BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Minh Quốc: “CHÂN NGÀY” LÀ GÌ?

Lê Minh Quốc: “CHÂN NGÀY” LÀ GÌ?

 channgay-la-gi

Có thể nói, danh từ “ngày” trong tiếng Việt là một từ rất thú vị. Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích cả thấy 4 nghĩa, trong đó có nghĩa: “Thời gian ước lệ của 24 giờ”. Hành trình này là sự vận động tính từng giây, từng phút, từng giờ, vậy, nói một cách nôm na là thời gian của một ngày không đứng yên mà di chuyển liên tục. Thế thì, rõ ràng nó đang đi. Đi là bằng đôi chân di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, hiểu như thế, ta dễ dàng hình dung ra là nếu muốn đi thì ngày phải… có chân chứ gì? Vâng, ngày phải có chân. Thiệt ngộ nghĩnh.

Tôi quan sát và nhận thấy, ngày như một sinh vật. Thì đây, ngày có đầu, lúc sáng sớm mai lên, gọi “đầu ngày” là nhằm chỉ khoảng thời gian đầu tiên của một ngày. Khoảng cách giữa đầu và chân là lưng, có thể lúc đã ngọ, đã trưa đứng bóng,  người ta dùng từ “lưng ngày”, tức là đã thời gian ấy đã hết một nửa hay nói cách khác là “giữa ngày/ nửa ngày”. Từ đó, thời gian trở đi sẽ dẫn tới “chân ngày”, ta hiểu là “cuối ngày”. Tức là đã xong một ngày hôm đó, con người bắt đầu nghỉ ngơi, sau một ngày đã làm việc. Cách nói này, cho thấy ngày đã di chuyển thể hiện từ “đầu, lưng, chân”.

Cách nói này, khi vận dụng vào cách nói mang tính nghệ thuật, cho đến nay với từ “chân ngày”, tôi đã thấy có hai người sử dụng. Và lập tức nó đã tạo nên ấn tượng mới mẻ làm phong phú hơn, uyển chuyển hơn cho tiếng Việt. Có thể nhắc đến thi sĩ Hồ Dzếnh với những câu thơ đã ghim vào trí nhớ người đọc:

Trên đường về nhớ đầy

Chiều chậm đưa chân ngày

Tiếng buồn vang trong mây

Chim rừng quên cất cánh

Gió say tình ngây ngây

Chiều/ chiều về đã là khoảnh khắc đã cuối ngày, ở đây, với từ đưa/ đưa tiễn là nhằm gợi lên vai trò tác động của chiều đối với chính nó. Như thế cũng là một cách nhấn mạnh trong buổi chiều ấy, chỉ có “Tôi là người lữ khách” tiễn chính tôi/ đưa chính tôi, chứ không có thêm một ai khác. Chiều và người cũng nằm trong tâm thế. Tất cả gợi lên sự đơn côi một hình một bóng, vì thế, phải người “châm lấy khói thuốc” và lấy “Khói huyền bay lên mây” như một sự bầu bạn. Về sau, Trịnh Công Sơn cũng vận dụng một cách tài hoa:

Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ

Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa.

Khác với “chân ngày” trong thơ Hồ Dzếnh, ở đây, “chân ngày” không còn chỉ là chiều, còn là sự cuối cùng của buổi chiều, chiều đã kết thúc. Từ đó, nó được hiểu qua nghĩa phái sinh nhằm khái quát cho một vòng đời/ đời người, chứ không phải vòng quay của một ngày.

L.M.Q

(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 9.8.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com