TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Nhớ Sơn Nam, học Vương Hồng Sển

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Nhớ Sơn Nam, học Vương Hồng Sển

 

Thứ Tư, 19/10/2011

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, NXB Kim Đồng và nhà thơ Lê Minh Quốc vừa có chuyến đi Tiền Giang tặng sách cho Nhà lưu niệm Sơn Nam. Sách do Lê Minh Quốc biên soạn mang tên Sơn Nam “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” tuy không dày trang, nhiều chữ nhưng lại nặng tình cảm của Lê Minh Quốc dành cho “ông già Nam bộ”.

Lê Minh Quốc, có thể gọi anh là “3 nhà trong 1”, vì anh vừa làm thơ, làm báo và làm biên khảo, mà “nhà nào” với anh cũng đều “có nền có nóc”. Anh đã trò chuyện với TT&VH về “ông già Nam bộ” và công việc biên khảo sách - một nghề không có nhiều người làm và không phải ai làm cũng được.

Một cuốn sách về Sơn Nam vẫn chưa đủ

* Anh đã biên soạn hàng chục đầu sách về các danh nhân Việt Nam, đa phần được “đặt hàng”, anh viết về nhà văn Sơn Nam cũng từ một “đơn hàng”?

- Riêng nhà văn Sơn Nam, viết về ông một bài báo hay một cuốn sách, với tôi là chưa đủ. Bởi thuở ông còn ngao du trên cõi đời này, ông đã giúp tôi nhiều việc. Năm 1998, kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, theo đặt hàng của anh Nguyễn Thế Truật - hiện là Tổng biên tập NXB Trẻ - tôi mạnh dạn bắt tay vào biên soạn một tập sách mỏng về chủ đề trên. Thật sự, tôi thấy mình quá liều lĩnh khi nhận lời. May mắn lúc ấy, nhà văn Sơn Nam đã hướng dẫn cho tôi cách tìm các nguồn tư liệu và nhất là ông đã giảng giải cho tôi nghe nhiều điều về Sài Gòn với một vốn sống phong phú và uyên bác. Hơn cả thế, điều quan trọng là ông đã động viên, khuyến khích một cách chân tình với tư cách người đi trước, khiến tôi vững tin hơn.

Sau này, khi đang nằm trên giường bệnh vào khoảng tháng 6/2006, nhưng ông vẫn nhiệt tình đọc và viết lời giới thiệu tập Người Quảng Nam của tôi. Tình cảm ấy làm sao tôi quên được, nên viết về Sơn Nam là việc tôi muốn làm chứ không chỉ đợi NXB Kim Đồng đặt hàng.

MINH-QUOC

Nhà thơ Lê Minh Quốc đang viết sổ lưu niệm tại Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Tiền Giang

* Biên soạn tức là chọn lọc lại những tài liệu đã viết về nhân vật. Ngoài những điều đã đọc về Sơn Nam, anh yêu quý Sơn Nam ở điểm nào nhất trong giao tiếp đời thường?

- Tôi thích Sơn Nam ở chỗ ông thân tình, dễ gần, không lên mặt kênh kiệu với bất kỳ ai. Ông xuề xòa, vui tính, dường như tôi chưa hề thấy ông giận ai bao giờ. Trong nghề báo, có lần ông bảo tôi rằng, một bài báo hay là trong đó phải có ít nhất một vài chi tiết mà ngay cả giới chuyên môn về lãnh vực đó cũng phải “lè lưỡi” khâm phục.

Người viết phải giao thiệp với chủ báo để biết họ cần gì, đặng mình viết mà không sợ phải “lạc đề”, nếu bài “lạc đề” thì dù có hay mấy họ cũng ném sọt rác. Khi đưa bài báo đến tòa soạn báo, họ muốn biên tập, xử lý ra sao cũng mặc kệ, miễn là họ... trả tiền sòng phẳng. Những gì họ biên tập, cắt xén thì khi in thành sách, ta cứ việc “phục hồi” lại nếu thích.

Đến nay, tôi vẫn nhớ cách cư xử rất thân thiện của ông. Bao giờ trước lúc chia tay, ông cũng nheo mắt bảo: “Dạo này mắt yếu, ít nhìn rõ ai, gặp nhau ngoài đường cứ lên tiếng trước, kẻo không lại trách cha già sao dạo này “lên mặt” không thèm chào hỏi ai”.

Công việc biên soạn cũng cần tư chất…

* Hiện nay, nhiều người cho rằng muốn tìm hiểu một vấn đề gì thì “hỏi ông Google”, vậy nghề biên khảo sách bây giờ chắc khỏe hơn nhờ mạng Internet?

- Đây là một chuyện dài, nhưng theo tôi, đừng ỉ lại vào ông Goolge. 20 năm trước, hễ đọc cái gì hay, thú vị, tôi thường cắt lại hoặc làm phiếu ghi chú để khi cần tra cứu là có ngay. Sau này, tôi lười biếng, bỏ phéng vì nghĩ đã có công cụ tìm kiếm trên mạng. Thế là sai lầm.

SON-NAM

Lê Minh Quốc trong một buổi “học nghề” Sơn Nam

Nhiều anh em làm báo, khi sử dụng xong thông tin là vứt bỏ không thương tiếc. Chúng ta cần phải lưu giữ có hệ thống, sắp xếp ngăn nắp để khi cần chỉ với tay lấy được ngay. Chứ vứt như thế phí lắm. Ngay cả khi đi ăn tiệc cưới của người nổi tiếng, xem một vở tuồng, một phim hay... tôi đều có thói quen giữ lại như một tài liệu, sau này có khi rất cần thiết. Những thói quen tưởng chừng ấm ớ này, tôi học của cụ Vương Hồng Sển.

* Những cuốn sách biên khảo của anh có phải là cách nối dài tuổi thọ những bài báo vốn chỉ có giá trị trong ngày?

- Một bài báo không thể nói hết những điều mình muốn. Muốn nói nhiều hơn, chỉ có thể (xin nhấn mạnh “chỉ có thể”) thực hiện dưới hình thức một quyển sách. Tôi được mời đi Hà Lan, đi Mỹ có nhiều điều muốn nói quá, nhất là người ta đối đãi với mình “chịu chơi” quá, nên dù đã viết xong mấy bài báo nhưng tôi vẫn muốn... viết luôn quyển sách! Với một quyển sách, khi trình bày một thông tin cần phải có nhiều thông tin khác để đối chiếu... vì thế công việc cực nhọc hơn, ngốn nhiều thời gian hơn mà cũng thú vị hơn.

* Nghề biên soạn sách được xem “rất an toàn” và chỉ cần sự chăm chỉ là đủ. Theo anh, muốn làm biên soạn sách chuyên nghiệp cần thêm những năng lực gì?

- Nếu chỉ cần “chăm chỉ”, thủ thư của các thư viện đã trở thành Vương Hồng Sển, Toan Ánh, Dã Lan... hết rồi. Do có thời gian làm quản thủ những thư viện hàng đầu ở miền Nam nên các cụ đã có điều kiện nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình giá trị. Nhưng chỉ tư liệu, vẫn chưa đủ. Muốn “chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim” không chỉ là sự chăm chỉ. Nó đòi hỏi nhiều tư chất, tố chất khác nữa.

Nếu bạn trẻ nào muốn làm nghề biên soạn sách, theo tôi cần đọc lại các bộ sách hồi ký của các học giả nêu trên, kể cả hồi ký của Sơn Nam, để có thể học lấy linh nghiệm của các cụ.

Đã có lần, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo, đại ý: Muốn tìm hiểu thấu đáo một vấn đề, cách tốt nhất là biên soạn một quyển sách về nó. Nghe dễ như bỡn, nhưng đọc lại hồi ký và trang viết của các cụ, ta mới thấy hết sự nhọc công của việc biên soạn, nghiên cứu.

Hoàng Nhân

(thực hiện)

(nguồn:

http://www.thethaovanhoa.vn/133N20111019112852304T0/nha-tho-le-minh-quoc-nho-son-nam-hoc-vuong-hong-sen.htm)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com