LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.8.2013

 

tap-chi-unesco

Tranh khắc gỗ Nga thế kỷ XVIII minh họa cho một bộ truyện tranh dân gian. UNESCO chọn làm bìa tạp chí Thông tin Unesco số tháng 4.1987, chủ đề Những trang du ký

 

Lại nói về những chuyến đi. “Nhưng chỉ những du khách thực sự mới là những người ra đi / để ra đi”. Câu thơ của Baudelaire. Ám ảnh. Đã đọc. Khó quên. Tiếc cho nhiều người đã đi đến chân trời góc biển, lúc về, không ghi lại gì. Bởi cớ sự làm sao? Bởi không ý thức rằng, đi để mà đi. Vậy thôi. Đi không là hành hương, khám phá, ngoại giao, buôn bán, công tác, thám hiểm… Đi để mà đi. Chơi cũng thế. Chơi để mà chơi. Yêu cũng thế. Yêu để mà yêu. Ngoài ra, không một động cơ gì khác. Chơi vậy, mới tận hưởng tột cùng của chơi. Đi vậy, mới chìm đắm vô hạn của đi. Yêu vậy, mới chạm đến điệp điệp trùng trùng lúc cảm giác bủa vây vội vã len qua và chậm rãi ngấm sâu, lặn sâu vào làn da thớ thịt...

Đi để mà đi. Có như thế, may ra lúc về, có thể viết được điều gì.

Bọn văn nghệ sĩ ầm ĩ thật, chuyến đi của họ, dẫu chỉ giang hồ vặt, “nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà” (Phạm Hữu Quang), vậy mà, sau rất nhiều thời gian sau, thiên hạ vẫn nhớ đến. Bởi cớ sự làm sao? Bởi họ viết lại những gì họ đã cảm từ chuyến đi đó. Nguyễn Tuân viết thật hay trong bút ký Một chuyến đi, lúc sang Hong Kong đóng phim Cánh đồng ma, đọc đã lâu mà vẫn còn nhớ một chi tiết, vào thập niên 1940 tại xứ sở đó, khi vào toilet đã phải đóng tiền. Đọc thấy ngạc nhiên quá, nhiều người ngạc nhiên bởi lúc ấy ở ta chưa có lệ ấy. Chi tiết trong ghi chép một chuyến đi, quan trọng lắm.

Ngày trước, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn (1910 - 2006)  đọc cho y chép vài bài thơ. Thời tiền chiến, ông Ngôn tự thiết kế chiếc xe ngựa, đặt tên “Nhà lăn Mê Ly” để làm chuyến viễn du vào Nam. Từ Hà Nội, “Nhà lăn Mê Ly” chỉ vào đến Huế, rồi bỏ cuộc vì tình hình chiến sự đang xẩy ra vào năm 1944. Chuyến đi này nổi tiếng vì có nhiều thơ của thi sĩ thời danh viết tặng. Nếu không có các vần thơ này, nay hậu thế đã quên chuyến đi của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Những bài thơ này, nay công bố cho ai quan tâm. Một chút tư liệu văn học.

Nguyễn Bính viết:

Đây chiếc xe lăn của bốn trời

Trăng vàng chan chứa gió mê tơi

Hôm nay xe lại lên đường nhỉ?

Hồn nhớ mơ về nhé bạn ơi.

Nhà thơ Vũ Đình Liên:

Lững thững đường quê vó ngựa lành

Say màu cỏ lục ánh trời xanh

Bút hoa màu nhiệm chờ linh ứng

Mỗi nét đan thanh một nét tình.

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm:

Anh thắng song cương ngựa

Ngày hôm nay ra đi

Đi trên đường ngàn dặm

Sống cuộc đời mê ly

Bây giờ mới đi học

Tuy muộn mà sướng thay

Khá to là cuốn sách

Của sông núi cỏ cây

Lòng tôi vương vó ngựa

Theo anh muôn dặm dài

Gió giang hồ đã vậy

Hỏi ai không u hoài?

Nhà thơ Đồ Phồn:

Cơ đồ gửi lỏng đôi cương ngựa

Tạo hóa thu tròn một góc xe

Một người vô danh:

Một ngựa ba người dăm bức họa

Muôn rừng ngàn núi chút tình mơ

Trước đây, gần hai mươi năm trước nhà văn Hòa vang, Nguyễn Lương Ngọc cũng làm chuyến đi bộ từ Nam chí Bắc, chỉ đi đến Huế. Rồi bỏ cuộc. Nay không ai nhớ, bởi chuyến đi ấy không để lại những tác phẩm có thể giúp công chúng nhớ lại việc làm của họ. Trên đời nhiều người đi du lịch. Rồi cuối cùng cũng chẳng viết được gì. Kể ra cũng tiếc. Chuyến đi của nhóm bạn thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Tô Hoài chỉ từ Hà Nội xuống Bắc Giang thăm đồng nghiệp Bàng Bá Lân, có là gì so vói chuyến đi của nhiều người? Vậy mà ta vẫn nhớ. Nhớ bởi có thơ. Thơ lại hay, có chết không chứ?

Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương

Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương.

Sở tại bàng quan chầu xuống xóm,

Thi nhân bá ngọ chuyến lên đường.

Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán,

Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương.

Nằm muỗi qua đêm chờ sáng dậy:

Còi xe Phong hỏa xé màn sương!

Một thi sĩ Việt Nam đã "ra đi" như lời kêu gọi từ câu thơ của Baudelaire chỉ có thể Tản Đà. Một ông thần ngông, một trích tiên, một “dân chơi” thứ thiệt, còn lâu lũ hậu thế mới có thể xách dép chạy theo kịp:

Chơi cho biết mặt sơn hà

Cho sơn hà biết ai là mặt chơi

Ghê gớm chưa? Y cúi đầu bái phục tiên sinh. Tản Đà tiên sinh đã “làm sang” cho Phú Yên bởi câu thơ tài tình: “Đa tình con mắt Phú Yên”. Đừng phân tích đúng, sai theo lý trí. Thơ không cần lý trí chen vào ngang xương. Rách việc. Nếu thế, làm sao có thể cảm được câu thơ trừu tượng đầy sắc màu hội họa của Xuân Thu Nhã Tập Nguyễn Xuân Sanh: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”? Câu thơ “Đa tình con mắt Phú Yên” thế nào? Cứ cảm nhận sẽ thấy trong cơn say bất tận “trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?” của Tản Đà đã có cái nhìn phóng khoáng, ngẫu hứng mà cũng... chính xác đến từng milimet. Thì cứ cho là thế, bởi người dân Phú Yên chấp nhận. Vậy là đủ.

Viết đi. Đi về là viết.

Ngày nọ, thời thỉnh thoảng còn gặp ông nghị Dương Trung Quốc ở nhà hàng Lotus với anh em tạp chí Xưa & Nay, hỏi: “Anh đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều mà các chuyến đi của anh thường chung với nguyên thủ quốc gia. Sao anh không viết?”. Câu trả lời thế nào? Im lặng giây lát. Một tiếng thở dài. Dài tưởng chừng dài bằng từ sân ga Hàng Cỏ đến sân ga Sài Gòn: “Mình vẫn biết, nhưng rồi lúc về công việc này kéo theo công việc nọ. Ngốn hết thời gian. Lúc có thời gian, cảm hứng đã nhạt. Khó viết”.

Khổ thế. Nhiều người cũng vậy.

Nhà văn Thụy Điển Jan Myrdal, sinh năm 1927 từng thực hiện chuyến đi lạ lùng là dẫm lại vết chân của nhà du hành thời Trung cổ Marco Polo đã đi qua, năm 1977 trên giường bệnh, ông viết: “Du hành không chỉ là đi xem những cái mới, mà còn là từ biệt. Không chỉ có mở cửa mà còn là khép cửa lại sau ta: không bao giờ trở lại nữa. Tuy nhiên nơi ta giã từ để không bao giờ trở lại nữa vẫn hiện ra mỗi khi ta nhắm mắt. Ban đêm không có thành phố nào thấy rõ bằng thành phố mà ta đã từ giã để không bao giờ trở lại” (bản dịch của tạp chí Unesco số tháng 4. 1987).

Đọc có xao xuyến không? Có à? Tại sao không viết đi?

Nhật ký hôm nay dành cho một người vừa du hí ở Mỹ về. Và nàng nữa, cũng vậy. Sắp về. Viết vài dòng này như một sự thúc giục, chờ đợi những trang viết mới. À, cái tựa “Ăn đậu bằng đũa” nghe gợi và cảm lắm đấy nàng ạ. Viết đi. Cố lên cưng.

Sáng nay vẫn thế. Vẫn phở mỗi ngày. Ngày từng ngày như thế. Công việc như thế. Có chán không? Không bao giờ.

Chiều có cuộc hẹn với tờ Làng Cười vừa thay da đổi thịt. Làm mới lại. Thời này, cần nhiều tờ báo cười hơn nữa. Để thấy đời vui.

Đời, thế mà vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment