THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Một kiểu cười của người miền Nam

TIỂU NHỊ: Một kiểu cười của người miền Nam

 


mot-kieeu-ciopu-cua-nguoi-mien-nnam

 

Năm 1966, nhà văn Sơn Nam tròn 40 tuổi, có gặp ông lão 70 tuổi kể nghe một câu chuyện; rồi 30 sau, lúc đó, tôi mới 40 tuổi, ông kể lại cho tôi nghe.

Chuyện rằng, ông chủ nhà nọ khá giả, vào chiều đẹp trời có người bạn thân thiết từ xa tình cờ ghé chơi nhà. Bạn nối khố từ thời còn rách mồng tơi, bao nhiêu năm không gặp nên ông giữ bạn ngủ lại nhà, đường xa, đêm hôm đi về bất tiện, hơn nữa sáng mai còn tiếp tục tâm tình cho đã nư.

Đêm đó, khách quý ngủ trên bộ ván ngựa, trải chiếu bông. Ở xứ Cà Mau nhiều muỗi như câu nói ví von “muỗi kêu như sáo thổi”, vì thế phải găng mùng, mí mùng cũng ém lại cho kỹ. Khách vào mùng, nằm trên bộ ván phía trước, vợ chồng chủ nhà ngủ trong buồng riêng, phía sau, gần nhà bếp, đèn chong lờ mờ.

Ngủ đẫy một giấc, nửa khuya, khách sực nghe tiếng động liền mở mắt, thấy vợ bạn đang cầm cây đèn cày (nến) đã đốt sáng, đi khẽ đến bộ ván. Khách giật mình nhưng giả vờ như đang ngủ say, mở he hé mắt thấy bà chủ nhà mặc áo ngắn tay, tóc xõa, bới tạm, không gọn gàng cho lắm. Sau khi cầm ngọn đèn vòng quanh mùng, bà dừng lại, dỡ mí mùng lên và… chui vào.

Khi bà leo lên bộ ván, khách nín thở, hoang mang, không rõ vợ bạn có tình ý riêng tư gì với mình, bấy lâu ôm mối tình riêng nên nay ỡm ờ trăng gió? Nếu thế, tại sao bà không tắt đèn? Thiệt khó nghĩ quá.

Nằm ngay đơ cán cuốc, không dám cựa quậy, khách nghĩ thầm hay là mình đánh tiếng bằng cách tằng hắng, ho lên vài tiếng chăng? Như thế, biết đâu bà ta tự ái? Còn bà chủ, sau khi đã vào mùng, ém mí mùng thật kỹ rồi bò sát vào chỗ khách đang nằm nhưng mặt xoay vào vách mùng. Khách vẫn nằm yên, tim đập thình thịch, hé mắt quan sát thì thấy bà đang nâng ngọn đèn lên để… rọi muỗi.

Ấy là chủ nhà biết xứ mình nhiều muỗi, nó dễ bay lọt vào mùng, kêu vo ve là khách mất ngủ, vì thế, bà dùng ngọn đèn mà rọi, tức là dí ngọn lửa nho vào sát chỗ con muỗi đậu, dí thật nhanh, muỗi cháy cánh, rơi lập tức. Mùng thời xưa dệt bằng chỉ bông vải, sợi to nhưng mịn, không nhậy lửa như mùng nylon ngay nay.

Trong lúc đó, khách vẫn nằm yên, không cựa quậy, không dám động tĩnh gì, chỉ nghĩ vu vơ, phải chăng bà chu đáo bắt muỗi trước rồi mới… Đang nghĩ vẩn vơ, lát sau, bà chủ nhà chui ra khỏi mùng, rón rén, không quên ém lại mí mùng thật kỹ, rồi tắt đèn. Bấy giờ, khách mới nghe tiếng nói khẽ của người bạn đang nằm ở giường trong: “Mình rọi muỗi kỹ chưa? Bạn quý đó, muỗi cắn thì làm mất ngủ người ta”. Bấy giờ, khách mói rõ sự tình, thầm cười nhẹ nhàng rồi ngủ ngon.

Không phải chuyện cười, nhưng do kết thúc bất ngờ nên nghe kể thấy tức cười là vậy. Nhà văn Sơn Nam cho biết người kể cho ông nghe là nhà giáo Nghê Văn Lương gốc Bạc Liêu.

Và cũng theo ông, thời xa xưa đó, cách tạo ra tiếng cười của người miền Nam, có lúc đơn giản nhưng hiệu quả. Chẳng hạn, vào đêm trăng sáng trẻ con hàng xóm túm tụm lại nhà của ai đó, chủ nhà bảo chúng chia ra làm hai phe rồi bày ra trò chơi là đọc một câu ngắn nhưng phải đọc thật nhanh. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng sau đó thiệt tức cười. Nay, ta thử đọc lại các câu đó xem sao:

-  Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch.

- Ăn cơm dưới đò, lên đèo mà đói.

- Một con ngựa kéo đá (đọc tăng dần số lượng con ngựa ở các câu lặp lại như hai con ngựa kéo đá v.v...).

- Một con cá mòi béo, để con mèo đói ăn.

- Con cò què đậu cây kè còm.

- Mượn cái xanh, nấu bát canh, cho hẹ cho hành.

- Quần tía rách để trên vách đất.

- Một con cò xanh nhảy quanh hòn đá, chờ cho nước cạn cho cá ăn tôm.

Những câu này, đọc dễ ẹt, chứ có gì khó? Tưởng là vậy, nhưng bắt buộc phải đọc thật nhanh, không ngắt nhịp. Đọc liến láu một hồi thì… trẹo lưỡi, dẫn tới đọc vấp, nói lẹo qua chữ khác, chữ nọ xọ qua chữ kia. Bạn không tin à? Đọc thử đi. Thế là phe thua phe thắng cùng phá cười lên sảng khoái. Tiếng cười ùa đến rôm rã mà lành mạnh. Rõ ràng, mỗi thời đều có cách tạo ra tiếng cười. Nhưng tựu trung, yếu tố cần thiết vẫn là tạo ra cái kết thật bất ngờ, không ai lường trước vẫn là một trong những thủ pháp của nghệ thuật cười của người Việt.

T.H

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 15.4.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com