LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.12.2015

 

thihao-nguyen-du-mien-nam-1965

 

Sáng nay, thức dậy sớm. 7g30 đã ra khỏi nhà. Đường phố chật chội. Đông đúc. Lạng lách. Khói xe mù mịt. Sở dĩ ra khỏi nhà sớm vì dự hai cuộc họp. Thứ nhất, đến tòa soạn Báo Thanh Niên tham dự Lễ phát động Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ ngày Báo Thanh Niên từ 248 Cống Quỳnh, Q.1 chuyển về đây, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, nay mới đến. Vẫn gặp lại những gương mặt anh em, bồ tèo, thân thiết của thuở nào. Sau đây, vài ghi chép trong cuộc họp:

Ngày 21.8.2014, Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp đó, lại ký tiếp Quyết định bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào hệ thống bảo tàng quốc gia. Cuối tháng 11.2015, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trưng bày Bảo tàng với tổng kinh phí xấp xỉ 36 tỷ đồng. Diện tích 1.464 m2  được đầu tư xây dựng tại khuôn viên Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, ô E2 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Dự kiến khánh thành vào dịp 21.6.2016.

Thật bất ngờ khi gặp lại nhà thơ Trần Kim Hoa, trước đây chị cùng công tác tại Báo Phụ Nữ TP.HCM, nay Giám đốc Bảo tàng. Chị cho biết tiêu chí tiếp nhận hiện vật như sau:

- Tài liệu, thông tin liên quan lịch sử báo chí và người làm báo tại địa phương; bản gốc hoặc bản sao các ấn phẩm báo chí hoặc măngset báo chí cổ, cũ từ trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay.

- Các công cụ in ấn và làm báo (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) từ thô sơ đến hiện đại từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay.

- Các dụng cụ, đồ nghề (bút, máy ảnh, máy chữ, máy quay phim...) của các nhà báo.

- Những kỷ vật của các nhà báo: thư từ, nhật ký, sổ tay ghi chép, bản thảo các tác phẩm báo chí, đồ dùng sinh hoạt thời chiến tranh, các thẻ nhà báo.

- Các văn bản của các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, có giá trị hoặc ý nghĩa lịch sử, dù nhỏ; ảnh báo chí, tư liệu ghi lại hình ảnh hoạt động báo chí và quản lý báo chí của những người làm báo ở các vùng miền, qua các thời kỳ; các phần thưởng của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước dành cho những người làm báo và cơ quan báo chí qua các thời kỳ.

- Hiện vật cần được ghi rõ tên, xuất xứ, người hoặc cơ quan sử dụng, thời gian được sử dụng.

Trước đây, qua thông tin báo chí biết rằng NSND Bảy Nam, mẹ của NSND Kim Cương đã trao cho nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương bộ sưu tập gồm các tập báo cắt dán năm 1963 về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm. Sáng nay, 1/6 của bộ sưu tập đó đã được ông Phương trao tặng lại cho bảo tàng. Sơ bộ tổng kết đến hết buổi sáng nay, bảo tàng đã nhận được trên 2.000 hiện vật, tài liệu quý - kể cả của khu vực phía Bắc đã phát động trước đó.

Trong cuộc họp, ngồi cạnh nhà văn, nhà báo Trần Công Tấn. Ông kể lại thời điểm được Hoàng thân Lào Xuphanuvong nhận làm con nuôi. Ngày 21.3.1946, ông mới 12 tuổi, làm liên lạc viên của quân tình nguyện tại mặt trận Tha-Khẹt, đem mật thư của Bí thư Xứ ủy Trung bộ Nguyễn Chí Thanh đến trao cho Hoàng thân. Nhận được thư, Hoàng thân cho gọi cậu bé liên lạc Trần Công Tấn vào, nhận làm con nuôi và đặt  cho tên Lào Xômbun Xuphanuvông - mang họ của Hoàng thân. “Lâu nay, anh có qua Lào không?”. Ông Tấn đáp: “Mình qua luôn, trong gia đình, mình là con lớn nhất, vì thế, bên đó có chuyện gì cần bàn bạc là mình lại qua. Mình có viết mấy tập sách về Hoàng thân Lào Xuphanuvong, hôm nào sẽ gửi tặng Q”.

Xong Lễ phát động, Báo Thanh Niên có nhã ý mời các nhà báo ăn trưa tại Nhà hàng Cơm Niêu trên đường Hồ Xuân Hương. Y từ chối. Tranh thủ chạy qua Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn tham dự cuộc họp thứ hai: Hội thảo Khoa học Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Đây là hội thảo cuối cùng trong chuỗi sự kiện cả nước tôn vinh Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa nhân vật thế giới đã được UNESCO công nhận. Nguyễn Du và Truyện Kiều vượt qua cột mốc “bất tri tam bách dư niên hậu”, mãi mãi về sau vẫn còn có thêm nhiều hướng tiếp cận khác nữa. Đó là một điều chắc chắn. “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”, câu thơ Nguyễn Du khen Thúy Kiều có thể ứng vào sự nghiệp của ông. Ban Tổ chức nhận được gần 100 bản tham luận từ các nơi gửi đến, xa nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan; gần hơn thì có các tác giả ở trong nước từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, cơ quan văn hóa ở Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, TP.HCM. Từ các tham luận này, Ban Tổ chức cùng nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang - Huỳnh Như Phương chọn ra 79 tham luận, in tập sách dày dày 1.000 trang in, khổ 16x24cm. Tập sách này phản ánh đúng 5 chuyên đề được thảo luận trao đổi tại Hội thảo: Nguyễn Du và thơ chữ Hán; Văn bản và tư tưởng Truyện Kiều; Giá trị văn chương Truyện Kiều; Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều; Truyện Kiều và văn học thế giới.

Hội thảo lần này, có nhiều, rất nhiều điều tâm đắc.

Chẳng hạn, giới học thuật miền Nam trước năm 1975 đã tiếp cận Truyện Kiều ra sao, như thế nào, lần này đã được đào sâu, nghiên cứu chu đáo qua các tham luận như Truyện Kiều và văn học quốc ngữ Nam Bộ - Khảo sát Tuý Kiều phú và Tuý Kiều án (TS Phan Mạnh Hùng), Tiếp nhận và cải biên Truyện Kiều thành kịch bản cải lương trước 1945 (TS. Đào Lê Na), Bàn luận về Nguyễn Du trên một số tạp chí miền Nam giai đoạn 1954-1975 (ThS. Lê Thụy Tường Vy), Nguyễn Du trong lòng miền Nam: Lược thuật các hoạt động văn hoá học thuật kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du tại miền Nam năm 1965 (TS. Nguyễn Tuấn Cường), Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tiếp nhận của phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975 (TS Trần Hoài Anh) v.v… Khi đọc, trước mắt, y chú trọng đến tham luận của TS. Nguyễn Tuấn Cường: Nguyễn Du trong lòng miền Nam: Lược thuật các hoạt động văn hoá học thuật kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du tại miền Nam năm 1965. Vấn đề này, trước đây, hầu như chưa mấy ai lưu tâm đến. Chẳng phải khoe khoan làm gì, những tư liệu mà TS Nguyễn Tuấn Cường khảo sát, tủ sách nhà y có tương đối đầy đủ.

Sau đây là vài “gạch đầu dòng” đáng lưu ý:

“(1) Tuần lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du do Bộ Giáo dục tổ chức từ ngày 3/10 đến 10.10.1965 Tại Nhà Văn hóa; (2) Lễ kỷ niệm Nguyễn Du tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, chiều ngày 1.10.1965; (3) Buổi diễn thuyết do Hội Việt Anh tổ chức ngày 9.10.1965 tại Nhà Văn hóa” (DĐD, tr.774). “Ngoài hoạt động lễ kỷ niệm và diễn thuyết như trình bày trên, Tuần lễ kỷ niệm còn có hai hoạt động văn hóa khác, đó là triển lãm tư liệu về Nguyễn Du trong suốt tuần lễ; và đêm tưởng niệm thi hào Nguyễn Du tổ chức tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ngày 10.10.1965” (DĐD, tr.777). “Như vậy, mặc dù thời điểm 1965 hai miền Nam - Bắc còn chưa thống nhất nhưng giữa hai miền đã có một sự thống nhất về văn hóa và học thuật trong việc nhìn nhận và đánh giá những cống hiến to lớn của thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam và nhân loại” (DĐD, tr.781).

Theo TS Nguyễn Tuấn Cường, toàn bộ sưu tập có đến khoảng 800 trang in, khổ sách 16x24cm. Và ông đề xuất: “Các tài liệu này thường tản mác trong các tạp chí nên khó tiếp cận, nhất là tiếp cận tổng thể. Việc in lại nhóm tài liệu này cũng xuất phát từ góc độ văn hóa và học thuật để cung cấp cho độc giả một cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về hình ảnh của Nguyễn Du trong lòng miền Nam” (DĐD, tr.781). Xin được vỗ tay hoan nghênh. Phải là thế. Nhưng than ôi, biết đến bao giờ mới có thể thực hiện? Phải nói thật rằng, lâu nay trong lãnh vực văn hóa vẫn ngang nhiên tồn tại một thứ rào cản khắc nghiệt là sự soi rọi vào lý lịch - nhất là những người cầm bút tại miền Nam trước 1975. Muốn in lại những gì họ đã viết, vẫn là nhìn nhận từ nhân thân, lý lịch người đó, chứ không phải họ đã viết cái gì, viết như thế nào (!?). Với các bài nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du, và các tác phẩm có giá trị khác, nếu không có cái nhìn thiện chí trên tinh thần hòa hợp dân tộc thì sự thiệt thòi, tự làm nghèo đi di sản văn hóa đang có thuộc về ai? Mà này, than ôi, chúng ta đang sống trong thế kỷ nào vậy?

“- Chà, lại suy nghĩ những chuyện này nữa à? Thôi đi, Q ơi”.

“- Dạ”.

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment