THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Tiếng cười của “quái kiệt” Ba Vân

TIỂU NHỊ: Tiếng cười của “quái kiệt” Ba Vân

TINGE-CUOI-CUA-QUANI-KIET-bA-vAN

 

NSND Ba Vân là một tên tuổi lớn của sân khấu miền Nam. Năm 1940 từ Sài Gòn, ông ra Hà Nội biểu diễn cùng Ban Năm Châu. Qua hàng loạt vai diễn nổi bật như Điệp (Lan và Điệp), thằng Nhỏ (Vợ và tình), hội đồng Quang (Tư sanh tứ), huyện Hàm (Tìm hạnh phúc)… và nhất là vai thằng Giàu (Men rượu hương tình)” khiến khán giả lúc òa khóc nức nỡ, khi cười nôn ruột với lối diễn thần sầu quỷ khốc, không “đụng hàng” với bất kỳ tài năng nào. Sau những pha “hớp hồn” này, khán giả và báo chí thủ đô đã tôn vinh ông là “quái kiệt”. Danh hiệu này xứng đáng gắn với ông suốt đời.

Với nghệ thuât trình diễn trên sân khấu, dù cũng vở đó với tình tiết đó nhưng thành công hay không còn tùy thuộc vào lối diễn xuất của người nghệ sĩ, thậm chí có lúc họ còn “cương” một cách hợp lý khiến vai diễn tròn trịa, đầy đăn hơn.

Trong vai thằng Giàu, người diễn trước đó chỉ nói quấy vài câu làm trò cười, đại khái, khi ông chủ hỏi muốn sắm quần áo gì, chỉ liệt kê vài loại quần áo rồi vào cánh gà. Nhưng đến Ba Vân lại khác, ông chọn lối trang điểm như “công tử bột” trong sân khấu hát bội miền Nam, tức là mặt đánh phấn trắng, quần trắng ố vàng nhưng áo gilê, lúc ông bầu bước vào nhà hỏi muốn mua sắm cái gì, khác với trước, lần này Giàu há miệng ra dõng dạc: “Cậu mua cho tôi cái áo mưa”. Ông bầu ngạc nhiên: “Trời nắng chang chang, mày đòi mua áo mưa làm chi?”, Giàu tỉnh bơ: “Dạ, tôi mặc áo mưa để… che đậy bộ đồ rách mặc bên trong”.

Câu trả lời bất ngờ quá, khán giả cười rần rần.

Lúc thằng Giàu, thằng Nghèo lên thành phố tìm gặp chủ là Năm Bình. Chủ hỏi: “Bây lên đây bằng gì?”. Giàu đáp: “Đi xe”, Nghèo phản đối: “Nói xạo. Anh dắt tôi đi hoài. Trời mưa tới tét bét cây dù rồi đó”. Giàu đưa tay lên miệng, thèn thẹn cắn móng tay: “Dạ, có hồi đi xe, có hồi đi bộ”. Chủ gắt: “Đi xe đi bộ, đi chi mà kỳ quá dzậy?”. Giàu nói luôn một hơi: “Dạ, ban đầu không có tiền mua vé, đâu có dám vào bến xe nên tụi tui đi bộ. Đi bộ một đỗi, xe trong bến chạy ra, bọn tôi đón xe, nhảy đại lên. Đi xe một đỗi, thằng soát vé biểu mua vé, nhưng không có tiền nên bị đuổi xuống, thành ra đi bộ, đến khi có cái xe khác chạy qua, tụi tui lại đón tiếp. Làm riết bảy tám cái xe thì tới Sài Gòn”.

Tại sao khán giả cười? Ba Vân bật mí thủ pháp: “Bằng giọng nói nhanh gấp gáp ở câu cuối, tôi phải nói trước ý nghĩ của khán giả, tạo ra sự bất ngờ để khán giả bật cười, cười vì sự ranh mảnh của hai anh nhà quê”.

Lại có cảnh Năm Bình hỏi Nghèo và Giàu: “Tụi bây đi đâu mà qua đây”. Cả hai trả lời: “Tụi tui dắt nhau đi hát”. “Thế đồ đạc bày ở đâu?”. Nghèo đáp liền: “Đâu có đồ đạc gì mà phải chở. Hồi cậu giao gánh cho tụi tui thì phông màn đầy đủ. Nay, anh Giàu đưa đi hát thì nó teo lại còn có một… thúng”. Giàu ngượng nghịu tiếp: “Màn cậu cho, rày còn một… mét”. Năm Bình dậm chân kêu trời: “Bộ tụi bây bán hết, lấy tiền đi ăn nhậu hả?”. Giàu xụi lơ: “Đâu có bán. Hôm bữa hát ở đình Cầu Muối, ông Tư xiết hết vì không có tiền trả ổng”, tới đây Giàu thở thốt ra một câu ngoài kịch bản: “Phông màn cần chi, vì bây giờ tụi hát ngoài trời đã có…  cảnh thiệt rồi”. Đã hết đâu, Giàu còn thòng thêm câu: “Cậu về hợp tác với tụi tui, ta cùng chấn hưng nền “mỹ thuật” nước nhà chơi!”.

Rõ ràng không là tiếng cười chỉ mua vui. Ai nấy vỗ tay rầm trời

Còn đây hoạt cảnh thằng Nghèo, thằng Giàu lần đầu tiên vào nhà hàng, lúc đang đói rã họng: “Ê hầu bàn! Đưa chúng tao cái gì ăn đi!”. Bồi đưa ra cái thực đơn, Giàu làm ra bộ hiểu biết: “À, cái me-nu”. Bồi cúi đầu, cố làm mặt nghiêm: “Dạ, đây là cái mơ-nuy ghi các món ăn”. Giàu phẩy tay cho bồi bàn đi, quay sang biểu Nghèo: “Thằng bồi nói trật, nhưng thôi, mày muốn ăn gì?”. Nghèo đáp: “Món gì ngon thì ăn”. Giàu dõng dạc: “Ê bồi, cho hai cái hạng nhất đây”". Bồi bàn hỏi lại: “Cái lầy là số 1, món súp à?”. Nghèo đập tay xuồng bàn, la lên: “Trời! Tụi mình đang đói mà anh Giàu”. Giàu lại lật mơ-nuy chỉ số chót, hất hàm ra hiệu, bồi bàn trả lời: “Dạ cái lầy là cà phê á”. Nghèo bực mình: “Trời ơi! Kêu gì mà toàn món nước không nè. Thế những món khác để đâu?”. Giàu phớt tỉnh, kêu bồi bàn, giọng hách dịch: “Ê bồi, đây có cái gì ăn no mà ngon  không?”. “Dạ, có cơm xườn gà”. Giàu liếc xéo Nghèo, ra vẻ đắc chí và nói chen tiếng Tây giả cày: “Vậy cho đơ cơm gà”. Đơ là deux nghĩa hai.

Trong vở Chàng đi theo nước, cũng do nghệ sĩ Năm Châu viết năm 1948, Ba Vân đã “làm mới” vai Truyền cực kỳ quái chiêu. Khi gặp Thủy, Truyền nói: “Thấy cô, tui mừng quá”. Thủy hỏi: “Mừng gì?”. “Báo tin mừng cho cô là tôi vừa có cái tật nữa”. “Tật gì?”. Truyền liền giơ cái tay đang băng to tướng, khiến Thủy ngạc nhiên: “Trời, tay anh làm sao vậy?”. “Phỏng nước sôi”. Thủy kêu lên: “Nước sôi đâu mà phỏng?”. Thế là, thay vì trả lời, Truyền ca luôn kim tiền: “Tui nói tui pha cà phê mà gặp cái thằng đui. Nó cầm bình nước sôi mặt nó ngó lên trời. Nó rót văng tưới ra cái bàn vẹc ni. Tôi sợ nó ố hết đi. Tui hoảng hồn đưa tay tui… hứng. Quýnh quá tôi ôm. Làm phỏng hết sạch trơn!”.

Với lối diễn đạt đến tầm cỡ “quái kiệt”, NSND cho biết: “Theo tôi, yếu tố bất ngờ là một trong thủ pháp để gây cười”.

T.H

Tài liệu tham khảo:

NSND Ba Vân - Kể chuyện cải lương, Lê Thị Hoàng Mai ghi - NXB TP.HCM-1989.

Ba Vân trên sân khấu cải lương-Trần Việt Ngữ - NXB Văn Hóa - 1986.

 

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 15.4.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com