TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: ‘Chúng tôi đang xã hội hóa xuất bản thơ’

LÊ MINH QUỐC: ‘Chúng tôi đang xã hội hóa xuất bản thơ’

03-04-2008

"Thế hệ chúng ta có rất nhiều nhà thơ ngồi mòn ghế ở quán nhậu, quán cóc để bàn đến những vấn đề cao siêu, nhưng lại ít người năng động đặt câu hỏi tầm thường’ như: Làm gì để xã hội hóa xuất bản thơ? Chẳng lẽ, anh em bỏ tiền túi ra in thơ rồi đem… tặng?", nhà thơ Lê Minh Quốc tâm sự.

aquoclm

Sau thành công của tuyển tập Thơ tình Sài Gòn (NXB Trẻ – 2008) nhóm chủ biên của Tủ sách Sơn Ca đang tiếp tục thực hiện tập Thơ tình Hà Nội gồm các tác giả thơ đang sống và làm việc tại Hà Nội…

- Hai tuyển tập thơ mà anh và nhóm biên soạn thực hiện rất có ý nghĩa đối với nền thơ ca đương đại, khi mà sự xuống cấp của thị hiếu thẩm mỹ về thi ca đang thực sự là điều đáng báo động. Xuất phát từ đâu mà các anh có ý tưởng này?

- Trước hết, phải thừa nhận rằng thế hệ chúng ta có nhiều, rất nhiều nhà thơ có thể ngồi mòn ghế ở quán nhậu, quán cóc để bàn đến những vấn đề cao siêu, nhưng lại ít có người năng động đặt câu hỏi “tầm thường” như: Làm gì để xã hội hóa việc xuất bản thơ? Chẳng lẽ, anh em nhà thơ phải bỏ tiền túi ra in thơ rồi đem… tặng? Vô lý quá. Chúng tôi nghĩ đến việc phải “liên kết” với doanh nghiệp, tất nhiên phải là doanh nghiệp có uy tín và đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, để cùng thực hiện việc này. Đôi bên cam kết, họ không can thiệp vào nội dung; bù lại họ được in logo trên bìa sách theo quy định Luật Xuất bản.

Công ty truyền thông Sơn Ca chia sẻ với ý tưởng trên. Thay vì bỏ ra hàng trăm triệu mỗi năm để in quảng cáo (mà như thế thì mấy ai biết đến?), chi bằng chi tiền cho chúng tôi thực hiện tác phẩm mới của các anh em nhà văn, nhà thơ thì có hơn không? Hơn lắm chứ, vì đó cũng là một cách PR hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay. Đó là nghệ thuật tạo thương hiệu kinh doanh thông qua tác phẩm văn học.

Khi đã có sự đầu tư về tài chính thì chúng ta mới có thể yên tâm thực hiện những tác phẩm tốt. Vì ở đây, chúng tôi không bị phân tâm bởi các yếu tố quan trọng như sách có bán được không? có thu hồi vốn không? phát hành như thế nào?… Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ duy nhất là làm thật tốt khâu bản thảo, vì nói gì thì nói, chất lượng của tác phẩm vẫn là điều quyết định sự lâu dài giữa chúng tôi và Công ty Sơn Ca.

- Các anh dựa trên tiêu chí nào để tuyển chọn thơ?

- Tùy theo mỗi chủ đề của tác phẩm mà chúng tôi đưa ra tiêu chí. Chẳng hạn, thơ tình Sài Gòn hoặc Hà Nội thì phải tác giả của địa phương đó. Nói như thế, anh em sẽ thắc mắc vì chẳng lẽ người làm thơ vùng khác không được tuyển chọn sao? Tất nhiên là được, nhưng ở các tập sau. Vì mỗi tập sách số trang in chỉ có hạn từ 200 đến 300, không thể dày hơn, vì giá thành cao, khó đến tay người yêu thơ. Hiện nay, chúng tôi đã nhận được bản thảo thơ của một vài tác giả không chuyên gửi đến và đang đọc thẩm định. Tiêu chí chung để chọn tác phẩm thơ vẫn là sự thử nghiệm, cách tân, tìm tòi trong sáng tạo. Ưu tiên cho những người viết trẻ dù họ chuyên nghiệp hoặc không. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý đến bản thảo thơ của các tác giả thành danh, nhưng không có cơ hội được xuất bản.

- Đã là thơ, nhất lại là thơ tình, thì chỉ có thơ hay và không hay. Sự “phân vùng” Sài Gòn – Hà Nội có thực sự là một điều cần thiết?

- Cần thiết lắm chứ. Trước hết, mỗi tập thơ có chủ đề tập trung như thế đã là một “tư liệu” cần thiết cho người yêu thơ. Qua những tập thơ, họ sẽ có dịp chiêm nghiệm về tính cách biểu lộ tình yêu của mỗi vùng miền, chẳng hạn đâu là điểm giao thoa và khác biệt nhau? Cũng tình yêu, cũng thơ tình nhưng tôi tin rằng qua thơ nó sẽ hiện lên dấu vết khác nhau của mỗi vùng miền. Không so sánh, nhưng đó là một thực tế. Hơn nữa, khi “phân vùng” như thế, bản thân chúng tôi cũng muốn khảo sát thêm vùng đất nào có được nhiều người làm thơ nhất. Và nhất là địa danh đó đã đi vào thơ như thế nào? Chính điều này sẽ tạo ra sự khác biệt của các tập tuyển thơ đã xuất bản.

- Sau khi phát hành tập “Thơ tình Sài Gòn”, các anh có thăm dò ý kiến của độc giả đối với cuốn sách?

- Tất nhiên là có. Bằng cách nào? Lâu nay tôi vẫn nghĩ, một tập thơ ra đời cần có những họat động ở bên ngoài tác phẩm – nhằm tác động cho công chúng biết đến tác phẩm đó và đó nhiều hơn nữa. Đơn giản nó là một giá trị vật chất. Vì thế, nó phải cần có những động tác PR để “người tiêu dùng” biết đến nhiều hơn nữa. Thật lạ, khi Harry Potter chỉ mới “rục rịch” đến Việt Nam thì các NXB, đơn vị phát hành đã có khá nhiều động tác quan trọng để quảng bá đến bạn đọc. Thậm chí, còn có cả những cuộc thi như số lượng in bao nhiêu? Tên tập sách như thế nào?… Trong khi đó, một tập thơ của nhà thơ VN (dù nổi tiếng cỡ nào) cũng ít được “ưu ái” như thế. Mà không phải những nhà thơ của chúng ta không có fan. Nếu tập thơ chỉ phát hành một cách bình thường như lâu nay, chỉ từ nhà in đưa ra nhà sách một cách lặng lẽ thì nó sẽ không có được sự tiếp nhận hào hứng từ bạn đọc. Nếu tập thơ viết tay trên giấy dó của các nhà thơ TP HCM cũng xuất hiện lặng lẽ như thế, thì làm sao chúng tôi có thể bán đấu giá lên đến gần nửa tỷ đồng để giúp trẻ em chất độc da cam trong Ngày thơ VN trước đây?

Chính vì thế, với tập Thơ tình Sài Gòn, chúng tôi cũng PR bằng một buổi ra mắt “hoành tráng” tại Sài Gòn. Nhờ vậy, chỉ sau một một tuần vào goolge chỉ cần gõ “Tủ sách sơn ca” đã có trên 430.000 đơn vị đề cập đến. Hiện nay, tập Thơ tình Sài Gòn đang chuẩn bị tái bản, cũng là một hiện tượng mừng cho thơ. Ở đây, phải khiêm tốn nói rằng, chưa hẳn do nội dung mà vì biết quảng bá nên mới tạo ra hiện tượng đó.

- Anh có kỳ vọng rằng, những cuốn sách đó sẽ trở thành “cẩm nang” cho những ai thích đọc và tìm hiểu thơ viết về tình yêu?

- Sau tập Thơ tình Hà Nội sẽ là thơ tình của anh em thơ ở các vùng miền khác; hoặc các chủ đề khác. Mưa dầm thấm đất. Tôi tin các tập thơ trên sẽ đáp ứng được nhu cầu của những ai thích đọc thơ tình VN. Các bài thơ trong đó, do chính tác giả chọn, hơn ai hết, tác giả là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng. Chỉ riêng điều đó thôi, ta thấy, đã chọn bài thơ "ưng ý" nhất, thì chả ai đưa “hàng giả” đến cho chúng tôi.

- Lê Minh Quốc, ngoài vai trò của một nhà thơ, nhà báo, nhà biên soạn sách, gần đây đang được biết đến với tư cách là một họa sĩ. Ngày 15/12, anh đã tổ chức cuộc triển lãm tranh với chủ đề Mùa Xuân Chín tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Anh đã đến với hội họa như thế nào?

- Triển lãm này tôi “đứng” chung với một vài họa sĩ chuyên nghiệp như Bùi Suối Hoa, Nguyễn Thị Tâm, Cao Thị Được… Không phải “làm mới” mà thật ra đây cũng là một cuộc chơi. Chơi là gì? Sáng tạo là gì? Là chính anh khám phá những bí ẩn trong chính con người anh. “Tâm này cũng ở lòng này mà ra”. Tôi ngờ rằng bất cứ ai cũng có một năng khiếu về nghệ thuật nào đó, họ chỉ cần có thời gian “nuôi dưỡng” hạt giống nghệ thuật trong tâm hồn mình và biết cách “đánh thức” nó. Tôi đến với hội họa cũng thế. Hạt giống hội họa, tôi đã gieo trong tâm hồn mình từ lúc nào tôi không rõ nữa. Nhưng hạt giống chỉ nẩy mầm khi có điều kiện thuận tiện. Do công việc làm báo nên gần đây tôi có quen với họa sĩ Suối Hoa, chị vẽ minh họa cho truyện ngắn của báo Phụ nữ TP HCM. Trong những lần trò chuyện, chúng tôi chỉ nói chuyện về hội họa. Hơn cả thế, tôi được tận mắt nhìn những bức tranh của chị tại xưởng vẽ là nhà riêng. Sắc màu lung linh như ánh sáng. Như cõi mơ. Như cõi thật trong trần gian đầy bụi bặm này. Và nó đã hấp dẫn tôi. Thế giới ấy đã choáng ngợp lấy hồn tôi. Không còn cách nào khác, tôi đã ngồi xuống và vẽ.

Theo Trần Hoàng Thiên Kim – eVan

http://thvl.vn/?p=12107

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com