NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự

Mục lục
NGUYỄN VĂN MỸ: Vài suy nghĩ thời sự
VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH VÔ ĐỊCH BIA
TÁC PHONG LÃNH ĐẠO MỚI
TRỜI KHÔNG CÓ LỖI
NHỮNG NGƯỜI VIỆT VĂN MINH
HỘI CHỨNG TƯỢNG ĐÀI
Tất cả các trang

2675-myngyen_van_my_R

Nguyễn Văn Mỹ
(UV.BCH Hiệp Hội Lữ hành VN)

Cùng một tác giả:

Vài suy nghĩ thời sự 2014

Lễ chào  cờ trên đảo Phan Vinh (thơ)

Tạ lỗi (thơ)

Dubai - tất cả đều có thể

Nỗi khổ doanh nghiệp

Việt Nam sử lược diễn ca

Du lịch Việt Nam cuối năm nhìn lại


 

VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH VÔ ĐỊCH BIA

Việt Nam hiện xếp hạng nhất về tiêu thụ bia rượu và hạng 8 về kinh tế Asean. Xếp hạng kém đã buồn nhưng xếp hạng nhất càng buồn hơn. Bởi lẽ cái đáng nhất thì không được, cái đáng xấu hổ thì lại nhất mới oái ăm. Kinh tế Việt Nam xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar nhưng sau Đông Timor mới thành lập.

Tôi vừa đi Myanmar về. Sau mấy chục năm “bế quan tỏa cảng”, Myanmar đang chuyển mình chóng mặt, thay đổi đến kinh ngạc. Cứ đà này, chừng 5 năm nữa, Myanmar sẽ qua mặt Việt Nam. Lào và Campuchia xếp hạng dưới Việt Nam nhưng nhiều mặt họ ăn đứt. Số nước miễn thị thực (visa) cho Lào và Campuchia nhiều hơn Việt Nam. Ngay cả du lịch, xét về hiệu quả trên dân số thì Lào và Campuchia bỏ xa Việt Nam. Dân số Lào gần 7 triệu người nhưng đón 3,5 triệu khách quốc tế. Campuchia gần 15 triệu dân, đón 4,5 triệu du khách. Dân số Việt Nam hơn 91 triệu nhưng chỉ đón được 7,9 triệu khách quốc tế.

Xét về tiềm năng và điều kiện, cả thiên thời và địa lợi; Việt Nam đều hơn hẳn, nhưng thua kém về nhân hòa. Con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới hậu quả yếu kém hiện nay của đất nước. Từ quản lý đến quy hoạch, từ giáo dục đến tổ chức bộ máy, từ an ninh xã hội đến cơ sở hạ tầng, từ vệ sinh môi trường đến vệ sinh thực phẩm, từ chất lượng dịch vụ đến mẫu mã sản phẩm, từ lãng phí đến tham nhũng… Lĩnh vực nào cũng có những vấn nạn trầm kha nhưng chưa có biện pháp hành động cụ thể và quyết liệt. Cứ hô hào suông hết năm này qua năm khác. Khi báo chí và dư luận lên tiếng thì khắc phục nửa vời, làm cho có; kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”… Nhiều nơi, thay vì phải làm gương, lãnh đạo lại đứng ngoài vòng pháp luật và “ngồi trên đầu” nhân dân. Lãng phí, tham nhũng cứ mặc sức lộng hành, bộ máy liên tục phình nở, an ninh xã hội ngày càng kém và rác rưởi cứ “phát triển” không ngừng…

Trong điều kiện như vậy mà kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng thì quả là chuyện lạ, khó tin mà có thật. Nếu giải phóng được mọi cản trở hiện nay, có bước đi đúng đắn và tất cả đồng lòng, tôi tin là trong vòng 20 năm, Việt Nam đủ sức bứt phá để dẫn đầu Asean về kinh tế. Tôi thường hỏi bạn bè nước ngoài: “Ấn tượng nhất của bạn khi đến Việt Nam là gì?”. Đa phần trả lời là những vấn nạn của Việt Nam mà cảm nhận chung nhất là “Sự tích cực của việc ăn uống, đặc biệt là rượu bia”. Mới nhìn, cứ nghĩ là tích cực vì kích cầu tiêu dùng nhưng ngẫm lại, “Lợi bất cập hại”. Hậu quả của việc ăn uống vô độ là béo phì, to bụng và nhiều bệnh lý khác. Không ở đâu, rượu - bia - thuốc lá lại rẻ và dễ mua như Việt Nam. Bia rẻ hơn cả nước suối, lại còn được khuyến mại mồi nhậu. Ai cũng biết tác hại khôn lường của rượu bia quá độ nhưng vẫn thản nhiên chấp nhận. Thậm chí nhiều nơi còn khuyến khích, xem tửu lượng là niềm tự hào, là ISO của cuộc sống để thách đố nhau.

Khó tìm được buổi tiếp khách nào, từ quan đến dân, mà không có rượu bia. Bộ Y tế cứ báo động, nhưng các cơ quan của ngành và ngay cả bệnh viện, vẫn nhậu xả giàn. Còn xã hội, cứ thản nhiên và dửng dưng, vì càng uống nhiều bia rượu càng góp phần tăng đủ thứ ngân sách cho các địa phương. Bi kịch và nguy hại nhất là chỗ này. Mới đây nhất, ngay trước ngày Tết độc lập của đất nước, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn hỏa tốc cho toàn bộ lãnh đạo tỉnh; từ Tỉnh ủy, Ủy ban, Hội đồng Nhân dân đến các ban ngành, đoàn thể; các doanh nghiệp; các cơ quan truyền thông… Giấy mời số 531/GM - UBND do  chánh văn phòng Lê Minh Đạo ký ngày 1/9 với mũi tên dấu mộc Hỏa Tốc. Cứ tưởng, công văn chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm quốc khánh 2/9 hoặc Lễ khai giảng năm học mới 5/9 đang được cả nước tập trung, khẩn trương đổi mới.

Ai dè là công văn hỏa tốc mời toàn bộ lãnh đạo tỉnh tập trung dự Lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” vào ngày 5/9. Giấy mời còn nêu đích danh chỉ thị 48/TW-CT của Bộ Chính Trị về chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và “yêu cầu tất cả phải tham dự đầy đủ, đúng giờ!”. Chưa có sự kiện lịch sử, chính trị nào được quan tâm như thế. Mấy đây lại thêm chuyện 7 cán bộ Sở Giáo Dục Hà Tĩnh được “lãnh đạo mời” làm bản tường trình và kiểm điểm vì dám “không uống bia sài Gòn” khi họp mặt, mà lại dùng bia khác. Rồi việc chính quyền sở tại ép các cơ sở kinh doanh nếu không bán bia Sài Gòn sẽ bị phạt nặng vì những lỗi thông thường…

Chưa có tỉnh, thành nào dám “chơi ngông” như Hà Tĩnh. Chưa bàn đến việc vi phạm luật cạnh tranh thì giấy mời hỏa tốc của Hà Tĩnh là sự tùy tiện và cả báng bổ nhà nước, mà cụ thể là chính UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đáng buồn hơn, khi dư luận xã hội và báo chí bức xúc, thì các cơ quan Hà Tĩnh; từ Văn hóa, Thông Tin, Công Thương…đều đồng ca phụ họa cho tính đúng đắn và cần thiết của công văn.

Tôi chưa rõ, ngày 5/9; toàn bộ lãnh đạo Hà Tĩnh có “tham dự đầu đủ, đúng giờ” lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” hay không. Tôi càng không tin , lễ khai giảng năm học mới với nhiều đổi thay kỳ vọng của cả nước sáng ngày 5/9  tại Hà Tĩnh  sẽ có các lãnh đạo tham dự “đầy đủ và đúng giờ” vì tỉnh không hề chỉ đạo, càng không có công văn hỏa tốc. Biện minh cho hành động vô lối này, quan chức Hà Tĩnh cho rằng năm ngoái Bia Sài Gòn đóng góp cho ngân sách Hà Tĩnh 380 tỉ nên tỉnh phải ưu tiên hỗ trợ. Nói kiểu đó, có đại gia nào góp cho tỉnh 400 tỉ, tỉnh sẽ huy động tất cả lãnh đạo đến dự sinh nhật, đám cưới, đám giỗ và buộc cả tỉnh phải dùng sản phẩm của họ dù không có nhu cầu, thậm chí là nguy hại?.

Tháng 8/2014, Huyện Ủy Kỳ Anh cũng có công văn chỉ đạo cả huyện phải dùng bia Sài Gòn, không dùng  các loại bia khác. Dư luận  đã lên án nhưng cấp trên vẫn im lặng. Nếu việc này không được xử lý rốt ráo, không chừng các tỉnh, thành đua nhau chỉ đạo cả lãnh đạo và nhân dân phải dùng sản phẩm đóng góp lớn nhất cho địa phương; bất kể đó là thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…? Nếu sự quan tâm đó dành cho giáo dục, y tế, xã hội và các hoạt đồng cộng đồng thì tốt biết chừng nào. Cứ đà này, Việt Nam sẽ sớm vô địch rượu bia của thế giới vì được lãnh đạo quan tâm đặc biệt. Hà Tĩnh sẽ trở thành thủ đô bia của nhân loại?

Buồn thay cho quê hương “địa linh nhân kiệt”; vùng đất từng sản sinh ra Mai Hắc Đế, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thiếp, Ngô Văn Sở, Phan Đình Phùng…và rất nhiều danh nhân khác.

*Nguyễn Vũ Mộc Thiêng


TÁC PHONG LÃNH ĐẠO MỚI

Tuần rồi, tôi có việc tư vấn cho một dự án dịch vụ du lịch ở cửa khẩu M. thuộc tỉnh T. Buổi trưa, chủ dự án mời cơm thân mật, toàn cây nhà lá vườn và rượu vang. Có lãnh đạo tỉnh, mấy nhà đầu tư, cả trong và ngoài trước. Trong các vị khách có 2 ủy viên TW Đảng, một là đương kim bí thư tỉnh ủy, mới được bầu. Người kia là cựu Phó chủ tịch tỉnh, nay là chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Khách ngồi theo bàn dài. Một bên toàn lãnh đạo, bên kia là mấy doanh nghiệp và cấp dưới. Tôi ngồi bàn doanh nghiệp. Anh em bên nào cũng rôm rả dù không có bia bọt. Đang cao trào thì anh TLQ. bí thư tỉnh đến cụng ly. Dù nghe bạn bè nói nhiều về anh nhưng tôi chưa có dịp trò chuyện. Anh cầm ly rượu vang đến làm quen “Tôi biết anh từ lâu qua các bài báo đầy lửa”. Tôi ngạc nhiên vì mình không phải nhà báo, chỉ viết chơi, chứng tỏ anh đọc khá nhiều. “Mời anh 1 ly, hôm nào rãnh mời anh lên góp ý cho du lịch tỉnh nha”. Tôi cảm động vì sự chân tình và bình dị hiếm thấy. Biết tôi không uống được, anh chỉ cười trừ, không ép. Anh còn bảo “ngồi bên này thoải mái hơn”.

Chợt nhận ra Hưng, trước làm bảo vệ, nay đang là nhân viên phục vụ. Hơn mười mấy năm trước, khi anh còn làm Ban quản lý khu Kinh tế tỉnh, 2 người thỉnh thoảng vẫn lai rai ngoài giờ. Mừng như gặp lại cố nhân, anh vồn vã gọi “Hưng, mày ra đây uống với anh 1 ly, mừng anh em hội ngộ”. Hưng ngỡ ngàng, luống cuống rời bếp ra cụng ly với bí thư tỉnh ủy. Nhiều người bất ngờ, còn anh vẫn hồn nhiên xem như việc bình thường của những người bạn lâu ngày gặp lại. Việc rất nhỏ nhưng thể hiện phong cách và cả phẩm chất của người lãnh đạo. Mấy phó chủ tịch tỉnh đi cùng anh cũng rất trẻ, bình dị và khiêm tốn. Đúng là “tướng sao, lính vậy”. Những người như vậy không thể làm hại ai, càng không thể làm hại đất nước.

Năm ngóai, trong lần giới thiệu qui hoạch du lịch tỉnh Đ. (miền Tây), tại Sài Gòn, anh LMH. bí thư tỉnh cũng làm tôi ngạc nhiên vì thói quen ham đọc sách. Anh bảo “Tôi đã đọc hết 2 cuốn sách về du lịch của ông trên các chuyến bay”. Nhưng người ham sách, mê đọc thì có cả kiến thức lẫn thực tế. Lớp lãnh đạo mới, mà tôi từng gặp khá nhiều, những người tạm gọi là trẻ vì chỉ trên dưới 50 như các anh rất năng động và gần gũi, tạo cho người tiếp xúc sự tin cậy và kỳ vọng.

Nguyễn Văn Mỹ


TRỜI KHÔNG CÓ LỖI

Mấy ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin “Mưa giông làm rớt bồn chứa nước khiến cháu bé 8 tháng tuổi tử vong” tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức lúc 15g30 ngày 4/9. Những dòng tin lạnh lùng và tội lỗi đổ lên đầu trời đất. Đã thành bệnh dịch rất khó chữa, là hễ có khiếm khuyết sai phạm gì, cứ đổ hết cho trời là xong chuyện. Cứ tưởng Trời ghê gớm lắm, bởi ai cũng cầu khẩn vái van. Ai dè, Trời chẳng làm được gì, kể cả khi mình luôn bị vu oan giá họa.

Cái gì cũng đổ tại Trời; từ mưa, nắng, gió, nhiều mây đến nóng, lạnh… Mưa có tội vì có thể gây ngập lụt, nắng cũng có tội vì có thể gây hạn hán. Trời nóng - cảm, trời lạnh - nhức mỏi nhưng trời không nóng, lạnh cũng bệnh tật đủ thứ. Cũng ông Trời đó, hồi xưa, mưa chẳng sao. Giờ, chưa mưa đã ngập. Vậy đâu phải tại trời. Tại con người phá rừng, lấp sông, lấp cống, bức tử môi trường nên thiên nhiên phản kháng. Đành rằng cũng có lúc, Trời nổi giận vì con người coi trời đất chẳng ra gì.

Ông Trời, đấng tối cao thiêng liêng và quyền uy của nhân loại bị nhiều người Việt xấu xí biến thành sọt rác của mọi lỗi lầm khuyết điểm. Báo chí, không hiểu cố ý hay vô tình đang phụ họa cho việc đổ tội tại trời đất. Thông tin cho biết “Căn nhà 4 tầng có bồn chứa nước rơi làm chết người, cách đây mấy tháng cũng từng rơi bồn chưa nước xuống dãy nhà trọ, nhưng không gây chết người”. Cái xấu đã không được ngăn chặn kịp thời. Khi sự việc xảy ra, nếu chính quyền địa phương với đủ thứ ban bệ xử lý rốt ráo.

Nếu chủ nhà nghiêm túc xem xét sự cố thì tai nạn đã không xảy ra, bất kể trời mưa hay nắng. Vẫn còn may, khi bồn nước rơi, chỉ có 2 mẹ con ở nhà. Hậu quả, mẹ bị thương, con chết. Nếu xảy ra vào ban đêm hay giờ cơm, khi cả nhà quây quần đông vui, thì có khi  5 - 7 người theo ông bà cùng lúc. Những bồn nước kiểu đó, trước sau cũng rơi, không lúc này thì lúc khác. Vậy mà chủ nhà, ngoài việc đổ lỗi cho trời, còn đổ tại nhà trọ làm không kiên cố mới thủng mái.

Nếu bồn nước được xây dựng chắc chắn thì sự số sẽ không xảy ra. Mưa giông cả vùng, sao chỉ một nhà rơi bồn chứa?. Nhà này đã có “tiền sử” rơi bồn chứa trước đây nên lại càng đáng trách. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ nhà đã chủ quan khi không khắc phục sự cố lần trước nghiêm túc. Cũng phải truy trách nhiệm nhà thầu thi công lắp đặt bồn chứa. Thiếu, thậm chí không có chuyên môn; chủ nhà thì ham rẻ…Dù với lý do gì, cũng cần phải truy cứu trách nhiệm và xử lý thỏa đáng. Nhân sự cố đau thương này, cần rà soát toàn bộ hệ thống các bồn chứa nước tương tự trên phạm vi cả nước; đặc biệt là các vùng quê, vùng giáp ranh. Trước là chấm dứt những tai nạn thương tâm, sau là minh oan cho trời đất. Đừng để “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”, chưa chết người nên xã hội cứ dửng dưng.

Hình như mạng sống của người dân Việt rẻ rúng hơn nhiều nước khác? Có thể chết bất kỳ ở đâu với những lý do lãng xẹt, khó tin nhưng có thật. Có cách gì để tính mạng người dân Việt được trân trọng và bảo vệ một cách đầy đủ hơn? Không còn cách nào khác là nhà nước phải tăng cường các biện pháp quản lý thiết thực và người dân cũng phải góp sức bằng những biện pháp phòng tránh hiệu quả. Xin đừng tiếp tục đổ lỗi cho trời.


Nguyễn Văn Mỹ


NHỮNG NGƯỜI VIỆT VĂN MINH

Tháng 7 vừa tôi, tôi có dịp ra công tác và nghỉ tại khu du lịch Thiên Đàng, gần sân bay Chu Lai. Biển quá đẹp, khu du lịch mênh mông nhưng dịch vụ chưa tương xứng. Mùa hè nên khách rất đông. Ngạc nhiên là gặp ai, dù già hay trẻ, lớn hay bé, họ đều chủ động chào hỏi tôi niềm nở kèm những nụ cưới thân thương. “Cháu chào chú. Em chào anh. Chúc buổi sáng tốt lành. Chúc buổi tối ngủ ngon…”. Nhìn bề ngoài, nhiều người rất lam lũ, giọng nói đủ miền quê. Tự dưng mình thấy ấm lòng, thân thiện và vui lây khi chào hỏi lại. Đối xử với nhau như vậy, làm sao có chuyện xích mích, đánh lộn?

Hỏi ra mới biết, đây là trại hè định kỳ 2015 của Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Hội trại 5 ngày, tức là khai mạc từ ngày trước. Họ tất bật với các hoạt động trại, tôi bận bịu với công việc của mình. Chỉ gặp nhau lúc ăn và chiều tối. Làm láng giềng chỉ mấy bữa, tôi đi từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác. Hơn 750 trại sinh, đủ thành phần và lứa tuổi, đa phần là thanh niên mà tiệt nhiên không thấy ai rượu bia, lời qua tiếng lại, dù hải sản ven biển có sẵn và thức uống gọi mời. Cũng không thấy chuyện ồn ào cự cãi thường gặp ở các đám đông người Việt. Ngoài giờ hoạt động, trại sinh chia nhau từng tốp làm tổng vệ sinh khu vực, dọn dẹp từ rác đến lá rụng cành khô. Thiếu thùng rác vì địa bàn quá rộng, trại sinh còn có sáng kiến lấy ghế nhựa lật ngửa, dùng túi ni lông làm thành những thùng rác sáng tạo, không đụng hàng.

Anh Mai Phúc Việt, thành viên ban tổ chức trại tâm tình “Chúng tôi muốn mình đi tới đâu là chỗ đó phải sạch đẹp, văn minh hơn; cả tinh thần lẫn vật chất”. Hơn nửa cuộc đời, dong ruỗi khắp đất nước, lần đầu tiên tôi gặp đám đông những người Việt đáng yêu như vậy. Về lại Sài Gòn, tôi cứ trộm nghĩ, chỉ cần chừng 1/3 người Việt hiện nay suy nghĩ và làm được như vậy, thì đất nước đã chuyển mình, xã hội bớt nhiễu nhương. Ai cứ bảo người Việt xấu xí? Còn tôi, vẫn tin, có nhiều người Việt văn minh, dù là thôn quê hay phố thị.


*Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)


HỘI CHỨNG TƯỢNG ĐÀI

Dù chưa đến nỗi dậy sóng, nhưng dư luận xã hội đang xôn xao với đề án xây dựng tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh 1.400 tỉ. Nghe qua cứ tưởng là chuyện của mấy quốc gia phát triển, chứ không phải chuyện của xứ mình, nơi mà 1/3 dân số đang phải chật vật mưu sinh từng ngày, từng bữa. Đua nhau xây dựng các tượng đài tầm cỡ đang là hội chứng của tôn giáo và cả nhà nước.

Băn khoăn vì số tiền quá lớn khi lạm phát đang gia tăng, kinh tế suy thoái; nợ công chính thức của nhà nước, chưa gộp nợ của các doanh nghiệp, đã trên 30 triệu mỗi đầu người. Càng băn khoăn bởi sự minh bạch và tính hiệu quả của dự án. Những dự án tầm cỡ quốc gia, có chi phí khổng lồ từ tiền thuế của dân nhưng người dân chỉ nghe phong phanh khi báo chí đưa tin. Càng buồn hơn khi nghe  phát ngôn của  lãnh đạo tỉnh Sơn La. Rằng “Công trình là nguyện vọng và tình cảm của người dân Sơn La và Tây Bắc với Bác Hồ”. Tình cảm của các dân tộc Tây Bắc với Bác Hồ là có thật nhưng họ có muốn cắt bớt thu nhập chỉ mấy ngàn mỗi ngày trong hàng chục năm để làm tượng đài (thật ra là công trình) hay không là chuyện khác, hoàn toàn khác. Xin đừng lấy nhân dân làm bình phong cho bệnh hình thức, thói khoa trương và những ý đồ trục lợi nhóm.

Sơn La là tỉnh nghèo; còn 38,86 hộ nghèo và cận nghèo, mà dám chơi sang xây dựng tượng đài hoành tráng nhất nước, có thể nhất cả Asean. Thế nào cũng được Guiness vinh danh. Lại tổ chức đại lễ đón nhận. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Sơn La còn khẳng định “Tỉnh nghèo mà làm được (thật ra là chơi ngông) thì mới giá trị”. Không chừng, thi đua với Sơn La, nhiều tỉnh giàu hơn sẽ có những tượng đài tầm cỡ chấu Á và thế giới? Ô là là, tiền thuế của dân mà mấy vị tự tiện vung vít, muốn tiêu xài lãng phí sao cũng được. Đúng là chuyện lạ của Việt Nam. Dẫu là tiền chùa cũng phải có sư sãi quản lý. Nếu là tiền túi, đố vị nào dám bỏ tiền chơi ngông kiểu đó. Tôi rất thành kiến với những tượng đài hoành tráng. Càng hoành tráng càng tai tiếng, mà tượng đài chiến thắng Điện Biên (Điện Biên) và tượng đài Mẹ Việt Nam (Quảng Nam) là minh chứng sống động. Thùng rỗng thì kêu to, kẻ dốt thường hay khoe chữ.

Đi khắp Việt Nam toàn thấy tượng đài chiến đấu và tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào về quá khứ chiến đấu oanh liệt cũng nên vừa phải. Xin hãy biết xấu hổ vì sự lạc hậu nghèo nàn của đất nước hiện nay để nỗ lực vượt qua. Tượng đài mới, nếu có, thì đó là những khát vọng tương lai, những biểu tượng là thế mạnh kinh tế thật sự của từng vùng. An Giang có tượng đài cá Basa và tượng đài cây Lúa nhưng Bình Thuận vẫn chưa làm nổi tượng đài cây Thanh Long. Tượng đài mới, nếu có, cũng nên thăm dò ý kiến người dân, sao cho thiết thực, vừa phải. Kinh ngạc nhất là khi báo chí đưa tin, lãnh đạo tỉnh mới ú ớ giải thích rằng “Tượng đài chỉ chừng 200 tỉ, còn lại là các hạng mục khác”. Hạng mục gì, thiết kế cụ thể thế nào cũng chưa rõ vì “Tỉnh chỉ mới thông qua chủ trương”. Điều đáng nói là tượng đài tầm cỡ nhất Asean nhưng chưa được Thủ tướng phê duyệt và qui hoạch. Sau khi vỡ lở, chính phủ mới vội vàng thông qua?

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh chúa ghét bệnh hình thức và thói khoa trương, là mẫu mực về lối sống giản dị và tiết kiệm. Giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ kể rằng “Bữa ăn của Chủ tịch nước trong những năm đầu ở thủ đô chỉ là cơm với dưa cà và chút ít cá hoặc thịt”. Thỉnh thoảng được mời cơm chung, ông khó nuốt nên bị quở là “chê cơm Phủ chủ tịch”. Năm 1999, tôi đưa đoàn các Mẹ Việt Nam anh hùng quận 12 và huyện Hốc Môn tham quan ngôi nhà chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ 1954 – 1958. Các mẹ đã thốt lên “Đúng là Bác Hồ, chủ tịch nước mà cũng nằm giường gỗ, chiếu manh; ăn cơm chén sành như dân nghèo Nam bộ”.

Xin đừng biến chủ tịch Hồ Chí Minh thành những Kim Jong IL, Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên. Xin hãy để chủ tịch Hồ Chí Minh mãi sáng đẹp trong lòng mỗi người dân, chứ không cô đơn lạc lõng và xa rời nhân dân như ý muốn chủ quan của một số lãnh đạo.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com