Này các cậu, mình nên…
Thằng Dân lác mới nói đến đó lập tức có tiếng cười cợt vang lên :
- A ha ! Bộ đội Bắc kỳ. Bắc kỳ ăn cá rô cây. Khoai lang sáu tháng khoai lang sùng. Lấy chồng bộ đội lấy… thằng khùng còn hơn !A ha !
Tiếng cười ấy chưa kịp tắt trên môi, thì thằng Dân lác đã túm ngay áo kẻ mất dạy kia :
- Này ! Mày nói cái gì ?
Không kịp để cho đối phương trả lời, Dân lác đã tung ngay quả đấm vào mặt. Đối phương bật ngửa ra phía sau. Đám đông nhốn nháo cả lên. Thằng Hổ cũng bật ngồi dậy. Hắn nhanh chóng đóng cánh cửa ra vào. Khách uống cà phê đứng nép vào một góc. Năm gã thanh niên còn lại đang chống trả lại những cú đấm quyết liệt của bộ đội. Thằng Dân lác đánh say sưa. Bàn ghế ngã đổ. Có những tiếng kêu thét lên. Nhưng không ai chạy được vì cửa ra vào đã bị thằng Hổ đóng lại. Ngay cánh cửa ấy thì thằng Hổ lại đứng lăm lăm khẩu AK trong tay. Mãi đến lúc ông già tóc bạc chạy ra ôm chầm lấy thằng Dân lác, lúc đó trận quyết đấu mới tạm ngưng. Đổ vỡ tất cả. Năm gã thanh niên con ông cháu cha, mặt mũi còn non choẹt thế mà đã hư đốn. Thằng Dân túm cổ áo một cậu lớn nhất trong bọn :
- Mày bao nhiêu tuổi rồi ?
- Dạ, em mười sáu.
- Mười sáu tuổi mà đã đòi ăn chơi, quậy phá rồi à? Mày còn đi học không ?
- Dạ, bọn em còn đi học.
Thằng Dân quát :
- Thôi cút đi !
Thằng Hổ gọi giật lại :
- Đứng đó. Khoan vội đi đâu cả. Tao cần nói chuyện với bọn mày một chút. Bọn mày cứ ngồi uống cà phê với tao ! Nào ! Ngồi xuống !
Những chiếc ghế được dựng lên và họ ngồi chung một bàn với nhau. Ông chủ điệu nghệ đem ra những ly chanh rum ngon tuyệt. Nhìn chăm chăm vào mặt từng gã thanh niên, thằng Hổ hỏi :
- Bọn mày sinh ra ở đâu ? Ở Mỹ hay ở Việt Nam ?
Gã lớn tuổi nhất trả lời :
- Dạ, bọn em sinh ra ở Việt Nam.
- Cụ thể là ở miền nào ?
- Dạ, miền Bắc.
- Ăn cơm miền Bắc đến mòn cả răng, dẻo cả lưỡi. Thế tại sao mày lại nói khinh miệt Bắc kỳ ăn cá rô cây ? Tại sao ?
Sự bực bội của câu hỏi ấy không có tiếng trả lời. Thằng Hổ quát lên:
- Tao sinh ở miền Trung. Bạn tao cũng sinh ở miền Bắc như bọn mày. Bắc Trung Nam là một. Bọn mày hiểu chưa? Tại sao lại kỳ thị ba miền ? Sao mà ngu như chó vậy ?
Mặc dù đã hai năm giải phóng thống nhất đất nước, nhưng ở một số người sự phân chia Nam - Bắc vẫn còn đậm nét trong đầu óc cố chấp ngu ngốc của họ. Sự thống nhất đất nước năm 1975 không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đinh Tiên Hoàng đã thống nhất đất nước sau khi dẹp loạn mười hai sứ quân, đến thời Anh hùng áo vải Quang Trung, rồi tới thời Hồ Chí Minh cũng vậy. Những nhân vật kiệt xuất này được hun đúc từ non sông này, dân tộc này, đã thu non sông này, dân tộc này về một mối. Hỡi ôi ! Khốn nạn nhất, vô liêm sỉ nhất chính là những kẻ khai sinh từ miền Bắc lại quay lưng chửi rủa miền Bắc một cách thậm tệ. Cũng như những kẻ khai sinh từ Việt Nam nhưng khi chạy sang Mỹ thì lại miệt thị quê mẹ hùng hồn nhất. Đời sống này sao buồn quá vậy. Những cú đấm thép của thằng Dân lác có làm chúng nó tỉnh ngộ không ? Thằng Hổ buồn bã nói :
- Thôi, bọn mày về đi, Bác Hồ có dạy là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Với tao, tao chỉ mong rằng bọn mày trước hết nên biết kính yêu bố mẹ, kính trọng người già, yêu thương bà con xóm giềng, quý trọng thầy cô giáo, giúp đỡ bạn bè… Chỉ cần làm được điều đó thì bọn mày đã không ăn những cú đấm hôm nay. Thôi ! Bọn mày về đi…
Năm cậu thanh niên tiu nghỉu như mèo bị cắt tai nhanh chóng bước ra khỏi quán. Khách cũng lục tục rời quán. Ông lão chủ quán muốn giữ hai chàng bộ đội ở lại để bày tỏ sự cám ơn, nhưng thằng Dân lác và thằng Hổ từ chối. Hai người bạn bước ra. Lúc đó, mặc dù đang dọn dẹp nhưng trong quán vẫn còn vọng ra tiếng nhạc. Họ đứng chần chừ ngoài quán để lắng nghe những ca khúc trữ tình đó. Họ biết ngày mai thôi, chung quanh họ chỉ là tiếng súng, chứ không phải là giọng cô ca sĩ tha thiết “Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ. Ôi ! Biết nói gì cuộc tình lớn quá. Cuộc tình đáng nhớ tuy cũng như là biển già trắng xóa. Cuộc tình quí giá như những ngọc ngà nàng dành cho ta. Ôi biết nói gì”. Ca khúc une histoire d’amour của Francis Lai đã dẫn thằng Hổ trở về với kỷ niệm. Kỷ niệm gắn liền với cổng trường của thời đi học. Thủy Tiên ơi ! Em có còn nhớ đến tôi không ?
Đêm đã trở về khuya. Sương lạnh. Gió núi ngút ngàn trong tâm tưởng. Thằng Hổ rủ thằng Dân lác vào quán mua một chai rượu. Chai rượu này, tối nay sẽ uống và tâm sự với thằng Phương nổ. Chắc giờ này hắn đang đợi mình. Thằng Hổ nhủ thầm như thế. Một chiếc xe khách đang chạy, họ đứng ra đường vẫy tay để xin về An Khê. Đêm đã sắp tàn phai. Sẽ có rất nhiều điều muốn nói. Gió thổi lạnh lẽo. Đăm đăm những vì sao mọc trên nền trời đang run rẩy. Thủy Tiên ơi ! Em có nhớ tôi không ?
< Lùi | Tiếp theo > |
---|