BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC phỏng vấn BS ĐỖ HỒNG NGỌC

LÊ MINH QUỐC phỏng vấn BS ĐỖ HỒNG NGỌC


Gặp gỡ cuối tuần

PHỤ NỮ CHỦ NHẬT số 11 ngày 25.3.2012
Gặp gỡ cuối tuần

Phu-Nu-CN-25.3.12-150x150


Nhắc đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến một nhân vật khá đặc biệt: lãng tử và phiêu bồng trong thơ, dí dỏm và mạch lạc khi viết về y học, trầm mặc và sâu lắng trong tạp bút và thỉnh thoảng ông cũng ký họa chân dung bạn bè…
Gặp ông, dù chỉ trong phút chốc tình cờ hoặc có hẹn trước, thế nào cũng thấy ông cười tươi và từ ánh mắt ấy, dường như luôn có sự quan tâm đến người đối diện. Ông không ồn ào và gần như ít la cà chốn đông người. Và cứ thế, lặng lẽ sống an nhiên và lao động hết mình, ông đã có nhiều tác phẩm quen thuộc với bạn đọc.

Lê Minh Quốc

+ Thưa anh, được biết, nhà văn nổi tiếng Nguiễn Ngu Í là cậu của anh. Thuở mới vào nghề viết, anh có học hỏi được gì từ người cậu rất cá tính, rất lạ lùng, rất “quái kiệt giang hồ” của mình?

Nhiều chứ! Tôi mồ côi cha sớm, lúc 12 tuổi sống trong chùa với bà cô ở Phan Thiết thì ông đến thăm, cho một đống sách báo rồi bắt tôi đi học…! Ngay lúc đó tôi đã thấy mình mê sách báo, muốn làm “nhà văn nhà báo”… như ông rồi! Nhưng tôi lại giấu biệt ông khi những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng báo, đến lúc ông biết, ông khen có “giọng điệu” và “ý tưởng” riêng. Sau này, ông coi tôi như một người bạn… văn, có bài nào mới ông bắt tôi nghe và cho ý kiến. Có khi nửa đêm về sáng ông đập cửa, vào lục cơm nguội ăn, tắm rửa, rồi ngồi… chửi “cả và thiên hạ”…Càng lớn tuổi, bệnh điên của ông càng nặng hơn, nhiều đợt phải vào dưỡng trí viện Biên Hòa, nhà thương điên Chợ Quán. Tôi còn nhớ mấy câu thơ của ông: “Ta đi lang thang/ Ta nói tàng tàng/ Ta cười nghinh ngang/ Ta chửi đàng hoàng”…

+ Anh có nghĩ đến lúc nào đó gia đình sẽ in lại tác phẩm của nhà văn Nguiễn Ngu Í ?

Chắc rồi. Nhiều tác phẩm của ông còn có giá trị về văn học sử. Loạt bài phỏng vấn giới văn nghệ sĩ thời đó trên báo Bách khoa mới chỉ in được một cuốn: “Sống và Viết với…”, còn 2 cuốn “Sống và Vẽ với…”, “Sống và Đàn với…” chưa được xuất bản. Gia đình có làm một cuốn “Ngu Í qua ký ức người thân” (1997), với nhiều bài viết của Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiểng, Bà Tùng Long, Lê Ngộ Châu, Lê Phương Chi, Đỗ Đơn Chiếu, Hoàng Hương Trang, Hồ Trường An, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Chính … vẫn chưa được in. Ông cũng có các cuốn tiểu thuyết như Suối Bùn Reo, Khi người chết có mặt v.v…

+ Trước năm 1975, anh đã sáng tác thơ với bút danh Đỗ Nghê. Bài thơ Thư cho bé sơ sinh đã được dư luận lúc ấy đánh giá cao. Đâu là nguồn cảm hứng cho bài thơ này? Có phải nó báo hiệu cho hướng viết lâu dài về sau của anh?

Không. Trước đó tôi cũng đã có những bài thơ đăng trên các báo Bách Khoa, Tình Thương… Nhiều bài cũng được bạn bè “đánh giá cao” như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ v.v… Sau này tôi đã tập hợp in trong tập thơ đầu tay: Tình Người, Ý thức xuất bản, 1967. Bài “Thư cho bé sơ sinh” tôi viết vào năm 1965, khi còn là sinh viên y khoa năm thứ ba, thực tập tại bệnh viện Từ Dũ, khi đỡ được một bé đầu tiên ra đời “mẹ tròn con vuông”. Tôi viết bài thơ ngay tức khắc trong chừng mươi phút, rồi còn cao hứng chép vào sổ phúc trình sau phần bệnh án, bị thầy HNM rầy “đỡ đẻ không lo đỡ đẻ lo làm thơ”! Thế nhưng hôm sau đã thấy bài thơ được ai đó viết lên bảng đen và được nhiều bạn bè đồng nghiệp lưu truyền…

+ Học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận xét về anh: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị!”. Đúng vậy. Là BS y khoa có tư duy rõ ràng, mạch lạc, nhưng trang viết của anh lại nhẹ nhàng bay bổng, lãng đãng như thơ. Bí quyết nào giúp anh có thể hài hòa được hai yếu tố “đối nghịch” ấy?

Tôi không có bí quyết nào cả. Tôi mê văn chương từ thuở nhỏ. Làm thơ, viết báo… từ hồi còn học phổ thông. Lớn lên học làm bác sĩ, một cái nghề như bất cứ cái nghề nào khác trong xã hội. Tôi không tin người ta “học” mà có thể viết văn làm thơ được. Nó phải là cái gì đó sẵn ở trong máu thịt, trong gen, trong… “thần kinh”!

+ Những tập sách Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng… nay vẫn tái bản đều đặn nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Vậy hóa ra, y học vẫn chưa mấy “tiến bộ” hơn trước, vì những tập sách đó anh đã viết từ mấy chục năm trước?

Kỹ thuật y khoa thì tiến bộ rất nhanh đó chứ, thay tim, thay thận, ghép gan, thụ tinh nhân tạo… nhưng mối quan hệ Thầy thuốc –Bệnh nhân thì không thay đổi mấy, vì ngàn năm trước ngàn năm sau con người vẫn sẽ còn đó những lo âu, sợ hãi, còn đó những khổ đau vì thất tình lục dục, sinh lão bệnh tử… Kỹ thuật y khoa càng tiến bộ thì càng cần hơn tính nhân văn trong y học vì nó đứng trước cái sống cái chết, cái đau cái khổ của kiếp người.

+ Bạn đọc “tuổi mực tím” rất thích được anh tư vấn, xin hỏi anh, hiện nay điều gì đáng lo ngại nhất ở lứa này, về vấn đề tâm sinh lý? Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con em mình vấn đề gì nhất?

Giới tính. Nhiều phụ huynh bây giờ hoảng loạn khi thấy con cái mình bỗng dưng… đồng tính luyến ái hoặc có thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên! Giáo dục giới tính do đó cần được quan tâm đúng mức, cần có một chương trình toàn diện từ gia đình đến học đường, xã hội để trang bị một thái độ sống, một gía trị sống phù hợp văn hóa trong một xã hội chuyển biến nhanh như hiện nay.

+ Các bà mẹ sinh con đầu lòng cũng hay “níu áo” bác sĩ “mát tay” là anh. Anh có đúc kết những sai phạm “chết người” mà thông thường các bà mẹ hay vấp phải? Vậy làm sao để tránh?

Hồi xưa thì do thiếu thông tin, do “dốt nát”, còn bây giờ thì do quá nhiều thông tin, do “thông thái” quá… nên dễ bị lường gạt, dụ dỗ… Bạn thấy đó, “thông tin sức khỏe” bây giờ đầy những quảng cáo “thông minh”- trong thời đại cái gì cũng smart- trên báo đài, trên internet, vừa hù dọa vừa dụ dỗ, con người ngày càng xa lạ với thiên nhiên, với chính mình, trở nên hoang mang, sợ hãi, dễ lọt vào những cái “bẫy” giăng mắc, tiền mất tật mang…

+ Tập sách Gió heo may đã về – viết về tuổi “hườm hườm” tức… “tuổi đá buồn”, anh lấy ca từ Trịnh Công Sơn để đặt các tựa. Vậy, nhạc Trịnh có sức hấp dẫn với anh như thế nào?

Nhạc Trịnh với tôi không chỉ để nghe mà để ngẩm, để ngấm. Nhiều ca từ tôi nghĩ phải ở trong thiền định mới thấy được.
Khi tôi đưa bản thảo Gió heo may đã về cho Trịnh công Sơn đọc, anh viết thêm một đoạn: “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Đó là lời trong bài hát Hạ Trắng của tôi. Bạc đầu có phải đã chớm già không. Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi một màu tóc. Trời đất có bốn mùa. Con người cũng có những mùa riêng của nó”… (TCS).

+ Tập sách Những người trẻ lạ lùng đọc rất thú vị khi biết về những “riêng tư” của các nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Hiến Lê, Trần Văn Khê, Nguyễn Khắc Viện… Để được “trẻ lạ lùng” như vậy, anh có lời khuyên gì với những người đang ở tuổi “chớm già”- nhất là phụ nữ?

Ai rồi cũng “trẻ lạ lùng” như vậy cả nếu sống…lâu và sống hạnh phúc! Vừa rồi tôi có dịp đi nói chuyện với hội người cao tuổi về “Một tuổi già hạnh phúc”. Lúc đầu tôi định đặt tựa bằng một câu hỏi: Có không một tuổi già hạnh phúc? Nhưng sau đó tôi chuyển thành một câu khẳng định. Bởi người ta có thể hạnh phúc khi “trẻ lạ lùng” đó bạn ạ!

+ Già ơi… Chào bạn! là tập sách anh viết lúc đang nằm dưỡng bệnh và cũng để “tự chữa bệnh cho mình” – như anh đã cho biết. Xin hỏi, chẳng lẽ văn chương cũng có khả năng đó sao? cũng có thể giúp con người thanh lọc và chữa bệnh?

Có. Văn chương chẳng đã làm cho người ta rướm lệ, cho người ta hả hê vui sướng đó sao? Nói khác đi văn chương có thể “gây bệnh” hoặc “chữa bệnh”, làm cho người ta thêm đau khổ hay làm cho người ta thêm hạnh phúc được lắm chứ. Nhiều thầy thuốc đã trở thành nhà văn vì có dịp tiếp xúc với “con người” một cách tròn vẹn: thể chất và tâm hồn. Những Tchekov, Lỗ Tấn, Somerset Maugham, Cronin… và ở ta cũng không thiếu.

+ “Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương”. Đọc Nghĩ từ trái tim, bạn đọc thấy đậm đà triết lý Phật giáo. Vậy chất “từ bi hỉ xả” có thể giúp con người trị bệnh không?

Được quá đi chứ! Đa số cái bệnh là do cái hoạn, cái đau là do cái khổ mà ra. Cuộc sống đầy stress, căng thẳng, tranh giành, được mất, hơn thua… phát sinh từ lòng tham sân si của mỗi con người. Nếu có một trái tim biết “từ bi hỷ xả” thì mọi thứ đã khác hẳn.

+ Nếu cùng một lúc có ba đối tượng: hài nhi, phụ nữ và ông lão. Cả ba đều cần kíp đến chuyên môn của một bác sĩ. Chỉ được chọn một trong thời điểm “thập tử nhất sinh” ấy, anh chọn đối tượng nào?

Tôi la lên cho có nhiều người đến giúp. Trong cấp cứu y khoa tôi học được như vậy. Phải kêu cứu. Sau đó, đánh giá mức độ nặng nhẹ và khả năng cứu chữa để chọn ưu tiên can thiệp. Không có sự “phân biệt đối xử” trong y khoa. Một cô hoa hậu viêm ruột thừa thì cũng giống như bất cứ một cô gái nào khác viêm ruột thừa thôi!

+ Nếu cho anh chọn một điều ước có tầm ảnh hưởng cho phụ nữ – “một nửa thế giới của đàn ông”, anh sẽ ước gì?

Ước phụ nữ là phụ nữ chớ đừng biến họ thành đàn ông! Hiện nay có lẽ do nhiều phụ nữ biến thành đàn ông quá nên đàn ông bèn có khuynh hướng… biến thành phụ nữ, hoặc đàn ông đi… tìm đàn ông để kết bạn! Rắc rối sinh ra từ đó!

+ Người phụ nữ đẹp, theo anh, cần phải có những yếu tố nào – nhan sắc hay sức khỏe?

Không phải nhan sắc, cũng chẳng phải sức khỏe, mà chính là cái tâm hôn của người đó. Bùi Giáng có lần viết: “Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng bên trong” và tôi thêm “Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng”! Cái đẹp bên trong đó mới tạo ra thứ nhan sắc không tàn phai, và chính nó cũng tạo ra sức khỏe, là thứ sảng khoái vế thể chất, tâm thần và xã hội như ta biết. Muốn có cái đẹp bên trong đó, phải rèn luyện, phải học tập… dài lâu, nền nếp. Trong khi sửa mắt sửa mũi, độn ngực độn mông có thể làm ngay tức khắc. Cái đáng lo bây giờ là người đẹp nào cũng giống… người đẹp nào, vì cùng một khuôn mẫu cả!

+ Theo anh, một gia đình như thế nào là có “chất lượng sống”? Tại sao ở VN hiện nay chưa mấy gia đình đạt đến?

“Chất lương sống” là cảm nhận ở mỗi cá nhân, ngoài những tiêu chuẩn chung có thể đo đạc được. Một gia đình gồm những thành viên có “chất lượng sống”, không chắc sẽ là một gia đình có chất lượng sống. Cho nên hỏi “Tại sao ở VN hiện nay chưa mấy gia đình…” tôi không biết trả lời sao. Bạn thử chỉ giùm tôi một vài gia đình có “chất lượng sống” để làm mẫu xem sao nhé? Báo Phụ Nữ có thể làm một hội thảo về vấn đề này được rồi đó.

+ Trong đời sống hằng ngày, anh có tự nhận mình là người chồng hạnh phúc và mẫu mực?

Tôi cũng không trả lời được vì không có cái định nghĩa, cái chuẩn thế nào là người chồng hạnh phúc, thế nào là người chồng mẫu mực. Có người mẫu mực mà không hạnh phúc, có người hạnh phúc mà không mẫu mực. Vả lại, hạnh phúc là gì người ta cũng không biết rõ lắm. Nhiều khi mất hạnh phúc rồi mới biết đó là hạnh phúc. Cho nên, “liệu cơm gắp mắm” thôi bạn ạ. Đòi hỏi quá không được đâu!

+ Bài thơ tình, tạp bút viết xong, ai là người đầu tiên chia sẻ với anh?

Tôi. Tôi chia sẻ với mình. Thường viết xong, tôi để cho nó “hoai” đi, “nguội” đi và sau đó mấy hôm đọc lại bằng một con mắt khác, thấy ổn là được.

+ Một người đàn ông lịch lãm, thành đạt và có tâm hồn như anh chắc có nhiều cô mê như điếu đổ. Anh có bao giờ “say nắng” bởi ai khác ngoài vợ không?

“Say nắng” là một thứ bệnh, có khi phải đi cấp cứu đó bạn ạ! Tóm lại, không nên “say nắng”. Tôi không phải là một người đàn ông lịch lãm như bạn nghĩ, trái lại, hơi quê mùa và cục mịch. Rất lù khù, nhát gái từ hồi còn nhỏ. Còn “thành đạt” theo nghĩa nào còn tùy. Nếu thành đạt là… đại gia, nhà cao cửa rộng thì tôi không có. Tôi sống “tri túc”: “Biết đủ dầu không chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thì lui” là hai câu thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị mà tôi rất thích. Cảm ơn bạn đánh giá cao nhưng cho đến giờ này tôi chưa thấy có cô nào mê mình như điếu đổ cả!

+ Anh sinh hoạt hằng ngày như thế nào để có thể luôn giữ được sự bình quân từ tâm hồn đến sức khỏe?

Rất đơn giản. Gần gũi với thiên nhiên chừng nào tốt chừng đó. Tôi nhận ra “hạnh phúc rất đơn sơ” bạn ạ. Sống trong hiện tại, sống trong “chánh niệm” thì sẽ phát hiện nhiều điều hay. Chẳng hạn chỉ cần biết thở “chánh niệm”, bạn sẽ ngạc nhiên:

Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa…
Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau…

Bạn đừng nghĩ nó là thơ và bảo sao thơ gì mà dở ẹc vậy nhé! Nó không phải là thơ đâu. Nó là thở.

+ Nếu được nói về vợ, anh sẽ nói điều gì?

Biết nói gì đây! Cách đây mươi năm, tôi có viết một bài “thơ” tặng vợ như mọi người “làm thơ” hay làm:

Dẫu thế nào đi nữa
Em hãy còn trẻ măng
Dẫu thêm ngàn năm nữa
Em còn thua tuổi anh!

+ Xin cảm ơn anh.

LÊ MINH QUỐC
(nhà thơ)

http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/g%E1%BA%B7p-g%E1%BB%A1-cu%E1%BB%91i-tu%E1%BA%A7n/

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com