THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang

Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001

Đọc lại truyện ngắn “Một bữa no” của Nam Cao, tôi lại nhớ đến cái chết của trung sỹ Lê Văn Ẩm, C6, người Quảng Ngãi. Trong truyện ngắn của Nam Cao, bà cái đĩ đã phải quằn quại, mệt và chết vì bội thực sau nhiều ngày nhịn đói. Anh Ẩm của tôi cũng vậy. Anh đã chết vì một bữa thịt nai.
Anh Ẩm có dáng người cao, tình hiền lành, ít nói. Đặc biệt anh có nụ cười rất đôn hậu. Bộ ria rất “tay chơi” cũng làm nổi vẻ đẹp đôi môi đỏ của anh, dù anh hút thuốc khá nhiều. Anh vấn thuốc rất “suya”. Nhìn anh vấn thuốc, có cảm tưởng như nhìn một người thợ thủ công lành nghề đang chăm chú sản phẩm. Anh luôn phải vác B40, B41, song tôi chưa thấy anh to tiếng với ai bao giờ. Đó thật sự là một người nông dân với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp còn nguyên.
Mùa khô năm 80, một trung đội C6 truy quét ở khu vực nông trường mía, trên An-lung-viêng. Lương thực thực phẩm thiếu, nhưng vì nhiệm vụ, vẫn phải đi. Ròng rã nửa tháng trời, đến muối cũng gần hết và nước thì luôn thiếu.
Mùa khô hành quân thật gian nan. Mệt lả, mắt mỏi chân mỏi, ai cũng khát khao trở về. Có lần Hoàng Phê, người Khánh Hòa, bỗng truyền xuống: “Phát hiện một con đường chạy về Việt Nam!” Tin lan theo hàng quân. Tôi nghi ngờ, giữa rừng xanh núi đỏ thế này vẽ đâu ra con đường về Việt Nam? Đại đội trưởng lên kiểm tra. Thì ra mấy lính trinh sát đi đầu rỉ tai nhau và truyền xuống chỉ huy rằng: phát hiện một lối mòn chạy từ hướng bắc về hướng nam”. Tin ấy truyền đến anh chàng Phê thì bị cải biên. Anh này người miệt biển, mù chữ, chỉ biết viết mỗi tên mình nhưng chữ ê lại thiếu dấu, thành ra trên mũ anh ta lúc nào cũng có một chữ PHE nguệch ngoạc.
Đêm hôm đó, nghỉ lại giữa rừng, Hoàng Phê thắc mắc “sao mùa khô mà đi mãi không gặp vũng suối nào để bắt cá? Xứ sở của cá gì mà thế này? Đ. Mẹ, về quê tôi, ăn cá ngập đầu!”. Anh Ẩm vừa bốc gạo sấy vừa nhai vừa đùa: “Ông già đặt tên mình là Ẩm làm gì mà từ bé đến giờ lúc nào cũng đói khát”.
Bỗng một buổi sáng, đang hành quân, anh em bắn được con nai. Ngả làm thịt giữa rừng. Xoong, chậu, mắm, mỡ không có. Mọi người chỉ còn cách nướng. Sau bao ngày mệt mỏi, đói khát, được bữa thịt nai ấm chân răng. Ăn thật ngon lành. Nói cười rôm rả.
Đến trưa, trung đội trưởng Văn Châu Thanh, người Quảng Nam ra lệnh hành quân tiếp. Chủ yếu đi tìm nước uống. Bởi vừa ăn thịt nai chấm muối, ai cũng khát. Đến khoảng 2 giờ chiều, anh em gặp một con suối nhỏ. Mọi người ùa xuống. Người cứ thế vục mồm xuống uống, người múc bằng mũ cối, ngửa cổ đổ tràn vào miệng, có người còn tranh thủ ngụp cả đầu xuống. Rồi sau đó tất cả sang bờ bên kia nghỉ giải lao.
Riêng anh Ẩm không ngồi. Vẫn đeo gùi B40, anh đứng dựa vào một thân cây to, khịt khịt mũi. Bỗng anh nhăn mặt, bụng quặn lên, thở dốc. Mặt anh tái xám, mắt trợn ngược, miệng méo, nói không ra hơi. Không ai để ý đến anh. Bỗng nghe rầm một cái. Cây B40 đổ xuống. Mọi người nhìn lại, thấy anh Ẩm trợn mắt, sùi bọt mép, ngã vật ra. Gùi đạn vẫn đeo trên lưng. Y tá Đi, người Bình Định, vội chạy tới hô hấp nhân tạo, song không được. Anh Ẩm lăn lộn trên đất. Chỉ khoảng 15 phút sau đã từ trần.
Cuộc hành quân truy quét gần kết thúc phải bỏ dở. Khiêng anh Ẩm về C6 mất một ngày. Từ C6 về tiểu đoàn lại mất một ngày nữa. Tôi nhận xác anh Ẩm lúc trời đã tối. Tắm rửa, liệm, bỏ quan tài, làm biên bản kiểm nghiệm di vật tử sỹ đến khuya mới xong. Đêm đó tôi ngồi viết điếu văn để mai chôn anh sớm.
Y tá Nguyễn Đi kể, mấy hôm trước khi chết, hôm nào anh Ẩm cũng kể: “Đêm qua lúc gác tao ngửi thấy mùi thịt nướng. Thơm điếc mũi”. Anh em trêu Ẩm. Song Ẩm vẫn khát khao “sẽ được ăn một bữa thịt nướng chết bỏ”. Đi vừa kể vừa cười, cái mũi tẹt phập phồng. Anh ấn chiếc võng vào ba lô, buộc lại rồi đứng lên: “Tui đi đây. Đừng buồn, đồng hương. Ông Ẩm chết thế là mãn nguyện rồi. Tui đây mà chết thì chẳng có gì để lại đâu”. Đi cười và bước nhanh.
Con người ấy sống quá đỗi hiền lành. Những ngày tôi đi phối thuộc với C6, với giọng rủ rỉ rù rì, anh thường kể cho tôi nghe chuyện đồng quê anh, chuyện con bò nhà anh ăn hết ruộng mía ra sao, chuyện ông già anh khỏe thế nào, 60 tuổi vẫn bơi qua sông cứu thuyền đắm thế nào… Hình như tôi không thấy anh văng tục một câu. Đọng mãi trong tôi, anh cười thật hiền, đôi mắt đen láy, nụ cười thật tươi, tầm thước thật đẹp, bước đi thật dài.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com