THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: MẸ NGỒI TỰA CỬA

LÊ MINH QUỐC: MẸ NGỒI TỰA CỬA

421204980_7745348148827730_2340558047872586978_n

MẸ NGỒI TỰA CỬA

LÊ MINH QUỐC

Tết.

Ôi chao, tiếng Việt kỳ diệu đến thế ư? Chỉ cần nghe đến từ Tết, trên môi bật ra tiếng Tết, ngay lập tức mỗi một chúng ta lại cảm thấy xao xuyến, náo nức, rạo rực như thế giữa trưa nắng gắt, cổ họng khát đắng lại được úp mặt xuống dòng sông và uống từng ngụm nước trong veo mát rười rượi. Nước không còn là nước. Nước đã thành mây trắng thơm tho chảy vào miệng, tràn qua môi với tất cả sự diệu kỳ đằm thắm… Tôi không rõ, khi người châu Âu reo lên: “Happy new year”, tâm trạng của họ thế nào? Có như như người Việt khi thốt lên tiếng “Tết”?

Trong dòng chảy cuộc đời, khi ai nấy từng ngày tất bật mưu sinh, hỉ nộ ái ố với nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau, thế nhưng một khi nghe từ “Tết” lập tức tâm trạng lại có nhiều suy ngẫm giống nhau. Dám nghĩ rằng, khoảnh khắc đó trong đầu của họ lại nghe vọng về âm thanh reo vui của bếp lửa ấm giao thừa, của gió mùa lướt thướt rét ngọt, của mầm xanh tách vỏ nhú lá mới, của biết bao âm thanh thân thương khác nữa. Ấy là tiếng động trìu mến gợi lên hình ảnh đoàn tụ, sum vầy. Người ở nhà ngóng đợi người đi xa. Người đi xa đau đáu nhớ người thân thương nơi quê nhà. Chỉ có Tết mới đủ sức tạo ra điều chờ đợi thương nhớ ấy một cách dịu vợi nhất.

Trong sự chờ đợi ấy, bây giờ và mãi mãi, tôi luôn nghĩ đến hình ảnh của người mẹ, vẫn là lúc mẹ ngồi tựa cửa. Cách ngồi trầm tư và nhẫn nại ấy, hết sức đặc trưng cho người đàn bà Việt Nam. Ngồi ngay cửa, hướng ra ngoài sân, ngoài ngõ như thể hễ con về thì ngay lập tức sẽ nhìn thấy ngay. Nói lên điều này để thấy đứa con bao giờ cũng hiện hữu trong sâu thẳm tấm lòng của người mẹ. Thương nhớ con từ lúc nó lọt lòng rồi trải dài theo năm tháng. Và, tâm trạng chờ đợi thôi thúc nhất, giục giã nhất vẫn là dịp Xuân về Tết đến.

Mà, nào phải đợi đến lúc: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” (Nguyễn Bính), ngày nào người mẹ cũng đợi chờ. Trong khi đó, lũ chúng ta thân đã dài, vai đã rộng, đã đi những đâu? Có thể là những chuyến giang hồ vặt ngao du ta bà tứ xứ. Có thể hếnh hoáng những mong đi lên trời để hái ngôi sao công danh đặng sáng chói tuổi tên. Có thể đi trong vật vã cơm áo gạo tiền. Có thể đi theo nhan sắc hoa lài, hoa sen, hoa hồng, hoa huệ nào đó… Và tôi vẫn là lúc miệt mài, mải mê đi vào trong cõi mơ hồ xa xăm:

Cúi xuống nhặt được câu thơ

Chỉ là ngọn gió hư vô nhạt phèo

Ngọn gió đi qua trần gian này, không để lại dấu vết, tại sao cứ đi tìm? Ôi thơ. Hỡi thơ. Một trò chơi vô tăm tích. Hun hút đường dài. Không bắt đầu. Không kết thúc. Sao lại cứ đi tìm? Thương thay những con người thơ, những số phận thơ đã đánh mất biết bao ngày tháng tươi trẻ đi tìm sự vô vọng. Thời gian quý báu rơi vèo qua kẽ tay. Không sao cả. “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gận trời xa” (Truyện Kiều). Đi, cứ đi. Đã lớn khôn ắt phải đi. Đi xa vòng tay bảo bọc của mẹ. Để rồi sẽ có lúc con người ta giật mình, mới “ngộ” ra một điều hết sức giản dị:

Mẹ ngồi thềm cũ sẫm rêu

Sao ta ngoảnh mặt đi theo tuyệt mù?

Câu hỏi ấy sẽ không bao giờ, không một ai có thể trả lời, nếu mẹ mình đã đi về cõi khác. Nhắc lại, để tâm tình rằng, những ai đang còn có mẹ, dù phải đi nhưng hãy cố quay về, nếu có thể. Chẳng phải khoe khoang gì, nói thật, trong tất cả mọi sự rong ruổi vui chơi tùy hứng, không thèm nhớ đến ánh mắt đau đáu của mẹ ngóng đợi, có lúc tôi chìm sâu vào cuối đáy ly bia, chiếc linh hồn nhão nhẹt rượu, tâm trí đã bủa vây tầng tầng lớp lớp phấn son…

Vậy mà, kỳ lạ chưa?

Ngay trong khoảnh khắc của đồng lõa bóng đêm, chỉ cầm buông tay là sa xuống chín tầng trời đam mê không lối thoát, đột nhiên, tôi lại tỉnh như sáo. Tỉnh táo như vừa ngủ đẫy giấc, thức dậy với tất cả sự minh mẫn như mọi buổi sáng lành mạnh. Điều gì đã vụt đến níu kéo tôi không sa lầy vào cuộc chơi phù phiếm phơi bày trần trụi hưng phấn?

Chẳng có gì níu kéo anh rời khỏi cơn mê

Ngoài một điều duy nhất

Mẹ

Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành mẹ nhẫn nại như đất

Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất…

Sực nhớ lại, hình ảnh ấy đã đẩy tôi từ bóng tối bước ra ánh sáng. Nhiều người khác cũng thế thôi. Họ biết rằng, có một lúc nào đó, mọi cánh cửa đã khép, vẫn còn có cánh cửa mở: lòng mẹ. Cánh cửa của lòng mẹ không bao giờ khép, bao giờ cũng đợi con về. Và, tâm trạng chờ đợi thôi thúc nhất, giục giã nhất vẫn là dịp Xuân về Tết đến.

Với tôi, dăm năm xa nhà đi bộ đội, ôi chao, tôi nhớ xiết bao cái Tết đầu tiên sau khi xuất ngũ. Lúc ấy, còn sống trong thời bao cấp, dù ngày Tết ngày Nhất nhưng cũng không thể “ăn chơi xả láng sáng về sớm”, tha hồ mua với sắm cho nở mặt nở mày với thiên hạ. Vẫn là cái Tết dù tươm tất hơn mọi ngày nhưng cũng phải tằn tiện, “liệu cơm gắp mắm”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”… Nhìn ra, nhà nào cũng như nhà nào, ấy vậy mà mẹ tôi lại bảo: “Năm nay nhà mình ăn Tết lớn”. Lớn cái nỗi gì? Tôi không thể biết. Nhưng rồi, thật cảm động khi mẹ tôi bảo: “Năm nay, nhà mình có thêm con về”. Đơn giản. Rất đơn giản. Có đứa con xa nhà nhiều năm quay về, với người mẹ, chình là Tết. Tết của niềm vui, sum họp, đoàn tụ.

Ngẫm lại mới thấy sự vận hành trong cõi càn khôn này, trời đất này thật kỳ diệu: ngày trước, mẹ mình ngóng mình về thì nay mình lại ngóng con của mình. Sự tiếp nối không gẫy khúc, không đứt quãng, không bao giờ mất đi. Tựa như một hạt mầm đã gieo, ngày sau, ngàn sau lại xanh tươi Cây Đời. Khi tôi mỗi ngồi tựa cửa ngóng con, dù con chỉ mới đi học mẫu giáo, sáng đi chiều về, lại là lúc tôi nhớ đến mẹ mình của thuở yêu dấu xa xưa: “Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất…”. Vỉ lẽ đó, hình ảnh người mẹ vẫn còn đang đồng hành với mình đấy thôi.

Lại còn là ý nghĩa của ngày Tết.

L.M.Q

(nguồn: Giai phẩm Xuân 2024 Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com