LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.5.2019

Copy_of_49946592_545619429256426_6007280188939829248_n

 

Thế nào là tu tập? Nếu muốn tìm một định nghĩa chính xác, cách tốt nhất là hãy cứ lật các từ điển về tôn giáo ra đặng tra cứu. Phải thế không ạ? Ở đây, xin kể lại câu chuyện tu tập của một người nọ. Rằng, sau những tháng ngày "Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ/ Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu”, ngao ngán cho cái sự đời. “Sự đời như chiếc lá đa/ Đen như mõm chó chém cha sự đời”, bèn rũ bỏ danh lợi phù phiếm lên núi tu tập. Nơi núi thẳm non cao, đèo heo hút gió, quạnh vắng bóng người, anh ta được sư phụ giao nhiệm vụ mỗi ngày chẻ củi. “Đó là tu tập, hãy nhẫn nại từng ngày”, lời dặn dò văng vẳng bên tai.

Từ đây, cứ mỗi ngày, lúc gà vừa gáy rộn dù sương đêm còn đậm, dù mặt trời còn ngái ngủ, gió lạnh buốt xương nhưng cũng phải bật người dậy. Cứ thế bốn mùa. Cứ thế xuân, thu, đông. Và cứ thế với công việc của người chẻ củi. Ban đầu hào hứng vì nghĩ rằng, chỉ là thử thách bước đầu, sau đó, sư phụ sẽ dạy cho những bí kiếp cao siêu hơn. Chẻ củi thì ai cũng làm được cả, có gì ghê gớm đâu. Nếu chỉ có thế, thì việc gì phải lặn lội tầm sư học đạo? Ngày qua ngày chậm rãi, tháng qua tháng chậm rì, công việc chỉ có thế, chẳng gì thay đổi.

Bất ngờ, đến một ngày kia, sư phụ cho anh ta xuống núi, chỉ vì: “Con đã hoàn thành khóa học về tu tập”, thầy nói.

Đơn giản thế thôi ư? Vâng, sự đời bao giờ cũng đơn giản, chỉ chính chúng ta làm cho nó rắc rối mà thôi. Với công việc chẻ củi, ban đầu không thích, thậm chí ghét bỏ nhưng rồi dần dà mỗi ngày, anh ta lại tìm thấy niềm vui từ sự tẻ nhạt ấy. Đó chính là ý nghĩa của sự tu tập, có phải thế không? Hay câu chuyện này, còn ngụ ý gì khác? Y không rõ lắm. Nhưng rõ ràng, có công việc ban đầu, ta đành phải thao tác trong sự kiêng cưỡng, vậy mà qua một thời gian lại thay đổi thái độ. Chấp nhận lấy nó với nụ cười hài lòng.

Sực nhớ đến chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp bị các vị thần trừng phạt suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi. Công việc nặng nhọc làm sao. Hồng hộc thở. Mồ hôi mồ kê đầm đìa. Thở hụt hơi. Khi ì ạch đẩy khối đá lên được đỉnh núi, tưởng ra rằng đã có thể thở phào nhẹ nhõm, than ôi lại phải cay đắng nhìn nó lăn nhào xuống chân núi. Lại phải đẩy lên. Cứ thế, công việc lại bắt đầu từ đồng tác đầu tiên. Mà nào có phải ngày một ngày hai. Phải từng ngày lặp đi lặp lại. Ngao ngán quá, phải không? Cách tốt nhất là hãy chấp nhận lấy nó. Được thế, đã là hạnh phúc.

Trộm nghĩ, có phải các nhà văn - những người kiếm sống lương thiện bằng con chữ như mỗi ngày gieo hạt cũng đồng hội cùng thuyền với chàng Sisyphus chăng? Họ cứ viết ròng rã, chuyên cần, không một phút lơi tay gõ phím. Viết mỗi ngày, cũng là công việc tu tập như anh chàng kia phải từng ngày chẻ củi. Như thân phận của của Sisyphus: “liệu có dám mỗi ngày chìm đáy vực sâu/ đẩy tảng đá lên trên đỉnh núi/ lại thả tay/ rồi ngày sau cũng lao xuống vực sâu/ đẩy tảng đá lên đỉnh núi/ từng ngày/ từng ngày giống hệt nhau...”. Hôm trước, trong cuộc giao lưu với bạn đọc nhân được NXB Trẻ trao giải thưởng nhà văn có sách bán chạy nhất năm 2018, một bạn đọc hỏi  Nguyễn Nhật Ánh, có bao giờ anh nghĩ đến lúc sẽ không viết nữa? Anh trả lời, đại khái, làm sao con người ta có thể sống nếu ngưng thở? Thế thì, với nhà văn nói chung, viết phải là một hoạt động bình thường như mỗi ngày đang  thở. Nói thì nói thế, liệu chừng hiện nay có bao nhiêu nhà văn đang sống sờ sờ ra đó nhưng đâu có thèm… thở, tức là đã lâu lắm rồi chẳng hề thấy họ công bố gì mới, dẫu là một bài báo ngắn. Không tin, cứ lật kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam ắt rõ. Mà thôi, nói thì nói thế, biết đâu, họ đang ấp ủ, đang miệt mài viết tác phẩm dài hơi thì sao?
 

Lẫn thẫn nghĩ thêm, tại sao thế hệ nhà văn lớp trước ngày nào cũng viết? Dám quả quyết, vẫn là viết để kiếm sống. Cứ như theo ông Ngô Tất Tố: “Trong cái nước non Đông Phương, những người giàu có không ai lọt vào cổng làng văn. Hoặc có cũng là một số hú họa”. Vì thế, họ phải viết đến kiệt sức, viết không kịp thở, thì xem đấy, ông Vũ Trọng Phụng trước lúc mất ngậm ngùi, nếu mỗi ngày đủ tiền để được ăn miếng thịt bí-tết thì đâu đến nỗi phải ho lao. Tất nhiên, nói như thế vẫn chưa đủ vì thời buổi nào đi nữa, nhà văn chân chính  nào cũng tự gánh lấy sứ mệnh của chính mình. Dẫu viết ra, không được in, bị cái kéo kiểm duyệt cắt nát nhưng không vì thế cụt hứng, vẫn cứ viết. Quyết không phải là một cuộc dạo chơi ngẫu hứng. Thích thì chơi. Hết thích thì thôi. Phải viết từng ngày. Đã họa sĩ thì hãy vẽ, đã cỏ thì xanh, đã nhà văn thì viết.

Thế nào là viết?
 

Trả lời câu hỏi này, xin dành cho các nhà lý luận, phê bình văn học. Với y, viết đơn giản là cây viết, ngày nay, đố ai có thể tìm thấy nhà văn nào còn viết bằng tay trên giấy nữa, hầu hết đã gõ phím. Đọc câu ca dao này, tự dưng có cảm tình quá đỗi: “Chiều chiều xách chén mua tương/ Thấy anh trong trường cầm viết ngó ra”. Viết không chỉ là cây viết, đã có những từ liên quan đến viết nhưng nay đã dần dần nhạt dấu vết. Ngày xưa ở Nam bộ, một khi ai đó  “viết theo điệu thật thà, ngang bằng sổ thẳng” thì gọi “viết chân, viết kép, viết thiệt, viết sạch, viết sáng”. Ngược lại, nếu chữ viết quào như gà bươi, viết cho mau, miễn có chữ gọi là “viết tháo, viết thảo, viết dối, viết đâm bò” - Đại nam quấc âm tự vị (1895) giải thích -  nay đã có từ thay thế “viết chữ bác sĩ”, “viết chữ phá toa”. Nét chữ nết người, điều này không sai. “Mình đưa bâu áo, tôi viết tháu đôi hàng/ Trước thăm phụ mẫu sau thăm nàng đôi câu”. Tán gái mà viết chữ tháu thì liệu có là yêu một cách thành thật, chân tình?

Viết lách là viết nói chung nhưng cũng còn được hiểu đã “viết” thì phải “lách” đặng có thể trình bày được điều muốn nói mà vẫn in sờ sờ trên mặt báo, có thể mượn xưa nói nay, mượn sự đồng âm v.v… Thử đọc câu hát đối này, dù chữ nghĩa rõ ràng nhưng vẫn có thể hiểu qua nghĩa khác, nào ai bắt bẻ, chê bai thô kệch:

Dở Hán ra thấy những anh hùng, ngó qua bên Lỗ trùng trùng văn nho. Nhón gót lên kêu bớ học trò, ai mà đối được ta cho kết nguyền.

Lật Trần ra cũng lắm siêu quần, sá chi một Trụ rần rần binh đao. Khai mương cho nước chảy vào, thuyền quyên em không lái, chống sào có anh.

Đọc xong bèn cười. Ghét nhất vẫn là những ai văn hay chữ tốt, làm thơ lại gán ghép cho tiền nhân. Gây ra sự ngộ nhận tai hại. Chỉ nêu một thí dụ đang có tính thời sự, chẳng hạn, với từ khóa “bài thơ đuổi cá sấu”, Google cho ra kết quả “Khoảng 395.000 kết quả (0,34 giây)”; với từ khóa “văn tế cá sấu”, Google cho ra kết quả “Khoảng 4.920.000 kết quả (0,30 giây). Ta thấy gì? Thấy được bài văn tế đuổi cá sấu của Hàn Thuyên. Xin thưa, văn bản này hoàn toàn bịa đặt.

Ai cũng biết, vào đời Trần Nhân Tông (1279-1293) có ông Nguyễn Thuyên, người Hải Dương thi đậu Thái học sinh, làm quan đến Thượng thư bộ Hình, tác giả tập thơ chữ Nôm Phi sa tập (lấy theo câu: Phi sa giản kim: Đãi cát lọc vàng). Vào mùa thu năm 1282, có cá sấu đến sông Phú Lương hoành hành. Vâng lệnh nhà vua đuổi loài cá dữ, ông có làm bài thơ bằng chữ Nôm đọc trên bờ sông rồi đốt ném xuống sông. Lạ thay, từ đó loài cá sấu rủ nhau đi hết. Vua cho là giống chuyện Hàn Dũ đời Đường bên Trung Quốc nên cho đổi tên họ ông thành Hàn Thuyên. Sử chỉ chép đến đây. Sự kiện Hàn Thuyên làm thơ Nôm đuổi cá sấu là có thật. Vua Tự Đức đã từng làm thơ ca ngợi: “Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay/ Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay/ Sông Lư đuổi sấu in Hàn Dũ/ Nên được nhà vua đổi họ ngay”. Nhưng rồi thiên hạ lại tin rằng đây chính là bài thơ của Hàn Thuyên:

Ngạc ngư kia hỡi! Mày có hay

Biển Đông rộng rãi là nơi mày

Phú Lương đây thuộc về thánh vực

Lạc lối đâu mà lại đến đây?


Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa

Dân quen chài lưới chẳng tay vừa

Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy

Xuống nước giao long cũng phải chừa


Thánh thần nối dõi bản triều nay

Dấy từ Hải ấp ngôi trời thay

Võ công lừng lẫy bốn phương tĩnh

Biển lặng sông trong mới có rày

 

Hùm thiêng ra dấu dân cày cấy

Nhân vật đều yên ở đâu đấy

Ta vâng đế mạng bảo cho mày

Hãy về biển Đông mà vùng vẫy

Hỡi ôi, sự nhầm lẫn này còn héo dài đến bao giờ hả trời? Bản thơ này, không phải của Hàn Thuyên mà là của… nhà nho Nguyễn Can Mộng - hiệu Nông Sơn, sinh năm 1880 tại Thái Bình và mất ngày 31.1.1954 tại Hà Nội. Sinh thời ông viết nhiều sách như Nông Sơn thi tập, Nam học Hán tự, Văn chương Việt Nam, Gương liệt nữ v.v… Trước năm 1945, chính ông đã bịa ra bài thơ trên và công bố rộng rãi khiến nhiều người lầm tưởng, tin là thật! Cụ Trần Văn Giáp vạch trần sự giả mạo này và đã nghiêm khắc phê phán “có tội với văn học Việt Nam” (Lược truyện các tác giả Việt Nam, NXB KHXH - Hà Nội, 1971, tr.509). Thế mà đến nay, người ta vẫn cứ nhầm. Nhầm đến bao giờ nữa hỡi… ông Google?

Kể ra cũng buồn cười, viết là cái nghề nhọc nhằn như chẻ củi, như Sisyphus mỗi ngày đẩy tảng đá lên núi, thế nhưng không khéo lại mang vạ vào thân như trường hợp bịa ra văn tế cá sấu. Thôi thì, hãy cứ lẳng lặng viết theo lòng thành, âu cũng là tâm thế của các nhà văn Việt Nam nói chung. Chỉ thương, thương nhất cho những ai còn đau đáu, miệt mài với… thơ vì rằng, thiên hạ ngày càng ít đọc thơ, thậm chí ghẻ lại nữa là khác.

Mới đây thôi, tình cờ gặp lại một nhà thơ đàn chị, đã xấp xỉ tám mươi, đã một thời nổi tiếng trên văn đàn, sau những lời thăm hỏi xa gần, rồi tất nhiên lại bàn về văn chương, thơ thẩn như mọi lần. Đột nhiên, nghe rõ mồn một tiếng thở dài bùi ngùi: “Con cái của chị, chúng nó bất nhẫn lắm, em à”. Ngay lập tức trong đầu y đã nghĩ đến những vụ tranh chấp, kiện tụng, đất đai, tài sản… thậm chí con cái còn tìm cách tống khứ bà mẹ già ra khỏi nhà v.v. và v.v... Bèn rùng mình, ngao ngán cho nhân tình thế thái, cay đắng cho đạo lý làm người nên y đổi lại tư thế ngồi nghiêm túc hơn để nghe chị tâm sự: “Em biết đấy, con cái chị thành đạt giàu có, nếu chị muốn đi du lịch nước nào, muốn mua sắm gì, chúng sẵn sàng ngay bỏ tiền ra ngay. Thế mà…”. Chị ngập ngừng im lặng, y càng tò mò lắng nghe: “Thế mà nay, chúng lại tuyên bố dứt khoát không cho lấy một xu, nếu chị xin tiền… in thơ!”.

Thì ra thế.

Thế thì sao? Thì thú thật, nghe nản quá cho thơ với thẩn. Chẳng phải con cái của chị bất nhẫn đâu, chẳng qua chúng không muốn phải phí tiền, “ném tiền qua cửa sổ”, “ném tiền xuống ao, chẳng được xem tăm” lãng phí một cách vô ích. Vô ích thật đấy, bởi vì rằng, cùng lắm là biếu tặng nhau, chứ nào có thể mua với bán. Không rõ ai là tác của câu đùa tiếu táo: “Thơ tôi… biếu rất chạy”! Thời buổi này, biếu thơ mà có người nhận cũng đã là may.

Ô hô! Có nói vống lên đấy không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment