VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN - Chương 4

Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN - Chương 4

Mục lục
Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Tất cả các trang

Chương 4

 

Lan và Hằng dắt xe ra ngõ. Họ đạp xe lòng vòng để tìm việc. Lòng vòng qua các đường phố, họ đến một nhà hàng ở ngoài có treo tấm biển lớn: “CẦN TUYỂN NỮ TIẾP VIÊN. TUỔI TỪ 18-25. NGOẠI HÌNH TRẺ, ĐẸP”

Hai người dừng xe, rón rén bước vào. Chủ quán là một phụ nữ, tuổi ngoài 40. Nhan sắc vẫn mặn mà trên gương mặt. Môi đánh son màu tím nhạt như những diễn viên điện ảnh Hàn Quốc. Lan và Hằng rụt rè bước vào:

- Chào bà chủ.

Quan sát cả hai xong, bà ta nói:

- Chào các em. Các em đến có việc chi?

Hằng nhanh nhảu:

- Dạ, chúng em thấy ngoài cửa treo bảng tuyển tiếp viên...

- À, đúng đó. Quán tôi đang cần tuyển người. Các em vào đây.

Hằng và Lan thấp thoáng thấy ở phòng bên cạnh mà họ vừa bước chân qua, bên trong có một số khách đang ngồi uống bia với mấy cô gái.

- Vào đây các em!

Bà chủ kêu. Lan và Hằng mạnh dạn bước chân vào. Lập tức có mấy thanh niên đi tới, dẫn họ vào một căn phòng sâu phía trong. Bà chủ chỉ chỗ cho hai người ngồi rồi nhẹ nhàng hỏi:

- Các em từ quê ra phải không?

- Dạ.

- Lâu chưa? Đã làm những công việc gì rồi?

Dạ, chúng em làm công nhân may áo gió. Nhưng ở đó, tụi em thất nghiệp...

Bà chủ cười dễ dãi:

- Tội nghiệp! Thôi, ở lại đây làm việc. Nhưng các em có nơi ở chưa?

- Dạ, có rồi.

- Tốt. Nếu không có, ở ngay đây cũng được. Tuổi các em thế nào nhỉ?

- Dạ, em là Lan, 22 tuổi. Còn đây là Hằng, 24 tuổi.

- Chị nhận các em vào. Còn công việc thế nào, anh Hoàng đây sẽ nói cho các em. Nói chung, không có gì phức tạp đâu.

Hai người quay lại nhìn Hoàng. Một thanh niên to khỏe, mặt nghiêm. Anh ta để ria mép, trông rất “anh chị”. Hoàng khoanh tay, gật đầu chào. Hai người hơi sợ, vội cúi mặt xuống. Hoàng thong thả nói:

- Nghe đây! Tiếp viên là nghề như thế nào? Nhưng trước tiên, tôi hỏi các cô đã đi làm nhà hàng bao giờ chưa?

Hằng mạnh dạn:

- Dạ chưa. Đây là lần đầu.

Hoàng nhếch mép:

- Thế thì chúng ta phải thống nhất khái niệm: tiếp viên là phải chiều khách bởi khách là thượng đế. Thượng đế nuôi chúng tạ..

Vừa nói, y vừa nâng ly bia uống ừng ực, trông phát khiếp.

Ngày sau, Lan và Hằng chính thức nhận việc. Trong ngày đầu tiên, họ phải bật bia lon, dâng lên miệng khách. Lấy khăn lau mặt cho khách. Cùng khách nâng lon, uống. Lan không uống được. Chị Ói mửa liên tục nhưng cố chịu. Nhưng khi khách sàm sỡ thì Lan gạt tay họ ra, nhẹ nhàng:

- Đừng anh, không nên thế!

Vị khách này cau mặt:

- Sao lại không nên? Bọn anh mất tiền phải được tình chứ!

Nói rồi, vị khách cứ làm càn. Lan đứng dậy, hất tay. Lon bia của khách bị rơi, văng xuống đất. Vị khách điên tiết đứng lên, rượt theo. Lan chạy khắp phòng nhưng y vẫn, không tha. Chủ quán phải can thiệp, xin một cô khác thế chỗ, nhưng y vẫn đòi Lan. Mặt ngầu vì bia, y vung tay:

- Con nhỏ nhà quê này hỗn, dám làm phách với ông hả? Ông sẽ cho mày bài học nhớ đời, liệu hồn.

Bà chủ cợt nhả:

- Thôi, em xin, em xin. Con nhỏ đó mới, nhập gia mà chưa tùy tục. Xin đền anh, em Tuyết Trinh hoa hậu số một của nhà hàng.

Được bà chủ vuốt ve, năn nỉ, vị khách kia vẫn ngoái cổ mắng Lan. Sau, được Tuyết Trinh vỗ về y mới chịu nguôi. Còn Lan, trong khi tránh cuộc rượt đuổi quá nhiệt tình của “thượng đế” nên bị ngã, chân khập khiễng, đau đớn. Bà chủ gọi Lan ra, gằn giọng:

- Dạo này làm ăn không phải dễ. Ai cũng như cô thì cũng có ngày công an đến “sờ gáy” hoặc không có ma nào tới! Ngay từ bây giờ xin mời cô nghỉ việc cho tôi nhờ.

Lan không biết nên vui hay buồn. Im lặng. Bà chủ tiếp tục đay nghiến:

- Cô dại lắm. Sao không bắt chước bạn cô là Hằng đó. Được khách “bo” bao nhiêu là tiền?

Lan ấp úng:

- Dạ, mỗi người một tính cách.

Không để cho Lan nói hết câu, bà ta gạt ngang:

- Thôi, cô cứ đi tìm quán khác. Rồi cô sẽ thấy cả Sài Gòn, quán tôi là tử tế nhất. Khi đó, nếu cô muốn quay lại cũng chưa muộn đâu!

Nói xong, bà ta quay ngoắt bước vào phía trong. Lan thất thểu đứng lên bước chân ra khỏi quán. Bỗng chị nghe có tiếng gọi:

- Lan ơi! Mày cầm lấy chút đỉnh này nghen. Hẹn gặp lại sau.

Hằng đưa cho Lan ít tiền, rồi bịn rịn chia tay bạn.

Thành phố đã lên đèn. Lan bước đi qua những đường phố đầy ánh đèn xen lẫn bóng cây loang lổ. Lan dừng lại trước bưu điện, chị nói:

- Chị Ơi, cho em xin cái phiếu gửi tiền.

Chị nhân viên đưa Lan tờ giấy. Lan cắm cúi ghi rồi lấy tiền ra đếm. Lan ghi đằng sau tờ giấy những dòng thư thăm má:

- “Má ơi, con gởi chút tiền lương cho má. Con mong má mau lành bệnh. Con và em Dũng vẫn sống bình thường. Má yên tâm. Chúc má mạnh khỏe. Con - Lan”.

Lan gởi tiền xong, dù trong túi không còn xu nào nhưng chị vẫn rất vui. Lan hình dung những cảnh tượng vui vầy. Chị bước ra khỏi bưu điện, bất ngờ, một cơn mưa trùm lên thành phố. Lan không trú mưa như mọi người mà vẫn cứ bước đi trong mưa. Chị bước nhanh trên hè phố. Lan nở nụ cười, trong lòng ngập tràn niềm vui. Chị hình dung cảnh má sẽ vui thế nào, sẽ cười móm mém, run run nhận tiền chị gởi. Má sẽ ngồi dậy được, mắt rưng rưng. Và bên tai Lan, một giai điệu nhạc không lời từ đâu đó vọng đến, quấn quyện theo từng nhịp chân của Lan.

Từng làn mưa rì rào, rì rào như một hòa âm mượt mà. Lan nhìn mưa rơi chéo qua ngọn đèn bên đường. Mưa to quá khiến Lan phải nép vào mái hiên. Chị nhìn mưa bay qua vầng ánh sáng. Đẹp như pháo hoa. Lan say mê ngắm. Rồi lúc mưa đang tạnh dần, chị lại rảo bước.

Trời đã tạnh hẳn mưa. Lan đang bước đi trên một con đường vắng. Bất thần chị bị ngã. Một đoạn dây thép quấn ngang chân chị. Lan đau đớn, chưa kịp định thần, từ trong bóng tối, có tiếng kêu:

- Sập bẫy rồi!

Hai tên du đãng đang chăng dây thép ngang gần đó, phóng nhanh ra. Chúng xông vào, đấm đá, giật túi của Lan. Chị vừa tri hô vừa chống lại. Bỗng bên đường, có luồng ánh sáng lao tới. Một chiếc Dream dừng lại, cứ để xe nổ máy, một thanh niên lực lưỡng từ trên xe nhảy xuống, tung những cú đá chính xác vào hai tên cướp, lấy lại túi cho Lan. Người hùng hỏi:

- Chị có sao không?

Lan định thần lại, trước mắt chị là người đàn ông có gương mặt đen đúa, đã thế lại có một vết sẹo dài trông dữ dằn. Lan e ngại:

- Dạ, cám ơn anh. Em chỉ bị thương chút xíu.

Anh ta nói rất tự nhiên:

- Thôi, khoác túi lên. Chị Ở đâu để tôi đưa về.

Nghe thế, Lan đâm ra rụt rè:

- Dạ, cảm phiền anh quá. Em đi được mà.

Không sao. Có gì đâu. Ông bà ta thường nói: 'Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã!”

Lan ngạc nhiên:

- Anh nói gì, em không hiểu.

Anh ta mỉm cười:

- Đơn giản là: giữa đường thấy sự bất bằng thì mình không thể dửng dưng được. Nào, xin phép được đưa chị về nhà. Chắc chị mới vào Sài Gòn?

- Em cũng mới vào thôi. Nhưng sao anh biết?

Chàng trai không trả lời mà nói dịu dàng nhưng nghe dứt khoát như ra lệnh:

- Khỏi cần nói nhiều. Nào đi!

Lan ngẫm nghĩ một lát, rồi tặc lưỡi đồng ý. Trên đường đi, Lan hỏi:

- Sao lúc nãy anh nói là biết em từ quê mới vào Sài Gòn?

Xe lướt đi trong gió, chàng trai đáp:

- Tôi nghe qua giọng nói.

- Thế giọng nói của em như thế nào?

- Đặc giọng Quảng Nam.

Khi chàng trai giả giọng nói, Lan bật cười:

- Vậy anh cũng là người Quảng Nam sao?

Chàng trai đáp:

- Vâng, tôi là người ngoài Trung, vào lập nghiệp ở đây lâu rồi.

Lan dò hỏi:

- Thế ngoài đó, anh ở huyện nào?

À! Tôi ở ngay cầu Bà Rén.

Lan nói nhanh:

- Thế ở đoạn nào? Nhà em nhìn ra dòng sông Bà Rén, chắc là gần nhà anh?

Như chạm phải nỗi lòng sâu kín, chàng trai nói bằng giọng trầm hẳn:

- Lâu quá anh không về quê. Nhớ nhà lắm. Thế ở đó, em có biết nhà bà Tư bán trầu không?

Lan nói như reo lên:

- A! Bác Tư bán trầu thỉnh thoảng cũng qua nhà em, thân với mẹ em lắm. Chẳng lẽ, anh là con của bác Tư?

Chàng trai không trả lời mà gật đầu. Trong tâm trí của Lan bỗng hiện lên hình ảnh quê nhà xa ngái. Lan nhớ có lần bác Tư nói là có con trai lớn vào Sài Gòn mở công ty trách nhiệm hữu hạn, làm ăn phát đạt lắm. Anh ta tên gì nhỉ? Lan cố nhớ. Mãi một lát sau, tự nhiên trên môi Lan bật câu hỏi:

- Thế anh tên là Phi? Đúng không nào?

Chàng trai vỗ đét vào đùi:

- Quả đất tròn. Không ngờ lại gặp người đồng hương nơi đây! Đúng, tôi tên là Phi. Còn em?

Lan cười giòn:

- Tên của em xấu lắm. Lan, anh ạ!

Bất giác Phi thấy nổi gai ốc. Lan! Chao ôi, cái tên ấy lại trùng với tên em gái của anh ở quê nhà, cũng trạc bằng tuổi Lan. Cũng hồn nhiên và ngây thơ trước cuộc đời. Tự nhiên, Phi thấy lòng mình dịu hẳn lại...

Còn Lan cũng vui mừng không kém. Gặp được người quen nơi đất khách quê người thật là quý. Chàng trai hỏi:

- Thế dạo này mẹ tôi có khỏe không?

Dạ, bác Tư dạo này yếu lắm, không còn đi bán trầu ở ngoài chợ nữa. Thỉnh thoảng, em có qua thăm nghe bác Tư nói đã lâu lắm người con trai làm ăn ở Sài Gòn không về thăm nhà...

Chàng trai hỏi dồn:

- Mẹ tôi có nói tôi làm gì ở Sài Gòn không?

Lan hồn nhiên:

- Em có nghe nói là anh làm giám đốc công ty gì đó!

Một tiếng thở dài nghe chua chát:

- Tôi mà làm giám đốc à?

Chiếc xe vẫn lao nhanh, chẳng mấy chốc đưa Lan về Phú Nhuận. Đến nơi, Lan xuống, tần ngần:

- Em mời anh vô nhà chơi, nhưng nhà tụi em ở thuê, nghèo lắm!

Không sao. Tôi hiểu, khuya rồi tôi vào không tiện đâu. Thôi, tôi đi nghe, lúc khác sẽ ghé lại, chị đồng ý chứ?

Lan khẽ gật đầu. Phi gật đầu chào lại với nụ cười ý vị rồi phóng xe đi. Trên đường đi, Phi bỗng dưng thấy mình như trở thành một con người khác. Chẳng lẽ cứ giấu mẹ mãi sao? Tội nghiệp cho mẹ, mẹ cứ nghĩ mình là người thành đạt ở Sài Gòn này. Đã lâu lắm rồi, từ lúc ra tù, Phi muốn về quê thăm me.

Lúc Lan khập khiễng bước vào thì Dũng đang học bài, anh chạy ra:

- Chị bị sao vậy? Xe tông phải không?

- Không! Chị bị vấp té!

Sao trên vai có vết máu thế này. Lại cả ở cổ nữa. Chị bị cướp phải không?

Lan ngồi xuống ghế, hổn hển:

- Không mất gì. Cũng may là chị vừa gởi được hết tiền về cho mẹ. Pha cho chị ít nước muối đi em.

Thế chị Hằng đâu? Sao không về với chị?

Chị Hằng chuyển sang ca khác rồi.

Dũng tin là thật, pha nước muối cho chị. Lan kéo quần, rửa những vết thương ở chân. Lan rấy nước muối, dùng bông lau vết thương. Dũng tế nhị quay mặt đi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com