THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Cậu Bảo

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Cậu Bảo

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

 

Cậu Bảo

Con trai trưởng của ông bà ngoại là cậu Sáu, tên cậu Bảo. Hồi còn nhỏ, khi thấy cậu khóc sướt mướt từ ngoài ngõ đi vào, ông ngoại tôi hỏi lý do. Cậu kể lại thằng Chó Con trong xóm ăn hiếp và đánh cậu. Ông ngoại tôi  không nói không rằng, giáng cho cậu một bạt tai nẩy lửa. Ông nói, không đánh lại hắn thì bỏ chạy, chạy không kịp bị nó đánh thì không được khóc, mà đã khóc rồi thì đừng về nhà. Có sức chơi có sức chịu liệu mà chơi, khóc cái chi? Cậu cứ ngỡ về nhà được ông ngoại tôi binh, ai dè, Ông ngoại tôi muốn dạy cho cậu một bài học tự lực cánh sinh từ lúc ấy .

Thế là sau khi bị cú đòn đúp lê đó, cậu tôi trở nên cứng rắn hơn.

Hồi gia đình ngoại tôi tản cư tận trên Tiên Phước, một huyện miền núi Quảng Nam. Lúc này khói lửa đao binh khắp nơi. Một gia đình ông Khóa (tức khóa sinh, bằng cấp cho người thi đậu tiểu học) tận làng Vĩ Dạ ngoài Huế cũng tản cư lên đây. Cô con gái rượu út của ông Khóa phải lòng cậu. Nhưng do lúc ấy cậu tôi chưa có nghề nghiệp gì nên gia đình ông viện cớ trong thời kỳ giặc giã, không biết ra sao ngày mai và  hẹn đợi ngày hòa bình hẵn tính. Ông chưa chịu gả cô con gái út cho cậu tôi lúc này. Ông có hai người con trai lớn đi tập kết, một người con trai của ông bà khoá sau này tôi mới biết, cậu Quang - là bí thư chi bộ quân y viện Cây Sanh - Tam Kỳ, người đã kết nạp ba tôi vào Đảng  năm 1950. Một cậu nữa là cậu Bá, cậu này ở luôn ngoài Hà Nội, cậu là cán bộ cao cấp ở Trung ương. Ông bà Khóa  muốn hai cậu con trai này cũng có mặt trong ngày cưới của con gái út .

Trong lúc cô gái rượu đứng ngồi không yên với quyết định của cha mẹ, cậu tôi vẫn bình thân như vại. Cậu nghĩ ra một mẹo. Cho người thân bên nhà ông Khóa phao tin cô gái rượu đã ăn nằm và có thai với cậu được một tháng. Ông bà Khóa là một gia đình Nho giáo, nghe tin này bán tín bán nghi, tra hỏi thì cô gái rượu thú thật rằng vì cậu tôi quá đẹp trai nên đem lòng yêu thương và vượt mọi lễ giáo gia đình, xã hội…

Trời ơi! Một tin sét đánh ngang tai. Ông Khóa là nhà Nho chân chính, tóc búi củ hành, đạo mạo, đúng mực. Thế mà đứa con gái hư thân mất nết, bất hiếu bất nghĩa, bôi tro trát trấu vào mặt gia đình ông. Làm sao ông có thể ra đường nhìn măt ai nữa hỡi trời? Ông là người chững chạc, suy tôn chữ nghĩa Thành hiền, ai ai cũng nể vì và kính trọng ông khi ra đường, ngoài ngõ. Vì hoàn cảnh loạn lạc đao binh ông đành phải nén lòng đùm địu vợ con vào tận miền núi Quảng Nam này tìm chốn an bình. Không biết ngày nào hồi cư về quê cũ. Thế mà, đứa con gái út ông yêu quý, cưng như trứng mỏng… Làm sao mà bịt miệng tiếng đàm tiếu của thiên hạ?

Ông Khóa quyết định chóng vánh, ông cho người đánh tiếng muốn sang thăm gia đình ông ngoại tôi. Mẹ tôi kể, khi ông đến nhà ngoại tôi không có một chỗ nào ông Khóa ngồi cho đàng hoàng. Ông cà kê về cuộc chiến, nói về nổi khổ của những gia đình tản cư, lạ nước lạ cái, không biết làm sao lo cho đủ cái ăn cho con cái. Không biết rồi cuộc đời sẽ dẫn dắt những người tản cư này đi về đâu. Rồi ông xoay ngược vấn đề về chuyện cô gái rượu của ông. Giặc giã triền miên không biết bao giờ mới vãng hồi, thôi thì gia đình ông sau khi đã suy đi nghĩ lại nhiều lần đồng ý gã con gái cho cậu tôi.

Một mặt, bà Khoá mở rương cầm ra đôi xuyến vàng một lượng trao cho con gái nói mang qua cho thằng Sáu dùng làm lễ cưới. Có mất đi mô mà sợ. Không có lượng vàng của bà Khóa trao cho, đố mà gia đình ngoại tôi có được một li vàng.

Đám cưới được tổ chức sau đó, trong hoàn cảnh chiến tranh, cũng một buổi liên hoan nho nhỏ giữa hai gia đình và bạn bè đôi bên. Ai ai cũng khen gia đình ông bà Khóa ăn ở phúc đức, con gái rượu ông được người ta cưới hỏi đàng hoàng, đám cưới đi lễ cho nhà gái cả đôi xuyến một lượng vàng ròng. Chú rể lại cao ráo đẹp trai, mặt chữ điền, đôi môi có duyên tệ, đang làm thư kí cho ủy ban kháng chiến nữa chớ! Mấy cô nhà khác ghen thầm. Ông bà Khóa mát mặt.

Không ai dám nhắc lại cái chuyện xùm xình trước ngày cưới nữa.

Trong thời gian này cậu Sáu tôi có nghề nghiệp chi đâu, nói là làm thư kí cho ủy ban kháng chiến cho oai, chứ có đồng lương đồng hướng nào đâu, làm sao mà nuôi vợ nuôi con? Sau đám cưới, cậu tôi theo người quen xuống Tam Kỳ xin học nghề thợ máy, ăn ở lại nhà chủ 2 năm không lương hướng chi hết. Rứa là may phước lắm rồi, có người dạy nghề và nuôi ăn còn dám đòi hỏi chi thêm. Hai năm sau cậu tôi đã là một anh thợ máy giỏi.

Lúc này tình hình đất nước có vẻ lắng dịu. Gia đình ông Khóa cũng chuyển dần xuống Tam Kỳ, mở quán làm ăn. Cô gái Vĩ Dạ ngày nào đã trưởng thành, với tài công dung ngôn hạnh được giáo dục trong gia đình, cô đảm đang nấu ăn ngon, giao thiệp có duyên nên quán rất đông khách.

Học có nghề rồi, cậu tôi lại lần mò vào tận Quảng Ngãi để xin việc. Hồi ấy Nhà máy Đèn Quảng Ngãi chạy máy Diesel để phát điện đang thiếu người coi máy. Cậu tôi vào làm ở đó, một thời gian sau được lên tới chức cai. Cai thợ máy. Bây giờ gọi cho văn vẻ là Tổ trường kỹ thuật. Suốt bao năm cậu mợ tôi vẫn cái cảnh chồng một nơi, vợ một nẻo.

Sau khi đám cưới, mợ tôi hết ọi ọe bỏ cơm như những người ốm nghén thường hay có. Gia đình ông bà Khóa đợi chờ tin vui từng ngày. Nhưng mãi bốn, năm năm sau mới có tin mừng, một thằng con trai bụ bẩm ra đời. Ông bà Khoá tặc lưỡi, vậy là hai đứa ranh con này đóng kịch để được lấy nhau. Shakespeare nói nói rằng: “Mỗi người là một kịch sĩ, cuộc đời là sân khấu”. Quả không sai.

Lúc nghe tin vợ sinh, cậu tôi tức thì ứng trước tiền lương mua liền tay một chiếc xe đạp sườn ngang hiệu Sterling của Pháp mới keng. Cậu đạp một lèo từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ - một đoạn đường gần 70 cây số, thăm con trai, một thằng con trai giống đúc. Thằng em con cậu sinh năm 1956, tên Hùng. Tuổi con Khỉ.

clip_image0023

Cậu Bảo và Hùng - con trai đầu

]Sau này có dịp vào Quảng Ngãi thăm gia đình cậu, tôi vẫn còn thấy chiếc xe đạp ấy bây giờ cũ xì rồi, treo trên dàn nhà. Như một kỷ niệm của tình yêu. Một kỷ niệm đáng yêu đáng mến, cậu chỉ vào đó kể lại chuyện tình yêu của cậu mợ khi tôi còn chưa mở mũi.

Cậu tôi công việc càng ngày càng thăng tiến, Nhà Đèn cho cậu tôi ở nhà công vụ trong nhà máy luôn. Ra vô phải qua cổng gác của lính địa phương quân. Một căn nhà vừa cho hai vợ chồng và mấy đứa con. Đất còn trống trong nhà máy có thể trồng trọt thêm mấy loại rau ngắn ngày. Và nhất là trồng ớt. Mợ tôi là người Việt gốc ớt mà! Bà ăn ớt thấy khiếp.

Hằng năm, vào 30 tháng chạp cậu lại dắt mấy em ra Đà Nẵng ăn Tết. Một hai ngày cậu vào trước. Mấy đứa em con cậu vào sau.

Hồi nhỏ, có lần dịp tết, tôi cũng được ba mẹ dẫn vào Quảng Ngãi thăm gia đình cậu.
Xe chạy dọc đường đi bọn tôi thi nhau đếm, đếm bọn tôi đi qua mấy cây cầu, vừa ngắn vừa dài, rồi có đứa lại rủ đếm chó, Tết ra đường gặp Chó là hên lắm… Đếm, đếm, đếm, đếm tùm lum làm cho đoạn đường dài gần 130 cây số ngắn lại. Thật là tuổi thơ hồn nhiên vui thú với những cái tầm thường mà mình đang có. Hạnh phúc là những gì mình đang có trong tay. Vào đến Quảng Ngãi tôi được mấy đứa em con cậu Bảo đối xử như thượng khách, anh con cô mà. Mấy đứa em tha hồ bày nhiều trò chơi. Đối với một em lớp đệ thất như tôi, cái gì trong Nhà máy đèn này cũng xa lạ với tôi cả. Trong Nhà máy đèn, tiếng máy chạy ầm ì đồng điệu suốt cả ngày đêm.

Mấy đứa em dắt tôi ra phía sau nhà máy tắm hồ. Thằng em con cậu lớn nhất thua tôi 2 tuổi. Thằng Hùng. Hai đứa em gái kế tiếp nhỏ hơn. Anh  em muốn nói gì với nhau chỉ bằng cách ra dấu thôi, chứ ra gần nhà máy nói với nhau không nghe nhau. Mấy đứa em chỉ cái hồ xây bằng xi măng dài khoảng 5 mét, ngang 2 mét. Đi đi lại phía hồ, thành hồ còn thấp hơn tôi. Thằng Hùng nhanh nhẹn cởi áo, phóc lên thành hồ, nháy cái chũm xuống hồ và bơi qua bơi lại, miệng cười khầng khật, trông thấy đã đời lắm. Tôi  mon men leo lên thành hồ, do dự chưa dám xuống nước. Thằng Hùng đã rình rình đến bên cạnh tôi hồi nào không hay, nó xô tôi xuống nước. Ú chu cha mẹ quơi! Hai tay tôi đập bành bạch, hai chân lại quẩy tứ tung, mà tôi lại chìm lên chìm xuống mấy lần, uống nước sặt gạch. Sợ muốn chết, tim đập thình thịch. Dần dần tôi chống được một chân xuống hồ. À cái hồ này cạn, nhưng lúc bị xô bất thình lình, tôi quíu quá nên tôi  mới bị uống nước. Hai đứa em Hùng là con Nguyệt và con Tuyết kia tài quá, cứ bơi qua bơi lại.

Cái hồ này là hồ nước nóng! Khi máy vận hành nước lạnh được chảy qua lốc máy, làm nước nóng lên và chảy ra hồ. Nước làm cho mát máy. Tôi nghĩ tôi diễm phúc nhất trần đời, tôi được tập bơi trong hồ nước nóng. Khi về đi học lại, tôi kể cho bạn học tôi nghe, tụi nó bảo thằng Tâm này dốc quá. Nhiều bạn tôi mùa đông còn tắm nước lạnh mà. Làm sao chúng tưởng tượng ra được. Tôi đành chịu mang tiếng là dốc.

Bơi tắm đã đời cho đến trưa, phải vào nhà ăn cơm thôi. Thằng Hùng lại dắt tôi qua chỗ khác, phía bên kia cái hồ nước nóng. Chỗ này có cái quạt thật to đang thổi phù phù, hắn chỉ tôi đứng trước cái quạt, u cha, một làn gió ấm thổi vào tôi. À, phía bên này là một cái máy đang chạy nữa, nó được làm mát bằng quạt gió. Tôi đứng trước quạt xủ tóc và quay tới quay lui một chặp lâu. Cả người và áo quần của tôi khô queo. Mấy anh em cùng vào nhà ăn cơm.

Một cái Tết tuyệt vời trong tuổi nhỏ của tôi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com