LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.3.2019

 

nhatky-ngay-3.3.2019

 

Thiệt tréo ngoe không chịu được. Ai lại thế? Hết chuyện để ham hố rồi sao? Với các bà vợ hễ nghe chồng nói đến chuyện rượu chè “lai rai ba sợi” đã vội nhăn mặt. Nhăn thì nhăn. Cằn nhằn thì cằn nhằn. Nhưng rồi cũng khó có thể cấm tuyệt đối chồng phải bỏ bia rượu. Rằng, hễ nói đến đàn ông của thời buổi này, không phải quơ đũa cả nằm nhưng hầu hết họ đều biết… nhậu, khoái nhậu.

 

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu): Nhậu. “Cuộc đời vui quá không buồn được” (Tuân Nguyễn): Nhậu. “Đừng buồn nhưng cũng đừng vui”(Hồ Dzếnh): Nhậu. Họ có một ngàn lẻ một lý do để nhậu, do đó, không thể không bàn đến chuyện này.

 

Y có người bạn thân thiết đã nhậu trong một tình huống cực kỳ hài hước. Ngày nọ, sau khi cùng mẹ vợ tất tả đưa vợ vào bệnh viện chờ sinh, làm xong mọi thủ tục, ngồi một mình với tâm trạng hồi hộp, náo nức bỗng dưng hắn ta lại khoái có chút men cho đời thêm tươi. Trời chiều, gió mát, vợ sắp chuyển dạ, cảm xúc dạt dào, tại sao lại không nhắn tin rủ bè bạn chung vui một niềm vui kỳ diệu nhất trên đời: sắp được là ba/tía/ bố? Nghĩ là làm. Sau khi dặn dò mẹ vợ đôi điều cần thiết, hắn ta tếch ra quán với lời tự nhủ: “Chỉ làm vài ve cho hưng phấn. Chớ có say. Nhớ đấy nhé. Quay về ngay”.

 

Khi vào quán nhậu cùng bồ tèo chiến hữu, lời tự nhủ này, tất nhiên là hắn nhớ. Chỉ uống cầm chừng. Thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ, xem thời gian để còn quay lại bệnh viện chăm vợ. Ừ, vui quá xá là vui. Ai ai cũng nâng ly chúc mừng. Hắn hãnh diện ra mặt. Mũi phổng to như trái cà chua. Hắn huyên hoang tuyên bố: “Cỡ như tớ, các hãng thần dược sản xuất Viagra chỉ có nước phá sản, sập tiệm”. Câu nói duyên dáng tệ. Bè bạn vỗ tay ào ào. Lại nâng ly, nói như ngôn ngữ của đệ tử Lưu Linh là: “Trăm phần trăm Bắc Kạn”, chứ không việc gì phải… “Mộ Đức mức độ”. Thế là sau dăm ba lần thiệt hoành tráng, cực kỳ sung mãn, hắn quên tuốt luốt lời tự nhủ. Nói nào ngay, tàn cuộc nhậu thì hắn vẫn còn tỉnh táo. Rất tỉnh táo. Tỉnh táo đến độ lúc mở điện thoại ra đã… thấy hàng chục “cuộc gọi nhỡ” của mẹ vợ!

 

Thế đấy. Nhậu đến quắc cần câu, đến lúc quay lại bệnh viện thì cuộc vượt cạn mọi việc đã “mẹ tròn con vuông”, xong béng từ thuở nào rồi.

 

Tóm lại, chuyện mê nhậu của đàn ông là có thật. Thế thì sau đó, họ nghiến răng “phê bình và tự phê bình” là bỏ nhậu? Đùa dai thế. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây, xin nói một cách nghiêm túc là nên nhậu ở đâu sau khi mái ấm vừa có trẻ sơ sinh? Khoan đã. Thử hỏi, cơn cớ gì mỗi lúc lai rai cùng bia bọt rượu chè nói chung, có kèm theo mồi gọi thì tiếng Việt gọi là nhậu?

 

Thử nêu ra một vài chứng cứ dù không lấy gì làm chắc chắn. Đại loại,  có thể từ “nhạo” mà ra chăng? Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ giải thích: “Nhạo: đồ đựng rượu có quay, có vòi như nhạo rượu, ly rượu”. Ca dao Nam trung bộ có câu: “Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo/ Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh”. Chưa hết, “Uổng công anh chùi nhạo xúc bình/ Tới chừng anh đến, phụ mẫu nhìn bà con”. Vậy là “xong phim”! Có quan hệ họ hàng với nhau thì yêu với đương cái khỉ gió gì nữa? Nói thật, trước kia, y cứ tưởng như không ít người cho rằng, nhậu là tiếng lóng phổ biến trong giới ăn nhậu, trải theo năm tháng, nó đã co chân nhảy một phát vào… Đại từ điển tiếng Việt (1999).  Oách quá. Nhưng thật ra nhầm tất.

 

Từ năm 1895, Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi nhận: “Nhậu: Uống. Nhậu rượu: uống rượu; nhậu nước: uống nước; ăn nhậu: ăn, ăn uống”. Ngay cả Tự vị Annam- Phalangsa (1877) của J.M.J cũng đã giải thích tương tự. Thế thì, nhậu theo nghĩa ban đầu là “uống”, nay hàm nghĩa chỉ các cuộc lai rai với nước có men bất kể thời gian, tất nhiên không thể thiếu… mồi. Nói như dân chèo miền biển Nam bộ khoái nhất vẫn là: “Gió lên rồi căng buồm cho sướng/ Gác chèo lên, ta nướng khô khoai/ Nhậu cho tiêu hết mấy chai/ Bỏ ghe nghiêng ngửa không ai chống chèo”.

 

Mà thôi. Hãy trở lại với câu hỏi: “Sau khi mái ấm vừa có trẻ sơ sinh nên nhậu ở đâu?”. Với câu hỏi này, tin chắc rằng, ai ai cũng bảo là nên ra quán. Thứ nhất, vợ mới sinh cần có khoảng không gian yên tĩnh, nghỉ ngơi; thứ hai, trẻ sơ sinh không thể chịu được tiếng nói ồn ào của bợm nhậu. Mà nhậu ở quán thì tha hồ bốc phét, nói năng rổn rảng và (xin lỗi) nếu có lỡ… lời nói tục cũng chẳng sao. Lại có một điều kỳ cục là khi nhậu ngoài quán, tự dưng ta cảm thấy hưng phấn hơn, uống bia được nhiều hơn và nói năng cũng thỏa mái hơn vì chẳng gì phải ý tứ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói như… ở nhà! Đã thế, còn có thể tha hồ lơi lả lả lơi thả cái nhìn lang thang lướt ngang qua vóc dáng mỹ miều từ vòng A đến Z của cô nàng chân dài váy ngắn đang tiếp thị bia mơn mởn xuân tình lượn lờ trước mặt, không phải lơ láo láo nháo cảnh giác trước sau. Khoái là thế.

 

Ban đầu y cũng nghĩ thế.

 

Nhưng rồi, lần nọ cô vợ bé bỏng cười mà rằng: “Lần sau, nếu thích, anh cứ rủ bạn bè thân thiết về nhà nhậu chơi vẫn tốt hơn”. Ơ hay, tại sao lại tốt hơn? Khoan vội trả lời, xin hỏi thế nào là thân thiết? Không riêng gì Sài Gòn, có thể nói, thời buổi này thiên hạ ít mời ai về nhà nhậu. Nếu cần, cứ ra quán. Sau đó, mạnh ai nấy về, chẳng ai làm phiền ai. Ra khỏi quán là xong, chẳng còn gì vướng bận. “Anh đi đường anh, tôi đường tôi” (Thế Lữ). Vậy là xong.

 

Nếu mời về nhà, nói thật phải là bồ tèo chiến hữu chí cốt đã từng gắn bó lâu dài. Có những người bạn, gặp ngoài quán thì OK ngay, nhưng mời đến nhà thì chưa chắc. Nói cách khác, lúc ấy, chỉ những ai được mời đến nhà là gia chủ đã có chọn lọc tùy theo mối quan hệ. Vâng, phải là nhậu với bạn bè thân thiết vì chỉ khi ở nhà thì câu chuyện mới thật sự thân mật và mỗi lời phát ngôn đều cẩn trọng, không thể ba lơn, bá láp như lúc túm tụm đàn đúm của bạn lẫn bè ngoài quán nhậu. Ít ra, lúc nói năng còn phải giữ lời vì biết đâu lọt vào tai “gấu mẹ vĩ đại” của gia chủ thì phiền.

 

Vâng, ạ. Đồng ý và nhất trí. Nhưng lý lẽ “tốt hơn” như lời cô vợ vừa phát biểu, ta hiểu ra làm sao?

 

Dần dà, y mới nhận ra rằng, sau khoảng thời gian sinh, người phụ nữ chỉ ru rú ở nhà chăm con, họ đã những thay đổi về tâm lý. Trước hết, họ có nhu cầu cần được trò chuyện, nói chuyện, chia sẻ, tâm tình về kinh nghiệm nuôi con với nhiều người. Đành rằng, thời đại “4.0” này, chỉ cần một cú click chuột trên bàn phím, một cái lướt ngón tay trên điện thoại di động cũng tìm kiếm được biết bao thông tin.

 

Vẫn chưa đủ.

 

Họ còn muốn được nói, được tranh cãi, bổ sung thêm khi soi rọi với kinh nghiệm của chính mình. Cũng có thể những câu chuyện ấy họ đã biết, đã đọc đâu đó nhưng nay nghe bạn bè nhắc lại, kể lại đúng y chang mà họ vẫn thích thú. Rồi những tâm tình trên bàn nhậu với chuyện thời sự đang diễn ra, các câu bình luận nọ kia cũng khiến họ ngạc nhiên hoặc gật gù: “Ủa, có chuyện đó à? À, em chuyện đó cũng vừa đọc trên web”. Đại khái thế. Họ cần thông tin. Mà thông tin ấy là từ bạn bè để tạo ra một cuộc trò chuyện cởi mở. Có người nói, có người nghe, chứ không phải tiếp nhận thụ động một chiều. Nói tắt một lời, suốt một ngày ở nhà vật lộn với bé sơ sinh một cách “đúng quy trình” - dù hạnh phúc hân hoan, dù tẻ nhạt đi nữa thì họ cũng cần nghe nhiều, thêm nhiều tiếng nói cho rộn cửa vui nhà.

 

Thế nhưng vẫn chưa quan trọng bằng nhu cầu họ cần được nói. Ừ, thì nói đi. Nào ai cấm cản. Nhưng rồi, trong nhà chỉ có hai vợ chồng thì mỗi ngày chỉ vỏn vẹn chừng ấy âm thanh, chừng ấy câu chuyện. Nay có thêm bạn bè thân thiết của chồng/ vợ đến chơi nhà há chẳng phải rôm rã hơn sao?

 

Mà này, chỉ có mỗi một cô vợ cần có nhu cầu ấy thôi à? Không, còn có thêm cả… người chồng nữa. Vì rằng, sau khi đã có bé sơ sinh mấy ai có thể an tâm tếch ra quán bù khú như trước, phải chôn chân quanh quẩn từ ngoài sân đến xó bếp. Vẽ vang thay, họ đã hoàn thành xuất sắc vai trò vú em thời hiện đại @ mà cửa nhà neo đơn, chỉ mỗi vợ với chồng phải chăm bé:

 

Tuy nhiên không chỉ có thế.

 

Lúc bỉm sữa toàn tâm toàn ý lo cho bé sơ sinh, cần bạn bè đến chơi nhà, ngoài vợ lẫn chồng còn có thêm ai nữa? Thì… bé nhóc đang oe óe trong nôi chứ ai. Ủa, thế à? Tại sao lại thế? Ngộ quá đi thôi. Sẽ nói sau. Nhưng trước mắt y dám quả quyết một điều nghiêm túc, rằng, khi bạn có con, chính bé là người khiến bạn quyết định xác lập lại mối quan hệ bạn bè lâu nay đã có.

 

Liệu có đúng không?

 

Thưa rằng, y đã từng có dăm ba người bạn thân thiết, theo cách nói Quảng Nam của bà nội bé nhóc thì người bạn ấy và y đã quen biết từ thời “Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”. Vậy mà khi từ quê vào Sài Gòn chơi, hay tin, mừng quá, bèn mời về nhà nhậu cho vui, bạn chỉ nằng nặc đòi ra quán, chứ không ghé lại nhà. Đó là bạn hay bè? Thưa rằng, y đã có có dăm ba người bạn thân thiết, theo cách nói của nhà thơ Hồng Nguyên: “Quen nhau từ buổi “Một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Vậy mà ngày đầy tháng bé nhóc, y mời đến nhà chung vui, bạn chỉ nằng nặc đòi ra quán, chứ không ghé lại nhà. Đó là bạn hay bè?

 

Thời buổi này, thông qua danh sách trên điện thoại di động, có thể xác định xác định mối quan hệ của từng người. Vì rằng, danh sách đó không bao giờ “dẫm chân tại chỗ”. Thỉnh thoảng lại thay đổi. Xóa đi. Bổ sung thêm. Có những buổi chiều đẹp trời, ngồi một mình đang rỗi việc nên chàng nọ/ cô kia tẩn mẩn ngồi xem lại danh sách trên chiếc điện thoại - dù “cục gạch”, “cùi bắp” hoặc smartphone đi nữa thì họ cũng có động tác delete rất đỗi nhẹ nhàng. Đơn giản chỉ vì số điện thoại đó lâu nay không gọi tới, ngược lại, mình cũng không có nhu cầu gọi đi. Vậy xóa quách cho nhẹ máy chăng? Tại sao không? Một số điện thoại đã xóa đi, không chỉ là xóa một chuỗi con số vô hồn, còn là hành động dứt khoát xóa đi mối quan hệ với một con người.

 

Từ lúc trong nhà có bé sơ sinh, y cũng đã xóa dần.

 

Mà thôi, không dài dòng nữa. Không khéo “lạc đề” đang bàn.

 

Ừ, cái chuyện bé nhóc thích bạn bè của ba mẹ ghé chơi nhà là sao? Khó có thể phân tích một cách rạch ròi theo chuyên môn y khoa, y chỉ cảm nhận trăm lần như một, hễ những lúc cửa nhà đông đúc mọi người, âm thanh vui nhộn, ồn ào như vỡ chợ thì đứa bé khác hẵn mọi ngày. Khác hẵn lúc trong nhà chỉ có ba và mẹ. Đó là lúc hoặc khóc nhiều hơn hoặc bé “nói” nhiều hơn. Dù thế nào đi nữa thì bé vẫn hoạt bát hơn, sống động hơn, tay chân cử động nhiều hơn và thích nhất là bé “mồm mép tép nhảy” như đang đón nhận, muốn bày tỏ một điều mới mẻ nào đó. Rạng rỡ, tươi vui ra mặt. Nói như bạn thơ Trương Nam Hương và Đoàn Tuấn: “Trông bé “phởn”lắm lắm”.

 

Điều này, có lợi cho sự phát triển của bé nhóc chăng? Y tin là thế. Nếu một đứa trẻ như Tặc Zăng sống giữa rừng già, như Mai An Tiêm, Robinson lạc trên đảo hoang liệu có nhanh biết nói như bé được sống chung trong một cộng đồng rộn rã sắc âm thanh? Cô vợ của y tinh tế quá đi thôi, đã nhận ra điều đó nên mới thì thà thì thầm tâm tình một câu rõ nhớ: “Lần sau, nếu thích, anh cứ rủ bạn bè thân thiết về nhà nhậu chơi vẫn tốt hơn”. Vâng ạ, nói như cụ Nguyễn Du: “Được lời như cởi tấm lòng”.

 

Há chẳng sướng lắm sao?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment