LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.8.2013

 

tap-chi-unesco

Tranh khắc gỗ Nga thế kỷ XVIII minh họa cho một bộ truyện tranh dân gian. UNESCO chọn làm bìa tạp chí Thông tin Unesco số tháng 4.1987, chủ đề Những trang du ký

 

Lại nói về những chuyến đi. “Nhưng chỉ những du khách thực sự mới là những người ra đi / để ra đi”. Câu thơ của Baudelaire. Ám ảnh. Đã đọc. Khó quên. Tiếc cho nhiều người đã đi đến chân trời góc biển, lúc về, không ghi lại gì. Bởi cớ sự làm sao? Bởi không ý thức rằng, đi để mà đi. Vậy thôi. Đi không là hành hương, khám phá, ngoại giao, buôn bán, công tác, thám hiểm… Đi để mà đi. Chơi cũng thế. Chơi để mà chơi. Yêu cũng thế. Yêu để mà yêu. Ngoài ra, không một động cơ gì khác. Chơi vậy, mới tận hưởng tột cùng của chơi. Đi vậy, mới chìm đắm vô hạn của đi. Yêu vậy, mới chạm đến điệp điệp trùng trùng lúc cảm giác bủa vây vội vã len qua và chậm rãi ngấm sâu, lặn sâu vào làn da thớ thịt...

Đi để mà đi. Có như thế, may ra lúc về, có thể viết được điều gì.

Bọn văn nghệ sĩ ầm ĩ thật, chuyến đi của họ, dẫu chỉ giang hồ vặt, “nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà” (Phạm Hữu Quang), vậy mà, sau rất nhiều thời gian sau, thiên hạ vẫn nhớ đến. Bởi cớ sự làm sao? Bởi họ viết lại những gì họ đã cảm từ chuyến đi đó. Nguyễn Tuân viết thật hay trong bút ký Một chuyến đi, lúc sang Hong Kong đóng phim Cánh đồng ma, đọc đã lâu mà vẫn còn nhớ một chi tiết, vào thập niên 1940 tại xứ sở đó, khi vào toilet đã phải đóng tiền. Đọc thấy ngạc nhiên quá, nhiều người ngạc nhiên bởi lúc ấy ở ta chưa có lệ ấy. Chi tiết trong ghi chép một chuyến đi, quan trọng lắm.

Ngày trước, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn (1910 - 2006)  đọc cho y chép vài bài thơ. Thời tiền chiến, ông Ngôn tự thiết kế chiếc xe ngựa, đặt tên “Nhà lăn Mê Ly” để làm chuyến viễn du vào Nam. Từ Hà Nội, “Nhà lăn Mê Ly” chỉ vào đến Huế, rồi bỏ cuộc vì tình hình chiến sự đang xẩy ra vào năm 1944. Chuyến đi này nổi tiếng vì có nhiều thơ của thi sĩ thời danh viết tặng. Nếu không có các vần thơ này, nay hậu thế đã quên chuyến đi của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Những bài thơ này, nay công bố cho ai quan tâm. Một chút tư liệu văn học.

Nguyễn Bính viết:

Đây chiếc xe lăn của bốn trời

Trăng vàng chan chứa gió mê tơi

Hôm nay xe lại lên đường nhỉ?

Hồn nhớ mơ về nhé bạn ơi.

Nhà thơ Vũ Đình Liên:

Lững thững đường quê vó ngựa lành

Say màu cỏ lục ánh trời xanh

Bút hoa màu nhiệm chờ linh ứng

Mỗi nét đan thanh một nét tình.

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm:

Anh thắng song cương ngựa

Ngày hôm nay ra đi

Đi trên đường ngàn dặm

Sống cuộc đời mê ly

Bây giờ mới đi học

Tuy muộn mà sướng thay

Khá to là cuốn sách

Của sông núi cỏ cây

Lòng tôi vương vó ngựa

Theo anh muôn dặm dài

Gió giang hồ đã vậy

Hỏi ai không u hoài?

Nhà thơ Đồ Phồn:

Cơ đồ gửi lỏng đôi cương ngựa

Tạo hóa thu tròn một góc xe

Một người vô danh:

Một ngựa ba người dăm bức họa

Muôn rừng ngàn núi chút tình mơ

Trước đây, gần hai mươi năm trước nhà văn Hòa vang, Nguyễn Lương Ngọc cũng làm chuyến đi bộ từ Nam chí Bắc, chỉ đi đến Huế. Rồi bỏ cuộc. Nay không ai nhớ, bởi chuyến đi ấy không để lại những tác phẩm có thể giúp công chúng nhớ lại việc làm của họ. Trên đời nhiều người đi du lịch. Rồi cuối cùng cũng chẳng viết được gì. Kể ra cũng tiếc. Chuyến đi của nhóm bạn thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Tô Hoài chỉ từ Hà Nội xuống Bắc Giang thăm đồng nghiệp Bàng Bá Lân, có là gì so vói chuyến đi của nhiều người? Vậy mà ta vẫn nhớ. Nhớ bởi có thơ. Thơ lại hay, có chết không chứ?

Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương

Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương.

Sở tại bàng quan chầu xuống xóm,

Thi nhân bá ngọ chuyến lên đường.

Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán,

Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương.

Nằm muỗi qua đêm chờ sáng dậy:

Còi xe Phong hỏa xé màn sương!

Một thi sĩ Việt Nam đã "ra đi" như lời kêu gọi từ câu thơ của Baudelaire chỉ có thể Tản Đà. Một ông thần ngông, một trích tiên, một “dân chơi” thứ thiệt, còn lâu lũ hậu thế mới có thể xách dép chạy theo kịp:

Chơi cho biết mặt sơn hà

Cho sơn hà biết ai là mặt chơi

Ghê gớm chưa? Y cúi đầu bái phục tiên sinh. Tản Đà tiên sinh đã “làm sang” cho Phú Yên bởi câu thơ tài tình: “Đa tình con mắt Phú Yên”. Đừng phân tích đúng, sai theo lý trí. Thơ không cần lý trí chen vào ngang xương. Rách việc. Nếu thế, làm sao có thể cảm được câu thơ trừu tượng đầy sắc màu hội họa của Xuân Thu Nhã Tập Nguyễn Xuân Sanh: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”? Câu thơ “Đa tình con mắt Phú Yên” thế nào? Cứ cảm nhận sẽ thấy trong cơn say bất tận “trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?” của Tản Đà đã có cái nhìn phóng khoáng, ngẫu hứng mà cũng... chính xác đến từng milimet. Thì cứ cho là thế, bởi người dân Phú Yên chấp nhận. Vậy là đủ.

Viết đi. Đi về là viết.

Ngày nọ, thời thỉnh thoảng còn gặp ông nghị Dương Trung Quốc ở nhà hàng Lotus với anh em tạp chí Xưa & Nay, hỏi: “Anh đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều mà các chuyến đi của anh thường chung với nguyên thủ quốc gia. Sao anh không viết?”. Câu trả lời thế nào? Im lặng giây lát. Một tiếng thở dài. Dài tưởng chừng dài bằng từ sân ga Hàng Cỏ đến sân ga Sài Gòn: “Mình vẫn biết, nhưng rồi lúc về công việc này kéo theo công việc nọ. Ngốn hết thời gian. Lúc có thời gian, cảm hứng đã nhạt. Khó viết”.

Khổ thế. Nhiều người cũng vậy.

Nhà văn Thụy Điển Jan Myrdal, sinh năm 1927 từng thực hiện chuyến đi lạ lùng là dẫm lại vết chân của nhà du hành thời Trung cổ Marco Polo đã đi qua, năm 1977 trên giường bệnh, ông viết: “Du hành không chỉ là đi xem những cái mới, mà còn là từ biệt. Không chỉ có mở cửa mà còn là khép cửa lại sau ta: không bao giờ trở lại nữa. Tuy nhiên nơi ta giã từ để không bao giờ trở lại nữa vẫn hiện ra mỗi khi ta nhắm mắt. Ban đêm không có thành phố nào thấy rõ bằng thành phố mà ta đã từ giã để không bao giờ trở lại” (bản dịch của tạp chí Unesco số tháng 4. 1987).

Đọc có xao xuyến không? Có à? Tại sao không viết đi?

Nhật ký hôm nay dành cho một người vừa du hí ở Mỹ về. Và nàng nữa, cũng vậy. Sắp về. Viết vài dòng này như một sự thúc giục, chờ đợi những trang viết mới. À, cái tựa “Ăn đậu bằng đũa” nghe gợi và cảm lắm đấy nàng ạ. Viết đi. Cố lên cưng.

Sáng nay vẫn thế. Vẫn phở mỗi ngày. Ngày từng ngày như thế. Công việc như thế. Có chán không? Không bao giờ.

Chiều có cuộc hẹn với tờ Làng Cười vừa thay da đổi thịt. Làm mới lại. Thời này, cần nhiều tờ báo cười hơn nữa. Để thấy đời vui.

Đời, thế mà vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.8.2013

 

Trong hồi ký, nữ sĩ Mộng Tuyết có kể lại những ngày Nguyễn Bính lang thang giang hồ đến Hà Tiên vào mùa hạ năm 1944. Ngày đó, gia đình Đông Hồ có thú vui tao nhã là sau khi cơm nước xong, cả nhà quây quần quần nghe cô cháu đọc truyện Tam Quốc Chí bản dịch Phan Kế Bính. “Nguyễn Bính cũng vào ngồi nghe. Có khi Bính vào trễ, cửa đã cài then thì Bính ngồi ngoài hiên cho tới khuya mới về mà không dám gọi cửa. Bính nói: “Ngồi trong đêm sương khuya, nghe trộm tiếng người ngọc đọc sách cách một lần cửa đóng kín cũng có một thú vị riêng”.

Trên đời này, có nhiều thú vị riêng như thế. Chỉ có điều, ta có thiện duyên để gặp hay không?

 

huyhh-thuy-kieuR

 

Đêm qua, y có thiện duyên. Rằng, ngoài trời mưa tầm tả, đang thèm ăn một chút gì, nhưng lười và ngại. Gió rú hiên ngoài. Mưa rơi nặng hạt. Bao nhiêu hào hứng của chàng tráng sĩ những muốn phóng lên lưng ngựa xông pha nơi tửu quán bỗng lịm dần rồi tắt ngúm. Bèn xuống nhà, lục cơm nguội. Sực nhớ đã đọc ở đâu đó, ăn cơm nguội với ba khía là ngon nhất trần đời. Thú thật, đã ngoài ngũ thập nhưng y chưa hề ăn ba khía bao giờ. Hôm trước em gái H.T.Kiều nhắn tin: “Anh, anh Thức, anh Biền thích mắm cá linh hay ba khía? Em gửi lên”. Còn có câu hỏi nào đáng yêu, cảm động đến thế không? Bèn trả lời chắc nịch: “Ba khía”.

Hôm nhận ba khía, mẹ y không biết món gì. Hầu như người miền Trung không biết nhiều đến ba khía. Hôm lai rai với anh em, y quả quyết trên toàn cõi nước Việt Nam thống nhất thì ở đèo Lăng Cô có nhiều loại mắm hơn cả, bởi nơi ấy vừa có biển, sông, vùng nước lợ. Ấy vậy, đạo diễn Mỹ Hà vẫn quả quyết rằng phải là xứ Châu Đốc. Chẳng rõ thế nào? Người miền Trung thường khoái khẩu với mắm cái. Mắm nguyên cả con cá cơm nhỏ bằng lóng tay, khi ăn có thể quên nhiều thứ nhưng phải nhớ xắt, bằm nhỏ thêm khóm thơm, trộn đều thêm ớt khô, chanh ớt, tỏi... kèm thêm rau sống; nếu "chơi sang" có thêm ít thịt heo ba rọi nữa là ngon.

Quả quyết ngon là trật lất.

Tại sao?

Phải nói rất ngon.

Ngon đến độ y dám quả quyết rằng đã có nhiều nam thanh nữ tú kể cả các bà cụ Việt kiều đang sống xa xứ vào một buổi chiều thu hiu hiu gió, nhìn mây trời man mác lòng chợt nhớ đến hương vị quê nhà, nhớ cồn cào ruột gan bèn thuê taxi ra sân bay, bỏ tiền mua vé quy cố hương ngay tắp lự. Về đến quê nhà, chỉ cần ăn món mắm là hả hê, sung sướng, mãn nguyện rồi ra sân bay quay lại xứ người. Nghĩa là chuyến đi ấy, chỉ nhằm thỏa mãn cơn thèm vị mắm.

Ngày còn nhỏ, y thấy trong nhà có nhiều hủ mắm cá cơm, để dành ăn dần. Tục ngữ miền Trung có câu: “Ăn mắm  mút dòi”. Cần kiệm là thế. Khi làm mắm, do “hở gió”, từ mắm có sinh ra dòi. Những con dòi nhỏ trắng, quậy líu nhíu, bơi lúc nhúc. Cái gì mà trợn mắt lên vậy? Chẳng sao, khi múc ra chén, ta lấy muỗng vớt ra là xong. Nếu thế tiếc quá, phải mút trước, mút cho bằng hết cái chất mắm đang đẫm ướt rồi mới bỏ dòi đi. Ai chê hà tiện ư? Bèn cười mà rằng: “Dòi mẹ thì ngon, dòi con thì béo”. Mà riêng gì mắm. Thời buổi chiến tranh loạn lạc thuở ấy, ngoài mắm còn có cả nước mắm và gạo chất đầy nhà. Chưa hết, dù sống trong đô thị nhưng người dân miền Trung còn làm thêm căn hầm lộ thiên. Hầm mọc lên ngay trong nhà nhằm tránh pháo kích, đạn lạc bom rơi... Hầm làm bằng gỗ kiên cố. Ngoài vách hầm,  trên hầm chất đầy các bao cát. Loại bao cát màu xanh rêu của Mỹ, bằng vải, chứa được chừng khoảng 5 ký. Bao bền chắc lắm. Hầm làm rộng, có đèn sáng, khi nghe tiếng pháo kích là cả nhà kéo nhau vào hầm. "Đại bác đêm đêm, ru da thịt vàng. Đại bác nghe quen, như câu dạo buồn. Trẻ con chưa lớn, để thấy quê hương" (T.C.S). Lúc ấy, y luôn nghe bà ngoại thì thầm đọc kinh “Nam mô a di đà Phật”. Nhớ lại, thấy thương bà quá. Thương những người phụ nữ Việt Nam  sống có tín ngưỡng, luôn làm điều thiện, rằm lên chùa dâng hương cúng Phật, gặp khổ nạn luôn nguyện cầu Phật.

Hình ảnh ấy đậm nhạt trong ký ức suốt đời.

Ngày mới ra trường, y ở khu nhà bình dân trong hẻm Nhà thờ Ba Chuông. Phòng trọ chật. Chỉ đủ kê giường chiếc. Mùa nắng nằm ngửa nhìn thấy trăng sao. Mùa mưa khi ngủ phải trùm thêm mảnh ni lon! Nhà có bà cụ đã gần 90 mươi xuân, phúc hậu, hiền lành. Cụ bán hàng vặt trước nhà vừa trông giữ cháu. Lúc vắng khách, thỉnh thoảng bà cụ đọc kinh thầm thầm trong miệng. Ngày ấy, y còn trẻ ham chơi, có những lúc về khuya, không dám gọi cửa. Dần dà y biết, sáng nào cũng như sáng nào, đúng 4g30 phút sáng bà cụ đều thức dậy đi nhà thờ. Cứ canh giờ đó, quay về nhà là chắc ăn. Nhìn các cụ già xúng xính áo dài, í ới gọi nhau đi lễ lúc rạng sáng, trong lòng cảm thấy bình yên lạ thường.

Hình ảnh ấy đậm nhạt trong ký ức suốt đời.

Trở lại với ba khía. Đêm qua là bữa cơm đầu tiên ăn với ba khía. Sực nhớ câu ca dao Nam bộ:

Đừng lo cưới vợ miệt đồng

Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm

Thấy ăn ba khía ngon lành quá, mẹ y ngạc nhiên hỏi: “Ba khía là con gì?”. Làm sao có thể trả lời? May quá trong nhà có quyển Từ điển từ ngữ Nam bộ do Huỳnh Công Tín biên soạn, thế là y vừa nhai ba khía vừa lật từ điển đến trang 98 vừa nhíu mắt vừa đọc vừa nhìn gương mặt của mẹ đang chăm chú lắng nghe: “Ba khía: Một loại còng (họ cua) có hai càng to màu đỏ, sống ở vùng nước mặn, được người dân ngâm trong nước muối để làm thức ăn như một loại mắm”.

Cám ơn em H.T. Kiều. Mắm cá linh và ba khía muôn năm. Đã thế, có người anh lại hẹn rằng, ngày X giờ Y tuần này sẽ đãi...  buffet mắm!

Cám ơn người gửi cá linh

Ăn mắm Nam bộ chút tình còn theo

Thời gian gió cuốn cái vèo

Mùi hương của mắm còn theo suốt đời

Cám ơn thơ, cám ơn người

Tình bạn còn mãi dưới trời mây bay...

Vui ơi là Đời!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.8.2013

 

Tập tùy bút ngẫu hứng phiêu bồng lan man bay bổng VE VÃN SÀI GÒN  của Chị Đẹp đã tái bản và sáng nay chính thức phát hành. Ngay trang đầu tiên, có thêm dòng chữ "Tái bản lần thứ nhất". Vẫn mẫu bìa in lần đầu tiên. Sách ra mắt ngày thứ Bảy 22.6.2013, nay đã tái bản. Chứng tỏ bạn đọc quan tâm đến Ve vãn Sài Gòn.

Đó là một tin vui.

Ve-van-SaigonRR

Bản in Ve vãn Sài Gòn tái bản lần thứ nhất


Vui bởi tìm niềm vui ngày càng khó. Thuở nhỏ, niềm vui đến dễ dàng. Cứ nhìn các đứa trẻ đang nô đùa, ta thấy chúng rất dễ cười. Tiếng cười trong vắt. Tâm hồn trong veo. Càng có tuổi, niềm vui càng hiếm hoi. Những cuộc nhậu đã khác trước. Không còn hào phóng nâng ly. Uống cạn sông dài. Uống mòn bóng đêm. Cao hứng ném ly tan tành xuống chín tầng địa ngục. Hào sảng ném ảo tưởng lên tận mây xanh.  Tiếng cười rổn rảng. Nay đã khác. Đã không thể bù khú từ ngày dài đến mút đêm sâu. Đã chán thì về. Phải về. Online. Đọc. Viết. Vui nhiều hơn chứ?

Những câu chuyện bên bàn nhậu giết thời gian đã chán. Đã ngán. “Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm” (T.C.S). Có dịp là sẵn sàng. Không ghê tay. Dù trước đó vẫn cười nói hân hoan. Cụng ly hoan hỉ. Cuộc vui diễn ra e dè, cảnh giác khiến khó có thể vui. Cảm xúc bị ám sát từng giây phút. Chỉ mong thời gian qua vội. Phải về. Trên đường về có thói quen tạt vào quán nào đó. Lót dạ. Đi nhậu cũng mệt. Mệt nhất chẳng biết ăn món gì. Riết đâm ra sợ cách chế biến của các nhà hàng. Ai dám quả quyết không có chất này chất nọ? Thỉnh thoảng nghe người thốt lên não nùng: “Thời buổi này ra quán chẳng biết ăn gì”. Đúng thật, có những trưa, trong túi có tiền nhưng chẳng thể tìm ra quán ăn nào ưng ý. Cuối cùng, về nhà nấu tô mì cho qua bữa. Chẳng biết ăn gì. Vì thế, có người bạn của y đã tự trồng rau sạch, tự tăng gia sản xuất. Vậy an toàn quá còn gì? Quá an toàn nhưng lại thăng thiên bởi tai nạn giao thông. Thế đấy. Chẳng thể biết trước điều gì. “Từng ngày đảo điên, giết chết linh hồn” (T.C.S). Đừng ngạc nhiên điều gì. Cứ thế,"đời sống trôi hoài không nghỉ ngơi, đời sống kéo dài cõi trần ai..." (P.D). Hết một đời.

Trước đây, một hãng bia nọ có câu slogan cực nhảm nhí: “Xong việc rồi, bia thôi”. Giờ vào quán nhậu, đã thấy có khá nhiều loại bia mới được tiếp thị. Các em đẹp như mơ, xinh như mộng. Ngon như kén, béo như nhộng. Cầm lòng không đặng. Uống thử ủng hộ. Bẵng một thời gian sau, vào quán, không thấy loại bia đó nữa. Đã mất hút con mẹ hàng lươn. Lần nọ ăn lẫu dê ở quán nhậu bình dân ở L.V.S. Thấy la liệt các hủ rượu khác nhau. Rượu thuốc. Ngâm đủ thứ hằm bà lằn. Tạp pín lù. Giá tiền cũng khác nhau. Tưởng tiền nào của nấy. Nhầm. Lúc khuya lắc khuya lơ, một chiếc xe ba gác đậu cái xịch trước quán, gã trung niên xách vào mấy can rượu hai mươi lít, trông bẩn thỉu, lần lượt đổ đầy các hủ rượu. Hủ nào cũng như hủ nào.

Thì ra thế.

Đi nhậu mệt, đi đám cưới cũng mệt. Mệt giờ cao su. Mệt ngồi cạnh người không quen. Phải nói, phải nghe những câu xã giao lằng nhằng. Lằng nhằng như những cú điện thoại mở đầu bằng câu “dạo này anh/ em khỏe không?”. Khỏe thì đã sao? Không khỏe thì có giúp được gì? Mệt ngồi cạnh người lịch sự quá đáng, thọc đũa gắp cho người này người kia. Tởm thật. Mệt không biết phải ăn món gì. Cũng chừng đó món. Tiệc cưới nào cũng những món đó. Mệt nhất ngồi trong phòng kín mà âm thanh lại quá cỡ thợ mộc. Điếc cả tai. Ù cả óc. Chẳng thể chuyện trò gì nổi. Cứ như tra tấn. Thế mà phải đi. Bạn bè với nhau cũng vậy. Phải đi. Bạn từ thời cởi truồng tắm mưa đã xa lâu lắm rồi, không còn nhớ tên quên cả mặt nhưng lẽ nào từ chối bởi đã gắn bó một thời trai trẻ. Ngồi với nhau, chẳng biết nói gì. Mỗi người đã một đời sống khác. Mối quan tâm khác. Câu chuyện quanh bàn nhậu đông người, nói cười rôm rả mà chẳng một nội dung gì. Cái sự vui vẻ tình cảm trong đám đông của cuộc nhậu chẳng nói lên một điều gì. Chẳng đáng tin cậy.

Chiều nay lại mưa. Rồi nắng. Đang vui nên lục tập thơ cũ, đọc lại một bài thơ của Bùi Giáng. Đọc bởi trung niên thi sĩ dân Quảng Nam nhưng tính cách lại rất Sài Gòn.

Nắng Sàigòn nắng Sàigòn

Nắng tuôn Chợ Lớn mắt tròn chị em

Mưa tuôn chợ nhỏ môi mềm

Giọt gieo đủng đỉnh đầu thềm cuối sân

Nắng mưa phố chợ về gần

Tóc mây nón úp mộng tần ngần xoay

Nắng vàng rộng ngực gầy vai

Nở nang vóc liễu sương cài hình dong

Chân mây réo rắt đèo bòng

O bồng gió giục ngược dòng nắng tuôn

Tập tùy bút ngẫu hứng phiêu bồng lan man bay bổng VE VÃN SÀI GÒN của Chị Đẹp đã tái bản và sáng nay chính thức phát hành. Lại nhận comment Nhật ký ngày 5.8.3013 của em Quynhphuong: "Học sinh cấp 3 - tụi cháu đọc cuốn sách này được chưa chú? Sáng cháu tìm nhà sách nhỏ ở đây không thấy, chiều nay cháu mới nhờ người thân Sài Gòn mua gửi về giúp 5 cuốn - luôn tiện tặng cho mấy bạn của cháu".

Đó là tin vui.

 

tai-ban-lan-1

 

L.M.Q


Đọc thêm:

Cảm nhận của Lê Minh Quốc về VE VÃN SÀI GÒN:

LÊ MINH QUỐC: NHẬT KÝ 19.6.2013

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.8.2013

 

Một ngày.

Lại một ngày đầu tuần. Không có gì mới. Đến một lúc nào đó, cảm giác về thời gian sẽ mất đi. Chẳng náo nức đã cuối tuần hay đang thứ bảy. Thời  gian đó, việc làm đó. Bất kể ngày thứ mấy trong tuần. Đường phố đó. Cửa hàng đó. Chỗ ngồi đó. Gương mặt đó. Tất cả lướt qua. Rõ nét. Mờ nhạt. Công việc đó. Cảm hứng đó. Kim đồng hồ nhích dần. Từng giờ. Nắng xuống. Chiều lên. Đêm đang tới. Quyển sách trên tay. Thả qua một bên gối. Mắt nhắm. Giấc mơ không hình tượng rõ rệt, lúc có lúc không, nhớ nhớ quên quên. Bừng con mắt dậy. Công việc đó. Ly cà phê đó. Bàn phím đó. Những con chữ ùa trên màn mình như vãi thóc ngoài cánh đồng. Hạt lép. Hạt mẩy. Kiếm sống bằng nghề viết. Chẳng thể có đồng tiền nào khác công việc đổi chữ. Nghề lương thiện. Đủ sống. Vậy đã may. Còn khối người phải bán sức lao động bằng cơ bắp, mồ hôi, cả máu để kiếm miếng ăn mỗi ngày. Còn khối người phải bán cả tư cách để kiếm chút danh bèo bọt mỗi ngày...

Trước kia cứ nghĩ, một ngày không đọc báo chắc chắn sẽ không thể sống nổi. Sẽ lạc hậu thời cuộc. Sẽ như người rừng xuống phố. Ngây thơ thật. Gần đây, hầu như đã bỏ hẳn thói quen đó. Nếu có cũng chỉ lướt vài thông tin trên mạng. Là đủ. Đã ngấy. Không phải bận tâm gì nhiều. Đã có thể tập trung làm việc. Lúc ấy, việc đầu tiên là cắt internet. Trở về riêng mình. Một mình một cõi. Nếu không có quyết liệt ấy, sẽ đọc lan man, cái này rủ rê cái kia đến bất tận thời gian với vô số thông tin thượng vàn hạ cám. Chẳng ích gì. Những thông tin u ám quá dù muốn dù không, lâu ngày, dần dà cũng khiến nhìn cuộc đời bằng con mắt  khác. Cái nhìn chỉ muốn buông xuôi. Những tị hiềm tham ô. Những đấu đá tham nhũng. Tanh những máu. Những đảo chính cung đình tanh những máu. Nghe phát mệt. Ngồi nghe bàn luận, tranh luận. Muốn ói. Giữ sự yên lành trong tâm hồn  không dễ. Nhất là thời buổi này. Những giá trị đã xáo trộn. Ma ma phật phật. Người người ngợm ngợm.

Cái quay búng sẵn trên trời

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

(Cung oán ngâm khúc)

Sáng vào cơ quan. Nhận được quà từ một vùng quê Quảng Nam, chưa biết mặt, gửi tặng tập sách Người ăn chay (NXB Trẻ) của nhà văn Hàn Quốc Han Kang, Hoàng Hải Vân dịch. Trang đầu tiên là nét chữ học trò, “Chúc chú Q sinh nhật thật vui. Lúc nào cũng tìm được niềm vui và tiếng cười trong cuộc sống:

Khi vui chẳng để vui lâu

Khi buồn cũng đủ nỗi buồn qua mau”


nguoi-an-chay


Thói quen “biên tập” trỗi dậy, đọc ra rằng:

Khi vui, chẳng đủ vui lâu

Khi buồn, buồn lại qua mau nỗi buồn

Câu kế tiếp: “Tặng sách cho một người am hiểu về văn học và sách như chú quả là không dễ. Nhưng cháu hy vọng chú sẽ thích cuốn sách này”. Cảm động câu này nên ở cơ quan tranh thủ đọc luôn. Ai đã đọc tập truyện này chưa? Kể tóm tắt: Có một người đàn bà tên là Yeong-hye sau một giấc mơ, thấy máu nên không thể ăn thịt được nữa. Dù chồng và cả gia đình cô cố ép nhưng không thế. Ông bố bực lắm, tát hai cái vào mặt cô. Anh chồng kể tiếp: “Ông gạt cả tay con gái, ấn miếng thịt vào mồm vợ tôi. Cô ấy mím chặt môi, miệng phát ra tiếng rên. Có vẻ như cô ấy muốn nói gì đó nhưng sợ mở mồm ra thì bị miếng thịt tống vào nên không thể nói được… Ông bố vợ cố ấn miếng thịt vào mồm con gái đang vật vã khổ sở. Ông  bành miệng bằng ngón tay nhưng không thể làm gì với hàm răng nghiến chặt”.

Mọi người chạy đến can ngăn, cô ta thoát được sự hung tợn của ông bố. Định quay ra cửa bỏ chạy, nhưng cô tiện tay cầm con dao gọt hoa quả, cứa vào động mạch. “Máu từ tay Yeong-hye phun ra như vòi nước”. Lập tức, cô được đưa vào bệnh viện. Tất nhiên, anh chồng phải là người trực chăm sóc vợ. Một lần, do quá mệt anh ngủ thiếp đi, lúc dậy không thấy vợ đâu bèn hoảng hốt đi tìm. Cô ngồi ở sân bệnh viện. Anh chồng nhìn thấy “Vợ che nắng chói chang trên trán mình bằng tay trái còn vết dao”. Tay phải thì sao? Một chi tiết lạ lùng. Lạ đến độ khi đọc, y hoàn toàn không nghĩ ra: “Tôi tõe bàn tay phải đang nắm chặt của vợ. Một con chim đang bị ấn chặt cổ từ lòng bàn tay cô rơi tuột xuống ghế băng. Một chú chim, màu trắng, lông rụng xuống lả tả. Vệt máu loang lổ dưới vết răng thô bạo như bị loài thú ăn thịt nào đó mổ”.

  Lạnh cả xương sống.

Nếu ai đã đọc, nắm bắt đầy đủ các tình tiết cụ thể sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao lại có chi tiết này?”. Đại khái câu chuyện là thế, chỉ kể loáng qua của 58 trang in. Chỉ mới là phần 1, còn hai phần nữa. Sẽ đọc tiếp. Sách dày 200 trang in. “Tại sao lại có chi tiết này?” Câu hỏi còn bám theo đến lúc về nhà. Trên đường đi, y nghĩ lan man chuyện nọ xọ chuyện kia. Đầu Ngô mình Sở. Nghĩ rằng, đầu bếp và nhà văn có giống nhau không? Quả quyết rằng giống.

Chỉ với một miếng 1 gram thịt bò tươi roi rói, tay đầu bếp thiện nghệ có thể chế biến thành miếng bít tết thật ngon. Không chỉ ngon vì miếng thịt, còn vì xà lách, khoai tây, bánh mì, nước chấm, các trình bày món ăn…, thậm chí còn vì không khí trong quán nữa. Ăn xong, dù no nê, vẫn còn thèm. Cũng với miếng thịt bò chất lượng như thế, dù có là 1 kg đi nữa nhưng rơi vào tay đầu bếp vụng về, chỉ nhai một miếng đã chán. Buông đũa. Đứng dậy. Tay nghề của nhà văn cũng vậy. Miếng thịt bò là chi tiết. Có những truyện ngắn chỉ một, hai chi tiết nhưng viết giỏi, có nghề, người đọc còn ám ảnh mãi. Chi tiết keo dán sắt trong Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc rợn người là một trong muôn vàn ví dụ. Có những truyện ngắn nhiều chi tiết nhưng đọc xong chẳng đọng lại gì. Sự chuyên nghiệp và nghiệp dư ở đó chăng?

Chiều nay. Mây xám.

Vớ tay lấy cuốn giai phẩm Giữ thơm quê mẹ, đọc loáng thoáng. Tập san này do NXB Lá Bối chủ trương, nhà thơ Hoài Khanh phụ trách, số 1 phát  hành vào tháng 7.1965. Số 2 có truyện ngắn Một bức chân dung (hồi ức văn nghệ thì đúng hơn) của nhà văn Sơn Nam. Trong đó, có chi tiết hay: “Lúc bấy giờ, tôi ở miền Hậu Giang, vùng đất thênh thang, trên bờ có lúa, dưới sông có cá. Giặc Pháp  ít ruồng bố. Tôi được thong dong, nghiên cứu văn nghệ, và tập làm văn nghệ, đi theo cơ quan “văn hóa kháng chiến”. Đó là một tổ chức. Nhưng làm sao tổ chức được những người mang nặng máu… giang hồ! Người lãnh đạo thường nhắc nhở vấn đề nội quy, kỷ luật, phòng gian bảo mật, kế hoạch sáng tác 3 tháng, 6 tháng… Vài bạn của tôi thích bàn cãi. Thời gian chứng minh rằng những kẻ ưa cãi vả, khen chê ấy là những “ông quan văn nghệ”, sáng tác quá ít và quá dở. Nguồn cảm hứng như mây bay gió thổi, con người làm văn nghệ giống như dòng sông linh động phản chiếu. Tổ chức người làm văn nghệ thành một khối chặt chẽ, thiệt chẳng khác nào múc nước bằng hai tay hoặc bằng cái rỗ. Thế nào nước cũng chảy tuôn ra ngoài khuôn khổ”.


sonnam-1


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.8.2013

nghien-cuu-lich-su

 

Mạng facebook dạo này như chập chờn như điện thời bao cấp. Chập chờn. Lúc có lúc không. Lúc vào ngon ơ. Lúc chỉ thấy hiện lên dòng chữ: “Server not found: Firefox can't find the server at www.facebook.com”. Sáng nay, vào được. Đọc trang facebook của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Anh viết:

“Tui đi Mỹ đã được 3 lần, rút ra mấy điều về người Mỹ:

1. Người Mỹ không có văn hóa. Bằng chứng là đi từ bờ Tây qua bờ Đông, tui không hề thấy có một tấm bảng "Khu phố văn hóa" nào!

2. Người Mỹ rất yếu về khoa học kỹ thuật. Bằng cớ: đa số tài xế không hề biết nút bấm còi xe ở đâu. Hầu như tui không hề được nghe tiếng còi xe trên đường.

3. Đàn ông Mỹ rất hèn. Bằng chứng: luôn luôn kéo ghế cho gái ngồi, mở đóng cửa xe cho gái, khuân vác đồ đạc cho gái...

4. Người Mỹ còn rất sợ người Việt Nam. Bằng chứng: Hễ thấy tui bước vào thang máy là những người Mỹ đang đứng bên trong đều gật đầu chào...”.

Đọc xong cười ngất ngư Laughing. Bèn “tịch thu” đưa luôn vào nhật ký. Có bổ sung gì thêm không? Ắt có:

5. Nước Mỹ vẫn còn chế độ mẫu hệ. Bằng chứng: Khi phụ nữ lên xe hơi và lúc bước xuống, người đàn ông phải luôn chủ động, tự giác mở cửa xe cho họ. Rồi ngoan ngoãn khép cửa xe.

6. Người Mỹ không có tự do. Bằng chứng: Ở nhà, khi hút thuốc lá phải bước ra ngoài vườn, ngoài sân; nơi công cộng không phải chỗ nào cũng có thể phì phèo khói thuốc. Thậm chí ngay trong phòng khách sạn cũng bị cấm tiệt!

7. Người Mỹ ở bẩn nhất thế giới. Bằng chứng: Đi dạo công viên, đi trên phố nếu không tìm ra thùng rác, họ sẳn sàng bỏ rác vào trong túi áo, giỏ xách…

8. Người Mỹ luôn tranh giành sức lao động của người khác. Bằng chứng: Trong nhiều khu vui chơi, vào nhà hàng, lúc ăn xong, đứng lên rời khỏi bàn, họ cũng giành dọn dẹp sạch sẽ bàn ăn của mình.

9. Người Mỹ không biết quý thời gian. Bằng chứng: Bất kỳ ở nơi công cộng nào, họ cũng đều có thể kiên nhẫn đứng xếp hàng, không chen lấn, cứ nhẩn nha chờ đến lượt mình.

10. Người Mỹ không tôn trọng người khác. Bằng chứng có những nơi khi vào quán gọi rượu, họ đòi phải đưa giấy tờ chứng minh trên 18 tuổi.

11. Người Mỹ không tạo công ăn việc làm cho người khác. Bằng chứng: Có nhiều trạm thu phí không có người thu tiền vé, tài xế chỉ việc ném vài xu vào chỗ cần thiết là barie tự động cất lên cho xe qua.

12. Người Mỹ rất mất cảnh giác. Bằng chứng: Trong tòa thị chính, cô dâu chú rể vẫn được phép hiên ngang, ngang nhiên bước vào chụp hình đám cưới!

13. Người Mỹ phân biệt, xem thường người tàn tật. Bằng chứng: Nhiều nơi công cộng, cơ quan công quyền họ vẫn làm lối đi riêng cho người ngồi xe lăn, không đi chung với người lành lặn bình thường.

14. Người Mỹ luôn nịnh nọt người khác, nhất là trong sân bay. Bằng chứng: Khi hỏi thăm điều gì, họ đều hướng dẫn rất tận tình, chu đáo, thậm chí còn vẽ cả sơ đồ, hoặc dẫn đến tận nơi.

15. Người Mỹ thích khoe tiền. Bằng chứng: Khi ăn xong bao giờ họ cũng để lại tiền típ cho người phục vụ.

16. Người Mỹ hầu hết bị câm. Bằng chứng: Trong nhà hàng ít nghe tiếng nói ồn ào của họ.

17. Người Mỹ sử dụng đất đai lãng phí nhất thế giới. Bằng chứng họ xây dựng quá nhiều viện bảo tàng, nhà lưu niệm, thư viện…

18. Người Mỹ là người máy. Bằng chứng: Các cuộc hẹn làm việc của họ luôn đúng giờ.

19. Người Mỹ chỉ khoái nước ngọt. Bằng chứng: Khi vào xem các chương trình "nghệ thuật" như múa sexy, múa cột mà họ cũng không bán bia, rượu chỉ phục vụ mỗi nước ngọt! Chán thế!

20. Người Mỹ rất lạc hậu. Bằng chứng: Trên các đường cao tốc, vẫn còn những trụ điện thoại hữu tuyến.

21. Người Mỹ rất nhát gan. Bằng chứng khi đã có bia rượu, họ tuyệt đối không dám lái xe; khi cảnh sát ra hiệu, lập tức dừng xe, đứng một khoảng cách nhất định, không dám đến gần dúi tiền “trà nước” nếu bị lỗi giao thông v.v…

Còn thêm gì nữa không?

Tối qua đã post bài đọc tập sách của Trần Thị Nhung lên PNO. Thích tập sách Cỏn con và bé xíu (NXB Kim Đồng), nhờ thế y viết được câu này: “Nếu các bà mẹ nào cũng đều dành thời gian ghi lại những sinh hoạt, tình huống xảy ra với con mỗi ngày, có lẽ, chúng ta sẽ có nhiều tập sách hay. Và cũng là một cách giúp cho nhiều người hiểu thêm về tâm lý của lứa tuổi này và chia sẻ cách giáo dục,dạy dỗ phù hợp”. À, ngày trước nếu ba mẹ ghi nhật ký giúp mình mỗi ngày nhỉ. Sẽ rất thú vị. Cũng may, đã có những tấm hình chụp thuở ấu thơ. Mỗi lần nhìn ảnh cũ, trong lòng luôn dạt dào một cảm xúc. Nếu có bửu bối quay ngược về quá khứ của chú mèo Đô Rê Mon, cảm xúc cũng chỉ đến thế.

Như mọi ngày, vẫn phở. Lúc ăn sáng, cám ơn T.H.Nhân đã tiếp tục giới thiệu tập sách VE VẪN SÀI GÒN của Chị Đẹp trên báo TT&VH sáng nay. Thích câu kết: “Có lẽ, đây là một trong những cuốn sách “giấy trắng mực đen” có sự tương tác giữa người viết (Chị Đẹp) và bạn đọc (Nguyễn Đông Thức). Lâu nay, hình thức “comment” này chỉ dành cho những tác phẩm được “xuất bản online”, ví như in trên mạng xã hội facebook chẳng hạn”. Đó là phát hiện thú vị của nhà báo. Khen N câu này, gã mập cười phơ phớ rất đáng yêu. Yêu quá đi chứ. Chơi với nhau cần có sự quan tâm, yếu tố này cần cho một tình bạn.

Đêm qua thức khuya. Đọc lại bộ Nghiên cứu lịch sử in từ năm 1962, in ngoài Bắc. Có nhiều chuyện sẽ kể sau. Lúc ấy, những tưởng sẽ được ngủ nướng bởi ngày mai chủ nhật. Nào ngờ, chỉ mới 5 giờ sáng, đang mơ màng bỗng nghe rèng réng reng vang rền phòng ngủ. Gã Đức béo hào hứng: “Dậy gấp! Vừa mail rồi. Đọc gấp hai truyện ma của mình, Q ơi. Đọc gấp, có ý kiến gấp nha!”. Trời đất! Điên vừa vừa thôi chứ? Đành cười. Lẽ nào bạn vì sự hào hứng của bạn vừa viết xong cái truyện ngắn mà cằn nhằn? Đành nói một câu rất giả dối: "Vậy à? Mình chờ mấy hôm nay đây. Mừng quá. Đọc ngay. Chúc mừng bạn". Nói xong, bèn tắt máy. Ngủ tiếp.Tongue out

À quên, còn mấy cái lặt vặt, cà rỡn về người Mỹ của nhà văn Nguyễn Đông Thức nữa chứ? Định viết nữa, nhưng trưa rồi. Cơm thôi. Vậy bạn nào biết gì thêm, xin mời biết bổ sung vào comment. Sẵn sàng đưa luôn vào Nhật ký. Laughing

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.8.2013


 

thai-ba-van


Tự nhiên thèm vẽ.

Trưa. Mưa tầm tã. Như từ trời, thác trút. Như từ trời, vỡ đê. Ngoài sân ngập nước. Nghe đâu quê nhà có bão. Ngồi trong nhà, ngước ra sân, ngó lên tường, lật ngửa hai lòng bàn tay, nhìn săm soi bỗng từ trong ngực dội lên một cảm hứng muốn vẽ quá chừng.

Lâu quá đã quên béng đi những cọ, sơn dầu, toan trắng. Quên cảm giác của người chuẩn bị lao xuống biển dù trong ý thức hoàn toàn không có một khái niệm gì về hình khối, màu sắc. Một cảm phiêu du bồng bềnh thử thách lòng gan dạ của gã làm xiếc trên chiếc đu bay không có bảo hộ. Cảm giác ấy khó có thể tìm được khi làm thơ. Cảm giác mới mẻ. Lạ lùng. Bồn chồn. Chỉ một cú nhíu mày, nghiến răng, tay cầm chặt cọ. Hồi hộp thở. Dứt khoát thở. Và quyết liệt ném xuống toan trắng trinh nữ kia những vệt màu bất chợt. Nỗi sung sướng vỡ òa ra. Thở phào nhẹ nhỏm. Như vừa nhắm mắt, lấy trớn, lấy toàn bộ sức lực để lao qua vực thẳm.

Hú vía, đã qua được bờ này.

Vẽ đi.

Hôm nọ đã trả lời bạn thơ Lý Đợi, vài quan niệm về hội họa. Đã in TT&VH. Trả lời rằng, mấy ý chính: Ông bà mình nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhờ có thời gian dài ngao du, đàn đúm với các anh chị họa sĩ - nhất là với Suối Hoa, con gái nhà thơ Huyền Kiêu nên từ tăm tối về hội họa cũng dần dần “sáng” ra đôi chút. Thấy họ vẽ, y cũng vẽ. Và dần dà đâm ra thích sắc màu. Vẽ như điên và cũng triển lãm chung với họ. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có thế mạnh riêng. Hội họa, là một cuộc thể nghiệm mới mà cảm xúc thơ khó có thể đem đến. Trước toan và màu, y luôn là đứa trẻ con giàu cảm xúc. Như người mù tập đi. Như đứa trẻ tập nói. Chỉ “vọc” màu sắc theo cảm nhận và hài lòng với nó.

Chơi thôi.

Chơi trong cảm giác của một người sắp lao xuống biển. Các kỹ thuật, ý tưởng chỉ  zéro nên vẽ hoàn toàn theo cảm xúc. Theo ngẫu hứng. Theo sắc màu thay đổi thiên biến vạn hóa mà bức tranh ấy rốt cuộc sẽ ra sao, như thế nào. Chẳng biết nữa. Vẽ là một cách giải bày cảm xúc. Không nhằm một toan tính gì khác. Những bức tranh trên tường đã lần lượt ra đi. Hầu hết tặng bạn bè. Họa sĩ Việt Nam nhiều người vẽ đẹp. Rất đẹp. Thế nhưng vẫn chưa có nhiều tập sách của họ viết cảm nhận về hội họa, có chăng chỉ của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn. Chỉ có thế? Hay còn nữa mà thư viện của y không lưu giữ được? Những tập sách này đọc lôi cuốn, ngày đọc nhẩn nha vài trang, thấy thích. Thích bởi dấu ấn cá nhân, suy tư cá nhân về hội họa, không rập khuôn theo nguyên lý, nguyên tắc của sáo mòn lý luận. Thêm một quyển sách cũng viết cực kỳ hấp dẫn: Tiếp xúc với nghệ thuật của Thái Bá Vân. Thích bởi văn phong bay bướm khi trình bày một vấn đề thuộc về lý luận. Sự uyên bác về chuyên môn được ông trình bày dễ hiểu, rõ ràng. Quái, có nhiều người lại thích diễn đạt sự dễ hiểu, rõ ràng bằng câu cú rất tù mù rối rắm. Cứ như đánh đố người đọc. Thái Bá Vân không thế. Phải còn lâu lắm, nền mỹ thuật nước nhà mới có một Thái Bá Vân nữa. Nhìn ra ngoài trời vẫn lai rai mưa. Sao không lật hú họa lật vài trang? Thử đọc:

“Lịch sử và lịch sử nghệ thuật rất khác nhau ở một điểm là: lịch sử nghiên cứu và phán xét cái gì đã qua, còn lịch sử nghệ thuật thì nghiên cứu và phán xét cái gì còn ở lại.

Trên bàn viết của lịch sử là những con người, những triều đại, những nền văn minh đã đi. Nhưng trên bàn viết của lịch sử nghệ thuật là một đời sống thẩm mỹ còn lại. Nền văn minh nguyên thủy trồng lúa nước đã đi qua, nhưng nghệ thuật Đông Sơn thì vẫn còn đấy. Chế độ phong kiến đã chết, nhưng tranh làng Hồ và điêu khắc đình làng vẫn thờ.

Đó là cánh cửa ưu quyền mở cho các nhà lịch sử nghệ thuật, không phải để nhìn các tác phẩm như người ta nhìn ra hoa cỏ và mộ chí ở nghĩa trang mà là để vin vào Cái Đẹp, do con người làm ra, rồi vui vẻ đứng lên, bước tiếp vào cuộc sống”.

"Bước tiếp vào cuộc sống". Đúng thế, mọi giá trị, mọi lý luận từ cổ xưa, từ truyền thống đến hiện đại nếu không phục vụ cho cuộc sống hiện tại thì chẳng là gì. Tổng thống Mỹ Abraham Linconln đã nói được câu này, ghê gớm làm sao cho một tư duy đã nhìn ra quy luật của biện chứng: “Những giáo lý của thời quá khứ phẳng lặng không còn thích hợp với hiện tại đầy giông tố nữa. Chúng ta phải suy nghĩ và hành động theo một lối mới”.

Sáng nay vẫn phở. Rồi cà phê. Nhận được tin nhắn của bạn cũ. Đã lâu không biết tin tức gì. Cũng vui.  Quán cà phê này trước có tên Văn Cao. Sau đổi Một thuở. Giờ đổi lại Văn Cao. Cái tên Văn Cao có linh hồn, sang trọng, trí thức bởi gợi nhớ đến một Văn Cao nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ rất mực tài hoa. Năm xưa ra Hà Nội, có quen với nhà thơ Văn Thao, con trai của cụ Văn Cao. Anh vẽ, làm thơ đều tuyệt. Vợ anh cũng làm thơ, thơ thiếu nhi. Nhìn chung họ đều có thể nổi tiếng. Nhưng không. Bởi cái bóng Văn Cao quá lớn, che rợp hết một khoảng trời. Từng nghĩ, nếu các anh Văn Thao không là con Văn Cao, Nguyễn Đình Chính không là con Nguyễn Đình Thi… dù vẫn theo nghề viết nhưng có lẽ cuộc đời họ sẽ khác chăng?

Suy nghĩ vậy có đúng không?

Trưa về lại viết. Đến hẹn lại viết. Chữ ở đâu trong đầu mà ngày nào, giờ nào cũng có thể viết? Ngày thứ bảy là ngày của những bài viết về hôn nhân gia đình. Nghĩ cũng lạ, một gã trẻ con, trẻ con bởi vì không có kinh nghiệm, bằng chứng từng lên bờ xuống ruộng, trần ai khoai củ của tình non, tình già, tình xa, tình phụ lại trở thành một Chị Thanh Tâm, một Chị Hạnh Dung, một Anh Bồ Câu… bàn về chuyện này hết số báo này qua số báo nọ. Buồn cười chưa? Đang viết ngon lành. Một cú điện thoại gọi đến. Đồng nghiệp N.K.Luân tức Mr. Bim hỏi: “Ủa anh, thơ Tú Xương có câu: "Một trà, một rượu một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó hại ta/ Chừa được cái nào hay cái ấy/ Có chăng chừa rượu với chừa trà". Vậy chẳng lẽ uống trà là lăng nhăng?”. Một câu hỏi thú vị, bởi cách đặt vấn đề. Người thông minh luôn biết đặt câu hỏi thông minh. Lâu nay có những chuyện đã nghe, đã đọc, cứ tưởng dứt khoát phải thế nhưng khi đặt vấn đề lại mới thấy sự tréo ngoe; hoặc phải có cách giải thích khác.

Sáng nay, cà phê cùng  vợ chồng bạn Hữu Thân và vài người nữa. Ngạc nhiên khi thấy bạn mình đã khác trước nhiều. Cách đây chừng ba năm, sau khi biết có bệnh gì gì đó về gan, chữa thuốc Tây không hết. Chuyển sang thuốc Bắc và ăn theo chế độ kiêng. Ròng rã trong mấy năm liền Hữu Thân chỉ ăn cá lóc, bỏ bia rượu, bỏ thuốc lá. Không ngờ gặp lại thấy sắc diện hồng hào. Trẻ trung. Khỏe khoắn. Còn khối cô nàng phải Wink"ngất trên cành quất" Tongue out. Để được vậy, phải tuân theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Chà, ngày nào cũng chỉ ăn độc một món, tất nhiên cách pha chế có khác nhau. Nghĩ mà phục quá. Rõ ràng, khi có niềm tin vì sức khỏe, lo sức khỏe của chính mình, con người ta có thể chấp hành những quy định khắc khe của thầy thuốc. Mừng bạn mình vẫn như trai mười tám.

Ngoài ra còn niềm tin gì nữa?

Cách đây dăm năm, người em - con ông cậu bị ung thư nằm bệnh viện ở đường Nơ Trang Long. Vào đó, mới thấy thấm thía nỗi khổ bệnh nhân phải chịu đựng. Họ nằm chen chúc, nằm xoay đầu, trải chiếu nằm luôn dưới gầm giường, thân nhân thăm bệnh chỉ vật vờ ngoài hành lang. Lúc đó, niềm tin nào có tác động an ủi bệnh nhân lớn nhất? Tôn giáo. Quan sát một lúc, thấy có nhiều tốp người cỡ trung niên, gương mặt hiền lành, ăn mặc quần áo cũ những tươm tất, sạch sẻ đến từng giường, đi từng phòng hỏi han bệnh nhân. Chẳng rõ họ an ủi những gì, chỉ biết, sau khi tạm biệt họ gửi lại một sấp giấy mỏng, đóng tập hẳn hòi. Tò mò mượn xem, đó là những tài liệu về tôn giáo. Nhiều tôn giáo lạ quá. Ngày sau, lại thấy những tốp người khác đến với bệnh nhân. Cũng tuyên truyền về tôn giáo. Trong giây phút giữa sinh tử có lẽ con người ta tin vào tôn giáo nhiều hơn lúc nào hết chăng? Tin ở phép lạ sẽ đến. Vậy đã may. "Phúc cho ai không thấy mà tin".

Trưa đang ngủ ngon giấc, chợt thức giấc bởi mưa đổ sầm sập. Ngồi trong nhà, ngước ra sân, ngó lên tường, lật ngửa hai lòng bàn tay, nhìn săm soi bỗng từ trong ngực dội lên một cảm hứng muốn vẽ quá chừng.

Vẽ đi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.8.2013


Lại một ngày. Ngày thứ sáu trong trong tuần. Từ rạng sáng, tiếng kinh cầu từ chùa vọng sang. Nhịp nhàng. Du dương. Trầm buồn. Ngày mới. Mới của một giây phút mở mắt ngồi vào bàn làm việc. Mới của cảm hứng khỏe khoắn. Thèm viết. Từng giọt cà phê chậm rãi nhỏ xuống ly. Từng giọt. Từng giọt hiền lành. Không âm mưu tạo nên những cảm xúc ảo tưởng điên cuồng như rượu. Tự nhiên, lại nhớ đến vài người bạn. Đã khuất. Nói như Đoàn Tuấn, “Những người không gặp nữa”. Có lẽ do âm điệu nhịp nhàng, lê thê của tiếng kinh cầu chăng?

Chợt nhiên nhớ đến Võ Phi Hùng, nhà văn của bụi đời vỉa hè. Đơn Phương, thi sĩ của trại phong Bến Sắn. Nghĩ đến một người, luôn nhớ đến nụ cười của họ. Hầu như những ai hiền hậu, lương thiện đều có nụ cười giống nhau. Tự tin và sảng khoái.

 

leuyenphuong

 

Những năm tháng cuối đời, sáng nào cũng thấy Võ Phi Hùng ngồi viết tại quán cà phê vỉa hè gần đường rầy xe lửa. Gần trước hẻm nhà y. Bất chấp âm thanh đường phố, tiếng rao mời vé số, tiếng chửi rủa tục tằn… anh vẫn cắm cúi viết. Đang sống trong một cõi khác. Những lúc ấy, anh như cậu học trò chăm chỉ, viết bằng bút bi nắn nót từng dòng trên giấy A4. Viết xong, anh đọc lại và sửa trực tiếp lên đó; ưng ý rồi anh mới chép sang một trang giấy khác, xem như hoàn chỉnh.

Có lần anh bảo: “Tôi có thói quen ngồi viết tại những quán cóc vỉa hè. Tôi chỉ có thể viết được khi nhìn người đi qua đi lại, nghe tiếng xe cộ ồn ào, tiếng rao hàng, hít thở và đắm mình vào nhịp sống của nhân gian… Nếu đóng cửa ở nhà, ngồi vào bàn viết nghiêm chỉnh, nhìn vào bức tường lạnh ngắt trước mặt thì tôi chỉ có nước đi ngủ chứ không cách nào viết được! Tôi chỉ viết tay chứ không thể viết được bằng máy vi tính; những con chữ gõ từ máy tính sao mà vô hồn, không cá tính, không cảm xúc, làm tôi mất hứng…”.

Mỗi người có một cách viết. Chẳng ai giống ai. Nhìn thi sĩ Đơn Phương viết mới khó khăn làm sao. Những ngón tay của anh đã rụng gần hết. Mỗi lần sáng tác thơ, anh phải dùng răng siết sợi dây để cột chặt cây bút bi vào bàn tay co quặt. Và viết. Thơ anh mang âm điệu, ngôn từ của Hàn Mặc Tử. Anh đã viết tiếp kịch bản Quần tiên hội của Hàn Mặc Tử. Làm nhiều thơ. Thơ hay và nhiều tâm sự bi thiết của một kiếp đời đã gánh quá nhiều tai ương. Lần lên Bến Sắn cùng VTV làm bộ phim về anh. Anh nói: "“Số phận người bệnh phong như chúng tôi là những người tù không bản án, vì phải sống hết đời trong sự cách biệt với thế giới bên ngoài. Thời trẻ, đã có lần vì đớn đau, vì tuyệt vọng tôi đã dại dột tự tử, may  mà các soeur cứu được. Nhờ có thơ mà tôi sống được đến hôm nay. Bao nhiêu nỗi niềm của tôi đều trút cả vào thơ”.

Số phận của họ lạ lùng. Cả hai lọt lòng mẹ, đã là đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện. Sống cù bơ cù bất ngoài vỉa hè. Nghèo mà có tư cách. Kiếm sống lương thiện và đã làm được bao điều có ích cho cộng đồng. Chỉ cần nghĩ thế, đã là quý. Đã có thể chơi với nhau được rồi.

Những ngày cuối đời, Võ Phi Hùng tâm sự chua chát: “Tôi đã không ngừng tìm mẹ từ thuở còn ấu thơ cho đến lúc tóc trên đầu đã bạc, nhưng vô vọng! Năm nay tôi đã 62 tuổi. Cách đây hơn một năm, tôi đã ngưng việc tìm kiếm mẹ, vì thấy không còn hy vọng, vì nghĩ có lẽ mẹ tôi đã không còn sống trên cõi đời này. Thôi thì đành tự an ủi mình: cuộc đời có những bí mật không thể giải được và ta đành phải chấp nhận. Có những điều ngang trái mà mình phải chấp nhận, dù đã cố gắng hết sức”.

Mỗi con người đã là một số phận. Nó đã được lập trình rồi chăng? Nghĩ thế, vậy hóa ra, với cái tử vi ấy, cung mạng ấy thì người ấy phải như thế ấy? Nghe vô lý quá chăng? Có tin được không?

Đêm qua uống say. Vài người bạn rủ đi “hát với nhau” ở phòng trà ca sĩ Cẩm Vân. Từ chối, về online với nàng. Vui hơn. Đêm nằm ngủ chập chờn men say bềnh bồng phiêu đãng vào không gian của từng giai điệu. Âm nhạc. Nghe và thiếp đi. Trước lúc thiếp trong mộng mị mơ màng của trí óc nhẹ tênh, y nghĩ những gì?

Nghĩ rằng.

Khi nhạc sĩ T.C.S viết: “Con tinh yêu thương chưa từng hội ngộ”, hầu hết các ca sĩ đều hát “con tim”. Hát như thế là không hiểu gì về “lời ăn tiếng nói” đặc trưng của người Huế. Khi họ gọi cô gái ấy là “con tinh” hoặc “con yêu”, tức mang ý nghĩa chỉ một người nữ lém lĩnh, ranh mãnh, nghịch ngợm như loài “ma quái yêu tinh” nhưng cũng vừa thuần hậu, e ấp, mặn mà… Nhà văn Trần Kiêm Đoàn có tác phẩm Con yêu bánh nậm là cũng nằm trong ý nghĩa đó. “Gọi buốt trăm trăm”, có người lại hát “Gọi suốt trăm năm”, không cần phân tích dài dòng, đã thấy sự tầm thường của từ “suốt”, nó hoàn toàn không gợi lại sự lẻ loi, đớn đau cô độc của một tâm hồn “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.

Chữ trong thơ. Chữ trong nhạc. Cả thẩy đều phải chắt lọc. Tìm lấy từ đắc giá nhất. Thơ, đọc thoáng qua, không kịp cảm nhận. Đã khép bài thơ lại. Đã quên. Nhạc lại khác. Nghe đi nghe lại nhiều lần. Có quên, nghe lại nhiều lần sẽ nhớ. Dần dần sẽ phát hiện ra cái hay của chữ đó. “Đất mẹ đầy cỏ úa”, nhạc Nguyễn Hiền phổ thơ Kim Tuấn. Nghe kỹ, đọc kỹ sẽ thấy nó tầm thường. Ông bạn hiền hậu Kim Tuấn viết thế này: “Đất mẹ gầy cỏ lúa”. Nghe rờn rợn một nỗi niềm nhớ về quê mẹ. Ngay cả cỏ úa cũng gầy guộc. Có thế,   mới có thể hình dung ra hết cái sự nghèo nàn ở quê mẹ, mới thấy hiện ra không khí chiến tranh bi thảm của một thời…

Y từng nghe đi nghe lại Vũng lầy của chúng ta của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, bởi thích câu: “Cho nhau chất ngất thơ ngây”. Nghe nhiều lần nên ngày nọ phát hiện ra sao câu ấy tầm thường đến vậy? Bèn tra lại ở tuyển tập nhạc Khi loài thú xa nhau, nguyên văn: “Cho nhau chắt hết thơ ngây”. Chắt”, gợi lên sự trao thân đầm đìa dục tính. Tràn trề cảm hứng. Cho nhau một lần. Và cho tất cả. Trọn vẹn hân hoan. Dâng hiến tột cùng.

Hiểu một câu thơ, một ca từ không dễ. Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (tập 1) có bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Câu thơ:

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

được giải thích:Phách: một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng vào mùa hè”. Do cây phách không mọc ở vùng xuôi nên các nhà biên soạn sách giáo khoa đã giải thích không đúng. Theo nhà văn Tô Hoài -  người đã viết nhiều sách về vùng Tây Bắc - trong một bút ký ông miêu tả: “Hoa phách tím nhạt lốm đốm lưng núi, như rừng Việt Bắc. Hoa phách nở, mùa tra đậu nương”. Ngay cả nhà thơ Tố Hữu trong hồi ký Nhớ lại một thời, ông cũng viết: “Phách là loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên”. Như vậy, hoa phách màu tím chứ không màu vàng như sách giáo khoa đã giải thích. Câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng”, phải hiểu lúc ấy lá của cây phách đổ xuống màu vàng, chứ không liên quan gì đến sắc hoa của nó cả.

Những cái sai sót linh tinh này, còn nhiều. Mà thôi, cũng chẳng sao, cứ viết thế, người này cứ hiểu thế, người khác cứ hiểu thế. Cũng chẳng sao. Trên hành trình mưu sinh vẫn còn nhiều chuyện còn đáng quan tâm hơn nhiều. Nghĩ thế để thấy mỗi một ngày được nhìn thấy cuộc đời này, đã là một hạnh phúc, một may mắn rồi. Sống nhẹ nhàng, buông xuôi, bằng lòng và tận hưởng lấy giây phút của hiện tại.

Vậy là đủ. Phải không?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.8.2013


Có lẽ trong tập sách Đắc nhân tâm thì phải, ông Nguyễn Hiến Lê có viết một câu, đại khái, muốn tạo được tình cảm của người khác, cách tốt nhất là phải nhớ tên người đó. Với con người ta, cái tên của họ là quan trọng nhất. Nhớ đến tên họ, khi ta gọi thì lập tức họ dành ngay cho ta sự thiện cảm. Đúng quá. Có lần, thấy ông Bùi Giáng múa may quay cuồng ngoài phố, bất cần đời, đố ai có thể hạ hỏa được cơn điên mộng du trầm phù bi đát của trung niên thi sĩ?. Chỉ có cách duy nhất, gọi đúng tên “Bùi Giáng”. Quả nhiên, ông đột ngột  bừng tỉnh, cười khà khà: “Sao nhà ngươi biết trẫm?”. Trả lời xong, nghe lọt tai là ổng nhảy luôn lên xe và bảo phóng đi đến nơi nào đó.

 

leminhquoc

Thiệp mừng của em Lê Vũ Quỳnh Phương, học sinh lớp 11 trường PTTH Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu)


Sáng nay, mở máy có hàng loạt tin chúc mừng sinh nhật. Do sử dụng máy mới, sim cũ đã hư nên không còn lưu danh sách cũ. Thấy tin nhắn mừng quá, bèn hỏi lại “bạn/ em/ anh tên gì để Q lưu vào máy”. Tưởng rằng, mọi chuyện đơn giản. Không ngờ, phía bên kia lại giận dỗi “ủa, lâu nay vẫn liên lạc mà không lưu lại tên à? Tệ quá xá tệ”.

Giải thích lần nữa. Vẫn giận.

Lại thêm kiểu giận, “cho địa chỉ để Q gửi sách mới đến tặng em/ anh”. Lập tức, “ủa nhà em / anh thì Q đã đến rồi, chơi với nhau bao nhiêu năm mà không nhớ à? Tệ quá xá tệ”.

Giải thích lần nữa. Vẫn giận.

Lại thêm kiểu giận, “cho cái email để Q gửi cho nhanh nha?”. Lập tức, “trời, chỉ có mỗi cái email mà cũng không nhớ? Tệ quá xá tệ”. Trời, máy hư hoài, mỗi lần cài đặt lại các dữ liệu bị xóa sạch, có còn lưu giữ gì đâu.

Giải thích lần nữa. Vẫn giận.

Khổ thật. Đời sống này con người ngày càng khó tính chăng? Hiểu nhầm nhau cũng là cái khổ. Không thông cảm được cho nhau cũng là cái khổ. Thế thì, ba ngàn thế giới này nhìn vào đâu cũng thấy khổ. Khổ nhất là con người ta tự làm khổ nhau. Dằn vặt nhau. Đay nghiến nhau. Dù vẫn thương nhau. Cái khổ này mới ghê gớm. Còn hơn cả thủy, họa, đạo, tặc. Biết làm sao bây giờ?

Lại thêm một tuổi. Sáng nay, trên facebook tràn ngập những lời chúc mừng sinh nhật. Có comment kèm theo hình hoa thắm. Nhìn thấy vui. Hình hoa đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là của cháu Quỳnh Phương, Ban phunuonline… Hoa này bền hơn hoa thật, bởi giữ lâu hơn, bởi tự tay người chúc mừng thực hiện.

Lại thêm một tuổi, là lúc ấy, con người bước đến gần hơn với sự tàn lụi của kiếp người. Biết thế sao vẫn mừng? Mừng vì đã đi trọn một chặng đường của kiếp bẽ bàng nhân sinh, rồi chỉ giây phút sau, lại tiếp tục lên đường. Vâng, lại phải lên đường. Dù hân hoan. Dù mệt mỏi. Dù hào hứng. Dù chán nản. Cũng phải lên đường. Lại tiếp tục đi về phía của ngày sẽ tắt ngúm một ngọn lửa. Phía tro tàn của Lãng quên. Phía của gió sẽ tắt thở giữa một triền núi. Phía của hoa sẽ rũa trên cánh đồng thời gian đang tràn trề sự sống. Cái chết đến. Lại bắt đầu một Nguồn sống mới.

Ngày hôm nay làm gì? Liệu có thể bắt tay vào viết đề tài cho Hội thảo khoa học không? Thư mời của       PGS.TS. Võ Văn Sen như sau: “Bùi Giáng là nhà thơ thiên tài, nhà nghiên cứu uyên bác, dịch giả tài hoa của nước ta nửa sau TK.XX. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất nhà thơ Bùi Giáng, để tưởng nhớ một tài năng văn học nhiều mặt của nước ta, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức Tọa đàm khoa học về nhà thơ Bùi Giáng. Nội dung: Sưu tầm, xác minh tư liệu về Bùi Giáng;  Đánh giá giá trị sự nghiệp nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác của Bùi Giáng Hồi ức, kỷ niệm, giai thoại về nhà thơ Bùi Giáng”. Hội thảo tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG TP.HCM (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP.HCM) vào giữa tháng 9.2013”.

Phải viết thôi. Ngôi trường này y đã học và có nhiều kỷ niệm khó quên. Ngày ấy, do quan hệ tốt với chị Châu - thủ thư nên y được nhiều ưu tiên hơn. Nếu các bạn sinh viên chỉ đọc tại phòng đọc của thư viện, y có thể vào lục lọi tận trong kho sách, được đọc và mượn nhiều loại sách báo kể cả loại phải có “giấy giới thiệu của nhà trường hoặc của khoa”. Nhờ thế, từ năm thứ ba, y đã ngốn hết Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn; Tiểu thuyết thứ bảy của ông Vũ Đình Long chủ nhiệm, Vũ Bằng chủ bút v.v... Từ kho sách này, y đã viết một loạt bài báo có tính chất nghiên cứu văn học, in báo Văn Nghệ TP.HCM, kiếm cơm của thời sinh viên khốn khó. Thời ấy chỉ mơ mỗi bữa ăn có được miếng thịt sườn. Vì thế, sau này mới ký bút danh Huyền Sương là vậy. Nhiều người tưởng y hoài niệm, tơ tưởng một nhan sắc hoa khôi nào đó, không, y thực dụng lắm, chỉ mê miếng thịt sườn! Tongue out

Có một lần, do mải mê đọc sách trong kho sách, tầng lầu 2, lúc ngẩng đầu lên đã tối. Phải về thôi. Y bước ra ngoài, trời đất ơi, cửa đã khóa. Thời đó chưa có điện thoại di động, cũng không thể kêu ầm ĩ, người khác biết là chị thủ thư bị kỷ luật như chơi, bởi đã tùy tiện cho người không có trách nhiệm vào kho sách. Vậy phải làm sao? Thế là đêm ấy, y đã ngủ lại trong kho sách. Một kỷ niệm đáng nhớ, thỉnh thoảng nhớ lại, y sung sướng lắm bởi chưa một sinh viên nào có “may mắn” ấy . Lại nhớ, cũng tại nơi này, đang học năm thứ tư, với chùm thơ Hát với đất y đoạt Giải nhất cuộc thi thơ kỷ niệm 10 năm TNXP, tiền giải thưởng 100 ngàn đồng. Nào ngờ, vừa nhận xong, chỉ mấy ngay sau đổi tiền, chỉ còn 10 ngàn. Tưởng đâu có thể vi vu thơ mộng, cuối cùng lại trở về với những ngày đìu hiu phòng trọ ở Cầu Sơn (Bình Thạnh):

Ôi, những ngày lang thang ngựa sắt

đất thành đô méo mặt theo tiền

Ngày hôm nay làm vì? Sáng sớm, chỉ vì mấy cái tin nhắn, bị giận; đang viết bài, đột nhiên cúp điện; đi ký nhuận bút, không nhận được tiền vì thủ quỹ đi vắng.

Tiền xung hậu kiết.

Thật cảm động khi anh chị N.Đ.T có ý định tổ chức một cuộc nhậu cho ngày 1.8. Cũng vài gương mặt cũ. Có điều, lần này và như những lần trước, gần đây đã vắng mặt bà cụ - nhà văn Bà Tùng Long, người cũng sinh vào 1.8. Rưng rưng nhớ lại bà cụ như thuở sinh thời, cũng đông đủ anh em thế này, vào dịp này. Thoáng có một chút bùi ngùi. Có thơ gì cho ngày sinh nhật như mọi năm không? Trả lời ra sao? Bèn ngẫu hứng lật trang Truyện Kiều:

Thương nhau xin nhớ lời nhau,

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.

Chén đưa nhớ bữa hôm nay,

Chén mừng xin đợi ngày này năm sau!


L.M.Q


Thiệp hoa của bạn bè

 

*Đỗ Ngọc & Ban Phunuonline:

do-ngoc

*Đạo diễn Mỹ Khanh:

my-khanhRR-1

*Bê Lê

Bele-RR

*Nguyễn Thị Xuân Hòa:

nguyen-thi-xuan-hoaRR

*Chi Tống:

chitongR

Chuồn Chuồn Ngọc:

chuonchuon-ngoc

Mai Tuyết:

Mai-Tuyet

*Nhà văn Đinh Lê Vũ:

dinh-levuR

* Minh


baee190ca7eeba226dd8e818da031d38


Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.7.2013


Tháng 7 chỉ còn mỗi ngày hôm nay. 24 giờ. Ngày mai, 1.8.1959. Ngày 27 tháng 6 Kỷ hợi. Ngày chào đời cất tiếng khóc oe oe. Một ngày không có gì đặc biệt. Lật lại Việc từng ngày của Đoàn Thêm, ngày hôm đó chẳng thấy ghi một dòng nào. Vài ngay sau mới có những chi tiết hay, chẳng hạn, ngày 7.8.1959: Khánh thành đường xe lửa Xuyên Việt từ Sài Gòn ra tới Đông Hà (Quảng Trị) sau nhiều năm sửa chữa. Theo thống kê của Bộ Công chánh, từ năm 1948 đến 1954, đường này đã bị phá hoại 3.407 lần”; “21.8.1959: Trường Y khoa đại học được thiết lập tại Huế (N.Đ 340/GD)”; “25.8.1959: “Bộ Giáo dục đã quyết định về đồng phục cho học trò: nam: quần xanh nước biển, sơ mi cộc tay trắng; nữ: áo dài trắng, quần trắng. Lễ phục: áo dài xanh lam”.

Ngày sinh của y, một ngày không có gì đặc biệt.

 

tuoi-nho-lmq

Lê Minh Quốc thời nhỏ

 

Một đời cũng một ngày. Rồi tất cả tan biến. Như bọt nước. Y sinh ra tại nhà thương bà Cách, phía sau chợ Cây Me, đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng). Lúc mẹ y vừa sinh xong, 12 giờ trưa, ngoài đường phố có xe chạy ngang qua, phát loa kêu gọi người dân đi bầu cử Quốc hội. Vì thế, mới đặt tên y là vậy. Đơn giản. Cuộc đời của y cũng đơn giản. Đơn giản như lòng bàn tay chỉ có vài đường ngang dọc rõ ràng, đậm nét. Không rối rắm. Ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ, mẹ y kể rằng, lúc ấy, y đã “nổi tiếng” vang lừng khắp xóm nhờ cái tài hay khóc. Khóc liên tu bất tận. Bất kể ngày đêm. Khóc đến độ nửa khuya sợ phiền lòng bà con chòm xóm, bà dì - dì Phi bên ngoại phải ẳm bồng y từ nhà ông bà ngoại ở kiệt Tân Thành chạy tuốt ra ngoài ngã tư Hoàng Diệu. Dỗ mãi, đến khi nào y nín mới bồng về. Mười đêm như một. Nước mắt đâu mà khóc dữ vậy? Nếu thời đó, ba mẹ có ghi nhật ký thì hay quá. Có lẽ đó là khoảng thời gian mà con người được khóc sung sướng nhất, hạnh phúc nhất. Bởi, khi khóc còn được yêu thương dỗ dành. Sau này, trên vạn dặm đường dài con người ta cũng sẽ có lúc khóc. Khóc không ra tiếng. Chỉ tiếng nấc. Khóc không rơi nước mắt. Nước mắt đã nuốt trong dạ. Khóc tức tưởi. Khóc ấm ức. Mà cũng chẳng có bàn tay nào lau khô dòng lệ ấy. Chẳng có tiếng ru nào dỗ dành. Chẳng có lời hỏi han nào an ủi...

Mới sinh ra thì đà khóc chóe

Đời có vui sao chẳng cười khì?

(Nguyễn Công Trứ)

Ngày còn nhỏ, y hoàn toàn không có khái niệm gì về sinh nhật. Chỉ sau này, mới biết đến. Những ngày đó, thường làm bài thơ tặng riêng cho mình. Đây “Đêm sinh nhật” của ngày 1.8.1989:

 

không có hoa lay - ơn thắp đỏ căn phòng

và ngọn nến chúc mừng ngày đẹp nhất

người  tình cũ sao không về họp mặt

tôi thèm tiếng cười khỏa lấp thời gian

 

ngồi một mình nói chuyện với bức tranh

con nhện giăng tơ trên đầu tôi ngớ ngẩn

hỡi La Joconde nhếch môi bí ẩn

chính tôi cười chứ có phải ai đâu

 

những ngày vui vội vã qua mau

người tình cũ sao không về họp mặt?

căn phòng trọ tận hưởng tuần trăng mật

đâu đây còn sót lại chút hương thừa

 

sinh nhật ba mươi như trái chín lỡ mùa

đầy nếp nhăn trên chân dung phàm tục

chiếc gương soi không còn niềm háo hức

tôi loay hoay tìm kiếm lại nụ cười

 

đâu đây còn sót lại tuổi hai mươi

người tình cũ với mối tình lãng mạn

là ông Bụt hiện ra giúp kẻ hoạn nạn

quán cơm bình dân đói dạ lúc không tiền

 

tôi ngồi một mình tôi buồn bã soi gương

tôi chỉ thấy tôi trong đêm sinh nhật

quà tặng hiện ra là sợi tóc bạc

đang rùng mình rụng xuống giữa bình minh

 

Đây, “Ảo tưởng” của sinh nhật 1.8.1992:

 

sinh nhật

anh van xin những đóa hoa tươi

hoặc những môi cười

hãy hát lời thánh thiện

nhưng khốn nỗi tất cả đều im tiếng

anh đành ra chợ Bến Thành

mua một chùm cúc vàng, đen, đỏ, tím, xanh

tặng người bạn gái

nàng lịch sự một cách hờ hững rồi vui lòng nhận lấy

nhưng để quên một nơi nào đó ở cơ quan

tôi về nhà và nằm mơ thấy hoa héo tàn

hoa hát tặng tôi lời chúc mừng

sao buồn như tiếng khóc?

 

Đây “Cũng kệ” của sinh nhật 1.8.2006:

 

sinh nhật của tôi bốn mươi mấy tuổi đời

ngửa mặt lên trời dằn vặt mây trôi

mây trôi thì cũng kệ

tôi sắp già rồi

sắp già thì cũng kệ

vẫn còn em bé bỏng của riêng tôi

 

em đem đến cuộc tình như dao nhọn

đi chênh vênh vấp ngã sông dài

sông cuốn tôi về bão tố

bão tố thì cũng kệ

tôi vẫn còn đời sống của tôi

 

ngày đáng sống đến từng giây từng phút

tình yêu không chấm dứt

ngày điên cuồng sám hối chạy trên môi

sám hối ấy bỏng môi cũng kệ

tôi sắp già rồi

 

đâu bông hoa trong một ngày nắng nhạt

thắp đỏ trong tôi một ánh sáng lẻ loi?

 

giữa phố xá người đi như trẩy hội

chỉ riêng tôi đi hái ngọn sao trời

ngôi sao ấy ruồng rẫy tôi cũng kệ

tôi vẫn còn đời sống của tôi

 

Những năm trước, khi nhà văn Bà Tùng Long còn sống, y chẳng phải bận tậm gì về sinh nhật, bởi bà cụ cũng sinh đúng vào ngày 1.8 nên dịp đó là tập trung bù khú tại nhà anh N.Đ.T. Vui ơi là vui. Ngày vui qua mau. Bà cụ đã về suối vàng. Năm nay chẳng biết thế nào. Lại vẫn vài anh em ngồi chỗ nào đó chăng?

Ngoảnh lại mới biết thời gian trôi qua nhanh quá. Trong ký ức vẫn còn nhớ ngày đầu tiên mẹ dẫn đến trường làng. Theo y, đó là hình ảnh đẹp nhất, trong trẻo và thánh thiện nhất của đời người. "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. ...Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học". Chao ôi, ông Thanh Tịnh! Mỗi lần đọc, lại rưng rưng nước mắt. Kỷ niệm ùa về như thác lũ. Nhói tim. Bồi hồi. Xao xuyến. Mẹ dẫn con đến trường,dù ở bất kỳ thời đại nào, năm tháng nào vẫn là hình ảnh khó quên trong trí nhớ đời người. Thậm chí, trước lúc buông xuôi về cõi hư không, hình ảnh ấy vẫn còn hiện về như một sự nhắc nhở và an ủi rằng, trong kiếp người đớn đau này ta cũng từng có một khoảng thời gian êm đềm đến thế.

Mẹ dẫn y xin vào học lớp mẫu giáo. Trường học này chỉ mỗi một lớp nằm trong đình làng, ngoài sân có  cây đa cổ thụ che rợp mát một khoảng trời tuổi thơ. Cô giáo tên Thân. Rồi sau đó, y học tiểu học ở Trường Nam Tiểu học. Ăn mặc gọn gàng. Áo trắng, quần xanh. Chững chạc và đẹp trai ra phết. Mỗi giờ ra chơi thường chạy ra ngoài phía hàng rào, đường Thống Nhất mua bánh cam. Chẳng bao giờ có thể tìm được cảm giác ngon lành như vậy nữa. Còn nhớ, lúc làm luận văn có lần viết: “Tôi dòm lên trời”, cô giáo gạch chữ “dòm”, đổi thành “nhìn”; có lần viết: “dấu diếm”, cô giáo sửa “giấu diếm”… Kỷ niệm ấy khó quên. Làm sao có thể quên mỗi giờ ra chơi, học trò ngày ấy phải uống sữa và ăn bánh mì. Nhà trường bắt buộc. Lại nhớ đến những tập sách giáo khoa in rất đẹp, giấy trắng và thơm. Thích lật từng trang và đưa lên mũi ngửi. Ngày tháng học trò ấy, đã có lần y viết lại trong một tạp bút, in A.T:

"Tháng chín của tôi là những cơn mưa dầm dề kéo dài lê thê. Gió run bông sậy bỏ buồn cho ai. Cô giáo thời tuổi nhỏ đã bỏ buồn cho tôi. Ngoài trời đang mưa. Tôi khóa cửa lại. Bước ra ngoài trời. Đứng trước cổng trường dù chỉ là trong tâm tưởng. Vậy mà, gió thổi cũng thấy lạnh lắm. Bây giờ, tại đây, vào lúc này, tôi chợt nhớ đến ánh mắt của cô giáo Vân đã dạy tôi thời tiểu học.

Thời đó tôi thường bỏ bê bài vở để say mê xem chương trình kịch “Sống” của nghệ sĩ Túy Hồng. Và có một lần trong vở kịch, tôi đã lắng nghe Túy Hồng hát qua tiếng khóc: “Thôi anh đi về đi, xa nhau rồi, thương nhau mà chi, năm canh dài nước mắt đìu hiu... Anh nhớ chăng ngày xưa đôi ta nghèo…”. Tôi không biết tác giả ca khúc ấy là ai, nhưng thấy ghét ông ta (nếu tác giả là đàn ông) vì đã làm Túy Hồng rơi những giọt nước mắt ướt đẫn lồng ngực thơ dại của tôi mà bây giờ mỗi lần tự hát ca khúc đó, tôi vẫn còn thấy đau trên môi và lạnh run những kỷ niệm ùa về trong ký ức.

Tôi mê Túy Hồng cũng chính vì nghệ sĩ này có gương mặt giống hệt cô giáo Vân đã dạy tôi ở năm lớp hai trường Nam Tiểu học (trường Kim Đồng bây giờ). Có lần cô giáo ốm. Nghỉ học. Chúng tôi rủ nhau đến thăm cô giáo. Giàn hoa giấy đỏ trước nhà cô giáo reo lao xao trong gió. Những cánh hoa mỏng mảnh rơi hững hờ. Tôi hồi họp và lính quýnh đến nỗi không làm sao mở miệng ra được. Và khi trở về nhà lần đầu tiên tôi nằm ngủ thấy  trong giấc mơ hiển hiện bóng dáng nghệ sĩ Túy Hồng với ánh mắt nhìn tôi rất đỗi tha thiết. Để cho đến bây giờ, mỗi lần chạm vào một ánh mắt nào đó khiến tôi rùng mình như chạm vào gai nhọn, nhưng ánh mắt ấy vẫn long lanh như chở che, an ủi riêng tôi thì tôi lại nhớ đến cô giáo Vân thời tiểu học của mình. Năm tháng trôi qua. Tôi đã lớn. Thương hải tang điền. Người xưa biết đâu mà tìm”.

Ngày 1.8.1959. Tôi đã lớn. Ngày xưa biết đâu mà tìm?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.7.2013

 

“Hôm ni chưa có nhật ký hả anh?”. Một bạn đọc đã comment. Nhiều bạn thỉnh thoảng cũng nhắn tin. Thử hỏi, còn gì vui hơn? Và còn gì oải hơn khi một ngày trong tuần của y đã lập trình? Đã theo thời khóa biểu. Đã giờ nào việc nấy. Cứ răm rắp như cái máy. Như con tàu chuyển động trên đường ray. Vậy cảm hứng gì, có gì mới để ghi nhật ký? May quá, đêm có mưa. Mưa gợi hứng đầm đìa trên trang nhật ký hôm nay.

 

quachtan

 

Đêm qua mưa sầm sập trên mái nhà. Như thác lũ. Giật mình. Mở tung các cửa sổ đón mưa. Trời sẫm tối. Nhìn thấy từng hạt va đập vào nhau. Ồn ào. Náo nhiệt. Lúc ấy nghĩ gì? Nếu là cụ Đồ Chiểu, cụ đã viết một câu thơ thật hay: “Một trận mưa nhuần rửa núi sông”. Tài năng lớn, nhân cách lớn, tấm lòng ái quốc của cụ nghĩ đến vạn đời vạn kiếp của chúng sinh nên mới viết như thế. Nếu là Huy Cận sẽ là nỗi buồn mang mang vạn cổ sầu của "Buồn đêm mưa":

Đêm mưa làm nhớ không gian,

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...


Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.


Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...

Bài thơ này đề tặng Khái Hưng. Thời mới ngoài hai mươi, Huy cận đã thâm trầm, sâu sắc, đau đời tựa lau trắng bơ bơ giữa một triền sông vắng, một bãi bờ hắt hiu tiếng gọi đò vì thế những câu thơ như tiếng gọi vang vọng từ tiền kiếp. Từ muôn kiếp trước. Về già, Huy Cận trẻ lại, lại trẻ và câu thơ không mở ra một cõi Đời, một Kiếp người bao la, man mác như thủa thắp ngọn Lửa thiêng. Đến một độ tuổi nào đó, đọc thơ Huy Cận càng thấy ý vị, càng thấm thía cõi nhân sinh đi xa hun hút  và cõi về vô vọng.

Tai nương nước giọt mái nhà

Đêm qua sực nhớ và mỉm cười trong bóng tối với câu thơ ấy. Nghe mưa. Nghe chính lòng mình chia sẻ từng nhịp thơ lục bát. Lúc ấy, y nghĩ đến những lần đứng ngoài một lan can của một chung cư tầng 16 ở đó có hoa ngọc lan vừa chớm nụ. Đứng với nàng và cùng nhìn về phía sông Sài Gòn. Đưa bàn tay ra ngoài mưa, cảm nhận từng hạt rơi đều. Vuốt nhẹ lên mặt. Môi lạnh tê. Từng giọt mưa, từng giọt rượu rót lan man, rót xuống môi ngập đầy bóng đêm. Mưa của sự hoan lạc bởi nửa đêm tỉnh giấc ngóng chờ một điều gì chẳng rõ. Chỉ biết lúc ấy, một cảm giác ngầy ngật chống chếnh buốt qua từng hơi thở. Môi chạm vào môi. Nghe tiếng mưa reo vui giữa khuya một tình cảm khiến ngày sau nghĩ lại vẫn còn cảm động. Lúc ấy, cứ đứng yên, lặng lẽ nhìn mưa. Ngoảnh vào trong nhà, những ngọn nến lập lòe cháy sáng và tỏa ra một mùi hương thơm dịu của chăn gối mỏng. Váy mỏng. Mưa mỏng. Hạt mưa do mỏng nên rơi nghiêng trong không gian tĩnh mịch. Đêm ấy là mưa.

Đêm mưa làm nhớ không gian

Đêm qua có mưa. Y đứng nhìn ra sân. Một mình. Bóng tối. Gió lùa một hơi thở mát. Quay lại vào giường. Chẳng thể ngủ. Cái nỗi niềm của dục vọng đã khiến y mở mắt, bèn đặt cái nhìn vào trang sách. Trang sách đã đọc dở dang. Đọc lại những lá thư giữa thi sĩ Quách Tấn và nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Tình bạn thật đẹp. Một chữ “Kính anh”. Một chữ “Thưa ông”. Trang nhã, lịch thiệp mà không khách sáo. Rất cảm động. Bốn năm học khoa ngữ văn với biết bao nhiêu là môn, bao nhiêu lần thi cử, dám nghĩ rằng chưa chắc đã tiếp thu được cái đẹp, cái hay của văn chương cổ điển bằng cách đọc hết tập sách này. Sách dày trên 550 trang, in trên 200 bức thư từ năm 1966 đến năm 1984 giữa Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê. Đã đọc đi đọc lại mấy lần đoạn văn này, đoạn văn của Nguyễn Hiến Lê mà Quách Tấn khen hay.

Viết về cái gì mà hay? Thưa, chuyện đàn ông thời xưa ghen. Chuyện kể về đôi vợ chồng sống ở Đồng Tháp Mười. Cụ Nguyễn Hiến Lê viết:

"Họ sống như vậy trên một năm. Một lần nọ, chồng vào trong đồng phát cỏ luôn bảy ngày. Khi chàng về, vai vác phảng, lưng đeo nóp thì trời đã sẩm tối. Mặt trăng vàng vàng lơ lửng trên ngọn so đũa. Tới cách nhà độ hai trăm thước, anh ngừng lại, cau mày, lắng tai nghe: có tiếng hai người hò mà y như là giọng của… Phải, đúng cái giọng lanh lảnh ấy. Anh cố lắng tai nghe. Trong ngọn gió anh nhận được vài tiếng của người kia: ngân nga và giéo giắt.

Anh ta tự nghĩ:

- Miền này có ai mà hò hay như vậy?

Anh lặng lẽ bước tới, vẫn lắng tai nghe.

Khi đến nơi thì thấy một đám đông: từ người trong xóm đến các người trong ghe xuồng dưới kinh đều tụ lại nghe hò. Không ai để ý tới chàng, chàng lựa một chỗ để nhìn rõ nét mặt hai người đương hò: người đàn ông đẹp trai, trán cao, mắt sáng, miệng rất tươi; còn vợ chàng thì sao hôm nay bận chiếc quần hàng Tân Châu thường ngày cất trong giỏ?

Hai bên đối đáp nhau: giọng bên nam mỗi lúc một quyến rũ, giọng bên nữ dần dần có vẻ say sưa. Chàng yên lặng nghe, mơ màng: khi hai người mới ở chung với nhau, nàng thường có giọng ấy; đã ba năm rồi, giọng có phần kém, và tối nay…

Bên nam cất tiếng, lời có chút gay gắt quyết liệt gắn bó:

Hò ơ ơ ớ ớ… Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng,

ơ ơ ơ… Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng,

ơ ơ ơ… thật là dễ thương ơ ơ…

Hò ơ ơ ớ ớ… Nghe giọng nàng, anh những vơ vẩn vấn vương…

Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao…

Chàng hồi hộp đợi vợ đáp…

Suy nghĩ một chút, bên nữ cũng cất tiếng:

Hò ơ ơ ớ ớ…

… Lửng da trời, bay lượn con chim hồng,

Gặp nhau sao quá trễ cho tấm lòng này xót xa.

Đêm nằm em luống những thở ra,

Đôi ta chẳng…

Tới tiếng “đôi ta” mắt nàng sáng lên, đắm đuối trong ánh trăng và giọng nàng hơi lơi lả. Đám đông bỗng vẹt ra, có cái gì loang loáng vút trong không, đầu thiếu phụ đã lăn trên đất, một dòng máu đen vọt lên. Ai nấy chạy tán loạn.

Đêm hôm ấy một chòi lá cháy rực trong xóm mà không ai dám lại cứu. Sáng hôm sau, một ngôi mộ mới đắp hiện lên ngay chỗ thiếu phụ chết. Còn người chồng từ đó biệt tăm, không ai biết là đi đâu.

Khi nghe giọng hò bất chính của vợ, anh nổi cơn ghen và chém vợ bằng cái phảng ở trong tay”.

Nhà thơ Quách Tấn nhận xét: “Ghen vì hò”. Tình tiết tế nhị. Kết thúc đột ngột. Rõ là một thiên tình sử vừa ly kỳ vừa bi đát. Tuyệt. Tuyệt” (Thư ngày 28.10.1971). Nhận được thư của tri kỷ, nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết: “Những đoạn ông khen cũng chính là những đoạn tôi thích, mà một số bạn nữa thích” (Thư ngày 6.11.1971). Càng đọc các bức thư này càng lôi cuốn, hấp dẫn và cũng học được bao nhiêu điều lý thú từ tri thức của hai văn nhân nước nhà.

Đọc đoạn văn trên, người ta sẽ lưu ý chi tiết nào? Nếu lưu ý  chi tiết câu hò là người hoài cổ; nếu quan tâm chi tiết "có cái gì loang loáng..." là người của xã hội phức tạp... Đại khái thế. Vậy thử hỏi, y quan tâm chi tiết nào? Thưa, y quan tâm chi tiết "phảng". Thử hỏi, "phảng" là gì? Khoan giải thích. Chỉ quan tâm nói dấu "hỏi" hay dấu "ngã". Hai "ông già" của chúng ta tranh luận mãi. Trong thư, cụ Quách Tấn viết:

"Còn món dụng cụ mà anh chàng dùng lúc nổi cơn ghen đó, ở Bình Định gọi là cái phãng (với dấu ngã) và lưỡi ngắn bằng lưỡi rựa, nhưng cán dài hơn rựa, dùng để phát bờ. Lưỡi không mỏng và bén bằng rựa, song khi chị vợ trẻ toan phản thì cũng dễ "bay tóc" lắm".

Nhận xét: Giải thích của cụ Quách Tấn là đúng, vì cụ là người Trung nên có điều kiện để hiểu "phãng" và giải thích tường tận, phát âm đúng. Cụ Nguyễn Hiến Lê người Bắc, đồng hương với nhà thơ Quang Dũng "đất đá ong khô  nhiều ngấn lệ" nên có thể chưa hiểu tường tận về "phãng". Cụ Lê trả lời thư như sau:

"Đúng trong Nam này gọi là "phãng" ( theo Từ điển chính tả của Lê Ngọc Trụ), nhưng cách phát âm khác nhau? nên tôi cứ theo giọng mà ghi bậy ra là "phảng".

Chỉ một lá thư, đã học được bao điều. Vì thế đọc luôn một mạch đến gần sáng. Sáng dậy sớm, online với nàng một chút. Rồi đi làm. Trời vẫn mưa. Vào cơ quan, mở faebook thấy bạn bè đều báo tin đêm qua có mưa.

Đêm mưa làm nhớ không gian,

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 51 trong tổng số 58