LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.11.2019

ch_mcdac_khoa_dan_nhac

 

Tiền, ai lại không mê tiền? Tiền đẻ ra tiền, tất nhiên. “Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra khỏi cửa tiền đẻ” - nếu biết đầu tư kinh doanh đúng hướng, gặp thời. Còn chữ thì sao? Chữ cũng đẻ ra chữ. Đẻ bằng cách nào? Phải có điều kiện nhất định, nói cách khác là phải có hứng trong một hoàn cảnh nhất định. Sở dĩ, y có suy nghĩ tầm thường này là do vừa rồi, sắp xếp lại thư viện trong nhà, ngẫu hứng đọc lại tờ tạp chí Bách Khoa ra ngày 15.10.1974. Nếu nói chính xác, từ sau ngày 4.8.1972, các loại tạp chí ra định kỳ tại miền Nam như Bách Khoa, Văn, Văn Học, Phổ Thông, Thời Nay, Em…đều phải gọi giai phẩm, dù vẫn là các số ra kế tiếp nhưng ngoài bìa không đánh số, nếu có, chỉ ghi bằng số La Mã.

Tại sao lại có sự tréo ngoe này mà trước đây chưa hề nghe nói đến?

Cơn cớ là do ngày 4.8.1972, chính quyền Sài Gòn ký Sắc luật 007/ TT/SLU, trong đó quy định các nhựt báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, báo định kỳ ký quỹ 10 triệu đồng (điều 4). Nếu nội dung “có vấn đề” ngoài việc bị tịch thu, đóng cửa báo, đình bản thì tiền ký quỹ coi như “mất hút con mẹ hàng lươn”, vì thế, các chủ báo định kỳ đã “lách luật” bằng cách đổi tên gọi. Chỉ là “giai phẩm”, phát hành thất thường, chứ không phải ra “định kỳ” như quy định của Sắc luật trên. Chi tiết nho nhỏ này, do y suy luận ra chăng? Không hề. Ông bạn già Phan Kim Thịnh, từng chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn Học lúc trà dư tửu hậu với y cũng đã từng kể chuyện này. Tạm dừng, không đi sâu nữa, bàn chuyện chữ nghĩa vẫn vui hơn.

Rằng, trên Bách Khoa của số báo nêu trên cho biết, nhân dịp vui Trung thu năm 1972, Nhóm Nghiên cứu và phát huy truyền thống Việt Nam của ông Nguyễn Nhã - chủ nhiệm tạp san Sử Địa đã tổ chức buổi sinh hoạt “Truyền thống hát trống quân” tại nhà nhạc sĩ Phạm Duy. Các nghệ sĩ như Hồng Vân, Hồ Điệp, Thanh Hùng…  hát đối đáp theo những câu thơ do nhà thơ Phạm Thiên Thư đặt lời. Sắp xếp như vậy là chỉn chu, đúng theo kịch bản, thế nhưng trong quá trình hát đối đáp các nghệ sĩ lại “tự biên tự diễn”. Mà cũng đúng thôi. Đã hát đã hò thì tùy cảm hứng, tức cảnh sinh tình, chứ nào phải rập khuôn theo những gì đã soạn sẵn, nếu thế, còn gì là hát trống quân, phải không nào?

Y thích những câu nghịch ngợm, tếu táo, ngẫu hứng của nghệ sĩ đã đem lại những tiếng cười khỏe khoắn, dù rằng nó có… sex chút đỉnh. Chẳng sao cả. Tiếng cười của người Việt về “cái đó” cứ tự nhiên mà kín đáo, thanh lịch chứ không huỵch toẹt thô thiển, sổ sàng sống sượng. Chẳng hạn, hôm đó, họ hát: “Ở đây đanh đá vô cùng/ Về nhà bà xã… lấy thừng trói tay/ Trói tay, em cứ trói tay/ Đêm khuya tăm tối vác chày anh đánh em”. Thiên hạ cười cái rần. Nào, cớ gì phải đỏ mặt, chỉ là nhắc đến cái chày, cớ gì phải suy luận lung tung? Sực nhớ, trong hát chèo có câu cực kỳ lẳng lơ: “Gió nam tốc dải yếm đào/ Sao anh trông thấy oản, anh không vào thắp hương?”. Oản là oản, liên tưởng đến cái khác làm chi? Lại nữa, còn nhớ đến câu ca dao cũng rất đỗi trữ tình: “Trên đầu em đội khăn vuông/ Trông xuống dưới ngực, cau buồng còn non”. Tự dưng tủm tỉm cười.

Thế đấy, đôi lúc đọc đôi câu vần vè lại có cái thú như ngày hè nóng nực, được ra biển hóng gió. Mà lúc gió mát, mùa màng đã thu hoạch xong, người ta lại hát trống quân chứ gì? Vậy, thế nào là hát trống quân? Tìm hiểu vấn đề này, cách tốt nhất vẫn là hỏi nhạc sĩ có nghiên cứu về âm nhạc, nói như thế vì không phải ai sáng tác nhạc cũng hiểu biết rành rẽ. Từ bài báo trên Bách Khoa, y tìm đọc Đặc khảo dân nhạc ở Việt Nam (NXB Hiện Đại - 1972) của Phạm Duy.

Có mấy ý cần nêu ra, hát trống quân còn có tên gọi hát hội mùa thu, hát thưởng trăng, hát trông trăng… nói cách khác cũng là một loại hát hội, hát giao duyên. Không rõ căn cứ vào tài liệu nào, Phạm Duy cho rằng, hát trống quân ra đời từ Thanh Hóa, đến khoảng thế kỷ XVIII, khi anh hùng Nguyễn Huệ kéo quân từ Phú Xuân ra Bắc đánh xâm lược nhà Thanh đã cho quân sĩ dùng lối hát này như một cách giải trí trên chặng đường trường chinh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trống quân” do hai chữ “tống quân” (tiễn bạn) mà ra; hoặc trống quân là lối hát “trung quân” - một điệu hát của quân lính đi theo nhịp trống v.v… Xét  ra khó có thể xác định nguồn gốc của nó. Chi bằng, ta hãy tìm hiểu cái trống sử dụng trong trống quân là loại trống như thế nào?

Câu hỏi hay đấy. Dễ ẹt. “Trăm năm trong cõi người ta/ Cái gì không biết thì tra gú gồ”. Khổ nổi, ông Google cũng giải thích ấm ớ, khó có thể nắm bắt tường tận. Nhạc sĩ Phạm Duy trả lời như sau: “Hát trống quân chỉ có một điệu. Đặc biệt nhịp điệu của trống quân rất khỏe, nhờ được sự trợ giúp của cái trống đất, người xưa gọi là thổ cổ. Trống này, trước kia, là một cái hố có miếng gỗ bịt miệng: người ta căng một sợi mây dài qua miệng hố và lấy một khúc tre chống sợi mây trên mặt gỗ; khi dùng đến, người ta lấy dùi gỗ hay dùi tre đánh vào dây mây, tiếng “thình thùng thình” nghe rất ấm cúng vui tai. Cũng có khi người ta úp một cái thùng sắt tây xuống đất và căng dây thép qua thùng. Nhạc khí này các nhạc học gia ở Tây phương liệt vào “bộ dây”. Tưởng cũng nên ghi lại rằng ở đảo Madagacas (châu Phi) cũng có thứ nhạc khí như trống quân. Nhà khảo nhạc người Đức, ông C. Sachs gọi là erdzither, và giáo sư Schaeffner người Pháp thì gọi là cithare en terre” (sđd, tr.106).

Có điều thú vị, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) cũng miêu tả một loại trống ở miền Nam y chang như trống quân, gọi trống đất. Với từ “trống đất”, Đại từ điển tiếng Việt (1999) cũng giải thích tương tự nhưng cho rằng, “trống của đồng bào Cao Lan”. Với những gì vừa nêu, rõ ràng, trống đất không là “đặc sản” của riêng biệt vùng miền nào, nó trở nên nổi tiếng khi gắn liền với trống quân - một điệu hát chỉ có thể do sáng tạo của bà con nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và điệu hát trống quân cũng đi vào ca trù đấy. Nghe lại tai quá đi mất. Thế mà lại có đấy. Rằng, trong ca trù có “khúc Ả phiền” độc đáo đến nổi các nhà nghiên cứu gọi là khúc liên châu/ chuỗi ngọc liên châu. Nhằm tránh hiểu nhầm, xin nói ngay, khúc hát này không liên quan đến chuyện hút xách bê tha -  vì cách đặt tên theo thói quen ngày trước là lấy đôi từ ở câu đầu tiên rồi đặt tên, nhìn qua các điệu lý cũng thế, chẳng hạn lý con sáo, lý chú ủi, lý bờ đắp v.v…

Thế nào là khúc liên châu trong ca trù? Chuyện này, nhiều người đã biết rồi chăng? Thú thật lần đầu y mới biết đến và lấy làm ngạc nhiên cho thú chơi của người xưa. Một khi đã chơi thì người nghệ sĩ thứ thiệt đã nâng nghệ thuật chơi đến mức hoàn hảo. Có thể xem đây là đỉnh cao của nghệ thuật ca trù, đòi hỏi nghệ nhân phải am tường thuần thục nhiều điệu hát thì mới có thể trình diễn nổi, tức là phải là tay lão luyện trong nghề. Thời buổi này, khó có thể tìm ra nghệ nhân nào có thể trình diễn nổi nhưng đọc từng câu chữ cũng thấy khoái lạ lùng.

Việt Nam ca trù biên khảo (in năm 1962) của Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề giải thích: “Khúc Ả phiền gồm 20 giọng hát do những câu ở nhiều điệu hát khác nhau nhưng vần với nhau ghép lại mà thành ra một khúc liên châu. Vì khúc hát bắt đầu nói về thuốc phiện nên gọi là Ả phiền. Đặc điểm của khúc hát này là đương hát điệu này, ngả sang điệu khác mà đàn phách vẫn am với nhau và liên tục” (tr.88). Chẳng giấu giếm, khoe khoan gì, y cũng đọc nhiều quyển sách khảo cứu về ca trù nhưng không tìm thấy văn bản của khúc Ả phiền. Vì lẽ đó, chẳng ngại ngần gì, bèn chép lại, biết đâu cũng hữu ích cho những ai cần nghiên cứu. Nói gì thì nói, luận gì luận nhưng sự cần thiết trước nhất khi muốn hiểu vấn đề gì thì phải tiếp cận văn bản. Văn bản khúc Ả phiền như sau:

(Sa mạc): Lấy chi làm thú giải phiền/ Cái xe cái lọ bàn đèn cái tiêm/ (Bồng mạc): Gối thêu hoa, tiêm bạc, hộp ngà/ Đèn pha lê, khay vân mẫu, chén Chích lý pha trà Liên tử tâm/ (Xướng tế): Mặc áo the thâm đứng giữa cột đình/ Xướng rằng:/ Củ xoát tế vật/ Tự lập cử ai/ Hờ anh ơi/ (Đò đưa): Bước chân xuống thuyền/ Chẳng giậm thì thuyền nó chẳng đi/ Giậm ra ván nát, thuyền thì long đanh/ (Huê tình): Anh tiếc công anh lên thác xuống ghềnh/ Lên thác đã vậy, rồi ra xuống ghềnh làm sao?/ (Trống quân): Mừng đàn anh lại mừng dây/ Mừng chim loan phượng đỗ cây ngô đồng/ Mừng người xứ Bắc, mừng kẻ xứ Đông/ Mừng chim loan phượng ngô đồng sánh đôi/ (Nói sử): Dạ thưa bác:/ Bác giai còn nhà hay đi chơi vắng?/ Thưa với bác:/ Mời bác ngồi chơi, tôi mời bác hãy ngồi chơi/ Để tôi bảo trẻ quạt nước, bác xơi bác hãy về/ (Hát bài sai lên đồng): Thôi thôi bác để tôi về/ Bóng chiều đã xế dặm hòe còn xa/ (Kể chuyện sa mạc): Một vùng cỏ áy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau/ Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ Vạch ra cây vịnh bốn câu ba vần/ (Thổng thiên thai): Tần ngần… Cỏ cây xem bẵng tần ngần/ Lối vào chẳng biết rằng gần hay xa/ Xinh thay hỡi thú yên hà/ Đào nguyên ướm hỏi ai là chủ nhân/ (Hát cách hát chèo): “Rất mực hồng quần/ Phong lưu rất mực hồng quần/ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê/

(Chầu văn): Ngàn mái ngàn me, trên ngàn bà ngàn mái ngàn me/ Ngàn giang ngàn trúc ngàn tre ngàn vầu/ Dăm ba cô thiếu nữ theo hầu/ Cô xe là cô xe chỉ thắm, cô xâu là cô xâu hạt vàng/ (Hãm): Thiếp bén chuyên chàng/ Từ khi thiếp bén duyên chàng/ Bướm ong sum họp, phượng hoàng no đôi/ Góc bể chân trời/ Mênh mông góc bể chân trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng tà/ (Sa mạc tì bà): Vặn đàn mấy tiếng dạo qua/ Tuy chưa trọn khúc tình đà thoảng bay/ (Hát tì bà): Nghe não ruột mấy dây bứt rứt/ Nhường than niềm tấm tức bấy lâu/ (Cung bắc): Ngán thay cho vợ chồng ngâu/ Cách một nhip cầu dạ nọ kém tươi/ (Dựng tì bà cung huỳnh): Lệ ai chan chưa hơn người/ Giang châu tư mã đượm mùi áo xanh”.

Quá hay. Ai là tác giả? Không rõ. Văn bản này không có trong ca trù cổ, thế thì khúc liên châu này chỉ ra đời sau khi các điệu hát trong nghệ thuật ca trù đã hoàn chỉnh, đã đạt đến mẫu mực, bấy giờ các nghệ nhân lão luyện mới xâu chuỗi lại các điệu hát đó và đặt ra môt điệu hát mới. Suy luận này thế nào? Xin dành cho các nhà nghiên cứu về ca trù có lời chỉ bảo thêm.

Nếu từ điệu hát này lại nẩy sinh ra điệu hát mới, kể ra cũng là một thú chơi của người sành điệu, vậy, từ câu chữ này khiến ta nghĩ ra câu chữ khác âu cũng là thú vui của người mê chữ. Xin kể thêm chuyện này bởi trời đang nắng đẹp, tâm tình đang rôm rã hà có gì không kể nốt? Kể rằng, thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải có câu thơ như sau: “Góp cùng vũ trụ lưng bầu máu/ Gửi với sơn hà một áng văn”, thi sĩ Vũ Hoàng Chương rất khoái câu đầu tiên, ngâm ngợi mãi không chán, thế là bèn nghĩ ra về đối lại lấy cảm hứng từ câu thứ hai. Ta hãy liệt kê ra các câu mà tác giả Thơ say đã nghĩ ra: “Ngủ với sơn hà một mạch văn/ Nát với sơn hà một túi văn/ Thắt với sơn hà một giải văn/ Ngậm với sơn hà một ống văn/ Rạch với sơn hà một bụng văn/ Đứt với sơn hà một khúc văn/ Chìm với sơn hà một hũ văn/ Nổ với sơn hà một cú văn”. Cuối cùng, ông đã chọn: “Đốt với sơn hà một điếu văn”.

Trong các câu này, y thích nhất vẫn là “Nổ với sơn hà một cú văn” bởi lúc nào cũng thời sự, vì rằng thời buổi nào trong trường văn trận bút lại không có những đấng vung bút lăm le những muốn bạt sông xẻ núi, những muốn “Cánh buồm mây chạy xế gió đông”, những muốn “Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung”, những muốn “Ngọn bút son thác sống ở tay”, những muốn cú văn trác tuyệt của mình phải là cú nổ ngang ngửa… pháo Bình Đà, nhưng than ôi, hầu hết cuối cùng chỉ là thứ pháo lép, chữ tịt chứ không thể chữ đẻ ra chữ. Ấy mới là chuyện nhọc nhằn chữ nghĩa. Có phải không ạ?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment