THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: ĐỐ NHAU ĐỂ... CƯỜI

TIỂU NHỊ: ĐỐ NHAU ĐỂ... CƯỜI

 

donhau-de-cuoi-1R

 

Ngày xửa ngày xưa, thật ra cũng chẳng xưa gì, chỉ khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX đây thôi. Thời đó, truyền hình chưa phổ biến và tất nhiên chưa có điện cầm tay, ipad… do đó, sự kết nối của bà con chòm xóm gần gũi hơn bây giờ nhiều lắm. Chiều chiều sau khi cơm nước xong, trời đã sẫm tối, mọi người thường tạt qua ngồi chơi, uống nước chè xanh, tán gẫu, có khi kể chuyện cười, có lúc “thay đổi không khí” họ còn đố nhau. Các câu đố có vần, có điệu nên dễ nhớ. Hết người này đố đến người kia trong tiếng cười vui nhộn, cứ thế cho đến lúc trăng lên đầu ngọn tre mới giải tán.

Đây cũng là một nghệ thuật cười của người Việt nói chung. Không phải cười từ câu chuyện tiếu lâm dí dỏm nào đó, mà tiếng cười chỉ rộn lên sau khi đã “nát óc” suy nghĩ tìm ra đáp án của câu đố. Cuộc chơi càng đông người càng vui, mỗi người mỗi ý, có khi họ chia phe nhau tranh thắng thua cho thêm nhộn mà ai ai cũng phải vận dụng trí thông minh, phán đoán.

Có lần, sau khi bọn nhỏ đã buồn ngủ, tản dần đi, chỉ còn người lớn với nhau, anh sáu Bèo mới nói: “Thêm câu đố này nữa, không biết quý cô quý bà có bắt lỗi bắt phải gì không? Chà, chà, câu đố này mới “trí tuệ” làm sao”. Ông hai Thông nóng nẫy: “Có gì thì nói phức cho rồi. Bộ mi muốn mượn gió bẻ măng, muốn tán tỉnh con Đỏ chứ gì?”. Nghe nhắc đến tên mình, cô Đỏ giẫy nẫy: “Ông Hai nói rứa, tội nghiệp anh sáu. Con có người yêu rồi”. Ai nấy cùng cười vì biết hai ‘anh chị” đã phải lòng nhau bấy lâu nay. Anh sáu Bèo mới cất giọng:

Của tôi để ở đầu hè

Sao anh lại đến anh đè tôi ra

Vừa nghe đến từ “đè” trắng trợn kia, các cô bật cười khanh khách: “Bộ tưởng dễ… đè lắm à? Sức mấy”.  Mặc kệ,  anh sáu Bèo vẫn đọc tiếp:

Kêu lên thì mất lòng nhà

Nín đi ướt át thân ta thế này

Anh chàng tư Móm mới cà khịa:

- Nếu quý cô… bị đè thế, cô có kêu toáng lên không?

Câu trả lời rộ lên gọn gàng dễ sợ:

- Dzô diên!

Mọi người cùng đoán già đoán non, cuối cùng họ tìm ra câu trả lời chính xác là hòn đá mài dao. Phe nữ cũng không vừa, họ túm tụm một lát rồi, cô năm Sẹo đố:

Khi xưa em trắng như ngà

Vì chưng quân tử em đà hóa thâm

Trách chàng sao quá vô tâm

Chàng đánh chàng đập, chàng còn nằm với em?

Đố cái gì đây? Bạn thử suy luận xem. Mà, khi đố nhau ấy, một trong những thủ pháp gây cười còn là câu đố ấy thoạt nghe, có thể suy diễn qua chuyện tục nhưng khi giải thích chẳng hề tục chút tẹo tèo teo nào cả. Yếu tố bất ngờ này khiến cho cuộc vui thêm phần ý vị là vậy. Đôi lúc, cũng rộn lên tiếng cãi cọ nọ kia, vì người ta đố mẹo. Chẳng hạn như:

Một con bay trước, bay trước hai con

Một con bay sau, bay sau hai con

Một con bay giữa, bay giữa hai con

Hỏi bầy chim có mấy con?

Ai nấy tha hồ mà tính, nhưng thật ra chỉ có… 3 con. Có người đố, “Mồm bò, không phải mồm bò mà lại mồm bò, có phải là con bò?”. Tương tự là câu “Đầu bò không phải đầu bò mà cũng gọi đầu bò, có phải đầu bò?”.  Chớ vội gật đầu cái rụp nhá, thua đấy, vì đó là… con ốc sên! Có người đố nghe cứ như kể chuyện hình sự: “Có ông già vào rừng đốn củi, vì trời tối nên đành ngủ lại rừng. Ông mơ thấy con cọp rượt theo ông, hoảng hồn, ông ba chân bốn cẳng leo tuốt lên ngọn cây nhưng con con cọp cũng bám theo, nó quanh quẩn dưới gốc cây, chỉ ông tuột xuống là xơi tái. Tình thế hiểm nguy thiệt. Vậy, làm sao để cứu ông lão?”. He he, dễ ợt. Chỉ cần… đánh thức ông lão dậy!

Cũng không ít người bật cười vì những câu đố mẹo như “Thằng Tí da đen, chạy xe đạp màu đen trên con đường đen, trời không trăng không sao, có cục đá đen nằm chình ình trên đường. Đố bạn vì sao thằng Tí chạy xe không vấp phải cục đá?”. Câu trả lời nghe trớt quớt thằng Tí không vấp cục đá vì nó chạy xe… vào ban ngày!

Lại nữa, “Cây cầu này yếu, sắp sụm bà chè, vì thế mỗi lần chỉ 1 người đi qua cầu. Ngày nọ, có 2 người đi, vì sao cầu không sụp?”. Vì sao ta? Vì người qua cầu là… phụ nữ đang có bầu! Thời ấy, có đôi trò chơi mới du nhập vào thị thành miền Nam, vì thế, còn có các câu đố được sáng tác ngay tức thì:

Hai kẻ cầm thương liếc mắt nhìn

Còn ba chú trọc đứng làm thinh

Đâm vô sát nách cong lưng chạy

Ba chú cụng đầu chẳng thấy kinh

Là… chơi bi da!

T.H

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 15.5.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com