LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.7.2013

 

DSCN1552RR

Từ phải: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, P.N. Thương Đoan, nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Lan tại nhà Lê Minh Quốc - nhân VTV quay chương trình thơ Xuân.

 

Thế giới @, thế giới di chuyển bằng năm ngón tay thông qua vài cú click, mối quan hệ của con người ta khác ngày trước nhiều lắm. Cũng nâng ly, cũng tay bắt mặt mừng, cũng vồ vập ôm hôn thắm thiết nhưng chắc đã hiểu nhau, đã vì lòng thân thiện? Một thói quen chăng?

Có những người bạn đã quen thân hàng chục năm, nhưng nhà ở đâu, làm nghề ngỗng gì cũng chỉ biết lờ mờ, không cụ thể. Bạn bè chung cơ quan hàng chục năm, nhưng chưa hề ai đến nhà ai, nếu có chỉ là dịp đặc biệt năm thì mười họa nào đó. Anh em họ hàng ruột thịt cùng dòng tộc nhưng xa cách đã lâu, ít gặp nhau cũng trở nên xa lạ. Có gặp nhau cũng chỉ câu chuyện nhắc về người đã khuất, về quá khứ, nhắc về mối liên hệ xa xa gần gần, dây mơ rễ má trong dòng tộc, nghe thì nghe vậy, trong lòng chẳng mảy may xúc động. Hoặc có xúc động thì cũng đến thế, câu chuyện đến thế, nếu kéo dài thêm một chút thì chẳng ai biết nói chuyện gì khác ngoài những câu mưa nắng vu vơ... Tục ngữ của người Việt hay thật, vừa bảo: “Bán anh xem xa, mua láng giềng gần”, lập tức lại dặn dò: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chẳng phải trái ngược mà chính là bổ sung cho nhau khi nhận thức một vấn đề.

Nhận thức nào đi nữa, trải theo năm tháng cũng có sự thay đổi. Từ khai thiên lập địa đến nay, thời gian trong một ngày vẫn 24 tiếng đồng hồ. Vậy mà con người của đời sống hiện đại lúc nào cũng kêu rú lên không có thời gian cho riêng mình.

Lý giải như thế nào?

Phải chăng, thời buổi này con người ta sống cho mình, chui sâu vào trong vỏ ốc của chính mình nhiều hơn? Bản thân một con người đã là một thế giới, và họ còn có cả một thế giới ảo để chia sẻ, lân la, tán tỉnh, giải trí… Vậy chẳng việc gì phải gặp gỡ người này, trò chuyện người kia, nếu có, hầu hết cũng là từ nhu cầu công việc chung hơn là chia sẻ, tâm tình, tâm sự với nhau.

Ngày trước, một người ở quê ra, ghé chơi nhà là niềm vui, sự vinh dự, niềm nở tiếp đón nhưng thời buổi này lại là một sự phiền toái. Con người của đời sống hiện đại, hầu như họ không muốn ai đặt chân vào mái ấm của mình. Về nhà, chính là về với góc khuất an toàn đặng tận hưởng giá trị sống cho riêng mình sau một ngày tất bật. Về nhà, có nghĩa mọi bận rộn, tính toán, lo toan đã gác ngoài cửa. Họ bước vào nhà nhẹ nhàng, thơ thới, nếu cần tắt luôn cả điện thoại. Về nhà, chính là bước vào một ốc đảo bình yên, tâm hồn không xáo trộn bởi công việc, bởi bất kỳ sự ràng buộc nào.

Thế thì, khi có khách đến nhà, với họ đã là sự phiền toái. Một khoảng thời gian riêng tư của họ đã bị phá vỡ.

Ngày xưa lại khác. Có lần mẹ y kể, vào thập niên 1940 lúc gia đình còn nghèo mỗi lần khách ở quê ra là cả bà ngoại lẫn mẹ và các dì lo sót vó. Khách có phải một hai người đâu, có lúc cả chục người. Những người khách này đôi khi chẳng hẹn gì trước, có thể trên đường đi gặp người làng cùng ra tỉnh, dù chỉ quen sơ, tiện miệng rủ nhập chung luôn: “À, nhà ông anh/ ông bác tôi ở chỗ này chỗ nọ anh đến trú luôn cho vui. Bà con cùng làng cả mà!”. Những lúc ấy, cơm không đủ ăn lấy đâu lo cho khách? Mà tiếp đón không chu đáo, về làng họ kể người này, xì xầm người kia, sau này quy cố hương cái mặt biết vứt vào đâu? Vậy dù có gì gì đi nữa cũng phải tiếp đón đàng hoàng, thậm chí đi vây nợ đãi khách. Đã thế, lúc khách về, oái oăm thật, cũng níu áo họ ở chơi thêm vài ba bữa nữa. Thôi kệ, ít ra, khi quay về làng họ cũng nói được tiếng tốt cho gia đình mình, dù xa quê đã lâu nhưng trước sau vẫn nghĩa tình với anh em, bà con láng giềng. Tiếng thơm ấy cần lắm cho những mối quan hệ ràng buộc bởi lũy tre làng…

Vào những ngày cuối tuần, thói quen của y vẫn là đọc sách. Y hoàn toàn không thích xem truyền hình. Đêm qua đọc lại Văn minh Việt Nam (Nam chi tùng thư XB 1965) của nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu, có đoạn viết về lúc khách ở quê ra Hà Nội, ghé chơi nhà: “Lạ lắm! Nhiều khi gia đình tôi lấy làm như bắt cóc lấy khách. Vừa thấy cái càng xe kéo đặt xuống thềm, có độ ông bác chưa kịp bước xuống xe, là cả nhà, trẻ con người lớn đã reo ầm cả lên. Rồi đứa thì đón lấy ô, đứa thì dắt tay, đứa thì níu áo, lũ trẻ cứ lôi ông xềnh xệch vào nhà. Người lớn thì không cần phải hỏi ông ra tỉnh có việc gì, hay là định ở chơi bao lâu, hay là định đi đâu, trong khi pha trà mời ông uống là đã hô trẻ: Đi mời ông Cựu, ông Bá, bác Phó hay chú Cả đến đánh tổ tôm, nói có ông bác mới ra chơi nhé” (tr. 176).

Cứ tưởng như đang đọc cổ tích. Mà nào có xa xôi gì đâu, cũng khoảng chừng thời gian bà ngoại và mẹ y cùng các dì đón khách từ Đại Lộc xuống Đà Nẵng, ghé chơi nhà đấy thôi.

Ông Siêu phân tích rất có lý: “Người ở tỉnh có tiền của, mà nhà quê quanh năm không có ai ra chơi, thì thấy là một cái nhục đối với những nhà hàng xóm. Có người ra chơi, có độ vài miếng chè kho hay chè lam, vài đĩa xôi cúng đình, hay một ít quả mít, quả ổi, quả chuối mang theo ra cho, là chủ nhà lập tức sai con cắt cắt chia chia ra, đem biếu hết nhà nọ đến nhà kia ở hai bên hàng xóm, lấy làm một điều hãnh diện. Thế rồi người hàng xóm được quà biếu ấy lại chạy sang chơi, chuyện nở như bắp rang, tưởng không còn cái sướng nào thỏa hơn được nữa” (tr.174).

Cứ tưởng như đang đọc cổ tích. Thời buổi này, thời buổi của thế hệ facebook, yahoo… đã khác.

Sự niềm nở ấy đã khác, chẳng phải do không hiếu khách, không trọn vẹn nghĩa tình mà chính vì họ sợ phải gánh lấy sự phiền toái. Phiền toái nhất là họ cảm thấy đời sống riêng, không gian riêng bỗng dưng đảo lộn, dù chỉ vài ngày hoặc vài tiếng đồng hồ. Vậy thì cách lựa chọn gọn gàng, thuận lợi nhất vẫn là sau vài câu thăm hỏi lấy lệ bèn kéo rẹt ra quán. Bù khú ăn nhậu, tán hưu tán vượn, bán trời không mời thiên lôi cũng được, khi đứng dậy tính tiền về thì những gì đã nói bỏ luôn ngay ghế ngồi. Cần thiết, đóng luôn tiền cho khách ở khách sạn. Xong, lại quay về với ốc đảo của riêng mình, gia đình mình.

Hóa ra, con người hiện đại sống ích kỷ hơn à? Không phải, đơn giản chỉ vì họ không có nhu cầu phải chia sẻ sự riêng tư của mình cho người khác. Không muốn không gian riêng gia đình mình có sự xuất hiệ của người khác, dù  thân thiết. Với họ, về nhà, chính là về với thế giới của mình, do đó, họ chẳng muốn ai béng mảng tới. Nói như thế, để thấy tâm lý con người trong đời sống đô thị có những đặc trưng riêng. Một đặc trưng dễ nhận ra nhất, họ quen với nhiều, ngao du với nhiều người, lưu giữ cả vài trăm số điện thoại, email nhưng chắc gì có ai hiểu được họ và ngược lại. Nếu có, đếm không đủ mười đầu ngón tay. Mối quan hệ ấy chỉ nằm ở bề mặt, bề nổi.

Rõ ràng, con người hiện đại ngày càng cô đơn hơn chứ?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.7.2013

 

Hễ đọc báo là y như rằng, có chuyện đáng phàn nàn bởi có những sự việc đã xẩy ra ngoài sức tưởng tượng. Dẫu Vũ Trọng Phụng sống dậy cũng không thể nghĩ cái trò này quái đản này nhằm xây dựng tính cách Xuân Tóc Đỏ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa cho biết, anh viết trường ca Đi đánh thần hạn vào năm học lớp 5, lúc ấy: “Tôi viết trường ca này, cũng vì lúc ấy, quê tôi đang phải đối mặt với hạn và lụt vô cùng gian nan. Tôi định viết hai phần, lấy tên là Trường ca Giông bão, phần đầu là Đánh Thần Hạn, phần sau là Đánh Thần Lụt, và Thần Lụt mới quan trọng, vì quê tôi như hòn đảo, xung quanh là các sông lớn, mùa mưa nước chảy rất dữ, có năm đứng trên đê có thể khỏa chân xuống dòng chảy được. Làng tôi lúc nào cũng âm âm tiếng trống từ trên đê vọng về và cứ đến mùa lũ là mất ăn mất ngủ, bởi nếu vỡ đê là chết hàng vài vạn người, nếu không có biện pháp gì đó rất có hiệu quả, ứng cứu”.

 

lamquoctrung

Tại Vũng Tàu nhân kỷ niệm 1 năm báo VTCN, từ trái: Nhà báo Lê Minh Quốc, Nguyễn Trọng Chức, Nam Đồng, Lâm Quốc Trung (3.1992)

 

Ai đời, trường ca này lại được thẩm định, đưa luôn vào một công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và xếp vào văn học dân gian! "Các nhà nghiên cứu" công bố ràng rành trong Từ điển type truyện dân gian Việt Nam (NXB Lao Động - 2012). Công trình khoa học này của Viện Văn học, được Chính phủ tài trợ, do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế làm chủ biên, cùng các cộng sự khác cũng Phó Giáo sư, Tiến sĩ hoặc bét lắm cũng Thạc sĩ.

Trước phản ứng gay gắt của Trần Đăng Khoa, các nhà nghiên cứu trên cho biết đã sử dụng lại tư liệu từ tập sách Văn học dân gian Bạc Liêu do PGS. Chu Xuân Diên (chủ biên), NXB Văn nghệ TP.HCM in năm 2005. Họ kết luận: “Như vậy, về nguyên tắc chúng tôi đã sử dụng văn bản truyện kể đều có xuất xứ và ở dưới dạng tự sự và đã được công bố, xuất bản”.

Lập luận như vậy nghe có lọt tai không?

Miễn bình luận, rác tai người nghe, mỏi mắt người đọc. Chỉ trích lấy ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Thực ra, những chuyện cẩu thả như thế này trong các công trình được gọi là khoa học, cứ dựng lên để vét tiền dân vẫn diễn ra như cơm bữa, chán đến mức chẳng còn muốn nói nữa. Nhưng ở đây nó lại liên quan đến một tác phẩm của tôi, một tác phẩm đã in đi in lại nhiều lần và nhiều người cũng đã biết nên tôi buộc lòng phải lên tiếng, kẻo rồi có bạn đọc lại hiểu lầm, lại tưởng là lão Khoa đã đạo văn, mà đạo văn từ khi mới nứt mắt. Một công trình khoa học, một cuốn sách công cụ đòi hỏi sự chính xác và tính khoa học rất cao mà ngay từ những trang đầu đã lởm khởm và cẩu thả đến như thế thì liệu công trình ấy có tin cậy được không?

Thật kinh hoàng!”.

Chẳng biết từ bao giờ sự nghiên cứu khoa học của ta lại đẻ ra cái tư duy quái đản như thế? Cứ lấy sách người này đã viết, người kia chép lại. Nếu đúng thì không sao, nếu sai là sai dây chuyền. Ít ai bỏ công truy tìm, kiểm tra, kiểm chứng tận gốc, văn bản gốc, tài liệu gốc để  rút ra kết luận của riêng mình. Có những tài liệu quý lâu nay y vẫn sử dụng, xem như sách gối đầu giường, vậy gần đây lại phát hiện ra một chi tiết bất hợp lý. Chẳng hạn, tuần trước, khi viết kịch bản truyện tranh Chu Văn An, y đưa vào chi tiết lúc vua Trần vời thầy Chu Văn An ra Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, bấy giờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán - cháu bốn đời của danh tướng Trần Quang Khải có thơ mừng:

Học hải hồi lan tục tái thuần

Thượng tường Sơn, Đẩu đắc tư nhân

Cùng kinh bác sử công phu đại

Kính Lão, sùng Nho chính hoá tân.

Bản dịch của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học:

Bể học xoay chiều, tục đổi thay

Thượng tường Sơn, Đẩu xứng ngôi thầy

Công phu nấu sử, sôi kinh lớn

Chính hóa tôn Nho, kính Lão hay

Sử sách xưa nay chép thế, y cũng chép thế. Hỡi ôi, tại sao không đặt câu hỏi, năm 1325 Chu Văn An ra Thăng Long, đây cũng là năm Trần Nguyên Đán sinh ra đời. Vậy làm sao có thơ mừng nhân sự kiện này? Quả thật Trần Nguyên Đán có làm bài thơ Hạ Tiều Ẩn Chu tiên sinh bái Quốc tử Tư nghiệp, Hoàng Việt thi tuyển có chọn, nhưng ông viết vào thời điểm nào, bối cảnh nào thì chẳng có ai tìm hiểu chu đáo cả. Vì thế, các tài liệu viết về Chu Văn An khi dẫn chứng đều không lưu ý đến chi tiết này.

Hoặc trong quyển sách có giá trị Lịch sử báo chí Việt Nam của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng khẳng định tờ Nam kỳ địa phận ra đời vào năm 1883.  Do thư viện của y có được các số báo này, xem lại tư liệu gốc nên biết thông tin trên sai. Trang bìa tờ báo Nam kỳ địa phận số 522 ra ngày 20.1.1919 cho biết, mỗi số báo dày 20 trang, khổ 14x23 cm, phát hành hằng tuần. Nhìn trên góc trái có dòng chữ “11è année” (năm thứ 11), như vậy số báo này đã ra đời được 11 năm, cụ thể năm 1908. Kiểm chứng lại từ Thư tịch báo chí Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia), quả đúng vậy.

Trường hợp của Từ điển type truyện dân gian Việt Nam cũng thế. Họ chép lại từ cái sai của người đi trước nên mới xẩy ra cớ sự oái oăm. Chỉ đáng phàn nàn, hầu hết các công trình nghiên cứu cấp Bộ đều nhận kinh phí từ Nhà nước. Nhà nước bỏ tiền để thu về các “công trình” thế này thì gay go quá.

 

quoc-biwen

Tại Vũng Tàu, nhân kỷ niệm 1 năm báo VTCN, từ trái: Lê Minh Quốc, Đoàn Thạch Biền (ảnh: Lâm Quốc Trung)

 

Sáng nay, nhận được tin anh Lâm Quốc Trung qua đời. Không rượu chè, đàn đúm chỉ khoái uống trà ngồi viết báo, làm báo lại chết vì căn bệnh của người hay rượu. Cũng lạ. Trời kêu ai nấy dạ. Biết cãi làm sao?

Có thể ghi nhận, đây là một trong những con người thông minh nhất mà y đã biết. Anh lăn lộn trong nghề in từ thời còn là cậu nhóc mới lên mười nên rất giỏi về nghề. Ngày trước, vẽ maket (maquete) lịch lốc là một bí mật, chỉ có thể “cha truyền con nối” bởi maket ấy cho phép sau khi in xong, công nhân gấp lại đúng quy trình, đưa thành phẩm ấy vào máy cắt xén là nhà in đã có hàng ngàn, hàng triệu cuốn lịch lốc. Mỗi cuốn lịch ấy đầy đủ 365 ngày trong một năm. Chính xác. Không thừa. Không thiếu. Không lẫn lộn bất kỳ một ngày nào.

Vậy anh Trung học bằng cách nào?

Ngày nọ, anh đến nhà in ở Chợ Lớn xin việc, chủ xua tay đuổi, không nhận. Anh lủi thủi bước ra, lúc ấy, bỗng có gì đó ném từ trong nhà ra, rơi cái bịch trước mặt. Anh giật mình, theo thói quen cúi xuống nhặt lấy và đút luôn vào túi. Cái gì đó? Đó là mẫu maket lịch lốc do vẽ bị sai nên người ta vứt đi. Từ miếng giấy người ta đã vứt đi, anh đem về mày mò nghiên cứu, tìm ra bí quyết cách vẽ maket, nhờ đó, anh hốt bạc bằng nghề này.

Giỏi chưa?

Chưa hết, nếu ông Moris cha đẻ của Lucky Luke biết chuyện này cũng phải thán phục cho tài trí láu cá của anh Lâm Quốc Trung. Bấy giờ, trong thập niên 1960 tại Sài Gòn, truyện tranh Lucky Luke đã được dịch sang tiếng Việt, bán rất chạy như tôm tươi. Trẻ già lớn bé nam phụ lão ấu đều khoái đọc. Nguyên bản của Moris như ta biết là không nhiều, sau một thời gian, các nhà xuất bản cạn nguồn. Biết độc giả trên thị trường đang khoái, ngay lập tức anh vẽ luôn và bán nhiều bản thảo cho các đầu nậu. Cũng nhân vật Lucky, anh em nhà Danton v.v… nhưng toàn bộ cốt truyện, lời thoại do anh “chế” ra! Ấy là chưa kể các bộ truyện chưởng, kiếm hiệp anh cũng "chơi" luôn. Rồi sau này, anh còn dịch sách, trình bày bìa sách, vẽ tranh minh họa, chụp ảnh nghệ thuật, viết bài nghiên cứu về đồ cổ v.v... Mà "chơi" ở lãnh vực nào anh cũng thông thạo. Có lần quan sát lòng bàn tay anh, thấy có nhiều đường chỉ tay chằng chịt, đan chéo rối rắm.. Bàn tay ấy đã sống với nghề báo đến mức tuyệt hảo.

Giỏi chưa?

Trong thập niên 1990, y có thời gian dài cộng tác với anh Lâm Quốc Trung làm tờ VTCN. Từ số đầu tiên đến số cuối cùng. Y phụ trách một chuyên mục chẳng liên quan gì đến sở trường: Viết bài hướng dẫn đàn bà, con gái nên ăn gì, uống gì cho da đẹp như trứng gà bóc; tập thể dục ra sao để eo nở mông thon, muốn tích trữ mỡ ở vùng bụng thì phải làm sao v.v… Tóm lại, nghệ thuật làm đẹp cho phái đẹp mà mỗi tuần, phải lấp đầy hai trang báo. Sở dĩ, y dám làm vì nhờ có tư vấn của vợ chồng ca sĩ Thu Cúc, lúc ấy, anh chị đang là chủ thẩm mỹ viện Thanh Thảo ở Tân Bình. (À  nói luôn, cái nốt ruồi ngay sóng mũi bên phải, thầy bói bảo “không tốt cho đường tình duyên”, ghét quá, y cũng xóa ở thẩm mỹ viện này! Mà xóa xong cái nốt ruồi hắc ám, cà chớn ấy, đường tình ái lăng nhăng của y nào có “cải thiện” được gì đâu).

Nhờ sưu tập lại bộ VTCN (không đầy đủ) và bộ VH (cũng do anh Trung chủ biên), y mới biết anh Lâm Quốc Trung viết nhiều, ký nhiều bút danh khác nhau. Trước ngày anh mất, y có cho anh mượn để chụp lại, kể cả những bộ truyện tranh Tôn Ngộ Không, Na Tra... để anh sử lý, in thành sách gì đó. Chắc công việc chưa đến đâu. Chẳng nhớ duyên cớ nào, gặp gỡ và cộng tác lâu dài với anh. Chỉ nhớ, chính y là người môi giới Đoàn Tuấn gặp anh để sau đó, anh đứng ra làm tờ TGĐA, phụ san của tờ Điện ảnh. Lúc này, anh đã thôi làm tờ VTCN, y cũng hết cộng tác, vì thế ít gặp nhau. Ít gặp nhưng thỉnh thoảng vẫn viết cho anh những tờ mà anh đang làm... Và hiện nay vẫn nhận báo biếu hằng tuần.

Nếu nói thêm gì về anh, chỉ xin nói rằng anh là người đầu tiên lấy giấy phép từ NXB hoặc từ chính cơ quan truyền thông, từ cơ quan báo chí để thực hiện nhiều đặc san nhất. Anh đã đi những bước tiên phong của cơ chế “thoáng” vừa mở ra trong thời điểm ấy: Giấy phép của của nhà nước nhưng tư nhân thực hiện từ A đến Z. Anh là siêu “Tổng biên tập” do cùng lúc đã xây dựng nhiều ê-kip thực hiện nhiều tờ báo. Siêu T.B.T này rất khiêm tốn, anh chỉ ghi tên mình bằng bút danh "Song Mộc". Họ  Lâm của anh, bộ Mộc. Với với bút danh đó, ta khắc biết. Cách làm việc của anh là giao khoán trang, khoán nhuận bút cho anh em, còn nhớ trên tờ VTCN, nhà văn Tạ Nghi Lễ phụ trách trang Tuổi mới lớn; anh Lê Tây Sơn phụ trách trang Quốc tế v.v.. Cứ tuần này giao bài, nhận tiền nhuận bút tuần trước. Không thiếu một xu. Đúng hẹn, đúng giờ. Dù phụ trách nhiều tờ báo nhưng điều đặc biệt hiếm có ở Lâm Quốc Trung là không bao giờ ra khỏi nhà, không đàn đúm bia rượu, không gái gú linh tinh. Bạn bè đến nhà giờ nào cũng được, đến là gặp, tiếp khách chỉ trà ngon hoặc cà phê. Do giỏi nghề in nên những tờ báo anh thực hiện, anh tự tay vẽ maket hoàn chỉnh một tờ báo, có người đưa xuống nhà in; bản in thử đem về, anh tự đọc, sửa luôn từ chính tả, câu cú đến font chữ... Không phải thuê bất kỳ một ai. Thậm chí công in, giấy in loại nào, mực in, in nhà in nào... anh tính toán chu đáo.

Cái giỏi của anh làm báo bán chạy, nhưng không chạy theo thị hiếu rẻ tiền. Không thèm kiếm tiền bằng công thức "tiền, tình, tù, tội..." mà hiện nay nhiều tư nhân làm báo đang thực hiện triệt để, khiến độc  giả có tư cách không dám đem về nhà, bởi sợ con em mình đọc thì ngộ độc như chơi, uổng công nuôi nó ăn học nên người. Tờ báo nào của anh Lâm Quốc Trung làm cũng có thể lưu trữ để làm tài liệu về sau. Đến nay, theo y, bộ V.H của anh làm với giấy phép của Bộ VHTT thời đó có thể xem như một mẫu mực về nghề.

Nghe tin anh Lâm Quốc Trung mất, tự nhiên lại nghĩ đến một thế hệ tư nhân làm báo sau 1975. Nếu viết lịch sử báo chí Sài Gòn, không nhắc đến các anh P.C.S của tờ Tuổi Hồng, N.Đ.T của tờ Thời Văn; T.T.T với tờ Tuổi mười tám; P.H của tờ Mỹ thuật; Đ.D của tờ PNAB hoặc N.L.C v.v... thì sẽ không "vẽ" ra được cung cách làm báo của một thời. Thời mà tư nhân làm báo, điều hành một tờ báo đúng nghĩa nhưng vẫn không được gọi "chính chủ" với đúng danh xưng. Tư nhân thời đó làm báo khác bây giờ, chỉ vì họ quá yêu nghề chứ không hẳn vì lợi nhuận. Cái lý tưởng cao đẹp ấy, làm báo thời buổi này đã khác.

Sáng mai, chở anh B đi viếng anh Lâm Quốc tại nhà riêng. Tên đường nghe lạ quá, lần đầu tiên mới biết: "Gò Ô Môi". Cái tên đường nghe êm ái như thơ. Nghe đỏng đảnh như nữ sinh mười tám.

Xin vĩnh biệt anh Lâm Quốc Trung và xin chia buồn cùng gia đình.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.7.2013

 

“Chân em trắng vậy mà lòng anh lạnh”. Đọc một lần, ám ảnh. Không nguôi. Bình thường chẳng nhớ đến. Lúc tâm trạng gây cấn, bẽ bàng, tan nát… bỗng dưng lại vụt nhớ từ trong tiềm thức. Từ giã cõi đời năm 24 xuân xanh, Phạm Hầu để lại vài câu thơ hay. Do tham gia phong trào yêu nước, bị mật thám Pháp bắt, trong tù Phạm Hầu bị đánh chấn thương sọ não, sáu tháng sau thì chết, thi hài đưa về quê bằng tàu hỏa. Nhà thơ Chế Lan Viên có lần kể, "Để khỏi bị phát giác, người anh phải bế xốc cái thây ma Phạm Hầu lên, trên tay giắt cái vé cho nhân viên tàu hỏa kiểm tra không biết". Phạm Hầu là con trai của Tiến sĩ Phạm Liệu - một trong Ngũ phụng tề phi của Quảng Nam.

Có những câu thơ lặng lẽ. Đi qua cõi nhân sinh. Như gió đi qua năm tháng. Có người nhận ra, có người không nhìn thấy. Câu thơ ấy có được là nhờ cảm hứng từ hình bóng của giai nhân quý phái đất Thần Kinh: Cô Mừng, tức Tôn Lệ Minh. Là người rụt rè nên chưa bao giờ Phạm Hầu dám ngỏ lời, chỉ âm thầm mộng tưởng. Vẽ lại nhan sắc tuyệt đẹp ấy trong tranh. Ghi lại nỗi nhớ ấy trong thơ. Về sau Tôn Lệ Minh là vợ của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Trong tập Tiếng thu - cũng có những câu thơ từ cô Mừng:

Tiếc gì em nửa đường tơ

Cho hoa quên nở trăng mờ quạnh soi

Chờ em đêm đã khuya rồi

Rộn ràng lá rụng, trăng rơi đầy thềm

 

pham-hau


Có lần, nhà văn Lưu Trọng văn kể lại chuyện tình của chàng trai thi sĩ từng mê đắm mẹ mình: “Mạ tôi lúc ấy trên 70 tuổi, tóc bạc phơ, băng băng vượt cỏ dại, gai dại leo hết mô đất này đến xuống dốc nọ, đến được ngôi mộ xây tròn - bia có dòng chữ Phạm Hầu. Trước khi đi mạ tôi đã mua hoa ở chợ Bến Ngự để viếng. Tôi hái thêm những bông hoa dại. Mạ tôi ngồi bên mộ im lặng một lúc lâu. Trong cuốn hồi ký Mối tình đầu, mối tình cuối của mạ tôi, mạ tôi đã kể lại, thi sĩ Phạm Hầu bị bệnh nặng, chỉ chịu ăn cơm nếu cơm ấy chính mạ tôi đem lại. Dù chỉ cảm mến chàng thi sĩ chứ không yêu, mạ tôi đã thực hiện ý nguyện ấy”.

Nghe rưng rưng…

Đọc một bài thơ, nghe một ca khúc, xem một bức tranh… nếu biết được nguyên mẫu của sáng tác ấy, có lẽ rất thú vị. Cứ mờ mờ ảo ảo, càng gợi sự tò mò. Trước đây, thiên hạ đổ xô nhau đi tìm con người thật của Hai sắc hoa ti gôn T.T.Kh. May không tìm ra. Nếu tìm được con người cụ thể ấy, lý lịch ấy chắc lòng yêu mến đã vơi đi nhiều. Sự liên tưởng của con người ta cũng lạ. Họ nghĩ rằng, ca từ đó, giai điệu đó, câu thơ đó, vần điệu đó ắt phải người thế này, thế này… Nhưng khi gặp lại thất vọng não nề.

Có lần cô em gái ở Quảng Ngãi kể, hồi mới giải phóng khi biết tin nhà thơ Xuân Diệu sẽ đến trường nói chuyện thơ, đêm ấy, nhiều nữ sinh thấp thỏm chờ đợi những mong trời mau sáng để được nhìn tận mắt thi sĩ lừng danh của nhung lụa tiền chiến. Sáng hôm sau, trời đất ơi! Xuân Diệu đấy ư? Hình ảnh thực đã xóa sạch những gì tốt tươi nhất về một hoàng tử mà ở lứa tuổi mới lớn vốn giàu tưởng tượng.

Năm thứ nhất học ở Thủ Đức, có lần nhà văn Anh Đức và nhà thơ Diệp Minh Tuyền đến nói chuyện về sáng tác văn học. Lúc ấy cả hàng trăm sinh viên ngồi kín cả giảng đường lớn, chăm chú nghe. Lạ cho trí nhớ của thời trẻ, đến giờ vẫn còn nhớ như in, Anh Đức nói rằng, một trong những yếu tố làm nên tác phẩm hay phải có nhiều tình tiết. Ông ví von, cũng tựa đan chiếu, nếu đan càng nhiều sợi cói, chiếu ấy càng chắc. Đại khái thế. Còn nhà thơ Diệp Minh Tuyền hướng dẫn một ca khúc mới, nay ít nghe ai hát: “Anh đi sinh nhật em với cây đàn guitar/ Anh đi sinh nhật em không bánh và không hoa/ Anh đi sinh nhật em chỉ có bài tình ca/ Chỉ có trái tim yêu, đang ca hát rộn ràng/ Lời ca kết thành hoa thắm/ Ngọt ngào anh hát tặng em/ Đàn ngân hóa thành câu chúc/ Rộn ràng nâng phím tặng em/ Lời ca hóa thành ngọn nến/ Hồng hào soi sáng mặt em/ Đàn ngân hóa thành câu chúc/ Mừng ngày sinh của đời em”.

Ca khúc dễ đi vào trí nhớ hơn thơ.

Còn nhớ, thời mới giải phóng, ngày đầu tiên đi học lại, thấy giáo mặc quần áo bộ đội, giảng bài Con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Lần đầu tiên nghe đến cụm từ “văn học cách mạng”. Trải qua năm tháng, đến giờ vẫn còn nhớ đến ca khúc Trường em, thầy dạy cho lũ học trò lớp 9 chúng tôi: “Trường em lợp ngói đỏ/ bên hàng cây xanh xanh/ ngày ngày vang tiếng hát/ khúc ca yêu hòa bình/ Chúng em thi nhau viết/ thật đẹp tên Bác Hồ/ chúng em thi nhau vẽ/ ngôi sao trên lá cờ”. Sau này, có nhờ T.H.Nhân đưa tin trên báo Thể thao&văn hóa, nhờ tìm tác giả, ai biết chỉ giúp. Hoàn toàn không có một phản hồi nào.

Cuộc đời oái oăm thật, có những lúc buồn, vui, sướng , khổ con người ta được an ủi, chia sẻ bằng nhiều tác phẩm thơ, nhạc, họa... nhưng lại hoàn toàn không biết gì về tác giả.

Nhà thơ Tế Hanh có kể một kỷ niệm khi ông về huyện Nghi Xuân quê hương của thi hào Nguyễn Du. Lúc ông hỏi thăm một bà cụ nhà của Nguyễn Du nơi đâu, bà cụ ngớ người ra: “Nguyễn Du nào tôi chẳng nhớ tên?”. Nhưng khi nói, đó là người viết kiệt tác Truyện Kiều, bà cụ vội vã chỉ đường ngay và đọc luôn mấy đoạn thơ Kiều, kể luôn vanh vách về cuộc đời thăng trầm của Kiều. Từ đó, nhà thơ Tế Hanh ngẫm nghĩ:

Bà cụ không nhớ tên Nguyễn Du, có gì đâu đáng trách

Một cái tên như bao cái tên thường

Nhưng cụ đã gửi lòng trong áng sách

Theo dõi đời Kiều từng đoạn từng chương...

…Cuộc gặp gỡ tình cờ đem cho tôi bài học

Như thể qua hai trăm năm nhà thơ nhắn lại bây giờ:

- Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc

Người ta có thể quên tên người làm thơ, nhưng đừng để quên thơ...

Đêm qua đã bàn xong số phận tờ A.T. Một sự khả quan. Tốt đẹp. Trong công tác quản lý, những ai tài giỏi luôn để lại dấu ấn lớn của một giai đoạn. Sực nghĩ đến anh N.C.K của báo TN là dấu ấn của chương trình DDVN - lần đầu tiên một cơ quan báo chí tổ chức chương trình văn nghệ đi biểu diễn ở nhiều nước, là đấu tranh xóa bỏ sự bất hợp lý của chủ nghĩa lý lịch trong quy chế tuyển sinh; hoặc với anh L.H của NXB Trẻ là khai sinh, cưu mang tờ A.T suốt năm tháng dài để trở thành là sân chơi, bệ phóng cho một loạt cây bút mới. Sân chơi này gắn liền với vai trò của huấn luyện viên Đ.T.B. Đêm qua, huấn luyện viên tài ba của chúng ta chỉ uống cầm chừng. Gout mà. Anh em cũng chạm vài ba ly rồi chia tay. Ngoài trời lất phất mưa.

Sáng nay, lật tập sách Vẫy ngoài vô tận, tuyển thơ Phạm Hầu do nhà văn Hoàng Minh Nhân thực hiện và tặng. Lật vào trong còn thấy bút tích của ngày ấy: "Không hiểu sao đọc thơ Phạm Hầu và hồi ký viết về Phạm Hầu của Lưu Trọng Lư và Huy Cận lại thương Phạm Hầu quá, muốn ứa nước mắt. Vì thương một người chết trẻ? hay thương lấy chính nình? Thật lạ, bao giờ trong tâm trí của tôi cũng thương và dành nhiều (rất nhiều) thiện cảm cho những người chết trẻ. Họ may mắn hay bất hạnh? Sống dài là bất hạnh hay may mắn?" (12.11.2002).

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận

Chẳng biết xa lòng có những ai?

(Phạm Hầu)

Lại những ngày thương nhớ online.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.7.2013

 

DSC08781RRR

Đi và viết, từ trái: nhà báo Hữu Thân, Lê Minh Quốc, Lê Thành Phong, Nhật Lệ (Ninh Bình)

 

Lúc nào con người ta bắt đầu già? Chừng hai mươi năm trước, khi đặt chân đến một vùng đất mới, y luôn ghi chép cẩn thận những gì đã thấy, đã nghe mà y cho là mới lạ, lúc quay trở về nhà, dù không ai bắt buộc vẫn có bài viết về nơi ấy. Viết tràn trề cảm xúc tươi mới, hào hứng. Chao ơi! Thời trẻ ấy, ai cũng hăm hở, trẻ trung, nhanh nhậy. Vẫn còn nhớ lúc từ Hà Nội cùng Fahasa viếng Đền Hùng; cùng Hữu Thân, L.K.T chiêm bái Đền Trần; thăm nhà con gái Vũ Trọng Phụng, Nam Cao; cùng Đoàn Tuấn phóng xe máy vào Nam Định thăm nhà cũ của Tú Xương v.v… và v.v... Đi và viết. Không mệt mỏi. Thời ấy chỉ gõ máy chữ, ít lưu giữ lại.

Bây giờ đã khác.

Đi không còn mang tâm trạng náo nức, khám phá về lịch sử, văn hóa, con người… nơi ấy, chỉ muốn có một không gian riêng, tha hồ mơn man cảm giác. Một không gian thiên nhiên riêng biệt. Tắt điện thoại. Không vướng bận. Chỉ hai người. Cùng trở về thuở hồng hoang địa đàng nơi trần thế. Chỉ là sự phiêu lưu tận cùng của cảm giác. Quan sát thiên nhiên trên vùng miền da thịt một người. Quan sát không để viết. Để tận hưởng cảm giác.

Một người mời đi Hồng Kông với điều kiện lúc về phải có bài trên báo. Bèn từ chối. Ngày trước, OK ngay. Đi để mở rộng tầm nhìn và viết. Nay đã lười, chỉ muốn đi theo cách đi và chơi của mình. Không ràng buộc đám đông. Gò bó theo chương trình cụ thể. Khi nhận lời mời của người ta đi chơi, thật ra đi công tác. Mọi hoạt động trong ngày phải tuân theo một lịch trình đã sắp xếp trước. Không thể giờ này việc nọ. Đúng răm rắp. Như cái máy. Chỉ thoáng nghĩ, đã thấy mệt, ở nhà sướng hơn. Chẳng phải một ràng buộc gì về giờ giấc, công việc và nhất là không phải đau đáu sau chuyến đi phải “trả nợ” bằng bài viết cụ thể.

Mệt.

Sáng nay, mới sáng sớm, đồng đội cũ đã réo điện thoại rủ ở về ĐN chơi. Chúng nó uống cà phê ở núi Sơn Chà. Đã đời mây trắng chưa? Xong lại thuê một chiếc xe chừng vài chục chỗ, vi vu vào Tam Kỳ. Trên đường đi sẽ réo  thêm bạn bè, ai muốn đi, cứ việc ra ngoài quốc lộ 1, xe ngang qua đón luôn. Đi thăm bạn bè của chiến trường K còn sống sót. Sở dĩ vào Tam Kỳ bởi Đ.Tuấn đang ở ĐN, đang cần tìm cảm hứng, kỷ niệm, chi tiết gì đó cho tập sách đang viết dở về ngày tháng ở K. Có dịp thăm nhau luôn thể. Sướng quá.

Y nhìn vào lịch làm việc trong ngày. Nghe bạn bè oang oang quan điện thoại. Tự nhiên tủi thân quá chừng.

Lại nhớ, trong những ngày ra Hà Nội, dạo ấy, liên tục thúc giục Đoàn Tuấn phải viết lại ngày tháng ở Kampuchia. Viết ngay thôi, bởi trí nhớ còn tốt, cảm xúc còn dạt dào. Chừng vài năm nữa, muốn viết cũng khó. Tập sách Những người không gặp lại nữa hoàn thành và xuất bản. Một phần nào kỷ niệm về của ngày tháng đó, về những anh em chết trẻ cũng đã trang trải trên trang giấy. Đỡ ân hận. Những số phận ném vào cuộc chiến không còn dấu vết.

Mùa mưa 1980, ở biên giới Anlungveng vẫn còn chằng chịt trong ký ức. Đêm đó cùng Trần Tuấn Bảo, Hiền Nhân vác súng qua D 10 ngồi uống rượu với Nguyễn Đăng Lâm, Vũ Đình Chiến… trên đường về, địch tập kích vào doanh trại. Chạy trối chết, về đến đơn vị lao nhanh xuống chiến hào. Khói thuốc súng đậm đặc. Cơn say đã tỉnh. Ngước nhìn lên trời mù mịt mưa, thấy nẽo về còn xa lắm.

Mùa mưa 1980, về hậu cứ cõng đạn, tải gạo bị phục kích liên tục. Sau những trận đánh, anh em lại đi tìm thân xác bạn bè. Những thịt xương tan nát. Thu gom lại. Rửa sạch bằng rượu. Xếp ngay ngắn trên chõng tre giữa rừng. Làm sao có thể tìm lại đủ một hình hài nguyên vẹn? Một lán trại dựng lên ngay trong doanh trại, xếp anh em tử sĩ nằm đó. Chờ đưa về hậu cứ. Có những ngày đường giao thông tắt nghẽn. Không còn cách nào khác, phải chôn thôi. Đặt anh em từng người nằm trong võng bạt. Đưa về với đất. Mỗi anh em đều có thêm tờ giấy cỡ bao thuốc lá ghi rõ họ tên, đơn vị, quê quán, ngày mất và nhét vào lọ penicilin. Bịt kín lại. Đặt trong túi áo. Sau này, đơn vị cải táng sẽ biết thông tin. Ngày tháng đó, mìn giăng khắp nẻo đường. Loại mìn ríp. Mìn K 63. Mìn claymo. Mìn nhiều như vãi trấu. Mỗi sáng, khẩu phần ăn là hai bát cơm. Nhét thêm vào túi cóc ba lô một cục cơm vắt dành cho bữa ăn trưa. Đi và đi. Đi truy quét. Đi phục kích. Đi cõng đạn. Đi tải thương. Đi vác gạo. Ngày tháng nặng nề.

Mùa mưa 1980, tấn công đồi Con Cá. Bị lọt vào ổ phục kích. Anh em chạy tán loạn. Vấp mìn chết. Lâm vứt luôn cả DKZ. Cả một trung đội tan nát. Nhớ lại vẫn còn nghe tiếng súng ì ầm. Nhớ cả ụ mối, gốc cây đã che khuất một tầm đạn. Quay về doanh trại. Còn nhìn thấy mặt nhau là mừng. Thời đó, còn trẻ quá. Chỉ mới mười tám đôi mươi. Những đồng đội chết trẻ quá. Mỗi lần nhớ lại rưng rung. Muốn khóc. Có một thể hệ tuổi trẻ chưa kịp lớn đã chết. Nhớ anh em quá. Ngày đó, y cũng trẻ. Cõng trái đất nặng ba ký lô là những gạo, đạn, mìn đi vào cuộc chiến tàn khốc trên quê hương Chùa Tháp. Những đêm nằm trong căn hầm chữ A, chữ Z treo võng tòng teng, dưới đất sũng bùn lầy và nhớ về ánh đèn thành phố. Nhớ con đường học trò. Tuổi trẻ khốc liệt. Tuổi trẻ cô đơn. Tuổi trẻ không có ngày mai chỉ có những khẩu lệnh nhà binh sẳn sáng tác chiến.

Mùa mưa 1980, đơn vị nhận lệnh rút về tuyến sau dưỡng binh. Khi ấy, toàn bộ doanh trại vẫn giữ y nguyên, chỉ có khác là đã giăng mìn khắp nơi. Nghi binh nhằm đánh lừa địch. Cả đội hình rút quân vào lúc rạng sáng. Còn ngoái nhìn lần cuối cùng nấm mồ anh em nằm lại. Lặng lẽ đi. Mưa như trút. Dằn dặc hơn năm năm trời ở K. Ngẫm lại thấy dài hơn cả đời người. Dài hơn cả tháng ngày sống sót trở về. Đã là lính, dù lính của thời nào cũng chỉ ước mơ một con đường cuối cùng. Đoàn Tuấn gọi “Đường lính”:

Không cần vé vẫn lên tàu đi B

Sang K, C cũng chẳng cần hộ chiếu

Những con đường chiến tranh đơn điệu

Lính chỉ mong: một lối trở về!

Lại nhớ năm 1998, khi phát hành tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc. Tuấn đã đem vài trăm tập vào Tam Kỳ tặng cựu binh của sư đoàn 307. Lúc ấy, báo chí từ Nam chí Bắc khen ngợi nhiều. Duy chỉ có một tờ báo  ở HN đưa tin nhảm nhí, thiếu thiện chí. Đồng đội cũ bất bình lắm, trong đó có N.Đ.Huần. Trong lời Tựa của phần thơ Đoàn Tuấn in trong tập Đất bên ngoài Tổ quốc, y viết: “Hình như Huần rời khỏi chúng ta vào ngày 27.8.1980? Quốc lật trang nhật ký thì trong ngày hôm đó có ghi bài thơ tặng Nguyễn Đình Huần:

Im nghe từng giọt mưa đêm

Như từng giọt máu rơi trên hình hài

Tình yêu bầm tím hai vai

Phố xưa hoang vắng trong ngày Prech-vihear

Im nghe trăm mảnh trăng khuya

Tan trong dĩ vãng đầm đìa thương yêu

Sao nghe từng nỗi quạnh hiu

Sầu ngông vật vã tim yêu ngỡ ngàng

Nhớ về ngày cũ miên man

Từ Liêm (Hà Nội) bàng hoàng mộng du...”

Ngày đó, Huần rời khỏi quân ngũ. Về HN không sống nổi, phải lang bạt kỳ hồ và cuối cùng dăm ba lần vào tù ra khám. Trời, chẳng biết trường đời đã giáo dục, dạy dỗ, rèn luyện thế nào mà từ bạch diện thư sinh, hắn trở thành tay đâm chém cộm cán. Chằng chịt dấu xâm. Loang lổ vết chém. Đang ngồi lai rai, giật thót người, khi nhìn đàn em lũ đầu trâu mặt ngựa đến xin ý kiến hắn xử vụ này vụ nọ. Ớn quá. Chẳng rõ, Huần thế nào rồi? Có lẽ đã mỏi cánh? Đã rời khỏi đường bay? Rồi người ta cũng già thôi, chẳng ai thể ngựa non háu đá mãi.

Vậy, lúc nào con người ta còn trẻ?

Trẻ là lúc năng lực yêu còn dữ dội. Như sóng. Từng ngọn sóng mạnh mẽ lao vút lên tận trời xanh. Môi đang hôn người này, mắt liếc nhìn người kia, tay sờ soạng kẻ khác. Chuyện trò với người này mà trong óc nhớ đến người kia. Nằm với người này, lại gọi tên người kia. Lúc đã gặp người kia lại tơ tưởng đến kẻ nọ. Tấm lòng từ bi, sẵn sàng săn đón bất kỳ bóng hồng nào đang bước qua. Thừa sức khỏe đeo đuổi, san sẻ tình cảm một lúc cho nhiều người. Thừa sức mọc cây si trước nhà nhiều người. Thừa sức rú lên thảm thiết:

Mỗi lần yêu là một lần suýt chết

tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều

Tưởng đã tởn tới già, không, lại toét miệng cười hơ hớ lao theo hình bóng khác. Mà thôi, đến lúc nào đó, con người ta chỉ muốn yên ổn với một người. Không léng phéng gì nữa. Ấy là lúc con người ta đã già.

Chiều nay, sẽ gặp vài người bạn không bao giờ già để bàn thêm về số phận của tờ A.T. Chỉ nghĩ rằng, tờ A.T cũng thế. Lúc nào cũng trẻ. Sau này, ai có muốn làm một luận văn khoa học về tờ A.T để qua đó có thể biết được sự hình thành của một thế hệ cây bút trẻ, chỉ có thể tìm mượn tư liệu ấy ở anh Đ.T.Biền. Anh có đủ bộ sưu tập về tờ A.T. Ban đầu, NXB Trẻ giao anh trực tiếp làm, sau đó, chuyển về Công ty Phương Nam một thời gian ngắn. Rồi đình bản. Rồi báo TT nhận làm, người trực tiếp vẫn hai ông anh Đ.T.B và N.Đ.T, còn y, chỉ hụ hợ bên ngoài cho xôm tụ thôi.

Chiều nay, nắng đẹp. Chẳng hiểu sao lại nhớ đến câu thơ rất hay của Phạm Hầu: "Chân em trắng vậy mà  lòng anh lạnh". Chỉ có thể viết được câu thơ ấy khi còn trẻ.

Y đã già rồi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.7.2013

 

Chiều qua, Đoàn Tuấn ở Đà Nẵng, họp nghe báo cáo về tình hình điện ảnh. Cả hai nhắn tin liên tục. Hỏi thăm hắn về kịch bản Sống cùng lịch sử vừa được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, đưa vào danh mục sản xuất phim truyện nhựa do Nhà nước đặt hàng năm 2013. Bộ phim này được chọn thực hiện kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có độ dài 90 - 100 phút. Hơn 20 năm trước đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã cộng tác thành công với Tuấn qua phim Chuyện tình trong ngõ, nay lại tiếp tục với Sống cùng lịch sử.

Chúc mừng bạn mình.

Trong phim có đoạn nào mới, lạ hơn các phim đã làm về Điện Biên Phủ không? Có đoạn về gái điếm ở đó. Nghe ngạc nhiên quá. Chắc lúc đó đang nhe răng cười hì hì, hắn cho biết tìm chi tiết này trong hồi ký của tướng Navarre.

 

fc058

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn (nguồn: Internet)

 

Đọc lại quyển Nous étions à Dien Bien Phu, qua bản dịch của Lê Kim thấy có đoạn này:

“Một loạt đạn 105 nổ gần trạm quân y cắt đứt những suy nghĩ của Péraud. Gần tối đạn pháo càng bắn dữ dội hơn vào phân khu Trung tâm.

Không có ánh sáng để làm việc. Đây là khoảnh khắc rất ngắn của hoàng hôn nhiệt đới.

Ánh sáng giữa ngày và đêm chuyển nhanh sang màu tối, mượt mà như những gần như có thể sờ thấy được. Trên nền đen đó, một ngọn đèn điện nhỏ lóe lên ánh sáng yếu ớt của một ngôi sao.

Nhà phóng viên ảnh Péraud thường rất tiếc chưa ghi được tấm hình nào của cảnh đẹp này trong phim ảnh.

Anh đã nghĩ đến chuyện quay về hầm trú ẩn nhưng không thấy buồn ngủ và cũng không muốn ngồi một mình trong cái hầm nhỏ như ngôi mộ này. Anh bèn đi về khu dân cư của người Thái trắng dọc theo bờ sông Nậm Rốm. Những binh lính thủ hạ của Đèo Văn Long từ Lai Châu rút về đây cùng với gia đình, đã xây dựng được một khu sinh sống tạm gọi là làng bản, nửa chìm nửa nổi, có hầm trú ẩn. Trong những ngày chờ đợi Việt Minh tiến công cái bản người Thái này thường là nơi những khách quen thuộc lui tới ban đêm.

Khi đi qua một hộp đêm, Péraud nghe thấy giọng nói lanh lảnh của những gái điếm người Việt. Nhà chứa này được xây dựng trong một khu hầm rộng để có thể hoạt động trong mọi trường hợp. Nhưng vài hôm nay, khu nhà này đã khép kín các cửa chớp. Các cô gái điếm không còn lòng dạ nào tiếp khách nữa, quay sang chăm sóc lính bị thương hoặc làm những việc lặt vặt ở bệnh xá. Những công việc này không sạch sẽ, không được trả tiền cao, nhưng rất là có ích. Mọi người đều phải nghiêm chỉnh tuân theo luật lệ quân y: cho lính bị thương uống nước, lau mồ hôi trên mặt họ, tắm rửa cho những thân hình bẩn thỉu, đổ bô, ngồi cạnh những người sắp chết…Những cô gái này đã thực hiện các nhiệm vụ một cách nhẫn nhục và với một tình thương xứng đáng với sự quản lý của bà chủ là Marie Madeleine”.

Có thể từ thông tin này chăng? Sẽ hỏi lại Đoàn Tuấn sau.

Cái chán nhất của hắn là không biết nhậu. Chỉ vài chai đã say mềm. Khi đã say, nếu có người đẹp ngồi cạnh thỏ thẻ đôi lời như mật rót vào tai, than nghèo kể khổ, lập tức máu Từ Hải đùng đùng dậy sóng, hắn ngất ngưởng đứng dậy vét sạch tiền trong túi trao ngay, ngay cả cái đồng hồ đeo tay cũng cởi ra nốt, tặng luôn! Đã mấy lần dẫn vào chốn karaoke lộng lẫy bàn tay vàng, chứng kiến vài lần nên lần nào y cũng phải canh chừng lúc hắn nổi máu mủi lòng...

Bạn y cùng thời ở chiến trường K đó, dễ thương chưa? Đọc lại vài câu thơ của Đoàn Tuấn, bởi nhớ đến hắn là nghĩ về tháng ngày 18 tuổi trong sạch, đầm đìa kỷ niệm máu thịt của một ngày. Một đời:

Chiều chôn bạn trong nghĩa trang quen thuộc

Đêm về hầm còn lại mỗi mình tôi

Tôi mới thấy xót xa thương bạn

Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi


Tôi không thể sống thiếu người đã mất

Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi

Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất

Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi!


Có phải một mảnh đời tôi ở đó

Một mảnh đời ý nghĩa nhất của tôi?

Tổ quốc - nơi tôi sinh ra và lớn lên cùng bạn

Đất của đời tôi lại chính đất bên ngoài

 

Dẫu nghĩa trang đã chuyển về Tổ quốc

Đất muôn năm vẫn ở lại nơi này

Ở lại nơi lần đầu tiên nằm xuống

Hơi thở cuối cùng lẫn xứ lạ cỏ cây...


Những câu thơ viết từ thời chiến trường. Vẫn nhớ. Trong sổ tay vẫn còn những câu thơ của một thời tuổi trẻ. Nhớ ơi là nhớ. Sắp đi Điện Biên chọn cảnh chưa Tuấn ơi? 

Mấy hôm nay đã cày xong. Nghỉ ngơi một chút. Lại cày tiếp. Công việc không khác người nông dân trên đồng cạn dưới đồng sâu. Đôi khi chẳng rõ để làm gì. Thì, sống là phải thế. Phải làm cái gì đó. Nếu không thời gian trôi qua vô vị, đêm nằm ngẫm lại công việc một ngày lại thấy vô bổ, vô ích, vô tích sự quá. Mấy hôm nay online mới biết máy vi tính xách tay của nàng đã hư. Mua máy mới chưa cưng?

Cuộc thi thơ facebook đã kết thúc. Nghe T.H.Nhân nói nên mới tìm đọc một bài viết của nhà thơ nọ. Định trao đổi lại, nhưng thôi, bởi do đọc comment này trên trang của anh N.T.Tạo: “Gặp ai cũng chửi, cuộc thi của các em trẻ cũng chửi. Chửi quá quen thói rồi. Chó cắn càn. Riết rồi như chó điên, gặp ai cũng cắn. Trang web uy tín này pót lại lời chưởi này làm gì?”. Quả thật, trên đời có những người như thế, bất kỳ cái gì, ai làm gì cũng có thể ngoác mồm ra phán xét, phê phán vô tội vạ, vô trách nhiệm. Cứ như Chí Phèo. Chê ư? Quá dễ. Tìm ra cái hay, khen đúng mực mới là khó. Gặp cái người mà lúc nào cũng hậm hực hục hặc với đời, ganh ghét, chê ỏng chê eo với người thì cách tốt nhất né xa. Miễn bàn.

Sáng nay trời đẹp. Phở thôi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.7.2013

 

Thế nào là một buổi sáng đẹp khiến lòng vui tươi như đứa trẻ lên mười?

Mỗi người có một cách lựa chọn.

Có thể, bừng con mắt dậy đã ba chân bốn cẳng chạy một mạch xuống phố mua ngay bát cháo gà, đem về đặt lên bàn, rồi rón rén bước lên phòng ngủ, nhỏ nhẹ gọi vợ: “Thức dậy ăn sáng em à”. Rồi, xếp chăn màn tươm tất. Có thể, bừng con mắt dậy, dù sáng ấy có cuộc họp vào lúc 8 giờ, rất quan trọng, không thể vắng mặt, vậy mà vẫn tranh thủ ủi giùm vợ cái váy, tìm giúp cả đôi hài… Lúc cả hai bước ra khỏi nhà, dù cơ quan ở hướng Bắc nhưng vẫn chở nàng xuống hướng Nam điểm tâm, rồi vòng qua hướng Đông cho nàng vào công ty. Sau đó, tất nhiên không thể ghé chợ mua luôn một bó hoa hồng đỏ thắm, tạt sang hướng Tây tặng một người, rồi mới phóng hết tốc lực đến cơ quan làm việc.

Đàn ông gương mẫu và chỉnh chu như thế rất đáng khen.

 

12x12QuocPN04RR

Mẹ của Lê Minh Quốc (từ phải: Lê Minh Quốc, mẹ và em trai)

 

Y chả có gì đáng khen cả.

Một buổi sáng đẹp, với y, lúc thức dậy, từ trên nhà bước xuống đã thấy cửa mở, có tiếng quét sân, có tiếng bơm nước… Nghĩa là mẹ y còn khỏe, bà cụ đã làm mọi việc hằng ngày. Điều này khiến y yên tâm. Bao giờ y cũng thức dậy trễ hơn. Lo lắng nhất vẫn là lúc mỗi sáng thức dậy, bà cụ vẫn còn nằm trên giường. Như thế, chỉ có thể là ốm đau. Y lo sót vó.

Một buổi sáng đẹp, với y, lúc thức dậy, đã thấy mẹ đi chợ về. Mỗi ngày, mẹ y vẫn còn minh mẫn, sức khỏe. Vẫn đi chợ. Chợ Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ băng qua đường TQĐ là đến chợ. Chợ nhỏ. Bày bán không thiếu một thứ gì. Có những bài thơ được viết do đã có nhiều lần quan sát mẹ đã mua những gì. Thật lạ, người đàn bà từ bé cho đến lúc gần đất xa trời vẫn không rời xa cái chợ. Ra chợ chỉ vì chồng, vì con, vì tấm lòng thương yêu vô bờ bến. Cảm nhận được điều thiêng liêng ấy, y viết "Thơ của mẹ". Mẹ y cũng làm thơ đấy chứ:

 

Mẹ đã đi chợ về

Hồng tươi con cá quẫy

Như câu thơ ngũ ngôn

Nhịp nhàng và mềm mại

 

Kìa bài thơ thất ngôn

Là chùm đào trĩu trái

Tôi cầm đưa môi hôn

Nhớ quê nhà xa ngái

 

Kìa thơ tình cỏ dại

Là những bó rau xanh

Nằm trên bàn tay mẹ

Lem luốc bụi thị thành

 

Kìa vần thơ lục bát

Là những ký gạo ngon

Hạt ngọc từ xứ Quảng

Phiêu lạc đến Sài Gòn

 

Kìa bài thơ tứ tuyệt

Là nước mắm đậm đà

Từng giọt thơm điếc mũi

Sực nhớ lắm quê nhà

 

Mỗi ngày mẹ đi chợ

Đem về vô số thơ

Qua bàn tay nội trợ

Cưu mang con từng giờ

 

Từng ngày trôi mải miết

Sống trọn vẹn với thơ

Nhưng thơ con  bất lực

Dù nuôi mẹ trong mơ

 

Trăm năm như chớp mắt

Mẹ đã đi chợ về

 

Sống chung với mẹ nhiều năm, nhận ra rằng, dù ở bất kỳ nơi nào, trong ẩm thực của người đàn bà Quảng Nam không bao giờ bỏ được thói quen: Uống chè tươi, mỗi sáng nấu nguyên một nồi, nước sôi sùng sục, để dành uống dần trong ngày. Trong nhà, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu cái bánh tráng nướng. Dù răng không còn, nhưng thỉnh thoảng bà cụ lại nướng cái bánh tráng trên bếp gas, nhai cho đỡ thèm. Cái bánh tráng ấy ăn nhiều chiều mới hết. Thật ra không riêng gì Quảng Nam, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... cũng đều ưa thích cái bánh tráng. Trong nhà, thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu nước mắm Nam Ô, từ ngoài quê gửi vào. Phải nước mắm không pha chế, chỉ cần dằm trái ớt xanh là ngon tuyệt. Nước mắm ngon,mắm nhỉ thường sánh, màu trong. Chạm vào lưỡi đã thấy vị mặn đậm. Mùi thơm khiến trong lòng nghe cả nhịp sóng vỗ và cá quẫy đuôi lấp lóe dưới nắng mặt trời… Thời thiếu nữ, mẹ y có ăn trầu nhưng vài chục năm nay đã bỏ hẳn. Không hút thuốc rê Cẩm Lệ như hầu hết đàn bà ở xứ Quảng.

Thật lạ, y luôn tưởng tượng ra rằng, ngày còn nhỏ, lúc ông ngoại đi làm bao giờ mẹ y cũng là người theo ra cổng và nói: “Trưa/ chiều về ba nhớ mua quà về cho con”. Thì bây giờ, tình cảm trìu mến ấy lại dành hết cho con. Mỗi sáng, y đi làm, bao giờ mẹ y cũng là người khóa cổng. Dù đang lục đục sau bếp, nhưng nghe tiếng dắt xe, bà cụ đã lật đật bước ra, chờ con ra khỏi nhà là khóa cổng. Không nói gì, chỉ nhìn vào ánh mắt, biết rằng mẹ y đang nhủ thầm: “Trưa/ chiều về nhà ăn cơm nghe con”.

Lúc nhỏ mẹ còn thơ ấu, ông ngoại ngồi ăn cơm, chỉ một mâm, một cõi riêng. Cưng lắm mới cho ngồi chung. Bằng không, chẳng bao giờ dám léng phéng lại gần. Ăn xong, không cần gọi, con cái đứng lấp ló phía sau liền lên dọn. Bây giờ cũng không khác gì. Y về đến nhà đã cơm nước đầy đủ, đậy lồng bàn chu đáo. Y ngồi ăn một mình. Xong, mẹ lại dọn. Thì ra, với người đàn bà Á Đông: “trẻ cậy cha, già cậy con”. Thuở nhỏ, cha là ông trời. Về già, con là ông trời. Ông trời này, không bao giờ mất vai trò vị trí, uy quyền cho dù có hư đốn, đổ đốn đến đâu. Cũng do từ lòng yêu thương vĩnh cữu từ thiên thu đến bất tận đấy thôi.

Thế nào là một đêm khuya đẹp khiến lòng vui tươi như đứa trẻ lên mười?

Mỗi người có một cách lựa chọn.

Có thể, lúc ấy đã khuya khoắt, chuông đồng hồ gõ gọn lỏn 1 tiếng, vừa bước vào nhà đã nghe tiếng vợ tru tréo: “Gớm thật! Giỏi thật! Sao không giỏi đi luôn mà còn vác cái mặt say xỉn tèm nhem vào cái nhà này?”, nghe thế bèn im lặng. Im lặng mà được à? Lập tức một cái ly ném vèo qua mặt, may quá, còn né được, có tiếng kêu loảng xoảng dưới nền nhà. Có người bước vào nhà, ngã bịch luôn xuống sàn nhà, vợ hoảng quá bèn lấy khăn nóng ra ướp mặt cho mau tỉnh, dù biết là vợ nhưng vẫn xua tay như đuổi tà, đã thế còn hét toáng: “Cô là ai? Cô đừng có tưởng cô đẹp, cô trẻ, cô duyên dáng, cô đoan trang, cô thùy mị, cô giỏi giang mà quyến rũ, mà dụ dỗ tôi nhá. Hãy buông ra để tôi về nhà. Tôi có vợ rồi!”. Bốn tiếng “Tôi có vợ rồi” cứ gào lên một cách thảm thiết ,hoành tráng như trong đời chỉ biết duy nhất là cơm. Vợ cảm động quá, sáng hôm sau, dậy sớm, lo chu đáo thức ăn cho chồng mà không một lời oán trách về vụ nhậu quắt cần câu đêm qua, nôn ọe đầy nhà.

Đàn ông gương mẫu và chỉnh chu như thế rất đáng khen.

Y chẳng có gì đáng khen cả.

Một khuya đẹp, với y, lúc mở cửa rón rén vào nhà. Đã quen hơi người, con mực không sủa, chỉ quẩy đuôi mừng rỡ. Chân y bước rất khẽ, thế mà vẫn nghe một giọng ngái ngủ vang lên trong tĩnh mịch: “Q về đó hả con”. Y chỉ trả lời một tiếng. Không gian lại im ắng lạ thường. Đâu đó đã có tiếng gà gáy. Đêm vẫn tối đen. Bình yên.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.7.2013


Như mọi ngày, mỗi sáng online. Với nàng. Rồi đi làm. Sáng nay, trên facebook có comment của bạn Trần Thị Nhung như sau:

“Nếu chỉ muốn mua cuốn sách vì tò mò không biết có bao nhiêu người đàn bà đi qua đời của anh Lê Minh Quốc như đi chợ, đi siêu thị, đi nghỉ mát, đi cà phê ...thì bạn Nhung thật sự khuyên không nên mua " Tôi & Đàn Bà".

“Tuy nhiên nếu muốn biết tại sao đàn ông chán đàn bà dù rằng người đàn ông ấy từng rất yêu quý, rất chìu chuộng, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa thì lại rất nên mua “Tôi & Đàn Bà”. Và có một điều thú vị, không biết có tình yêu nào giống bạn Nhung không, chứ bạn Nhung đi siêu thị đôi khi mua một món hàng chỉ vì thích đồ khuyến mãi. Nếu bạn có sở thích giống bạn Nhung thì nên rước "Tôi & Đàn Bà" về nhà, chắc chắn sẽ rất thú vị với hàng khuyến mãi " Nếu tôi là đàn ông" của một phụ nữ viết Lời Bạt cho cuốn sách.

Nói "Tôi & Đàn Bà" thật sự quyến rũ với bạn Nhung thì không đúng, nhưng nhẩn nha từ tốn đọc rồi thỉnh thoảng mỉm cười thì có, vì đâu đấy bạn N cũng thấy hình ảnh phù phiếm đàn bà của mình trong sách. Sau khi bạn Nhung đọc cuốn sách này, bạn Nhung ghi nhớ kỹ một câu được khuyên là tối kỵ đối với đàn ông. Bạn N sẽ dặn dò chính mình rằng tuyệt đối không bao giờ được phép thỏ thẻ với gã đàn ông mà bạn N đang yêu nếu như bạn N không muốn anh ta bỏ chạy. Muốn biết đó là câu gì thì cứ mua “Tôi và Đàn Bà” đọc từ trang đầu đến trang cuối, chắc chắn bạn sẽ tìm được. Trích một đoạn viết trong quyển "Tôi & Đàn Bà" mà bạn N thích:

“Tâm lý của con người ta cũng lạ lùng. Nếu nuôi dưỡng tưởng tượng và vỗ về nó bằng không nguôi thương nhớ, tiếc nuối thì bao giờ cũng tràn trề sự sống và hoa trái tươi ngon. Vậy mà đến lúc đã chạm vào nhau thì lại đột ngột một sự bẽ bàng như thả một bàn tay xuống vùng tê cóng. Rét buốt đến thấu tim. Cũng thân xác ấy, cũng hương ngọt mùa màng tháng giêng cỏ non đã khiến ta đắm đuối,mộng mị, u mê của một thời thì nay lại đìu hiu như khói nhang của một nghĩa trang hiu hắt. Hóa ra chính sự xa cách mới giữ lại trong tâm hồn con người ra những kỷ niệm đẹp, để nhớ, để mơ...." (Trích TÔI VÀ ĐÀN BÀ của tác giả Lê Minh Quốc)”.


toivadanbaRR


Cảm nhận của bạn Nhung  vừa post lên, có nhiều ý kiến cùng tham gia bình luận. Đọc hết, thấy vui vui. Một quyển sách ra đời, lúc đó, đã ngoài vòng “kiểm soát’ của tác giả. Nó thuộc về người đọc. Mỗi người cảm nhận mỗi cách. Có thể trùng và khác nhau. Mà ý kiến của bạn đọc đối với chính tác giả cũng vậy. Có thế, mới thấy rằng, từ một tác phẩm, bạn đọc có nhiều góc nhìn. Có góc nhìn toàn diện. Có góc nhìn cục bộ. Không sao cả. Đời sống của một tác phẩm phải thế. Có tác phẩm lúc ra đời được nhiều nguồn dư luận tung hô lên tận mây xanh. Sau đó, chìm vào lãng quên. Không ai buồn nhớ đến. Có những tác phẩm, ngay từ lúc chào đời đã gánh lấy oan kiêng:

Có những người vì thơ phải thay tên đổi họ

Sống như giun như dế hết một đời

Tay cầm bút nay đẽo cày vác cuốc

Trang giấy nhân tình nhão nhoẹt mồ hôi

Trong trường ca Hành trình của con kiến, y lại viết tiếp:

Có những người qua thơ leo lên danh vọng

Lũ không thơ lại ầm ĩ hoan hô

Nhưng ai biết sau khi “xuống chó”

Thơ chẳng “lên voi” mà chìm nghỉm dưới mồ

Điều này cũng bình thường. Ra khơi: "Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới/ Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới" (P.D) lúc quay về, có người đem theo những mẻ cá tươi ngon. Ngàn năm sau vẫn còn quẫy dưới nắng mặt trời. Có người chỉ đem về dăm con cá nhép. Ốm yếu, yểu mệnh ngay lúc rời khỏi mặt nước. Có người bỏ xác ngoài trùng khơi. Vô tăm tích. Chẳng gì phải bận tâm.

Dù tác phẩm ấy ngay lúc ra đời, được hoan hô vạn vạn tuế; hoặc không nhận một tiếng tay nào, dẫu lẹt đẹt lấy lệ.  Chẳng gì phải bận tâm.

Phải ý thức rằng, ngọn gió thời gian rất khốc liệt, có thể xóa nhòa đi tất cả. Một đời sáng tạo, còn lại một tác phẩm, thậm chí một câu thơ đã là may.

Trở lại với Tôi và đàn bà với cảm nhận của bạn N trên Facebook. Bạn ấy nói đúng: “Nếu chỉ muốn mua cuốn sách vì tò mò không biết có bao nhiêu người đàn bà đi qua đời của anh Lê Minh Quốc như đi chợ, đi siêu thị, đi nghỉ mát, đi cà phê ...thì bạn Nhung thật sự khuyên không nên mua "Tôi & Đàn Bà”. Khi viết, đôi lần, y muốn kể lại những hình bóng cũ của ngày cũ, đã mất, đã xa, đã quá khứ. Nàng bảo: “Tại sao thiên hạ lại có cái quyền được biết mọi bí mật của đời mình?”. Có những bí mật cần kể. Có những bí mật cần giấu kín. Khi nhà báo của Tạp chí Truyền hình Hà Nội đặt câu hỏi: “Hẳn trong bao nhiêu năm đã sống anh có mối tình với một người phụ nữ Hà Nội, anh có thể chia sẻ về cuộc tình và người đàn bà đó?”. Y bèn nuốt nước bọt, trâm ngâm một lúc và dứt khoát:

Ở đây tai vách mạch rừng

Những chuyện bí mật xin đừng nói ra

“Đừng nói ra” bởi mỗi người đã là một đời sống riêng. Quá khứ can thiệp với đời sống hiện tại có ích gì? Chẳng có ích gì, vì thế, đoạn văn mà bạn N Fecebook vừa trích dẫn ở trên vì thích, nó cũng nằm trong mạch của suy nghĩ: Khi đã chia tay, đừng nên tìm gặp lại, Đừng bao giờ ngốc dại. Dại dột. Trước đó, GÁI ĐẸP TRONG TÔI, y cũng tự dặn dò: “Có gì tồn tại vĩnh viễn dưới cơn lốc tàn khốc của thời gian? Nhan sắc của người đàn bà cũng thế. Có những người đã xa mối tình thời niên thiếu gấm hoa, trong lòng luôn tơ tưởng nuối tiếc. Từng ngày nỗi nhớ dệt nên gấm nên hoa. Nhưng rồi gấm hoa ấy bỗng dưng tan biến đột ngột, bẽ bàng, bùi ngùi nếu bỗng dưng được gặp lại. Có thể là gặp trong chiều mưa trút, phấn son đã bợt nhợt lộ ra nét già nua cày sâu qua từng thớ thịt trên khuôn mặt. Có thể gặp trong ngày nắng gắt, từng giọt mồ hôi ròng ròng đuổi nhau như trêu cợt trên môi cười đã nhăn và tiếng cười đã héo. Dù gặp nhau lúc nào, không gian nào thì Hiện tại đã đánh gục Dĩ vãng. Hôm nay đã khác xa Hôm qua”.

Tôi và đàn bà đặt ra nhiều vấn đề. Có lẽ điều y tâm đắc nhất, vẫn là những trang viết nhìn lại những giá trị cũ, nếp suy nghĩ truyền thống đã mặc nhiên ấn định lên thân phận người đàn bà từ hàng ngàn năm trước. Gánh nặng ấy có thật. Y nhìn lại, và có một cách nhìn khác, góp một tiếng nói nhằm nâng cao chất lượng sống họ. Chủ đề của tập sách nằm ở đó. Tham vọng không giấu giếm của y nằm ở đó. Tất nhiên, trong đó cũng có những người đàn bà đi qua đời y nhưng chỉ thấp thoáng, lãng đãng xa gần, như có như không:

Nhìn em, tôi rợn bình minh

Cũng là giây phút tự tình hân hoan

ĐÀN BÀ, tôi viết từng trang

Cũng là GÁI ĐẸP hàng hàng bước qua

Sau tập sách này, Nếu tôi đẻ được vẫn là Lời bạt của tác giả Chị Đẹp. Sẽ có thêm lời Tựa của Ngô Kinh Luân; Lời cuối sách của Trần Hoàng Nhân. Bởi nói như bạn N facebook: đi siêu thị đôi khi mua một món hàng chỉ vì thích đồ khuyến mãi. Nếu bạn có sở thích giống bạn Nhung thì nên rước "Tôi & Đàn Bà" về nhà, chắc chắn sẽ rất thú vị với hàng khuyến mãi "Nếu tôi là đàn ông" của một phụ nữ viết  Lời Bạt cho cuốn sách”.

Sáng nay, phải thanh toán những bài viết cần thiết. Đã “đến hẹn lại lên”. Mà vẫn chưa xong, còn cả bài viết của chủ đề Tôi và đàn bà cho tạp chí DDVN số tới: “Đám bạn em mới có cuộc cãi nhau rất vui nhân chuyện 1 anh lấy vợ, mà vợ anh này là bồ cũ của anh bạn của anh ta. Xưa nay chuyện này cũng không hiếm, nhưng tranh luận vẫn xảy ra vì:

- Đàn ông chia 2 phe, 1 phe bảo cứ yêu là quất (à, là cưới), 1 phe bảo cưới em nào cặp với 10 thằng cũng được, miễn sao không dính líu gì tới mấy thằng mình gặp hàng ngày. Gặp mà nghĩ tới cảnh nó XXX với vợ mình, hay là vợ mình lỡ có so sánh mình với nó là đủ sôi tiết; hoặc lúc nhậu xỉn cãi lộn thằng bạn nó đem chuyện đó ra châm chọc mình cũng điên.

- Phụ nữ thì cho rằng đàn ông như thế mới bản lĩnh, yêu 1 phụ nữ là chấp nhận họ và tất cả mọi thứ thuộc về họ, kể cả quá khứ.

Anh triển khai giùm em cái đề tài này dưới góc nhìn của người đàn ông”.

Chà, khó chừng chừng. Khó thì cũng phải viết đi chứ? Vâng ạ, chiều nay sẽ ngồi viết. Email ngay.

Một sáng thứ bảy đã trôi qua. Trôi nhanh đến nổi chưa kịp phở đã cơm rồi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.7.2013

 

tho-tang-HDN

(nguồn: Facebook HA Nguyên)

 

Sáng, vào cơ quan.

Chiều, vào cơ quan.

Đứng ngoài lan can, nhìn xuống đường phố. Thoáng đó mà đã gần ba mươi năm gắn bó với cơ quan rồi. Từ chiếc ba lô trên vai. Nặng như đeo trái đất. Từ đôi dép lốp đã đi hết biên giới Tây Nam. Tưởng như đi bộ vòng quanh đã hết địa cầu. Từ hai bàn tay thư sinh mà nay đã nắm trong tay một hạt bụi giữa đời.

Nhìn kỹ đi, hạt bụi ấy chính là y chứ nào ai khác.

Chẳng có gì tồn tại. Chẳng có gì mất đi. Cuối cùng, chỉ là hạt bụi của Vô danh trong trần gian của sắc màu hỉ nộ ái ố... Đến một lúc nào đó, một chuyến viễn du đi về cõi vô tận. Nhẹ nhàng. Siêu thoát. Lặng lẽ. Hân hoan. Chẳng bận tâm điều gì.

Hãy nghe tiếng sóng. Sóng vỗ vô tận, bền bĩ, nhẫn nại, đơn điệu, lặp lại thói quen như đã có từ ngàn năm trước, triệu đời trước. Tất cả chỉ là tiếng nói thầm lửng lơ trong vô tận của vũ trụ. Chỉ là âm thanh của viên sỏi nhỏ ném xuống đại dương trùng trùng bão tố. Âm thanh gì vọng lên? 

Biết thế, để thấy cuộc đời này, thân phận này nhỏ nhoi chỉ như một giọt nước. Tan loãng. Mất hút. Một đời người chỉ là tiếng sóng vỗ. Tiếng sóng vỗ không âm thanh. Không âm điệu. Không âm thầm. Không âm u mà cũng không ầm ào, ầm ĩ…

Có những người, trong đám đông họ luôn hoạt bát, ồn ào, dí dỏm, tinh nghịch, thông minh và chính điều này đã khiến không ít người đẹp mê đắm (!?). Mê vì thấy họ đẹp trai quá, nổi tiếng quá, hào nhoáng quá và họ cũng... khó gần quá. Thật ra không phải thế, lúc quay về trong sự riêng tư, họ mới chính là họ. Một con người của sự trống rỗng. Một con người của thế giới không âm thanh. Không tiếng động. Một căn phòng giăng màn nhện. Chỉ có tiếng gió lùa qua khe cửa. Khe cửa bám đầy bụi. Những quyển sách nằm cù bơ cù bất từ trên giường lăn xuống tận gầm giường. Một thể xác của sự cô độc. Một linh hồn của đang vui với chiếc bóng của chính mình đang phản chiếu trên tường. Tường đã ố mùi thời gian. Từ phía Sau cánh gà, ai nhìn thấy:
Kẻ từng xưng vương giữa hào quang son phấn
 

Làm thiếu nữ mê hồn, làm đàn bà lận đận
 

Giọng ca mùi lấp lánh một ngôi sao
 

Bây giờ nằm co - bao tử réo cồn cào

Anh nằm ngủ như một người dân dã

Chắc gì đã được như người dân dã? Đừng có mơ. Oái oăm là thế. Bởi thi sĩ, kẻ ấy luôn tự dằn vặt, chỉ trích, tự vấn lấy mình. Kẻ ấy, khó ai có thể nắm bắt được suy nghĩ, bởi từ sâu thẳm đã linh cảm nhiều điều khiến bật lên những câu thơ hân hoan và tuyệt vọng.

Nhìn kỹ đi,câu thơ ấy chính là y chứ nào ai khác.

Vào cơ quan rồi đi ra bưu điện Bàn Cờ nhận nhận tiền. Chẳng biết nhuận bút từ báo nào. Thỉnh thoảng lại có những khoản tiền trên trời rơi xuống. Đi liên hoan với Trung tâm bản quyền âm nhạc, gặp lại những gương mặt cũ. Ngồi với Hữu Thân, Hà Đình Nguyên, Đỗ Tuấn, Đinh Trung Cẩn...Hồi mới vào nghề báo, bằng vai phải lứa, ai cũng đang hăm hở với cuộc đua phải có gia đình, con cái… Có người đến nơi, có người bỏ cuộc. Hỏi ra, có người đã là nhân vật của Nguyễn Du:

Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con

Hỏi ra, có người đã là nhân vật của Trịnh Công Sơn:

Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông

Trời chợt nắng vườn đầy lá non

Người lên tiếng hỏi người có không

Người đi vắng về nơi bế bồng

Ngồi đưa tay sờ cằm. Râu đã bạc. Mọc tua tủa. Vậy mà lâu nay cứ nghĩ vẫn còn trẻ. Lúc nào cũng như đứa trẻ phơi phới yêu đời. Còn trẻ mà.

Ăn dưa bở hơi bị lâu đấy nhá.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.7.2013


 

quoc-va-taoRR

Lê Minh Quốc, Nguyễn Trọng Tạo (Trần Hoàng Nhân chụp 17.7.2013 tại Sài Gòn)

 

Đêm qua, ngồi với nhau một chút.

Vẫn V. Lê, N.M. Nhựt, T.H. Nhân, N.T. Tạo, N.P. Việt, N.K. Luân, H.Đ. Nguyên, P.T. Long, H.T. Quang. Và y. Ngồi một chút để treo cổ chai rượu quý, thật ngon có tuổi thọ gần 100 năm lên ngọn gió của đêm 17.8.2013. Đêm của sự nôn nóng. Hồi hộp, Cẩn trọng. Tính toán cho ngày mai phát giải thưởng chu đáo nhất. Ấy vậy mà không ai bàn về kết quả, bởi mọi sự đã giải quyết xong. Biên bản đã ký xong. Sáu chữ ký nằm gọn, dứt khoát trên trang giấy trắng. Sáu chữ ký đẹp. Đẹp như từng động tác của cầu thủ bắt gọn quả bóng. Đẹp như tiếng vang lúc ly nâng chạm vào ly bật ra chuỗi âm thanh giòn và bén. Đẹp như son đỏ trên môi người đàn bà trong khuya thơm trầm vỗ về chăn gối. Đẹp như sự thật. Sáu chữ ký đấy là nhân chứng của cuộc thi thơ trên mạng xã hội toàn cầu Facebook lần đầu tiên tại Việt Nam. Sáu chữ ký của cảm hứng tiên phong sẽ được giữ lại như một sự kiện khó quên, một dấu ấn trong dòng chảy bất tận của nền thơ Việt Nam hiện đại.

Lúc ấy, từng giọt rượu thốt ra lời ca vui sóng sánh và chảy tràn lên môi, chảy vào trong mắt, chảy thấm qua tim để cuối cùng là gì?

Lại câu chuyện về thơ.

Anh Tạo cao hứng dành hết thời gian để bình câu thơ “người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” của H.T. Quang. Bạn mình kể rằng, lúc ấy, với người này lại nhớ đến người  kia. Câu thơ bật ra từ trong vô thức. Và neo lại đến bây giờ. Đã mấy chục năm rồi. Mấy chục năm rồi, những người đàn bà đi qua và lãng quên. Ngày ra Hà Nội, cùng anh Tạo, Đ. Tuấn rủ nhau đi thăm Quang, nào ngờ đúng vào dịp bạn đang chia tay một người. Họ vừa sắp xếp xong va ly. Biết nói gì? Mỗi người viết mỗi câu thơ tràn mấy trang giấy và tặng. Bạn mình đang giữ. Như một kỷ niệm. Kỷ niệm khó quên khi chia tay một cuộc tình nặng như sông sâu và thẳm sâu như núi. Lại nhắc đến một cuộc cà phê ở Hồ Con Rùa. Ba giờ sáng. Ba người ngồi. Y lại là nhân chứng chia tay một cuộc tình của bạn mình. Chẳng nhớ, ngày ấy, y nghe những gì hay chỉ ngồi im lặng. Chỉ biết, bạn mình và người tình thì thầm suốt đêm. Âu yếm. Tiếng nấc. Ba giờ sáng chia tay nhau. Rạng sáng, Quang bay về HN. Đã mươi năm rồi. Chợt hỏi anh Tạo, "vẫn với H ở VT chứ?". Câu trả lời ngắn, gọn lờ mờ âm thanh “đã xong”. "Bây giờ?". Vẫn giọng nói ấy, “đã có".

 

nhau-choi-17.7

 

Câu chuyện lại lan man về thơ. Quang cao hứng, cho biết sẽ in tập thơ chỉ chọn từ các bài đã post trên trang facebook cá nhân. Cái tựa lạ: “Anh yêu em như nỗi buồn tốc ký”. Tựa ấy chỉ mới thoáng qua đầu. Ly lại nâng lên. Uống ngọt. Đêm đã là đêm. Chợt hỏi, ngày mai mọi người có phải cà - vạt không? Câu trả lời chung: Không.

Khuya đã mờ mịt thời gian và lấm tấm mưa. Nhìn mưa giăng qua ánh đèn vàng trụ điện đã thấy từng sợi mưa mỏng và nghiêng lướt thướt lênh loáng mặt đường. Hình ảnh ấy gợi nhớ và điện thoại cho nàng.

Sáng nay, thức dậy sớm.

Đã chọn một bức tranh tặng bạn thơ B.T.Tuấn. Chỉ nói, anh vẫn chờ thông tin tốt đẹp nhất về em. Phải thay đổi cho tốt đẹp hơn. Phải khác đi. Tin và chờ ở đứa em từ Sài Gòn đã quay về ẩn thân đìu hiu trong hơi gió rét và hương trà ngon Bảo Lộc. “Em sẽ treo trong quán cà phê của em”. Hy vọng mọi việc tốt đẹp. Phải dài lâu, chứ không là khoảnh khắc. Sở dĩ ưu ái, bởi gặp nàng là từ Tuấn. Đêm ấy, mưa như trút. Mưa dữ dội tháng mười. Phố xá ngập như sông. Quán chật người và đầy gió. Chỉ là sự gặp gỡ bất ngờ và còn giữ lại đến bây giờ, đến ngày sau. Ngày sau, vẫn là cơn mưa của ngày ấy...

Sáng nay, thức dậy sớm.

Online với nàng một chút. Rồi xuống phố. Đường phố đông nghịt người ngợm khói xe tiếng động cơ gầm rú. Lúc đến khách sạn Continental đã thấy đông người, dù chưa đến 8 giờ sáng. Một giọt cà phê ngon cho đầu ngày. Ly cà phê ấy ngon nhất. Một nụ hôn cho đầu ngày có lẽ cũng đẫm sương của dục tính nhiều nhất. Lan man nghĩ thế  bởi sáng nay thèm như thế. Với nàng.

Đêm qua nằm ngủ thấy em

Sáng nay tỉnh giấc bỗng thèm sân si

Cà phê đen giọt đắng ly

Tan trên đầu lưỡi như khi hôn người

Hôm nay, ngày phát giải cuộc thi thơ Lời tỏ tình đầu tiên trên Facebook. Người đi như trẩy hội. Tranh thủ trả lởi phỏng vấn cho HTV, TTX… “Các anh có cần xem trước kịch bản không?”. “Không, cứ hỏi đi, ngẫu hứng mới thú vị. Bọn anh đã là dân trả lời chuyên nghiệp rồi”. Ống kính lướt qua gương mặt từng người. Từng gương mặt đẹp trai và lương thiện. N.T. Tạo, H.T. Quang và y. Những cuộc trao đổi về thơ trên facebook hiện nay. Nhiều ý kiến hay và mới. Chẳng hạn, sẽ có một dòng thơ facebook bởi khi viết và công bố là do tác giả hoàn toàn chủ động. Đừng tưởng động tác ấy dễ dàng vì thật ra đó là một áp lực. Một gánh nặng. Một cân nhắc. Chỉ sau 1 giây, sau khi post sẽ có comment, like lập tức. Sự tương tác quá nhanh v.v... Câu chuyện này còn dài. Có dịp, sẽ nói kỹ hơn.

Khán phòng trao giải thưởng sang trọng. Tiếng vỗ tay vang lên sau phát biểu của nhiều người, nhất là của N.M. Nhựt khi anh cho biết đến đây nhằm "tạ tội" với người yêu thơ vì NXB chưa dám đầu tư kinh phí in thơ. Vẫn còn nhớ lúc nhà thơ N.T.Tạo bình bài thơ Mùa phơi váy của Hoàng Anh Tuấn, giải II. Nhiều người khen hay.  Đọc đi, sẽ thấy bài thơ hay, nhiều bài thơ hay được phát hiện từ cuộc thi này. Đây là bài thơ của Hoàng Anh Tuấn viết:

Qua giêng hai rẽ sang mùa phơi váy

Khi màu khèn đã phai nhạt hội xuân

Bên con nước tay em vò vạt nắng

Váy vén cao suối lượn bắp nõn ngần

 

Đầu vách nứa anh gọi lời thương mến

Khẽ thôi anh, đã trở giấc tan sương

Bắt đền đấy, xà cạp em lấm cỏ

Cái đêm tình thức trắng giữa lều nương

 

Vai lù cở em địu mùa xuống chợ

Bước xuân đi khó cản cuốn như mê

Mùi thắng cố, rượu ngô, và phân ngựa

Mô hôi anh níu váy chẳng cho về

 

Váy hoa nở trên bờ rào vẫy gió

Lũ bướm non hau háu mắt khát thèm

Đám trai bản muốn hóa thành lũ bướm

Bay lạc vào miền thổ cẩm trong em

 

Chúng đâu biết anh đã thành con bướm

Của riêng em giữ nhịp váy đong đưa

Em chẻ củi, xe lanh hay cõng nước

Nhớ canh chừng cất váy kẻo trời mưa

 

Anh xuống huyện theo bạn bè làm thợ

Nợ áo cơm ít có dịp thăm nhà

Chiều nay tắt đường rừng qua bản Phố

Váy em kìa, phơi trước cửa người ta?

Đọc lại lần nữa đi. Thú vị chưa? Câu chuyện về thơ còn dài. Trưa, kéo nhau qua nhà hàng Lion. Gặp gỡ với vài tác giả đoạt giải và bạn bè xa gần vừa quen từ cuộc thi. Những gương mặt trẻ măng. Những gương mặt đã già. Họ có chung một tình yêu là thơ. Vì thơ, họ quen nhau. Chúc mừng “trạng nguyên thơ” Sâm Cầm. Chúc mừng cho chính chúng ta. Cuộc trao giải này, ai cũng khen là tổ chức trang trọng và thành công. Đây là một điều chắc chắn. Báo chí sẽ tường thuật cụ thể hơn.Cuộc thi thơ đã kết thúc là lúc mở ra nhiều hy vọng mới cho thơ.

Ngoài trời đang mưa. Tiếng rơi đều đều. Buồn buồn. Xa Vắng...

 

L.M.Q


Vài hình ảnh ngày trao giải thưởng thơ facebook:

 

phat-giaifacebook-N

Không gian phát giải thưởng thơ Facebook

 

quoc-phat-bieu

Nhà thơ Lê Minh Quốc phát biểu đánh giá, tổng kết cuộc thi


trao-giai-1

Chụp ảnh lưu niệm


trao-giai-R-1_n

Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ phát biểu


trao-giai-2

Ông Phạm Như Lương - thí sinh cao tuổi nhất và Lê Minh Quốc


trao-giai-R-2

MC Phương Huyền trao đổi câu hỏi cùng thí sinh cao tuổi nhất

 

trao-k--luc

Trao bằng Kỷ lục cho ông Phạm Thanh Long: Có ý tưởng cuộc thi thơ đầu tiên trên facebook, thu hút nhiều thơ dự thi và nhiều người tham dự nhất


bao-truyen-hinh-RR_n

Các đài truyền hình, phóng viên báo chí tác nghiệp, người đứng giữa là nhà báo, nhà thơ Trần Hoàng Nhân (báo Thể thao & Văn hóa)

 

trao-giai-4

Từ trái: Phan Hoàng và Lê Minh Quốc tặng quà cho Nồng Nàn Phố


4a161-f3RR

Chúc mừng Giải Nhất


SamCamR

Chúc mừng Giải Nhất


trao-giai-1cuoc-thi-thoRR

Chúc mừng Giải Nhất


trao-giai-6

Chụp ảnh lưu niệm. Người cầm hòa là Sâm Cầm - Giải Nhất


trao-giai-R-3

Từ trái: Hồng Thanh Quang,  Văn Lê, Sâm Cầm (Giải Nhất), Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Quốc


trao-gi-i-7

Từ trái: Nguyễn Trọng Tạo, Trương Nam Hương, Hồng Thanh Quang, Lê Minh Quốc


trao-giai-10

Nguyễn Trọng Tạo, Trương Nam Hương tặng hoa Trang Phạm - GIải Ba


cung-giai-3

Lê Minh Quốc cùng tác giả Trang Phạm - Giải Ba


anh-trao-giai-nay-R

Từ phải: Ngô Kinh Luân, Trương Nam Hương, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Quốc

 

(nguồn: FB, Trần Hoàng Nhân & Minh Lê, Đinh Thu Hiền...)

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.7.2013


 

Trời không nắng cũng không mưa,

Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung

Ơ hay, thơ Hồ Dzếnh mà nhiều trang mạng lại nhầm sang Huy Cận. Sài Gòn sáng nay, tưởng chừng như thu Hà Nội. Đã có mắt biếc, môi son khoác áo ấm xuống phố. Những sắc màu tươi mới. Lòng y lại chùng xuống. Cứ để ý mà xem, hễ lúc nào vùng đất phương Nam có chút rét ngọt, chỉ đủ mím môi trong gió sớm là y như rằng một nơi nào đó đang có bão. Hơn hai mươi năm trước, y là “chuyên gia” đi cứu trợ bởi lúc ấy, phóng viên nam trong tòa soạn chỉ loe ngoe vài mống. Năm nào cũng về miền Trung, hoặc một vài tỉnh miền Bắc và đem theo “lá lành đùm lá rách”.

 

bia-sach-R

 

Nhờ đi nhiều, y cảm cay đắng rằng, đôi dép sử dụng ở Sài Gòn, có khi còn bền lâu hơn cái nhà ở vùng quê y. Sống cái nhà, chết cái mồ. Vun vén, chắt bóp từng đồng, từng xu xây dựng kiên cố. Chỉ mùa sau, bão tới, tất cả lại bứt móng cuốn treo theo lũ lụt. Bài thơ viết ngày tháng đó, sáng nay, vọng về trong trí nhớ. Có một chút bùi ngùi. Có một chút nhớ lại thời trai trẻ đã viết những câu thơ bên dòng sông Thu Bồn vào một chiều hiu hiu rét. Bão vừa tan. Lũ vừa rút. Lụt vừa đi. Xám một vòm trời rơi rớt từng vạt mưa trắng xóa. Ghi vào sổ tay:

Đôi dép mua ở Sài Gòn

Hai năm “cứu trợ” vẫn còn y nguyên

 

Quê nhà - nhà mới dựng lên

Bão năm nay đã xô nghiêng mái nhà

 

Sài Gòn - xứ Quảng bao xa

Hai vùng đất ấy lại là ngược nhau

 

Cái nhà trôi xuống biển sâu

Còn đôi dép vẫn bền lâu đến giờ

Sáng nay, vào cơ quan đã nhận sách tặng của NXB Văn hóa Văn nghệ, Trẻ. Đã nhận được tập sách Cỏn con và bé xíu của tác giả Trần Thị Nhung. Ngày ra mắt Sóng đưa nước, Nhung là người đến sớm nhất, chung vui với nàng và sau đó, viết bài giới thiệu đăng trên tạp chí Mẹ yêu bé. Bài viết hay. Chơi với bạn thân tình. Vì thế, y gửi tặng Tôi và đàn bà, như một cách cám ơn lần nữa bởi chắc đã có Ve vãn Sài Gòn rồi. Nào ngờ, lại nhận được Cỏn con và bé xíu. Vậy là vui. Đang đọc.

 

conconvabexiu

 

Năm kia, gặp nghệ sĩ hài Xuân Hương và khen bài viết trên SGGP. Trong đó, bạn y viết, đại khái, khi gặp những người bạn của ba mình, trong lòng tự nhiên thấy quý mến bởi họ đã từng gắn một phần đời sống tinh thần với người cha. Suy nghĩ của Xuân Hương chắc nhiều người cùng tâm cảnh.

Ngày xưa, sát bên tiệm vàng của mẹ y ở chợ Cồn là bà Sáu bán nho Mỹ và nhiều người khác nữa. Không nhớ hết tên. Thỉnh thoảng ra chợ chơi, mẹ đi đâu đó là y ngồi giữ hàng. Vậy mà mẹ luôn dặn: “Chị Sáu coi hàng giùm”. Bẵng đi vài chục năm. Vật đổi sao dời. Mẹ và bà Sáu gặp nhau tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng bà Sáu sang nhà chơi, trò chuyện, ăn trầu rồi về. Dịp cuối năm, bao giờ mẹ y cũng hỏi, có chai rượu nho mô ngon đưa cho mẹ một chai sang biếu nhà chị Sáu. Tình nghĩa như bát nước đầy.

Lại có thêm bà Năm Tình nữa, lâu rồi không thấy ghé nhà. Hỏi mẹ mới biết bà bị tai biến mạch máu não đã hai năm rồi. Bà nhỏ thó, cận thị, lưng còng, chống gậy, tai lảng, nói chuyện rổn rảng. Khi đến trước cửa nhà, chó sủa vang trời là bà luôn gọi: “Chị Năm ơi chị Năm! Tui đây!”. Có lần ngồi tiếp chuyện, thấy trong túi áo bà ba của bà chẳng biết bỏ cái gì mà dày cộm, lại còn ghim thêm kim băng nữa. Chắc là tiền hay giấy tờ quan trọng? Y tò mỏ hỏi. Thì ra đó là giấy học trò mà con trai của bà cẩn thận ghi tên người cần liên hệ, số điện thoại, số nhà để rủi bà có đi lạc thì họ đưa về giúp. Thường, mẹ và bà Năm Tình nói chuyện lâu, có khi cả buổi sáng. Hai bà già lụ khụ những chuyện gì chẳng rõ, chỉ biết thỉnh thoảng cười. Nụ cười mém mép của người già trông thương lắm. Như trẻ thơ. Sở dĩ thế vì ở tuổi già, lòng đã hết sân si, nhìn cuộc đời nhẹ nhàng hơn, độ lượng hơn, bụi trần không vương vấn. Trẻ con cũng vậy. “Thơ là tuổi thơ của loài người còn sót lại”, Trần Mạnh Hảo viết thế, nhớ mang máng vậy.

Đêm qua, đúng là ngốc dại. Đi tìm mãi không ra cái điện thoại đã vứt lăn lóc đâu đó mấy năm rồi. Để tìm một số đang cần. Tìm mãi không ra bèn xuống nhà hỏi mẹ. Mẹ có thấy đâu không? Vậy là nửa khuya, bà cụ lọ mọ đi tìm. Hết tìm góc này, sang kiếm góc nọ. Tìm đâu ra bởi chính y đã tìm mấy hôm nay rồi. Đêm đã khuya, bèn bảo, thôi tắt đèn ngủ đi mẹ, chắc mất rồi. Ấy mà, bà cụ vẫn không nghe. Tự nhiên thấy ân hận vì câu hỏi không đáng ấy. Chỉ làm bà cụ thêm lo lắng. Sáng sớm, vừa bước xuống nhà đã nghe nói, mẹ tìm cả đêm nhưng không ra. Thấy rưng rưng. Đêm qua, y cần một số điện thoại để hỏi han đôi điều. Đành chịu. Mất ngủ cả đêm. Cái tính y nó thế, đã làm cái gì là quyết phải xong. Xong mới có thể sang việc khác.

Sáng sớm, viết bài thơ cho nhẹ lòng.

Viết nhật ký là nhằm ghi chép lại những gì xẩy ra trong ngày mà mình quan tâm. Sự quan tâm ấy phải đồng hành cùng xã hội, cùng cộng đồng nếu chỉ là những ghi chép vụn vặt, vặt vãnh của cá nhân, chẳng ai thèm quan tâm dẫu người viết có là “ông trời” đi nữa. Nhiều người hỏi, ủa cái chuyện ca sĩ nọ vừa bị tố mượn tiền, lừa tình đang ồn ào rổn rảnh, bình luận tóe loe trên mặt báo sao không thấy anh ghi một dòng nào? Đơn giản, y không quan tâm và cũng không muốn bạn đọc của mình quan tâm đến những tào lao ấy.

Nhật ký là viết cho riêng mình. Nó chỉ chia sẻ cho người ngoài, khi cái riêng ấy phản ánh được cái chung nhằm tâm tình với bạn đọc, từ góc độ cá nhân. Vì lẽ đó, những gì thuộc về riêng tư chẳng ai dại gì viết trong nhật ký. Có chuyện chỉ một người biết. Vậy là đủ. Vậy đừng ngại, khi đọc.

Mà viết nhật ký cũng là một cách trình bày về quan niệm sáng tác, về cảm nhận nghệ thuật, cuộc sống... nếu là người viết là dân viết lách.

Ngày nọ, anh Trần Phá Nhạc đưa cho mượn nhật ký của cụ Vương Hồng Sển. Cụ viết kỹ từng ngày với các món ăn trong ngày. Y chợt dừng lại với trang viết, tóm lược như sau: Ngày nọ cụ nhận lời viết bài nghiên cứu về sân khấu hát bội, cải lương. Người ta ứng tiền rồi. Mọi tài liệu đã chuẩn bị xong, chỉ chờ có hứng là viết. Viết nhanh thôi Đến lúc có hứng, cụ ngồi vào bàn viết, cảm thấy tư liệu lung tung cả lên, cái có cái không, chẳng đâu vào đâu. Bí rị. Gõ máy đánh chữ được vài chữ thì hư ru - băng, kẹt giấy…

Đêm đó, cụ nằm ngủ chợt mơ thấy bà Năm Sa Đéc hiện về, bà khuyên chồng không nên viết về đề tài này bởi vợ đã mất, khó có ai giúp cho chồng hiểu sâu hơn về chuyên môn, hậu trường nghề hát. Giật mình tỉnh dậy, cụ toát mồ hôi hột. Thầm khấn bà Năm Sa Đéc. Qua ngày hôm sau, kỳ lạ chưa, mọi thứ lại đâu vào đấy, vẫn với tài liệu ấy, cụ viết luôn một mạch.

Tin hay không tin chuyện “duy tâm” này? Những chuyện này kể lại trong nhật ký là hợp lý nhất.

Nhật ký của y cũng vậy. Chỉ đơn giản những gì xẩy ra trong ngày hôm đó mà y quan tâm.

Chẳng hạn, trang web của y sáng nay đã chính thức ra mắt chuyên trang media. Hoành tráng nhỉ? Chẳng hạn, ghi nhận tình bạn thơ, từ Cà Mau vừa nhắn tin, các anh thích mắm cá đồng hay ba khía để em gửi lên? Xúc động ghê, bèn hấp tấp nhắn lại, ba khía đi em, anh nghe nói ba khía ăn với cơm nguội rất ngon. Nhận câu trả lời, em gửi lên anh và anh Biền, anh Thức luôn nha. SmileHehe.Tongue out Chà, cái điệu này Vĩnh biệt mùa hè phải có một quyển cho H.T.K rồi đó anh Thức ơi!

Chiều qua mưa, ngồi cà phê T.N làm kịch bản cho MC Phương Huyền của Đài TNND TP.HCM. Buổi phát giải cần một kịch bản chu đáo. Đã xong. Đã nhận lời phát biểu cho HTV, VTV trong ngày phát giải thi thơ facebook. Chiều mai, từ Hà Nội, anh Nguyễn Trọng Tạo và Hồng Thanh Quang vào Sài Gòn. Vậy xôm tụ. Ban giám khảo không thiếu một ai. Sáng nay đã phát biểu cho Đài TNVN về vài thời sự văn nghệ. Chiều nay, nhận lời mời tham dự hội nghị tổng kết của Fahasa. Ngó mông lung ra ngoài cửa sổ và viết:

Một ngày sắp cạn

Nỗi nhớ vẫn Nàng

Online một chút

Gió chiều hoang mang...

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 52 trong tổng số 58