THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - * Nghi lễ đời người

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - * Nghi lễ đời người

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

* Nghi lễ đời người

Tôi vừa về Đà Nẳng dự tang lễ của cậu Lương Văn Thuận, em ruột mẹ tôi. Sau đây tôi post vài tấm hình liên quan đến "nghi lễ đời người" tại xứ Quảng. Hình ảnh này do anh Lê Minh Tâm cung cấp.

 

1.

Trong đám tang thường có hoa và liễn của người đi phúng điếu. Theo tôi, trong quan hệ dòng tộc, họ hàng, anh em... điều quan trọng là dòng chữ gì được chọn ghi lên tấm liễn đó? Bởi lẽ điều này sẽ nói lên tình cảm dành cho người đã khuất; cũng có thể là sự ghi nhận, đánh giá về người vừa về suối vàng.

Khi sống, ham hố, xông pha trên đường đời con người ta ít nghĩ đến điều này. Nếu nghĩ chu đáo, ta lại nhận ra đó là sự ràng buộc, sự nhắc nhở dẫu vô hình nhưng mình phải sống thế nào cho phải đạo làm người. Sự nhắc nhở này, đôi khi còn mạnh mẽ hơn cả một hệ thống pháp lý, văn bản pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước. Tại sao? Sự đánh giá, ghi nhận của một dòng tộc không chỉ dành cho người quá cố mà còn là con cháu họ nữa, qua cả đời sau. Nhân đây tôi lại sực nhớ đến câu chuyện của người bạn làm văn nghệ. Anh đã mất. Lúc còn sống, anh cũng tham gia đóng vài bộ phim, vai linh mục phản diện, bêu xấu đạo của mình. Khi mất, các cha xứ dứt khoát không cho an táng trong nghĩa địa của xứ đạo ấy. Với gia đình anh đây là sự đau đớn, tủi nhục nhất mà họ phải gánh chịu. Nó còn nặng nề gấp triệu lần cái án hữu hình của nhà nước. Chỉ còn bỏ xứ mà đi.

Thì ra, cái ràng buộc từ trong tâm thức, đời này qua đời nọ và trở thành nếp truyền thống của văn hóa thì sức mạnh của nó ghê gớm biết chừng. Chính nét văn hóa ấy đã giữ giềng mối cho đạo đức, sinh hoạt của một dòng tộc, nói rộng ra là cho cả một cộng đồng người trong một vùng lãnh thổ. Nói như thế vì con người ta, mọi thanh viên trong một gia đình, một dòng tộc phải tự giác tuân theo, làm theo quy ước chung. Chỉ có thể bằng một sự tự giác, chứ không phải do ràng buộc hoặc vì chế tài mà hệ thống pháp lý đã có văn bản quy định...

Với cậu Lương Văn Thuận, tộc Lương ở thôn Đông Tây (Hóa Đông), xã Đại An, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã chọn câu liễn thống thiết: "Huyết thống đồng bi". Thế mới biết, người đã khuất được quý mến, yêu thương như thế nào.

 

HUY-T-TH-NG--NG-BIRR

Câu "Huyết thống đồng bi" của tộc Lương

 

Về phía gia đình tôi, mẹ tôi là chị ruột của cậu, chúng tôi có câu: "Cốt nhục tình thâm" thật là sự chan hòa máu thịt, vẹn toàn tình cảm như bát nước đầy.

 

cot-nhuc-tinh-thamRR

Câu "Cốt nhục tình thâm"

 

2.

Tương tự như trong đám tang của chị tôi, Lê Thị Ái cũng có đội khóc đưa tang đến, người dẫn đầu gọi là ""ông công". Trong những ngày "tang gia bối rối", tang chủ chọn thời khắc phù hợp và mời họ đến. Họ thành kính nhang đèn, hương khói rồi ngân nga ngâm, đọc một bài dài có câu có cú, có vần có điệu  khóc thương người đã khuất. So với lúc ông ngoại tôi mất cách đây chừng nửa thế kỷ thì sự ăn mặc, trang điểm của họ cũng giản đơn hơn nhiều. Tôi nhớ thời đó, ngay cả đôi giày của "ông công" và những người trong đội phải là đôi hia như diễn viên trong gánh hát bộ. Chiêng, trống... nhiều hơn; điệu bộ, động tác... đi đứng cũng phức tạp hơn v.v....

 

ong-cong-2

Hình ảnh "ông công" trong tang ma của người Quảng Nam - Đà Nẵng

 

Tôi không ghi lại bài than khóc này. Bởi lẽ, riêng tôi, tôi cảm nhận lời lẽ ấy đớn đau, buồn bã, bi đát, thê thảm quá... Ai mềm lòng, khi nghe sẽ sùi sùi khóc theo thôi. Tôi trộm nghĩ, liệu người còn sống có nên bi lụy vậy không? Trở về cát bụi, nghĩ cho cùng cũng là một chuyến ra đi cuối cùng, có điều chẳng một ai biết sẽ đi về đâu. Một khi đã không thể níu kéo được nữa, tôi nghĩ, cứ nhìn sự việc ấy nhẹ nhàng thì vẫn hay hơn. Ít ra là cho người đang sống vì vẫn phải tiếp tục sống; biết đâu còn hay cho cả người đã khuất vì họ đã nhẹ nhàng lui gót sau mấy mươi năm bươn chãi trên cõi trần này rồi. Được lui gót nghỉ ngơi, há chẳng phải là điều nhẹ nhàng cho "người đi kẻ ở" đó sao?

 

3.

Khi đưa xe tang sắp vào đến địa phận sẽ an táng người đã khuất, tất cả dừng lại và làm lễ "tế đầu trung". Ta có thể hiểu nôm na là lễ báo cáo với sơn thần, thổ địa cho người đã khuất được "định cư" tại vùng đất mới. Người thay mặt gia đình làm việc này cũng là "ông công". Lúc ấy, bàn thờ đặt bên lề đường, cũng có hoa quà, bánh trái, trà rượu... Tôi không rõ, lúc ấy "ông công" đã khấn những gì, nhưng quan sát thấy lễ này hết sức trang nghiêm. Thân nhân người khuất lần lượt thắp nhang và quỳ lạy thành kính. Sự việc này chỉ diễn ra chừng mươi phút, sau đó tất cả tiếp tục vào nghĩa trang.

 

DSCN0106-cu-thuan-1

Lễ tế đầu trung tại Quảng Nam - Đà Nẵng (2003)

 

4.

Lúc vào nghĩa trang, "ông công" vẫn tiếp tục giữ vai trò cần thiết lúc hạ huyệt. Tôi hiểu, sự khấn vái của ông ngoài phần nghi lễ còn nhằm mục đích giúp các tay đòn thực hiện các động tác nhịp nhàng. Nói cách khác đó là "khẩu lệnh" để các tay đòn tập trung cao độ và ăn ý với nhau.

 

DSCN0117Tthuan-2

Vai trò của "ông công" lúc bắt đầu hạ huyệt

 

5.

Cùng với lúc các tay đòn bắt đầu hạ huyệt, tôi quan sát thấy ngay sát với huyệt còn có một lễ khác, tuy phẩm vật sơ sài hơn lễ "tế đầu trung" nhưng cũng không kém phần trang nghiêm. Trên vuông chiếu, một người đàn ông khăn đóng áo dài, quỳ xuống và khấn. Tôi hiểu, đây cũng là một hình thức báo cáo với sơn thần, thổ địa, thành hoàng bổn xứ... cho người đã khuất được phép an cư tại nơi này.

Đọc kỹ bài khấn này, ta thấy không chỉ là xin thần linh, mà còn xin cả tiền nhân, người trần mắt thịt của bao đời trước đã đã có công khai khẩn vùng đất và cũng vùi thây tại nơi này. Tôi hiểu rằng, gọi như từ ngữ thời @ này, đó chắc chắn là lễ xin cho người đã khuất được "nhập hộ khẩu". Hiểu như thế để thấy dù cách biệt, nhưng dẫu "dương" hoặc "âm" thì vẫn có những quy định cụ thể... Bài khấn này đứng tên con trai đầu của người đã khuất. Đọc xong thì đốt. Toàn văn như sau:

 

DSCN0112-Thuan-3

Khấn thành hoàng bổn xứ trước lúc hạ huyệt

 

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tuế thứ Quý tỵ niên

Đà Nẵng thành, Hòa Vang huyện, Hòa Sơn xã

Ngày 4 tháng 4 năm 2013 Quý tỵ niên

Tín chủ Lương Thạch Vũ

Cẩn dĩ kim ngân

Nhang đăng thanh chước

Hoa quả trà nước

Phù lang tửu

Chi lễ cung nghinh

Khai hoàn đại đế

Hậu thổ nguyên quân

Thổ địa phước đức chánh thần

Kim ngân hành khiển

Hành binh tôn thần

Ngũ phương thổ công

Tiền khai khẩn

Hậu khai canh khai cư

Thần long mạch

An thần dương thôn

Nhơn thần hương linh Lương Văn Thuận hưởng thọ 76 tuổi, chánh quán xã Đại An, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), trú quán nhà số 17 Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu 2; giờ hạ huyệt: 9 giờ ngày 4.4.2013 (nhằm ngày 24.2 Quý tỵ niên).

Xin cáo Thần hoàng bổn xứ : Xin gửi hương linh tại Nghĩa trang xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Bài này, dù chép lại đúng nguyên văn nhưng tôi ngờ rằng vẫn có một đôi chữ sai lệch. Lý do: Văn bản được truyền miệng từ đời này qua đời khác, tùy theo trí nhớ của người viết, người đọc. Chẳng hạn, câu "Thần hoàng bổn xứ" mà đúng ra phải là "Thành hoàng bổn xứ".

Thế nào là Thành hoàng? là thần chủ được tôn vinh theo tín ngưỡng thờ thần của cộng đồng dân cư làng xã Việt Nam truyền thống. Có Nhân thần (người thật được suy tôn), Nhiên thần (nhân vật huyền thoại được suy tôn) lại có cả Phúc thần... Tóm lại: "Đức Thành hoàng là "vị chỉ huy tối cao" không chỉ trong lĩnh vực tâm linh mà còn trong cả lãnh vực đời sống thực của cả cư dân làng xã truyền thống. Ngày nay, nghi lễ thờ cúng các Đức Thành hoàng gắn với truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn được duy trì và là một nét đẹp trong bảo lưu các giá trị của nền văn hóa Việt Nam (Từ điển Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa - 2005 - tập 4, tr.155)

6.

Khi đã hạ huyệt, các nhà sư vẫn tiếp tục tụng kinh. Bấy giờ trên hòm có đặt lá phướng dài và hai đầu có hay tay đòn ngồi giữ lấy. Theo lệnh của nhà sư họ lần lượt lật úp, ngửa lá phướng ấy nhiều lần. Cụ thể là mấy lần? Tôi không biết rõ nhưng có thể đoán rằng con số ấy phụ thuộc theo quan niệm về vía của người Việt Nam chăng? Theo đó, đàn ông 7 vía, đàn bà 9 vía. Sau đó, lá phướng này cũng đốt đi. Mọi việc xem như đã hoàn tất.

Lẽ ra, tôi phải cung cấp cho mọi người biết, những dòng chữ gì ghi trên lá phướng đó. Do không đọc được chữ Hán nên tôi đành chịu. Đành mong các bậc cao minh bổ sung cho.

 

DSCN0128-Thuan-5

 

Sau khi đã mồ yên mả đẹp thì có lễ mở cửa mả. Phong tục này, các vùng miền khác, cũng tương tự.

 

DSCN0133.Thuanjpg

Toàn cảnh nghĩa trang Hòa Sơn (2013) nhìn từ phần mộ ông Lương Văn Thuận

 

L.M.Q


Bổ sung:

Về thắc mắc: "Lẽ ra, tôi phải cung cấp cho mọi người biết, những dòng chữ gì ghi trên lá phướng đó. Do không đọc được chữ Hán nên tôi đành chịu. Đành mong các bậc cao minh bổ sung cho", nay bổ sung như sau:

"Trước khi tâm liệm ông Thầy (nhà sư) viết một lá triệu trên giấy đỏ, dùng phấn trắng để viết. Câu triệu viết bằng chữ Nho, dịch ra Quốc ngữ là: "Nam Mô Tống Dẫn Đạo Sư A di Đà Phật Pháp Quang Tiếp Độ Phật Tử (...) Pháp Danh (...) Hưởng Thọ (...) Chi Linh Cữu".


LAM-TUAN-C-U-THUAN-R

Lễ làm tuần tại Quảng Nam - Đà Nẵng

 

Lá triệu này trước treo trước linh cữu suốt đám tang. Khi đi chôn, ông Thầy sẽ đọc 3 lần. Sau đó người phụ việc rút ra phía đằng chân và đem vò vất đi.

Chú ý: Trước khi hạ huyệt ông Thầy dùng cây phương trượng viết 3 chữ Nho dưới đáy huyệt đã được rải một  lớp cát trắng. Ba chữ đó là Án Dạ Hồng và đọc một câu kệ, câu kệ đại ý làm phép trừ tà ma, những vong linh khác không vào chiếm cứ huyệt mộ .

Sau đám ma của mỗi tuần làm một lễ cầu siêu, lễ vật dâng 2 bàn:

Một mâm cơm chay, có một bình trà ở bàn thờ người quá cố. Con trai trường đội sớ (viết bằng chữ Nho), nội dung như sau: "Gia đình nam nữ đại tiểu đẳng cầu xin cho hương hồn ông mau siêu thoát". Đọc xong sớ, ông Thầy cho đốt lá sớ. Gia đình lạy 4 lạy .

Một mâm 2 tầng, đặt ở phía trước nhà. Tầng trên gồm chè xôi trà rượu và quà vật từ đất để cúng thổ thần đất đai. Tầng thấp hơn dành cho âm hồn lang thang vất vưởng và lễ vật phóng sinh (chim sống).

Đốt giấy tiền vàng mã, rải hột nổ, muối gạo. Gia đình lạy tạ 4 lạy.

 

tuamR

Làm tuần cậu Lương Văn Thuận tại Đà Nẵng, chú ý ta thấy có hai bàn cao và thấp

 

Làm 7 tuần:

Toàn gia nam nữ quỳ trước bàn thờ Thầy đọc sớ (con trai trưởng đội sớ).

Con trai trưởng dâng sớ trước bàn thờ thổ thần (cao) và âm hồn vất vưởng (thấp), thùng giấy có chứa chim phóng sinh.

Bài sớ dâng lên nội dung cầu xin cho vong hồn người quá cố mau siêu thoát .


LÊ MINH TÂM



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com