BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021)

LÊ MINH QUỐC: Vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021)

 

 Untitled-3HOA-HAU-PHUONG-CAY-MIT

Vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021):

“Điệp viên Không Không Thấy” đã du hí cùng “Hoa hậu phường Cây Mít”

Thân già gạo chợ nước sông

Khỏe thì đưa khách mệt nằm xả hơi

Sang giàu mặc kẻ đua bơi

Công  danh như thể bèo trôi giữa dòng

Đời này có cũng như không

Sớm còn tối mất bận lòng mà chi

Ngày đó, trên sân thượng của báo Tuổi Trẻ, sau khi nghe tôi hỏi một câu cực kỳ “nghiêm trọng” và hoành tráng, đại loai: “Văn chương anh có gì khác với bạn bè cùng trang lứa?”. Bấy giờ, “Người Bán Nụ Cười” đã đánh trống lảng bằng cách cất giọng như ngm thơ ủ ư, như ca cẩm ề à mấy câu đó để trả lời. Âu đó cũng chính là tính cách của “Điệp viên Không Không Thấy”.

Anh chàng kỳ khôi này đã tự đặt cho mình nhiều tên gọi khác nhau không “đụng hàng”: xây dựng tên gọi cho mình từ nhân vật thông qua tác phẩm của mình. Ai hiểu sao thì hiểu. Trật, trúng cũng không sao. Anh chỉ cười hề hề. Không cải chính. Chẳng phân bua. Vui thôi. Ngay cả anh là Hội viên sáng lập của hai hội: Hội Nhà văn và Hội Sân khấu TP.HCM từ năm 1981, đôi lúc anh nói: “Cũng quên mất tiêu mình là Hội viên. Ừ, mà có sao đâu. Hội chỉ để là “hè” thôi mà, có gì quan trọng đâu. Đối với người viết chỉ là tác phẩm chứ hội viên Hội này, Hội nọ mà không có tác phẩm thì cũng chỉ là “huề tiền” há?”. Đó chính là tính cách phớt tỉnh Ăng-lê của “Thằng Hề” khi đã đảm nhận vai trò làm “Tùy viên giảm béo” cho thiên hạ bằng các loại tiểu phẩm trào phúng.

Kể từ năm 1988, khi bắt đầu tập sự một năm có ăn lương tại báo Tuổi Trẻ, tôi đã làm việc dưới quyền chỉ huy của đại ca “Đại Văn Mỗ” - tức là “Điệp viên Không Không Thấy”, sau khi ông nhà văn “Ngọc trong đá” chuyển qua vị trí khác. Thú thật, lúc ấy tôi cảm thấy khó gần gũi, thân tình với sếp của mình. Vì rằng, gương mặt ấy lúc nào cũng khó đăm đăm, ít cười giỡn, sau giờ làm việc là lủi đâu mất tiêu, chứ không mấy khi ngồi lại cà kê dê ngỗng, tán phét cùng anh em trong ban.

Đùng một cái, anh đã khiến tôi có cái nhìn khác, ấy là lúc anh cải tiến trang văn nghệ bằng cách mở chuyên mục Chuyện như đùa, xuất hiện vào số báo ra ngày thứ Năm hàng tuần. Thì ra, chớ có “xem mặt mà bắt hình dong”, con người ấy cũng hóm hĩnh, vui nhộn ra phết. Chính từ các tiểu phẩm in lai rai thời điểm này, kể cả sau đó, anh đã in những tập truyện trào phúng đình đám một thời như Hoa hậu phường Cây Mít, Phá án sex tour, Tào lao xịt bộp, Thằng láu cá… Có lần anh tâm tình: “Người Sài Gòn thích cười những vấn đề gắn với thời sự. Cười cợt đó, châm biếm đó nhưng không ghét cay ghét đắng đối tượng đang châm chích. Với vai trò nhà báo, tiếp cận với nhiều thông tin, thấy cái gì đáng cười thì tôi “lẩy” ra, viết chơi”.

Chơi với thể loại trào phúng, chỉ là một trong những cách chơi của “Điệp viên Không Không Thấy”. Mà, anh chàng “Nô Tế Bồ” này đã chơi những gì trong cõi ta bà bà đầy đủ sắc màu buồn vui, kể cả “Chuyện chán phèo”?

Thì đây, thời trung học, anh từng đi phụ việc cho một họa sĩ, được thầy tận tâm trao truyền “bí kíp”, nhưng anh không thể trở thành họa sĩ cỡ Nguyễn Trung; từng là kịch sinh khoa thoại kịch của trường Quốc Gia Âm nhạc và kịch nghệ (chung lớp với Mai Trần trước năm 1975) nhưng không trở thành cỡ Thành Lộc; từng đi học thanh nhạc, nhưng anh không trở thành ca sĩ cỡ Elvis Phương; từng theo học ảo thuật, nhưng anh không trở thành ảo thuật gia cỡ Mạc Can; từng sưu tập tranh ảnh, sách cũ, băng đĩa nhạc 33 vòng, 45 vòng, 78 vòng ghi giọng ca vàng Bạch Tuyết, Bạch Yến, Út Trà Ôn, Bà Năm Sa Đéc… nhưng không đạt đến cỡ cụ Vương Hồng Sển; từng đi học võ thuật, nhưng anh chưa một lần vinh hạnh được bước lên võ đài cỡ như Lý Huỳnh; từng đi làm cách mạng, vào khu, tù đày Côn Đảo; từng đi học trường Tuyên huấn Trung ương Đảng năm 1975 đến năm 1978 nhưng anh lại không phải là người của giới chính trị…

Nói tóm lại, anh đã trở thành một “Anh Hai Cù Nèo” xuất sắc của thế giới văn chương trào phúng, chung chiếu với các vị Hoàng Thiếu Phủ, Đồ Bì, Lê Thị Liên Hoan, A.S.T, Phì Tiểu Tử… Tuy nhiên, khi tận tâm tận lực đóng vai trò “Thằng Hề” đặng làm “Người Bán Nụ Cười”, anh có phần “nhỉnh” hơn vì đã xây dựng nên hai nhân vật “điển hình”: Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy. Thành công này, anh có lần cho biết nhờ có “đất dụng võ” chính là Tuổi Trẻ Cười.

Có lúc tôi những tưởng anh sẽ đánh đu lâu dài với thể loại châm biếm, đem tiếng cười thanh lọc lại nỗi u ám, bát nháo trong đời sống. Không. Một ngày kia, gặp nhau trong một cuộc liên hoan, anh khoe cà rỡn: “Mình sắp có một truyện dài bá cháy con bọ chét”, tôi cà khịa: “Thiệt à? Anh cũng biết nổ banh ta lông há?”. Anh vội đính chính: “Không, ý tôi muốn nói là cái tựa này, đọc vô là trẹo quai hàm luôn: Chú chiếu bóng thùng, nhà ảo thuật, tay đánh bài & tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy - dưới còn chua thêm dòng chữ nhỏ: “Truyện dài dành cho thiếu nhi, người lớn đọc cũng hổng sao”. Thú vị quá, tôi cười khà khà tán thành. Thế là qua ngày hôm sau, anh mail tôi bản thảo này đọc trước, xem có góp ý gì không? Nếu được thì viết giúp anh lời Bạt.

Đọc xong, hôm ăn ở Quán Đo Đo, tôi kể lại chuyện này và nói với anh: “Ủa. quyển này hay, phù hợp với thiếu nhi sao anh không nhờ anh Nguyễn Nhật Ánh đang là “ông trùm” đề tài này viết Tựa?”. Nói như cách hai anh từng tự trào là sau khi “Thằng Láu Cá” ngỏ lời, lập tức “Thằng Quỷ Nhỏ” vui vẽ gật đầu cái rụp. Quyển sách in ra, anh mời chúng tôi lai rai như một cách cám ơn, anh đưa tay gõ gõ lên mặt bàn: “Ấy là cảm hứng sau khi viết Mùa hè năm Petrus vẫn còn sốt sình sịch”. Đúng là thế. Với tác phẩm đó, đại ca “Đại Văn Mỗ” đã làm một cú hích vang dội khi viết về ngôi trường đã gắn bó với mình thời trung học. Rồi sẵn đà ngon trớn, một loạt truyện dài theo chủ đề này lại ra mắt.

Mà, không chỉ có thế. Thời gian song hành viết truyện thiếu nhi cũng là lúc anh bắt tay vào biên khảo, viết tùy bút tìm về hồn cốt của Sài Gòn xưa. Lãnh vực này, anh cũng có đóng góp đáng kể với một loạt tác phẩm, đáng chú ý nhất, theo tôi vẫn là Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề - một tập sách có tính cách đầu tiên nhìn lại diện mạo văn học một thời, đã và đang trở thành cuốn sách bán chạy của NXB TP.HCM - 2020.

Nếu đề tài về trào phúng, hiện nay 2 cuốn Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ thần giáng, Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ (NXB TP.HCM) thì đề tài về Sài Gòn xưa là cuốn Sài Gòn - những mảnh ghép rời ký ức (NXB Trẻ) vẫn còn nằm tại nhà in, sách chưa kịp đến tay anh. Còn về đề tài thiếu nhi, cuốn cuối cùng là Mùa tiểu học cuối cùng. Và, tên truyện dài này cũng đã “vận” vào cuộc đời anh.

Nhớ về anh, nói gì thì nói, tôi dám quả quyết chắc nịch rằng, khi nhìn thấy cái bộ mặt lúc nào cũng đăm đăm, có vẻ khó chịu ấy, ta đừng ngại vì rằng, mỗi lúc anh đã cười thì thần sắc lại khác hẳn. Hồn nhiên và trong sáng. Con người ấy, sống hết mình, làm việc hết mình, Không bao giờ làm phiền đến ai, kể cả lúc bệnh tật cũng giấu, nghiến răng chịu đựng một mình, không muốn ai bận tâm, lo lắng. Yêu đời và sống tận tình đến lúc vĩnh biệt cuộc chơi vẫn chưa buông bút. Vĩnh biệt à? Tôi tin anh lại chơi ở một thế giới khác đấy thôi, bởi trong cuộc liên hoan: “Hề hề, lúc đó, “Điệp viên Không Không Thấy” đã du hí cùng “Hoa hậu phường Cây Mít”. Có gì đâu. Q thích viết gì cho mình thì viết”.

Người yêu đời và lạc quan đó, chính là nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa.

Vĩnh biệt anh.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1.8.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com