BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU

Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU

Mục lục
Nhận định về sách LƯU ĐÌNH TRIỀU
Đọc một tình yêu
Ra sách sau 30 năm làm báo
Cùng nhà báo
Thắp niềm hy vọng
Để làm ra ánh sáng
Ước mong “Bật một que diêm” cho đời
30 năm, lửa vẫn cháy
Lưu Đình Triều - Tình bạn
LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG
ĐẾN ĐO ĐO
BẬT MỘT QUE DIÊM
30 năm: “Bật một que diêm”
Tất cả các trang

309Nha-bao

Nhà báo Lưu Đình Triều

 


"Tổ quốc không có nơi xa"

18/12/2011 23:17

Tập truyện ký của nhà báo Lưu Đình Triều đến tay bạn đọc vào những tháng ngày đặc biệt, khi hằng ngày hằng giờ những thông tin về biển đảo của Tổ quốc luôn được mọi người dân hết sức quan tâm.

Bởi thế, dù phần đầu của tập sách tập hợp các bài viết về những vùng biển đảo, biên giới của Tổ quốc từ cách đây gần 20 năm (Trường Sa - quần đảo bão tố; Ấm lòng, tín hiệu gửi Trường Sa, Hà Giang: trong - ngoài tầm pháo giặc; Pháo đài Trà Cổ; Côn Đảo, năm tháng đời người...), người đọc vẫn thấy rất đỗi gần gũi.

 TO-QUOC

Thời gian gần đây, đã có nhiều nhà báo trẻ được đi thực tế ở Trường Sa và đã có rất nhiều bài viết về cuộc sống lính đảo. Cùng chung thông điệp: cuộc sống lính đảo còn vô vàn thiếu thốn nhưng các anh vẫn kiên cường bám đảo để giữ vững chủ quyền đất nước, song đọc lại các bài viết của Lưu Đình Triều, mới thấy ngày ấy anh đã quan sát và ghi nhận được những chi tiết đắt đến ám ảnh: “Thấm thía nhất cái khổ cực của lính là lúc xem các anh đá banh. Từ bé đến lớn tôi chưa bao giờ thấy một trái banh lạ như vậy. Nó được khâu vá chằng chịt. Ở đảo sắt còn bị tàn phá nói gì đến những quả banh... Song vẫn chưa thấm gì so với hụt hẫng về tinh thần”. Và cái thiếu thốn về tinh thần ấy - trong đó thiếu nhất là những mối quan hệ bình thường của xã hội - thể hiện trong một câu chuyện thật xót xa: “Thiếu tá Trần Huy Lưu trầm ngâm kể: Có lần đoàn thành phố ra thăm, lính đã cố xin bằng được tất cả quần áo của một phụ nữ tốt bụng rồi chia nhau cất giữ”. Và Lưu Đình Triều đã tự lý giải hành động ấy của những người lính bằng cái nhìn đầy cảm thông, nhân bản: “Họ ấp ủ trong hòm xiểng hay đặt dưới gối để làm gì, nếu không là giữ lấy một mùi hương? Mẹ, vợ, chị, em, người yêu - tất cả đều mù mịt nơi xa.

Có chăng chỉ là hình ảnh trong mơ, nên “tặng phẩm” trên vẫn là cái gì rất thực và vô cùng quý giá...”. Khó khăn là thế, nhưng một người lính “đen nhẻm” vẫn cười vô tư, và câu nói “vô tư” của anh mà Lưu Đình Triều đã ghi lại khiến người đọc chứa chan xúc động: “Đảo của mình thì xa gần gì cũng phải giữ chứ. Chằng lẽ nơi xa thì không là Tổ quốc?”.

Cứ thế, ở phần 2 của tập sách - Những vùng đất: con người và khoảnh khắc, các bài viết của Lưu Đình Triều tiếp tục lôi cuốn người đọc bởi thái độ yêu thương chân thành của tác giả đối với những vùng đất xa xôi mà anh có dịp đặt chân đến, với những con người có số phận đặc biệt mà anh có dịp tiếp xúc. Cách viết mà độc giả đã dành nhiều thiện cảm cho Lưu Đình Triều từ tập sách đầu tay Bật một que diêm tiếp tục được phát huy, có điều ở tập sách thứ hai này, những con người mà Lưu Đình Triều đề cập, dưới cái nhìn của anh, mang tầm vóc thời cuộc.

“Tôi ngờ rằng khi viết báo, với Lưu Đình Triều là lúc anh rung lên những hồi chuông. Hồi chuông ấy ca ngợi tuổi trẻ và cũng tự nhắc nhở về mình” (Lê Minh Quốc). Một cuốn sách đáng đọc để soi lại mình trong tâm thế tuổi trẻ một thời.

Phạm Thu Nga

(nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111218/to-quoc-khong-co-noi-xa.aspx)


Thứ Hai, 09/01/2012, 07:18 (GMT+7)

Đọc một tình yêu

TT - Tình yêu Tổ quốc khi phơi phới nâng bước chân đi, lúc đằm sâu trong những câu chuyện lịch sử, lúc lại đau đáu trong những suy nghiệm từ bản thân…

TO-QUOC


Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Lưu Đình Triều quả đã có may mắn với những trải nghiệm của hơn 30 năm làm báo, cả một đời sống trong những biến động lịch sử để “đọc” rõ tình yêu Tổ quốc trong mình. Những địa danh như Trường Sa, Côn Đảo, những chủ đề như tuổi trẻ và sự lựa chọn một thái độ sống của họ được trở đi trở lại nhiều lần, nhiều năm, để so sánh, để ngẫm ngợi, và để khẳng định: từng hạt cát Việt Nam cũng là Tổ quốc.

Tổ quốc không có nơi xa, bước chân của nhà báo Lưu Đình Triều vừa cheo leo trên núi đá Hà Giang thoắt đã dầm nước biển ngoài đảo san hô Trường Sa, ngòi bút nhà báo vừa ghi chép cảnh những người trẻ chinh phục sông Đà, thoắt đã lại tái hiện chiến thắng của những người trẻ khác từ vài chục năm về trước. Quả là không có nơi xa. Việt Nam, những câu chuyện lịch sử có thể nghe được ở bất cứ nơi đâu, những nhân vật lịch sử có thể tìm thấy ở bất cứ chỗ nào, đã cho các nhà báo một khối tư liệu, chất liệu sống ngồn ngộn tưởng như không bao giờ dứt.

Và với một nhà báo như Lưu Đình Triều, chọn mảng đề tài về tuổi trẻ, về thế hệ trẻ làm sự nghiệp của mình, khối chất liệu ấy càng không bao giờ vơi cạn. Chính vì vậy, trong tập sách tập hợp các bài viết từ những năm 1980, 1990, lại tìm thấy những bài, những đoạn chỉ mới viết đây thôi, năm 2011, và vẫn với một tình yêu Tổ quốc vừa lặng lẽ ẩn sâu, vừa bồi hồi thổn thức của mình.

Cuộc đời của Lưu Đình Triều gắn liền với những biến động lịch sử khắc nghiệt của đất nước, con đường mà anh đã đi vì thế cũng gặp không ít những chông gai. Và cũng vì thế mà trong anh, tình yêu Tổ quốc lúc lặng như mặt hồ, lúc cồn như sóng nổi. Lưu Đình Triều gọi Tổ quốc là Mẹ, và mẹ nào thì cũng thương nhất là những đứa con thiệt thòi, chậm chân…

Đọc tập sách của anh, đọc được một tình yêu Tổ quốc, lại cũng đọc được tình yêu phả ra từ từng hạt cát của Mẹ Tổ quốc dành cho những đứa con mình…

 

P.VŨ

(nguồn:

http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=473114&ComponentID=1



Lưu Đình Triều ra sách sau 30 năm làm báo

quediem3_jvlastnews_thumb

Ngày 16/6, cuốn 'Bật một que diêm' của nhà báo Lưu Đình Triều, do NXB Trẻ phát hành, xuất hiện trên các kệ sách. Đây là tuyển tập 85 bài viết chân dung về nhân vật đời thường, được chọn lọc từ hàng nghìn bài báo mà cây bút này viết trên suốt chặng đường dài gắn bó với nghề.

Với lối viết gãy gọn và nhiều hình ảnh, giàu cảm xúc và chân thực, chuẩn xác về mặt thông tin, các bài viết chân dung của nhà báo Lưu Đình Triều không chỉ cung cấp cho bạn đọc tin tức, sự kiện về nhân vật mà còn giúp cho độc giả hôm nay hình dung lại một giai đoạn đặc biệt của đất nước sau ngày giải phóng. Một giai đoạn tuy còn nhiều ngổn ngang, nhiều khó khăn nhưng vẫn bật lên những nhân tố độc đáo, góp phần quyết định sự phát triển của xã hội.

Đọc lại những dòng viết cũ của một nhà báo lâu năm của báo Tuổi Trẻ này, càng thấy quý cách viết đầy tìm tòi để lọc ra được giữa bộn bề cuộc sống những điều tốt đẹp ở con người thuộc mọi thành phần. Từ một cậu bé quét rác, người công nhân, cô sinh viên nghèo, người nhà giáo tàn tật, nhà khoa học, doanh nhân... Ở những con người bình thường và giản dị nhất, Lưu Đình Triều đã chắt lọc ra những nét đẹp trong công việc và những đóng góp của họ cho cuộc sống.

Nhà báo Lưu Đình Triều sinh đúng ngày đình chiến ở bán đảo Triều Tiên ngày 27/7/1953 nên cha ông là nhà báo Lưu Quý Kỳ, khi đó đang nghe đài về tin tức này đã "biên tập" tin và đặt tên con là Đình Triều.

Nhà phê bình Huỳnh Như Phương nhận xét, hành trình gắn bó với nghề báo của Lưu Đình Triều là hành trình của những ánh lửa. "Đọc những bài báo chọn lọc từ gần 30 năm hành nghề của Lưu Đình Triều, chúng ta dễ nhận ra thiên hướng chủ yếu của anh: đó là niềm say mê theo dõi hành trình của những ánh lửa chiếu sáng đời người", Huỳnh Như Phương viết.

Lưu Đình Triều tâm sự, cuốn sách ra mắt nhân dịp ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 cũng là cách anh ghi lại kỷ niệm của mình với nghề. Nhưng hơn thế nữa, món quà quý nhất mà nhà báo này nhận được chính là tình cảm của độc giả và những nhân vật mà anh đã viết về họ cách đây hàng chục năm, đến nay vẫn còn nhớ về người nhà báo trẻ năm nào.

Thoại Hà

(nguồn: http://evan.vnexpress.net/news/tin-tuc/trong-nuoc/2009/06/3b9ae51c/



Cùng nhà báo "bật một que diêm"

quediem3_jvlastnews_thumb

Tập sách Bật một que diêm, do Báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ giới thiệu, là tập hợp những bài viết của nhà báo Lưu Đình Triều. Nhà văn-nhà báo Lê Minh Quốc đã nhận xét về tập sách này: “Đọc Bật một que diêm cũng là lúc ta nhìn lại chính mình để vững tin hơn. Tin rằng trong cuộc đời còn có nhiều số phận bấp bênh nhưng họ đã tìm được thăng bằng từ nghị lực của chính họ. Không nguyền rủa bóng đêm, chỉ với một que diêm, họ đã tự thắp lên ánh sáng... Họ nghiến răng bước tới và cuối cùng họ đã đến. Tập sách của Lưu Đình Triều gieo cho người đọc niềm tin như thế”.

Nhà báo Lưu Đình Triều vốn là một cây bút sắc sảo của Báo Tuổi Trẻ vào những năm 1980-1990. Sau đó, anh làm công tác tòa soạn trải qua vị trí trưởng các ban Thanh niên, Văn nghệ, tổng thư ký tòa soạn của Báo Tuổi Trẻ. Tuy không viết thường xuyên nhưng những bài viết đã qua của anh luôn đem lại rung động cho người đọc về tính xã hội và góc nhìn nhân văn, mang nhiều nét lãng mạn, tích cực. Nó cũng là những bài viết hay về phong cách thể hiện để người đọc thích thú, người làm nghề thế hệ sau học hỏi.

HÒA BÌNH

(nguồn: http://phapluattp.vn/258233p0c1021/nha-bao-viet-ve-nghe-bao-cung-nha-bao-bat-mot-que-diem.htm


Thắp niềm hy vọng

Thứ Năm, 18/06/2009 00:02

BAT-MOT-QUE-DIEMxp


Gần 30 năm làm báo, nhà báo Lưu Đình Triều (hiện công tác tại Báo Tuổi Trẻ) mới ra mắt tập sách đầu tay, viết về chân dung các nhân vật trong cuộc sống với tựa đề Bật một que diêm (do NXB Trẻ ấn hành). Tác phẩm ra mắt nhân kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, như là một “sơ kết” cho hành trình làm báo của tác giả.

Những bài báo của anh luôn hướng về những ước mơ, cống hiến và nỗ lực vượt qua gian khó để tìm đường đến thành công của người trẻ. Ngòi bút của tác giả chạm đến vất vả nhọc nhằn của tuổi trẻ, trải vào nỗi đau lặng thầm của người thương binh không muốn sống cuộc đời tầm gửi; và tôn vinh cả những tấm lòng yêu thương, trân trọng của người trí thức chỉ biết sống cống hiến trọn vẹn với nghề...

Cho đến thời điểm này, những nhân vật trong trang viết của nhà báo Lưu Đình Triều ngày trước đã lớn lên, thành đạt và thật sự có rất nhiều cuộc đời đã đổi thay từ những bài viết của anh. Các nhân vật của mấy mươi năm trước cũng đã đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm Bật một que diêm như là một sự cảm kích, tri ân người đã cùng họ nâng niu thắp giữ một ngọn lửa niềm tin vào cuộc sống. Câu chuyện về “2 lít xăng hối lộ” của anh công an khu vực Q.10 Lương Ngọc Kim đến giờ vẫn còn là một kỷ niệm không quên với cả tác giả và nhân vật trong bài báo. Nhà báo Lưu Đình Triều kể, nhân vật của anh đến mấy mươi năm sau vẫn còn nhắc nhớ và gửi lời cảm ơn người đã giải oan cho mình trong vụ vu khống ăn hối lộ chỉ vì nhận 2 lít xăng mà một người dân cố tình ép đổ vào bình xăng xe. Một nhân vật khác, Ngô Đình Đức - cậu bé bơ vơ sống lăn lộn làm đủ mọi nghề trên đường phố ngày nào, cũng đã “báo cáo” với anh rằng giờ đang làm chủ một công ty và đã có một gia đình hạnh phúc. Rất nhiều những mảnh đời, những thân phận đi qua ngòi bút của người viết đã thay đổi cuộc đời theo chiều của hạnh phúc, bình yên.

Tập hợp lại những nhân vật của mấy mươi năm trước, nhà báo Lưu Đình Triều như người đi góp nhặt lại những mảng ghép của quá khứ để khắc họa bức chân dung của cả thế hệ trẻ một thời vất vả gian nan và sống tranh đấu, luôn vượt qua nghịch cảnh để đi đến bến bờ của hôm nay. Để rồi tất cả cùng góp tay bật một que diêm, để thắp lên một ngọn lửa hy vọng và niềm tin vào cuộc sống.

Hàn Đông

(nguồn:

http://nld.com.vn/2009061711023323p0c1020/bat-mot-que-diem--thap-niem-hy-vong.htm


 

"Bật một que diêm" để làm ra ánh sáng
Thứ bảy, 20 Tháng 6 2009

bat_mot_que_diem

TT - Đọc những bài báo chọn lọc từ gần 30 năm hành nghề của Lưu Đình Triều, chúng ta dễ nhận ra thiên hướng chủ yếu của anh: đó là niềm say mê theo dõi hành trình của những ánh lửa chiếu sáng đời người.

Ở đây có thể là sự kết hợp giữa nhu cầu công việc của một tờ báo dành cho tuổi trẻ với ý thức tự nguyện của người viết báo đã dẫn đến sự chọn lựa và quan tâm bền bỉ của một ngòi bút. Từ những bài báo đầu tay cho đến gần đây, quả là Lưu Đình Triều chủ yếu hướng về tuổi trẻ ước mơ và khát khao cống hiến. Đó là những thủ khoa trong các kỳ thi đại học, là những công nhân góp cho đời đôi bàn tay vàng, là những thương binh không cam chịu sống cuộc đời tầm gửi, là những nhà khoa học và doanh nhân trẻ luôn xem lòng tự trọng của sự nghiệp cao hơn danh tiếng...

Có thể lý giải điều đó một phần từ con đường nhập cuộc vào xã hội mới của chính tác giả những bài báo này. Hoàn cảnh gia đình cùng những vướng víu và nỗ lực cá nhân của Lưu Đình Triều cho thấy bản thân anh cũng là một “nhân vật” tiêu biểu của thế hệ đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử vào năm 1975. “Không ai chọn cửa mà sinh ra” là câu ông Võ Văn Kiệt hay nói những năm tháng đó. Với Lưu Đình Triều và những người cùng thế hệ với anh, có thể nói thêm: không ai chọn thời mà sinh ra.

Đó là cái thời mà cha con, anh em, bạn bè... do run rủi của số phận có thể đứng hai bên bờ chiến tuyến. Cái thời đó đã khép lại và nỗ lực của những người thiện chí là mở ra một thời kỳ mới cho sự hòa giải và hòa hợp, bởi vì vẫn nói như ông Võ Văn Kiệt: “Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 31-5-2009).

Tôi hiểu những bài báo có tính chất biểu dương nhân tố mới của Lưu Đình Triều nằm trong một phối cảnh rộng hơn của hoạt động khẳng định chỗ đứng của thế hệ trẻ miền Nam sau chiến tranh, điều mà những tờ báo giàu lý tưởng như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã làm một cách xuất sắc. Thật không có gì lạ khi một người có hoàn cảnh “tréo ngoe” như Lưu Đình Triều đã được chọn để đi sâu phản ánh và thể hiện ý chí phấn đấu của một lớp trẻ đầy tâm tư giằng xé. Ở đây, điều quan trọng là sự thấu hiểu và đồng cảm của một ngòi bút tự đặt mình vào vị thế của người trong cuộc.

Khi tập hợp những bài báo này nhân dịp 21-6, có lẽ Lưu Đình Triều chỉ muốn giữ lại như một kỷ niệm gửi đến bạn đọc. Rõ ràng đây chưa phải là một “bản sơ kết” hành trình làm báo. Đây cũng không phải là một “bản tổng kết” những tấm gương điển hình cho sự vượt khó và vươn lên. Đường đời dài lắm, nhiều khúc quanh, ghềnh thác, người từng tự tin băng qua lối đi hẹp để tìm đến chân trời cũng có lúc chồn chân dừng lại giữa đường. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Điều mà chúng ta có thể tổng kết được chính là sự chọn lựa và thái độ dứt khoát không chịu làm người bàng quan và vô tâm trước những đổi thay, dù chỉ là khiêm tốn “bật một que diêm” để làm ra ánh sáng.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

(Nguồn: http://tusach.tuoitre.com.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=322206&ComponentID=172)


Cập nhật ngày: 19/06/2010

Ước mong “Bật một que diêm” cho đời

Khi mới vào nghề, không hiểu sao tôi lại thích viết thể loại ký chân dung nhân vật. Nhiều người bảo rằng, chọn viết đề tài về "Người tốt - việc tốt" là "khôn" vì an toàn, vì "ở đời ai lại chẳng thích khen".

quediem3

Thế nhưng, càng viết nhiều, tôi lại càng thấy đề tài này ngày càng "khó nuốt". Đối với người làm báo, khen hay chê đều phải đúng và có tác dụng cổ vũ, khuyến khích người khác làm theo.

Độc giả ngày nay rất tinh tường, theo dõi bài viết chặt chẽ và sâu sắc. Không ít tác giả bị phản đối vì "kê khống" thành tích của nhân vật, bài viết thiếu tính chân thật, ngay cả nhân vật được khen cũng phản ứng với bài viết do tô hồng quá mức… Thế nên, khi đọc “Bật một que diêm” tôi càng hiểu, càng có động lực hơn về mảng đề tài mình đang theo đuổi.

"Bật một que diêm" gồm 84 bài viết (tạm gọi là chân dung các nhân vật "Người tốt - việc tốt") được tập hợp hơn 30 năm làm báo của ông. Với các nhân vật trong quyển sách được nhiều người ví von là tổng kết này, Lưu Đình Triều cho rằng: "Muốn "tổng" cũng không "kết" được bởi trước đây chẳng có "net" để lưu… "Ánh lửa" thì cũng nhiều, le lói có, cháy bùng có. Có lửa do chính mình bật, có lửa do thiên hạ bật và mình tìm thấy nét gì đó hay hay nên tiếp cận và thổi cho cháy bùng lên. Khi đặt bút viết về nhân vật nào là khi ấy trong tim mình đã "cảm" và viết chỉ là truyền dẫn đến người đọc mong tìm sự đồng điệu. Những nhân vật, đa phần là người đời thường mà ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống quanh mình. Họ có thể sáng trong thời điểm ấy và sau đó có tắt cũng là chuyện bình thường. Còn những người sáng mãi thì quá tốt".

Chỉ điểm qua những cái tên bài viết, cũng đủ chúng ta hình dung về những người trẻ ấy qua là những người như thế nào: Chiếc xe lăn không đậu bên lề cuộc sống, Bùi Thị Huệ: đường dẫn đến tài năng, đường du học của một học sinh nghèo, Không vì tình cảm thân thuộc mà bao che cái xấu, Từ Trung sĩ đến phó tiến sĩ, Viện sĩ Trần Đức Ba: Ý chí học tập vẫn thắng được cảnh nghèo, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoè: Muốn có tiếng reo vui cần phải biết quên mình, Tay trắng làm nên… trăm cây vàng …

"Bật một que diêm" là cuốn sách đầu tay của Nhà báo Lưu Đình Triều. Các công việc đã trải qua: phóng viên, tổ trưởng, trưởng ban, trưởng phòng, thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn, trợ lý tổng biên tập. Ông thủy chung cùng Báo Tuổi Trẻ từ khi tốt nghiệp lớp đại học báo chí khóa 3 Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền). Lưu Đình Triều là con của nhà báo nổi tiếng Lưu Quý Kỳ.

Và khi đọc tập sách "Bật một que diêm" của Nhà báo Lưu Đình Triều, tôi càng hiểu sâu sắc hơn bài giảng năm xưa của thầy: Phát hiện, cổ vũ cho một tấm gương nào đó còn đòi hỏi sự dũng cảm của người làm báo.

Bài viết "Chuyện về một nữ sinh viên Sài Gòn ở Bến Tre" là một ví dụ. "Dẫu sao, toàn bộ câu chuyện về Thu trong sáu năm qua làm một số bạn bè quen biết cũ bàn tán. Nhất là khi biết Thu còn hăm hở, dự định về Trường Thủ Đức làm trợ lý thanh niên, có bạn đã lắc đầu: "Thời buổi bây giờ cái lối sống lý tưởng đã bị đóng băng trước những hiện tượng tiêu cực". Thu tiếp tục sống một cách lý tưởng thì thật ngây thơ và lạc lõng! Thực tế chưa làm Thu "sáng mắt sao?". Ngược lại, trong trao đổi với tôi, Thu cho rằng tuổi trẻ bây giờ chưa phải là nguội lạnh tất cả. Từ Bến Tre, nghe đài tường thuật lại cuộc thi hùng biện "Giải pháp kinh tế 91" ở Nhà văn hóa Thanh Niên gần đây, Thu thấy nhiều bạn còn "lửa" lắm, mà lại có trình độ lập luận hay hơn bọn Thu hồi trước nhiều… Bạn Thu đúng hay Thu đúng? Riêng tôi, tôi vẫn lo rằng nếu xã hội và cụ thể là các cơ quan có trách nhiệm đối xử với những người tích cực như Thu một cách phũ phàng, thì đừng trách những "ngọn lửa thắp sau" sẽ sớm lụi tắt".

Nhà báo Lưu Đình Triều phát hiện ra những con người rất bình thường nhưng có những hành động đẹp, cống hiến cho cộng đồng, những con người giàu lý tưởng sống dù cuộc đời của họ trải qua rất nhiều gian nan, vất vả, thậm chí là sự trù dập, cản trở sự cống hiến ấy. Bài viết "Những lon sữa còn lại" kể về 2 vợ chồng nghèo vừa dạy học vừa làm công tác Đoàn. "Ngồi trên giường bệnh, Hoa vẫn say sưa nói về lớp học, về những khó khăn trong công tác Đoàn. Dường như nhiệt tình anh vẫn vậy, dù có đôi lần loáng thoáng tôi nghe dư luận trong quận, phường nói anh lúc này bắt đầu giảm lửa… Trên giường bệnh của anh, tôi nhìn thấy hộp sữa khui dở. Biết trò còn nghèo hơn mình, thầy không nhận, trò khóc, cho là thầy khi dễ. Những hộp sữa ít ỏi là phần thưởng lớn nhất mà Hoa và vợ nhận được từ cuộc sống. Song nếu chỉ chừng ấy, liệu những con người sống đẹp như đôi vợ chồng cán bộ Đoàn này sẽ đứng vững được bao lâu".

Trong "Khơi dòng chảy "Lạc ổi", tác giả nhìn nhận: "Nhiều người vẫn cho rằng xã hội bây giờ cứ ra ngõ là gặp chuyện tiêu cực, còn chuyện tích cực sao hiếm hoi như lá mùa thu. Bình tâm nghĩ lại, thấy hình như đúng mà… chưa đúng. Hình như đúng, bởi vì một Bùi Tiến Dũng PMU 18, Vũ Đình Thuần PMU 112… vừa bị lôi ra ánh sáng và được cả xã hội quan tâm, thậm chí thuộc làu làu tên họ. Sự quan tâm ấy có yếu tố khách quan. Vì bức xúc trước tệ nhũng nhiễu, vì tò mò muốn xem những kẻ xấu ấy bị xét xử như thế nào… Còn chuyện tích cực dù không được nổi đình nổi đám, nhưng vẫn nhiều lắm trong xã hội ta. Những câu chuyện ấy thường vẫn như một dòng chảy ngầm - dù có mạnh mẽ chăng nữa - vẫn là lặng thầm dưới bề mặt của dòng đời". Dù là lặng thầm nhưng tác dụng của nó đối với xã hội thật lớn lao. Bởi lẽ "dòng chảy "Lạc ổi" sẽ hun đúc mạnh mẽ ý chí của bao học sinh nghèo khó và cả những em có hoàn cảnh may mắn hơn chăng nữa. Bởi nghị lực, ý chí luôn là hành trang cần thiết cho bất kỳ người trẻ nào trong bước đi lên"./.

Khánh Nam
(nguồn:

http://www.baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=8901



Nhà báo Lưu Đình Triều với "Bật một que diêm":

30 năm, lửa vẫn cháy

 

BAT-MOT-QUE-DIEMxp

"Bật một que diêm" (NXB Trẻ và Báo Tuổi Trẻ xuất bản) là tuyển tập các bài viết của nhà báo Lưu Đình Triều, vừa ra mắt bạn đọc nhân  kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng VN năm nay. Đó là chân dung đời thường của 84 nhân vật, qua ngòi bút và cách nhìn của một nhà báo trong khoảng thời gian khá dài: 30 năm. Thoạt tưởng sẽ bị mòn đi theo năm tháng, nhưng những trang viết đầy tình người, sự chia sẻ của người trong cuộc, đã khiến người đọc thấy gần gũi với đời sống hiện tại. Bởi ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, con người vẫn rất cần một niềm tin để vượt qua những thời khắc khó khăn. Đó cũng chính là ý tưởng mà tác giả đã chọn lọc trong hàng trăm bài báo đã viết để làm nên tập sách.

Hiện lên rõ ràng từng chân dung: một anh sinh viên nghèo sống dưới gầm cầu thang, một cậu bé quét rác, một đôi vợ chồng trẻ vươn lên làm giàu từ vùng núi rừng Tây Nguyên, cô đội trưởng sản xuất trên đường biên giới, vị giáo già tàn tật, tấm gương hy sinh của một cán bộ văn hóa phường... Tất cả được thể hiện bằng lối viết cảm xúc, giàu hình ảnh. Tập sách như một cuốn phim, đưa người đọc đi từ năm 1983 - 2007, với những thay đổi của đất nước. Trong đó, hình ảnh của những nhân vật vốn rất bình dị trong cách ăn, nết ở, nhưng hành động của họ lại hiện lên lấp lánh, góp phần quyết định cho sự hình thành nhân tố mới.

Khác với cách viết chân dung "người tốt việc tốt" thường thấy ở một số trang báo, Lưu Đình Triều tiếp cận nhân vật từ nhiều góc độ. Trong mỗi gương mặt, đâu đó người ta thấy họ vẫn mắc phải những khiếm khuyết rất đời, rất người: Cậu bé mót rác hay cãi cọ, gắt gỏng với đồng nghiệp; anh "cấp dưỡng" vốn là một chiến sĩ công an... nhưng ham nhậu, bị kỷ luật ra khỏi ngành; anh sinh viên nghèo nhưng vào lớp cứ hay ham tán chuyện... Tuy nhiên, điều quan trọng là họ đã nhận biết những nhược điểm, lỗi lầm của mình để phấn đấu trở thành một người biết sống vì mình và vì mọi người.

Không vào nghề suôn sẻ như nhiều đồng nghiệp, để vượt qua mặc cảm của những định kiến, hoàn cảnh "tréo ngoe", hơn ai hết Lưu Đình Triều hiểu rằng những nhân vật của anh cần phải biết "bật một que diêm", nhen nhóm cho mình một ngọn lửa từ niềm tin, để đi tiếp hành trình đã chọn. Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương cũng đã gọi cách tiếp cận nhân vật, sự thể hiện của Lưu Đình Triều "là niềm say mê theo dõi hành trình của những ánh lửa chiếu sáng đời người... Từ những bài báo đầu tay cho đến gần đây, Lưu Đình Triều đã hướng về tuổi trẻ ước mơ và khát khao cống hiến". Ông cũng đã gọi tác giả là  nhân vật tiêu biểu của thế hệ tuổi đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử 1975, đã không đứng ngoài cuộc những khó khăn, nên sự thấu hiểu và thông cảm đã đặt ngòi bút của anh vào vị trí của người trong cuộc.

Lưu Đình Triều chia sẻ, số phận run rủi cho anh có dịp phụ trách chuyên trang Lối sống trên báo Tuổi Trẻ một thời gian khá dài. Từ công việc này, anh đã có dịp gặp gỡ những con người mà càng tìm hiểu, anh lại càng thấy yêu mến, quý trọng họ. Chính tình cảm dành cho nhân vật đã giúp anh không bỏ cuộc trước những đề tài khó. Cho đến bây giờ, anh vẫn không thể nào quên cảm giác bất lực khi tìm đến nhà người cán bộ văn hóa vừa mới hy sinh trong bài viết "Người như anh sao chết ở tuổi 20?"  (trang 71). Khơi gợi lại nỗi đau của người vợ trẻ bên bàn thờ khói hương nghi ngút là một việc không dễ với một nhà báo trẻ. Hai lần định dừng lại, nhưng cuối cùng, anh chọn cách tiếp cận "từ trái tim đến trái tim", để vẽ lại chân dung người đã khuất. Anh tin rằng, dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng rung động từ bài viết mà anh thích nhất này, vẫn nhận được sự đồng cảm của các độc giả trẻ .

Làm tập sách để kỷ niệm nên Lưu Đình Triều muốn cùng bạn bè và một số nhân vật của mình có dịp ngồi lại bên nhau để nhớ về một thời khó khăn chưa xa. Chẳng hạn, những nhân vật của anh như Ngô Đình Đức (trong bài viết Ngô  Đình Đức - không thể sống mà không có niềm tin) đã chia sẻ với một ân tình sâu sắc: "Bài báo đã mấy chục năm, khi tôi còn là một học sinh lớp 10 sống ở gầm cầu thang. Nếu không có bài viết với sự chia sẻ động viên của nhiều người, thì tôi chưa chắc đã vượt qua khó khăn để có được ngày hôm nay".

Cẩm Lệ

(nguồn: http://phunuonline.com.vn/giai-tri//nha-bao-luu-dinh-trieu-voi-quot-bat-mot-que-diem-quot-30-nam-lua-van-chay-nbsp-/a3093.html


 

*LÊ MINH QUỐC

TÌNH BẠN


(Tặng anh Lưu Đình Triều)

Tôi đã có những ngày không nơi trú ẩn
Bởi linh hồn kia đã vô tận nỗi buồn
Nắng tốt tươi nhưng lòng tôi cô độc
Trốn nơi nào rét mướt cũng vây quanh

May mắn quá vẫn còn nơi tin cậy
Không phải tình nhân cũng chẳng phải gia đình
Đơn giản lắm chỉ là người bạn
Một người anh rộng lượng nghĩa và tình

Một lời khuyên răn, một câu an ủi
Dịu dàng như bóng mát của vòm xanh
Tôi cúi xuống níu dây giày siết lại
Tự tin hơn mỗi bước bộ hành

Vâng, đời sống cần tâm hồn chia sẻ
Thắp lửa cho nhau lúc lạc bến xa bờ
Tin yêu lắm một điều giản dị:
Tình bạn lâu bền cũng quý báu như thơ

*LÊ MINH QUỐC

TẾT CỦA TUỔI GIÀ


(Tặng anh Lưu Đình Triều)

Bỗng vui như sớm mai thức dậy
Thấy ngày xưa vỗ cánh quay về
Mây thơm quá bởi mây đang trắng nõn
Ngày xanh hơn vì lưu cũng như lê

Ta thấy vợ cũng như người bạn nhỏ
Vẫn đôi môi ý tứ dấu son tươi
Tuổi bốn mươi vẫn là em mười sáu
Lúc đang yêu thấy khóc cũng như cười

Lúc đang già thấy trời mưa là nắng
Mắt liếc còn tình tứ cốm xanh non
Thấy ngày nào cũng bâng khuâng như Tết
Nếu có nhau tình bạn của tâm hồn

Tuổi năm mươi thấy hồng đào như mận
Vầng trăng non cũng thấp thoáng hoa đèn
Vẫn có nhau trong từng ngày xuôi ngược
Xuân đến rồi hoa súng ngát như sen

Giữ gìn nhé những tháng ngày chia sẻ
Giông tố lên cũng tựa lúc an lành
Nắng tốt tươi trong một ngày gặp lại
Tuổi năm mươi trái chín cũng là xanh


(2007)

*LÊ MINH QUỐC

NGÀY VUI
(Tặng Lưu Đình Triều)

Tôi về với nửa tôi thôi
Nửa tôi ở lại rong chơi cùng người

Em thơm mắt biếc môi tươi
Tà tà nắng xuống tiếng cười vọng lên

Đôi khi chẳng rõ tuổi tên
Vẫn là em vẫn là em một ngày

Bàn tay sờ soạng bàn tay
Mạch máu tay nọ tay này tay kia

Cùng nhịp thở với ly bia
Chạm nhau là gặp sao khuya đỉnh trời

Tôi về một nửa tôi thôi
Phân tâm hai ngã ngược xuôi mút mùa

Tuổi năm mươi đã già nua?
Xuân xanh trái chín humour đỡ buồn

(2008)

*LÊ MINH QUỐC

TẾT CỦA 50

(Tặng anh Lưu Đình Triều và Trịnh Lê Văn)

Lầm lũi đi qua những mưa những nắng
Đôi khi quên ăn, đôi lúc quên cười
Trong giấc mơ cũng nhọc nhằn quên ngủ
Ngày từng ngày vội vã ngược rồi xuôi...

Những đêm nào bỗng giật mình thức dậy
Gặp tiếng chim lững thững mái hiên nhà?
Âm thanh ấy vuông tròn trong trẻo quá
Sao lâu nay mình chẳng nghe ra?

Những khuya nào bỗng bộn bề là nắng
Ai thơm tho bởi môi mắt dậy thì?
Ai sờ ngực biết mình thêm một tuổi
Lại muộn phiền thêm một tuổi mất đi?

Một tuổi mất đi. Một ngày lại đến
Mưa nắng trên đầu cuộn sóng hư vô
Ai biết thế vẫn rụt rè gọi Quốc?
Sồng xộc thời gian không ngoái lại bao giờ

(Cuối năm 2007)

 

*LÊ MINH QUỐC

NHẬT KÝ THƠ

(Tặng nhà báo Lưu Đình Triều)

Chờ bạn ra sách mới

Như ngóng đợi người tình

Xuân xanh vừa chạm ngõ

Nắng giòn tỉnh tình tinh

Dòng chữ còn phiêu linh

Cựa mình trên trang giấy

Có sóng vỗ Trường Sa

Từ ngày xưa vọng lại…

Có mùa hoa biên giới

Khẩu súng chắc tay cầm

Trang viết thời tuổi trẻ

Vọng về tiếng chuông ngân

Có Hà Nội ngàn năm

Neo cuộc tình ngốc ngếch

Phố phường bóng cây xanh

Thở trên dòng chữ viết

Nắng đang xanh lộc biếc

Sách bạn sắp vào đời

Tôi vui như trẻ nhỏ

Đứng chào tuổi hai mươi…

XII.2011


 

LƯU ĐÌNH TRIỀU - RUNG MỘT HỒI CHUÔNG

 

1.

TO-QUOC

Có những con người ngay từ khi sinh ra, nghề đã chọn lấy họ. Nếu là nghề báo - ở một đứa trẻ sơ sinh, tôi ngờ rằng xem xét kỹ dưới lòng bàn chân, trong lòng bàn tay ắt sẽ thấy nhiều dấu vết chằn chịt. Như màn nhện. Như bàn cờ. Nó báo hiệu đường đi những chuyến viễn du của tương lai.

Lưu Đình Triều là một nhà báo.

Nhà báo? Nếu không đi, chỉ khép kín trong bốn bức tường điều hòa máy lạnh, không phóng một tầm mắt nhìn đặng quan sát từ chân mây đến cuối trời, liệu trang viết ấy có là chất liệu sống hay chỉ những xác chữ vật vờ? Không đi, không sống thử hỏi lấy gì mà viết? Nếu viết chăng, còn chữ ấy cũng hóa thành xác ướp?

Gió sương như búa: tài thêm chuốt

Hồ hải làm nghiên: bút mới thần.

Sở dĩ nhắc lại câu thơ của Tam Nguyên Vị Xuyên, để thấy rằng, chính từ những chuyến đi mà Lưu Đình Triều đã viết được nhiều bài báo lọt vào “mắt xanh” của người mộ điệu. Tập “Tổ quốc không có nơi xa”, lật từ trang đầu tưởng như còn nghe tiếng sóng vỗ bi tráng mãi tận Trường Sa nhưng gần lắm với lòng người; vẫn còn nghe tiếng súng từ Hà Giang của thập niên 1988 vọng đến… Khép lại trang cuối cùng, lại nghe vọng lên một hồi chuông khẩn thiết và ray rứt trình bày tâm thế của anh với cuộc đời này.

2.

Với tập sách đầu tay “Bật một que diêm” (NXB Trẻ- 2009), nhà báo Lưu Đình Triều đã khiến mọi người giật mình, nhìn lại. Nhìn sự việc và con người bình thường, do bình thường quá đỗi nên ít người ghé mắt đến. Nhưng trong mắt nhìn một nhà báo lại khác. Thì ra, chúng quanh ta vẫn còn, còn rất nhiều thân phận tuổi trẻ không đầu hàng số phận. Không đánh đu theo số phận.

Nhà báo ấy, ngay từ dòng chữ đầu tiên đến dấu chấm của trang viết cuối cùng một đời người vẫn là viết về tuổi trẻ.

Nói cách khác, có một thế hệ tuổi trẻ đã là chất liệu sống trong hàng ngàn bài báo của anh. Hơi thở, nhịp sống của một thế hệ đã được anh phản ánh lại trong từng khoảnh khắc ngắn và dài của nhiều chuyến đi. Đi và viết. Anh không đứng ngoài cuộc. Anh đồng hành và dấn thân.

Và bây giờ, ở tập sách “Tổ quốc không có nơi xa”, một lần nữa cũng máu thịt, hồn vía một thế hệ tuổi trẻ lại lừng lững đi vào trang viết của nhà báo Lưu Đình Triều. Với tựa tập sách như thế, hẳn bạn đọc nghĩ rằng, hồn nước luôn hiện hữu từ chân tơ đến kẽ tóc trong tâm hồn mỗi người. Và Đất của Tổ quốc, nơi nào lại không thấm đẫm máu và mồ hôi nhọc nhằn của nhiều thế hệ đi giữ Nước. Vâng, khái niệm xa và gần không là một khoảng cách cả địa lý. Vượt qua mọi khoảng cách, Tổ quốc luôn gần lắm, gần lắm trong ý thức công dân. Với suy nghĩ đó, nhà báo Lưu Đình Triều đi ra Trường Sa, Vũng Tàu, Côn Đảo ngược lên biên giới Hà Giang, Điện Biên, hành hương về Tân Trào, sống với mùa lũ sông Đà rồi lang thang cùng phố phường Hà Nội… Cứ thế, chất liệu sống ngồn ngộn đã đánh thức con chữ đặng cựa quậy trong tâm thức người đọc. Hãy nghe anh kể chuyện đến với Trường Sa, đang là mối quan tâm hàng đầu của con dân nước Việt khi biển Đông đang từng ngày dậy sóng.

“Đang sóng lớn, tàu không thể vào sát đảo được mà cũng chẳng thể thả canô đưa hàng tiếp tế vào. Đành neo tàu chờ bên ngoài. Vào giữa đêm, một cơn gió khủng khiếp tràn đến. Con tàu như một đứa bé đỏng đảnh, lúc nhảy dựng lên, lúc lăn kềnh ra giãy nảy, buộc chúng tôi mắt vẫn nhắm, tay lo bám chặt thành giường để giảm bớt độ tung hứng. Có lúc hốt hoảng mở choàng mắt vì sóng ụp vào tận buồng. Từ chỗ nằm, nhìn ra ô cửa kính tròn, đến đầu ngọn sóng đang chồm lên thành một đường thẳng gần như dựng đứng mà chỗ thấp thuộc về phía con tàu. Thú thật đường thẳng ấy có làm tôi rợn người, với ý nghĩ tàu sắp chìm. May sau đó chỉ là cơn hốt hoảng, lo sợ của người chưa hiểu hết cơn giận dữ của biển cả”.

Văn chương hay báo chí? Cả hai đấy chứ. Trong tập sách này, ngoài thế mạnh của một nhà báo chuyên nghiệp ghi nhận nhiều chi tiết chính xác, thời sự anh còn gửi gắm vào đó nhiều cảm xúc tươi ngon như cá quẫy trên sông, như cánh chim soãi cánh… Nhờ vậy, khi tính thời sự đã đi qua thì các bài viết này vẫn còn đủ sức níu giữ lấy tầm nhìn của người đọc.

3.

Dù không vào đời suông sẻ như nhiều nhà báo khác, nhưng nhà báo Lưu Đình Triều đã ý thức defragmenter lại cái ổ cứng của số phận. Dẫu anh tự nhủ, tự ý thức: “Dòng chảy cũ đời mình ngược bơi đâu phải dễ”. Số phận của anh, những người có hoàn cảnh như anh nghĩ cho cùng cũng là một sự trớ trêu Ba của anh là nhà báo Lưu Quý Kỳ- từng giữ cương vị Tổng thư ký Hội Nhà báo VN, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, nhưng anh lại đứng về phía bên kia. Chà, lịch sử cũng oái ăm đấy chứ, cứ tưởng như bỡn như đùa, đã đặt con người ta vào thế đứng trái khoáy, đối nghịch nhau.

Vì thế tôi ngờ rằng khi viết báo, với Lưu Đình Triều là lúc anh rung lên những hồi chuông. Hồi chuông ấy ca ngợi tuổi trẻ và cũng tự nhắc nhở về mình.

4.

Đọc những trang viết đã được biên tập, chắt lọc, chọn lọc trong hành trình ba mươi năm sống với nghề của nhà báo Lưu Đình Triều, tôi tin rằng sau khi khép lại trang sách chắc hẳn trong lòng người đọc lại mở ra một chữ “tình”. Chữ “tình” ấy được dựng lên, được hình thành từ con chữ nhọc nhằn của nhiều chuyến đi vất vã tìm chất liệu viết, hơn cả thế còn là một cách để tự anh “hoàn thiện” lấy mình.

Chính vì lẽ đó, “Tổ quốc không có nơi xa” dù viết về một chủ đề đã có nhiều người viết, nhưng bản thân của nó cũng có một sức hấp dẫn đặc biệt. Không đơn thuần chỉ là con chữ, tôi đã thấy ở đó vọng lên những hồi chuông tha thiết, da diết đến lạ thường…

“Nặng lắm ai ơi, một gánh tình” (Tản Đà)

LÊ MINH QUỐC

9.VII.2001

(nguồn: Tập sách Tổ quốc không có nơi xa  của Lưu Đình Triều)


 

ĐẾN ĐO ĐO "BẬT MỘT QUE DIÊM"

Sau những ngày tất bật với từng trang bản thảo, tất tả chạy đôn chạy đáo tìm lại từng hình ảnh minh họa, tất tưởi (!?) lo cái bìa cho “bắt mắt” v. v... Rồi thì, thì tất nhiên cuối cùng công việc cũng chu tất, hoàn tất, tươm tất nếu không muốn nói là... tất thắng! Tất tần tật công việc đã xong. Thở phào nhẹ nhõm. Thế là chúng tôi hẹn với nhau ghé quán Đo Đo nhậu chơi.

quediem3

Chuyện gì vậy?

Ấy là việc chuẩn bị cho tập sách Bật một que diêm của nhà báo Lưu Đình Triều, sẽ ra mắt đúng vào ngày 21.6 năm nay. Sách do NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ ấn hành. Lưu Đình Triều bảo: “Khi đặt tựa Bật một que diêm tôi nghĩ đến câu ngạn ngữ phương tây: “Thà bật một que diêm, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Còn tôi, tôi liên tưởng đến... câu thơ của Xuân Diệu:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm
Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự
Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...

Ới ới! Lưu Đình Triều ơi! “Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!”. Nhanh lên anh Triều ơi! Trong “lý lịch” của anh có câu: “Sinh đúng ngày đình chiến ở bán đảo Triều Tiên - 27.7.1953. Cha là nhà báo Lưu Quý Kỳ nghe đài, “biên tập” lại thành tên Lưu Đình Triều. Theo học lớp đại học báo chí khóa 3 từ 1979 đến 1984. Ngoại trừ “những phút xao lòng” cộng tác với các báo bạn, còn lại từ lúc ra trường đến nay vẫn “chung thủy” cùng Tuổi Trẻ. Các việc làm đã trải qua: phóng viên, tổ trưởng, trưởng ban, trưởng phòng, thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn, trợ lý Tổng biên tập” - vậy mà đến mãi bây giờ anh vẫn chưa có tập sách riêng là muộn lắm rồi.

Đến lúc nghe anh Nguyễn Thế Truật - Phó giám đốc NXB Trẻ gợi ý in tập sách này, tôi mừng cho anh.

Vì thế, trước ngày lai rai ở Đo Đo với tư cách là người có vài chục đầu sách đã xuất bản, tôi đã mời Lưu Đình Triều nhậu chơi một bữa. Nhậu thả giàn. Nhậu quắt cần câu. Nhậu vô tội vạ. Nhậu tít mắt. Tại sao? Thì, cứ như phong tục người xưa vậy. Khi con gái về nhà chồng, trước lúc động phòng, ông bố bà mẹ thường mời những ai “mắn đẻ” đến trải chiếu cho cô dâu. Họ hy vọng cô dâu về sau cũng “sồn sồn” như thế. Ấy là cái hên. Tôi cũng muốn đưa cái hên của mình đến Lưu Đình Triều, vì mong muốn mọi việc điều suôn sẻ.

Mà phải vậy thôi.

Tập sách đầu tay của người mới có sách xuất bản cũng quan trọng như nữ nhi... “xuất giá tòng phu”! Sách ra đời như con gái về nhà chồng! Con gái về nhà chồng với hên xui 12 bến nước, thì tập sách ra đời cũng thế thôi. Nó không là của mình nữa. Nó thuộc về công chúng. Người khen kẻ chê dẫu có loạn xị lên cũng là bình thường. Suy nghĩ một cách oanh liệt như thế, tôi đã bấm bụng đãi Lưu Đình Triều nhậu chơi, như là một cách “đưa đường” cho tập sách đầu tay của anh thuận buồm xuôi gió trong các khâu từ chuẩn bị đến in ấn!

Nhưng như thế cũng chưa xong.

Phải đến ngày 9.6.2009, sau khi “duyệt” xong cái bìa của họa sĩ Bùi Nam, đọc lại lời tựa của nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương và cùng biên tập viên Đức Thiện sửa sạch lỗi “mo rát” trên 300 trang in khổ 13 x 20,5cm thì tôi và Lưu Đình Triều mới hẹn nhau lên Đo Đo nhậu chơi.

Quái, tại sao phải là Đo Đo?

Vì ở đó có ông nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là... người “mắn đẻ”! Cứ nhìn các đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh thì rõ. Sách mới, sách tái bản liên tù tì. Nói như nhà thơ Xuân Diệu, “tục ta tục tác, hết trứng này ta còn trứng khác”. Năng lực như thế là phi thường. Vậy, nhờ thêm “cái vía” của anh Ánh “đưa đường” cho Bật một que diêm cũng là hợp lý thôi. Hơn nữa, vì hôm ấy tính theo Âm lịch là ngày Ất dậu (ngày 17), tháng Canh ngọ (tháng 5), năm Kỷ sửu (2009) là ngày lành tháng tốt. Nếu không tốt thì sao lịch Tam tông miếu có ghi câu: “Một cây làm chẳng lên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”?

Vậy là hôm ấy, ngoài ba chúng tôi còn có thêm nhà báo Tình Nguyễn vừa ở Mỹ về với vài người bạn, có bố con anh Ngô từ Quảng Nam vào, có họa sĩ Mai Rừng và có cả “cây bút trẻ” Đoàn Xuân Hải - phụ trách Đường dây nóng báo Thanh Niên nữa. Gần chục người cùng “bật một que diêm” để đánh gục hai chai Chivas một cách hùng dũng như vua Quang Trung thúc quân ra trận tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm nào! Hào hứng là thế! Oanh liệt là thế!

Đọc đến đây, thì mà rằng là thực khách quán Đo Đo sẽ hỏi: “Ủa! Giới thiệu tập sách của nhà báo Lưu Đình Triều, nhưng chẳng thấy gã nhà thơ này nói gì đến nội dung của nó? Vậy, Bật một que diêm thuộc thể loại gì? Thơ? Truyện? Tác phẩm báo chí?”. Hì hì, xin mời bạn cứ việc thưởng thức món cá nục cuốn bánh tráng hoặc xơi một tô mì Quảng rồi “hãy đợi đấy”, tôi sẽ quay lại trò chuyện ngay thôi!

ldtrieu
lưu đình triều, lê minh quốc: rạng ngời mà không chói lóa!

LÊ MINH QUỐC

http://www.quandodo.com/4rum/showthread.php?p=128


 

Bật một que diêm


BAT-MOT-QUE-DIEMxp

 

Trong sự nghiệp làm báo, mỗi nhà báo đều có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện khác nhau để viết thành bài báo. Đến một lúc, nhà báo lại muốn chọn lọc các bài báo, in thành sách theo một mạch sự kiện nêu lên một vấn đề chung nào đó.

Sau hơn 30 năm theo nghề báo, sau không biết bao nhiêu bài báo giới thiệu sách, đến lượt nhà báo Lưu Đình Triều cho ra mắt cuốn sách đầu tiên của mình với một nhan đề rất lạ: Bật một que diêm. Lưu Đình Triều đã đặt cho đứa con tinh thần đầu tiên của mình cái tên vừa lạ, đầy ẩn ý nhưng khi được giải thích lại rất dễ hiểu.

Cuốn sách là tập hợp 85 bài viết đã từng được đăng trên báo của nhà báo Lưu Đình Triều, thể hiện những tấm gương điển hình trong cuộc sống.

Họ là những công nhân xuất sắc, được mệnh danh bàn tay vàng, là những bạn trẻ thủ khoa kỳ thi đại học năm đó, là những thương binh vượt qua nỗi đau thể xác nhằm chứng minh mình “tàn nhưng không phế”, là những nhà khoa học toàn tâm toàn ý cho mục tiêu đóng góp cho đời hơn là phù hoa của danh tiếng…

Và cũng giống như que diêm của cô bé nghèo đốt lên trong đêm Noel lạnh giá, nhằm tìm cho mình những giấc mơ hạnh phúc, trong câu chuyện cổ tích của nhà văn Andersen (Đan Mạch). 85 que diêm Lưu Đình Triều đã từng bật hay do người khác bật mà anh góp phần thổi bùng thêm, đã soi sáng dù chỉ trong chốc lát một niềm tin không gì lay chuyển được rằng, lúc nào cũng có những người tốt trong xã hội.

Hẳn có người sẽ thắc mắc, vậy té ra những người tốt mà Lưu Đình Triều từng bật hay thổi bùng lên lại giống như que diêm, chợt sáng rồi chợt tắt.

Ở đây cần phải nhìn nhận rằng, Lưu Đình Triều thực hiện cuốn sách trên không phải dưới vai trò của một nhà văn mà là một nhà báo. Hơn ai hết anh hiểu rõ, có trường hợp người tốt hôm nay cũng có thể biến thành người xấu ngày mai nếu không giữ được mình.

Nếu nhìn dưới góc hẹp, có thể hiểu rằng mỗi cá nhân vào thời điểm được đề cập trong sách là một người tốt, họ là que diêm đã soi sáng cho tác giả, cho người đọc một sự thật rằng, những người tốt luôn ở đâu đó ngay bên cạnh chúng ta.

Nhưng ở diện rộng, bản thân cả cuốn sách Bật một que diêm cũng là một que diêm được tác giả bật lên, soi sáng một niềm tin rằng ở bất cứ giai đoạn nào của dòng chảy lịch sử đều có người tốt trên cuộc đời này. Và chỉ cần có thể biến 30 năm vất vả trong nghề báo của mình thành ánh lửa của một que diêm, soi dù chỉ trong chốc lát cho bạn đọc thấy được niềm tin về con người với những giá trị cao cả vẫn tồn tại trong cuộc sống, với nhà báo Lưu Đình Triều, đó chính là hạnh phúc.

TƯỜNG VY

http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2009/6/195340/



Thứ Bảy, 20/06/2009

Nhà báo Lưu Đình Triều: 30 năm “Bật một que diêm”

 

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin khi nhà báo Lưu Đình Triều ấn hành cuốn sách Bật một que diêm - tập hợp 85 gương mặt chân dung điển hình trong gần 30 năm làm báo của anh. Đây chẳng những là cuốn sách đầu tay của một nhà báo có thâm niên, yêu nghề… mà thông qua đó, người đọc có thể yên tâm rằng: thời kỳ nào của đất nước cũng có nhiều người tốt. Nhà báo Lưu Đình Triều trò chuyện cùng TT&VH nhân dịp Bật một que diêm phát hành và Ngày Báo chí cách mạng VN.

309Nha-bao

Nhà báo Lưu Đình Triều


* Ngoài những gương mặt như những “que diêm” đã được “bật” trong sách, sau gần 30 năm làm báo anh đã tổng kết mình “phát hiện” được bao nhiêu “ánh lửa” rồi?

- Muốn “tổng” cũng không “kết” được bởi trước đây chẳng có “net” để lưu… “Ánh lửa” thì cũng nhiều, le lói có, cháy bùng có. Có lửa do chính mình bật, có lửa do thiên hạ bật và mình tìm thấy nét gì đó hay hay nên tiếp cận và thổi cho cháy bùng lên.

* Nhưng cuộc đời luôn dài hơn… trang báo, anh có thấy hối tiếc khi viết về một nhân vật nào đó để rồi sau này họ không “xứng đáng” chưa?

- Yêu là không nói lời hối tiếc. Khi đặt bút viết về nhân vật nào là khi ấy trong tim mình đã “cảm” và viết chỉ là truyền dẫn đến người đọc mong tìm sự đồng điệu. Những nhân vật, đa phần là người đời thường mà ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống quanh mình. Họ có thể sáng trong thời điểm ấy và sau đó có tắt cũng là chuyện bình thường. Còn những người sáng mãi thì quá tốt.

Sẵn câu hỏi này xin “ăn theo” để bật mí về một nhân vật mà khi viết tôi chẳng dám ký tên thật . Đó là Minh Hương - khi ấy là cán bộ, hay dẫn chương trình của Nhà Văn hóa Thanh niên (sau này là MC nổi tiếng trên truyền hình - PV). Bài lên báo, nghe nói Minh Hương… nổi giận, truy tìm tác giả, tôi lặng im luôn. Một hai năm sau, thân thiết rồi tôi mới tự thú để nghe Hương góp ý về một hai chi tiết chưa chính xác. Nhân vật này, 15 năm qua tôi gặp hàng ngày vì… ở chung nhà.

* Bản thân anh cũng tự “bật một que diêm” cho mình khi lọt vào vòng xoáy trớ trêu của thời cuộc. Anh vượt thoát được là nhờ nỗ lực bản thân hay có sự giúp sức của cha mình - nhà báo Lưu Quý Kỳ?

BAT-MOT-QUE-DIEMxp

Bìa sách Bật một que diêm


- Sau 21 năm xa cách, đến 1975, khi cha tôi tập kết trở về, tôi được gặp và biết cha mình làm báo. Khi đi học tập cải tạo về, tôi cũng thích theo nghề báo vì trước đó tôi cũng thường xuyên viết… báo tường. Cha tôi không đồng ý, vì một sĩ quan của chế độ cũ như tôi không những không đủ chuẩn lý lịch mà cả thói quen, nếp sống cũng chưa thích ứng, để gần gũi với nhịp sống mới của xã hội. Rồi cha giúp tôi kiếm việc làm ở Sở Công nghiệp, rồi thành nhân viên của một xưởng sản xuất. Tôi đã “cày” cật lực trong công việc, đọc, ngẫm nghĩ nhiều cùng sách báo để gột rửa mình. Rồi tôi trở thành lao động tiên tiến và vài năm sau đó được công nhận là đoàn viên ưu tú - một điều kiện cần thiết cho tôi thi vào lớp đại học báo chí… Nghiệm lại tôi nghĩ cha đã giúp mình cái căn cơ nhất để làm lại cuộc đời, để đến với nghể báo….Tiếc rằng năm 1982, cha tôi đã qua đời không kịp cho tôi học ông nhiều hơn về chuyện viết lách…

* Nói thật, giờ này anh mới in cuốn sách đầu tay có phải là quá muộn trong khi điều kiện tiếp xúc, bút lực của anh có thể “đẻ” mỗi năm một cuốn?

- Cũng nói thật, từ năm 2008 trở về trước tôi chưa hề có ý định ra sách. Còn năm nay thì bạn bè “xúi” và cán bộ NXB Trẻ gợi ý, thấy cũng có lý: một chút kỷ niệm nghề nghiệp và những nhân vật của tôi ít nhiều cũng có điều gì đó để người đọc hôm nay ngẫm nghĩ.

Có 2 câu thơ mà tôi chọn làm kim chỉ nam cho cuộc đời tôi và vận vào chuyện ra sách thì cũng tự động viên mình được: Ta đến muộn đừng lo người vẫn đợi/ Với Bác Hồ Người thương nhất kẻ đi sau (Hải Như).

Hoàng Nhân

http://thethaovanhoa.vn/173N20090619094218404T133/nha-bao-luu-dinh-trieu-30-nam-bat-mot-que-diem.htm

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com