TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC- TÂM KHANH: Mối duyên thơ nhạc

LÊ MINH QUỐC- TÂM KHANH: Mối duyên thơ nhạc


Thứ Sáu, 26/05/2006, 05:13


TT - Còn hơn cả "anh ở đầu sông em cuối sông...", họ ở cách xa nhau nửa vòng trái đất. Tâm Khanh, nhạc sĩ Việt kiều ở Mỹ và Lê Minh Quốc, nhà thơ ở VN. Đến giờ này họ vẫn chưa gặp nhau, nhưng đã có cùng một đứa con tinh thần là tập nhạc phổ thơ mang tên Nồng nàn.

tam_khanh
Nhạc sĩ Tâm Khanh: “Tôi có cảm giác cảm nhận được những gì tác giả viết ra”

quoc_1

Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Tôi cũng nghĩ chị là một tri âm”

“Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới kỳ diệu: chỉ cần một cú click chuột thì có thể chạm đến mọi chân trời góc biển. Tầm nhìn xa hơn và vòng tay cũng rộng hơn. Trường hợp của ca sĩ, nhạc sĩ Tâm Khanh là một thí dụ.

Từ bên Mỹ, chị ngồi tại nhà và lang thang trên net để gặp được một tri âm, là tôi. Ngược lại, tôi cũng nghĩ chị là một tri âm. Các nhạc sĩ nổi tiếng cũng đã từng phổ thơ tôi, nhưng phải đợi đến Tâm Khanh. Phải là người thật sự yêu thơ, cảm nhận được những vần thơ tôi viết thì chị mới bền lòng phổ nhạc để in thành tập và hát lên nơi xứ người.

Thông tin mới nhất chị cho biết đã tiếp tục phổ thêm ba bài thơ nữa của tôi và sẽ không dừng lại đó. Sự gặp gỡ này đã khiến tôi nghĩ đến chữ “duyên” trong triết lý đạo Phật. Và chữ “duyên” ấy đã được công nghệ truyền thông Internet bắt nhịp. Dù đến bây giờ cả hai đều chưa hề gặp mặt, nhưng chúng tôi luôn tự ý thức là tri âm của nhau”.

                                                                              

Từ tiểu bang Florida, trao đổi với Tuổi Trẻ qua email, nhạc sĩ Tâm Khanh tâm sự:

- Sinh ra và lớn lên tại con hẻm nhỏ ở đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận, Sài Gòn trước khi định cư ở nước ngoài, tôi có hát ở các phòng trà và vũ trường. Để đáp ứng nhu cầu, tôi đã hát tất cả các thể loại nhạc, kể cả nhạc rock. Nhưng thính giả thuộc thành phần khó tính, chỉ thật sự nghe và thưởng thức những bản nhạc như Tháng sáu trời mưa, Ngậm ngùi, Như cánh vạc bay... Chính sự hiếm hoi của những tác phẩm như vậy cùng với sự thúc đẩy của tính chất trẻ trung trong tôi đã đưa tôi đến quyết định sáng tác.

* Định cư ở nước ngoài khá lâu, vì sao chị gặp được thơ Lê Minh Quốc mà đem lòng... yêu thơ của anh ấy?

- Tôi rất yêu thơ! Cuộc đời như những con đường đi, những cánh đồng cỏ bát ngát, thơ là hoa tô điểm cho thêm duyên sắc. Tôi đọc thơ... trên mạng. Đọc nhiều lắm! Có nhiều bài thơ buồn rơi nước mắt, có nhiều bài thơ đọc xong cười mãi vì hình dung ra được câu chuyện và bộ mặt của người làm thơ. Tôi cũng đọc thơ khá nhiều từ mọi đối tượng, nhiều tác giả và cũng có phổ một vài bài thơ học sinh của vài người mà cho tới giờ cũng chưa biết là ai!

 Riêng thơ anh Quốc mang đầy cá tính, không sáo rỗng, đặc biệt muốn viết gì thì viết. Tôi có cảm giác cảm nhận được những gì tác giả viết ra. Mỗi bài thơ mỗi hình ảnh và tôi nghĩ chính là anh Quốc của từng phút bất chợt đó. Thật ấn tượng!

* Cảm xúc của chị khi cầm được tập thơ của Lê Minh Quốc trong tay?

- Trước đây tôi không biết Lê Minh Quốc là ai nhưng vẫn “cảm” và sáng tác bài Mối tình của tôi, phổ bài thơ Khi gần 17 tuổi của anh ấy. Tuy vậy, tôi vẫn muốn sự đồng ý của tác giả nên tìm cách để nhận được “một cái gật đầu” của nhà thơ. Tôi đã rất hồi hộp và mong chờ vì khi sáng tác bài Mối tình của tôi, tôi nghĩ đến các bạn học sinh, sinh viên trẻ với những tình yêu dễ thương đầu đời và muốn gửi đến họ. Nếu như tác giả thơ từ chối thì xem như “hoa tàn từ trong nụ”. Kết quả rất may là tôi đã liên lạc được với anh Quốc.

Khi cầm mấy tập thơ mà anh Quốc tặng (được đem từ VN sang Mỹ) trong tay, lòng tôi rộn vui vì biết mình có thêm một người bạn, một tâm hồn nghệ sĩ, đó là một yếu tố lớn khuyến khích tôi sáng tác. Thơ Lê Minh Quốc có quá nhiều chủ đề và đều phong phú như nhau. Cảm thật, viết thật.

* Chị hi vọng điều gì ở Nồng nàn khi phải mất khoảng hai năm, tập nhạc phổ thơ này mới được ra đời?

- Mong muốn của tôi là tập nhạc Nồng nàn (gồm 14 ca khúc) có nhiều cơ hội được nhiều người biết đến trong nước và cả ở hải ngoại, mặc dù lớp trẻ được sinh ra và lớn lên tại hải ngoại không hiểu hoặc hiểu ít ngôn từ, ngôn ngữ thơ văn. Tôi hi vọng ngôn ngữ âm nhạc sẽ giúp thêm cho nhiều người hiểu được, thấy được cái đẹp của lời thơ và sẽ hãnh diện, yêu thương hơn tiếng mẹ đẻ - ngôn ngữ của quê hương mình.

Tôi có ước nguyện là sẽ phổ biến trước tiên nhạc của mình trong nước. Nhìn vào giai điệu và phong cách của số lớn các ca khúc trong Nồng nàn, tôi cũng đã nghĩ đến việc chuyển ngữ (Anh, Pháp) để người ta có thể hiểu thêm tứ thơ của người VN.

* Cho đến nay chị vẫn chưa gặp mặt nhà thơ Lê Minh Quốc. Chị có giải thích được vì sao người không gặp người nhưng thơ - nhạc vẫn có thể “giao duyên” thành công?

- Cũng như thơ của anh Quốc và âm nhạc của tôi, mọi chuyện đều là một chữ “duyên”. Tôi và anh Quốc chưa gặp mặt một lần nhưng tình bạn, tình thân cũng đã có. Gặp nhau ở điểm đúng nhất phải nói là cái gốc của cội nguồn, của sự thông cảm và tình cảm của người VN. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là gì khác hơn là một người VN nên sự rung cảm thật sự đã giúp tôi thực hiện được sự “giao duyên” thơ nhạc này. Gặp mặt anh Quốc là chuyện tất nhiên, rồi ngày đó cũng sẽ đến...

Không thể không nhắc đến một nhân vật thứ ba trong mối duyên thơ - nhạc này, đó là anh Huỳnh Lương Tâm, chồng của nhạc sĩ Tâm Khanh. Chia sẻ với cảm xúc và ước muốn của vợ, khi về VN anh đã tìm gặp Lê Minh Quốc xin mấy tập thơ mang về. Cũng chính anh về VN cùng gia đình, bạn bè lo in tập thơ nhạc Nồng nàn (NXB Âm Nhạc, quí 1-2006) vừa gửi Quốc, vừa mang về cho vợ...

 

ĐOAN TRANG

thực hiện

http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=140025&ChannelID=10

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com