LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.2.2017


20170207150529-thu-uyen-le-minh-quoc-ghe

Tranh sơn dầu của LÊ MINH QUỐC


Ngày chủ nhật. Một ngày có gì khác mọi ngày? Với y, không gì khác. Vẫn thế. Vẫn lặng lẽ mỗi ngày cùng công việc đã chọn lấy từ lúc bước chân vào đời. Nghiệm rằng, nếu yêu lấy nghề, ngay lúc đang cật lực làm nghề, nhọc nhằn lao động cũng đã là một cách thư giản và thụ hưởng lấy niềm vui. Hai mươi năm trước, trong tập thơ Tôi chạy theo thơ, y đã tự bạch: “Tay lóc ngóc gõ lọc xọc/ Một tảng đá ngồi trước bàn/ Vận dụng nội lực lên dốc/ Chẳng bao giờ chịu đầu hàng/ Nhoay nhoáy đêm ngày xoèn xoẹt/ Chữ ơi ốm béo ngắn dài/ Văn chương cái nghề cực nhọc/ Tự nguyện làm tù khổ sai”.

Liệu có thật ích kỷ hay không, vì đôi khi để có niềm vui đó, y lại nhắm mắt bịt tai không hề đoái hoài gì đến những sự việc thời sự đang diễn ra ngay trước mắt. Những thời sự khốc liệt khiến tâm hồn tan hoang như bão trút, sấm sét đùng đùng. Tại sao lại né tránh? Trả lời câu hỏi này, không khó nhưng trình bày ra môn ra khoai lại ngại mất thời gian, không cần thiết, nên thôi.

Đôi khi nghĩ rằng, sống trên trần gian này không khó lắm đâu, ai cũng sống được, dù rằng họ đang sống trong hoàn cảnh bi đát đến cỡ nào. Vậy khó nhất là gì? Vẫn là làm thế nào giữ được sự trong trẻo của tâm hồn. Nhìn cuộc sống an nhiên tự tại, không sắc màu u ám, không tị hiềm, không ganh ghét. “Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui” (TCS), nghĩ cho cùng là một thái độ sống tích cực hay một sự thỏa hiệp tự lừa dối lấy chính mình? Chẳng lẽ trong cái cõi nhân sinh hỉ, nộ, ái, ố có những sự việc tàn khốc quất ngang qua số phận hàng triệu con người, chẳng hạn vụ Formosa, vậy cách lựa chọn tốt nhất là ngoảnh mặt đi và tìm lấy sự an toàn để có được niềm vui? Câu trả lời khó hay dễ vẫn tùy thuộc vào thái độ sống, tâm thế của mỗi người.

Một ngày của y tẻ nhạt quá. Quanh đi quẫn lại với chỉ là những con chữ. Sống bằng những con chữ. Chữ nuôi sống mỗi ngày. Rồi lấy đó làm niềm vui. Mải mê chìm đắm. Vậy không tẻ nhạt là gì? Vẫn biết là thế, nhưng làm sao thay đổi? Mà thay đổi để làm gì? Những câu hỏi này ngớ ngẫn quá đi mất. Do nghĩ thế, y lại chìm vào trong mê đắm. Mê đắm về người. Mê đắm về chữ. Liệu có nên chăng? Câu trả lời đã có. Đó là hôm nọ, đọc lại thần thoại Hy Lạp.

Chuyện rằng, Orphée/Orpheus là con của Apollon - Thần Ánh sáng, Nghệ thuật,Tiên tri và Calliope - Nữ Thần của Thi ca. Chàng là nhạc sĩ đại tài, khi cất lên cung cầm tuyệt diệu thì trần gian này mọi sự vật đều thay đổi. Dù ác thú, hung bạo nhất cũng tự cải tạo tâm tính để trở nên thánh thiện, chan hòa yêu thương. Orphée yêu Eurydice - Nữ thần của núi sông thơ mộng. Chẳng may, ngày nọ nàng bị rắn độc cắn chết. Nhớ thương vợ đêm ngày ròng ròng nước mắt, trái tim vụn vỡ tan tành, tâm trí héo khô, tâm tư sầu não, vì thế, Orphée  nhất quyết đi xuống âm ty tìm vợ cho bằng được.

Ttrong văn chương, truyện kể của nhân loại, chỉ có mỗi Orphée đi xuống cõi âm phủ tìm vợ chăng? Không đâu. Thật thú vị khi có sự trùng hợp lạ lùng: người chồng thủy chung, thương vợ nhất nước Nam ta là Phạm Công, lúc tìm vợ - Cúc Hoa cũng đi xuống cõi ấy.

Lúc đi xuống âm ty, Orphée đã gẩy cung đàn tuyệt diệu: “Khi cao, vút tận mây mờ/ Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh/ Êm như lọt tiếng tơ tình/ Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không/ Thiên Thai thoảng gió mơ mòng/ Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay” (Thế Lữ)... Âm thanh của chín cõi càn khôn hội ngộ, khiêu vũ trên phím đàn của chàng đã khiến các chư vị quỷ thần đều phải cảm động, xao xuyến. Ma lực của tiếng đàn ấy dữ dội đến độ vợ chồng chúa Âm ty là Hadès và Persphone động lòng thương hại trả lại Eurydice cho chàng.

Với Phạm Công, truyện cổ tích Việt Nam, ta có biết thêm một hai chi tiết khác, đại khái, trải qua biết bao gian khổ nhưng vẫn không tìm thấy Cúc Hoa, chàng viết thư cầu cứu Diêm vương: “Nước trong leo lẻo/ Sóng vỗ là đà/ Có rắn mãng xà/ Cất cao cái cổ/ Vợ tôi âm phủ/ Cách trở nghìn trùng/ Tìm kiếm hết lòng/ Phương nào chẳng thấy/ Hai con thơ dại/ Dương thế miền xa/ Nhớ mẹ nhớ cha/ Hai bề cam khổ/ Vái cùng Hậu thổ/ Soi xét lòng đau/ Sống thác nhường nào/ Xin cho tôi biết”. Tóm lại cũng giống như Orphée, trải qua nhiều gian nan, thử thách cuối cùng, Phạm Công tìm thấy vợ. Diêm vương cảm động trước tấm lòng thủy chung của chàng nên cho Cúc Hoa tái sinh. Hai vợ chồng cùng trở về dương thế trong sự vui vầy của mọi người và nhà vua nhường ngôi cho Phạm Công. Từ đó, gia đình Phạm Công - Cúc Hoa sum họp, đời đời vinh hiển.

Trong khi đó, kết thúc của Orphée lại khác hẳn. Bi đát. Đau đớn. Thăm thẳm đất trời. Rầu rầu nước mắt. Thương thay.

Lúc vợ chồng chúa Âm ty đồng lòng cho Orphée dẫn vợ về cõi trần, với điều kiện dọc đường đi tuyệt đối chàng không được ngoái lui nhìn vợ. Khổ nỗi, lúc sắp vợ qua khỏi ranh giới cõi âm phủ, tâm hồn nghệ sĩ của Orphée lại rung lên nỗi niềm xao xuyến, hồi hộp, âu lo đến lạ thường: liệu chừng Eurydice có đi theo sau hay chúa Âm ty phỉnh gạt? Thoạt nghĩ, nếu lúc ấy cùng đi theo chồng, nàng Eurydice cao hứng ngâm nga mấy câu thơ của Huy Cận thì Orphée yên tâm biết chừng nào, ắt không có mối nghi nghi nghi ngờ ngờ ấy. Ngâm câu câu gì? Câu này: “Ồ, những người ta đi hóng xuân/ Cho tôi theo với, kéo tôi gần! Rộn ràng bước nhịp hương vương gót/ Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân”. Thì chắc chắn chàng rất yên tâm, lầm lũi bước đi theo lời dặn dò đã thỏa thuận.

Vậy nên, trong lúc ấy, không thể kiềm chế được lòng mình, Orphée ngoảnh lại nhìn đàng sau, bỗng có tiếng sét nổ vang, Eurydice ngã quỵ xuống chết lần nữa và thân thể tan biến thành mây khói. Vĩnh viễn từ đây, Orphée không còn được gặp vợ lần nào nữa. Hóa ra, chàng Phạm Công còn may mắn hơn nhiều. Từ đó, Orphée sống dỡ chết dỡ, lúc nào cũng kêu gào hãy trả lại Eurydice lại cho chàng. Trong khi đó, nhiều, rất nhiều giau nhân mỹ nữ vây quanh tìm mọi cách giúp giải khuây nhưng chàng không thèm màng tới. Cuối cùng, các người đẹp ghét quá, bèn hè nhau cấu xé chàng tan tành. Cái đầu chàng lăn tới bờ sông Hèbre nhưng vẫn không ngớt tiếng kêu than Eurydice. Thương thay.

Có phải vì tình chồng nghĩa vợ, con người ta mới chấp nhận tìm đến, trải qua một hành trình gian nan đến thế? Với người yêu, liệu chừng điều đó có xẩy ra không? Khó có câu trả lời. Nhưng biết rằng chết theo người mình yêu, tiêu biểu nhất vẫn là trường hợp Romeo và Juliet. Hãy nghe lại tiếng than khóc của Juliet để thấy tình yêu của họ lớn lao, kinh khiếp biết dường nào (bản dịch của Đoàn Thế Bính): “Nào, hỡi đêm tối hãy lại đây. Romeo anh, hãy lại đây với em. Anh là ánh dương trong đêm tối, vì anh sẽ nằm dưới đôi cánh của đêm, trắng ngần hơn tuyết đọng trên lưng quạ. Nào hỡi đêm đen diệu hiền, hỡi nàng tiên trìu mến có đôi mắt đen láy, hãy mang lại cho em chàng Romeo của em. Và khi chàng chết, hãy cắt xương thịt chàng ra thành muôn ngàn ngôi sao bé nhỏ; chàng sẽ làm cho bầu trời tươi đẹp đến nỗi trần gian ai cũng sẽ say sưa đêm tối mà thờ ơ với ánh dương rạng rỡ…”.

Tội tình nhất vẫn là chàng Trương Chi, chàng không có được tình yêu của Mỵ Nương như Juliet dành cho Romeo, vì thế, tiếng lòng của chàng ngàn vạn đời sau, muôn năm kiếp kiếp vẫn khiến mọi người ứa lệ:

Nợ tình chưa trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan

Từng câu thơ đầm đìa nước mắt, vẽ lên bằng nước mắt. Thương thay.

Như đã nói chỉ có chồng đi tìm vợ, mới dấn thân xuống cái cõi tuyền đài. Còn người yêu đi tìm người yêu thì sao? Bất quá cũng chỉ là: “Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng/ Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh/ Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em/ Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang/ Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn/ Tôi mời em về đêm gội mưa trong/ Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm” (TCS). Bất quá cũng chỉ là: “Tìm nhau trong thống khổ/ Tìm nghe câu than thở/ Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia” (PD). Trong tình yêu, ai ai cũng thế. Chẳng gì khác.

Thế mới biết tình chồng nghĩa vợ mới có một giá trị tuyệt đối trong kiếp nhân sinh. Bằng không, cũng không là gì? Tại sao thế? Trong tập thơ đang in Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin (NXB Hội Nhà văn), y viết: “lúc ấy thượng đế bảo rằng nếu yêu Ta thì các ngươi hãy sinh con đẻ cái không gì đẹp hơn bằng hình ảnh người đàn bà bụng chửa dạ mang bởi đó chính là hình ảnh của Ta”. Bởi từ đó mới có thể mở ra một sự tiếp nối, bằng không cuộc tình dù đẹp đến đâu chăng nữa, có là gì không?

Trở lại chuyện tình Orphée của Eurydice, có lời bình nào nào cho kết cục bi đát của họ? Còn nhớ, thi sĩ trung niên Bùi Giáng có bình bằng vài câu lục bát. Nói ra điều này, ắt không ít người cho rằng y bịa mua vui. Không hề, mấy câu thơ đó như sau:

Đừng yêu vợ quá thiết tha

Yêu nhiều mà lại hóa ra phụ lòng

Trên đường khúc khuỷu long đong

Cũng đừng chối bỏ bướm ong với đời

Chung tình chi lắm ai ơi

Cho mòn ruỗng thịt, cho rời rã hương

Lối lui, nẻo tiến, đôi đường

Đủ ngần ấy điệu, mới đúng phường người ngoan

Với thể loại khác, con người ta có thể giấu đi lòng mình, tâm sự thật của mình, nhưng với thơ thì không thể. Thơ là tiếng lòng, tự nó thế nào thì câu chữ thế ấy, khó có thể uốn éo, giả vờ. Ngờ rằng, đó cũng chính là nỗi lòng của Bùi Giáng khi nhìn lại trường hợp của chính ông đấy thôi. Là một cách ông tự nhủ với lòng khi hình ảnh người vợ chết trẻ, khoảng năm 1948 tại Trung Phước (Quảng Nam) luôn đeo đẳng, ám ảnh thường trực trong trí nhớ. Đôi khi cũng nên tự biết dập tắt đi ngọn lửa tương tư, thương nhớ cháy bùng, âm ỉ lửa bén trong cõi lòng tan nát. Quên đi. Biết quên cũng là một liều thuốc màu nhiệm. Để rồi lại tái sinh một lần nữa. Nói thì nói thế. Khó lắm. Khó đến cỡ nào? Hãy nghe Xuân Diệu tâm tình:

Người ta khổ vì cố chen ngõ chật

Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào

Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao

Không muốn chữa, không muốn lành thú độc

Điều kỳ diệu nhất của tình yêu là gì? Chỉ có thể là, một khi đã nhìn thấy rõ ràng ràng kết thúc của nó, nói như Xuân Diệu: “Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương” nhưng vẫn quyết tin rằng không, cứ lầm lũi bước tiếp. Bước đi và cất lên tiếng hát trong vô vọng. Mà thôi, không bàn tiếp nữa. Chỉ xin hỏi, mấy câu lục bát trên có phải của tác giả Mưa nguồn? Không tin à? Cứ tìm đọc tạp chí Thời  Nay số 53 (1.12.1961) thì rõ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.2.2017

16a5ce5f-f900-4625-9533-2092dec166f0
                                                                   Nhà biên kịch ĐOÀN TUẤN


Từng ngày trôi qua nhanh quá. Mới đó, cuối tháng 2 rồi. Trời đất mát mẻ. Công việc hanh thông. Chẳng có gì đáng bận tâm. Ấy thế, vẫn không viết được cái gì cho ra hồn. Những việc vặt vãnh này nọ đã cấu xé thời gian ra từng mảnh vụn. Tựa như mớ tiền bị chẽ nhỏ ra, chẳng mua được cái gì ra tấm ra miếng.

Chiều nay, ngồi đọc lại vài trang báo cũ. Chẳng cũ gì, cũng mới đây thôi. Thích thú và ngạc nhiên với một thông tin mà có lẽ ít ai chú ý đến. Như mọi người đã biết, hiện nay có 6 lục địa được công nhận trên toàn cầu, bao gồm châu Phi, Nam cực, Úc, Âu - Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Thế nhưng sắp có thêm một lục địa mới: Zealandia. Cái tên này là do Giáo sư địa chất Bruce Luyendyk đặt vào năm 1995, dù thời điểm đó các khu vực đất đai tại đây chỉ đáp ứng được 3 trong số 4 đặc điểm cần thiết để được nâng cấp thành lục địa.

Theo Báo Thanh Niên số ra ngày 18.2.2017: “Ngày 17.2, CNN đưa tin Zealandia với diện tích 4,9 triệu km2 sẽ là lục địa thứ 7 và cũng là em út nhỏ nhất trong gia đình lục địa trên trái đất, nếu được xác nhận. Nó là khu vực hầu như bị nhấn chìm hoàn toàn trong lòng Thái Bình Dương, và điều quan trọng hơn cả là bờ biển của nó có thể chứa hàng chục tỉ USD giá trị nhiên liệu hóa thạch. Vị trí của nó bao trùm New Zealand và lãnh thổ hải ngoại New Caledonia của Pháp. Zealandia cũng sẽ là lục địa “trẻ nhất, mỏng nhất và chìm trong nước nhiều nhất”, với 94% khu vực đất đai bị ngập trong nước, theo các nhà nghiên cứu”.

Ai dám bảo, thông tin này không thú vị? Hỏi như thế là ngốc. Bởi lẽ, sống ở đời mỗi người có một mối quan tâm riêng. Những gì ưng ý, tâm đắc của mình chắc gì người khác đã đồng tình? Những câu thơ đau đáu viết ra, sửa chữa từng câu, từng dấu hỏi, ngã rồi đọc lại, lắm lúc vỗ đùi cái đét, sướng mê tơi nhưng biết đâu người khác lại dửng dưng như không? Nói như thế, bởi y thừa biết, biết lắm những đồng nghiệp suốt một đời cầm bút, chỉ lấy chữ làm trọng bởi yêu lấy chữ nhưng rồi chắc gì lọt vào “mắt xanh” của thiên hạ?

Từng đọc đâu đó mẩu chuyện này, nhớ mãi. Nhà thơ Khương Hữu Dụng vốn là tay cự phách trong làng dịch thơ Đường. Với hai câu thơ nổi tiếng Trường hận ca của Bạch Cư Dị:

Trì trì chung cổ sơ trường dạ

Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên

Ông phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ rất nhiều. Nếu trước đó Tản Đà đã dịch thành bốn câu: “Tiếng canh tối tùng tùng điểm trống/ Năm canh dài chẳng giống đêm xưa/ Sông Ngân lấp lánh sao thưa/ Trời như muốn sáng, sao chưa sáng trời?”. Riêng hai câu sau Khương Hữu Dụng cho là tuyệt diệu. Vậy phải dịch lại thế nào, vì mình là người dịch sau? Mất một thời gian suy ngẫm, cân nhắc, ông tìm ra hai từ khác đắc địa hơn là thay  “lấp lóa” cho “lấp lánh”; và dịch:

Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng

Muốn sáng mà sao chửa sáng trời?

Sau đọc lại, thấy từ "chửa" nặng nề quá. Phải thay từ khác. Chưa hết, ông còn suy ngẫm thêm là phải dụng bút thế nào để nói lên tâm sự của Đường Minh Hoàng buồn cho cái đêm cứ kéo dài, trời không chịu sáng? Cuối cùng ông đã tìm ra... cái dấu phẩy!

Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng

Muốn sáng mà sao chẳng sáng, trời?

Muốn thêm được cái dấu phẩy vào một câu thơ dịch, quý hơn vàng, ông Khương phải mất ba mươi năm! Cái dấu phẩy bé tẹo tèo teo ấy, khi đọc thơ, mấy ai chú ý đến? Vậy nên, cái nghiệp cầm bút nó nhọc nhằn quá đi mất. Từng giọt mồ hôi ròng ròng tuôn theo dòng chữ đã viết, mấy ai đã thấu hiểu? Tự nhủ, “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, những số phận lữ hành cô độc ấy vẫn lầm lũi băng qua sa mạc đang hiện diện trước mắt mỗi ngày là cái màn hình. Phẳng đến lạnh lùng. Chẳng cần gì tiếng vỗ tay. Chẳng cần gì lời động viên. Những gì đã viết, nếu có duyên với nhau, không lúc này ắt lúc khác sẽ có người thành tâm chia sẻ. Đọc lại quyển Chương Dân thi thoại của Phan Khôi, làm sao không hứng thú với chi tiết: “Cách đây hai mươi năm, tôi (Phan Khôi) có ông dượng tên Nguyễn Lâm, Ấm Sinh, con quan Phụ đạo Nguyễn Thành Ý, đi Đàng Trong về, đọc cho tôi nghe bài thơ Tống biệt của người bạn ở Bình Thuận:

Trái mù u trên núi

Chảy xuống cửa Phan Rang

Ông đi về ngoài nớ

Trong lòng tôi chẳng an

Bao giờ ông trở vô

Gặp tôi ở giữa đàng

Nắm tay nói chuyện chơi

Uống rượu cười nghênh ngang!

Ông dượng tôi đọc bài ấy cốt để làm trò cười, ý ông cho là thơ gì mà nói như nói chuyện vậy. Bấy giờ tôi còn bé, thấy ông cười cũng cười. Sau tôi tỉnh ngộ ra, biết là hay, thì ông Lâm đã chết. Bài ấy mới nghe dường như quê, nhưng tôi đã đọc cho mấy tay rành thơ nghe, ai cũng chịu”. Ông Phan Khôi nhận xét đúng, vâng, quả là bài thơ hay. Bài thơ lấy vần “ang”, thoạt nghe ngang phè phè nhưng quý ở chỗ cái tình tri kỷ. Nếu sau này gặp lại, chẳng khách sáo, màu mè gì, dù gặp giữa đàng đi nữa cũng nắm tay nhau, nói cười rổn rảng rồi nốc rượu nghênh ngang! Còn gì khoái trá hơn?

Lâu chuyện của Phan Khôi kể về bài thơ trên nặng về cái tình. Có lẽ cho đến nay, nặng tình nhất với Tự Lực văn đoàn vẫn là nhà văn Vu Gia. Anh đã thực hiện nhiều tập sách nhất về các nhân vật chủ chốt nhóm này, có thể kể đến Khái Hưng - nhà tiểu thuyết; Thạch Lam - thân thế và sự nghiệp; Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học; Hoàng Đạo - nhà báo, nhà văn; Trần Tiêu - nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn; Tú Mỡ - người gieo tiếng cười, Thế Lữ - một khách tình si. Nghe đâu, một tập sách khác về Xuân Diệu của anh cũng sẽ ấn hành nay mai. Với y, khi đọc văn chương của nhóm này, một trong những điều tâm đắc, yêu quý nhất vẫn là trong phép cư xử của họ nặng về cái tình.

Còn nhớ đến chuyện này, đã đọc đâu đó, đã lâu. Cứ kể lại, hôm nào hỏi anh Vu Gia kỹ càng xem sao. Rằng, nhà văn Hoàng Đạo có viết truyện ngắn Bóng thủy tiên (in trong tập Tiếng đàn, 1941), là một câu chuyện tình diễm lệ rất hay. Đọc xong, nhà thơ Thế Lữ đã “diễn” lại thành thơ! Thế Lữ làm điều đó, có lẽ vì tình tiết trong truyện ngắn này phù hợp với thơ hay vì tình bạn? Có lẽ cả hai. Nay kể lại, nhiều người có thể không tin nhưng thưa rằng, “nói có sách mách có chứng”: Trong tập Mấy vần thơ,   Thế Lữ ghi rõ “phỏng theo văn xuôi Bóng thủy tiên”. Nhắc lại cho tiết này, còn vì y muốn xác tín những gì đã viết ắt có sự đồng cảm của người khác, không lúc này ắt lúc kia.

Mấy hôm nay, đọc nhiều bản thảo. Dừng lại với tập bút ký văn học Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Với y, cũng nặng về cái tình của nhau. Cả thảy 160 ngàn chữ. Sắp in. Bằng mọi cách để in. Tập sách viết về thế hệ của bọn y thời ở chiến trường K trên quê hương Chùa Tháp. Thời buổi này, những trang viết về năm tháng chiến tranh của thập niên 1980, liệu có còn ai quan tâm? Cần quái gì. Đã là người trong cuộc ắt phải viết. Như một cách trả nợ cùng đồng đội về năm tháng của tuổi trẻ. Đọc và rưng rưng cảm động nhớ về tình bạn cầm súng thuở mới 18, đôi mươi. Trích lấy một đoạn Tuấn viết về y, lúc đóng quân ở sát biên giới Kampuchia - Thái Lan: “Một hôm, tôi sang chỗ Quốc chơi. Y đi đâu mà để võng treo toong teng thế này? Thôi cứ nằm chờ, đợi Quốc về. Nhưng vừa ngồi vào võng, định ngả mình, tôi thấy lạ. Nhìn vào đầu võng, thấy toàn thơ là thơ. Nhìn xuống giữa võng, cũng thấy toàn thơ Quốc viết. Đầu kia cũng vậy. Hắn viết bằng bút bi nên chữ không nhòe, rất rõ. Tôi lật mặt kia của võng lên xem, cũng thấy thơ Quốc viết đầy. Cái anh chàng này, không có giấy hay sao mà phải viết thơ lên võng thế này?”.

Nếu không là tri kỷ, là yêu thơ của nhau làm sao Tuấn có câu kết mà xong ứa nước mắt: “Một người lính như thế, nhỡ chết đi thì tiếc biết bao!”.

Từ kỷ niệm cũ mà Tuấn vừa nhắc trên, chiều nay, sực nghĩ nhà thơ rất gần với…các nhà nghiên cứu khoa học. Tại sao à? Trong lúc thiên hạ đang lo toan, cắm mặt xuống cơm áo gạo tiền, họ lại viễn vông mãi tận đẩu tận đâu. Chẳng hạn, việc quan tâm lục địa mới Zealandia vừa nêu trên “ăn nhậu” gì với mái ấm riêng tư của mình? Lại nữa, họ còn quan tâm đến cả việc... lập quốc gia trên không gian! Không tin à? Theo Báo Thanh Niên ra ngày 6.10.2016: “Tờ The Guardian dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Khoa học không gian của UNESCO Igor Ashurbeyli, người đứng đầu dự án Asgardia, tuyên bố “quốc gia” này sẽ là “miền đất hứa cho nghiên cứu khoa học và loại bỏ mọi giới hạn địa chính trị”.

Xin hỏi, Asgardia là gì? Bài báo này giải thích: “Theo thần thoại Bắc Âu, Asgard là vương quốc của các vị thần. Tại đó, Odin, Thor, Loki và nhiều vị thần khác ngự trong cung điện Valhalla và quan sát đời sống của người trần dưới cõi phàm. Hình ảnh này chính là nguồn cảm hứng cho một nhóm khoa học gia và doanh nhân để xây dựng kế hoạch thành lập Asgardia, quốc gia đầu tiên trên không gian”. Đọc xong thông tin này, tự dưng tủm tỉm cười. Các nhà khoa học rõ là khéo có óc tưởng tượng, nào kém gì các nhà thơ? Trong Di cảo thơ Chế Lan Viên có bài tứ tuyệt Hái trên trời:

Mẹ già chạy gạo nuôi anh từng ngày từng buổi

Một tháng bao lần ngô ghế theo khoai

Thế mà anh đi tìm nắm cỏ tiên để hái

Mẹ cần ăn, anh cho nắm cỏ hái trên trời!

Đành rằng là thế. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”. Biết thế nào. Trở lại với “quốc gia đầu tiên trên không gian”, ghi nhận thêm đôi dòng nữa bởi trước đó, y chưa hề biết đến: “Theo Popular Science, Asgardia có thể tạo ra những thách thức không nhỏ đối với Hiệp ước thượng tầng không gian (OST) do 104 quốc gia ký kết năm 1967 nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trong không gian. Nếu Asgardia tự xưng là một nhà nước có chủ quyền thì có thể sẽ vi phạm quy định của OST rằng không một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng bất cứ khu vực hay thực thể nào trên vũ trụ và công cuộc thám hiểm không gian phải nhằm mục đích phục vụ cho toàn thể nhân loại. Mặt khác, OST cũng quy định quốc gia nào phóng vật thể bất kỳ lên không gian thì phải chịu trách nhiệm về nó, bao gồm cả những tổn thất có thể gây ra đối với trái đất hoặc tài sản của quốc gia khác trên quỹ đạo. Trong trường hợp Asgardia thì sẽ rất khó xác định trách nhiệm nếu xảy ra sự cố”.

Đọc xong bài báo, hiểu thêm đôi điều, là một cái thú. Đọc xong bài thơ, phát hiện ra câu hay, là một cái thú. Đôi khi chỉ có thế đã thấy lòng nhẹ nhàng, hài lòng chứ nào phải chờ có được những gì lớn lao, to tát.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.2.2017

16388354_1869313576686700_6285984214730166570_n

 

Cất cánh phi cơ chỉ một giây

Đã chạm tuổi thơ dưới gót giày

Mới vừa hít thở cùng Đà Nẵng

Đã say trời đất ủ men say

Cảm giác ấy là của lúc xế trưa ba mươi. Ngày Tết qua nhanh. Đã vào lại Sài Gòn. Mệt mỏi đến bã người. Cũng như mọi năm, thấy Tết là sợ. Sợ nhất vẫn là lúc phải bắt nhịp lại công việc mỗi ngày. Không phải ngẫu nhiên, trước Tết có nhiều ý kiến cho rằng nên nhập Tết Tây và Tết Ta làm một. Ăn một cái Tết Tây thôi. Thế là đủ. Ý kiến này bị “ném đá” tơi bời. 

Bản tin “203 người chết vì tai nạn giao thông trong 7 ngày Tết” cho biết: "Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, cả nước xảy ra 368 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 203 người, bị thương 417 người... So với cùng kỳ tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, TNGT tăng 29,5% về số vụ, tăng 11,5 % số người chết, tăng 48% số người bị thương… Nguyên nhân một phần là tâm lý ngày xuân, người tham gia giao thông tùy tiện vi phạm luật, nhiều người lái xe sau khi uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm (nguồn: vnexpress ngày 1.2.2017).

Sáng mồng 5 Tết, Đà Nẵng có mưa phùn. Thời tiết lành lạnh. Quán xá đã bắt đầu mở cửa. Chen chân. Chật cứng. Khó có thể kiên nhẫn ngồi chờ thưởng thức món ăn ngon nào. Rồi lại bia bọt. Nát và nhão cả người. Làm gì cho hết mấy ngày Tết, nếu không là bù khú nhậu nhẹt? Sáng hôm ấy, dậy sớm, ngồi trước căn nhà của thời hoa niên, ngó đất nhìn trời và viết vu vơ đôi câu thơ. Ngôi nhà này, y đã sống và mãi mãi là nơi chốn của lúc quay về cùng Đà Nẵng. Có lẽ, ưng ý nhất vẫn là những câu lục bát đã viết từ Tết năm 2016.

Ngôi nhà của tuổi ấu thơ

Tôi về sung sướng lật tờ giấy thơm

Thấy từ ký ức rạ rơm

Những ngày đi học rập rờn nắng mưa


Vòng tay ngoan ngoãn dạ thưa

Vẫn còn ba mẹ đón đưa ân cần

Nền nhà còn đó dấu chân

Tường nhà vọng tiếng tình thân của đời


Quay về gặp tuổi lên mười

Hoa niên xanh thắm mây trời chưa xa

Nghe từ trẻ nhỏ ê a

Âm vang tiếng ấy hoá ra tiếng mình


Cội nguồn một dạ đinh ninh

Vẫn vẹn nguyên một dấu tình không phai

Hạt mầm. Biếc lá. Xanh cây

Tôi về cầm lấy bàn tay vỗ về


Về nhà? Tôi lại về quê

Quê nhà muôn thuở là quê của nhà

Bỗng nghe tiếng khóc oa oa

Tôi lọt lòng mẹ bước ra cõi người

Về quê nhà, còn có mẹ, cảm giác ấy hạnh phúc và sung sướng biết dường nào. Có lẽ cũng chẳng còn dài nữa. “Mẹ già như chuối chín cây”. Rồi đén một lúc nào đó, gã trung niên là y cũng bước vào ngưỡng cửa ấy.  Vòng quay một đời người qua nhanh. Ngày xuân,con én đưa thoi. Chớp mắt là về một cõi khác. Sáng nay, xuống phố. Sài Gòn vẫn vắng người. Thiên hạ còn mải mê du xuân chúc Tết. Trên trang facebook cá nhân, nhà văn Bùi Anh Tấn cho biết: "Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Ngoài ra, còn những lễ hội nội bộ như ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ... Chưa kể một số lễ hội "mới" chưa được thống kê bổ sung như các lễ hội du lịch, lễ hội bánh tét, lễ hội hoa... Tính ra, trung bình mỗi ngày trên đất nước ta diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức hơn một giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội diễn ra... Liệu trên thế giới, có nước nào, dân tộc nào "yêu" lễ hội như Việt Nam chúng ta chăng?". Thông tin này, anh Tấn quên bổ sung thêm chi tiết đã ghi rành rành trên pano khắp các nẻo đường: "Lễ hội đền Trần Thái Bình di sản văn hóa vật thể phi quốc gia". Xin miễn bình luận.

Chiều nay, dù trống rỗng từ thể xác đến linh hồn nhưng cũng gắng gượng gõ bàn phím. Tập lấy lại thói quen của những ngày hăm hở, sung sức trước Tết. Dịp Tết nào cũng thế, quá mệt cho cái sự nghỉ ngơi quá dài ngày và giết cái sự dài ngày ấy bằng cách nâng ly nốc cả biển bia, sông rượu trôi tuột qua cổ họng. Nghĩ cũng vui. Rồi nghĩ cũng chán. Đành phải thế. “Tết mà”. Câu nói quen thuộc ấy luôn thường trực trong tâm trí của y, sau lần tặc lưỡi.

Ngoài trời, u ám. Thời tiết thật lạ. Như sắp có mưa. Ảm đạm. Quả nhiên đã rơi mưa ngoài hiên. Nghĩ vẩn vơ một chút. Cũng chuyện chữ nghĩa. Làng nhàng. Cho vui trong sắc màu tẻ nhạt của buồi chiều đang mưa như thác đổ. Dám cả quyết rằng, hiện nay, người đàn ông nổi tiếng nhất trên thế giới, mọi động tĩnh gì của ông ta đều trở thành sự chú ý của dư luận năm châu bốn biển: Donald Trump. Trước đó, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của ông ta cùng bà Hillary Clinton, thiên hạ thót tim theo dõi từng chút một và tha hồ bình luận. Y không hiểu gì thể lệ bầu cử ở Mỹ, về chính trị nên không dám hó hé gì. Nay, ông ta đã trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Thích thú với thông tin: “Nhức đầu với việc dịch tên ông Trump sang tiếng Trung”, theo Báo Thanh Niên ngày 26.1.2017: “Tên chính thức của ông Trump theo người Trung Quốc là Te Lang Pu, dịch ra có nghĩa là “phi thường, sáng chói và được ngưỡng mộ”, một cái tên mà chắc chắn ông Trump nhất định chọn nếu có thể đặt tên cho chính mình. Tuy nhiên, nó cũng có thể mang nghĩa “bất thường, ồn ào và dung tục”, 100% là cái tên mà những người phản đối muốn gọi ông này, theo tờ USA Today ngày 25.1.2017.

Sở dĩ có sự trái ngược chan chát về nghĩa trên là do người Trung Quốc không đọc được tên bằng ngôn ngữ khác mà diễn dịch tất tần tật sang ký tự bằng tiếng Hán, dựa trên âm để dịch chứ không phải chữ viết. Kết quả là khi viết một tên nước ngoài bằng tiếng Trung, bạn có thể bổ sung thêm nghĩa mới vào tên của người khác dù muốn hay không. Do nguy cơ trên, Trung Quốc có văn phòng dịch thuật thuộc hãng thông tấn Tân Hoa xã. Các nhân viên ở đây dịch hàng chục tên nước ngoài mỗi ngày, và nếu là trường hợp nhạy cảm, họ sẽ chuyển cho Bộ Ngoại giao để xét duyệt.

Và tất nhiên trong những ngày qua, cơ quan trên tối tăm mặt mũi khi chuyển tên các thành viên trong nội các mới ở Washington. Ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trở thành Di Le Sen, cố vấn tổng thống Kellyanne Conway là Kang Wei, và Ryan Zinke, ứng viên bộ trưởng Nội vụ, là Jin Ke. Thế nhưng Hồng Kông và Đài Loan lại chọn cái tên khác cho ông Trump: Chuan Pu, được đánh giá là cái tên tốt nhất vì ngắn gọn và gần nghĩa nhất so với nguyên tác”.

Đọc lại thơ văn vô sản thập niên 1930, mới biết rằng, ngày ấy, người Việt dùng từ “Lý Ninh” để gọi Lénin. Không rõ đến thời điểm nào mới gọi Lê Nin? Cái tên của một con người quan trọng đến vậy. Ai cũng có một cái tên. Nhưng rồi, hầu hết trở thành Vô Danh. Các nhà nho dấn thân ngày trước rất coi trọng cái tên của mình, nay thiên hạ cũng thế thôi. Chằng gì khác. Hôm nào rảnh rỗi, đọc lại tiểu sử của nhà nho Trần Danh Án xem sao. Một người viết hai câu thơ này, há nào phải tầm thường:

Nam nhi bất tác oanh thiên sự,
Hư độ phù sinh tử diệc hưu.

(Tài trai không làm được việc vang trời. thì sống cũng uổng một đời, rồi chết cũng thôi).

Ai rồi không chết? Vậy cứ sống thỏa thích theo ý mình, có phải tốt hơn không? Không dám có ý kiến gì. Đọc sử, đôi khi lại thấy tiếc cho Nguyễn Hữu Chỉnh. Thơ là người. Câu thơ vận vào người dễ như bỡn. Tương truyền Chỉnh ứng khẩu năm 8 tuổi, lúc theo cha đi chúc Tết thầy đồ, lúc ấy, thầy bảo vịnh cái pháo:

Xác không vốn những cậy tay người,

Bao nả công trình, tạch cái thôi.

Kêu lắm lại càng tan tác lắm,

Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Quỳnh Chân: “Người ta thường luận rằng "khẩu khí" bài này cho thấy Chỉnh không có thực tài, làm nên sự nghiệp đều "cậy tay người", song càng trèo cao càng ngã đau, rút cục chết phanh thây mà công danh cũng không còn, khác nào làm cái pháo công trình mà chỉ nổ tạch một tiếng, tan xác là hết. Cũng may sự nghiệp văn chương của Chỉnh không dừng lại ở bài Vịnh cái pháo nên ngày nay chúng ta còn có cơ hội suy xét Chỉnh một cách công bằng hơn” (Thế Kỷ 21, số 64, tháng 8, 1994). Luận như thế, có hợp lý không? Y không có ý kiến. Tình cờ, đọc trên mạng vi.wikisource, thấy có một dị bản khác của bài thơ này. Có lẽ do người đời sau, vì thương lấy số phận của Chỉnh mà chỉnh lại chăng?

Pháo mới kêu to một tiếng đùng

Hỡi ơi xác pháo đã tan không

Tiếc thay thân pháo không còn nữa

Nhưng đã tan ra vạn sắc hồng

Bài thơ này, xét ra “có hậu” hơn. Cũng may, ở Việt Nam cấm đốt pháo đã lâu, thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng thì phải. Còn nhớ bấy giờ, trên tờ Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài có viết bài luận về cách làm pháo ngày xưa, bị rày rà to. Không có tiếng pháo rồi cũng quen đi. Tốt thôi. Đôi khi, ngồi suy nghĩ vẩn vơ này nọ cũng là một cách ngốn cho mau hết thời gian của một buổi chiều bó chân ngồi nhà, bởi ngoài trời đang mưa. Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Trong lòng phố mưa đêm trói chân”. Thời nhỏ đọc và thích câu này: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa không có then khóa mà giữ được khách).  Thật ra, bình thường thôi, câu đối lại hay hơn: "Sắc bất ba đào dị nịch nhân" (Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta). Lúc đã liễu chán hoa chê, lăn lóc đá, mê mẩn đời, nghiệm lại thấy chẳng sai. Và mỗi lần đọc lại thấy thích. 

Và bây giờ thích gì? Chẳng rõ nữa.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.1.2017

 

HOA-SI-MANH-QUYNH-1-RT

 

Người đời thử ngẫm mà hay

Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê

Còn ai, ai tỉnh ai mê

Những ai thiên cổ đi về những đâu?

Thơ Tản Đà. Một chữ đã viết ra, làng trên xóm dưới đều đọc, sau này, nếu muốn xóa đi, dễ hay khó? Muốn trả lời câu hỏi đó, phải tự trả lời câu hỏi này: Chữ ấy, mình đã viết trong tâm thế, tâm thức nào? Để từ đó, khi đối diện lại, dù nó đã bị xóa đi hay vẫn còn sờ sờ ra đó, dù nhận thức đã thay đổi nhưng người viết cũng không mắc cỡ, xấu hổ với chính mình. Một chữ đã viết ra, dù bạn đọc đã xóa, đã quên nhưng làm sao xóa khỏi lòng mình? Cái nghề cầm bút nhọc nhằn là ở chỗ đó, chứ không phải vì tất bật mưu sinh, bận rộn gõ phím mỗi ngày. Đã ăn hạt ngọc trời đến mòn răng bằng nghề cày chữ, nếu nhìn lại những gì đã viết, y nghĩ gì?

Sáng hôm qua, đến Trường Đại học Sư phạm mừng sinh nhật 80 của PGS-TS Trần Hữu Tá. Với những gì y đã viết, đã có nhiều người nhận xét, đánh giá, thú thật, vẫn thích nhất lời nhận xét, đại khái theo ông, y là mẫu người vừa có khả năng chặt tre vừa có khả năng vót tăm. Ngắn mà đầy đủ. Dịp này, tập sách Trần Hữu Tá - Từ bục giảng đến văn đàn (NXB Thanh Niên) được ấn hành. Ngồi trong hội trường, cầm tập sách tranh thủ đọc loáng thoáng, biết thêm chi tiết: Trước đây, công trình nghiên cứu Nhìn lại một chặng đường văn học, dày 1.400 in, khổ 19x24 cm do ông chủ biên, đề cập đến dòng văn học yêu nước tại đô thị miền Nam suýt bị ách lại, cấm phát hành.

Hãy nghe nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ kể lại: “Nhân, trong phần trích dẫn các bài viết trước 1975, có một bài của Cao Tùng, với cái tít “Thiên tài Phạm Duy”, vốn được đăng trên tạp chí Trình bày. Ngay khi đọc và sửa bản in, tôi đã thấy ngại, vì lúc đó nhạc sĩ Phạm Duy chưa được cho về nước, và người ta còn “úy kỵ” ông lắm, tôi có đề nghị anh Tá nên thêm vào hai dấu ngoặc kép để trước và sau hai chữ thiên tài. Nhưng anh Trần Hữu Tá cương quyết không chịu. Đó là thái độ làm việc nghiêm túc và trung thực của một nhà nghiên cứu văn học chân chính. Vậy mà sự chân chính ấy suýt phải trả giá không nhỏ” (SĐD, tr.210-211).

Sau đó, trên báo Tuổi trẻ chủ nhật số ra ngày 1.6.2000 có đăng bài của Tần Hoài Dạ Vũ “viết giải thích tác giả bài báo gọi “thiên tài” Phạm Duy chỉ là một cách nói mỉa”, chứ nào phải ca ngợi gì, nhờ vậy mọi việc được thu xếp ổn thỏa, suôn sẻ. Lật lại quyển sách Nhìn lại một chặng đường văn học kiểm chứng, mới biết Tần Hoài Dạ Vũ nhớ sai, tác giả là Cao Thanh Tùng, chứ không phải Cao Tùng; tựa bài báo là “Phạm Duy… bất tử” từng in trên tạp chí Trình bày số 23 ra ngày 3.7.1971, chứ không phải “Thiên tài Phạm Duy”. Dù sai một, hai chi tiết vừa nêu nhưng câu chuyện trên có thật, nhắc lại đến thấy lại não trạng của một thời. Những người đứng ngoài, không theo nghiệp nghiên cứu khó có thể hình dung ra nổi.

Trong bài viết PGS-TS Trần Hữu Tá - một người hiền chọn in trong tập sách  Trần Hữu Tá - Từ bục giảng đến văn đàn, y có nhắc lại một  kỷ niệm về công trình Từ điển văn học (bộ mới) do ông đồng chủ biên với các ông Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu. Cười cho cái thói ngựa non háu đá của y. Rằng, đã từng đọc bộ sách này từ thời sinh viên, đến lúc ra trường, đọc kỹ hơn, phát hiện ra trong đó còn  thiếu nhiều tác giả. Thế là y viết bài góp ý. Rồi mươi năm sau, còn nhớ hôm ra mắt Từ điển Văn học (bộ mới) tại Công ty Fahasa, ông còn chủ động nhắc lại chuyện đó một cách vui vẻ. Thì ra cái tâm độ lượng, cái tính học thuật của ông là vậy.

Có lẽ, y góp ý đúng nhưng lúc đó, ông không tiện trả lời vì ở thời điểm thập niên 1980 còn có những “rào cản” nhất định khi chọn người này, không chọn người kia! Sau này, lăn lộn trường văn trận bút, đã kiếm sống bằng nghề viết ròng rã gần hết đời người, ăn cơm mòn răng từ nhuận bút, y mới nhận ra sự đời đâu đơn giản như đã nghĩ. “Thức lâu mới biết đêm dài”. Còn nhiêu khê chán. Khổ nỗi, thời trẻ, y nào có hiểu.

Thế đấy, nhận thức mỗi thời mỗi khác. Đôi khi nhớ lại những câu chuyện đã qua, y biết, có nhiều người tự hỏi, một chữ đã viết ra có xóa đi được không là vậy. Thôi thì cái tâm, cái lòng thế nào thì hãy viết thế, nhờ đó.

Chỉ xin bàn về một chuyện nhỏ, ấy là những lúc viết Chuyện tình các danh nhân Việt Nam, Kể chuyện danh nhân và tiểu thuyết lịch sử, qua đó, y đã có những mối thân tình anh em từ con cháu của người đã khuất. Ngày gần đây, cuối năm y lại nhận từ bưu điện nhiều, khá nhiều tài liệu về họa sĩ Mạnh Quỳnh. Đã khá lâu, chừng hơn mười trước, tôi có viết bài báo Họa sĩ Mạnh Quỳnh và thi sĩ La Fontaine, không còn nhớ đến nữa. Đột nhiên, ngày nọ nhận được điện thoại của họa sĩ Ngô Mạnh Dũng - con trai họa sĩ Mạnh Quỳnh nhắc lại. Từ một bài báo mở ra một cái tình. Quý thay. Với khá nhiều tài liệu vừa nhận được, đọc kỹ, có thể viết thêm được cái gì đó.

Quái lạ, một họa sĩ tiên phong trong lãnh vực sáng tác truyện tranh nổi tiếng cùa Việt Nam như Mạnh Quỳnh, lại không có mấy tài liệu đề cập đến.

Thế nhưng, trong ký ức của những người cùng thế hệ thì vóc dáng của ông vẫn còn sừng sững. Mọi người thường nhắc đến ông với tất cả sự khâm phục. Có lần nhà thơ Thy Ngọc ở tuổi “cổ lai hy”, ngoài 80 xuân nhớ lại: “Năm tôi học lớp 3, lớp 4 tiểu học thì họa sĩ Mạnh Quỳnh đã nổi tiếng. Bấy giờ, ông vẽ truyện tranh phiêu lưu, vui nhộn nhưng lại có tựa bí hiểm là Kao co và vẽ nhân vật Vá, Vếu cho tờ báo Cậu Ấm - Cô Chiêu của ông Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong”.

Cậu Ấm - Cô Chiêu là tờ báo nhi đồng đầu tiên trong tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam. Từ số 1 đến số 12 (ra ngày 8.5.1935) có tên Cậu Ấm báo con trai. Bắt đầu từ số 13 (ra ngày 15.5.1935) được đổi tên thành báo Cậu Ấm - Cô Chiêu. Tòa soạn đặt tại số 82 Rue du Coton (Phố Hàng Bông - Hà Nội). Báo in theo khổ 19x 29 cm, dày 20 trang. Họa sĩ Mạnh Quỳnh là cây cọ chủ lực của tờ báo này. Nhân đây cũng xin nói luôn, cách đây chừng mươi năm, chính từ bộ Cậu Ấm - Cô Chiêu mà Mạnh Quỳnh đã vẽ minh họa, y đã sưu tập đầy đủ tập truyện dài nhiều kỳ Đảng Rỗ Bẩy của nhà văn Nguyễn Công Hoan và NXB Trẻ đã in lại thành sách.

Nhà thơ Thy Ngọc nói tiếp: “Họa sĩ Mạnh Quỳnh họ Ngô, ấn tượng đối với tôi là vóc dáng của ông cao lớn, nói năng không hoạt bát nhưng lúc nào cũng trẻ trung, hay cười - tạo cho người gặp đầu tiên những tình cảm đáng tin cậy. Ngoài việc vẽ truyện tranh, ông còn là người đầu tiên vẽ phim không cử động ở hiệu ảnh Hạ Long. Thời đó, chưa có băng vidéo hoạt hình, do đó, tuổi nhỏ của chúng tôi rất mê loại “phim” của ông. Không rõ từ bao giờ, ông đã mở lớp vẽ tư ở nhà riêng tại Hàng Trống - trước đó ở phố Nhà Thương Khách. Nhiều họa sĩ nổi tiếng hiện nay từng là học trò của ông”. Nhà thơ Thy Ngọc cho biết thêm, Mạnh Quỳnh còn là người vẽ tranh minh họa cho bộ truyện ngụ ngôn của thi sĩ Pháp La Fontaine (1612-1695). Không những thế, ông còn là minh họa Truyện Kiều, vẽ ra chân dung Ba Giai, Tú Xuất, góp phần thổi sức sống vào nhân vật biếm họa Lý Toét, Xã Xệ…

Với La Fontaine, lần đầu tiên đến Việt Nam, tên thi sĩ lừng danh này được phiên âm qua Hán- Việt là Lã Phụng Tiên, được dịch in bằng chữ Quốc ngữ trong quyển Hải lục cách ngôn do Đỗ Thận chủ trương, in tại nhà in H. Schneider và bán tại hiệu Ích Ký (58 Hàng Giấy - Hà Nội) cùng thời với hoạt động của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Còn bài thơ ngụ ngôn đầu tiên được công bố trên báo chí Quốc ngữ là Truyện con sói và con chiên con đăng trên tờ Đại Nam đăng cổ tùng báo (số 821 ngày thứ Năm 10.10.1907) và người dịch là nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).

Sau đó, tập hợp lại những bài đã in, Nguyễn Văn Vĩnh cho xuất bản tập La Fontaine - Thơ ngụ ngôn (Trung Bắc Tân Văn XB năm 1928), gồm 44 bài mà người minh họa là họa sĩ Mạnh Quỳnh. Nét vẽ của ông đậm đặc cảnh vật và người Việt Nam. NXB Cảo Thơm ở miền Nam tái bản vào năm 1969. Gần đây, tháng 10.2017, NXB Kim Đồng cũng vừa tái bản nhân 100 năm sinh của Minh Quỳnh. Xem La Fontaine - Thơ ngụ ngôn do ông minh họa, ta thấy hết sức thú vị. Chẳng hạn, bài Anh chàng đứng tuổi với hai chị nhân ngãi - Mạnh Quỳnh vẽ người đàn ông khăn đóng, tay cầm ô; còn phụ nữ thì chít khăn mỏ quạ, tay cầm quạt. Truyện cô hàng sữa, ông vẽ nhân vật chính là cô Perrette giống hệt hình ảnh cô gái quê đầu thế kỷ XX v.v...

Biết được điều này, hẳn La Fontaine rất hài lòng, bởi lẽ, ngụ ngôn của ông đã đạt đến tính phổ biến của nhân loại, thì mỗi nơi có một cách tiếp cận riêng với từng nhân vật ấy là lẽ tất nhiên. Thông điệp trong ngụ ngôn này là “Không bao giờ bán da con gấu khi chưa hạ được nó”; hoặc “Chạy chẳng lợi ích gì, mà phải biết khởi hành đúng lúc”, “Nghi ngờ là mẹ của an toàn”, “Bụng đói thì không có tai” v.v… đâu chỉ dân tộc Pháp mới cảm nhận như vậy, ở Việt Nam cũng thế thôi. Đặc biệt, loài vật của La Fontaine hiện ra dưới nét vẽ của Mạnh Quỳnh thật ngộ nghĩnh. Ngay cả con vật dữ tợn như sư tử, sói… cũng đều biết cười. Và trông nét mặt chúng đáng yêu làm sao!

Chính vì có cách thể hiện độc đáo của riêng mình, nên mãi đến bây giờ, ở Việt Nam, chưa có họa sĩ nào minh họa thơ ngụ ngôn La Fontaine tuyệt hơn Mạnh Quỳnh. Trước đây, y cho rằng từ năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên dịch thơ ngụ ngôn của thi sĩ Pháp La Fontaine. Nay nhận thức lại, phải trước đó rất nhiều năm, từ năm 1881 chính nhà văn Trương Minh Ký với Truyện Lang Sa diễn ra Quốc ngữ, in từng kỳ trên Gia Định Báo mới là người đầu tiên dịch thơ La Fontaine, tuy nhiên ông lại sang văn xuôi.

Họa sĩ Mạnh Quỳnh, họ Ngô sinh năm 1917 tại Hà Nội, mất ngày 2.4.1991; học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1932-1942, tốt nghiệp Khoa Sơn mài và có lẽ, chính ông thuộc thế hệ đầu tiên rất có công khi truyền cảm hứng cho trẻ em yêu thích hội họa. Sinh thời ông đã cho in bộ sách Học vẽ phổ thông (6 tập). Thú vị ở bìa 4 của tập sách cho biết, không chỉ học sách mà các em còn có thể học theo lối hàm thụ - tức là gửi các tranh đã vẽ về cho ông tại địa chỉ 29 Hàng Trống (Hà Nội). Sau đó, ông sẽ có nhận xét, góp ý sửa chữa. “Bài gửi học đưa tay hoặc gửi bưu điện. Cần cuộn lại, không nên gấp nhỏ. Tem cần dán bao nhiêu xin hỏi ở bưu điện. Tem người học gửi do người đó chịu khoản phí này. Tem gửi trả bài do họa sĩ chịu”.

Bao nhiêu “mầm non họa sĩ” đã thành danh từ lớp học này? Điều canh cánh mà trong sổ tay lưu bút, họa sĩ Mạnh Quỳnh đã từng tâm niệm: “Phần thưởng quý báu trong đời nghệ thuật của tôi là được đào tạo ra những lớp người trẻ tuổi đi vào con đường hội họa”. Mà không chỉ có thế, trước đó, bao nhiêu người thoát nạn mù chữ từ những tập sách do Mạnh Quỳnh biên soạn, vẽ tranh minh họa?

Sở dĩ đặt câu này, vì cư như theo hồi ức của ông Ngô Đình Châu - em của ông thì thời kháng chiến: “Lúc đó Sở Bình Dân Học (BDHV) Vụ Liên Khu 10 do ông Vương Kim Toàn làm giám đốc tìm đến gặp anh tôi bàn về vẽ và in sách cho Sở BDHV Vụ Liên Khu và cho cả toàn quốc theo ý ông Nguyễn Công Mỹ là Giám Đốc BDHV toàn quốc. Sách được Sở BDHV đặt in đầu tiên là cuốn Vần Quốc ngữ tiếp theo là Lịch sử nước Việt Nam và Địa lý nước Việt Nam. Sách do anh tôi vẽ và khắc cùng chịu trách nhiệm in, lúc kháng chiến thì đâu có máy in, anh tôi phải tổ chức in tay, in mỗi thứ cả hai ba chục ngàn cuốn. Tổ chức in tay, khắc gỗ những tài liệu đó phải mất nhiều công phu, như là phải tìm mua gỗ, mà gỗ dùng để khắc chỉ có hai loại dùng được là gỗ Thừng Mực hay gọi là Lòng Mức, loại tốt thì phải dùng gỗ của cây thị ăn trái, vì các loại gỗ này nó dẻo, dai mới khắc được và giữ được nét khắc. Xong phải đi tìm mua mực in, loại mực dùng cho máy in là loại mực Lorieux của Pháp mới in được, vì in trên giấy gió, nếu mực xấu nó lem và hằn sang mặt sau… Sau đó, Sở BDHV lại đề nghị với anh tôi thành lập đoàn Múa Rối để đi tuyên truyền khắp các tỉnh nhất là các tỉnh thuộc vùng Thượng du Bắc Việt”.

Những tập sách này, và một vài tài liệu quý giá thời ấy, may quá, họa sĩ Ngô Quỳnh Dũng có gửi bản tặng photo. Trước hết có thể kể đến quyển I t Đoàn kết do Ty Bình dân học vụ Yên Bái xuất bản năm 1947, ngoài bìa vẽ bức tranh ngộ nghĩnh chú mèo trắng ôm vào lòng chú chuột đen đang mở tập vở, dặn dò: “i t cố học cho ngoan/ Để sau gánh vác lo toan việc đời”. Trang cuối là bốn câu thơ: “I t đoàn kết/ Diệt hết giặc ngu/ Hết nạn “thẻ mù”/ Đời vui tươi đẹp”.

Với quyển Địa lý nước Việt Nam do Bình dân học Vụ Liên khu 10 ấn hành năm 1948 cũng in khổ to và cũng họa sĩ “Mạnh Quỳnh soạn, vẽ, và in tay”. Nhìn chung vẫn là nét vẽ độc đáo của một họa sĩ nhuần nhuyễn tinh thần, cá tính, tính cách của người Việt, không lẫn lộn vào đâu được. Điều này, ta còn có thể nhìn qua tập sách Lên tám, do Éditions Alexandre de Rhodes ấn hành từ năm 1944. Thi sĩ Tản Đà không thể biết được về sau tập thơ thiếu nhi của mình đã tái bản với tranh minh họa tuyệt vời đến thế. Tôi vẫn thích bức tranh vẽ người nông dân gác cuốc ngồi trên bờ cỏ, đứng cạnh là đứa trẻ, cụ già, phụ nữ cũng chăm chú đọc sách, minh họa cho câu thơ: “Học thường là phổ thông/ Gây thành tư cách chung/ Dẫu biết chưa là mấy/ Có học hơn người không”.

Không chỉ ngụ ngôn La Fontaine mà ngay cả Qui-Li-ve du ký  sang nước Li-li-bút và nước khổng lồ do Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ Les voyages de Gulliver a Lilliput & A Brobdingnag (in năm 1944) - dù nhân vật châu Âu nhưng nét mặt, trang phục lại rất Việt Nam. Âu đó cũng là một cách khiến trẻ em cảm thấy gần gũi hơn, chứ không hẳn đang đọc truyện dịch. Rồi với các tập khác như Trẻ con hát, trẻ con chơi (in 1943), Làng quê Việt Nam cũ và mới (in 1945), họa sĩ Mạnh Quỳnh cũng giữ lấy bút pháp ấy. Chính điều đó, ta thấy được cốt cách tâm hồn của một họa sĩ tài hoa, dù sử dụng nhiều thể loại sơn mài, điêu khắc, tranh khắc gồm tranh thủy mặc… nhưng đã vẽ minh họa thì dứt khoát phải thể hiện được diện mạo người Việt trên từng nét mặt… Âu cũng là một trong những nét độc đáo của họa sĩ Mạnh Quỳnh.

Thoáng đó, có nhiều người, y viết về thân sinh, người thân của họ, qua đó đã có mối thân tình nhưng nay họ cũng mất, chẳng hạn trường hợp chị Vũ Mỵ Hằng - con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng, bà cụ Nguyễn Thị Thịnh - vợ của bác sĩ Đỗ Xuân Hợp... Hôm kia điện thoại hỏi thăm mới biết chị Vân - con gái nhà văn Lê Văn Trương ọp ẹp lắm rồi, phải chạy thận thường xuyên. Nhắc lại để thấy phần số đời người ngắn lắm. Ngắn như một chớp mắt. Rồi tan biến mất hút.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.1.2017

 

bng_binnh01_19

Cái bùng binh

 

Câu thơ này của Hồ Dzếnh. Xao xuyến. Ngậm ngùi.

Có anh chàng nọ Tưởng chuyện ngàn sau, lúc nằm trong áo quan, nhớ gì? “Ngậm ngùi nhớ trắng rừng mai/ Cảm thương sông nước ghi bài điếu tang/ Ngựa gầy, bóng gió mênh mang/ Cờ đen rủ lối, cây vàng nẻo xa…”.  Nỗi nhớ ấy, bình thường thôi, nếu có. Không gì ghê gớm lắm đâu. Đây mới sức bật, sự sáng tạo của một tâm hồn như tơ rung, bóng liễu, làn điệu của hồn thơ ấy rất gần với Huy Cận: “Ta nằm trong ván trông ra/ Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười”. Sao lại tủi thân? Mình đi về một cõi hư vô khác, người hoa vẫn cười, vẫn đẹp, vẫn thanh xuân mơn mỡn, vậy cớ sao không vui? Lại tủi thân ư? Lạ quá đi mất. Bởi tủi thân, cho nên: “Ta toan… giận dỗi xa đời/ Chợt hay: khăn liệm quanh người vẫn thơm”. Thế mới khổ. Mới đau. Luyến tiếc. Nhớ nhung. Buồn rầu thăm thẳm. Nhưng nào làm được gì nào? Vậy nên, “Nát thân không nát nổi hồn/ Lẫn trong cái chết vẫn còn cái đau”.

Theo bạn thơ là nhà biên kịch Đoàn Tuấn: "Dạo huy Cận còn sống, ông làm việc ở căn phòng ngay dưới tạp chí mình. Một lần, hỏi tại sao ông viết bài Trông lên? Ông cười: Mình tưởng tượng mình nằm dưới mộ, trông lên đời. Những câu thơ đẹp tuyêt:''Nằm im dưới gốc cây tơ/ Nhìn xuân trải lụa trên tờ lá non''. Đoạn này mới hay:'' Gió đưa hơi, gió đưa hơi/ Lá thơm như thể da trời: lá thơm/ Da trời mới tỏ sao hôm/ Mầu tinh khiết đã vào ôm giữa hồn/ Giữa trời hình lá con con/ Trời xa sắc biển, lá thon hình thuyền''. Bài thơ Tưởng chuyện ngàn sau cũng viết trong tâm thế đó, nhưng Hồ Dzếnh lại nghĩ lại nhớ đến "người hoa vẫn cười". Bóng dáng người hoa, trong đời ai cũng có. Làm sao có thể quên? Làm sao có thể nhớ? Làm sao có thể quên đi mùi hương trong áo, váy của nàng? Ông Ngô Thì Sỹ (1972-1780) có viết mười bài thơ nhớ vợ. Bài Tứ tuyệt nào cũng đầm đìa nước mắt. Chập chờn nhớ nhung. Yêu thương ngây ngất. Thích nhất bài thứ tư, y tạm dịch:

Nhớ nàng, lại mặc áo nàng

Vẫn còn sực nức hương lan thuở nào

Đường kim, mũi chỉ sít sao

Dấu tay còn đó. Nàng đâu? Não nùng…

Không rõ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có đọc thơ Ngô Thì Sỹ hay không, nhưng có viết câu này: “Tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào”. Từ “quen hơi” ấy rất gần với ca dao, thoát xác từ ca dao: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Do quen hơi nên nàng nọ mới thủ thỉ cùng chàng nọ: “Anh về để áo lại đây/ Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng”. Nghĩ thế, mới thấy rằng lúc nằm trong áo quan xa lạ thì con người ta đơn độc, đơn chiếc biết dường nào. Làm quái gì có thể “quen hơi”. Đã thế, “Ta nằm trong ván trông ra/ Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười”. Vậy, tủi thân thì cũng phải.

Mà này, chiều đã chiều. Năm mới vừa năm mới. Sao lại bàn chuyện này? Thưa rằng, cơn cớ như sau: Hôm kia viết bài cho báo nọ, bàn về chữ “sủ quẻ”, nói nôm na là tiền đặt cọc cho thầy bói trước lúc xem bói. Lật từ điển phát hiện ra trong tiếng Việt còn có từ “sũ”. Hai dấu hỏi/ ngã khác nhau. Thế “sũ” là gì? Chịu chết. Tìm trên internet mới biết ở Hà Nội ngày xưa có phố Lò Sũ. Nhiều trang mạng giải thích chắc nịch: “Như phố Lò Sũ, ít người biết ý nghĩa của tên phố này là phố… bán quan tài. Chữ “sũ”, tiếng Việt cổ, nghĩa là áo quan”. Đọc thì đọc thế. Liệu có đáng tin cậy? Ở nhà không nhiều sách từ điển lắm nhưng y lúc nào cũng vênh mặt là đủ xài, không cần phải vác xác vào thư viện nhờ cậy. Vậy mà không thể tìm đâu ra từ “sũ”.

Bèn email hỏi Hoàng Tuấn Công - một người mà y rất tin cậy về việc giải thích tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt. Anh trả lời đã tra tìm, nhưng chưa thấy có cuốn từ điển nào ghi nhận từ "sũ". Xưa nay, chỉ biết đến từ "săng" nghĩa là cỗ quan tài. Mà chữ "săng" đây vốn là chữ "khăng" trong tiếng Việt cổ (hiện vẫn còn lưu giữ trong tiếng Mường). Tiếng Mường, "khăng" là chỉ chung các loại gỗ: "gộp khăng" (hộp gỗ) nghĩa là cỗ quan tài: “Hàng săng chết bó chiếu”, “Bán hàng như bán hàng săng/ Ai mua thì bán chẳng rằng mời ai”; Con gái như thể hàng săng/ Muốn bán chẳng dám nói năng nửa lời’.

Bèn điện thoại hỏi nhà biên kịch Đoàn Tuấn về phố Lò Sũ, nơi ấy bán những gì? Tuấn quả quyết ngay từ thuở bé đã đến, đã mua, đã nhìn thấy nơi ấy bày bán những hàng gốm, sành, sứ như quan quách, lu, hủ, vịm... Vậy thì có thể suy luận "sũ" là từ gọi chung các vật dụng làm/nặn bằng đất sét rồi nung qua lửa để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Tất nhiên kể cả vật dụng cho người chết (như quan quách lúc hốt cốt). Nếu, "Phố Lò Sũ xưa kia chuyên đóng và bán áo quan (còn được gọi là Hàng Sũ)" như trên mạng giải thích thì "đóng và bán áo quan" như ta biết (bằng gỗ) không thể nào đi chung với từ "lò" được.

Chỉ mới chừng trăm năm, nhưng có nhiều từ, khó có thể giải thích chính xác. Sáng nay, như mọi ngày, vẫn đọc báo. Và phát hiện ra vài nhiều từ ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, theo Báo Thanh Niên, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL cho biết đã xuất hiện trên nhiều văn bản cụm từ: “thi trâu đẹp, trâu khỏe”; “đụng trâu”, hiểu thế nào là đúng? Xin thưa, ấy là “chọi trâu”, là tổ chức cho hai con trâu đấu nhau. Rõ ràng, cách viết ấy tráo khái niệm ngữ nghĩa vốn có; cũng hài hước không kém như co chân đạp con người ta té chúi nhủi khiến “miệng ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc” đầm đìa máu me lại sử dụng cụm từ “đưa chân hơi cao”.

Đã xuất hiện một loạt tiếng lóng thời gian gần đây. Dừng lại với bài báo Biến xe mù thành xe khủng in trên Báo Tuổi Trẻ. “Mù” là gì? “Khủng” là gì? Xe mù là không có giấy tờ hợp lệ, xe cũ nát, xe xi cà que, second hand,  cũ xì nói cách khác là “mèo hen”; xe khủng là xe phân khối lớn, tức “hổ dữ”. “Hóa kiếp” từ mèo qua hổ ắt giá “chát” hơn nhiều, bởi nó được hợp tức hóa giấy tờ, trở thành xe hợp lệ.

Lại có tít nhỏ về ca sĩ nọ: Sẵn sàng “cháy” cùng ngay hội, hiểu là anh chàng này hát hết mình, thể hiện nhiệt tình, "xả láng sáng về sớm". Lại có cái tựa: Doanh nghiệp kêu bị… rải đinh. Rải đinh là gì? Cần liên hệ đến “thành ngữ mới”: “Trên trải thảm dưới rải đinh”. Có thể giải thích, “rải đinh” là vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Tuy nhiên, ầm ĩ gần đây nhất vẫn từ “vòng xuyến”. Chẳng hạn,  ở khu vực Tân Sơn Nhất, ngay đường Phan Đình Giót muốn đi đến đường Nguyễn Thái Sơn có hai hướng song song: hoặc đi từ đường Trường Sơn, Hồng Hà; hoặc đi  từ đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám. Ngay chỗ hai hướng đường này giáp nhau, gọi là “vòng xuyến Nguyễn Thái Sơn”. Cách gọi này nghe ra xao xuyến quá đi mất.

Trước đây, người miền Nam đã quen gọi “vòng xoay”, “bùng binh”.

Với vòng xuyến ắt nghĩ đến cái vật trang sức là vòng đeo ở cổ tay bằng vàng hay bạc, dành cho phụ nữ. “Ví dù chàng có lòng thương/ Khăn này sánh với xuyến vàng Nguyệt Nga/ Giữa đường gặp gỡ đôi ta/ Cùng nhau kết tóc xe tơ vẹn tròn”. Cho dù không nhắc đến nhưng ta vẫn hình dung ra có vòng xuyến:  “Cái cổ yếm em nó thỏng thòng thòng/ Tay em đeo vòng như bắp chuối non”. Nay cái từ vòng xuyến được sử dụng trong lãnh vực giao thông, lập tức gây tranh cãi dữ dội. Mỗi người một ý. Duy có ý kiến của đồng nghiệp Lam Điền chỉnh chu hơn cả. Nay, ghi lại như một tài liệu:

“Từ bùng binh đến bồn binh và vòng xoay - vòng xuyến. Bùng binh: từ này xuất hiện sớm trong ngôn ngữ Nam bộ. Theo ghi nhận của Huỳnh Tịnh Paulus Của trong bộ Đại Nam quấc âm tự vị xuất bản năm 1895 thì Bùng binh là “Khúc sông rộng lớn mà tròn”. Ở Sài Gòn từng có địa danh Rạch Bùng Binh, nay là đường Rạch Bùng Binh (P.10, Q.3).

Tuy nhiên, để chỉ vị trí điểm giao của nhiều con đường đòi hỏi xe cộ đến đó phải đi theo chiều quy định (thường là ngược chiều kim đồng hồ), tiếng Việt trước đây có từ “bồn binh”. Từ này được nhóm tác giả Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ ghi nhận trong bộ Việt Nam tự điển (Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1970): “Bồn binh: Công trường, mối đường rộng lớn trong thành phố có hoặc không có trồng kiểng hay trụ đèn ở giữa để tiện việc lưu thông một chiều”. Từ điển này cũng ghi nhận “bồn binh” có từ đồng nghĩa là “bùng binh”.

Tuy nhiên từ sau năm 1975 từ bồn binh ít thấy xuất hiện trong các văn bản, thay vào đó là từ “bùng binh” mang nghĩa tương đương với “bồn binh” trên đây. Điều này được ghi nhận tại Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học - Vietlex (NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2009): “Bùng binh: Vòng tròn được vây cao [thường có hoa, cây cảnh bên trong] nằm ở giữa các ngả đường giao nhau để làm mốc cho xe cộ lưu thông”. Trong những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện từ “vòng xoay” với nghĩa tương đương từ “bùng binh” nói trên. Theo TS Nguyễn Thị Hậu, trước năm 1975 ở miền Bắc không có từ vòng xoay, mà cũng không có thực thể vị trí giao thông nào như là bùng binh trong Nam, chỉ có các ngã tư. Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học - Vietlex cũng không ghi nhận mục từ “vòng xoay”.

Còn từ “vòng xuyến” thì có lẽ ra đời còn muộn hơn “vòng xoay”.

Hiện nay Từ điển tiếng Việt (2009) nói trên cũng chưa ghi nhận từ “vòng xuyến”, nhưng trong Luật giao thông đường bộ 2008 và Luật giao thông đường bộ 2015 đều sử dụng từ “vòng xuyến” (tại khoản 1 và 2 của điều 24). Dù vậy, trong hai văn bản Luật giao thông đường bộ này đều có phần “giải thích từ ngữ” với 32 đơn vị từ ngữ được giải thích, trong đó (nguồn: Tuoitre online ngày 3.1.2016).

Tuy nhiên, các giải thích trên không nhắc đến một đồng âm khác của “bùng binh”. Còn nhớ ngày tuổi thơ ở Đà Nẵng, những ngày đầu năm đi chợ về, mẹ thường mua cho anh em y cái bùng binh dùng để bỏ tiền tiết kiệm. Hình dáng của nó tròn, chỉ bằng cỡ trái bưỡi, dễ nhìn, trên chót có cái núm và ngay gần đó có khoét một đường ngang, làm bằng đất sét. Mỗi lần để dành tiền thi xếp tờ giấy bạc cho gọn rồi nhét vào, bỏ vào đồng bạc keng, đồng xu càng dễ. Cũng cái bùng binh này, nếu theo hình dáng con heo thì gọi con heo đất. Đại khái thế. Ít ai biết, nhà thơ xứ Huế là Mộng Phật Tôn Thất Diệm có bài thơ Bùng Binh rất hay. Cần chép lại như một dấu vết của một lối tiết kiệm ngày xưa:

Chỉ biết tiền thôi có biết gì?

Bụng to mà miệng thỉ thì thi.

Chành bành ra thế đeo ăn mãi,

Đút nhét vô thời chẳng nói chi.

Mấy thuở đua tài, người gọi tướng,

Cả đời giữ của, mọi là mi.

Lâu nay lúc lắc nghe chừng đã,

Lúc lắc nghe nhiều phải đập đi.

Bài thơ đa nghĩa. Nói về cái bùng binh hay ám chỉ về người?

Tóm lại, sau vụ tranh luận về “vòng xuyến”, cơ quan chức năng có ý kiến “chốt hạ” ra làm sao?

Báo Tuổi Trẻ sáng nay cho biết: “Vòng xuyến có thể trở thành nút giao thông: Ông Ngô Hải Đường, trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết các đơn vị làm biển báo mới đã thay đổi “vòng xoay” thành “vòng xuyến” (trích từ Luật giao thông đường bộ, quy 
chuẩn Việt Nam). Tuy nhiên, ông Đường cho rằng từ “vòng xuyến” hay “vòng xoay” chưa thể hiện hết ý nghĩa của một khu vực giao thông là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường, nên cách gọi bao quát hết phải là nút giao thông. Hiện Sở Giao thông vận tải TP đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổng rà soát các biển báo giao thông. Sau khi rà soát, sở sẽ điều chỉnh biển báo cho thống nhất theo hướng có thể dùng cụm từ “nút giao thông” cộng với địa danh thay cho từ “vòng xuyến”, vòng xoay. Ví dụ như nút giao thông Hàng Xanh, nút giao thông Lăng Cha Cả...”.

Chà, nghe ra cũng rắc rối, nhiêu khê. Không bàn chuyện này nữa, đọc thơ có phải hay hơn không? Vâng ạ. “Con người tôi gọi bằng em/ Nhớ tôi nhưng cũng thành duyên lâu rồi/ Mộng tàn, nươc chảy, mây trôi/ Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa”. Câu thơ này của Hồ Dzếnh. Xao xuyến. Ngậm ngùi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.1.2017

 

nhat-ky-7.2017-le-minh-quoc

 

Đã bước qua năm 2017. Sáng nay, thức dậy sớm. Như mọi ngày. Bước ra đầu ngõ, mua một vài tờ báo. Số báo đầu năm lúc nào cũng vui tươi. Hoa khoe sắc thắm. Thiên hạ thái bình. Mọi âu lo, lo toan gì gì đó tạm gác lại cho số báo sau. Đọc tờ báo nọ, nói thẳng ra là tờ Tuổi Trẻ,  thích thú với bài báo “Câu” du khách bằng slogan. Đồng nghiệp D.Kim Thoa cho biết:

“Trang web du lịch của Vương quốc Anh Family Break Finder thu thập, cập nhật và sơ đồ hóa các khẩu hiệu (slogan) quảng bá du lịch của các quốc gia trên toàn thế giới bằng tiếng Anh. Từ dữ liệu này, người ta có thể nhận ra những xu hướng đặt slogan quảng bá du lịch tương đối phổ biến tại các quốc gia. Từ được dùng nhiều hơn cả: “beautiful” (đẹp, vẻ đẹp); ngoài ra, những từ khác cũng được ưa chuộng là experience (trải nghiệm), life (cuộc sống), discover (khám phá), heart (trái tim), simply (đơn giản)... Khẩu hiệu quảng bá du lịch của Việt Nam “Việt Nam - timeless charm” (Việt Nam - vẻ đẹp bất tận) cũng được liệt kê trong danh sách này”.

Sực nhớ đến cách đây chừng hơn mười năm, lúc ấy, slogan của báo nọ, “Bạn đường của hạnh phúc”; báo kia, “Đồng hành cùng việc làm của bạn” v.v… Tờ báo của y cũng tổ chức nội bộ thi viết câu slogan để in trên  tờ rơi quảng cáo. Câu được chọn là “Hãy khám phá Phụ Nữ”. Ai cũng khen hay, nào ngờ, ít lâu sau bị “thổi còi” cái rẹt. Ngẫm lại mới thấy cái khó của việc viết câu (slogan), theo báo trên là phải: “đủ sức hấp dẫn chỉ trong vài từ là thách thức lớn. Nước nào cũng cố gắng gây ấn tượng với du khách trước sức ép của sự hữu hạn ngôn từ”.

Chuyện chữ nghĩa năm châu bốn biển rất lý thú, nhưng rồi sự quan tâm thường trực, mỗi ngày chỉ gói gọn trong mỗi từ “Cái bếp”. Từ ngày mẹ về quê, chẳng mấy khi cái bếp đỏ lửa. Bếp tắt ngúm. Những lúc ấy lại nhớ về thời nhỏ dại, còn ở chung với ba mẹ và anh em tại Đà Nẵng, có lúc đang gắp miếng ngon gì đó, bỗng rớt xuống bàn, tiếc rẻ, bèn nhặt lên “thổi phù” rồi cho luôn vào miệng. Nhai ngon lành. Ngấu nghiến. Ai lại không nhớ về năm tháng thân thương ấy? Lớn lên một chút, mới biết rằng, hóa ra, sở dĩ người Việt có thói quen này, có thể do bắt nguồn từ một quan niệm cổ lỗ sĩ.

Rằng, thời xưa, người ta quan niệm khi trong nhà có người ốm đau hoặc vợ chồng gây gổ bất hòa... tất có nhiều lý do, trong đó còn có thể do “động bếp” tức ông Táo giận! Giận bởi nơi ấy ô uế, nếu do chó, mèo phóng uế thì tắm rửa con vật sạch sẽ rồi lôi nó đến ông đầu rau khấn vái tạ lỗi. Kế tiếp, làm một bữa cơm có thịt, người ta cầm miếng thịt hướng về nơi ô uế cố tình làm rơi, rồi nhặt lên thổi phù thật mạnh về phía cái bếp lò. Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư còn lý giải thêm: “Ngoài mục đích gây mùi thơm, phương thuật “nhặt thịt thổi phù” còn hàm chứa một ý nghĩa khác. “Thổi phù” là thổi mạnh để làm cho miếng thịt sạch bụi. Nhưng “phù” còn có nghĩa là lá bùa. Thổi phù nghĩa là thổi lá bùa, tung bùa ra để trừ ma quỷ đang ám hại người đau ốm”. Tất nhiên, nay chẳng ai còn tin và làm theo cách mê tín dị đoan này, nhưng ít ra từ “động bếp” cũng cho ta thấy nết ăn ở của người Việt xưa.

Ngày đầu năm, bước xuống bếp, tự dưng lại nhớ đến lúc mới quen nhau, nói như nhạc sĩ Phạm Duy: “Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời”. Ngày đó, nàng hay bảo: “Ðàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”. Lại thường nhắc đến những câu tục ngữ: “Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Vắng đàn bà quạnh bếp”. Rồi có khi nàng thủ thỉ: “Xem trong bếp, biết nết đàn bà”, có những người chọn vợ bằng cách trông vào phong cách người đàn bà trong bếp. Đàn bà có khi nấu nướng một cách thong dong nhẹ nhàng như tham dự một cuộc vui chơi mà vẫn xong mâm cơm đúng bữa, cạnh đấy có những người cứ tất bật vất vả dao thớt liên hồi mà vẫn trễ nãi cực công”.

Vậy mà nay, bếp lửa lạnh tanh. Đứng thẩn thờ nhìn cái bếp đang giăng màn nhện, tự dưng lại nhớ đến câu thơ của Huy Cận: “Bóng đêm tỏa không lấp niềm thương nhớ/ Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài/ Ta đã để hồn tan trong tiếng thở/ Kêu gọi người đưa tiễn nỗi tàn phai”. Bùi ngùi quá đỗi. Mà thật ra, cảm giác ấy cũng thoáng qua nhanh. Đã ngày đầu năm. Tết Tây. Và chỉ còn một nháy mắt là chạm vào Tết Ta. Vui đi cưng. Ừ, thì vui. Vui nhất là gì?

Là lúc này anh em bầu bạn đã dành thời gian cho gia đình, y chỉ đứng ngoài rìa. Một hình, một bóng. Vậy nên, cách tốt nhất để có niềm vui vẫn là đóng cửa, giam mình bốn bức tường, ngước nhìn lên chỉ thấy sách. Sách chất từ chân tường chạm lên trần nhà. Chỉ thấy tranh. Tranh sơn dầu đã vẽ trong khoảng thời gian tĩnh lặng nhất, buồn tẻ nhất. Những dòng chữ từ sách - người bạn của quá khứ; những sắc màu từ tranh - cảm hứng của tâm trạng, chẳng thể sẻ chia, an ủi. Lúc ấy, nghĩ về điều gì? Với y, khoảnh khắc đó như một cuốn phim quay chậm, lần lượt người tình cũ như lớp sóng vỗ mơn man vào ghềnh đá, loan dần ra từng bóng hình “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Người tình đầu tiên trong đời là ai?

Câu hỏi ấy, đã hỏi. Nay, lại hỏi, hóa ra không phải là sự ngớ ngẩn đó sao? Dù năm tháng có trôi qua đi, có một điều chắc chắn cảm xúc ấy không bao giờ lãng quên trong trí nhớ. Nhớ như in cái thuở “Em tan trường về / Mưa bay mờ mờ”. Nhớ như in cái lúc: “Anh trao vội vàng / Chùm hoa mới nở”. Nếu không có âm nhạc, không có giọng ca mượt mà gấm lụa một nỗi buồn rầu rầu, có lẽ, cảm xúc của thơ không đủ sức lay động một nỗi muộn phiền lên ngây ngất đến thế. Hát lại lần nữa đi. Để cảm thấy từng sợi tơ óng mượt, từng sợi tơ chùng giăng mắc dọc ngang trong tâm tưởng.  Kỷ niệm đã xa. Đã hằn vết. Vì thế, dù không buồn nhưng lại nhói buốt như có, như không.

Khi viết những dòng chữ này, y lại nhớ đến lúc còn mới học lớp 10 đã biết nhung nhớ, trằn trọc cô bạn học cùng lớp. Suốt năm tháng ấy chưa hề dám ngỏ lời, chỉ có những bài thơ học trò vụng về trải dài theo năm tháng. Rồi thời thế nhiều biến động. Vừa học xong lớp 11 đã có lệnh nhập ngũ. Đất nước vừa hòa bình, vừa chiến tranh. Biên giới Tây Nam đã đón nhận những bước chân thư sinh, những lồng ngực còn run lên những câu thơ tình chợt đến lúc hành quân. "Vẫn trong như ngọc trắng ngần/ Tình em thắp sáng trăng rằm AngKor/ Trăm năm đất khách hẹn hò/ Làm sao tri ngộ giày vò lẫn nhau?”. Ước mơ thăm thẳm ấy không bao giờ đến. Có người vướng mìn K63, KP2, Claymore chằng chịt trên nẻo về hư không. Thoát xác về trời. Ngã vào lòng đất vẫn con trai. Rồi ở hậu phương, người con gái mà y từng thầm thương trộm nhớ bằng tất cả sự non nớt, ngây thơ học trò, năm tháng ấy đã vượt biên. Và đã bỏ xác giữa trùng dương  sóng vỗ. Vĩnh viễn không còn đọng lại một chút gì trên dương thế, ngoài một, hai tấm ảnh nữ sinh của cái thời “Em tan trường về / Mưa bay mờ mờ”.

Kỷ niệm ngày tháng đó cũng mờ mờ như sương mờ dằng dặc ở Đà Nẵng vào những sớm mùa đông có tiếng chim cất tiếng ca lạnh lẽo trên ngọn sầu đông hoa tím. Vệt sương ấy đã lưu dấu trong thơ của ngày còn đi học: “Dấu cỏ hiền ngoan mờ trong sương/ Đi giữa mùa trăng ngập mây vương/ Bé - nàng công chúa nghe cổ tích/ Nhớ kỷ niệm hồng đầy yêu thương”. Đọc lại những câu thơ ngây ngô viết lúc mười ba, mười bốn tuổi, tự dưng thấy thương và nhớ về một thời thơ dại.

Dù tự nhận “mối tình đầu” nhưng đã thốt lên lời nào đâu? Nào đã có ai hứa hẹn với ai một câu gì. Ông Phạm Thiên Thư nói đúng tâm cảnh: “Ôi mối tình đầu/ Như đi trên cát / Bước nhẹ mà sâu/ Mà cũng nhòa mau”. Nhưng rồi tại sao suốt đời người ta lại không quên? Cảm xúc như lửa vùi trong than, gặp gió, sẽ bùng lên. Tại sao như thế? Có lẽ đó là cảm xúc chân thành như hương lúa đầu mùa gặt, là tình cảm trong veo như nắng thủy tinh. Không hề gợn lên một chút dục vọng, toan tính nào. Trạng thái tâm lý đó, về sau, đã nhiều lần yêu, đã nhiều chung chạ hoan lạc, đã thất vọng ê chề, đã chạm đến sự khoái lạc của Lửa, đã rơi tuột xuống thẳm sâu địa ngục của tuyệt vọng của Nước, vẫn không thể tìm thấy.

Nhiều người thích đọc Mái Tây của Vương Thực Phủ - nó được xếp vào “lục tài tử thư” của văn học cổ điển Trug Quốc, có lẽ cũng do tình yêu của Thôi Oanh Oanh, Trương Quân Thụy trong trẻo quá. Chân tình quá. Nống nhiệt quá. Yêu là yêu. Chỉ là nhịp đập của trái tim đang réo rắt tiếng nói của lứa đôi: “Tương tư vừa mới qua cầu/ Biệt ly lại chuốc mối sầu mênh mang/ Chợt nghe một tiếng “lên đàng”/ Rụng rời tay ngọc xuyến vàng rộng thênh!”. Nỗi buồn ly biệt sao lại đau đớn, nhọc nhằn đến thế? Xuyến ngọc đeo trên tay ngọc, bỗng dưng rộng thênh là cớ vì sao? Có thể xếp câu thơ đó vào hạng tinh tế bậc nhất khi diễn tả cảm xúc của người yêu chia tay người yêu.

Khó quên tình đầu bởi cảm xúc thật, không ma mị, phủ lên bất kỳ một lý do, một “nhân danh” nào khác, chứ chẳng phải do lần đầu tiên biết yêu. “Định nghĩa” như thế là đúng? Là sai? Không biết nữa. Nhưng, không riêng gì y, nhiều người lại có suy nghĩ này: Tình cuối cùng, chính là tình đầu. Bởi từ đó, họ không còn tìm đến bất kỳ một chọn lựa nào khác. Cuối cùng là kết thúc. Chính vì kết thúc nên chính nó mới có ý nghĩa trọn vẹn của “mối tình đầu” chăng? Đọc lại một đoạn văn xuôi trong truyện của Đoàn Thạch Biền: “Ngọc Lan không có thật. Cái chết không có thật. Và ngay cả tình yêu tôi nói với Ngọc Lan cũng không có thật. Tất cả đều không có thật. Nhưng điều làm tôi đớn đau là mùa hè đã có thật. Mùa hè chắc chắn đã có thật một cách quái ác ở trong tôi”. Thời gian có thật. Vì lẽ đó, mối tình đầu tiên trong đời làm sao có thể quên?

Bùi ngùi quá đỗi. Mà thật ra, cảm giác ấy cũng thoáng qua nhanh. Đã ngày đầu năm. Tết Tây. Và chỉ còn một nháy mắt là chạm vào Tết Ta. Vui đi cưng. Ừ, thì vui. Vui nhất là gì? Là hãy tưởng tượng bếp lửa nhà mình đang đỏ lửa, ở dưới nhà mẹ vẫn đang nấu những món ăn ngon mừng ngày đầu năm mới. Một năm mới yên vui. Và cũng như mọi lần, những lúc ấy, y lại tẩn mẩn lật từ điển tra cứu vài từ tiếng Việt. Vậy, thử tìm hiểu từ bếp xem sao. Bởi lẽ, dẫu có đến với tình đầu, tình sau, tình cuối đi chăng nữa thì bất kỳ mối tình nào cũng có lúc hẹn hò nơi cái bếp.

Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền có viết truyện dài “Bếp lửa”. Không ngờ, ngày xưa với người Việt hai từ ấy còn dành để chỉ việc lập gia đình. “Một lần nhúm bếp một lần khó”, câu này hiểu như thế nào? Ông Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích: “Bếp lửa ấy hiểu là sự nghiệp, gia thất; lập cho nên cái sự nghiệp, gia thất là việc khó”. Đúng là khó thật, bằng chứng y đã nhiều lần “bếp lửa” nhưng nào đã nên cơm cháo gì. Có buồn không? Tất nhiên. Vậy muốn bật lên tiếng cười, phải làm sao? Dễ ợt. Cứ đọc thông tin này:

“Google vừa công bố danh sách những nội dung được tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hành tinh này trong năm 2016. Vẫn như những năm trước đây, các sự kiện “hot” diễn ra trong năm qua vẫn là những chủ đề được quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất. Các chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam trong năm 2016: 1. Trò chơi Slither; 2. Euro 2016; 3. Chúng ta không thuộc về nhau; 4. Phía sau một cô gái; 5. Pokemon Go; 6. Vietlott; 7. Minh Béo; 8. Hậu duệ mặt trời; 9. Vợ người ta; 10. Thách thức danh hài”.

Thấy thế nào? Đúng là “thách thức danh hài”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.12.2016

 

nhungcap-doi-hoan-hao

 

Ngày cuối cùng của năm 2016. Nghĩ ngợi vẩn vơ về nghề đã đeo đuổi từ lúc và đời. Nghề báo. Cái nghề này đã qua rồi thời vàng son. Trước kia, viết để kiếm sống, nay đã khác. Nhuận bút các báo, nhìn chung đã tụt dốc ghê gớm. Mà cũng phải thôi. Còn sót lại bao nhiêu người mỗi sáng phải cầm tờ báo đọc? Ngày càng ít đi. Báo không bán được, số lượng ngày càng ít dần, nhuận bút ảnh hưởng theo, tất nhiên. Đến một lúc không cầm cự nổi, tờ báo phải đình bản. Không còn một lựa chọn nào khác. Ngày hôm qua, tờ Thể thao & văn hóa cuối tuần, số 53 (488) đã chính thức gửi lời chào từ biệt đến bạn đọc. Nó kết thúc. Nó chấm dứt. Nó “xong phim”. Y vội mua lấy sộ báo này, như giữ lấy một kỷ niệm đã từng có bài cộng tác. Lật vào trong, ngay trang đầu là Thư Biên Tập.

Thư có đoạn: “Chúng tôi hạnh phúc nhận ra rằng, nhiều người có một thói quen là lấy chiếc điện thoại thông minh của mình vào mỗi buổi sáng sớm lướt nhanh những dòng thông tin, những kết quả cập nhật rồi một lúc sau đó, thảnh thơi hơn sẽ lại trở lại để tìm những chia sẻ sâu sắc, đa chiều hơn. Thói quen đó đã và đang dần dần thay đổi thói quen buổi sáng ghé sạp báo mua vài tờ báo thân quen.

Năm 2002, Việt Nam chỉ mới có 2 triệu thuê bao di động. Năm 2007, Việt Nam đã có 24 triệu thuê bao di động. Năm 2016, dự báo là Việt Nam sẽ có 7 - 80 triệu thuê bao di động, và phần nhiều trong số đó là những chiếc di động thông minh, tích hợp rất nhiều chức năng làm một. Bản thân những chiếc di động cũng đã phát triển ngoài sức tưởng tượng. Từ chỗ chiếc điện thoại đẳng cấp là nhỏ gọn thì nay nó phải đủ lớn để đáp ứng cả những tính năng nghe, xem, đọc một cách hoàn hảo nhất. Đến  gã khổng lồ như Apple cách nay hơn 2 năm cũng đã chấp nhận thực tế đó sau khi Samsung đã đi trước họ vài bước”.

Thật ra những vấn đề này, người làm báo trên toàn cầu đã nhìn ra, cuối cùng, họ phải chấp nhận đầu hàng. Nhiều tờ báo in ấn theo cách truyền thống xưa nay đã đóng cửa. Phải chuyển qua làm báo theo công nghệ mới. Nhưng rồi cũng chưa chắc đã ổn. Hôm nọ, trò chuyện cùng đồng nghiệp làm báo điện tử, các bạn cho rằng, câu hỏi đau đầu nhất đối với họ, đến nay vẫn chưa thể tìm ra giải pháp: “Làm sao kéo bạn đọc từ các trang mạng xã hội về với báo điện tử?”. Y không dám bàn đến vấn đề này, thôi kệ, vẫn chán nhất là nhuận bút báo chí nói chung chẳng bỏ bèn gì, ngày một ít dần.

Nghĩ là nghĩ thế, nói thì nói thế, nhưng rồi vẫn ngày viết mỗi ngày.

Và vẫn đọc mỗi ngày.

Mấy hôm nay đọc một quyển sách của học giả Trần Trọng Kim, ít ai biết đến: Kiến văn lục, tức hồi ký Một cơn gió bụi, ông ghi lại khoảng thời gian từ năm 1944, lúc người Nhật vào Đông Dương Nhật tước khí giới của Pháp. Giai đoạn này, Trần Trọng Kim như thế nào? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời, nếu thiếu các chứng cứ xác thực, có giá trị của lịch sử. Sau hàng loạt tranh luận, nghiên cứu có lẽ công trình Nội các Trần Trọng Kim - Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử (NXB Chính trị Quốc gia - 2009) của PGS-TS Phạm Hồng Tung là có cái nhìn khách quan và xác đáng hơn cả hơn cả. Ngoài danh mục tham khảo gần 100 tài liệu từ sách, báo chí thì hồi ký Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim vẫn là tài liệu quan trọng không thể thiếu sót.

Tập sách Một cơn gió bụi, lâu nay, ít người biết đến bởi lẽ NXB Vĩnh Sơn in tại miền Nam năm 1969, lúc đất nước còn chia cắt nên giới nghiên cứu ngoài Bắc không có điều kiện tiếp cận. Mở đầu là nỗi lòng lúc Trần Trọng Kim đang sống tại Nam Vang (Phmom Pênh - Campuchia) năm 1949. Ông thể hiện qua thủ bút ghi 2 câu thơ đời Đường: “Liêu lạc bi tiền sự/ Chi ly tiếu thử thân”. Và tự dịch: “Quạnh hiu buồn nỗi trước kia/ Vẩn vơ chuyện vặt, cười khì tấm thân”. Đọc kỹ tập hồi ký, hậu thế sẽ nhận ra một Trần Trọng Kim khác. Nếu trong học thuật, nghiên cứu, ông là người uyên bác, thông tuệ nhưng do thời cuộc đẩy đưa sang lãnh vực chính trị thì ông ngây thơ, cả tin. Vì lẽ đó, ông đã bị người Nhật, kể cả người Pháp dễ dàng lừa bịp, lợi dụng uy tín cá nhân, kể cả Nội các Trần Trọng Kim do chúng dựng lên để phục vụ theo ý đồ riêng.

Là nhân chứng của lịch sử, Trần Trọng Kim đã kể lại rất nhiều chi tiết quan trọng khi đứng ra thành lập Nội các. Chẳng hạn, về lá cờ quẻ Ly. Ông giải thích: “Trong sách “Quốc Sử Diễn Ca” nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng: “Đầu voi phất ngọn cờ vàng”. Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc, lấy dấu hiệu quẻ ly là vì trong lối chữ tối cổ của ta có tám chữ viết bằng vạch liền (dương) và những vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, chỉ bốn phương chính và bốn phương bàng, nói ở trong Kinh dịch, mà quẻ LY chủ phương Nam. Chữ LY còn có nghĩa là lửa là văn minh là ánh sáng phóng ra bốn phương. Lấy sắc vàng là hợp với lịch sử lấy quẻ ly là hợp với vị trí nước nhà lại có nghĩa chỉ một nước văn hiến như ta thường tự xưng. Như thế là lá cờ vàng vẽ ly có đủ các ý nghĩa. Song có người nói: cờ quẻ LY là một điềm xấu cho nên thất bại, vì ly là lìa. LY là lìa là một nghĩa khác chứ không phải nghĩa chữ ly là quẻ. Và việc làm của một chính phủ là cốt ở cái nghĩa lý, chứ không phải sự tin nhảm vô ý thức”.

Một câu hỏi nữa cùng lý thú không kém: Tại sao Nội các Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng? Hãy nghe Trần Trọng Kim giải thích do quân lính, súng ống không có và: “Một là trong khi quân Nhật đang đóng ở trong nước, nếu mình đặt Bộ Quốc phòng thì chỉ có danh không có thực, và người Nhật có thể lợi dụng bắt người mình đi đánh giặc với họ. Hai là trước khi mình có đủ binh lính và binh khí, ta hãy nên gây cái tinh thần binh bị, thì rồi quân đội mình mới có khí thế”.

Nay đọc lại, không thể không tủm tỉm cười.

Qua Một cơn gió bụi, biết thêm rằng, bó Kiều thuở ấy rất hay dược các nhà nho sử dụng khi họ đối mặt trước vấn đề nan giải nào đó. Ngày 1.1.1944 bị người Nhật lừa đưa qua Nam Đảo (Singapour), sang đó các ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân… mới bẽ bàng nhưng tìm đường về không dễ. Lại chẳng may, ông Trạc bị ốm nặng, Trần Trọng Kim kể: “Một hôm ngồi nói chuyện, ông Dương nói: “Tôi thường không tin sự bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều lắm lúc hay lắm. Khi xưa tôi có đi thi Hương, bói một quẻ, biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau phải đày ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, cách mấy ngày quả được về thiệt”. Chúng tôi nói: “Bây giờ ông thử bói một quẻ xem”. Ông nói:

- Để sáng mai.

Sáng ngày hôm sau, ông vui mừng bảo chúng tôi:

- Về, chúng ta sắp được về.

- Sao ông biết?

- Tôi vừa bói một quẻ Kiều được hai câu này:

Việc nhà đã tạm thong dong

Tinh kỳ dục dã đã mong độ về

Theo cái nghĩa cái câu ấy là chúng ta sắp được về. Thấy ông nói thế, ai nấy đều vui vẻ mừng rỡ lắm. Kể ra đối với ông Dương thì không đúng, mà đối với cả bọn chúng tôi, thì chỉ cách có mấy tháng là được về cả. Việc tin hay không tin ở quẻ bói là chuyện khác, đây tôi cốt lấy một chuyện cỏn con đó mà chứng thực cái lòng mong mỏi của chúng tôi lúc ấy là ai cũng muốn chóng được về”. Không những thế, các nhà nho lớp trước còn tin rằng, thơ văn do mình viết ra nó “vận” vào người như chơi. Phải cẩn trọng. Một ngày đầu xuân, nhà thơ trào phúng Ngyễn Quý Tân (Nghè Tân) viết câu đối khai bút. Ông viết (dịch nghĩa):

Bốn mươi lăm tuổi, một thoáng thành cổ nhân, nửa kiếp qua rồi đâu phải mộng;

Hai mươi chín tuổi, một phen trúng Tiến sĩ, ngàn thu mai nữa mãi còn danh”.

Quả nhiên, trong năm đó, ngày 29.2 năm 1858, Nghè Tân về với Tổ tiên. Kể ra cũng lạ quá đi mất. Còn nhớ về trường hợp Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, ông bị khối u sau gáy nên năm 1905, ông phải mổ bằng phương pháp y học hiện đại tại bệnh viện Yersin. Trước lúc lên bàn mổ, ông buột miệng nói:

- Trong bài Vịnh Kiều hồi thứ tám, ta có viết “Phong trần liều với mũi dao con”, âu cũng thử xem nó “vận” vào người ra sao?

Cuộc phẫu thuật này không thành công, Chu Mạnh Trinh trút hơi thở cuối cùng. Đọc lại quyển Văn minh Việt Nam (Nam chi tùng thư XB năm 1964), Lê Văn Siêu có kể một vài mẩu chuyện tương tự: “Chẳng hạn, trường hợp Vũ Đình Dy năm 1945 sang vận động chính trị ở Nhật, xong việc thì lên máy bay về Sài Gòn và gửi một bưu thiếp về Hà Nội cho ông thân để báo tin. Bưu thiếp viết:

Công tư hai lẽ đều xong

Gót tiên chốc đã thoát vòng trần ai

Khi về nước đi xe lửa từ Sài Gòn ra Hà Nội, lúc đến Quảng Ngãi, Vũ Đình Dy gặp sự cố và chết tại đó. Người ta bảo gở tại lời viết trong bưu thiếp ấy. Một bạn văn nữa là Lãng Nhân, mồng Một tết làm quyển  Lưu bút, viết lên trang đầu tiên một câu tập Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?

Thôi thôi đã mắc vào vành

Biết duyên mình biết phận mình thế thôi

Câu văn có ý triết lý đời sống là cõi mộng, và tự nhủ thầm biết duyên biết phận. Nhưng đến ngày 29 tháng Giêng năm ấy thì vô cớ bị lính Nhật đến nhà bắt. Lãng Nhân bảo: Có lẽ gở tại câu viết ấy”. Lãng Nhân là nhà văn cùng trang lứa thế hệ với Vũ Bằng, Tam Lang… thế tiên phong của làng báo Việt Nam. Câu thơ ghi trên bưu thiếp là ông Di lấy từ Truyện Kiều, lúc Thúc Sinh đã chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh để từ đây: “Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông”.  Tưởng là thế, nào ngờ sau đó cả hai “tan da nát thịt” với đòn ghen kinh quái của Hoạn Thư! À, vậy ra bói Kiều, khi đã chọn ra câu nào đó ắt phải xem thêm những câu dưới nữa chăng? Không phải đâu, đã chọn câu nào thì cứ lấy đó mà luận.

Vậy, chiều nay, y có dám bói Kiều không? Thưa, không. Biết đâu vớ phải câu nào đó lại “vận” luôn vò người thì khốn. Chi bằng ngồi chép lại những “cặp đôi hoàn hảo” đang “hot” nhất hiện nay, có phải hay hơn không? Hay quá đi chứ. Nghe đến “cặp đôi” là biết mùi mẫn, cụp lạc, tình tứ lắm đây. Nhằm tránh lôi thôi về bản quyền, xin nói rõ, sự lựa chọn này là của bạn đọc trên Tuổi Trẻ Cười - tờ báo trào phúng duy nhất hiện nay trong làng báo nước nhà. Đó là, “Giáo dục - Cải cách; Y tế - Quá tải; Điện lực - Độc quyền; Xăng dầu - Tăng giá; Xây dựng - Rút ruột; Giao thông - Thu phí; Môi trường - Ô nhiễm; Internet - Đứt cáp; Cấp phép - Vòi vĩnh; Nông thôn mới - Lạm thu”. 

Này, những "cặp đôi hoàn hảo", lúc nào chúng mày sẽ ly dị, chia uyên rẽ thúy, tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.12.2016

15698370_355346664821984_445283657794864561_n



Sắp cuối năm. Trong lòng đang dội về những bẽ bàng, mệt mỏi, chẳng rõ vì cơn gì, chỉ thầm nhủ đã sắp hết một cái năm chẳng có gì phải quên, chẳng có gì đáng nhớ. Thời gian thấm thoát trôi qua. Chẳng mất chốc lại gánh trên vai thêm một tuổi đời, đến lúc nào đó, không gánh nổi, con người ta khuỵu chân xuống. Vậy là xong.

Trong năm này, có gì ấn tượng nhất cần ghi chép lại?

Như thông lệ, cuối năm các cơ quan thông tấn, Bộ này ngành nọ sẽ chọn ra chừng mười sự kiện đáng chú ý nhất. Năm nay là những gì? Với y, về sự biến hóa khôn lường, tinh ranh, kinh khiếp nhất của tiếng Việt đã định hình cụm từ “Đúng quy trình”. Chỉ ba từ này, tự nó đã phản ánh đúng bản chất của một cơ chế. Cụm từ “Động cơ gì?” còn lâu mới sánh nổi, bất quá cũng chỉ là phát ngôn vô cảm của một ai đó. Thế thôi. Tât cả mọi tréo ngoe, mọi hắc ám, mọi thứ ôn hoàng hột vịt lộn… đều giải quyết bằng phép thần thông, đố ai cãi lại, địch lại nổi: “Đúng quy trình”. Trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số ra ngày 12.11.2016 in bài thơ Có phép thần thông của tác giả Tú Trâu. Bài thơ như sau:

Ở đâu cũng… đúng quy trình

Mà sao cục nợ cứ phình to ra?

Bao nhiêu con ông, cháu cha

Nhập nhèm phù phép… vưỡn ra quy trình

Mất vài ngàn tỷ… mần thinh

Hỏi ra thì vưỡn quy trình không sai

Vưỡn huân chương, vưỡn lên đài

Vưỡn vào cơ cấu, vưỡn oai hơn người

Vài trăm sổ đỏ bốc hơi

Dò tìm… vưỡn đúng cái nơi quy trình!

Dân đen ngơ ngác thất kinh

Cái thằng… quy trình có phép thần thông

Càng ngày thơ trào phúng, đọc xong, người ta cảm thấy càng nhạt. Các sự kiện chính trị, xã hội ngày càng khốc liệt, nhà thơ cười đùa, tếu táo không thể chạm nổi đến cốt lõi của sự việc. Bài thơ vùa đọc xong, vẫn nhớ nhất ba từ “phép thần thông” khi so sánh với “đúng quy trình”. Viết được vậy, đã tốt lắm rồi.

Giữa lúc biết bao sự kiện ầm ĩ đang xẩy ra, y vẫn lặng lẽ công việc của mỗi ngày. Rị mọ chữ nghĩa. Một cách giết thời gian. Lựa chọn một thái độ sống. Vậy thôi. Chẳng ham hố gì. Yên phận. Sáng nay, vẫn như mọi ngày là lúc đang phóng xe lại nghĩ đến một điều gì đó. Nghĩ đến một câu thơ trong Truyện Kiều: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Bấy lâu nay, các nhà nghiên cứu, các bản in đều không thống nhất, tranh luận bất phân thắng bại: “Khuôn trăng/ khuôn lưng”; “nét ngài/ nét người”? Từ nào mà thi hào Nguyễn Du đã sự dụng? Đã biết tốn bao nhiêu giấy mực mà đã xong đâu. Câu thơ này, Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân. Do không giỏi tiếng Nôm, y không thể khảo sát từ văn bản. Mà có như thế đi nữa, chắc gì văn bản đó không rơi vào trường hợp “Tam sao thất bổn”? Vậy cứ lấy từ cách sử dụng lời ăn tiếng nói của người Việt mà “giải mã” vậy.

Cách lựa chọn này có chủ quan? Thì, còn tùy.

Riêng y, không một người Việt nào dùng từ “khuôn lưng”. Lưng là cái lưng. “Ai ơi đùng lấy học trò/ Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Nói huỵch tẹt ra, cần gì phải dùng mỹ từ cho rối rắm. Thứ hai, “khuôn lưng đầy đặn” là chỉ về vóc dáng của một người đãy đà, có da có thịt, ít ra cũng mập mạp một chút.  Khi luận về nhân vật kinh tởm nhất trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tự hỏi: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?”. Bậc thiên tài Nguyễn Du cân nhắc từng nét vẽ, từng chi tiết khắc họa Tú Bà. Hơn nữa, vừa ở câu trên, Nguyễn Du đã tả Thúy Vân và Thúy Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh giải thích: “Mai cốt cách: vóc dáng mảnh dẻ, thanh nhã như cành mai; tuyết tinh thần: tinh thần trắng trong như tuyết, chỉ lòng trinh bạch”. Vóc dáng ấy thon thả ấy, không khác gì mỹ cảm “Thắt đáy lưng ong”. Ông bà ta từ hàng ngàn năm trước đã quan niệm: “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.

Cái lưng to bè bè ấy, áp vào Thúy Vân có phù hợp không? Quyết là không. Phải là “khuôn trăng”, chỉ khuôn mặt người con gái. Nói đến vẻ đẹp của một con người, phải bắt đầu từ cái mặt. “Xem mặt mà bắt hình dong/ Con lợn có béo cái lòng mới ngon”, chứ huống hồ gì xem người. Ca dao còn có câu: “Má bánh bầu xem lâu muốn chửi/ Mặt chữ điền tiền rưỡi muốn mua”. Thế mới biết cái mặt quan trọng đến dường nào. Khi nói về tính cách của một con người,cũng ghi nhận từ khuôn mặt. “Cái mặt không chơi được”, nhan đề một truyện ngắn của Nam Cao là nói về cái ý ấy. Không phải ngẫu nhiên, trong các lễ cưới hỏi của người Việt có các phần nghi thức rạch ròi như “xem mặt”, “lại mặt”. Mà trăng trong “khuôn trăng” còn ám chỉ đến nét đẹp của mặt nguyệt, tức Hằng Nga đấy.

Có phải y suy diễn không? Thưa không.

Các cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều: “Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”. Cung nữ ấy rất đẹp. Lại nghe thiên hạ đồn rằng, thời xửa thời xưa, thời ông Bành Tổ vừa cất tiếng khóc oa oa chào đời thì bên Trung Quốc đã có “Tứ đại mỹ nhân”. Họ đẹp đến độ: “Chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa nhường”. Mặt nguyệt, mặt trăng theo quan niệm của người xưa là chỉ vẻ đẹp tót vời và được hóa thân thành Hằng Nga, vì thế mới có sự so sánh như trên. Khi dùng từ “khuôn trăng” dành cho Thúy Vân là Nguyễn Du ca ngợi vẻ đẹp ấy có khuôn mặt như Hằng Nga. Khuôn mặt ấy đầy đặn phúc hậu nên lông mày/ “nét ngài nở nang” là tương xứng, hợp lý.

Tóm lại, câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” là chính xác vì miêu tả về khuôn mặt Thúy Vân, hoàn toàn không dính dáng đến vóc người đẫy đà, nở nang gì sất. Nàng đâu có phải lực sĩ mà Nguyễn Du phải miêu tả: “Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang”?

Đôi khi giải thích lấy một câu thơ, tự dưng lại tủm tỉm cười một mình. Bởi lẽ, ít ra cũng đã dành một khoảng thời gian cho chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa có là gì không? Hỏi lẫm cẫm như vậy, vì đôi lúc nghĩ rằng, trong văn chương nhân loại có những cuộc tình lâm ly, bi đát, não nùng được thêu dệt bằng những áng văn hay khiến đời sau mê mẫn nhưng các nhân vật ấy, làm sao có thể sánh bằng chuyện tình của người thật việc thật? Mối tình Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy trong kiệt tác Mái Tây, qua ngòi bút của Vương Thực Phủ chẳng hạn, rất nồng nàn lửa bén. Nhưng cũng chỉ là nhân vật của văn chương.

Nếu chọn lấy một cuộc tình đẹp nhất trong tình sử Việt Nam, y dứt khoát chọn lấy Phạm Thái và Trương Quỳnh Như. Có đôi nét phảng phất như nhân vật trong Mái Tây, nhưng cuộc đời thật của họ khốc liệt hơn nhiều. Và hơn cả thế, họ còn để lại những áng thơ văn cho đời sau. Thơ về ý nghĩa cao đẹp của Tình yêu - chủ đề về một giá trị nhân văn sẽ còn lại sau khi phần kiếp hữu hạn đã chìm vào cõi hư vô mây trắng. “Có thể nói, Phạm Thái là một trong nhũng người đi đầu trong việc cách tân thể thơ trữ tình tiếng Việt, đưa thơ trữ tình tiếng Việt lên một cung bậc mới: nói tiếng yêu đương đầy sức giao cảm giữa nam và nữ” (Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế Giới -2003, tr.1370). Nếu không có tình yêu với Trương Quỳnh Như, liệu chừng Phạm Thái có làm được nổi không? Ắt không. Nghĩ rằng, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thơ ca, nhạc họa… hãy biết ơn những nhan sắc đã tạo nên cảm hứng sáng tạo đó cho người nghệ sĩ.

Chính từ tình yêu với Trương Quỳnh Như, lúc 27 tuổi, năm 1804, Phạm Thái mới có cảm hứng để viết Sơ kính tân trang. Không như các bậc văn nhân tài tử khác phải mượn tác phẩm cổ điển của Trung Quốc để diễn tả tâm sự, Phạm Thái đã lấy chất liệu từ chính cuộc tình sâu đậm của chính mình. Cuộc tình kết thúc bi đát, dầm đìa nước mắt. Mà cũng từ tình yêu, Quỳnh Như cũng có những bài thơ tuyệt diệu. Đọc lại bài thơ “Giờ Mùi” để khám phá ra nỗi lòng của người đẹp lúc tương tư. Nếu là đấng nam nhi, có thể biểu hiện: “Khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào/ Miếng tình nghẹn lắm biết làm sao/ Muốn kêu một tiếng cho to lắm/ Rằng ối ai ôi, nó thế nào?”.

Ở người phụ nữ, dù vậy, họ vẫn kín đáo hơn, dẫu “Muốn kêu một tiếng cho to lắm” nhưng rồi, họ vẫn không, chỉ lặng lẽ: “Giọng thảm giờ Mùi chẳng đấu thưng/ Vì ai nên nỗi, cũng vì chưng/ Mượn mây sơn thủy làm khoây khỏa/ Uất lửa tương tư để cháy bùng/ Cách điệu dịu dàng ai kẻ biết/ Áo khăn xôi xốc để ai nâng?/ Những là rầu rĩ, là buồn bực/ Trăm vẻ hồng đào cũng dửng dưng”. Còn gì hạnh phúc hơn, sung sướng hơn nếu được người mình yêu tặng cho bài thơ nồng nàn ấy?

Cuộc đời Phạm Thái, dù bất đắc chí, chán đời, vùi tháng ngày vào rượu "Bầu dốc kiền khôn giọng bét be" do không chấp nhận thực tại nhưng bù lại ông đã có mối tình đẹp như nước mắt. Ngàn đời sau, những con người yêu nhau vẫn còn nhớ đến. Đọc xong bài thơ trên, cảm động với chi tiết về nỗi buồn, sầu thảm của Quỳnh Như vì không thưng đấu nào dung nổi. Cách nói ấy dung dị và chân tình biết dường nào. Vì xa cách, nên “cách điệu dịu dàng” của nàng, chàng không biết đến; trong khi đó, chàng “áo khăn xôi xốc” lôi thôi lếch thếch, làm sao nàng có thể nâng khăn sửa túi? Quan tâm cho nhau là biểu hiện của tình yêu đấy thôi.

Ủa sao chiều này, lại nghĩ ngợi xa gần về tình yêu? Đơn giản chỉ vì vừa đọc lại Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái. Cuộc bút chiến độc đáo với Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng. Câu 66, Phạm Thái luận về sụ nghiệp nhà Tây Sơn: “…Canh Thân ấy nghĩ còn bền tựa đá. Quẻ Lục hợp bói ra thì cũng phải; Nhâm Tuất kia, âu hẳn nát như tro”. Xin giải thích, Canh Thân (1800) là năm Nguyễn Huy Lượng viết bài Tụng Tây Hồ phú, câu 66 có nhũng đòng như “đinh đóng cột” khẳng định sự bền vững của nhà Tây Sơn: “… Vạn phẩm đã nhờ khuôn Tạo, lại tầy ngôi chính thất, bốn mùa đều theo hướng Đẩu khu”. Thế nhưng nhờ qua quẻ bói Lục hợp, Phạm Thái đã tiên đoán: “Nhâm Tuất kia, âu hẳn nát như tro”. Nhâm Tuất (1802) là năm Gia Long lên ngôi, nói như Nguyễn Du trong Long thành cầm giả ca: “Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch/  Trong làng múa hát còn sót lại một người/  Trăm năm thấm thoát trong một hơi thở, một nháy mắt/ Cảm thương việc cũ lệ thấm áo”.

Băng khoăn tự hỏi, Chiến tụng Tây Hồ phú, Phạm Thái viết trước hay sau năm 1802, chưa có tài liệu nào trả lời được câu hỏi này. Nếu viết trước, vậy hóa ra cái quẻ bói ấy lại linh ứng đến thế kia? Sở dĩ kêu lên ngạc nhiên, bởi xưa nay y chẳng tin gì vào chuyện bói toán cả. Vậy mà, lạ quá đi thôi, biết đâu, Phạm Thái viết trước năm 1802? Mà cơn cớ làm sao đọc xong Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái, chiều nay, lại bàn về chuyện tình yêu? Ấy là sau những tương tư bầm dập, gẫy đổ tình duyên, thất tình não ruột, vậy y thử nhờ ai bói một quẻ xem sao? Thoáng nghĩ thế, bèn tủm tỉm cười một mình trong buổi chiều sắp vắt qua ngày của đầu năm mới.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.12.2016



tam-nguyen-tu-dien-viet-nam

 

Đôi khi, y lại tìm cách né tránh những gì đang xẩy ra trong đời sống. Khốc liệt quá. Tàn nhẫn quá. Kinh dị quá. Cảm thấy không đủ sức, dũng cảm để viết một điều gì cho rành mạch, cuối cùng, con người ta lại quay về một cõi khác. Như một cách xa lánh thực tế, nhắm mắt bịt tai, xem như không việc gì phải nghĩ ngợi đến, dù rằng, nó đang diễn ra và có tác động đến chân tơ kẽ tóc mỗi đời người. Thể hiện ấy, tên gọi đúng nhất vẫn là “mũ ni che tai”. Trong mớ hỗn độn của một ngày, y là mẫu người mà trước đây nhà văn Nam Cao đã chỉ ra là hạng “Sống mòn”. Ngay cả Nhật ký cũng né tránh thời sự mỗi ngày, liệu có còn là bản chất của thể loại này? Câu hỏi này, y thừa sức trả lời. Nhưng rồi lại quên béng đi, cố tình quên béng đi. Âu cũng là cách lựa chọn của số đông, chứ nào phải riêng y.

Về những trang Nhật ký đã viết năm 2015, sắp in thành tập lấy tựa Ngày sống đời thơ, PGS-TS Trần Hữu Tá (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM) nhận xét trong lời Tựa: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đó là một yêu cầu mang tính nguyên tắc của muôn đời. Nhà văn không thể lảng tránh. Tất nhiên đối với những vấn đề nhạy cảm, người viết phải rất thận trọng, nghiêm túc, xây dựng. Những kinh nghiệm này tôi ngờ là Lê Minh Quốc đã có thừa. Chẳng qua với tình bằng hữu văn chương, tôi xin nhắc lại với anh và cả tin anh sẽ làm rất tốt”.

Vâng, dù có làm tốt chăng nữa, khi in thành sách, người ta cũng cắt phéng đi. Có những vụ việc đã công bố trên mặt báo, không sao, nhưng lúc đưa vào sách lại khác. Cái sự cầm bút ở xứ mình, nó thế, như thế, dù rằng chẳng có một quy định pháp lý nào cả. Nói cách khác sự biên tập ấy là tùy theo nhận thức, bản lĩnh của mỗi người. Có quyển sách in ở nhà xuất bản này không sao, nhưng đưa qua nhà khác ắt sẽ khác. Cái sự khác rối rắm và vô lý này, dần dần đã khiến người cầm bút khôn ngoan hơn, đó là lúc tự họ “biên tập” trước khi người khác nhúng tay vào. Vì thế, những dòng chữ nhẹ tênh, mơ màng, tròn trịa đến “phải đạo”, không còn lưu lại dấu vết nào của sự gai góc, phản biện, cá tính của người viết.

Ở Việt Nam hầu như chưa có nhà văn nào đủ kiên nhẫn và dũng cảm viết một tác phẩm theo ý mình, dù rằng, thời điểm đó chưa thể công bố, phải biết chờ đợi lúc phù hợp hơn, hãy cất nó vào ngăn kéo, chẳng gì phải vội. Nhưng rồi, người ta vội quá nên phải lách bằng cách tặc lưỡi “thiến” luôn -  miễn sao nó ra mắt công chúng là được. Cái sự được ấy là được hay mất?

Sực nhớ lại nhà văn X. Ông đã mất. Lúc còn sống, ông có in hồi ký về cuộc đời viết văn, đọc xong, thấy nhẹ hều, chỉ là những tiếng vỗ tay, những tràng hoa thắm tươi trong hội trường, hội nghị. Ngạc nhiên quá, hỏi tại làm sao lúc đã gần đất xa trời vẫn chưa viết hết như những gì như đã từng kể cho y nghe. Người viết là dân văn nghệ, làm thơ viết văn và kể lại những chuyện bếp núc đàng sau trang viết thì có gì là ngại? Ông bảo: “Viết rồi. Sau này, con mình sẽ tái bản đầy đủ hơn”. Hôm nọ, gặp con trai của ông và hỏi về tập hồi ký ấy, lúc nào sẽ in theo nguyện vọng của ông bố trăng trối trước lúc về chín suối? Anh ta cười mà rằng, lâu nay, công chúng đã thừa nhận, đã nghĩ về ông bố của anh là thế này, thế này; nay in hồi ký theo văn bản đầy đủ ắt họ sẽ nghĩ về ông bố thế kia, thế kia… thì liệu có nên?

Âu đó cũng là một cách nghĩ khá phổ biến.

Đôi lúc tự hỏi, chẳng rõ vì cơn cớ gì, tại đâu, từ đâu con người viết lách cứ mãi lo sợ những điều mà họ nghĩ rằng sẽ xẩy ra, dù rằng, chẳng biết có xẩy ra hay không. Nhưng rồi, vì sự an toàn chính mình, như đã nói, tự họ lại cắtm phéng, tự giấu kín ngay suy nghĩ từ trong đầu, chứ đừng nói thể hiện trên trang viết.

Mấy hôm nay, y vẫn sống trong tâm thế đó. Đôi lúc thoát ra ngoài trang viết kiếm cơm nhì nhằng, bỗng giật mình tự trách, rằng, y đang sống  trog đời thật, hai chân dẫm dưới đất nhưng lại lớ ngớ như từ trên trời vừa rơi xuống đất. Giật mình với thông tin vừa công bố đồng loạt trên báo chí: “Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết từ đầu năm đến nay mưa lũ đã làm 235 người chết và mất tích. Ước tính tổng thiệt hại là trên 37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ đô la Mỹ)”. Rợn cả người. Lẽ ra phải suy nghĩ, tìm hiểu kỹ về sự việc này, vì ít ra đây cũng chính là trách nhiệm công dân nhưng rồi y lại lảng qua chuyện khác. Xem như không phải việc của mình.

Có phải là sự chọn khôn ngoan?

Chính vì nghĩ vậy nên dù có đôi lúc tự nhủ phải thế này, thế kia nhưng rốt cuộc lại “ngựa quen đường cũ”. Là vẫn nghĩ ngợi về những chuyện có thể người khác cho rằng rất ấm ớ. Chẳng hạn, sáng hôm qua, gặp lại nhà văn Nguyễn Thị Thị Thụy Vũ. Bà kể, đại khác trước năm 1975, nhờ viết feuilleton cùng một lúc cho vài tờ báo nên đời sống khấm khá. Nhưng rồi, do tiêu xài bạt mạng nên chẳng dành dụm được gì. Bà kể: “Lúc đưa con cái về quê sống chung, mẹ tôi biết chuyện bèn tế cho một trận”. Té ra, “tế” trong ngữ cảnh này, hoàn toàn không phải “cúng dâng trọng thể, thường đọc văn cúng và có chiêng trống kèm theo” như từ điển tiếng Việt giải thích, chính là chửi mắng ầm ĩ, tới tấp. Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố có câu: “Thợ cày và tuần phu đều biết cái hách dịch của ông Lý, ai nấy chỉ đáp lại những câu chửi chùm chửi lợp bằng sự nín lặng”. Thoạt nghĩ, “chửi chùm chửi lợp” cũng là một cách “tế”.

Lâu nay, nghĩ rằng: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong đổ lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Té ra, “tế” trong ngữ cảnh này lại có nghĩa là chạy mau, chạy đều bốn chân, “ngựa chạy nước đại” là “ngựa tế”. Hiểu thế nên câu ca dao này, y đã hiểu khác trước. Rồng ám chỉ vua chúa, vua quan, tầng lớp ăn trên ngồi trốc, trong lúc họ an lành, yên ổn ở kinh đô, thì lúc ấy dân đen, tầng lớp phu phen, binh mã đã phải xông pha vào nơi hòn tên mũi đạn ở Nam kỳ. Có thể xác định, câu ca dao này ra đời ngay sau năm 1859, đó là năm Trung tướng Rigault de Genouilly không đương đầu nổi với dân quân Quảng Nam ở mặt trận Sơn Trà. Tài cầm quân của danh tướng Nguyễn Tri Phương, lúc bấy giờ đã 58 tuổi thừa sức đẩy liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã rơi vào thế bị động, phá sản. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Rigault  de Genouilly đã quyết định thay đổi kế hoạch. Y chỉ để lại một đại đội và vài chiến hạm chiếm giữ bán đảo Sơn Trà do Đại tá Toyon chỉ huy, còn lại kéo đại quân vào đánh Sài Gòn. Câu ca dao trên ra đời vào thời điểm đó, cùng lúc với câu: “Giặc Tây đã đến Cần Giờ/ Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công”.

Về chuyện chữ nghĩa, hôm qua có trao đổi vu vơ, đôi dòng với anh Biền - bạn nhà văn, y cho rằng: Ngôn ngữ nghĩ cho cùng là thói quen của người sử dụng, dù có thay đổi hợp lý hơn, nhưng người ta vẫn khó chấp nhận. Những từ mới, dù khó chấp nhận, sai lè lè nhưng sử dụng riết thành quen thì người ta lại chấp nhận. Khôi hài thế đấy. Đó là bản chất của ngôn ngữ toàn cầu, xưa nay. Tiếng Việt cũng thế. Vì thế nói góp phần lý giải, mọi sự cải tiến chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ đến nay đều thất bại thảm hại. Vì sao, các ông các bà cứ la toáng lên với các từ "nửa nạc nửa mỡ" làm hỏng tiếng Việt, lo lắng làm gì, vì nếu người ta không sử dụng thì tự nó biến mất; còn nếu người ta đã sử dụng rồi thì đố hòng thay đổi.

Về y và i, gần đây ngoài Bắc có xu hướng dùng i ngắn nhiều hơn: lý luận/ lí luận, bác sỹ/ bác sĩ ... ban đầu thấy ngờ ngợ, riết cũng quen và chấp nhận. Khuynh hướng người sử dụng thời kỳ nào cũng muốn nói/ viết gọn mà vẫn đủ thông tin: chợ cầu sông Hàn/ chợ Hàn; ngã tư Bảy hiền: Bảy Hiền...; email: mail... Cái này sẽ lý giải vì sao 1 số từ biến mất, nay ta không hiểu: chó má: chó; tre pheo: tre; tang ma: tang... Tra lại từ điển 1651, những từ đôi này, cả 2 từ đều cùng 1 nghĩa, về sau người ta giảm lược khiến đời sau không hiểu vì nó không còn sử dụng.

Nghĩ là nghĩ ba chớp ba nháng tức thời, có thời gian sẽ suy ngẫm chu đáo hơn.

Anh Biền tán thành và cho biết vài thêm vài từ thú vị không kém: “Ngôn ngữ do người bình dân nói trước khi được người có học ghi chép cho đúng… chính tả. Ví dụ thời tôi dạy ở Phan Rí, nước mắm ngon là nước mắm nhỉ ra từng giọt. Nhưng người dân nói và các chai nước mắm đều dán nhãn “nước mắm nhĩ” (dấu ngã). Vừa rồi tôi đi Vinh, thấy nhiều bảng hiệu chỗ ghi “súp lươn”, chỗ ghi “xúp lươn”. Hỏi, có người nói “súp” là đúng vì gốc từ tiếng Pháp “soupe”. Có người lại nói, “xúp” là đúng vì nó nấu giống như “xáo” như xáo măng, xáo bò ở Quảng Nam. Thôi thì, người dân đã nói thì đều đúng cả.Vì tiếng Việt vốn phong phú mà”.

Nghe ra lấy làm hứng thú lắm đây. Nếu bảng hiệu kia ghi  "xúp lương" thì coi như "xong phim", bởi "xúp" còn có nghĩa loại ra, bỏ đi, theo Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức do từ "supprimer" mà ra - nào có ai muốn thưởng thức món ăn hàm ý bị cắt lương đâu. Thật ra, “súp”/ “xúp” tồn tại đã lâu lắm rồi nhưng mấy ai quan tâm, chỉ những ai sống bẳng nghề viết, yêu tiếng Việt mới suy nghĩ, đặt vấn đề vì sao lại tróe ngoe đến thế kia.

Mà thật tình đã có những sự việc tượng tự. Hiện nay từ điển ghi nhận hào - một phần mười của đồng bạc là cắc, đồng bạc cắc. Nhân đây nói luôn, “cắc” cũng đồng âm với tiếng kêu nhỏ, giòn như “Đồng xu rơi xuống sàn nhà kêu cái cắc”. Nhà ngôn ngữ  Lê Ngọc Trụ cho rằng, phải viết cắc vì nó là từ “giác” (hào) mà ra. Trong khi đó, viết Lời nói đầu Tầm nguyên từ điển Việt Nam (NXB TP.HCM 1993) của Lê Ngọc Trụ, học giả Vương Hồng Sển lại quyết cãi cho bằng được phải là “cắt” với lập luận: “Giác, tôi dốt nên tôi không biết. Tôi biết lấy đồng bạc cũ chặt đứt ra làm 2 thì nửa miếng ấy gọi là “ca-rô-bi” dựa chữ “roupie” gốc Ấn. Rồi lấy “ca-rô-bi” chặt làm 2, 1 đồng bạc chặt làm tư, nhưng lại gọi “gốc tư” tuy giá trị là 1/5 (pièce de vingt sous), và khi chặt một lần nữa được “một gốc tám”, tuy giá là mười xu (pièce en argent de dix sous). Cắt bạc 10 xu vẫn gọi “góc tám”.

Đọc xong đoạn này, thấy rằng, do dùng từ “chặt” với nghĩa “cắt” nên tác giả Hơn nửa đời hư, quả quyết phải gọi “cắt” mới đúng. Ngoài ra còn khá nhiều từ mà cách ghi nhận ngay cả trong từ điển vẫn chưa thống nhất, chẳng hạn, dụng cụ phát cỏ: phãng/ phảng; cái lạch nhỏ, cái mương nhỏ: xẽo/ xẻo v.v…

Khi viết những dòng này, tự dưng lại nhớ vu vơ câu chuyện đã cũ.

Nhớ rằng, “a, b, c…” là những mẫu tự đầu tiên mà đứa trẻ tiếp xúc khi đi học. Đùng một cái, năm 2002 không rõ do sáng kiến tham mưu của ai, Bộ Giáo dục - Đào tạo bèn cải tiến bằng cách cho trẻ học mẫu tự “e” trước “a”. Điều dễ dàng nhận ra, việc làm này dẫn đến xáo trộn toàn bộ trật tự bảng mẫu tự chữ cái La-tinh của chữ quốc ngữ truyền thống. Nhưng ai quan tâm đến vấn đề nay đều lên tiếng phản đối ầm ầm.
Bấy giờ, ông Trần Chút - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ TP.HCM phát biểu: “Tôi tán thành ý kiến của nhiều người cho rằng nên theo trình tự a, b, c. Vì trình tự này không phải là chữ nữa mà còn là văn hóa nối liền ta với thế giới, những nước dùng chữ La tinh. Ngoài ra, trình tự a, b, c còn theo trẻ suốt đời. Khi viết bài phải theo bố cục a, b, c, trong tính toán cũng đi theo từng bước như vậy, đến khi tra từ điển cũng theo thứ tự a, b, c... Không nên đánh đổi văn hóa và sự liên hệ với thế giới bằng sự lựa chọn khó hiểu nào đó”.

Sực nhớ lại chuyện kỳ khôi này, ắt nhiều vẫn còn phì cười. Thì ra, trong mớ bùng nhùng, rối rắm của dòng đời, đôi lúc con người ta lại tìm ra vài một hiện tượng, sự việc nào đó để há miệng ra cười.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.12.2016

 

phoca_thumb_l_yeu-em-da-nang

 

Cách đây chừng mươi năm khi mà xe lửa Bắc - Nam đã rút ngắn thời gian vận hành; rồi Nhà nước cho nghỉ thêm ngày thứ bảy, chia sẻ thông tin này, một anh bạn hào hứng gọi điện thoại: “Thế là thích quá, từ rày, mỗi lúc nhớ quê, có thể tranh thủ vào dịp cuối tuần. Chỉ ngủ một giấc trên tàu, sáng mai thức dậy đã có thể thưởng thức đặc sản quê mình”. Với những người xa xứ, nỗi nhớ canh cánh trong lòng còn là những món ăn ngon, hợp khẩu vị mà mỗi lần nhớ đến lại thèm thuồng, nuốt nước bọt cái ực rồi nhủ thầm: “Hãy đợi đấy”.

Nhà văn Vũ Bằng viết lên những trang tuyệt bút Thương nhớ mười hai, hấp dẫn bạn đọc vì một phần còn do ông cảm nhận về miếng ăn. Ăn không chỉ là ăn mà còn là không gian, không khí, thậm chí cả âm điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng từ giọng nói của người đối ẩm nữa. Đôi lúc nhớ món quê, bèn bảo vợ ra chợ mua đầy đủ vật liệu, rồi tự tay làm lấy với tất cả sự say mê, sung sướng nhưng rồi cũng không hài lòng. Chà, sao cọng rau ngò, cái lá tía tô, húng… sao lại nhạt thếch thế này, chẳng mùi vị gì cả. Chà, đây mà gọi là ớt à? Trái ớt này “ngoài mình” gọi ớt sừng trâu, nó cong vút, cắn nghe cái rộp mới khoái lỗ tai, nhai trong miệng kêu sực một tiếng, nó cay mà lại “cay thanh” mới đã đời làm sao. Nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

Về quê, gặp những gì?

Vừa đọc trên Facebook của anh bạn Nguyễn Thanh Lợi - vốn là nhà nghiên cứu văn học dân gian, học được một từ mới: “Ế mao huyết”. Anh cho biết: Trong nghi lễ Kỳ yên tại đình Bình Tự, cù lao Phố (Biên Hòa) có tiết mục "ế mao huyết" (đem chôn lông và huyết). Khi chọc tiết con lợn để tế thần, chủ tế lấy dao cắt một nhúm lông và một ít huyết tươi để báo với thần là con thú tuyền sắc và còn sống. Dĩa lông trình ra phía trước võ ca (phía ngoài sáng, thuộc dương), dĩa huyết trình trước bàn thần (phía trong tối, thuộc âm). Nhúm lông và chút máu tượng trưng đó được đốt và chôn trước đình”.

Đọc phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố, biết thêm rằng, con lợn cúng thần gọi là “ông ỷ”. Đây là lúc đưa “ông ỷ ra đình tế thần: “Đó là bốn con lợn lớn. Thứ lợn nuôi để cúng thần, đã được tôn làm ông Ỷ. Giữa đám lọng xanh, lọng vàng xúm xít bốn ông lợn lớn, chõm chọe ngồi trong bốn chiêc cũi tre, giống như hồi xưa người ta giải các tướng giặc bị bắt. Có điều cũi của tướng giặc ngày xưa chỉ có đanh chốt đóng giữ, còn cũi của mấy ông lợn này thì chằng buộc toàn bằng thừng chạc nhuộm mầu cánh sen, coi bộ cực kỳ long trọng. Hơn nữa, đằng sau mỗi cũi, lại có một đội âm nhạc đủ cả đàn sáo kèn nhị và một ông già đội mũ té áo thụng xanh, cung kính đi hầu. Như đám hàng tổng đánh cướp, trống cái trống con của các đoàn thi nhau thúc một hồi cuối cùng. Bốn chiếc cũi tre đồng thời được rước vào tận trước đình, và sắp thành chữ nhất. Bằng vẻ mặt rất tự nhiên, cả bốn "ông lợn" cùng chầu vào cửa đại đạo, không sợ hãi và không ụt ịt một tiếng nào hết”.

Về quê, y lại nhớ về tuổi nhỏ, thời còn i, tờ “ngày hai buổi đến trường/ yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Giang Nam) đã đôi lần chứng kiến cảnh cúng đình ở đình làng Hải Châu, Nam Dương… Ký ức đã xa tít mờ mịt sóng vỗ dưới vòm trời Đà Nẵng. Chẳng còn nhớ gì nhiều. Về quê, cảm hứng khiến con người ta tràn trề sinh lực, háo hức sung sướng nhất vẫn là những món ăn mà ngày xưa mẹ đã nấu. Sau này, nhớ về tuổi nhỏ, ai lại không nhớ về năm tháng tươi đẹp đó? Đã từng trả lời cho vnepress:

“Những món mẹ cho ta ăn thuở ấu thơ luôn ám ảnh trong trí nhớ, ngọt bùi trong ký ức. Có thể sau này, khi lớn lên, ta được ăn biết bao món ngon vật lạ trên đời nhưng cũng không thể sánh nổi... Bởi món ăn của ngày xa xưa ấy không chỉ có ý nghĩa vật chất mà nó còn cả tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho ta.

Đến nay, tôi vẫn chưa quên được món ăn ngày Tết do chính tay mẹ mình nấu nướng. Món mà tôi thích nhất là thịt lợn ngâm nước mắm. Không rõ trong Nam ngoài Bắc có món này không? Đó là những miếng thịt lợn thật ngon, đem luộc chín nhưng chín đến mức độ nào là một "bí quyết" của người nội trợ tài hoa, sau đó, để cho ráo nước, rồi đặt trong thẩu và đổ nước mắm vào. Điều khó nhất là phải pha chế nước mắm như thế nào thì mới “đúng điệu”, đó cũng là một... "bí mật". Dù thế nào đi nữa, nhưng chắc chắn phải là loại thượng hạng, phải là nước mắm Nam Ô mới đúng “bài bản”. Lúc ấy, ăn miếng thịt ta thấy ngon lạ lùng. Nay tôi đã lớn. Mẹ tôi đã già, ngày Tết tôi không còn được ai làm cho món ăn ấy nữa. Nghĩ lại, thấy bùi ngùi và tiếc cho năm tháng đã xa...”.

Sống xa quê, ai lại không có lúc thốt lên não nùng như ông Vũ Bằng: “Hỡi ôi là cái lòng thương nhớ của người ta: nhiều cái chẳng ra cái “chết” gì mà làm cho mình nhớ quá. Nhưng nhớ đến quả cà Nghệ hay là miếng cà bát dầm tương ăn đúng vào lúc hè, có phải đâu chỉ là nhớ cà mà thôi, mà chính nhớ đến người vợ tào khang, từ thuở bé đã được mẹ dạy cho cách làm tương cà mắm muối, lớn lên chỉ sợ không muối dưa muối cà được bằng chị bằng em - vì vẫn nghe thấy nói rằng muốn biết tài bếp núc của các bà các cô, chỉ xem mèm muối tương cà, thừa đủ!”. Món ăn ngon của từng vùng miền, ai đã chôn nhau cắt rốn, lớn lên nơi ấy, lúc đã xa bao giờ nhớ. Nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

Về quê, trong tâm thức của y vẫn là nơi đã sống chỉ 18 năm nhưng mãi mãi nhớ. Mãi mãi yêu vì nơi ấy, nhà thương bà Cách, ngay gần chợ Cây Me trên đường Phan Châu Trinh, y đã cất tiếng khóc oe oe cầm tinh con lợn. Mẹ ẵm bồng trên tay, mở mắt nhìn cõi đời. “Mới sinh ra thì đà khóc chóe/ Trần có vui sao chẳng cười khì?” (Nguyễn Công Trứ). Nếu dẫm hai chân trên mặt đất, ba vạn sáu ngàn ngày chỉ “cười khì”, có lẽ sẽ tẻ nhạt lắm đây. Nếu không có thất vọng tình nhọn gai bén, có lẽ văn học nghệ thuật của nhân loại sẽ không có những trang viết, cung bậc bất tuyệt đầm đìa cảm xúc: “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Nơi ấy, y đã yêu và đã sống trong khoảng thời gian thơ mộng, diệu vợi nhất.

“Đà Nẵng là nguồn nước trong veo/ Chảy qua từng mạch máu/ Tôi đi giang hồ từ năm mười sáu/ Còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn”. Nơi ấy, còn lưu lại trong ký ức tuổi thơ hương vị của ngày Tết. Trong đời sống xuôi ngược, những bốn từ “về quê ăn Tết” luôn dạt dào một niềm yêu thương vô bờ bến. Được tung tăng theo mẹ đi chợ Tết: “Mời bà con mua “gộ”/ Tiếng rao nghe rất ngon/ Nước mắm Nam Ô thơm/ Khiến tôi thèm điếc mũi”. “Gộ” là gạo - phát âm theo kiểu của người dân Quảng Nam. Rồi làm sao có thể quên: “Phong bì Tết đỏ hoe/ Bánh thuốc rê Cẩm Lệ/ Hoa vạn thọ tròn xoe/ Sao lại nhiều đến thế?”. Chắc chắn rằng, một niềm yêu dấu cảm động, chan chứa tình người nhất với con người vẫn một nỗi niềm đau đáu về kỷ niệm của ngày xưa. Ngày xưa có mẹ. Được ăn món ăn mẹ nấu. Nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

Những bước chân tha phương đâu dễ dàng quay về. Vì thế đôi lúc tự nhủ: “Ồ, ở Sài Gòn bây giờ, chẳng thiếu thứ gì, muốn ăn món Bắc, Trung, Nam đều có tất”. Nhưng lạ lùng thay, tâm lý của con người ta vẫn thích sản phẩm đó được nuôi/trồng ở “quê mình” mới đúng điệu. Ăn không chỉ là ăn cho qua bữa, cho no mà còn chính là thưởng thức cái hương vị đậm đà của nó nữa. Hương vị ấy gợi nhớ về năm tháng hoa niên của thời còn ở quê. Khó quên lắm, vì nó còn gắn liền với kỷ niệm.

Hiện nay, ở Quận 5 có con đường mang tên thi sĩ Tản Đà. Khoảng thập niên 1930, lúc vào Sài Gòn làm báo, sống ở Xóm Gà (Bình Thạnh), ông “thi sĩ ngông” thuộc hạng bậc nhất nước Nam đã từng thưởng thức và ngợi khen: “Sài Gòn nhớ vị cá tra/ Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên”. Nhưng rồi, lúc thèm phở quá, ông bèn tự tay làm nhưng cũng không sao thỏa mãn được cái thần khẩu vì… thiếu rau húng. Sài Gòn có rau húng chứ, nhưng ông vẫn nậy gạch lát sân, trồng cho riêng mình những ngọn rau húng đúng điệu của “quê mình”.

Lại nữa, y có anh bạn nhà văn quê tận Cà Mau, một hôm anh điện thoại tới tấp, giọng nói hân hoan, “hồ hởi phấn khởi” như báo tin sắp cưới vợ: “Lên nhà mình gấp, có món ngon đãi bạn đây”. Ngoài trời đang mưa tầm tả, vừa mệt nhoài công việc nên đâm ngại ra đường nhưng phải chìu bạn. Trên đường đi, y đã nghĩ đến những món ăn cao lương mỹ vị, sang trọng, đắt tiền mà bạn đãi vì mới “trúng mánh” từ một khoảng nhuận bút nào chăng?

Không hề, khi đến nơi, đã thấy từ dưới bếp cô vợ của anh ca ư ử Tình anh bán chiếu rồi bưng lên hai tô cơm… nguội! Y nản quá. Nản đến độ xụi lơ, không thể thốt nên lời. Nản như lúc danh ca hạng nhất sắp xuống xề câu vọng cổ để chờ nghe tiếng vỗ tay vang trời, dậy đất của khán giá mộ điệu thì đột ngột điện cúp cái phựt! Chưa hết, cô vợ anh lại nhẩn nha bê lên một đĩa… mắm ba khía. Chỉ có thế. Vâng, chỉ có thế. Y uể oải cầm đũa chỉ vì lịch sự. Vừa ăn, anh bạn vừa liếng thoắng: “Dưới quê mới gửi lên. Ngon quá xá là ngon”. Cái ngon ấy, còn “ngon” vì tình cảm của nỗi nhớ quê nữa.

Vâng, đúng là ngon. Nghĩ như thế, mới thấy thương những người sống xa xứ. Ở ngay tại xứ rét mà lúc ngoài trời có tuyết bay mịt mù, tâm hồn rét cóng nỗi lòng xa quê, đang thèm phở Bắc, don Quảng Ngãi, bún bò Huế, mì Quảng, bún nước lèo Sóc Trăng, khoai xéo xứ Nghệ… thì biết tìm đâu hỡi trời cao đất dày? Y sống ở Sài Gòn, nói như cụ Vương Hồng Sển là đã tròm trèm “hơn nửa đời hư” nhưng vẫn nhớ tinh khôi, rạo rực về chén nước mắm Nam Ô, dầm ớt thật cay chan vào chén bún sợi nhỏ. Thèm lắm. Có lúc vào siêu thị, mua đem về nhà, cớ sao ăn lại không ngon? Khổ thế đấy. Làm sao ở đây vừa ăn vừa nghe tiếng rao bằng cái giọng đặc Quảng từ trong thơ Nam Trân vọng lại: “Ai eng chè đậu doáng/ Ai eng đậu hảu không?/ Ai eng hột dịt lộn/ Ai ít ngọt? Xôi hông...?”.

Sống xa quê, nhớ quê là cái lẽ thường tình trong tình cảm mỗi người. Và nhất là nhớ món ăn vì nó còn gắn với tháng ngày êm đềm, thơ mộng trong ký ức xa xăm. Nhưng thật ra, đó chính là tâm lý của những người hoài cổ. Này nhé, sống tại Sài Gòn, mỗi năm đều có nhiều lần theo cha mẹ về quê, các bạn trẻ nào lại không thích đặc sản của quê cha, đất mẹ? Thích thì thích, nhớ thì nhớ nhưng họ lại không câu nệ cầu kỳ như thế hệ trước. Muốn cá nục kho cuộn bánh tráng? Muốn bún riêu có cả cua đồng giã nhuyễn? Muốn cá linh kho bông điên điển mùa nước nổi? Muốn bánh đúc chấm mắm tôm? Muốn bánh cuốn mà trong nước chấm có cả giọt tinh dầu cà cuốn? Muốn ăn gì nữa? Cứ ra chợ Sài Gòn là có tất. Việc gì phải ngong ngóng từ quê gửi vào, gửi lên, gửi xuống? Có thuận tiện hơn không? Nhiều bạn trẻ đã nói thế.

Ngẫm ra, họ có lý đấy chứ. Sống đâu, rồi dần dần cũng quen đó, nhất là sống tại một vùng đất đa văn hóa, giao lưu nhiều hướng và giàu nghĩa tình như Sài Gòn. Vẫn biết là thế, tin là thế, nhưng rồi lại có lúc, nhất là những lúc trời đất đang chuẩn bị bước sang năm mới, hương vị Tết đã ùa về ngây ngất trong tâm tưởng lại nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì”.

“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 14 trong tổng số 58